Điền Văn Nàng Dâu Áo Rách


Trong nháy mắt, nàng đã xác định đám lạc này chính là một trong những sinh kế sau này của mình.

Tuy hiện tại nàng không có ruộng, nhưng khu vườn trong nhà hoang kia cũng khá lớn.

Số lạc hoang thu hoạch được trên núi này có lẽ cũng chẳng nhiều, trừ đi số hạt nhỏ và lép thì chắc cũng chỉ đủ để trồng ở khu vườn phía sau.
Vì không mang giỏ, hơn nữa củi đã quá nặng, Chi Giao đành để đám lạc lại, gánh củi đi về trước.

Sau bữa trưa, nàng mượn Thị Thúy cái sọt, rủ Thu Lan đi lên núi lần nữa.

Lần này, ngoài đám lạc chỗ Thu Lan đã chỉ, nàng và nó còn tìm thấy một số bụi rải rác trong rừng.

Có nơi chỉ mọc một bụi, nhưng cũng có nơi mọc thành đám khá nhiều.

Suốt hai canh giờ vừa tìm vừa đào, Chi Giao và Thu Lan thu được một sọt lạc củ.
Lạc thu về, Chi Giao không vội tách hạt mà phơi khô trước.

Lạc khô sẽ dễ tách vỏ hơn.

Nàng nhớ mùa thích hợp để trồng lạc là vào tháng Ba hoặc tháng Mười âm lịch.

Hiện tại chưa hết tháng Tám, vẫn còn hơn một tháng nữa.


Nàng đem số lạc kia phơi nắng ba hôm, sau đó đem cất để chờ tới tháng Mười.

Trước khi gieo hạt mới nên tách vỏ để tránh hạt giống bị mốc.
Có hạt giống lạc, Chi Giao như được tiếp thêm sinh lực, càng hăng hái cuốc cỏ sau vườn.

Ban đầu nghĩ là cần tới một tuần, nhưng chỉ sau ba ngày nàng đã cuốc xong.
Sáng hôm sau, nàng lại bắt đầu theo mẹ con Thu Lan đi ra sông.

Thị Thúy tốt bụng không những không sợ nàng chiếm lấy một phần sinh kế của mình, lại còn cho nàng mượn một cái giỏ để đựng mấy thứ bắt được.
Bây giờ đã vào mùa Thu, nước sông khá lạnh, Chi Giao mò cả buổi mới được nửa giỏ ốc.

Cua thì nàng thấy vài con, nhưng bọn chúng quá nhanh, nàng lại sợ bị càng cua kẹp, vì vậy không bắt được con nào.

Cũng không phải là do vận khí của nàng không tốt, mà căn bản là ngày nào cũng có một tá người trong làng này và cả làng bên ra bến sông này mò, thế nên số lượng ốc hay cua thực sự không còn nhiều.

Số ốc mò được trong ngày thậm chí còn không đủ bán, nàng lại không có chậu nên đành phải mang về gửi tạm ở chậu nhà Thu Lan.
Ốc đã khó bắt là thế mà lại còn rất rẻ.

Chi Giao mò suốt hai ngày cũng chỉ bán được đúng một đồng.

Mẹ con nhà Thị Thúy cũng chỉ bán được ba đồng.

Chắc không phải đường cùng không biết làm gì khác thì chẳng ai đi mò cua bắt ốc làm gì.
Chi Giao cầm lấy một đồng tiền bán ốc trong tay, cảm giác xúc động vì lần đầu tiên kiếm được tiền kể từ khi xuyên qua thì ít, mà cảm giác bất lực vì tương lai sau này không biết làm gì thì nhiều.

Nếu cứ đà này, trường hợp lạc quan nhất là thời tiết thuận lợi, trời không mưa, thì nàng cũng chỉ có thể kiếm được mười lăm đồng một tháng.

Mười lăm đồng chỉ đủ mua được ba bát gạo.

Một tháng cho dù nàng ăn tiết kiệm lắm thì cũng cần phải mười lăm bát.

Như vậy về cơ bản thì có thể thấy nghề mò cua bắt ốc không đủ để nuôi sống bản thân nàng.
Lúc này, Chi Giao hơi hối hận vì ngày đầu gặp đã dễ dàng cho Thu Lan một số gạo nhiều như vậy.

Thế nhưng khi nhìn thấy con nhóc gầy đến mức chỉ có da bọc xương đi trước mặt mình, nàng chỉ đành thở dài mà gạt tâm trạng hối hận qua kia một bên.

Nếu đường cùng, nàng vẫn có thể quay về nhà họ Đinh kia được, cho dù ở đó có chịu nhục chịu khổ thì ít ra cũng không bị chết đói.

Nhà Thu Lan cần số gạo kia hơn nàng nhiều.
Mấy ngày sau đó, Chi Giao đều theo Thu Lan đi ra sông.


Ngoài việc mò ốc, con bé còn giúp nàng đan một cái trúm nhỏ để bắt tôm tép trong mương nước cạnh bờ ruộng nhà nó, thế nhưng số tép bắt được quá ít, không đủ để bán, chỉ có thể mang về cho vào nồi cháo để cải thiện bữa ăn.
Chi Giao cũng dần quen tay, bắt được nhiều ốc hơn mỗi ngày.

Năm ngày đã có thể bán được thêm ba đồng tiền ốc.

Thế nhưng tin buồn là gạo trong nhà nàng lúc này đã sắp hết, chỉ còn lại hai bát.

Nàng dự tính lần này hết gạo sẽ ăn tạm khoai lang.

Khoai lang thời này rẻ hơn gạo nhiều.
Hôm nay, lúc cùng Thu Lan thu đồ trở về, Chi Giao thấy trong trúm có một con lươn to.

Nàng còn chưa kịp vui mừng thì đã thấy Thu Lan đổ nó ra ngoài, lấy hòn đá đập chết tươi.

Nó ném xác con lươn xuống bờ ruộng bên cạnh, giọng tức tối.
“Hóa ra là mày ăn hết tép của tao!”
Chi Giao còn kinh ngạc chưa thôi thì đã thấy nó đứng dậy, xách đồ đi về, bỏ lại con lươn nằm yên dưới đất.
“Sao em lại vứt con lươn lại đây?” Nàng hỏi nó.
“Ờ, thì…” Con bé dường như chưa hiểu vì sao Chi Giao lại hỏi mình câu đó.

“Tiện nên em vứt đây thôi.”
Câu trả lời của nó còn khiến Chi Giao càng kinh ngạc hơn.
“Sao không mang về nấu?” Người mê ăn lươn lại còn đang đói há mồm như nàng sao lại có thể không tò mò về lý do Thu Lan lại vứt bỏ con lươn ở đây như vậy được cơ chứ.
“Con này không ăn được.

Chị không biết à?” Lần này tới lượt Thu Lan tròn mắt nhìn nàng.
Chi Giao ngẩn người.


Không lẽ lươn ở thế giới này khác lươn trong thế giới của nàng?
“Chắc chị ở trên huyện nên không biết.

Trước đây có gia đình ăn lươn xong thì bị chết cả nhà, nên từ đó không ai ăn nữa.

Nếu thấy nó thì cũng chỉ đập chết rồi vứt đi thôi.” Chừng như nhận thấy ánh mắt đắm đuối bất thường của Chi Giao dành cho mấy con lươn, Thu Lan cẩn thận bồi thêm.

“Chị đừng nhìn thấy nó giống con cá chạch mà nghĩ nó ăn được.

Chết người đấy.

Sau này chị thấy thì cứ tránh xa.”
Nghe nó nói, Chi Giao thất vọng thở dài.

Có lẽ là có một số điểm thì thế giới này vẫn không giống với thế giới trước đây của nàng.

Ít ra, ở thế kỷ hai mốt nơi nàng từng sống thì lươn cũng là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chẳng có ai chết vì ăn lươn cả.
Hừ, chẳng lẽ từ giờ tới cuối đời này nàng không còn được ăn lươn nữa sao? Ai tạo ra cái thế giới này thật là vô đạo đức quá đi mất! Chi Giao thầm oán trách.
Nàng đứng dậy, toan bước đi thì trong đầu bỗng nhớ ra một chuyện.




Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui