Đóa Sen Bên Hồ Tả Vọng


Trời chập choạng tối, người hầu từ trong xe ngựa đốt một đèn lồng mang ra chỗ chúng tôi ngồi. Lúc này Nguyễn Hoàn đã uống sang bầu rượu thứ tư, vừa uống vừa kể chuyện. Anh ta uống đã ngà ngà say, kể chuyện không theo thứ tự, cũng không rõ ràng, nhưng đại khái tôi có thể hiểu được.
Ra là lần trước tôi uống say, Nguyễn Hoàn nghe đâu được tin tôi bị cấm túc thì nổi cơn giận, về gây chuyện với Vi Hà, vị hôn thê của anh ta. Sau đó bên nhà gái biết được thì làm loạn lên, cả hai nhà cũng xảy ra xích mích mới kéo dài ngày thành hôn ra. Bên nhà gái đòi trả lễ vật nhưng Vi Hà kiên quyết không cho, đòi phải gả cho Nguyễn Hoàn bằng được, nhờ vậy hai nhà mới dần làm lành. Sau đó Nguyễn Hoàn bị Nguyễn Cảnh trách móc rất nhiều mới tỉnh ngộ. Tuy vậy anh ta vẫn không cam lòng nên mới hỏi tôi những chuyện ban nãy.
- Đinh Thanh, nàng là tri kỷ của ta đúng không?
Nguyễn Hoàn lè nhè ra được câu cuối rồi nằm gục trên tảng đá. Tôi bật cười, uống ngụm rượu cuối cùng mới quay ra gọi người hầu khiêng anh ta ra xe ngựa.
Tôi ngồi trên xe ngựa, bên cạnh là Nguyễn Hoàn nằm thở phì phò. Một gã người hầu lên tiếng:
- Tiểu thư, chúng tôi đưa người về phủ trước.
Tôi ừ một tiếng, xe ngựa bắt đầu lọc cọc chạy. Lúc xe ngựa chỉ cách phủ chưa đến hai con phố thì bất ngờ bị dừng lại.
- Nguyễn Hoàn. – Một giọng nam la lớn.
Tôi nhận ra giọng của Nguyễn Cảnh liền bước xuống xe ngựa. Nguyễn Cảnh nhìn thấy tôi thì rất đỗi ngạc nhiên:
- Đinh Thanh?
Tôi cười với anh ta, nói:
- Nguyễn Hoàn đã bị say rượu, đang nằm trong xe.
Nguyễn Cảnh nhíu mày, giọng có chút hơi lớn:
- Tiểu thư, cám ơn nàng đã giúp đỡ tìm Nguyễn Hoàn. Đã tối rồi, tôi sẽ đưa nàng về.
Tôi nhìn vẻ mặt không được tự nhiên của anh ta, cảm thấy khó hiểu, sau mới để ý thấy một kiệu gỗ bên đường có người hầu theo sau rất đông. Bóng người ngồi trên kiệu hắt vào tấm rèm mỏng, chỉ có thể nhìn thấy đường nét khuôn mặt và dáng ngồi.
- Đi. – Tiếng Trịnh Khải ra lệnh.
Kiệu gỗ chầm chậm tiến về phía trước. Tôi cúi đầu để Nguyễn Cảnh không nhìn ra vẻ mặt tôi lúc này.
- Đưa công tử về phủ. – Nguyễn Cảnh ra lệnh cho gã hầu đánh xe ngựa.
Hai gã người hầu đồng thanh dạ một tiếng rồi đánh xe ngựa đi. Tôi quay người, chầm chậm từng bước đi về nhà. Nguyễn Cảnh đi bộ sau tôi, cách một đoạn ngắn.
Đến quay mặt nhìn tôi Trịnh Khải cũng không muốn, có lẽ anh đã sớm quên đi đoạn tình cảm ngắn ngủi đó rồi. Tôi cười bản thân mình, tôi là người đã khiến anh hiểu lầm và thất vọng. Tôi là người ép buộc anh phải lựa chọn giữa tôi và ngôi vị thế tử. Tôi chính là người đẩy anh ra xa mình. Thế nhưng chỉ cần anh không để ý thì tôi lại có cảm giác hụt hẫng đến như vậy.
- Đinh Thanh, việc này khi về tôi sẽ giải thích với thế tử rõ ràng. – Nguyễn Cảnh lên tiếng.

Nguyễn Cảnh đang sợ Trịnh Khải hiểu lầm việc tôi đi cùng Nguyễn Hoàn sao? Tôi quay người lại, gắng nở một nụ cười mỉm:
- Không cần đâu. Đã về tới phủ rồi, tôi vào đây.
Nguyễn Cảnh gật đầu. Tôi đi lên bậc thang, đứng suy nghĩ một hồi rồi quay lại nói với anh ta:
- Ngày mai tôi có thể gặp công tử không?
Nguyễn Cảnh ban đầu có vẻ ngạc nhiên, sau đó nói:
- Được, chiều mai đầu giờ Dậu gặp tại lầu Dương Khê.
Tôi gật đầu, mở cổng đi vào phủ.
***
Giờ Dậu, trong phòng trà nhỏ trên lầu Dương Khê, tôi ngồi vuốt ấm trà, hồi tưởng lại đêm lễ hội hoa đăng vui vẻ cùng anh em Nguyễn Hoàn và Đinh Ngọc cũng tại nơi này. Bên dưới đường, các cửa hàng bận rộn dọn dẹp để đóng cửa, người đi lại trên phố cũng vội vã hơn.
- Đinh Thanh.
Tôi quay qua chào Nguyễn Cảnh, anh ta ngồi xuống ghế đối diện. Tôi rót một tách trà đưa qua, hỏi:
- Sáng nay Nguyễn Hoàn rước dâu sao?
- Đúng vậy, lễ cưới rất vui vẻ. – Nguyễn Cảnh vừa nhận tách trà vừa trả lời.
Tôi mỉm cười, sau chỉ nhìn mặt bàn, không biết nên mở lời như thế nào.
- Nàng muốn nhờ tôi việc gì phải không? – Nguyễn Cảnh lên tiếng trước.
Tôi ngẩng mặt nhìn anh ta, gật đầu, tay cầm túi vải trên ghế đặt lên bàn, đẩy qua phía Nguyễn Cảnh:
- Công tử hãy đưa vật này đến thế tử giúp tôi.
Nguyễn Cảnh trầm ngâm một hồi mới đáp:
- Đinh Thanh, tôi sẽ đưa giúp nàng. Nhưng tôi có một câu hỏi muốn hỏi nàng. – Anh ta nhìn tôi. – Nàng thực sự không hối tiếc?
Tôi nắm chặt tay, nghe một nỗi đau nhói lên từ sâu thẳm trong tim mình.
- Tôi không biết. – Tôi đáp.

Nguyễn Cảnh thở dài rồi cầm lấy túi vải đứng lên, đi ra ngoài, đóng cửa lại. Tôi vẫn ngồi im trên ghế, chờ tâm trạng bình ổn mới ra về.
Tối hôm qua, tôi lấy hai hộp gỗ từ trong tủ ra bỏ vào túi vải. Một hộp gỗ có khắc họa tiết hoa sen bên ngoài, trong là chiếc trâm ngà voi đính ngọc. Một hộp gỗ khác chứa chiếc khăn tay và bức thư của Trịnh Khải. Đáng lẽ tôi nên trả lại chúng cho anh từ lâu, nhưng tôi không có can đảm nhìn những vật kỷ niệm này. Lâu nay chúng vẫn nằm im trong tủ.
Trả lại kỷ vật cho anh, tôi sẽ chỉ còn những kỷ niệm khắc khoải. Nhưng về sau tôi sẽ không cần nhìn vật nhớ người, tôi cũng sẽ quên anh một cách triệt để.
***
Những ngày gần đây tôi rất ít khi thấy mặt quận công, Đình Duệ cũng rất bận rộn. Một hôm Đình Duệ từ trấn Sơn Nam trở về, mang đến cho tôi hai cuộn len lớn, nói là anh gặp thương buôn nước ngoài hỏi mua giúp tôi. Tôi cười vui vẻ, nói sẽ đan một chiếc khăn tặng anh, tiện thể mới hỏi Đình Duệ:
- Anh Duệ, có phải ở Đàng Trong xảy ra chuyện gì không?
- Không có. Sao em lại hỏi như vậy? – Đình Duệ nhíu mày, hỏi ngược lại tôi.
- Vì em thấy cha rất bận rộn, trước đây đã bận, hình như gần đây càng bận hơn.
Đình Duệ gật đầu, nói rất nhỏ:
- Chúa thượng đang bệnh nặng.
Tôi nghe mà run rẩy, chúa thượng bệnh nặng, vậy nhà chúa Trịnh sẽ ra sao? Trịnh Khải sẽ lên ngôi sao? Tôi bám theo Đình Duệ hỏi thêm nhưng anh chỉ nói, chúa thượng rồi sẽ khỏe lại. Tôi thấy Đình Duệ khẳng định thì có chút an tâm.
Chớm thu nhưng trời vẫn còn mưa rả rích, tôi ngồi ở nhà cặm cụi đan khăn choàng trong phòng, đan mỏi tay sẽ bỏ ra phòng bếp ngồi hóng chuyện. Những người hầu làm ở bếp từ lâu đã quen thuộc với sự xuất hiện của tôi, có lúc bận tay bận chân, họ cũng quên luôn thân phận, nhờ vả tôi lấy cái này cái kia, tôi cũng sẽ vui vẻ lấy giúp. Mẹ cả tuy biết chuyện nhưng không nói gì.
Một ngày nọ, trong lúc tôi đang ngồi ngáp ngắn ngáp dài trong bếp, bà bác lớn tuổi đang xào rau lên tiếng:
- Tiểu thư, lấy giúp tôi lọ muối.
Tôi gật đầu, đứng dậy lấy lọ muối từ trên kệ đưa tới. Bà bác lại hỏi:
- Tối qua tiểu thư không ngủ được sao?
- Đúng vậy, tối qua cháu mơ thấy ác mộng, sáng ra lại không thể ngủ thêm được. – Tôi ngáp thêm một cái.
Một chị đang nhào bột bật cười:
- Tiểu thư, khi nào người mới gả đi đây?
- Tôi sẽ không gả cho ai hết. Tôi ở nhà ăn cơm của mọi người nấu. – Tôi cười.

Trong bếp bắt đầu ồn ào, họ đoán già đoán non xem công tử nào trong thành sẽ trở thành con rể của quận công. Tôi nghe cũng chỉ cười hùa theo họ.
- Có chuyện, có chuyện rồi. – Một chị làm bếp chạy thẳng vào, vừa nói vừa thở hổn hển.
Tôi cảm thấy có nỗi sợ hãi vô hình dâng lên, liền hỏi lại:
- Chuyện gì?
Chị ta vuốt ngực, sau mới trả lời:
- Tôi vừa ra thành mua thêm rau, không ngờ nghe được tin thế tử bị truất ngôi rồi.
Tôi chấn động, cầm tay chị ta lắc mạnh:
- Chị vừa nói gì? Thế tử bị truất ngôi là sao?
- Tiểu thư, cả thành Thăng Long đang xôn xao lên, tôi cũng chỉ nghe nói vậy.
Tôi buông tay, ngồi phịch xuống ghế. Trịnh Khải bị truất ngôi thế tử, sao có thể? Tôi vùng đứng dậy, đi nhanh ra khỏi phòng bếp. Tôi cần tìm người hỏi về việc này, Nguyễn Cảnh, tôi phải đi tìm anh ta.
Tôi đứng trước cổng nhà Hân quận công, tay liên tục đập cửa. Gã người hầu lúc trước lại ra mở cổng, anh ta nhận ra tôi:
- Tiểu thư.
- Công tử nhà cậu đang ở đâu? – Tôi hỏi gấp gáp.
Anh ta làm mặt khó xử, sau mới trả lời:
- Tiểu thư, công tử đang trong nhà giam. Tôi chỉ nói được vậy thôi, tiểu thư xin đừng hỏi thêm. – Anh ta nói xong thì đóng cổng lại.
Tôi nghe mà run rẩy, Nguyễn Cảnh bị bắt giam, vậy Trịnh Khải bị truất ngôi là có thật. Thế tử bị truất ngôi là việc hệ trọng, rốt cuộc tại sao lại xảy ra cơ sự này? Anh liệu có nguy hiểm về tính mạng không?
Tôi ra xe, nói đến nhà Nguyễn Hoàn. Vừa đến đã gặp ngay anh ta đang chuẩn bị ra ngoài, tôi gọi:
- Nguyễn Hoàn.
Anh ta nghe thấy thì bước xuống xe ngựa, đến gần tôi:
- Đinh Thanh, nàng nghe tin rồi phải không?
Tôi gật đầu, hỏi:
- Rốt cuộc là có chuyện gì xảy ra? Tại sao thế tử lại bị truất ngôi?
Nguyễn Hoàn nhìn tôi:
- Thế tử bị gán tội mưu phản.

Tôi chấn động. Mưu phản. Trịnh Khải đã là thế tử, sao lại còn mưu phản? Có phải có ẩn tình gì trong chuyện này không?
- Vụ án của thế tử đang được xử lý. Rất nhiều quan đứng đầu và người dưới quyền đều có liên quan, Nguyễn Cảnh cũng bị bắt giam. Nàng muốn biết rõ có thể về hỏi cha nàng, Huy quận công là người đòi truất ngôi thế tử. – Nguyễn Hoàn nói tiếp.
Tôi run rẩy trong lòng, từ lâu tôi đã biết Huy quận công không ủng hộ thế tử, nhưng không ngờ ông lại chống đối đến như vậy.
- Cha tôi là người xử lý vụ án này sao? – Tôi sợ rằng Huy quận công sẽ đổ tội oan cho Trịnh Khải.
- Tôi nghe được, người vừa được giao xử lý vụ án này là Thị lang bộ Hình trước đây có tước Nghĩa Phái hầu.
Nghĩa Phái Hầu? Là nhà lần trước Quận Công hủy hôn. Tôi không chào Nguyễn Hoàn, quay người lên xe ngựa về phủ. Mặc dù tôi muốn Trịnh Khải từ bỏ ngôi vị thế tử kia, nhưng là tự anh rời bỏ, không phải bị truất ngôi. Tôi không tin anh mưu phản, có lẽ có một âm mưu nào đó đã được dàn xếp sẵn.
Tôi về phủ, đi ra đi vào, đợi đến tối thì Đình Duệ trở về.
- Anh Duệ, vụ án của thế tử sao rồi?
Đình Duệ nhíu mày:
- Đang chờ chúa thượng hạ chỉ.
Tôi hốt hoảng:
- Thế tử có nguy hiểm tính mạng hay không?
- Đinh Thanh, không được nhiều chuyện. – Giọng quận công từ bên ngoài cửa nói lớn.
Tôi cắn môi, trong lòng như lửa đốt, nói:
- Cha, con chỉ muốn biết, thế tử có gặp nguy hiểm không?
Quận công ngồi vào bàn, nhíu mày nhìn tôi:
- Con quen biết thế tử?
Quận công không ủng hộ Trịnh Khải, nhưng sự chống đối của ông đối với anh ở mức độ nào thì tôi không biết. Có lẽ đã trở thành đối đầu cũng nên. Tôi lắc đầu, trả lời:
- Con chỉ tò mò.
Quận công hừ một tiếng, nói:
- Ta đã nói con không được nhiều chuyện. Mau về phòng.
Tôi vẫn đứng sững tại chỗ, Đình Duệ đành kéo tôi ra gian nhà sau.
Tháng 9 năm Canh Tý 1780, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41, chúa thượng hạ chỉ, phế ngôi thế tử Trịnh Tông.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui