Chúng ta xem tiếp Thập thừa quán pháp thứ tám.“Bát, tri vị thứ, tu hành chi nhân miễn tăng thượng mạn cố”.
Bệnh “tăng thượng mạn” là từ xưa đến nay thường có.
Cái gì gọi là tăng thượng mạn? Bản thân chưa chứng đến địa vị này mà cho rằng đã chứng đắc, không hiểu được vị thứ của bản thân.Ngày xưa tôi gặp một vị cư sĩ, vị cư sĩ này học Phật rất kiền thành.
Ông ấy nói với tôi ông chứng được A la hán quả, tôi liền khuyên ông ấy không nên nói.
Ông ấy nói thực sự chứng được rồi, lời nói rất khẳng định.
Tôi bị ông ấy ép cho cũng hết cách.
Tôi nói đã chứng được quả A la hán, thì sáu loại thần thông ông đều đầy đủ rồi.
Chúng tôi ngồi trong nhà, tôi nói bên ngoài nhà, những người đi trên đường lớn kia, ông có thấy hay không? Ông ấy nói không thấy.
Tôi nói vậy ông chưa chứng đến A la hán quả.
Chứng đến quả A la hán, ông nhất định biết được, trong tâm tôi nghĩ chuyện gì ông cũng biết được, ông có tha tâm thông.
Tôi nói vậy ông chưa khôi phục được năng lực này, chắc chắn ông chưa chứng đắc.
Như vậy mới đánh tan được ý niệm của ông ấy, gặp ai cũng nói với người ta ông ấy thực sự chứng quả A la hán.
Đây là không biết vị thứ tu hành của mình.
Rất có khả năng trong tu hành đạt được một chút pháp hỷ, đạt một chút khinh an, thế là liền sanh ra ngộ nhận.Vị thứ này phải rất rõ ràng, rất sáng suốt, chúng ta sẽ không có những vấn đề này nảy sanh.
Thí dụ như trước đây nói “ngũ đình tâm”, “lục độ”.
Lúc Đại sư Trí Giả vãng sanh, học trò của Ngài thỉnh giáo Ngài: Ngài đời này tu trì hoằng pháp lợi sanh, Ngài vãng sanh là phẩm vị như thế nào, đại sư nói với mọi người rằng: “ta chỉ chứng đắc ngũ phẩm vị vãng sanh”.
Ngũ phẩm vị chính là ở đây nói ngũ đình tâm.
Đình là đình chỉ, tâm là tán loạn, tâm tán loạn đình chỉ rồi, vị thứ này không cao.
Sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc vào cõi phàm thành đồng cư.
Thực sự mà nói, vị thứ này ngũ đình tâm mỗi một đồng tu chúng ta đều có thể đạt được.
Nếu như nói là sự nhất tâm, lý nhất tâm, vậy đích thực là không dễ dàng, phẩm vị đó cao rồi.
Cho nên điểm thù thắng của thế giới Cực Lạc không phải nơi cõi thật báo trang nghiêm, mà ở cõi phàm thánh đồng cư.
Điều này thật không thể nghĩ bàn.
Thông thường loại công phu này không thể nào thành tựu được.
Đây chính là đè nén phiền não, chưa đoạn được phiền não.
Công phu đè nén phiền não chỉ cạn, nói thật thì chưa bằng Tiểu thừa sơ quả.
Tiểu thừa sơ quả tam giới 88 phẩm kiến hoặc đã đoạn tận rồi, là Tiểu thừa sơ quả, trong Viên giáo là Bồ Tát sơ tín vị.
Chúng ta làm gì có năng lực đó? Nói thật thì tu trì một đời Viên giáo sơ tín vị Bồ Tát chúng ta cũng không đạt được.
Điều này chúng ta phải hiểu được, bản thân biết được rồi tâm thành kính mới sanh khởi được, không dám cống cao ngã mạn.
Công phu đoạn chứng như vậy trong Đại thừa Tiểu thừa đều nói vô cùng rõ ràng, con số phiền não cũng nói rất tường tận.“Ngũ đình tâm quán” là đè nén phiền não, căn bản là chưa đoạn.
Cách nói của Đại sư Trí Giả, thực sự mà nói chính là giúp chúng ta học tập.
Đại sư Trí Giả niệm Phật vãng sanh thế giới Cực Lạc, ngài vì chúng ta hiện thân thuyết pháp.
Trong sử truyện Trung Quốc có ghi chép, đại sư Trí Giả là hóa thân của đứcPhật Thích Ca Mâu Ni, không phải là người phổ thông, thị hiện làm hình mẫu cho chúng ta thấy, hướng dẫn chúng ta, khiến cho chúng ta học theo Ngài.
Ý nghĩa này rất sâu sắc.
Chúng ta nếu như có thể lãnh hội được, đặc biệt là trong thời đại này, thời đại này chúng ta phải tự tu học như thế nào, phải hoằng pháp lợi sanh như thế nào, hoằng pháp lợi sanh chính là giúp đỡ người khác tu học, mọi người đều nghĩ đến xây dựng đạo tràng, tiếp dẫn chúng sanh.Sáng sớm hôm nay nhận được tin fax từ một vị đồng tu ở Đài Bắc chuyển đến, trong tờ fax này nhắc đến, hiện tại thế kỷ 21 này, phương thức hoằng pháp phải tùy theo thời đại mà thay đổi, ông ấy cho rằng đã không còn là đạo tràng nữa, mà là đài truyền hình.
Cách nhìn này rất chính xác.
Cho nên khuyên tôi đến đài truyền hình giảng kinh, giảng kinh truyền hình trực tiếp, chứ không phải là ở phòng học nhỏ như chúng ta, rồi đem băng ghi hình đưa đến đài truyền hình.
Vì sao vậy? Vì thiết bị của chúng ta so với đài truyền hình thì kém xa lắm.
Ngày xưa tôi từng ghi âm tại đài truyền hình, thiết bị của họ thực sự là hàng đầu.
Nhân viên công tác tham gia ghi hình hơn 20 người.
Trong đài truyền hình thông thường là ba bộ máy ghi hình, từ mỗi một góc độ hình ảnh nó có sự thay đổi, chúng ta dùng một cái máy để đó thì hình ảnh cứng nhắc.
Người hiện tại thích hoạt bát, hình ảnh cứng nhắc nhìn lâu rồi họ cảm thấy chán.
Cho nên hình ảnh phải luôn luôn thay đổi.
Chúng ta phải nghĩ ra phương pháp làm cho hiện trường giảng kinh của chúng ta phải đạt đến tiêu chuẩn phòng ghi hình như đài truyền hình, thì hiệu quả này sẽ lớn hơn.
Đài truyền hình chỉ thỉnh thoảng họ cho chúng tôi mượn, nhiều nhất cũng chỉ một thời gian ngắn, một tuần lễ mười ngày thôi.
Chúng ta không thể nào giảng kinh thời gian dài ở đó được.
Đây là nhắc nhở tôi, tôi liền nghĩ đến chúng ta phải mở rộng thiết bị hiện trường của chúng ta, chúng ta cũng cần phải bồi dưỡng nhân tài chuyên nghiệp, nỗ lực làm theo phương hướng này.
Ngày nay đối với việc hoằng pháp trên toàn thế giới, đích thực tuyệt đối không phải là chùa chiền, lấy tài lực xây dựng chùa chiền, dùng để mở rộng thiết bị của chúng ta cũng dồi dào dư dả.
Máy quay phim của chúng ta thực sự là không đủ.
Hiện nay chỉ có thể quay đến giảng tòa, không quay đến thính chúng được.
Tốt nhất có thể có được hai bộ máy quay phim để có thể quay đến được thính chúng toàn đạo tràng, làm cho hình ảnh có thể hoạt bát hơn.
Đây đích thực là một kiến nghị rất tốt, cũng là nhắc nhở chúng ta.
Ngày nay trên đài truyền hình xem tiết mục của chúng ta một trăm mấy mươi ngàn người.
Đây là con số chúng ta biết, còn có một số chúng ta không biết được, căn cứ theo tính toán thông thường có hơn cả triệu người.
Mỗi ngày chúng ta quảng bá trên toàn thế giới, nên ông ấy cũng nhắc nhở tôi, trên giảng đường bất luận là nói dài hay nói ngắn, nói sâu hay nói cạn, đều phải nghĩ đến thính chúng, là thính chúng trên toàn thế giới, chứ không phải là mấy người trước mặt thôi.
Đây là nhắc nhở tôi quán cơ, phạm vi này phải rộng lớn, phải nghĩ đến ngồi trước máy truyền hình rất nhiều người còn chưa được tiếp xúc với Phật pháp.
Chúng ta không thể không quan tâm đến những đồng tu mới học Phật này, giúp đỡ họ nhận thức Phật pháp, giúp đỡ họ hiểu được Phật pháp, giúp đỡ họ tu học.Ngũ đình tâm cũng gọi là ngũ phẩm vị.
Kinh Pháp Hoa trong phẩm Phân Biệt nói đến công phu vừa mới đắc lực.
Nói cách khác, trong Lục tức vị họ là Quán hạnh tức vị.
Mọi người nghĩ xem, Quán hạnh tức vị trước đó là gì? Danh tự tức vị.
Đó chính là hữu danh vô thực.
Đến Quán hạnh công phu của quí vị mới tính là đắc lực.
Trong đây nói năm điều.
Điều thứ nhất gọi là “tùy hỷ”.
Trong kinh nói: “Nhược văn thị kinh, nhi bất hủy tử, khởi tùy hỉ tâm, đương tri dĩ vi, thâm tâm giải tướng”.
Tông Thiên Thai liệt ngũ đình tâm quán là khai thị của Phật đà trong Kinh Pháp Hoa.
Tuy nói là Kinh Pháp Hoa, trên thực tế bao gồm cả tất cả kinh điển Đại thừa, nghe đến kinh điển Đại thừa, quí vị sẽ không hủy báng, quí vị sanh tâm hoan hỷ, tùy hỷ, người này trong đời quá khứ thiện căn đã sâu dày rồi.
Dùng thiện căn này gặp được thiện duyên, họ liền có thể thâm nhập.
Thiện căn thiện duyên này, trước đây chúng tôi đều đã báo cáo qua với chư vị rồi.
“Hiếu học”.
Đây là nhân tố số một để chúng ta một đời tu học thành hay bại, nhất định phải hiếu học, không hiếu học vậy thì không có cách gì nữa rồi.
Thực sự hiếu học thì có thiện tri thức, quí vị sẽ gặp được thiện tri thức, có nhân duyên này.
Thiện tri thức đích thực là Phật Bồ Tát thị hiện, đúng như nhà Phật nói “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”, một mình quí vị hiếu học, quí vị sẽ gặp được thầy giáo tốt, đồng tham đạo hữu.
Quí vị không hiếu học thì không có cách gì, cả đời quí vị cũng không gặp được, thiện tri thức ngay trước mặt, ngày ngày gặp mặt nhau, lại để lỡ qua.
Quí vị có gặp được hay không? Không gặp được.
Ngày ở cùng nhau mà cũng không gặp được, đây là lời chân thật.
Vì sao vậy? Bản thân không hiếu học, bản thân thực sự hiếu học, giao lưu với thiện tri thức cho dù là thời gian ngắn thôi, thực sự có được lợi ích.Trong Đàn Kinh nói đến thiền sư Vĩnh Gia, thiền sư Vĩnh Gia thân cận Lục tổ thời gian một ngày, ngài đạt được lợi ích một đời cũng dùng không hết, đó là thực sự thân cận thiện tri thức.
