Tôi nghe Nguyễn Hoàn nói mà càng thấy khó hiểu, rõ ràng Huy quận công có vẻ thích Nguyễn Cảnh, nhưng tại sao Hân quận công lại ngăn cản quyết liệt như vậy? Tôi nói với Nguyễn Hoàn:
- Chỉ còn chưa đến bảy ngày nữa là đến lễ nạp tệ rồi.
Nguyễn Hoàn nghe xong có chút hốt hoảng, sau chỉ thở dài:
- Đúng là có duyên không phận. Giờ có làm gì thì cũng đã muộn rồi.
Tôi nghe Nguyễn Hoàn nói, lòng càng ảo não. Tôi đã cố gắng thuyết phục Đinh Ngọc, chị đã phải đấu tranh tâm lý lâu như vậy mới dám mở miệng đòi gặp Nguyễn Cảnh. Tôi không biết về phải nói thế nào với chị nữa.
- Công tử nhắn giúp tôi được không? Nói với công tử Nguyễn Cảnh, là chị Đinh Ngọc muốn gặp mặt một lần cuối. – Tôi nói.
Nguyễn Hoàn đồng ý.
***
Tôi về chỉ nói với Đinh Ngọc là đợi tin, không hề hé miệng chuyện Hân quận công và Nguyễn Cảnh. Ba ngày sau, rốt cuộc Nguyễn Hoàn cũng đến phủ tìm tôi, chúng tôi hẹn chiều sẽ gặp tại lầu Dương Khê.
Đến giờ hẹn, trời bỗng đổ cơn mưa phùn. Trời vốn se lạnh lại thêm phần lạnh. Mẹ cả thấy tôi và Đinh Ngọc chuẩn bị ra ngoài thì hỏi đi đâu, chúng tôi đành nói dối là lỡ có hẹn đến tiệm trang sức, nếu để mai đi e là thợ trang sức sửa không kịp cho ngày lễ. Mẹ cả không nói gì thêm, tôi và Đinh Ngọc cầm ô đi ra phố. Gạo ở lại giúp mọi người trang hoàng phủ.
Trời mưa, trên phố người đi lại thưa thớt, tôi và Đinh Ngọc mỗi người che một ô, im lặng suốt cả đoạn đường. Đến lầu Dương Khê, chúng tôi vào gian phòng cũ. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn đã ngồi đợi sẵn. Chúng tôi không chào nhau, chỉ nhìn nhau im lặng. Tôi thấy mắt Đinh Ngọc đã hơi hồng. Còn Nguyễn Cảnh có vẻ gầy hơn trước, anh ta đứng đó, vẻ mặt kiên nghị.
Tôi và Nguyễn Hoàn tránh qua gian phòng kế bên để hai người họ nói chuyện riêng. Gian phòng này nhỏ, có cửa sổ lớn nhìn ra đường phố. Tôi ngồi vào bàn, chống cằm, nhìn ra cảnh trời ngoài kia, lòng buồn rười rượi. Trời cuối thu, mưa phùn giăng giăng, không khí lạnh lẽo và u buồn.
Nguyễn Hoàn ngồi đối diện, rót chén trà nóng, đẩy qua cho tôi. Tôi đón lấy, đưa lên miệng, thổi thổi mới dám uống một ngụm.
- Sao mặt nàng tỏ ra buồn rầu đến vậy? – Nguyễn Hoàn vừa xoay xoay chén trà vừa nhìn tôi mà hỏi.
Tôi thở dài:
- Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ. – Là tôi chế lại từ câu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”
Nguyễn Hoàn cười khẽ:
- Thật không ngờ, nàng có thể xuất khẩu thành thơ như vậy.
Tôi liếc anh ta, sau đó im lặng, nhìn mưa rơi ngoài cửa. Nguyễn Hoàn cũng nhìn ra ngoài, không nói gì thêm.
***
Tối về tôi qua phòng Đinh Ngọc, hỏi hai người đã nói những gì. Đinh Ngọc ban đầu im lặng, sau thở dài:
- Nguyễn Cảnh muốn chị trốn đi cùng anh ấy.
Tôi chấn động, ra ở thời này cũng có người bỏ nhà trốn đi cùng người yêu. Mà cũng phải thôi, nếu không phải bị ép buộc thì con người đã không phải lựa chọn, một bên là gia đình, một bên là tình yêu. Tôi hỏi:
- Vậy chị trả lời sao?
Đinh Ngọc lắc đầu:
- Chị chưa trả lời. Còn vài ngày nữa là đến lễ nạp tệ rồi, chị không thể trốn đi, cha mẹ sẽ mất hết mặt mũi, tiếng xấu này đến bao giờ mới hết. Chị không muốn bất hiếu với cha mẹ.
Tôi đồng ý với chị, thế nhưng nếu vì chữ hiếu mà ở lại, vậy chữ tình kia phải làm sao? Hai mắt Đinh Ngọc ửng đỏ, nước mắt đã chảy dài ra hai bên má:
- Hôm nay chị đã biết rõ tình cảm của anh ấy. Chị càng không muốn gả cho người khác.
Tôi ngồi im lặng nhìn chân mình, tiếng nấc nhẹ của Đinh Ngọc xen lẫn tiếng gió thổi qua ngoài cửa, buồn bã.
***
Ngày hôm sau, Đinh Ngọc đột nhiên bệnh nặng. Thầy thuốc đến khám chỉ nói suy nhược tinh thần, thể chất yếu nên sinh bệnh. Thầy thuốc còn nói, ba ngày sau có lẽ cũng chưa xuống giường được. Mẹ cả nghe vậy càng lo lắng, ba ngày sau là lễ nạp tệ. Hôm đó Đinh Ngọc không thể không có mặt.
Mẹ cả sai người sắc thuốc, nấu cháo xong thì lắc đầu, thở dài đi lên nhà trên. Tôi đến bên giường, nhìn gương mặt trắng xanh của Đinh Ngọc, chị đang nằm mê man bỗng mở mắt, yếu ớt nhìn tôi.
- Đinh Thanh, nếu chị chết có phải tốt hơn không? – Chị nói, giọng thì thào.
- Chị ngốc sao. Không có ai tương tư mà chết cả. Chị nghỉ ngơi vài hôm sẽ khỏe lại thôi. – Tôi cố trêu chị.
Đinh Ngọc nghe xong, khóe môi chị hơi giãn. Chị lại nhắm mắt, hơi thở mỏng manh. Tôi nắm lấy một bàn tay chị, nói thầm:
- Em xin lỗi.
Tôi cảm thấy Đinh Ngọc ra nông nỗi này có một phần lỗi tại tôi. Chẳng phải ban đầu chị đã nén lòng mình, cam chịu cuộc hôn nhân này rồi sao? Chỉ tại tôi, tôi kích động chị, tôi khiến chị đối mặt với đau khổ, khiến chị phải trằn trọc suy nghĩ, khiến chị đau lòng. Là tại tôi nên chị mới suy nhược thần kinh mà sinh bệnh.
***
Ba ngày sau, lễ nạp tệ không tiến hành như dự định vì cô dâu không thể mang cơ thể yếu ớt ra mắt nhà trai được. Cả hai nhà đã bàn bạc lại, chọn một ngày tốt khác để tiến hành. Ngày tốt gần nhất lại là tháng giêng sang năm. Tôi không biết có nên nói trong họa có phúc hay không, dù sao tôi cũng không thể thay Đinh Ngọc quyết định được, cứ để chuyện đến đâu hay đến đó vậy.
Mùa đông đến, gió lạnh đến thấu xương. Trong phòng chúng tôi lúc nào cũng được đốt than sưởi ấm. Đinh Ngọc cũng dần hồi phục, khi chị uống thuốc, tôi sẽ đưa chị một cục đường phèn nhỏ cho chị ngậm. Sau đó, tôi sẽ kể chuyện cười hay những chuyện nhỏ nhặt trong phủ cho chị nghe. Khi Đinh Ngọc ngủ, tôi sẽ về phòng nằm cuộn chăn lại, vuốt chữ “Khải” được thêu trên chiếc khăn tay, ngọt ngào hồi tưởng những khoảnh khắc gặp anh.
Tôi vốn chịu lạnh kém, vì vậy nguyên một mùa đông, tôi không bước chân ra khỏi phủ. Hầu hết thời gian của tôi là ngồi bên chậu than trong phòng Đinh Ngọc, hoặc là nằm trên giường, trùm kín chăn, nghe gió thổi xào xạc qua cành cây ngoài sân.
Đến khi Đinh Ngọc hoàn toàn khỏi bệnh thì cũng đã sắp đến năm mới. Đây là cái Tết đầu tiên của tôi ở thời đại này. Trong phủ người hầu đã quét tước, cắt giấy, dán hoa lên tường. Bánh chưng, bánh giầy, bánh mứt đủ các loại đã được làm xong đâu vào đó.
Ngày hai mươi ba tháng Chạp Âm lịch, ở sân trước gian phòng khách được dựng lên một cây nêu rất cao. Cây nêu là cây tre được vót sạch cành, chỉ chừa ít lá trên đỉnh. Trên đỉnh cây nêu có treo một cái chuông nhỏ và một dải vải nhỏ dài màu đỏ. Chuông làm bằng đất nung, trong chuông có treo mấy xu tiền, khi gió thổi làm cây nêu đung đưa sẽ phát ra âm thanh vui tai.
Tôi và Đinh Ngọc mặc áo bông dày cộm, vui vẻ đứng ở sân nhìn người hầu dựng nêu, chôn cây tre xuống đất rất cẩn thận. Tôi hỏi:
- Dựng nêu để trừ ma quỷ hả chị?
- Ừ, hôm nay ông Táo về trời, phải dựng nêu để quỷ không vào nhà được. Đến mùng bảy Tết sẽ hạ nêu. – Đinh Ngọc trả lời.
Hôm đó mẹ cả sai người mang cá chép đi thả. Trong nhà ngoài sân lại được quét tước thêm một lần, câu đối cũng được dán lên ở khắp các cánh cửa trong nhà. Tôi thấy đây là thời điểm để chữ nghĩa học được đem ra áp dụng, vì vậy tôi đến đọc hai câu đối dán ở phòng khách:
“Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ
Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường” *
Tôi khóc thầm trong lòng, đọc được nhưng chưa chắc hiểu được. Thôi thì về phòng nằm vậy, cuối năm trời vẫn còn lạnh. Về đến trước cửa phòng, tôi cũng thấy hai câu đối dán ở cửa:
“Niên hữu tứ thời, xuân vi thủ
Nhân sinh bách hạnh, hiếu vi tiên”
Tôi đọc tới đọc lui hai lần, rốt cuộc cũng hiểu được. Một năm có bốn mùa, mùa xuân đứng đầu. Con người có trăm tính cách, hiếu thảo phải là đầu tiên.
Đêm ba mươi Tết, cả phủ trên dưới không phân biệt chủ tớ đều ra sân thắp nhang cúng trời đất. Trên cây nêu còn được treo một chùm pháo, một người hầu châm lửa đốt. Pháo nổ bụp bụp như súng liên thanh, tôi đưa hai tay bịt tai mình lại, quay qua cười với Đinh Ngọc. Chị cũng quay qua cười với tôi, nhưng tôi lại đọc được trong mắt chị một nỗi buồn man mác. Tết sang năm chị sẽ nghe tiếng pháo giao thừa ở đâu?
Tôi đang nghĩ mông lung thì bị Đinh Ngọc kéo tay đi vào gian nhà khách. Quận công và mẹ cả đang ngồi trên ghế, đầu tiên phát tiền lì xì cho tôi và Đinh Ngọc, sau đó các người hầu trong phủ cũng lần lượt lên nhận phong bao đỏ.
Mùng một Tết mẹ cả đi chùa, quận công đi vào phủ chúa. Gạo nói thường mọi năm tôi và Đinh Ngọc sẽ theo mẹ cả đi chùa, riêng năm nay do sức khỏe Đinh Ngọc yếu nên chúng tôi ở nhà. Ở phủ, tôi cũng không làm gì hơn, chỉ nằm trên giường sưởi ấm hoặc ngồi ăn bánh mứt với Đinh Ngọc.
Từ mùng hai trở đi, các quan lại và khách nườm nượp đến nhà chúng tôi chúc Tết. Nhưng chúng tôi không phải đi chúc Tết ai, cũng không được bước chân ra gian nhà trước chứ đừng nói đến ra khỏi phủ.
Mùng sáu Tết, khách không còn đến nhà, vì vậy tôi và Đinh Ngọc lại được thoải mái đi ra đi vào. Sáng hôm đó, Gạo vào nói nhỏ với tôi là có Nguyễn Hoàn đứng đợi bên ngoài phủ, muốn rủ tôi đi xem lễ hội đua thuyền. Tôi rủ Đinh Ngọc cùng đi.
Ra khỏi phủ đã thấy Nguyễn Hoàn và Nguyễn Cảnh cùng hai người hầu của họ đang đứng ở bên con sư tử đá. Đinh Ngọc nhìn thấy Nguyễn Cảnh chỉ cúi đầu, lặng lẽ đi cạnh tôi. Trước khi đi chơi, tôi đã dặn Gạo phải luôn theo sát Đinh Ngọc, sợ chị cơ thể đang yếu, bị đám đông xô đẩy sẽ ngã. Thế nhưng tôi đã lo xa rồi, Nguyễn Cảnh và hai người hầu của anh ta luôn giữ đủ khoảng cách để không cho những người đi đường khác đụng vào chúng tôi.
- Nhanh nhanh ra bến Tây Long, lễ hội sắp bắt đầu rồi. – Nguyễn Hoàn thúc giục chúng tôi đi nhanh hơn.
Tôi vừa đi vừa thở:
- Còn xa không? Bến Tây Long ở đâu vậy?
- Gần đến rồi, từ đây đã thấy sông Nhị Hà, đằng kia là bến Tây Long. – Nguyễn Hoàn chỉ đến khoảng trống đang chật kín người và cờ lọng ở một đoạn xa trước mặt.
Sông Nhị Hà? Tôi đoán đây là tên trước kia của sông Hồng ngày nay. Khi đến bến Tây Long, chúng tôi được lên một chiếc thuyền nhỏ có mái che đã được Nguyễn Cảnh thuê sẵn từ trước. Những nhà quý tộc khác cũng ngồi yên vị trên các con thuyền giống chúng tôi, còn có rất đông người dân đứng kín trên hai bờ sông nữa.
Thuyền nhỏ nhưng có thể ngồi ở bên trong đủ mười người, tôi và Đinh Ngọc ngồi cạnh nhau trên ghế sát mép cửa thuyền. Ngồi đối diện chúng tôi là Nguyễn Hoàn và Nguyễn Cảnh. Gạo và hai người hầu ngồi ở đầu mạn thuyền gần người chèo thuyền. Thuyền của chúng tôi chỉ đậu sát bờ.
Đinh Ngọc ngồi im lặng cạnh tôi, chúng tôi nhìn ra khoảng sông trước mặt qua những khoảng trống của lớp tre đan thưa thớt bên mạn thuyền.
Ngay giữa sông, hàng chục thuyền mộc dài đã xếp hàng ngay ngắn, thân thuyền tô đủ màu, đủ các hình thù. Trên mỗi thuyền có khoảng hơn mười người đàn ông khỏe mạnh, mang đồng phục sặc sỡ, đầu cột khăn. Mỗi một đầu thuyền có một người chít khăn trên đầu, lưng thắt một dải lụa màu, tay cầm dùi gõ trống nhỏ trước mặt. Khắp sông đỏ rực màu cờ đuôi nheo cắm ở mui thuyền, gió thổi bay phấp phới.
Tôi quay qua hỏi Nguyễn Hoàn:
- Sao vẫn chưa bắt đầu đua thuyền?
- Mọi người đang đợi chúa thượng phát lệnh. – Nguyễn Hoàn đáp, mắt vẫn nhìn ra ngoài sông.
Tôi nhìn theo hướng của Nguyễn Hoàn, phát hiện ra một chiếc thuyền hai tầng đang đậu không cách xa thuyền của tôi là bao. Trên đó có khá nhiều lính gác, cờ lọng treo đủ màu.
- Chúa thượng ra rồi. – Nguyễn Hoàn lên tiếng.
Chúa thượng từ bên trong lầu hai đi ra ngoài mạn thuyền. Chúa thượng mặc áo bào màu tím, đầu đội mũ tam sơn, bụng phệ có đai ngọc vòng quanh, đang từ từ bước ra. Một người phụ nữ mặc trang phục lấp lánh đi bên cạnh, chỉ nhìn nghiêng mặt đã thấy nhan sắc chim sa cá lặn, tôi đoán là một bà phi của chúa. Theo sau ngài là các quan lớn, mặc áo quan, đội mũ ô sa. Huy quận công đi ngay sau chúa thượng.
Ngay khi tôi định chỉ cho Đinh Ngọc thấy quận công thì có một người từ trong thuyền đi nhanh ra, các quan cũng dừng chân. Người đó mặc áo bào đỏ, đội mũ dương đường, đằng sau có cánh chuồn dát vàng, mang đai đính đá quý bịt vàng. Người đó dù chỉ nhìn nghiêng cũng thấy phong thái tuấn tú nổi bật, người đó là Trịnh Khải.
Trịnh Khải đi thẳng đến trước mặt chúa thượng mới dừng lại, cúi đầu làm lễ. Chúa thượng quay người đi tiếp, anh đi ngay đằng sau ông, gương mặt lạnh nhạt.
Rốt cuộc Trịnh Khải có thân thế như thế nào, tôi cảm thấy có một nỗi sợ hãi vô hình dâng lên. Tôi nhớ ra Trịnh Khải từng nói, mười hai tuổi anh đến ở nhà Hân quận công, nếu vậy Nguyễn Cảnh chắc sẽ biết Trịnh Khải.
- Người thanh niên mặc áo đỏ kia là ai? – Tôi hỏi Nguyễn Cảnh.
- Là thế tử.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...