Điền Văn Nàng Dâu Áo Rách


“Con đừng lo, đầu con chỉ bị chảy một chút máu thôi, còn trên mặt thì không hề gì.

Em dâu chị chồng đôi khi va chạm một chút, Thị Loan cũng chỉ xô nhẹ một cái, con đừng để bụng.

Mau vào đây ăn cháo đi.” Người phụ nữ vừa nói vừa tới dìu Chi Giao vào trong.

Lúc này nàng vẫn chưa hết bàng hoàng, cứ thế tùy ý người phụ nữ kia dìu đi như thể trong một cơn mộng du.

Nàng cũng không nhớ mình đã vào căn bếp kia như thế nào, đã ăn sạch bát cháo hoa rắc tía tô kia như thế nào, cho tới lúc một lần nữa quay lại chỗ chiếc giường mà nàng nằm lúc mới tỉnh giấc kia thì Chi Giao mới lấy lại được bình tĩnh.

Bấy giờ nàng mới có thể chấp nhận một sự thật: Đó là ở thế kỷ hai mốt, nàng đã chết rồi.

Và hiện tại nàng đã xuyên tới một thế giới khác.

Ở thế kỷ hai mốt, Chi Giao vốn là một hướng dẫn viên du lịch chuyên dẫn các tour khám phá văn hoá bản địa cho khách nước ngoài.

Mấy hôm trước đi tour, xe chở khách không may gặp tai nạn.


Có lẽ lúc đó nàng đã xuyên tới đây.

Nơi này là một triều đại phong kiến có tên là Thịnh Nam.

Dựa theo kiến thức lịch sử của một học sinh gương mẫu ở kiếp trước, nàng có thể chắc chắn rằng đây là một triều đại không tồn tại trong lịch của thế giới mà mình đã sống.

Phong tục và ngôn ngữ có vẻ tương đồng, cho nên nàng đoán, có lẽ đây là nước Việt Nam thời phong kiến ở một vũ trụ song song.

Người mà nàng xuyên vào cũng có cùng họ cùng tên với nàng, chỉ khác tên đệm.

Tên nàng ta là Lê Thị Giao, năm nay mười chín tuổi.

Nhà thân sinh của Lê Thị Giao vốn ở trên huyện, có cửa hàng bán lụa cho nên gia đình cũng thuộc hàng khá giả.

Không ngờ lúc Thị Giao tới tuổi cập kê thì trong nhà xảy ra chuyện, ông thân sinh ra nàng ta bị giáng tội buôn lậu, sau đó đổ một trận ốm nặng rồi chết trong ngục, bỏ lại vợ là Thị Nhu cùng bốn đứa con thơ.

Thị Giao là con cả, thế nhưng từ bé quen được chiều chuộng nên vốn thuộc dạng siêng ăn nhác làm.

Tuy gia đình đã đi tới chỗ lụn bại nhưng nàng ta vẫn không đổi tính mà suốt ngày chỉ nằm ở nhà giả ốm để không phải làm việc.

Thời đại này vẫn còn theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, thế nhưng Thị Giao chanh chua ghê gớm, mấy chỗ mẹ đặt cho đều kiên quyết không ngồi.

Nàng ta ỷ có chút nhan sắc, lúc nào cũng ôm mộng được gả vào hào môn thế gia, làm mệnh phụ phu nhân.

Đám nào tới nhà nàng ta cũng ngúng nguẩy không chịu, cuối cùng thành gái lỡ thì, tiếng xấu cũng lan truyền, đành phải gả cho một nông dân ở cách xa huyện lỵ là Đinh Quý Bắc.

Quý Bắc từ nhỏ đã ốm yếu, lại lười lao động, ngoại hình cũng không có gì nổi trội, vì thế Chi Giao rất lấy làm bất mãn vì mối hôn sự này.

Tuy đã có chồng nhưng nàng ta lúc nào cũng tơ tưởng tới vị hôn phu cũ của mình.

Nguyên trước đây khi gia đình còn chưa sa cơ, Thị Giao vốn cũng có một mối hôn ước.

Đối tượng tên là Trần Kiến Văn, một công tử nhà giàu ở trên huyện.


Khi nhà Thị Giao xảy ra chuyện thì có tới cầu tình, tuy nhiên gia đình bên kia vốn đã không ưa Thị Giao từ lâu, cho nên không những không giúp đỡ mà còn nhân cơ hội giải trừ hôn ước vì sợ liên lụy.

Mấy hôm trước, nghe tin Kiến Văn đã đỗ Hương cống, còn đính hôn với con gái của một gia đình ở thôn Đông bên cạnh, Thị Giao ghen tức đi sang ruộng nhà người ta phá tan tành, không ngờ bị bắt được, cãi nhau một trận.

Làng bên phạt vạ hai quan tiền, bắt chồng của nàng ta là Đinh Quý Bắc phải chịu vì dù sao cũng là vợ hắn gây ra chuyện.

Hai quan tiền đối với người nông dân thực sự rất lớn, một gia đình bình thường làm cả năm may ra cũng chỉ để dành được chừng đó.

Ban đầu mẹ chồng của Thị Giao là Thị Hoan làm ầm ĩ, không muốn bỏ tiền trong nhà ra trả số nợ này.

Bà ta nói trong nhà nuôi tận mười mấy miệng ăn, lại còn tiền học chữ cho hai thằng cháu trai, không có tiền dư.

Phải tới khi bố chồng Quý Sơn nghe được thầy giáo của cháu nội nói rằng trong nhà có người bị tù tội sẽ ảnh hưởng đường công danh của người nhà sau này, bà ta mới chịu xì ra hai quan tiền để trả cho làng bên.

Sau sự việc này, cả làng đều chê cười Thị Giao có chồng rồi mà còn tơ tưởng tới nam nhân khác.

Quý Bắc là chồng nàng ta cũng không tránh khỏi xấu hổ và tức giận.

Nhà họ Đinh nhất quyết muốn Quý Bắc ly dị người vợ này.

Thế nhưng trước khi viết giấy, mẹ chồng Thị Hoan bắt Thị Giao phải giao đủ hai quan tiền, nếu không Quý Bắc sẽ cưới vợ mới rồi tôn lên làm chính thê, giáng Thị Giao xuống làm vợ lẽ.

Nhà họ Đinh sẽ bắt nàng ở lại làm trâu làm ngựa đến hết đời.


Thời này vợ lẽ thì khác gì làm người hầu trong nhà.

Thị Giao thấy ngày lành chẳng còn, bèn đi về nhà mẹ đẻ ở trên huyện vay tiền về trả.

Nào ngờ về tới nhà mẹ đẻ, em dâu nàng ta cũng giống Thị Hoan, nói rằng trong nhà thực sự không còn tiền, thậm chí còn kéo Thị Giao vào tận trong buồng để cho nàng ta nhìn thùng gạo sắp cạn đáy của nhà mình.

Thị Giao không tin, cho rằng em dâu giả nghèo giả khổ, vì thế xảy ra cãi cọ một trận.

Hai người còn động tay động chân, giật tóc kéo áo nhau.

Thị Giao không may bị ngã đập đầu trúng bậc thềm, hồn lìa khỏi xác.

Đó cũng chính là lúc mà Chi Giao xuyên qua, sống nhờ trong thân xác của nàng ta.

Chi Giao ngồi im trên giường, khẽ thở dài.

Nàng xuyên qua ai không xuyên, lại quyên qua đúng một người phụ nữ hư thân mất nết thế này! Cuộc sống sau này sợ là rồi cũng sẽ chẳng dễ dàng gì!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui