Đinh Ngọc nói người đến hỏi cưới tôi là con trai nhà Viêm quận công có tên Nguyễn Trọng Chiếu. Anh ta mặc dù chưa có chức tước cũng chưa đỗ đạt gì nhưng tính tình hiền lành. Huống chi Viêm quận công Nguyễn Trọng Viêm còn là quốc cữu, em trai của Thái phi, cậu ruột của chúa thượng. Gia đình coi như là có danh tước và quyền lực.
Tôi thở dài ảo não không biết lần thứ bao nhiêu, lại là nhà quận công, còn quan hệ huyết thống với chúa thượng. Nếu Viêm quận công là cậu ruột của chúa thượng vậy chẳng phải cái tên Nguyễn Trọng Chiếu đó là em họ của Trịnh Khải sao? Không được. Dù là ai cũng không được huống chi còn là anh em của Trịnh Khải.
Tối hôm đó trong bữa cơm tối, quận công nói với mẹ cả nên chọn ngày tốt để hai nhà gặp mặt. Tôi có chút sợ quận công nên ấp úng nói nhỏ:
- Cha, con không muốn gả đi.
Cạch. Đôi đũa được quận công đặt mạnh xuống mặt bàn phát ra tiếng động khiến mọi người đều sợ hãi. Quận công nhìn sững tôi nhưng không nói gì, mẹ cả khẽ lên tiếng:
- Con gái lớn rồi thì phải gả đi. Đinh Thanh tuy không còn nhỏ nhưng được cưng chiều nên thiếu hiểu biết mới nói lung tung, ông đừng tức giận.
Quận công hừ một tiếng rồi nói với mẹ cả:
- Bà cũng nên bớt thời gian mà dạy dỗ con nó đi kẻo sau khi gả đi lại bị nhà người ta chê này chê nọ.
Suốt bữa ăn còn lại, tôi im lặng nhưng nuốt mãi không trôi cơm, mọi thứ cứ mắc nghẹn lại ở cuống họng. Đến tối về phòng Đinh Ngọc lại kéo tay tôi khuyên nhủ một hồi, tôi cũng gật gật đầu rồi leo lên giường trùm kín mền ngủ. Trằn trọc mãi vẫn không ngủ được, tôi quyết định sáng mai phải đi tìm cái tên Nguyễn Trọng Chiếu đó.
***
Sáng ngày hôm sau tôi cùng Gạo ngồi xe ngựa đến thẳng cổng nhà Viêm quận công, nhưng khi đến nơi tôi lại không dám gõ cửa hỏi thăm. Biết dùng lý do gì để tìm gặp đây? Đang ngồi băn khoăn trên xe ngựa thì tôi nghe thấy tiếng cửa cổng mở ra, tiếng cười nói vọng đến:
- Công tử, hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cược con Phụng Thiên chứ ạ?
- Tất nhiên, hôm nay bổn công tử sẽ đầy túi trở về. Ha ha…
Tôi kéo rèm nhìn ra, thấy một thanh niên tầm hai mươi tuổi áo quần lượt là vừa đi vừa phe phẩy quạt, bên cạnh anh ta là một tên hầu xun xoe, vừa đi vừa nịnh. Nghe đâu nhà Viêm quận công chỉ có một đứa con trai, vậy thì người vừa đi ra chính là Nguyễn Trọng Chiếu. Vì vậy tôi xuống xe ngựa rồi cùng Gạo đi theo hai người chủ tớ ở phía trước.
Vừa qua khỏi ngã tư thì bọn họ rẽ vào một con đường nhỏ dẫn ra bãi đất trống, ở đó đã có rất đông người, thanh niên có, trung niên có, áo quần lượt là có, áo quần rách nát cũng có. Cả một đám người đông đúc vây quanh mấy con gà chọi đỏ au.
Một tên mặc áo đen thấy Nguyễn Trọng Chiếu thì lớn tiếng chào:
- Chiếu, nhanh chân lên, sắp cá cược rồi đấy.
Trọng Chiếu hất hàm, giọng điệu ngạo mạn:
- Bọn họ dám bắt đầu mà không có bổn công tử sao?
Mắt thấy anh ta phẩy phẩy quạt chuẩn bị nhập vào đám đông, tôi không kìm được lên tiếng:
- Công tử Trọng Chiếu!
Trọng Chiếu nghe gọi tên thì quay người lại nhìn tôi, ánh mắt toát ra vẻ tò mò. Tôi đến gần anh ta, muốn xác nhận một lần nữa:
- Công tử là Nguyễn Trọng Chiếu, con trai của Viêm quận công?
Anh ta nheo nheo mắt trả lời:
- Phải, là bổn công tử.
Tôi nói hết sức nghiêm túc:
- Công tử có thể nói chuyện với tôi một lát được không? Tôi có chuyện muốn nói với công tử.
- Rất tiếc ta không có hứng thú với mỹ nhân. Ta chỉ có hứng thú với gà chọi. – Anh ta nói rồi cười ha hả, tên người hầu đứng bên cũng cười theo, nghe thật chói tai.
- Tôi có chuyện quan trọng muốn nói với công tử. – Tôi kiên nhẫn lặp lại.
Lần này anh ta không cười nữa mà tỏ vẻ tức giận:
- Chuyện gì cũng để sau.
Anh ta nói xong liền quay người nhập vào đám đông đang đặt cược chọi gà. Tôi tức giận đi theo, kéo ống tay áo của anh ta ra lại bị anh ta trừng mắt giựt lại. Hai con gà chọi thân mình đỏ au được thả vào khoảnh đất trống có rào xung quanh. Trọng Chiếu và đám người không ngừng la hét:
- Đá nó đi, đá nó…
Gạo kéo tay tôi ra ngoài:
- Tiểu thư, trong đó toàn bọn đàn ông thô lỗ, người đừng chen vào.
Tôi hậm hực đến ngồi dưới một gốc cây đa nhìn Trọng Chiếu và đám đàn ông đang la hét, tay chân khua khoắng cỗ vũ hai con gà chọi ngoài bãi đất. Cuối năm gió lạnh thổi qua từng đợt khiến tôi run rẩy nhưng vẫn cắn răng chờ cho bọn họ chơi chọi gà xong. Đợi được một lúc thì thấy Trọng Chiếu mặt đỏ bừng phăm phăm tiến tới chỗ tôi ngồi, giọng khó chịu:
- Tiểu thư có gì thì nói mau đi để ta còn tiếp tục chơi.
Anh ta nói xong mà miệng còn lằm bằm là có tôi nên mới khiến anh ta thua cược. Tôi tức giận đứng dậy, nói thẳng vào vấn đề:
- Tôi không có cảm tình với công tử cho nên công tử đừng đến nhà hỏi cưới tôi nữa.
Trọng Chiếu há hốc miệng ngạc nhiên, sau đó anh ta nhíu nhíu mày hỏi tôi:
- Tiểu thư có nhầm người không?
- Không. – Tôi khẳng định.
Anh ta nhăn mặt quay qua hỏi tên người hầu bên cạnh:
- Ta có đi hỏi vợ à?
Nghe thấy anh ta nói vậy, tôi muốn trợn mắt ra. Tên người hầu của anh ta lại coi như bình thường mà thản nhiên trả lời:
- Công tử quên rồi sao? Có lần quận công nói là muốn hỏi cưới tiểu thư nhà Huy quận công cho công tử.
Trọng Chiếu ngẩng đầu nghĩ nghĩ một hồi rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh ta đưa hai tay đánh vào nhau cái bép, cười ha ha:
- Lúc đó ta còn đang bận tắm cho con Hồng Kỳ, làm sao mà nhớ rõ được.
Tôi nhíu mày nhìn anh ta, tên người hầu đứng bên cạnh gãi gãi đầu:
- Hồng Kỳ là con gà chọi yêu thích của công tử.
