Diary In Grey Tower

Andemund luôn tao nhã và xinh đẹp, mỗi lần thấy ảnh tôi sẽ kìm lòng không đậu rồi giở trò lưu manh, và mỗi lần giở trò lưu manh hậu quả luôn là bị ảnh quẳng lên giường.

Ảnh sẽ dịu dàng hôn từ cổ tôi, cởi khuy áo tôi rồi nói: “Anh sẽ cho em càng dễ chịu.”

Tôi thì chỉ muốn phun ra một từ: “Shit!”

Bữa nay anh ấy đã mặc đồ tử tế, chuẩn bị ra ngoài, tôi lồm cồm bò dậy khỏi giường, thắt lưng đau tưởng như sắp đứt làm đôi. Ảnh quay lại lấy mũ, chào tôi bằng vẻ rất chi lịch lãm: “Em yêu.”

“Chiều nay em về Plymton.”

Anh ấy nghĩ nghĩ một lát: “Nếu muốn, em nghỉ thêm ít ngày cũng được.”

“Vậy văn phòng số 1 thì sao?”

Andemund cười ôn hòa: “Còn có anh.”

Buổi chiều cuối cùng của bảy ngày nghỉ, tôi ngồi xe bus một mình về trang trại Plymton. Cửa ký túc xá tôi ở đã bị sơn thành màu xanh lục, lớp sơn mới chưa gì đã tróc loang lổ. Người gác cổng đưa cho tôi lá thư của Edgar.

Giấy viết thư ô li đỏ chuyên dụng của không quân Hoàng gia, chữ viết hoa quen thuộc bằng mực nước xanh thẫm. Nội dung không khác mấy những lá thư trước. Cậu ấy nói gần đây sân bay bị vài cuộc không kích quy mô nhỏ của máy bay Đức Quốc xã. Rồi cậu ấy hỏi tôi còn làm việc cho Hội nghiên cứu golf và bóng chày gì đó không, nghe nói Viện nghiên cứu của không quân Hoàng gia ở Uxbridge đang trống vị trí chuyên gia toán học, cậu ấy có thể giới thiệu tôi với họ.

Cuối thư viết: Vì nước Anh.


Edgar không biết tôi làm việc cho cơ quan tình báo chính phủ, tôi cũng chẳng thể nói cho cậu ấy biết được. Tôi đành hồi âm đúng phép, bảo cậu ấy rằng tôi sống khá ổn, nhắc cậu ấy chú ý bay an toàn.

Hàng ngày văn phòng thường trú của không quân Hoàng gia ở trang trại Plymton sẽ gửi sang phòng 1 tình hình công tác trong ngày của họ để phục vụ chúng tôi giải “Mê”, bởi vậy tôi có thể tra được cả nhật ký hành trình của trung đội Edgar. Cậu ấy thuộc trung đội 3, đại đội 11 không quân Hoàng gia, dưới sự chỉ huy của tướng Parker, Bộ tư lệnh đóng tại Uxbridge, chuyên trách bảo vệ khu vực Đông Nam đất nước gồm cả London. Đó là một trong hai đội bay ưu tú nhất nước Anh, tôi thấy tự hào vì Edgar.

Một tuần tôi nghỉ, Andemund đã phục chế được năm cỗ máy giải mã “Mê”, mỗi tổ chuyên gia của phòng 1 được trang bị một máy. Máy giải mã cao khoảng năm foot, vỏ màu đồng, bề ngoài trông như một cái tủ đứng có gắn bảng mẫu tự nhập vào và phát ra. Tốc độ giải mã của nó có thể đạt hai mươi phút một tin, nếu cho cả năm máy hoạt động liên tục hai tư giờ thì một ngày giải được tối đa 360 tin.

Có điều máy giải mã chỉ có thể tự động giải các thuật toán, còn khóa mã vẫn phải mò thủ công.

Hầu hết thời gian tôi đều ngồi trong phòng mò khóa mã, sau đó đưa vào máy giải tự động.

Rảnh ra thì giúp Raphael hiệu chỉnh máy.

Bọn tôi ngồi xổm trước cái máy bị trục trặc, Raphael vừa mở nắp lưng máy vừa hỏi tôi: “Cậu nghĩ ông ta biết mình giải được “Mê” không?”

“Tình báo Berlin á?” tôi nói: “Như tình hình hiện nay thì chắc là chưa.”

“Không, tôi nói người sáng tạo ra “Mê”, thiên tài mật mã của Đức kia.”

Tôi thừa nhận là xưa nay mình chưa từng nghĩ về chuyện này.

“Tôi nghĩ ông ta biết.” tôi nói: “Ông ta biết rõ “Mê” có nhược điểm, vậy sớm muộn gì cũng có người giải được. Chẳng qua ổng không ngờ chúng ta giải ra sớm vậy thôi.”


“Vậy cậu không thấy nghịch lý sao? Trừ phi ông ta cuồng tín rằng mật mã của mình vĩnh viễn không thể giải được, nếu không tại sao lại để cả cục tình báo Đức dùng nó như thế… hiện giờ đến thuyền dự báo khí tượng cũng trang bị máy truyền tin “Mê”. Nhưng từ tài năng đáng sợ thể hiện qua “Mê” của người đó mà nói, tôi không tin là ông ta không để ý đến khiếm khuyết của mình…”

“Ít nhất ông ta nên hạn chế phạm vi áp dụng loại mã này mới phải.”

“Tôi không biết người đó đang nghĩ gì nữa.” Raphael thở dài.

“Mê” không phải một thành trì bất biến. Dường như đoán được chúng tôi đang tiến cận nó, đối phương cũng đang không ngừng cải tiến phương thức phát tin “Mê”, gia tăng vòng chuyển hoán, điều chỉnh dạng thức của bảng phản xạ. Một thời gian ngắn cuối tháng sáu, đột nhiên “Mê” không thể giải được nữa. Sau đó tôi mới phát hiện đó là vì máy giải mã của họ được bổ sung một vòng chuyển hoán. Tôi và cả phòng 1 bù đầu nghiên cứu suốt một tuần, liên tục điều chỉnh tham số, thay đổi sơ đồ mạch máy giải mã, đến khi vấn đề được giải quyết tất cả chúng tôi đều hoàn toàn kiệt sức.

Rốt cuộc là ai, ai đang thao túng “Mê”?

Trong một khoảnh khắc tôi nghĩ đến người mẹ đang làm việc cho Berlin của mình. Tài năng, sự thận trọng, tỉ mỉ và trí tưởng tượng táo bạo khủng khiếp của bà… Nhưng là một người Anh, không đời nào bà được quyền tiếp xúc với những thứ cơ mật đến thế. Có lẽ bà có tham gia thẩm định độ bảo mật của “Mê”, rồi nhận định rằng nó “không thể giải được”… Nhiều hơn nữa thì tôi tin là cơ quan tình báo Berlin sẽ không dễ dàng cho phép bà can dự vào.

Sau cuộc rút quân lịch sử Dunkerque, Đức dừng công kích, đưa ra yêu cầu đàm phán với chúng tôi. Tờ “Times” và tờ “Chim Ó” liên tục đăng bài tranh luận về tính khả thi của cuộc đàm phán.

Tôi hỏi Andemund, ký kết Hiệp ước hòa bình với Hitler mà được sao?

Bọn tôi đang ngồi trong phòng ăn nhỏ trên tầng hai gác đỏ, Andemund vẫn uống cà phê đen. Những ngón tay thon dài của ảnh mân mê cái tách sứ trắng, ảnh nhẹ nhàng đáp: “Hơn một nửa thành viên nội các ủng hộ đàm phán, người phản đối chỉ có anh, hầu tước Gending và tướng Fred Leigh. Em bảo chúng ta nên duy trì chiến tranh hay đồng ý nghị hòa?”

“Chà, Andemund.” tôi nhìn anh ấy: “Anh biết Đức chắc chắn sẽ tấn công mà. Anh đọc tất cả tin giải mã rồi đấy thôi, đàm phán chỉ là cái cớ giả dối của họ.”

“Alan, nếu mọi người đều thông minh như em thì tốt biết mấy.” anh ấy thở dài: “Chiến tranh là không thể tránh được, nhưng Churchill bảo anh rằng ông ấy vẫn thiếu một thông tin quyết định, thứ có thể cho chúng ta biết ý đồ thực sự của quân Đức.”


“Anh có thể liên lạc với Churchill sao?” tôi kinh ngạc hỏi.

“Máy điện thoại thứ hai trong phòng làm việc dưới lầu của anh nối thẳng với văn phòng Thủ tướng.”

“Thế C thì sao? Ông ta nói gì?”

Andemund mỉm cười. Ảnh cười thực tình là đẹp, cặp mắt xanh biếc như hai viên ngọc mắt mèo, khóe miệng câu thành một đường cong dịu dàng. Tôi nhìn ảnh chằm chằm mất một hồi lâu.

“C?” ảnh nhẹ nhàng lắc đầu: “Ông ta ủng hộ đàm phán với Đức Quốc xã.”

“Alan.” Andemund nói: “Nếu phòng 1 giải được bất cứ tin gì cho thấy ý đồ đích thực của Đức, em không cần giao cho chuyên gia phân tích, phải gửi thẳng cho anh.”

Mỗi ngày lượng điện tín ồ ạt gửi về văn phòng số 1 đã đạt đến vài ngàn, dù có máy giải mã chúng tôi cũng chỉ có thể chọn lựa giải hơn một nửa số đó. Trong đó tuyệt nhiên không có tin tình báo nào thể hiện rõ ràng ý đồ của Hitler với nước Anh. Tin từ không quân là “thận trọng với Anh”, ban chỉ huy lục quân nói “tạm thời đình chiến”, hải quân đang chờ đợi động thái từ Quốc trưởng.

Có một bữa tôi đang mò khóa mã thì chợt phát hiện ra một đoạn tin ghi chú khóa mã tìm được là “USW”. Đây là lần thứ ba tôi thấy loại tin được mã hóa bằng khóa này. Tất cả chúng đều bị các cộng sự của tôi cho là không quan trọng rồi vứt vào thùng giấy loại. Tôi bới ra, đưa vào máy giải mã, nguyên văn đoạn tin bắt đầu chạy ra.

Nội dung điện tín này cực kỳ dài, đây là kỷ yếu một hội nghị.

Tôi miễn cưỡng đọc được dòng tiếng Đức đầu tiên: Unternehmen Seelwe (USW), chiến dịch Sư Tử Biển.

Hình như là một phần kỷ yếu hội nghị từ Bộ tư lệnh của Hitler.

Tôi giao bản giải mã cho Andemund, nguyên văn dài đến ba trang, ảnh chỉ giở coi một tờ mặt đã biến sắc, lập tức nhét chúng vào cái cặp táp đen rồi vội vàng rời khỏi trang trại Plymton.


Theo biên bản hội nghị, Hitler đưa ra “Chiến dịch Sư Tử Biển” (USW), vạch ra chi tiết bước đầu tiêu diệt không quân Hoàng gia, sau đó đổ bộ vào lãnh thổ Anh trong tháng mười. Tin tình báo này rốt cuộc được trình lên trước hội nghị nội các thời chiến, và trở thành yếu tố chủ chốt quyết định việc Anh từ chối đàm phán. Sau đó chúng tôi còn phát hiện ra nhiều điện tín mã hóa tương tự như vậy nữa. Đó là sai lầm trí mạng của hệ thống tình báo Berlin, họ sử dụng khóa mã USW cho tất cả các văn kiện liên quan đến Chiến dịch Sư Tử Biển.

Andemund bế tôi ngồi lên bàn làm việc, cảm thán: “Anh thật không dám tin, Alan, em lại tìm ra nó… em đã quyết định con đường chính xác của cuộc chiến.”

Tôi mò mẫm thắt lưng ảnh: “Cưng nè, vậy có khi nào cho em ở trên một lần không?”

Andemund đờ người, đột nhiên ảnh rút súng ra, dí dưới cằm tôi.

Ảnh cúi xuống liếm yết hầu tôi, tuột áo sơ-mi của tôi ra, híp mắt cười: “Em yêu, không được. Nhưng mình có thể đổi tư thế.”

Đó là một quãng thời gian hạnh phúc.

Tôi và Andemund yêu nhau. Không ai nhắc lại những tổn thương đã gây cho nhau trước kia. Andemund nuông chiều tôi đến hầu như dung túng. Chúng tôi dùng phòng chiếu tầng một gác đỏ để xem phim, đêm khuya vắng lặng tôi và ảnh cùng xem bộ phim “Waterloo Bridge” đang nổi như cồn ngoài rạp. Tôi thích câu Roy lặp đi lặp lại về người yêu mất tích: “Tôi sẽ tìm cô ấy mãi mãi.”

Andemund không còn cố đẩy tôi ra khỏi vòng xoáy tình báo nữa. Có những hôm tôi và anh ấy ở lì trong gác đỏ làm việc đến khuya. Chúng tôi thảo luận về những mật mã khác ngoài “Mê”, phán đoán giá trị tình báo của chúng rồi hoàn thiện hệ thống mật mã của chính mình. Andemund là đồ cuồng công việc, lắm khi tôi nằm trên sô-pha dịch điện tín rồi ngủ mất tiêu, mà bao giờ mở mắt dậy cũng thấy đèn áp tường còn sáng, ảnh thì ngồi chăm chú đọc tài liệu.

Tôi rón rén đến sau lưng ảnh, hôn ảnh.

Andemund không quay đầu lại, chỉ nghiêng người vòng tay ôm eo tôi, hôn lại tôi.

Tôi hỏi anh ấy: “Em biết nhiều lắm đúng không?”

Andemund khẽ gật đầu: “Alan, đúng là em đã biết rất nhiều.”

Sau đó anh ấy đứng hẳn dậy, ôm lưng tôi bằng cả hai tay, tựa cằm lên hõm vai tôi: “Không sao cả, nếu chuyện gì xảy ra còn có anh.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui