"A Nghiên, còn chín dặm nữa mới đến, con ngồi kiệu suốt đã thấy mệt chưa?" Đang lúc chăm chú đến nhập thần, hốt nhiên nghe thấy tiếng phụ thân bên ngoài kiệu hỏi vọng vào, thiếu nữ vận cẩm y giật mình, vội vàng đem sách giấu dưới đệm rồi ngồi thẳng người lên.
"Nghiên nhi không mệt." Nàng cúi đầu, nhẹ giọng trả lời.
Rèm kiệu vừa vén, phụ thân ngồi trên mình ngựa ghé nhìn vào, chỉ thấy nghi thái của đứa con gái nhỏ ôn hòa dịu dàng, liền gật đầu tán thưởng. Sau lần binh biến, vương thất suy vi, hoạn quan nắm giữ triều chính, chính lệnh từ đó bê trễ, đại quyền lọt vào tay Tiết độ sứ tọa trấn các phương. Hoài Nam Tiết độ sứ Tiết Chiêu Nghĩa ở hai miền Giang Chiết nghiễm nhiên trở thành nhất phương bá chủ. Tuy vậy, điều vẻ vang nhất của ông ta là ở mụn con gái này đây - đức, dung, ngôn, công, chẳng điểm nào là không xuất quần bạt tụy, tính tình lại thuần hiếu nhu hòa, người nào biết qua cũng không thể không mở lời khen ngợi. Đông cung Thái tử năm tới làm lễ đội mũ, nữ nhi cũng đã đến tuổi cập kê. Việc tuyển phi sớm nằm trong sự tính toán của ông.
Hôm nay là hội đạp thanh, nghe được hoa đào bên bờ Tây Hồ nở rất đẹp, liền đưa con gái đang quanh quẩn buồn chán trong nhà cả năm ra ngoài du ngoạn. Phu nhân Trần thị thân thể yếu đuối, không thể đi cùng, chỉ đem theo nhũ mẫu Dung bà bà.
Khi bóng dáng phụ thân khuất sau rèm che, Tiết Sở Nghiên mới thở phào nhẹ nhõm - vài ngày trước nàng từ thư phòng phụ thân trộm ra một quyển Ngọc Hề Sinh thi tập, mấy hôm nay xem đến mê mẩn, cả du xuân cũng mang theo giở ra đọc, thế nên thắc thỏm lo sợ phụ thân phát giác. Mấy quyển Nữ tắc, Nữ giới, Liệt nữ truyện các loại, mười năm qua nàng đã đọc mòn. Một năm trước nàng lẻn vào thư phòng phụ thân, khó khăn lắm mới đem ra được bản thi tập đầu tiên, từ đó trở đi say mê lui đến tìm tòi.
Được mấy lần thì mẫu thân bắt gặp, nhưng mẫu thân từ ái, thế nào cũng chẳng sao. Giả như phụ thân trông thấy nàng đọc mấy thứ này, nhất định là bị trách mắng ghê lắm. Vô đề này, Cẩm sắt này, phụ thân đều cho là dâm từ diễm khúc dạy hư con gái đấy. Nhưng mà thi từ của Nghĩa Sơn thật là đẹp quá, khiến nàng yêu thích đến không rời tay.
Chờ tiếng vó ngựa chở phụ thân rời đi khá xa, Tiết Sở Nghiên vội vàng cúi xuống, thò tay khua khoắng dưới đệm ngồi tìm kiếm thi tập. Rồi thì, sắc mặt nàng từ từ tái đi; sách đâu còn nữa. Chẳng lẽ... chẳng lẽ đã rơi khỏi kiệu mất rồi ư?
Hỏng rồi, vì để đánh tráo quyển Ngọc Hề Sinh thi tập, nàng sau khi lấy sách liền thay vào bằng tập Nữ giới bình nhật thường hay đọc, tránh bị phụ thân phát giác trên giá sách đã thiếu đi một quyển. Nếu như bản thi tập bị mất...
Chiều hôm đó trú lại trong một biệt viện ven phía tây bờ hồ, nghĩ đến cùng chẳng nên đánh mất quyển sách kia, một là nếu phụ thân phát giác thì hết đường chối cãi, hai là nàng cực kỳ yêu thích thơ Nghĩa Sơn, nay mất đi thật đáng tiếc. Thời gian xoay vần đến nửa đêm, nàng cuối cùng đã làm ra một việc khiến bản thân cũng phải giật mình -
Nàng nhẹ chân nhón gót, rón rén ra phòng ngoài, mang theo một trản đèn lưu ly. Dung bà bà cả ngày mệt mỏi, giờ đang ngon giấc, không mảy may ngờ đến tiểu thư bình nhật khôn khéo ngoan hiền lại đang chuẩn bị cho chuyến mạo hiểm lần thứ nhất trong đời.
Nhưng rồi, ra khỏi cửa sau biệt viện, Tiết Sở Nghiên bắt đầu hối hận. Nàng không quen đường thuộc lối, không biết đi đã bao xa, cũng không biết bản thân lạc bước đến tận nơi nào, trước mắt là một màn tối đen, cuối cùng đành đứng tại chỗ bất động. Trên hài bám đầy bùn đất, ngày mai làm sao ăn nói với Dung bà bà đây? Bản thân thật vô dụng, sự tình vẫn chưa có cách giải quyết, lại còn nảy thêm phiền toái nữa. Thiên kim tiểu thư mười bốn tuổi nhà Tiết độ sứ tay run run cầm đèn lưu ly đứng dưới gốc cây ven bờ hồ chẳng biết nên phải làm sao.
"Khúc khúc... thê lương bảo kiếm thiên, ki bạc dục cùng niên..." Đột nhiên, trong gió bất ngờ truyền lại hai câu thơ của Lý Nghĩa Sơn, thanh âm khẽ thôi nhưng ngân nga mà rõ ràng, nối tiếp bằng tiếng lật sách loạt xoạt, gần ngay bên tai. Mắt nàng sáng lên, đến nghĩ cũng chẳng nghĩ ra mình lại đọc nối hai câu sau: "Hoàng diệp nhưng phong vũ, thanh lâu tự quản huyền -" Một mặt ngâm nga, một mặt ngẩng đầu dõi tìm nơi phát ra âm thanh, liền trông thấy trên thân cây phía trước có một người đang ngồi.
Nghe tiếng ngâm trong trẻo của nàng, người đang ngồi trên cây giật mình, tay cầm sách đặt xuống đưa mắt nhìn. Bóng hình người đó khuất sau muôn ngàn tơ liễu, duy có đôi mắt sáng ngời như sao, trong tay cầm một quyển sách.
"A, đó là sách của ta! Trả lại ta..." Vừa trông thấy quyển sách trong tay đối phương, Tiết Sở Nghiên quên biến ngàn muôn lễ nghi ăn nói bó buộc hàng ngày, buột miệng kêu lên.
Nam tử ngồi trên cây rướn mình, vén rèm liễu, hứng thú quan sát thiếu nữ cầm đèn lưu ly đứng dưới gốc cây, khóe miệng sắc như lưỡi kiếm nhếch lên theo vẻ vui cười : "Khúc khúc... là sách của cô sao? Tiểu cô nương, cô... khúc khúc... cô cũng thích Lý Nghĩa Sơn à?"
Ánh sao chênh chếch nghiêng lên khuôn mặt nam tử đang ngồi trên cây, Tiết Sở Nghiên trông rõ nét mặt gã. Bất quá tuổi chừng hai mươi, mặt mũi rất sáng sủa, xương trán sống mũi thẳng tắp, đường nét gương mặt liền lạc rắn rỏi, tuy có chút xanh xao mệt mỏi của người bệnh, khí thế bức nhân chẳng kém đi.
"Vị công tử này... xin, xin đưa trả quyển sách cho ta." Lòng hồi hộp, đôi má nàng đỏ lên, cúi đầu lí nhí nói, không trả lời câu hỏi của gã. Ánh đèn lưu ly mơn man một bên gương mặt nàng, chợt sáng chợt tối.
"Ta nhặt được thì là của ta, sao phải trả cô chứ?" Nam tử kia chợt dùng giọng lưỡi vô lại trả lời nàng. Nàng khẽ cau mày liễu, bặm đôi môi nhỏ, dậm dậm chân: "Ngươi, con người ngươi thật là không biết nói đạo lý gì hết..." Theo bước dậm chân, đèn lưu ly trong tay cháy bừng lên, khi sáng khi tối ánh lên nửa mặt nàng, đẹp đến cơ hồ không thật.
"Ta đưa ngươi ngân lượng, ngươi đem sách trả ta được chăng... Không có sách, cha mà biết thì không được đâu." Nàng nghĩ cả nửa ngày, cuối cùng nghĩ ra được cách giải quyết duy nhất, đầu mày cuối mắt đầy ủy khuất, cơ hồ sắp khóc đến nơi, còn đâu dáng vẻ bình tĩnh ung dung thường ngày.
Nam tử ngồi trên cây nhếch miệng, tựa hồ muốn cười, nhưng cuối cùng chẳng nụ cười nào hiện ra, thở dài đem sách trong tay đưa nàng: "Được rồi được rồi, đừng khóc mà... đây, trả lại cho cô. Mau về thôi, kẻo cha mẹ lo lắng."
Nàng vội vàng đưa tay tiếp lấy. Sách vừa vào tay, dưới ánh đèn lay lắt không kềm được giật mình: trên màu giấy ngả vàng điểm một vết hồng tươi, đập vào mắt sững sờ. "Ai da, ngươi táy máy sách của ta rồi!" Nàng nhíu mi xinh, hấp tấp lấy khăn tay cọ lên sách. Rất nhanh, vệt máu nóng ẩm nhuộm đỏ màu trắng của khăn tơ. Nàng đột nhiên sợ hãi trong lòng, ngẩng đầu nhìn gã.
"Khúc khúc... xấu hổ rồi. Ta giấu sách trong ngực, vừa trúng thương chưa lâu nên máu dây vào sách." Tử y nam tử cười tỏ vẻ chịu lỗi, sẽ nhích người tựa vào thân cây, bàn tay áp trên ngực buông thõng. Máu nơi ngực thấm ra, qua kẽ tay rỉ đầy vạt áo, từng giọt từng giọt theo cành cây nhỏ xuống đất. Nàng còn trông thấy bên thân gã đeo một thanh kiếm, mộc mạc giản dị, nhưng kiếm khí lăng lệ toát ra khiến người ta phải ghê mình.
"Gã, gã từng giết người ư?" Nắm chặt tập sách và chiếc đèn, cô gái kinh hoảng lùi lại. Vừa khi đó, giữa cõi tịch tĩnh của nơi hoang dã này, nàng nghe có tiếng người lao xao. Ngẩng đầu lên liền trông thấy một đoàn đuốc lửa và đèn lồng, từ xa xa theo Bạch đê ngoằn ngoèo bò lại. Trong gió văng vẳng tiếng binh khí va chạm leng keng cùng tiếng quát tháo, thanh thế không nhỏ.
"Đáng chết, sao lại tìm đến nhanh thế chứ." Nàng đang lúc hoảng sợ bỗng nghe nam tử trên cây lẩm bẩm. Tai thoảng tiếng gió, đã thấy người kia từ trên cây nhảy xuống đứng bên cạnh nàng, trường kiếm tuốt cao hắt ánh lạnh lẽo bốn bề, thấp giọng bảo: "Cô đi nhanh, bị cuốn vào thì phiền đấy."
Nguyệt quang thảm đạm chiếu xuống ngọn đèn lưu ly sáng tối bất định, nàng bẽn lẽn ngắm nhìn người nọ. Máu từ vạt áo gã không ngừng chảy xuống, đọng lại trên mặt đất. Nhưng ánh mắt gã e còn sáng hơn cả tuyết. Lưỡi kiếm kia, trong tay gã lưu chuyển ngàn vạn tia sáng trong suốt.
Đoàn người phía trước dần dần đuổi tới, ánh đuốc chiếu ngời mặt hồ tĩnh lặng xanh trong. Nàng trông thấy tất cả bọn họ đều cầm theo đao thương sáng giới, tựa hồ ráo riết truy đuổi, người nào người nấy mặt mũi dữ tợn. Nàng sợ đến đôi chân nhũn ra, quên cả co giò bỏ chạy, chỉ đứng đó đờ đẫn nhìn bọn người đang sấn lại gần.
"Chỗ kia! Tiểu tử họ Vệ ở chỗ kia! Các huynh đệ, hãy vì bang chủ báo cừu!" Bị ánh sáng của đuốc lửa soi thẳng vào mặt, nàng kinh hoảng lùi ra sau nấp trong chiếc bóng của gã, chợt nghe thấy trong đám người nhốn nháo nọ có kẻ lớn tiếng hô hoán.
Tay chân nàng mềm nhũn, tuy vẫn còn ý thức được phải ôm chặt tập sách kia. Hốt nhiên cảm thấy thân người nhẹ bổng, đằng vân giá vụ bay lên, chưa kịp phản ứng đã phát giác mình đang chễm chệ trên một cành cây rồi. "Ngoan ngoãn ngồi đây, đừng chạy loạn, chờ ta dọn dẹp bọn này xong sẽ đưa cô về... Chà, thật là bực chết đi." Gã lấy ra một giải tơ trắng buộc vội quanh đầu, ghé răng giữ lấy đoạn dây rủ xuống. Ánh mắt lạnh lẽo xạ vào bọn người đang tiến đến.
Đêm ấy, hình như gã đã giết rất nhiều người?
Tinh sương, sau khi gã hộ tống nàng về đến nơi, cánh cửa phết son từ từ đóng lại. Qua khe cửa còn chưa khép kín, nàng lặng yên ngắm gã, con người ấy, khuôn mặt ấy, trước mắt đang mỗi lúc một xa. Nàng phảng phất nhận ra có một thứ cảm giác lạ lùng đang lặng lẽ nhen nhóm, trong lòng khơi dậy một nỗi buồn bã không tên.
Đúng lúc đó, gã đột nhiên khoát tay chặn đứng cánh cửa đang trên đà khép lại. "Ta tên Vệ Hoài Băng." Gã nói. Nàng giật mình, tựa hồ có thể cảm giác được đôi má mình đang chuyển màu đỏ gấc: "Tôi... tôi... họ Tiết... Tiết Sở Nghiên." Nàng lúng túng đáp.
Khởi đầu như thế, như trong câu chuyện cổ tích truyền kỳ, xa xôi mà đẹp đẽ. Có bảo kiếm anh hùng, có nhu tình mỹ nhân. Một là kinh thế kiếm khách bạt kiếm rong ruổi giang hồ, một là minh châu ngọc lộ xinh đẹp thơ ngây tiểu thư một nhà danh giá. Nhưng mà, ái tình của một đôi không "môn đăng hộ đối" vĩnh viễn chẳng cách nào tránh được tương lai.
Đêm ấy, trên ngôi lầu của nàng.
"Phụ thân nói, đầu tháng sau muốn thiếp học tập lễ nghi ca vũ, nhân tiết xuân năm tới là đại điển tuyển phi của Ý Đức Thái tử. Phụ thân vì để sắp xếp việc này đã hao phí rất nhiều tâm tư." Ngắm nhìn mái tóc phía sau đang được y vén lại, nàng hốt nhiên nói.
Tay gã dừng lại, sau đó, tiếp tục chậm rãi đưa lược chải xuống. Gã biết, rồi chuyện này sẽ có một ngày phải đối mặt. "Chúng ta cùng trốn đi. Chờ nàng lớn thêm chút nữa, ta cưới nàng." Lời gã vừa lọt vào tai, thân người nàng khẽ run, lại không lời nào đáp lại.
Gã bỗng nhiên buồn bực, lược đưa nhanh vài bận, tóc xoắn lại rối bù lên, liền thôi không chải nữa: "Ta biết nàng chẳng chịu mà - đường đường con gái của Hoài Nam Tiết độ sứ, chỉ xứng làm thê thiếp vương hầu công khanh, lý nào đi phiêu bạc cùng một tên kiếm khách giang hồ chứ?" Nàng vẫn cúi đầu, cắn môi không nói, bỗng nhiên nước mắt tuôn rơi.
"Tiểu Nghiên, chúng ta trốn đi, được không nào?" Gã vốn đang phẫn nộ đầy ngực, nhưng rồi trông thấy đôi mắt đẫm lệ của nàng, chợt nhu hòa trở lại. Nàng vĩnh viễn sở hữu một thứ lực lượng khiến người ta muốn vỗ về, thuần mỹ mà thơ ngây, thướt tha như tiên tử.
"Chàng chẳng biết, chàng chẳng biết đâu!" Nàng đột nhiên khóc mướt, khóc khôn cầm, cũng chẳng sợ làm kinh động người ngoài. Nàng vùi mặt vào mớ tóc rối nức nở: "Cha rất quật cường, rất lo lắng đến thể diện. Nếu biết được, ông ấy, ông ấy chết cũng không để chúng ta đi. Mẹ cũng giận mà chết, thân thể bà vốn không được khỏe... Cha từ rất lâu đã lạnh nhạt với mẹ, chỉ vì thiếp, nên... Như nếu, như nếu thiếp khiến ông ấy phải thất vọng, ông ấy đối với mẹ sẽ càng không tốt... Sự tình còn rất nhiều rất nhiều rắc rối bên trong, chàng chẳng biết được đâu."
"Vậy thì... chúng ta đem cả mẹ nàng theo, được không?" Gã nói, vẻ bối rối.
"Làm sao được. Ngày đó, ngày đó chỉ có thiếp ở bên thôi đã đủ trở ngại tay chân chàng, chàng suýt nữa bị bọn họ hại chết... Nếu phải mang theo hai gánh nặng cả thiếp lẫn mẹ, như thế càng thêm xoay trở khó khăn." Nàng nấc lên, hồi đáp rất nhanh, hiển nhiên sớm lo đến vấn đề này. "Thiếp suy nghĩ đã ba tháng ròng, thật đấy. Thiếp nghĩ... chỉ có một con đường, kỳ dư cuối cùng đều không thể vượt qua..."
"Ái chà, nha đầu nàng, tại sao mỗi việc cứ luôn phải nghĩ đông nghĩ tây thế? Chúng ta đem theo cả mẹ nàng, nhất loạt cao chạy xa bay, được chưa nào?" Gã nhất thời không biết hồi đáp ra sao, chỉ còn cách được bước nào hay bước ấy.
"Không được." Tiết Sở Nghiên sau một lúc cúi mặt, hốt nhiên ngẩng đầu nhìn gã, quyết tuyệt hồi đáp.
"Vậy thì... hãy cứ thế thôi! Ta làm khách giang hồ đường ta, nàng về làm Thái tử phi đường nàng. Cũng tốt, xét cho cùng chẳng được chung đường tất ai về chỗ nấy!" Gã bật đứng dậy, thê lương cười dài, trong tay nắm chặt chiếc lược bằng ngọc kia, cũng chẳng đoái hoài gì đến mái tóc rối bời của nàng.
"Ai? Ai ở trên đó?" Cuộc đối đáp của bọn họ ngày càng lớn tiếng, cuối cùng đã bị phụ thân dưới lầu nghe thấy, quát vọng lên.
"Chàng chạy đi!" Tiết Sở Nghiên nhìn gã đăm đắm, ghi tạc nam tử áo tía gặp gỡ dưới trăng lạnh sau rèm liễu lưa thưa. Nàng đẩy vai gã, đẩy gã đến gần song cửa, "chạy đi."
Gã bị nàng đẩy, không tự chủ được nhích dần đến bên song. Két một tiếng, cửa mở toang ra, Hoài Nam Tiết độ sứ Tiết Chiêu Nghĩa xông vào, kiếm trong tay lăm lăm, lớn tiếng hỏi: "A Nghiên, con không việc gì chứ? Ai vừa ở đây la lối? Có cướp à? Có cướp à?"
Chờ luôn một lúc chẳng thấy nữ nhi trước nay lém lỉnh đáp lời, phụ thân cuối cùng cảm thấy có chút không ổn, liền quay đầu lại, nhờ bóng trăng trông thấy một nam tử áo tía thân mang trường kiếm đứng bên song, Tiết Chiêu Nghĩa kinh ngạc, bất đồ nắm chặt kiếm trong tay. "Vương bát đản... dám, dám có ý dụ dỗ con gái nhà ta?" Qua phút kinh ngạc, ông ta rống lên giận dữ, kiếm đưa cao quá đầu xông đến lia một nhát, "ta giết ngươi!"
Vệ Hoài Băng không buồn động, chỉ lẳng lặng nghiêng người, thản nhiên nhìn bảo kiếm nặng nề sượt qua đầu mũi, chém ngập vào chấn song. Tưởng cũng không tưởng được, gã chẳng nói chẳng rằng xuất thủ khóa chặt yết hầu Tiết độ sứ, chỉ là dùng lực kém đi một chút, tránh cho đối phương lâm vào cảnh đỏ tím mặt mũi.
"Hoài Băng!" Nàng khẩn khoản kêu lên, rồi nhoài người dụng lực đẩy gã biến đi.
Thu phong se sắt thổi mang theo hương quế bên Tây Tử hồ, ẩn ước còn nghe tiếng sóng vỗ như có như không - giả như con nước mùa thu tràn về, liệu hôm nay đã đến nơi chưa? Từ buổi gặp gỡ đến nay, đã qua bảy tháng thời gian ngắn ngủi. Thời gian bảy tháng, cũng là thời gian diễn ra để rồi kết thúc đoạn truyền kỳ. Tất cả chỉ là một cơn ảo mộng trên cõi thế nổi trôi đấy ư? Nàng cắn môi, nhìn ra sắc đêm mang mang bên ngoài song cửa, lệ trong mắt đẹp đã ngập tràn. Bỗng nhiên lưng nàng hứng chịu một cơn đau buốt, rất nhanh sau đó, nàng cảm giác được suối máu tuôn xối xả ướt đẫm xiêm y.
"Nha đầu không biết xấu! Bại hoại gia phong... ta, ta giết ngươi cho rồi!" Phụ thân nghẹn lời, đưa cao lưỡi kiếm. Nhưng trông thấy con gái toàn thân tắm máu, tựa hồ hối hận đã quá nặng tay, bề ngoài tuy vẫn hùng hổ, ngữ khí đã dần dần dịu đi.
Hốt nhiên nàng gieo tấm thân đầy máu quỳ xuống: "Phụ thân, sự đến nước này, việc tiến cung xem như bất thành, nữ nhi cũng không muốn để cha mất mặt. Xin cha hãy cho con được xuất gia tu đạo!" Dưới vầng nguyệt ảm đạm, ánh mắt nàng trống vắng mênh mang, không vướng bận một tia tục khí trần gian nào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...