Dịu Dàng Là Nhạc Sơ


Mọi người đều nói nhìn mặt Triệu Nhạc Sơ quá tối, sau này lớn lên chắc chắn chẳng thể làm cho chú Triệu nở mặt nở mày được.

Đừng nói đến chuyện có thể bước chân đến một nơi khác lập chí hay không, ngay cả chuyện thoát ra khỏi cái làng nghèo này thôi đã là chuyện không quá khả quan rồi.

Ai nấy nhìn cha con nhà họ Triệu cũng lắc đầu ra chiều tội nghiệp, người cha cố gắng mấy cũng không thấy có dư, đứa con suốt ngày quanh quẩn với đồng ruộng rừng núi, không bạn bè không chủ động xã giao.

Kiểu người như Triệu Nhạc Sơ theo đà này mà ra ngoài xã hội thì chỉ có bị bắt nạt hoặc bị coi thường mà thôi, tính toán dữ lắm cũng không thấy được lối đi nào cho cha con họ.

Kỳ nghỉ hè kết thúc cũng là đến lúc kỳ hạn thời gian "chữa lành" của Triệu Nhạc Sơ chấm dứt.

Triệu Nhạc Sơ không ghét việc học, nhưng Triệu Nhạc Sơ ghét những con người ở đó.

Rất lâu rất lâu về trước, khi còn học tiểu học, không một ai dám tiếp xúc với Triệu Nhạc Sơ vì sợ bị lây "bệnh thối".

Lên đến năm cấp hai, "bệnh thối" đã không còn là mối đe dọa đối với đám bạn học nữa, tin đồn ấy có lẽ đã chìm vào lãng quên, nhưng sự phân biệt đối xử với Triệu Nhạc Sơ vẫn còn đó.

Ác cảm của mọi người nhằm vào Triệu Nhạc Sơ vẫn tồn tại như một cái rễ đã ăn sâu vào tiềm thức và trở thành một bản năng, một phản xạ tự nhiên mỗi khi nhìn thấy Triệu Nhạc Sơ.

Thêm cả làn da ngăm đen của Triệu Nhạc Sơ vẫn nổi bần bật trước bao người như thế, cậu vẫn "khác người" và tính cách của cậu dần trở nên quái gở, dễ nổi nóng, thường đi học trễ ra về sớm, giống như cậu không thể kiên nhẫn chịu đựng không khí lớp học ấy thêm một giây một khắc nào nữa cả vậy.

Thái độ chán ghét của Triệu Nhạc Sơ đối với tất cả mọi người xung quanh thể hiện càng lúc càng rõ ràng, khiến bọn họ cho rằng Triệu Nhạc Sơ là một thằng "đã xấu, đã nghèo mà còn láo".


Học sinh cấp hai chẳng một ai đủ trưởng thành và sâu sắc để có thể cảm thông và thấu hiểu cho diễn biến tâm lý này của Triệu Nhạc Sơ cả.

Họ chỉ biết rằng, Triệu Nhạc Sơ rất khó ưa, và cậu đáng bị tẩy chay như vậy.

Và tất nhiên, họ là số đông, Triệu Nhạc Sơ chỉ có một mình, ai sợ ai khỏi nói cũng biết.
"Tao chưa thấy đứa nào nghèo mà láo như nó."
"Đệt, tao cũng vậy, má nó, nghèo vậy cũng bày đặt đi học."
"Chắc không biết nhục."
"Đm, gặp tao là tao nghỉ học mẹ nó rồi."
"Ê, học ngu vậy đi học chi vậy?"
"Về kêu ba mày dạy lại mày đi nha con chó."
...
Triệu Nhạc Sơ nghiến răng ken két lao vào đánh nhau với bọn họ, một lần, hai lần, ba lần...!chẳng một lần nào đánh thắng được ai cả.

Triệu Nhạc Sơ vừa nhỏ con vừa gầy gò yếu ớt thì làm sao địch lại số đông được, thay vì nói đánh nhau thì nói là chịu ăn đòn đúng hơn.

Dần dà, việc đến trường đã trở thành cơn ác mộng của Triệu Nhạc Sơ, vì cậu không cảm nhận được niềm vui khi ở trường.

Triệu Nhạc Sơ không có tinh thần để học, vì cậu đến lớp chỉ toàn phải lắng nghe người khác lăng mạ mắng chửi, thỉnh thoảng tâm trạng họ không tốt thì lại lấy cậu ra làm trò cười.

Bọn họ chọc cho Triệu Nhạc Sơ tức giận, sau đó đánh nhau, rồi cuối cùng là nhìn Triệu Nhạc Sơ bại trận, cười hả hê trước dáng vẻ nhếch nhác của Triệu Nhạc Sơ nằm dưới đất, lòm còm bò dậy phủi đất trên quần áo của chính mình đi.


Có lần đang trong giờ giải lao, Triệu Nhạc Sơ ngồi trong lớp học, có một tên học cùng lớp đứng ở cửa lớp nhìn Triệu Nhạc Sơ cười một cách khó hiểu, nói:
"Triệu Nhạc Sơ, anh Tường tìm mày có chuyện muốn nói kìa."
Anh Tường, trùm trường, cái tên này cả trường ai mà không biết, bị tên này tìm đến thì chẳng có chuyện gì tốt lành xảy ra.

Nhưng Triệu Nhạc Sơ vẫn đi, bởi vì khi ấy Triệu Nhạc Sơ đã buông xuống tất cả mọi phản kháng, dù là chuyện gì đi nữa cậu cũng sẽ đưa đầu ra chịu trận mà thôi.

Mấy năm trời, đủ để rèn luyện một thói quen nào đó của con người trở thành bản năng, ví dụ như "chịu đựng".
"Tao nghe nói mày láo lắm đúng không?" – Thằng cao nhất đám có vẻ như là "anh Tường" đó đứng ở giữa, hai bên trái phải còn có hai thằng thấp hơn đứng khoanh tay nhai kẹo cao su ra vẻ ngầu.

Thật ra ở độ tuổi ấy, họ đều nghĩ như vậy là oai, nhưng đổi thành một góc nhìn khác của mười năm hai mươi năm sau thì trông nó vừa trẻ trâu vừa buồn cười.
Không ngoài dự đoán, Triệu Nhạc Sơ lại bị ăn đòn, lý do là vì Triệu Nhạc Sơ "láo".
Cứ thế, "anh Tường" này mười bữa nửa tháng lại kiếm chuyện đòi đánh Triệu Nhạc Sơ để tìm cảm giác ưu việt khi bắt nạt kẻ yếu thế hơn.

Giáo viên biết chuyện thì chỉ áp dụng những hình phạt vô dụng mang tính chất hình thức rồi đâu lại vào đấy, sau đó Triệu Nhạc Sơ lại bị đánh còn ác hơn, nhưng là ở phạm vi ngoài nhà trường.

Ở trường, không một ai đứng ra làm chỗ dựa cho cậu, không ai bênh vực cho cậu.
Chú Triệu đau lòng xót con nên chạy lên nhà trường tìm hiệu trưởng làm việc bao nhiêu bận mới coi như giải quyết việc này êm xuôi hơn, nhà trường khiển trách "anh Tường" trước toàn trường và đình chỉ việc học một thời gian.

Lúc xét xử, hiệu trưởng và giám thị còn bị phụ huynh của "anh Tường" mắng không ra gì, trẻ con chơi đùa với nhau thôi mà lại đối xử với vậy với con họ, quá không công bằng, đúng là cái trường rẻ rách chẳng đâu ra đâu...
Lúc ấy Triệu Nhạc Sơ mệt mỏi vô cùng, liên tục bị gọi lên văn phòng làm việc, viết bản tường trình, trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại để kể về những nỗi đau mà mình đã rất cố gắng để quên đi.


Nếu không phải do chú Triệu động viên thì chắc chắn Triệu Nhạc Sơ đã bỏ cuộc từ lâu, cậu muốn chấm dứt hết tất cả, kể cả mạng sống của chính cậu.
Khi nhìn toàn trường ngồi chờ xem khiển trách "anh Tường", Triệu Nhạc Sơ không hề có chút cảm giác dễ chịu hả hê nào, thậm chí còn cảm thấy đó là một cực hình vì bị nhiều con mắt quan sát đến.

Họ không phải đang ủng hộ hay bênh vực cậu, mà là xem trò vui, chờ đợi xem khoảnh khắc bị trừng phạt của một tên trùm trường ngang ngược và xem thử cha của một tên học sinh "quái gở" là một người như thế nào mà thôi.
Giang Tử Trình thì trái ngược lại với Triệu Nhạc Sơ về mọi thứ, trong mắt những học sinh cấp hai lúc bấy giờ, người có ngoại hình bóng bẩy như Giang Tử Trình thế này thì nên tụm năm tụm ba chơi cùng với những cậu ấm cô chiêu trong tỉnh, còn nếu không đi nữa thì cũng sẽ không bao giờ đứng cùng hàng với người như Triệu Nhạc Sơ đây mới phải.

Chẳng phải người ta thường có câu "mây tầng nào thì gặp mây tầng đó" sao, Giang Tử Trình là mây, còn Triệu Nhạc Sơ thì làm gì được tính là mây chứ?
Có lẽ là vì đã bắt đầu bước vào giai đoạn trưởng thành, không còn trẻ trâu như trước kia nữa, hoặc cũng có lẽ vì những mối quan tâm đã bắt đầu không còn chỉ nằm trong những trò đùa quái ác thuở dại khờ, họ đã không còn đem Triệu Nhạc Sơ ra làm trò tiêu khiển như trước đây.

Triệu Nhạc Sơ bắt đầu được xem như người vô hình, không ai chủ động chơi với cậu, nhưng họ cũng chẳng còn hứng thú với việc châm chọc chửi rủa cậu như hồi cấp một và cấp hai nữa.

Có lẽ chính bản thân họ cũng không còn cảm nhận được niềm vui từ việc ấy nên đã chịu dừng tay.

Chứ không thì chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục diễn ra đến khi nào họ mất hứng thì thôi.

Quyền quyết định sẽ không bao giờ nằm trong tay của bên yếu thế hơn, luôn luôn là như vậy.
Hoặc còn một nguyên nhân mới xuất hiện nữa, đó là họ sợ Giang Tử Trình ở bên cạnh Triệu Nhạc Sơ.

Triệu Nhạc Sơ thì chắc chắn không phải là mối uy hiếp gì đối với tất cả bọn họ rồi, chỉ với một cái búng tay Triệu Nhạc Sơ cũng gục được thì ai sợ chứ.
Nhưng từ khi bên cạnh chỗ ngồi của Triệu Nhạc Sơ xuất hiện một Giang Tử Trình thì mọi thứ đã khác.

Khoan hẳn nói đến người cha trông rất "xã hội" của Giang Tử Trình kia, bản thân Giang Tử Trình là một kẻ rất có máu liều.

Vừa nhìn đã biết ngay không phải kiểu người dễ bắt nạt, một mình đi nghênh ngang trong trường dưới biết bao nhiêu cái nhìn ngó, huýt sáo, chỉ trỏ của các "băng nhóm" to nhỏ trong trường cũng không hề nao núng một chút nào.


Trường cấp ba ở đây là như thế đấy, một học sinh mới chuyển đến là cả trường đều nổi máu tò mò đòi "coi mặt", xem là người như thế nào, thấy láo là xử luôn.

Không có cách nào khác, bạo lực học đường chính là như vậy đó.

Giang Tử Trình thì khác, bản thân hắn không phải người hiền lành gì nên chưa từng ai bắt nạt được hắn cả.

Trước đây, khi còn ở trường cũ Giang Tử Trình cũng có "băng đảng" riêng của mình, không phải hắn tự phong, cũng chẳng phải vì kết bè kéo cánh bắt nạt ai mà thành.

Mà là vì cả trường không còn ai dám kiếm chuyện với Giang Tử Trình nữa, nên sau đó ai chơi cùng với Giang Tử Trình sẽ được liệt tên vào băng của Giang Tử Trình.

Cái mà mọi người sợ Giang Tử Trình là máu liều của hắn, những trận chiến khiến Giang Tử Trình thành danh đều khiến mọi người đều phải rùng mình mỗi lần kể lại.

Lần đó không biết là vì lý do gì mà Giang Tử Trình và một tên nào đó lớp bên cạnh có mâu thuẫn lời qua tiếng lại với nhau, lúc ẩu đả đôi bên đều bị thương nhưng riêng Giang Tử Trình lúc đó giống như bị lên cơn vậy, không hề biết đau.

Trạng thái con người Giang Tử Trình khi ấy thậm chí còn như được tiêm một liều thuốc kích thích tinh thần, ra tay không hề nương một chút nào, đối phương đau đớn buông xuôi chịu thua cũng chẳng thể khiến Giang Tử Trình giảm đi phần sức nào.

Mọi người tưởng tượng nếu lúc ấy cho hắn một con dao thì đối phương sẽ chết chắc.

Học sinh cấp hai, dù có bạo lực cách mấy đi nữa thì làm gì có ai đánh nhau với tư tưởng một mất một còn như Giang Tử Trình như vậy, qua vài lần đánh nhau khiến đối thủ trong và ngoài trường phải vào viện như vậy, không còn ai dám động vào Giang Tử Trình nữa.

Nhưng Giang Tử Trình cũng không phải kiểu người thích đi kiếm chuyện với người khác.
Giang Tử Trình, hắn không phải là sự chính nghĩa, nhưng cũng không phải lưu manh.

Nắm đấm của Giang Tử Trình là vì chính bản thân mình, chưa từng vì bất cứ một ai khác..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận