Lại nói Bàng Quyên cùng thái tử Thân đem quân đi đánh nước Hàn, đi qua
Ngoại Hòang, có một kẻ sĩ là Từ Sinh xin vào yết kiến thái tử. Thái tử
hỏi:
- Tiên sinh hạ cố vào thăm quả nhân, có điều gì dạy bảo ?
Từ Sinh nói:
- Thái tử đi chuyến này, sẽ để đánh nước Hàn, tôi có thuật bách chiến bách thắng ở đây, thái tử có muốn nghe không ?
Thái tử Thân nói:
- Điều đó quả nhân muốn nghe lắm.
Từ Sinh nói:
- Thái tử tự lượng của mình có giàu hơn Nguỵ, ngôi mình có cao hơn vương không ?
Thái tử Thân nói:
- Hơn thế nào được!
Từ Sinh nói:
- Nay thái tử tự làm tướng đi đánh Hàn, may mà được, thì giàu chẳng hơn
Nguỵ, ngooi chẳng hơn vương; vạn nhất mà thua thì làm thế nào ? nay có
cái thuật để tránh đuợc cái hại trận thua mà chuốc được cái vinh quang
xưng vương, cho nên tôi mới nói là bách chiến bách thắng đó.
Thân nói:
- Phải lắm, quả nhân xin theo lời dạy của tiên sinh, lập tức kéo quân trở về.
Từ Sinh nói:
- Thái tử dẫu cho lời tôi là phải, nhưng chắc không làm được. Kìa một
người nấu canh, nhiều người húp nước, nay những kẻ muốn húp nước canh
của thái tử rất nhiều, thái tử dù muốn quay về, nhưng chẳng ai nghe nào.
Từ Sinh từ tạ ra đi. Thái tử muốn hạ lệnh ban sư, Bàng Quyên nói:
- Đại vương đem ba quân giao cho thái tử, nay chưa thấy được thua gì mà
đã vội ban sư, thì có khách gì bại trận ? chư tướng đều không muốn trở
về không.
Thái tử Thân không thể tự quyết được, bèn dẫn quân tiến đến thẳng kinh
đô nước Hàn. Hàn Ai hầu khiến người sang Tề cáo cấp và cầu cứu. Tề Tuyên vương hỏi quân thần, tướng quốc Trâu Kỵ nói không nên cứu, bọn Điền Kỵ, Điền Anh thì nói nên cứu, duy có Tôn Tẫn lặng im không nói gì. Tuyên
vương nói:
- Quân sư không nói gì, có lẽ cho hai kế cứu và không cứu đều là không phải chăng ?
Tôn Tẫn nói:
- cả hai đều không phải cả. Nước Ngụy tự cậy mạnh, năm trước đánh Triệu, năm nay đánh Hàn, lòng họ có phải đã quên nước Tề ta đâu ? nếu không
cứu thì bỏ nước Hàn cho béo Nguỵ, cho nên nói không cứu là không phải.
Ngụy sang đánh Hàn, Hàn chưa bị núng mà ta cứu thế là ta thay Hàn chịu
nạn binh cách, Hàn được yên mà ta bị nguy, cho nên nói cứu cũng là không phải.
Tuyên vương hỏi:
- Vậy thì biết làm ra thế nào ?
Tôn Tẫn nói:
- Cứ ý tôi, thì ta nên hứa với nước Hàn là cứu binh Tề sớm chiều sẽ đến.
Hàn hầu mừng quá, liền hết sức chống Ngụy, trước sau giao phong đến năm
sáu lần, Hàn đều không thắng nổi, lại sai sứ sang Tề thúc giục cứu binh, Tề lại dùng Điền Kỵ làm tướng, Điền Anh làm phó, Tôn Tẫn làm quân sư,
đem năm trăm cỗ xe đi cứu Hàn. Điền Kỵ muốn tiến thẳng sang Hàn, Tôn Tẫn nói:
- Không nên, không nên! trước kia ta cứu Triệu mà chưa hề đến đất Triệu; nay cứu Hàn sao lại đến đất Hàn ?
Điền Kỵ hỏi ý thế nào, Tôn Tẫn nói:
- Cái thuật để gỡ mối phân tranh, là phải đánh ngay vào nơi mà người ta
cần phải cứu. Nay ta nên chỉ đánh thẳng vào kinh đô nước Ngụy mà thôi.
Điền Kỵ theo lời, bèn, hạ lệnh cho ba quân tiến sang nước Ngụy. Bàng
Quyên đánh được quân Hàn luôn mấy trận, sắp tiến lên để đánh Tân Đô,
bỗng tiếp được tin cảnh báo ở trong nước nói quân Tề lại vào cướp Nguỵ,
Bàng Quyên cả sợ, liền truyền lệnh bỏ Hàn về ngay, quân Hàn cũng không
đuổi theo, Tôn Tẫn biết Bàng Quyên sắp đến, bảo Điền Kỵ rằng:
- Quân Tam Tấn vốn dũng cảm mà khinh quân Tề, chi bằng nay ta giả làm thế yếu để dụ nó.
Điền Kỵ nói:
- Dụ cách thế nào ?
Tôn Tẫn nói:
- Ngày nay nên làm mười vạn bếp, ngày hôm sau nên dần dần bớt đi. Nó
thấy số bếp giảm xuống tất cho là quân ta nhát sợ mà trốn tránh quá nửa, nó sẽ gấp đường tiến đánh. Như thế, khí nó tất kiêu và sức nó tất mỏi,
ta sẽ dùng kế mà đánh, thế nào cũng được.
Điền Kỵ theo như kế ấy mà làm.
Lại nói Bàng Quyên quay quân trở về, nghĩ thầm quân Hàn thua luôn, mình
đang chực tiến đánh, bỗng bị quân Tề quấy rối, phá công cuộc của mình,
lấy làm căm giận lắm; khi về đến đất Ngụy, biết là quân Tề đã đi trước
rồi, để lại dấu tích đóng trại cũ rất rộng rãi, mới sai người đến xem
chỗ bếp đun, thấy có mười vạn chỗ, hôm sau nữa chỉ thấy còn có ba vạn
bếp, Bàng Quyên mừng rỡ lấy tay giơ lên trán mà nói:
- Đó là hồng phúc của Ngụy vương!
Thái tử Thân nói:
- Quân sư chưa thấy quân địch thì làm sao đã vội mừng ?
Quyên nói:
- Tôi vốn biết người Tề hèn nhát, nay vào đất Ngụy mới có ba ngày mà quân lính đã bỏ trốn quá nửa rồi, còn dám đánh nhau nữa ư ?
Thái tử Thân nói:
- Người Tề hay lừa dối, quân sư nên cẩn thận.
Bàng Quyên nói:
- Bọn Điền Kỵ phen này tự đến nộp mình, Quyên dẫu bất tài cũng xin bắt sống để rửa cái thù ở Quế Lăng.
Nói xong liề truyền lệnh chọn hai vạn quân tinh nhuệ, cùng thái tử Thân
chia làm hai đội, gấp ngày đi lên, còn bộ binh thì lưu lại sau, sai Bàng Thông thống suất, từ từ tiến lên. Tôn Tẫn lúc nào cũng sai người dò
thăm tin tức, quân do thám bảo là quân Ngụy đã qua núi Sa Lôc, đi luôn
đêm ngày, gấp đừờng mà tiến. Tôn Tẫn tính nhẩm hành trình, biết thế nào
chiều tối ngày hôm ấy Bàng Quyên cũng đến Mã Lăng, chỗ này là một thung
lũng sâu và hẹp, có thể phục binh. Ven đường cây cối um tùm, Tôn Tẫn chỉ để lại một cây rõ to, còn đều sai chặt ngã xuống ngổn ngang giữa đuờng
để chặn lối đi, rồi lại sai cạo sạch vỏ ngoài mặt đông cái cây to kia,
dùng than viết sáu chữ lớn rằng: "Bàng Quyên chết dưới cây này", mặt
trên viết ngang dòng chữ "Lời truyền của Tôn quân sư", sai bộ tướng là
Viên Đạt và Độc Cô Trần kén năm nghìn quân cung nỏ, mai phục ở hai bên
tả hữu, dặn hễ khi thấy dưới gốc cây có ánh lửa, thì nhất tề bắn nỏ ra;
lại sai Điền Anh dẫn một vạn quân, mai phục ở nơi cách Mã Lăng ba dặm,
đợi khi quân Ngụy đã qua rồi, thì theo sau chặn giết. Tôn Tẫn phân phát
đã xong, cùng Điền Kỵ dẫn quân đến phía bắc đồn Viễn để dự bị tiếp ứng.
Lại nói Bàng Quyên dò biết quân Tề đi qua chưa xa, giận không thể một
bước theo kịp được, nên luôn luôn thúc giục quân lính đi thật nhanh. Khi đến đường Mã Lăng, thì mặt trời đã lặn, bấy giờ là hạ tuần tháng mười,
trời không có ánh sáng trăng, tiền quân quay lại báo có nhiều cây chặt
để nằm ngổn ngang trên mặt đường, khó đi lên được. Bàng Quyên mắng rằng:
- Đó là quân Tề sợ quân ta đuổi theo, nên lập ra kế ấy.
Nói xong, Bàng Quyên bèn ra lệnh cho quân lính khuân gỗ mở đường, nhưng
bỗng ngẩng đầu thấy chỗ thân cây đẽo trắng, thấp thoáng lại có nét chữ,
nhưmg vì là đêm tối khó nhận rõ, nên sai một tên lính châm lửa soi xem.
Bàng Quyên đọc thấy hai câu viết ở trên rất rõ ràng, bèn giật mình nói:
- Thôi ta mắc mưu thằng què rồi!
Liền hạ lệnh cho lui mau.
Bàng Quyên nói chưa dứt thì hai toán phục binh của Viên Đạt và Độc Cô
Trần trông thấy lửa sáng, đều giương cung nỏ bắn loạn, Bàng Quyên mình
bị trọng thương, liệu không thể thoát được mới than rằng:
- Ta giận không giết chết được thằng què ấy!
Nói xong, liền rút thanh kiếm đeo bên mình, tự đâm cổ mà chết. Bàng Anh
cũng bị tên nỏ bắn chết, còn quân sĩ bị giết không biết bao nhiêu mà kể.
Khi Bàng Quyên hạ sơn, Quỉ Cốc tiên sinh đã có nói sẽ vì lừa người mà
lại bị người ta lừa; Bàng Quyên dùng bức giả thư để lừa chặt chân Tôn
Tẫn, nay cũng bị Tôn Tẫn lừa lại bằng cái kế giảm bếp. Quỉ Cốc lại nói
gặp ngựa thì hỏng, quả nhiên Bàng Quyên phải chết ở Mã Lăng. Tính ra từ
khi Bàng Quyên đến làm quan ở nước Ngụy cho đến lúc bị chết trận vừa
mười hai năm, ứng vào cái triệu cành hoa có mười hai lá. Bấy giờ thái tử Thân ở phía sau, nghe tiền quân bại trận thì sợ hãi, đóng quân lại
không dám đi, không ngờ lại có một đạo quân Điền Anh, từ mặt sau kéo
đến, quân Ngụy sợ quá không ai dám đánh đều bỏ chạy tán loạn cầu thoát
lấy thân. Thái tử Thân thế cô sức kém, bị Điền Anh bắt sống trói lại để
trong xe, Điền Kỵ và Tôn Tẫn thống suất đại quân tiếp ứng, đánh giết
quân Ngụy thây nằm ngổn ngang đầy đồng, bắt được hết các xe lương thực
và quân khí. Điền Anh đem thái tử Thân dâng công, Viên Đạt, Độc Cô Trần
cũng đem nộp thi thể cha con Bàng Quyên. Tôn Tẫn tự tay chém đầu Bàng
Quyên, treo ở trên xe. Quân Tề đại thắng, cùng nhau hát mừng kéo về. Đêm ấy thái tử Thân sợ nhục cũng đâm cổ mà chết. Đại quân đi đến núi Sa
Lộc, gặp bộ quân của Bàng Thông, Tôn Tẫn sai người giơ cái đầu Bàng
Quyên báo cho biết; đạo quân ấy không đánh tự vỡ, Bàng Thông vội vàng
xuống xe đập đầu xin nộp mạng, Điền Kỵ muốn giết nốt, Tôn Tẫn nói:
- Làm ác chỉ một mình Bàng Quyên, đến con đẻ còn không nên bắt tội, nữa là cháu.
Bèn đem thi thể thái tử Thân và Bàng Anh giao cho Bàng Thông, bảo về báo ngay cho vua Ngụy biết, mau mau dâng biểu triều cống, nếu không, quân
Tề lại đến, thì tôn xã không còn. Bàng Thông dạ dạ rồi đi ngay. Điền Kỵ
đem quân về nước. Tề Tuyên vương cả mừng, đặc tiệc thưởng công, tự tay
đưa chén rượu mời Điền Kỵ, Điền Anh, và Tôn Tẫn. Tướng quốc Trâu Kỵ, tự
nghĩ ngày trước riêng nhận của lót nước Ngụy, muốn hãm hại Điền Kỵ,
trong lòng lấy làm xấu hổ, bèn xưng bệnh nặng, sai người nộp giả ấn
tướng quốc. Tề Tuyên vương bèn cử Điền Anh làm tướng quân, còn Tôn Tẫn
làm quân sư như cũ, gia phong ấp lớn. Tôn Tẫn cố từ không nhận, lại tự
viết cả mười ba thiên binh thư của tổ phụ là Tôn Vũ, dâng lên Tuyên
vương, nói rằng:
- Tôi là kẻ tàn phế, đội ơn dùng đến, nay trên báo được ơn chúa, dưới
báo được thù riêng, lòng ước mong đã được thoả. Sở học của tôi đều ở
trong sách này, lưu tôi lại cũng vô dụng, vậy xin cho một mảnh núi hoang để được yên ở hưởng hết tuổi già.
Tuyên vương cố lưu lại không được, bèn cho ra ở núi Thạch Lư. Tôn Tẫn ở
núi ấy hơn một năm, một hôm bỗng không thấy đâu nữa, có người nói là Tẫn đã thành tiên đi theo Quỉ Cốc tiên sinh rồi.
Tuyên vương đem đầu Bàng Quyên treo ở quốc môn để làm oai và sai người
báo tiệp với chư hầu; chư hầu đều sợ hãi, hai vua Hàn, Triệu cám ơn được cứu cũng thân hành đến chào mừng. Tuyên vương muốn cùng Hàn, Triệu hợp
quân đánh Nguỵ. Nguỵ Huệ vương sợ quá cũng sai sứ đến cầu hoà và xin
triều cống. Tề Tuyên vương hẹn với vua Tam Tấn cùng họp ở thành Bác
Vọng. Hàn, Triệu, Ngụy đều không dám trái ý, cả ba vua cùng thời triều
kiến, ai nấy đều cho là một sự vẻ vang. Tuyên vương từ đó cậy nước mạnh, say mê tửu sắc, xây Tuyết Cung ở trong thành, để làm chỗ yến tiệc ăn
chơi, lại mở một khoảng đất bốn mươi dặm, ở ngoài thành để làm nơi săn
bắn; lại nghe lời những người văn học du thuyết, lập ra tả hữu giảng
thất ở Tắc Môn, họp vài nghìn du khách, trong đó có bọn Trâu Diễn, Điền
Biên, Tiếp Dư, Hòan Uyên, bảy mươi sáu người đều cho vào hạng thượng đại phu, ngày nào cũng chỉ bàn bạc những sự hão huyền, cho bế thần là Vương Hoan coi giữ mọi việc. Điền Kỵ thường can ngăn không nghe, uất ức mà
chết. Một hôm Tuyên vương ăn yến ở Tuyết Cung, bày nhiều nữ nhạc, bỗng
có một người đàn bà trán rộng, mắt sâu, mũi cao, hầu lộ, lưng cong, cổ
to, ngón tay dài, bàn chân to, da đen như sơn, tóc bù như cỏ mùa thua,
mình mặc áo rách, từ ngoài đi vào, nói xin vào yết kiến Tề vương. Vũ sĩ
ngăn lại nói rằng:
- Mụ đàn bà xấu xí này ở đâu mà dám xin vào yết kiến đại vương ?
Người đàn bà xấu xí nói:
- Ta là người ở huyện Vô Diệm nước Tề, họ là Chung Li, tên là Xuân, năm
nay đã bốn mươi tuổi, kén chồng chưa được người nào, nay nghe đại vương
mở yến ở Li cung, ta đến yết kiến để xin được vào hậu cung làm việc rẩy
quét.
Ai nấy đều bưng miệng cười, cho là một người con gái trơ tráo vô sỉ, bèn vào tâu Tuyên vương. Tuyên vương cho đòi vào. Các quan ngồi hầu yến,
thấy người đàn bà ấy xấu xí quá đều bưng miệng cười. Tuyên vương nói:
- Trong cung ta phi tần thị nữ đã đủ ngạch cả rồi; mụ kia mặt mộc người
thô, ế ẩm ở trong làng xóm, thân phận dân hèn, mà lại muốn vào nơi cung
cấm, phải chăng là có tài năng gì lạ thường ư ?
Chung Li Xuân tâu rằng:
- Thiếp chẳng có tài chi lạ, chỉ có thuật ẩn ngữ (cách ra hiệu) mà thôi.
Tuyên vương nói:
- Hãy thử dùng cái thuật của mụ để đóan việc cho ta xem sao, nếu nói sai, ta sẽ chém đầu.
Chung Li Xuân liền giương mắt, hếch răng, cất tay hai ba lần, rồi vỗ đầu gối mà kêu to lên rằng:
- Nguy lăm! nguy lắm!
Tuyên vương không hiểu ý thế nào, hỏi quần thần, cũng chẳng ai biết. Tuyên vương nói:
- Mụ kia lại đây nói rõ cho ta nghe nào !
Xuân gật đầu nói:
- Đại vương tha tội chết cho thiếp, thiếp mới dám nói.
Tuyên vương nói:
- Cho mày vô tội.
Xuân nói:
- Thiếp giương mắt là thay vua mà nhìn cái nạn binh lửa, hếch răng là
thay vua để phạt cái miệng cự gián, cất tay là thua vua đuổi xa những kẻ sàm nịnh, vỗ đầu gối là thay vua đạp đổ cái đài yến ẩm chơi bời.
Tuyên vương cả giận mắng rằng:
- Quả nhân khi nào có bốn điều lỗ ấy, con mẹ nhà quê này dám nói càn. Quân đâu, đem chém cổ nó đi!
Xuân nói:
- Xin cho thiếp được nói rõ bốn điều lỗi ấy của đại vương rồi sẽ chịu
chết. Thiếp nghe Tần dùng Thương Uởng mà nước được giàu mạnh, không bao
lâu sẽ đem quân ra Hàm Quan để giành hơn thua với Tề, thì chắc Tề bị tổn hại ngay từ đầu, vì đại vương trong thì không có tướng giỏi mà ngoài
thì việc biên phòng bỏ trễ, cho nên thiếp vì đại vương giương mắt mà
nhìn. Đại vương say mê nữ sắc, bỏ trễ việc nước, những người trung trực
can ngăn, thì đại vương cự mà không nghe, cho nên thiếp hếch răng để vì
vua nhận lời can vậy. Vả bọn Vương Hoan a dua nịnh hót, bọn Trâu Diễn
bàn nói viển vông, đại vương tin dùng bọn ấy thiếp sợ có hại cho xã tắc, cho nên thiếp giơ tay để vì đại vương xua đuổi họ đi. Đại vương xây
cung mở vườn, dùng hết sức dân làm cạn kho nước, cho nên thiếp vỗ đầu
gối muốn vì vua đạp đổ những nơi ấy đi. Đại vương có bốn điều lỗi ấy,
nguy như trứng để đầu đẳng, mà còn vui chơi, không hề lo nghĩ, cho nên
thiếp phải liều chết tây bày, nếu được đại vương cho là phải mà nghe
theo, thì dù chết cũng không hối hận!
Tuyên vương than rằng:
- Nếu không có lời nói của họ Chung này, thì quả nhân không bao giờ được biết những điều lầm lỗi của mình.
Lập tức bãi yến, dùng xe chở nàng Chung Li Xuân về cung lập làm chính hậu.
Chung Li Xuân nói:
- Nếu đại vương không nghe lời thiếp, thì dùng làm gì cái thân thiếp
này, xin đại vương phải xem việc trị nước và việc dùng người hiền là cần cấp hơn cả mọi việc.
Tuyên vương theo lời, lập tức đuổi bọn du nịnh, tin dùng hiền sĩ, lại
đuổi hết bọn du thuyết đi, dùng Điền Anh lfm tướng quốc, đãi người nước
Trâu là Mạnh Kha làm bực thượng tân, từ đó nước Tề được yên ổn và thịnh
vượng, lại lấy ấp Vô Diệm phong cho nhà Chung Li Xuân, gọi nàng là Vô
Diệm quân.
Lại nói tướng quốc nước Tần là Vệ Uởng nghe tin Bàng Quyên chết trận, nói với Hiếu công rằng:
- Tần, Nguỵ ở gần nhau, nước Tần có nước Ngụy, cũng như người có bệnh ở
trong tim, trong ruột. Nếu Ngụy không cướp Tần thì Tần phải cướp Ngụy,
cái thế không thể cùng sống được. Nay nước Ngụy đã bị đại bại với Tề,
nên nhân dịp này mà đánh Ngụy, Ngụy không giữ nổi tất phải dời sang
đông; lúc bấy giờ Tần sẽ dựa vào núi sông hiểm trở, quay về phía đông mà chế phục chư hầu, đó là cái sự nghiệp đế vương vậy.
Hiếu công lấy làm phải, cử Vệ Uởng làm đại tướng, công tử Thiếu Quan làm phó, mang năm vạn quân đi đánh Ngụy.
Được tin cáo cấp, Ngụy Huệ vương họp quần thần lại để bàn kế chống nước Tần. Công tử Ngang nói:
- Khi trước Vệ Ưởng ở Ngụy, cùng hạ thần có quen biết, hạ thần đã từng
tiến cử lên đại vương, đại vương không nghe. Nay hạ thần xin đem quân
đi, trước hãy giảng hoà, nếu Vệ Uởng không cho, bấy giờ sẽ cố giữ thành
trì, cầu cứu hai nước Hàn, Triệu.
Quần thần đều khen phải, Huệ vương liền cử công tử Ngang làm đại tướng
mang năm vạn quân đi cứu Tây Hà, tiến đóng quân ở Ngô Thành. Công tử
Ngang đang muốn viết thư sai người cầm sang dinh quân Tần hỏi thăm Vệ
Uởng, muốn hắn bãi binh, thì bỗng có tướng sĩ giữ thành vào báo là quan
tướng quốc nước Tần sai người đưa thư, hiện ở ngoài thành. Công tử Ngang sai dòng dây qua thành đem thư lên, mở ra xem, thư rằng:
"Uởng này vốn tương đắc với công tử, không khác gì ruột thịt, mà nay mỗi người thờ một chủ, làm tướng ở hai nước, vậy nỡ nào lại dùng binh để
hại nhau. Ý tôi muố ước hẹn với công tử, hai bên đều bỏ binh xa và giáp
trụ, dùng lễ phục cùng họp mặt ở núi Ngọc Toàn, cùng uống rượu vui chơi
rồi về, để tránh cho hai nước cái nạn thịt nát máu rơi, khiến cho nghìn
thu về sau phải khen cái giao tình của đôi ta không khác gì Quản, Bão.
Nếu công tử bằng lòng, xin bảo cho biết ngày nào có thể hội diện được".
Công tử Ngang đọc xong cả mừng bảo rằng:
- chính hợp ý với ta!
Bèn hậu đãi sứ giả và viết thư trả lời như sau:
"Tướng quốc còn nhớ tình xưa, bắt chước việc cũ của vua Hoàn công nước
Tề, lấy áo xiêm mà thay cho binh xa, để yên dân Tần, Ngụy, rõ nghĩa
Quản, Bão. Đó cũng vốn là cái chí của Ngang này. Trong ba ngày, xin
tướng quốc định cho lúc nào, Ngang này cũng xin cúi đầu vâng mệnh".
Vệ Uởng được thư trả lời mừng mà nói rằng:
- Kế ta thành rồi!
Bèn sai người vào thành ước định nhật kỳ, nói rằng tiền doanh quân Tần
đã triệt bỏ, hạ lệnh cho về nước, chỉ còn chờ được hội kiến nguyên suý
rồi nhổ trại đều về. Lại đem hai thứ ngó sen và xạ hương dâng biếu, nói
rằng hai thứ ấy là thổ sản nước Tần, ngó sen ích cho người, xạ hương trừ tà khí, gọi là để ghi nhớ giao tình và tỏ ý thân yêu về lâu dài. Công
tử Ngang cho là Vệ Uởng yêu mình, càng tin là không có ý gì khác, liền
đáp thư cảm tạ. Vệ Uởng giả truyền quân lệnh, sai tiền doanh rút hết.
Công tử Thiếu Quang thống suất đi trước. Nhưng lại dặn thầm dọc đường
chỉ nói đi săn bắn để kiếm cái ăn, rồi chia đi mai phục ở các nơi Kỳ
Sơn, Bạch Tước sơn, hện đến cuối giờ ngọ đầu giờ mùi ngày ấy đều đến
dưới núi Ngọc Toàn, hễ nghe trên núi có tiếng súng bắn làm hiệu thì kéo
ùa vào, bắn hết những người đến đấy không để cho một người nào chạy
thoát.
Đến kỳ, vừa sáng ra, Vệ Uởng trước hết sai người vào báo trong thành,
nói là tướng quốc đã đến trước ở núi Ngọc Toàn chực sẵn, quân theo hầu
không đầy ba trăm người, công tử Ngang lại càng tin, liền lên xe phó
hội, đem theo xe mui chở các thứ rượu món ăn và một bộ nhạc công, số
người theo hầu cũng bằng của Vệ Uởng. Vệ Uởng đứng đón ở dưới núi, công
tử Ngang thấy người đi theo đã ít, lại không có quân khí, không còn ngờ
gì nữa, khi thấy nhau, đều kể giao tình ngày trước, và tỏ ý thông hoà
ngày nay. Những người nước Ngụy đi theo đến đó, ai nấy đều vui mừng. Hai bên đều bày tiệc rượu, công tử Ngang ở địa vị chủ, trước hết nâng chén
mời Vệ Uởng, thù tạc ba lần, tấu nhạc ba lần. Vệ Uởng sai quân sĩ phải
thay nhau báo giờ luôn luôn, rồi triệt bỏ tiệc rượu của nước Ngụy, bày
tiệc của nước Tần ra, hai tên hầu rượu đều là những tay dũng sĩ có tiếng ở nước Tần, một người tên gọi là Ô Hoạch, sức khoẻ mang được nghìn cân, một người tên gọi là Nhâm Bỉ, tay đánh được hổ báo. Vệ Uởng vừa cất
chén đầu khuyên mời, liếc mắt bảo ý các người hầu tả hữu đi lên trên
đỉnh núi bắn một tiếng súng, dưới núi cũng bắn súng theo, tiếng vang
hang núi, công tử Ngang cả sợ nói rằng:
- Tiếng súng ở đâu thế, có lẽ tướng quốc đánh lừa tôi chăng ?
Vệ Uởng nói rằng:
- Tạm lừa một lần, còn rộng cho tôi được chuộc tội về sau!
Công tử Ngang hoảng sợ muốn chạy trốn ngay, nhưng bị Ô Hoạch nắm chặt
ngay lấy, không thể cựa cậy được, Nhâm Bỉ thì chỉ huy tả hữu bắt hết mọi người trói lại, còn công tử Thiếu Quang đốc suất quân lính bắt hết các
xa trượng và quân lính theo hầu, không còn một người nào chạy thoát. Vệ
Uởng sai quân bỏ công tử Ngang vào trong xe tù, giải trước về nước Tần
để báo tiệp; lại đem những người đi theo đã bắt đuợc cởi trói cho hết và cho uống rượu để khỏi sợ; lại cho dùng những xa trượng cũ đem về, nói
dối là chủ suý phó hội trở về, lừa mở cửa thành, sẽ có trọng thưởng, nếu không nghe thì lập tức chém đầu. Bọn đi theo ấy là những kẻ hèn nhát,
đều sợ chết cả, nên đều vâng theo mệnh lệnh. Vệ Uởng sai Ô Hoạch giả làm công tử Ngang ngồi ở trong xe, Nhâm Bỉ làm hộ tống sứ thần, cưỡi một
chiếc xe theo sau. Quân Ngụy ở trên thành nhận thấy toàn là người mình
cả, liền mở toang cửa thành, hai viên dũng tướng ấy nhảy ra cùng một
lúc, tay đấm chân đá phá tan cửa thành, không đóng lại được nữa. Quân
Ngụy sấn vào chống cự, đều bị đánh ngã; mặt sau Vệ Uởng thân đem đại
quân đến, nhanh chóng như bay. Trong thành quân dân rối loạn, Vệ Uởng
cho quân lính được loạn sát một trận, rồi chiếm lấy Ngô Thành. Chu
Thương nghe chủ suý bị bắt, chắc là Tây Hà khó giữ được, bỏ thành chạy
trốn, Vệ Uởng kéo quân vào thành An ấp. Huệ vương sợ quá, sai đại phu là Long Giả sang dinh quân Tần xin cầu hoà, Vệ Uởng nói:
- Vua Nguỵ không biết dùng ta, nên ta phải sang làm quan nước Tần, đội
ơn vua Tần tôn làm khanh tướng, ăn lộc muôn chung, nay lại giao phó binh quyền, nếu không diệt Ngụy thì phụ lòng của vua Tần đã tin dùng.
Long Giả nói:
- Tôi nghe chim khôn đến rừng cũ, tôi hiền mến vua cũ, vua Nguỵ dẫu
không biết dùng túc hạ, nhưng đối với nước cha mẹ, túc hạ sao nỡ vô tình ?
Vệ Uởng ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi bảo Long Giả rằng:
- Nếu cầu ta rút quân về, trừ phi cắt hết đất Tây Hà dâng cho Tần thì không được.
Long Giả vâng lời về tâu với vua Nguỵ, Huệ vương phải theo lời, liền sai Long Giả đem địa đồ Tây Hà dâng cho quân Tần. Ngụy Huệ vương cho rằng
đất An ấp ở gần Tần khó giữ được yên, bèn thiên đô đến Đại Lương, từ đó
gọi là nước Lương.
Tần Hiếu công thưởng công Vệ Uởng, phong làm liệt hầu, lấy mười lăm ấp
Thương Ô là đất của Ngụy trước, làm thực ấp của Ưởng, gọi là Thương
Quân, vì thế đời sau mới gọi Vệ Ưởng là Thương Uởng. Uởng tạ ơn về phủ
riêng, bảo gia thần rằng:
- Ta là kẻ chi thứ nước Vệ, sang làm quan nước Tần, vì nước Tần thay đổi chính trị, lập tức trở nên giàu mạnh. Nay lại lấy được đất Ngụy bảy
trăm dặm, phong ấp mười lăm thành, đại trượng phu đắc chí đến như thế có thể nói là lẫy lừng lắm vậy!
Tân khách đồng thanh khen mừng, trong bọn đó bỗng có một người cất tiếng nghiêm nghị nói rằng:
- Nghìn người a dua không bằng một người nói thẳng, các người ở đây nhờ
ơn Thương Quân phụng dưỡng, há nên cứ dua nịnh mà làm hại chủ ư ?
Mọi người nhìn xem ai, chính vị thượng khách tên là Triệu Lương. Vệ Uởng nói:
- Tiên sinh bảo mọi người dua nịnh, vậy tiên sinh thử xem tôi đây cai trị nước Tần cùng với "ngũ cổ đại phu" ai hơn ?
Lương nói:
- Ngũ cổ đại phu giúp Mục công, ba lần bắt vua Tần, kiêm tính hai mươi
nước, làm cho chủ trở nên một vị bá chủ ở Tây Nhung. Vậy mà đến sự tự
phụng mình, nắng không che lọng, nhọc không cưỡi xe, đến ngày chết, trăm họ thương khóc như mất cha mẹ. Nay ngài làm tướng nước Tần tám năm,
pháp lệnh dẫu thi hành được, nhưng giết hại rất thảm, dân chỉ thấy oán,
mà không thấy ân, chỉ thấy lợi mà không thấy nghĩa. Thái tử giận ngài
giết mất người sư phó, oán vào tận cốt tuỷ, ở dân gian thì cha con anh
em đã lâu vẫn mang lòng oán giận; nhất đán vua Tần mất đi, thì ngài sẽ
bị nguy ngay, còn có thể giữ mãi được cái phú qúy ở ấp Thương Ô này mà
tự khoe là đại trượng phu chăng ? sao ngài không tiến người hiền để thay mình, rồi từ bỏ lộc vị lui về cày cấy ở nơi điền giả, chỉ như vậy mới
có thể mong chu toàn được.