Đùa sao? Anh ta coi việc tắm cho con gà còn quan trọng hơn việc cưới vợ hả trời? Tôi thở dài ảo não nhưng cũng cảm thấy có chút may mắn, nếu anh ta không để ý việc cưới vợ vậy thì càng dễ nói chuyện. Gạo đứng bên cạnh tôi cũng không kiên nhẫn mà lên tiếng:
- Đây là tiểu thư Đinh Thanh của nhà Huy quận công, là vị hôn thê tương lai của công tử.
Trọng Chiếu nghe thế thì đưa tay xoa xoa cằm của mình rồi nói:
- Cũng không tệ, phu nhân của bổn công tử cũng xinh đẹp đó chứ.
Tôi nghiến răng nói:
- Tôi chưa phải là phu nhân của công tử. Hơn nữa tôi đến gặp công tử là muốn nói một chuyện, đó là xin công tử hãy tìm người khác để cưới về làm vợ.
- Ý nàng là sao? – Anh ta hình như vẫn chưa hiểu được vấn đề.
Hít vào một hơi thật sâu, tôi cố trấn tĩnh, nói chậm rãi rõ ràng:
- Tôi không muốn gả cho công tử. Xin công tử trở về nói với Viêm quận công tìm con gái nhà khác hỏi cưới.
Tên người hầu của Trọng Chiếu há hốc miệng nhìn tôi còn người đứng bên cạnh, tức là vị công tử nhà Viêm quận công lại có vẻ hờ hững:
- Tiểu thư không thích gả cho ta thì về nói với Huy quận công đừng chấp nhận hôn ước này là được. Còn ta, ta không quan tâm cưới ai.
- Chính vì tôi không lay chuyển được cha tôi nên mới phải tìm gặp công tử. Công tử cảm thấy cưới ai cũng giống nhau vậy thì xin hãy hỏi cưới người khác.
Tôi nghĩ mình đã nói hết lời như vậy thì ít nhất Trọng Chiếu cũng nên suy nghĩ một chút nhưng không ngờ anh ta lại bày ra bộ mặt chán chường:
- Ta không thích phiền phức, nếu Huy quận công đồng ý rồi thì cứ vậy đi.
Anh ta nói xong thì quay người trở lại bãi đất đang chuẩn bị cho lượt chọi gà mới. Tôi cố đè nén tức giận, bám theo anh ta:
- Này, tôi rất phiền phức lại vừa đanh đá, chua ngoa, công tử cũng thích cưới người vợ như vậy về để chịu khổ cả đời sao?
Trọng Chiếu nghe thế thì dừng chân lại nhìn tôi trong giây lát mới trả lời, giọng thản nhiên:
- Chờ đến lúc cha ta không còn thì ta bỏ nàng, cưới thêm nhiều vợ bé là được.
Tức hộc máu. Làm sao tôi có thể lấy một kẻ trơ trẽn, ham chơi, lười biếng lại ngông nghênh như anh ta làm chồng? Vậy mà Đinh Ngọc nói tính tình anh ta hiền lành, có lẽ tin đồn đã thổi sai sự thật đến một trăm phần trăm. Tôi ngẩng đầu nhìn trời, trong lòng lửa không ngừng bốc khói. Trước khi bỏ đi tôi còn kịp trừng mắt với anh ta, nghiến răng nghiến lợi nói:
- Có chết cũng không gả cho con gà như ngươi.Tôi hậm hực ngồi trong phòng, chỉ cần nhớ đến cái gương mặt lười biếng cùng giọng nói ngông cuồng của hắn ta là tôi lại bực bội. Đinh Ngọc vào phòng, nhìn thấy gương mặt nhăn nhó của tôi thì lên tiếng hỏi:
- Em làm sao vậy?
Tôi hờn dỗi trả lời:
- Em gặp tên cuốn chiếu đó rồi, hắn ta có gì tốt đâu mà chị khen chứ?
Đinh Ngọc nhíu mày hỏi:
- Cuốn chiếu?
- Là tên Trọng Chiếu đó, hắn ta vừa lười biếng lại vừa ham chơi, đã thế còn tự cao tự đại. – Tôi bĩu môi trả lời chị.
Đinh Ngọc nghe xong thì bật cười, cười rung cả hai vai rồi mới đến ngồi bên cạnh tôi, chị hỏi:
- Em gặp công tử Trọng Chiếu ở đâu?
- Điều đó không quan trọng, quan trọng là hắn ta khiến em tức chết.
Nghe xong, Đinh Ngọc khẽ cười:
- Có phải em vì không thích người ta nên toàn nhìn thấy điểm xấu của người ta không?
- Không phải. Hắn ta thực sự là người như vậy. – Tôi bĩu môi đáp lại.
Đinh Ngọc thở dài rồi nắm tay tôi mà hỏi nhỏ:
- Có phải em đã có người trong lòng rồi hay không?
Tôi im lặng không trả lời, Đinh Ngọc lắc đầu rồi nói tiếp:
- Trước đây chị cứ ngỡ em có tình cảm với Nguyễn Hoàn nhưng em lại nói chỉ coi là bạn. Rốt cuộc trong lòng em đang nghĩ gì? Tại sao cứ giấu giấu diếm diếm với chị như vậy?
Một hồi im lặng. Đinh Ngọc bất lực đứng dậy chuẩn bị rời đi thì bị tôi kéo lại, e dè nói:
- Chị, thực ra chị cũng biết người đó.
Đinh Ngọc nhíu mày nhìn tôi, chị nghĩ nghĩ một lát rồi hốt hoảng nắm lấy tay tôi mà hỏi:
- Em đừng nói với chị là thế tử Tông?
Tôi gật đầu thay cho câu trả lời. Tay của Đinh Ngọc khẽ run lên, chị nói có chút lắp bắp:
- Đinh Thanh, không phải lần đó em nói em không còn liên quan đến thế tử? Tại sao bây giờ…
Lần đó là ngày rước dâu của Đinh Ngọc, lúc ấy tôi cũng tưởng là sẽ không còn liên quan đến anh nữa. Nhưng sau đó tôi lại không nỡ rời xa anh. Tôi khẽ cười với Đinh Ngọc:
- Chị đừng lo, em biết mình đang làm gì. Hơn nữa Trịnh… à… thế tử bây giờ chỉ còn là vương tử.
Tôi biết mình chỉ đang cố trấn an Đinh Ngọc, thực ra tôi cũng rất lo sợ. Trịnh Khải tuy chỉ còn là vương tử nhưng anh vẫn còn gặp nguy hiểm. Đinh Ngọc nghe xong thì tức giận mắng tôi:
- Em ngốc. Ai cũng biết cha không ủng hộ vương tử Tông, em lại còn… - Đinh Ngọc bở dở câu nói rồi chị thở dài. - Em có biết chắc chắn cha sẽ không gả em cho vương tử Tông hay không?
Thực ra chuyện này tôi không phải là không nghĩ đến. Chỉ là tôi trong hình hài Đinh Thanh nhưng không phải Đinh Thanh, tôi không muốn bị người khác sắp đặt trước tương lai. Đinh Ngọc thấy tôi im lặng thì khuyên nhủ:
- Đinh Thanh, em nghe lời chị. Nếu em không thích công tử Trọng Chiếu thì chị sẽ nói với mẹ tìm cho em một mối khác, nhưng em phải quên vương tử Tông đi, đừng cố chấp, có được không?
Hình như Đinh Ngọc đã quên rằng quận công thực sự muốn gả tôi cho nhà Viêm quận công, dù là mẹ cả muốn gả tôi cho nhà khác thì cũng không được. Huống chi dù là nhà nào thì với tôi cũng giống nhau, tôi không muốn gả cho ai khác ngoài Trịnh Khải. Nhưng Đinh Ngọc thực sự thương tôi, chị lo lắng tôi sẽ đau khổ nếu cứ cố chấp tình cảm với Trịnh Khải. Tôi đành an ủi chị:
- Chị đừng lo lắng, thuyền đến đầu cầu ắt sẽ thẳng. Em cũng không phải không biết điều, em sẽ không gây chuyện đâu.
Đinh Ngọc lắc đầu bất lực, sau chị lại gí ngón tay vào giữa trán của tôi rồi mắng yêu:
- Em đừng gây chuyện là chị mừng rồi.
***
Vài hôm sau kinh thành truyền tin nhau, chúa thượng lập vương tử Trịnh Cán lúc này mới năm tuổi làm thế tử. Ngoài ra chúa thượng còn phong cho Huy quận công Hoàng Đình Bảo làm A Phó, thầy dạy dỗ cho thế tử Cán. Chỉ sau mấy ngày tin tức truyền đi rộng rãi, trong phủ quận công đã có không ít khách đến chúc mừng. Mẹ cả mặt lạnh nhạt ra đón tiếp, một nửa đuổi khéo, một nửa mời trà rượu rồi cũng tiễn đi, không nhận chút quà mừng. Đối với thái độ của mẹ cả, tôi rất nể phục. Nếu ai cũng như bà thì chắc sẽ chẳng có quan tham nhũng, người dân cũng sẽ sống yên bình hơn.
Tháng mười một, bà mối lại đến gõ cửa. Lần này đi cùng bà mối còn có Viêm quận công và phu nhân, quận công và mẹ cả vui vẻ tiếp đón. Mấy ngày sau tiến hành lễ vấn danh, đem tên tuổi Đinh Thanh đi so với tên tuổi Trọng Chiếu, kết quả ngày lành nhất để tiến hành lễ nạp tệ là vào tháng năm năm sau.
Khi biết được tin, tuy ngoài mặt tỏ ra hờ hững nhưng trong lòng tôi lại rất nóng nảy vì vẫn chưa tìm ra cách hủy bỏ mối hôn ước này. Xem ra cái nhà Viêm quận công kia không mấy coi trọng danh tiếng hay bất kể cái gì của tôi, cái họ quan trọng là quyền lực mà Huy quận công có trong tay. Cứ nhìn thái độ của tên Trọng Chiếu đó là biết, hắn cũng không mảy may quan tâm đến hôn ước, mọi chuyện đều do cha hắn sắp đặt.
Lề mề chưa nghĩ ra được kế sách nào hay thì tháng chạp cũng đã đến. Năm nay trời rét đến đông cứng người, suốt ngày tôi ở mãi trong phòng sưởi ấm bên bếp than. Đinh Ngọc thỉnh thoảng ngồi bên cạnh, thêu thêu thùa thùa và khuyên nhủ tôi vài ba câu.
Trịnh Khải không có tin tức gì mới, anh vẫn bình yên sống trong ngôi nhà ba gian kia. Dự Vũ vẫn mất tích không thấy tăm hơi. Ngày đưa ông Táo về trời, trong lúc tôi đang ủ rũ ngồi ngắm cây nêu vừa được dựng ngoài sân thì Hải đi vào rồi cúi đầu nói nhỏ:
- Tiểu thư, tối nay công tử đợi tiểu thư ở chỗ cũ.
Nghe đến Trịnh Khải, mắt tôi sáng rực lên, tinh thần cũng phấn chấn hẳn. Đến giờ Tuất, nhân lúc Đinh Ngọc cùng mẹ cả trong phòng nói chuyện riêng, tôi mặc thêm áo ấm rồi ra ngoài. Gạo đòi đi theo nhưng bị mấy người làm bếp kéo lại giúp họ làm bánh mứt cho ngày tết.
Hải đánh xe ngựa đưa tôi đến ngôi đền cũ. Lần này anh ta rất cẩn thận, đốt một lần hai đèn lồng, đưa tôi vào tận bên trong ao sen mới đi ra. Gió thổi qua lạnh buốt, tôi co ro ngồi sát đèn lồng đợi Trịnh Khải. Thực ra không phải Trịnh Khải đến muộn mà là tôi tranh thủ thời gian trốn đi nên đến sớm. Ngồi không tôi lại nghĩ vu vơ, nhớ có lần Trịnh Khải nói sau khi tôi và anh đoạn tuyệt, mỗi tối trung thu hai năm liền anh đều đến đây chờ tôi. Thì ra trung thu đầu tiên tôi ở cùng anh tại nơi này lại quan trọng với anh như vậy. Nghĩ đến đó, trái tim của tôi ấm áp vô cùng.
Tiếng bước chân ngày càng đến gần, tôi ngóng tai nghe cẩn thận. Ánh sáng từ đèn lồng chiếu không xa, đến khi thấy được bóng hình quen thuộc thì tôi mới thả lỏng. Giọng Trịnh Khải ấm áp vang lên:
- Nàng đến sớm vậy? Không sợ ma sao?
Tôi đứng dậy, bĩu môi với anh:
- Chàng còn dám trêu thiếp?
Rồi như nhớ ra điều gì, tôi lo lắng hỏi anh:
- Tại sao chàng lại ra ngoài? Lần trước gặp nguy hiểm như thế…
Chưa nói hết câu thì tôi chợt hiểu ra. Lúc đó chúa thượng bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng, ngôi vị thế tử lại đang bỏ trống nên tất nhiên Trịnh Khải sẽ là một mối đe dọa đối với Tuyên phi. Nay chúa thượng đã lập Trịnh Cán làm thái tử, ngôi vị đã vững vàng, Tuyên phi không cần tốn công sức giết hại Trịnh Khải nữa.
Trịnh Khải nhìn thấy biểu cảm biến hóa trên mặt tôi thì khẽ cười, anh ôm lấy tôi ngồi xuống thành ao rồi nói:
- Đinh Thanh, ta thực sự nhớ nàng.
Tôi ngẩng đầu ngạc nhiên nhìn anh. Hình như Trịnh Khải có chút khác lạ, đây là lần đầu tiên anh trực tiếp nói nhớ tôi, những lần trước đều là nói vòng nói vo. Trịnh Khải thấy tôi im lặng thì ôm chặt tôi vào lòng anh, giọng nói trầm ấm:
- Từ nhỏ ta đã lớn lên trong sự lạnh nhạt của phụ vương, mẹ thương ta nhưng lại dành hết thời gian để tìm cách lấy lòng ông ấy, kết quả cuối cùng bà vẫn nhận về là xa cách và đau lòng. Tuy ta là vương tử, được người người quỳ dưới chân nhưng chẳng mấy ai thật tâm với ta. Ta cũng nghĩ mình không cần ai cả cho đến khi gặp nàng. Ngày ấy ở miếu hoang là lần đầu tiên ta sợ hãi như vậy, lúc đó ta chỉ nghĩ là mọi cách phải bảo vệ nàng.
Thật hiếm khi Trịnh Khải lại nói nhiều như vậy, tôi thút thít trong lòng anh, vừa thương xót vừa cảm động. Tay tôi vô thức đặt trên ngực anh rồi chợt nhớ ra vết thương ngày hôm ấy, tôi ngẩng đầu cắt ngang lời anh:
- Vết thương của chàng thế nào rồi?
- Đã liền da, không còn đau nữa. – Trịnh Khải cười đáp lại.
Tôi ừ một tiếng rồi tiếp tục tựa vào người anh. Cả người Trịnh Khải dường như chắn hết gió cho tôi, hơi ấm anh truyền sang khiến tôi không cảm giác lạnh nữa. Trịnh Khải lại tiếp tục nói, giọng có chút bất đắc dĩ:
- Đinh Thanh, ta không dám hứa điều gì. Ta cũng không muốn nàng chờ đợi làm mất đi thời gian quý báu của nàng nhưng ta lại không nỡ rời xa nàng.
- Thiếp cũng nhớ chàng. – Không phải tôi đang trả lời Trịnh Khải mà đây là lời thổ lộ để anh biết rằng, tôi cũng không nỡ rời xa anh.
Trịnh Khải khẽ run người, một tay anh nâng mặt tôi lên, đôi mắt anh vô cùng sâu thẳm cũng vô cùng dịu dàng nhìn tôi rồi nhẹ nhàng đặt vào môi tôi một nụ hôn. Cảm giác mát lạnh trên đầu môi khiến tôi run rẩy, mắt khẽ nhắm lại lắng nghe tiếng tim mình đập mạnh mẽ. Hơi ấm của anh bao phủ lấy tôi, bình yên và ấm áp.
***
Đến lúc về đến phủ tâm trí tôi vẫn còn mơ mơ hồ hồ. Tôi ngồi trên giường quấn mền quanh người, miệng vẫn vô thức cười đến mang tai, hai má nóng đỏ bừng. Gạo mang chậu than mới vào phòng, nhìn thấy tôi thì nhíu mày hỏi:
- Tiểu thư, người có sao không?
Tôi xấu hổ hắng giọng rồi nằm xuống giường, trùm mền che kín mặt. Giọng của Gạo có chút lo lắng:
- Tiểu thư đau chỗ nào à?
- Không có. Ta chỉ muốn ngủ thôi. – Tôi vẫn trùm kín mền trả lời Gạo.
Trong phòng bỗng im lặng, tôi thấy khó hiểu nên chui đầu ra nhìn thử, thấy Gạo vẫn đứng im một chỗ bên cạnh chậu than. Cô bé thấy tôi nhìn thì e dè hỏi:
- Sang năm tiểu thư phải gả đi rồi… vậy… vậy còn vị công tử đó?
Nghe Gạo nói xong, lòng tôi chợt lạnh ngắt. Xem ra tôi phải tìm cách nào đó để khiến nhà Viêm quận công chủ động từ hôn mới được.
- Tiểu thư…
- Ừ, em về ngủ đi.
Gạo chần chừ rồi bước ra ngoài đóng cửa phòng lại. Tôi nằm trên giường, lăn qua lăn về, trong lòng rối rắm một hồi rồi ngủ lúc nào không hay.
***
Năm Nhâm Dần niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (tức năm 1782) cuối cùng cũng đến. Tết năm nay có Đinh Ngọc ở nhà nên không khí trong phủ tươi vui hơn rất nhiều. Tuy trong lòng khó chịu nhưng tôi cũng không thể làm ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người và Đinh Ngọc được cho nên tạm thời gác mọi chuyện qua một bên, vui vẻ cùng cả nhà ăn Tết. Tuy là ngày tết nhưng quận công bận đến tối mặt, hầu như ngày nào cũng ở trong phủ chúa. Sau tôi lại nghe ngóng được chúa thượng thực sự bệnh rất nặng, dù đã được danh y Hải Thượng Lãn Ông bốc thuốc nhưng bệnh tình vẫn không khá hơn. Có lẽ lúc này trong phủ chúa đang rối như tơ vò.
Đầu tháng hai, Vi Hà hạ sinh một bé trai. Tôi và Đinh Ngọc cùng đến thăm, Nguyễn Hoàn mặt mày hớn hở khoe với tôi sẽ đặt một cái tên thật kiêu cho con trai nhưng anh ta vẫn chưa nghĩ ra, đành chờ cha mẹ từ Trường Yên trở về.
Tháng ba, Phan Huy đến xin với quận công và mẹ cả cho đón Đinh Ngọc trở lại nhà bên kia. Đinh Ngọc tỏ vẻ mặt thản nhiên, trước sau không hề nhìn lấy Phan Huy một lần rồi cùng Gạo lên xe ngựa trở về phủ Trang quận công. Trước khi đi, chị nắm lấy tay tôi, căn dặn tôi một tràng dài. Tôi vừa nghe vừa cảm thấy có chút buồn cười nên nói:
- Đinh Ngọc, sau này em và chị còn gặp nhau hoài mà, chị đừng nói nữa, em cũng không nhớ hết đâu.
Đinh Ngọc tức giận không thèm nói chuyện với tôi nữa nhưng đến khi ra xe ngựa, chị vẫn quay đầu khuyên nhủ tôi:
- Em đừng đi gây chuyện thị phi, nếu không cha sẽ không tha cho em đâu.
- Em biết rồi. – Tôi đáp cho có lệ.
Đinh Ngọc sợ tôi phản đối hôn ước rồi sẽ đi ra ngoài tung tin xấu này nọ về bản thân mình để người ta thấy mà thay đổi ý kiến. Tôi nghĩ nghĩ thấy đây đúng là một cách hay để nhà Viêm quận công hủy hôn ước.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...