Vệ Ưởng lặng im ra ý không vui, sau đó năm tháng thì Hiếu công bị bệnh
chết, quần thần tôn thái tử Tứ lên ngôi, ấy là Huệ Văn công. Thương Uởng tự phụ mình là cựu thần của tiên triều, ra vào ngạo mạn, công tử Kiền
trước kia bị Vệ Ưởng cắt mũi, còn găm nỗi tức giận trong lòng mà chưa
báo được, lúc ấy cùng Tôn Giả tâu với Huệ Văn công rằng:
- Tôi nghe đại thần quyền thế trọng quá thì nước nguy, các người tả hữu
quyền thế trọng quá thì thân nguy. Thương Uởng lập phép cai trị nước
Tần, nước Tần dẫu được thịnh trị, nhưng đàn bà con trẻ đều nói đó là
phép của Thương Quân, chứ không ai nói là phép của nước Tần. Nay lại
phong cho Thương Uởng mười lăm ấp, ngôi cao quyền trọng, sau này tất y
làm phản.
Huệ Văn công nói:
- Ta căm giận thằng giặc ấy đã lâu, nhưng vì nghĩ nó là thần hạ của tiên vương và chưa hề tỏ ra ý gì phảnh nghịch, nên hãy tạm dung cho nó.
Nói xong, liền sai người thu tướng ấn của Thương Uởng, bắt lui về ở ấp Thương Ô.
Thương Ưởng từ giã triều đình, lên xe ra khỏi thành, nghi trượng đội
ngũ, còn ngang với chư hầu, trăm quan đi tiễn tống không thiếu một người nào. Công tôn Kiền, công tôn Giả mật báo với Huệ Văn công, nói Thương
Quân không biết ăn năn tội lỗi, tiếm dùng nghi thức của vương giả, nếu
để cho hắn ở Thương Ô, tất hắn làm phản.
Cam Long, Đỗ Thế lại làm chứng quả có việc như thế, Huệ Văn công cả
giận, lập tức sai công tôn Giả dẫn ba nghìn võ sĩ, đuổi bắt Thương Uởng, truyền chém đầu đem bêu rồi về báo. Công tôn Giả lĩnh mệnh ra đi. Bấy
giờ nhân dân ai nấy đều oán Thương Quân, nghe tin công tôn Giả mang quân đuổi bắt, nô nức chạy theo có hàng mấy nghìn người, Thương Uởng đi xe
ra khỏi thành đã hơn trăm dặm, bỗng nghe mặt sau có quân đuổi theo, thì
sợ quá, biết là tân quân có lòng căm ghét, e không khỏi hoạ, vội trút bỏ mũ áo xuống xe, giả trang làm tên lính mà đi trốn; chạy đến Hàm Quan,
trời sắp tối, vào nhà hàng xin ngủ trọ, chủ hàng hỏi có giấy chiếu thân
không. Thương Uởng nói không có, chủ hàng nói:
- Phép của Thương Quân, không cho chứa những người không có giấy chiếu thân, ai phạm pháp đều phải chém, tôi không dám cho trọ.
Thương Uởng than rằng:
- Ta đặt ra phép ấy, lại tự hại thân ta!
Rồi đi luôn cả đêm, lẻn ra ngoài cửa quan chạy sang nước Ngụy, Nguỵ Huệ
vương giận Vệ Uởng lừa bắt công tử Ngang và cắt mất đất Tây Hà, nên muốn bắt Vệ Uởng để dâng Tần. Uởng sợ quá, lại trốn về Thương Ô, mưu khởi
binh đánh Tần, bị công tử Giả bắt trói giải về. Huệ Văn công kể từng
tội, sai trói Ửởng đem ra chợ, dùng năm con trâu phân thây, trăm họ xúm
lại tranh nhau ăn thịt, chỉ một lúc là hết. Huệ Văn công lại giết cả họ
Thương Uởng. Đáng thương cho Thương Uởng đổi lập phép mới, làm cho nước
Tần trở nên giàu mạnh, kết quả lại bị họa phân thây, há chẳng phải là
một cái quả báo đối với sự nghiêm khắc quá mức đó ru! sau khi Thương
Uởng chết rồi, trăm họ đều vui mừng hát múa ở đường, sáu nước nghe tin
cũng đều mừng rỡ. Cam Long, Đỗ Trí trước bị cách chức, nay đều được phục quan. Huệ Văn công cử Tôn Diễn làm tướng quốc, Diễn khuyên Huệ Văn công cướp lấy đất Ba Thục, rồi xưng vương để hiệu triệu thiên hạ, các nước
đều phải cắt đất như nước Ngụy để làm lễ mừng, nếu trái lệnh sẽ đem quân đánh ngay. Huệ Văn bèn xưng vương, sai sứ đi báo khắp chư hầu; các nước đều do dự chưa quyết, chỉ có Sở Uy vương vừa đánh chiếm được đất nước
Việt, đất rộng quân mạnh, ngang nhau với Tần, quát mắng đuổi sứ Tần đi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...