Đây cũng là điều mà Ấn Quang Đại sư đã nói: một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích, Vĩnh Gia có mười phần thành kính tuy thời gian rất ngắn, thân cận được một ngày mà lợi ích đạt được là viên mãn.
Không có thành ý, ngày ngày ở cùng với Tổ sư cũng không gặp được thiện tri thức, chư vị nên hiểu được thâm nghĩa này.
Đây là điều thứ nhất, tức nói về thiện căn của quí vị, quí vị không có thiện căn, không có phước đức, quí vị không gặp được duyên.
Gặp được duyên phải đầy đủ thiện căn, phước đức.Thứ hai là đọc tụng.
Trong kinh nói: “hà huống đọc tụng thọ trì giả”, từ đó cho thấy, trong đọc tụng bao gồm cả thọ trì, trong kinh văn giảng như vậy.
Kinh Đại thừa ngày ngày phải đọc, chúng ta ngày nay chủ yếu dựa vào Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Vô Lượng Thọ có ngày ngày đọc hay không? Một ngày không bỏ thời khóa.
Chúng ta là người xuất gia, rất nhiều cư sĩ tại gia ngày ngày đều đọc Kinh Vô Lượng Thọ rất nhiều lần, có người một ngày đọc đến mười lần.
Chúng ta phải chăng thực sự đọc tụng? Không yêu cầu phải đọc nhiều như vậy.
Một ngày ít nhất nên đọc một lần, một năm 360 ngày mỗi ngày đều không thiếu, có thể đọc hai lần càng tốt.
Mới bắt đầu đọc một lần, sau khi quen rồi tốc độ quí vị đọc cũng nhanh, người đọc thuộc Kinh Vô Lượng Thọ, từ đầu đến cuối đọc một lần chỉ 30 phút.
Nhưng đọc chưa thuộc, chúng ta mới đọc cũng phải mất hai tiếng đồng hồ, càng thuộc thì tiến độ càng nhanh hơn, số lần quí vị đọc có thể tăng lên nhiều hơn.
Quí vị có thể đọc, quí vị có thể hiểu được nghĩa của nó, thường thường nhớ kỹ lời Phật dạy trong lòng, trong cuộc sống hằng ngày khởi tâm động niệm tất cả tạo tác, đều sẽ nghĩ đến lời giáo huấn trong kinh, sẽ không trái ngược với lời kinh dạy, y giáo phụng hành, đây gọi là đọc tụng.
Đọc không hiểu nghĩa của nó, không thể thực tiễn vào trong cuộc sống của mình, vậy không phải là đọc tụng.
Đây là điều thứ hai trong ngũ phẩm.Điều thứ ba là “thuyết pháp”.
Trong kinh nói: “Như Lai diệt hậu, nhược hữu thọ trì đọc tụng, vi tha nhân thuyết”.
Đây là thuyết pháp.
Thuyết pháp này ngày nay chúng ta nói cơ hội giáo dục, tùy duyên thuyết pháp, không nhất định phải thăng tòa, không nhất định là tại giảng đường, tùy thời tùy nơi, gặp người nào, thấy người này có thiện căn, có thể tiếp thu liền giảng cho họ, nói sâu hay nói cạn, phải xem căn cơ của đối phương, tùy cơ thuyết pháp.
Đây là thuộc về cơ hội giáo dục, thích nói với người, đem Phật Pháp giới thiệu cho người khác.Thứ tư “kiêm hành lục độ”.
Trong kinh nói: “Huống phục hữu nhân năng trì thị kinh, kiêm hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, nhất tâm, trí tuệ”.
Câu nói này thực sự mà nói chính là thực hành, chúng ta từ nơi Phật mà học được, phải đem thực hành vào trong cuộc sống bản thân.
Lục độ sẽ không cần nói tỉ mỉ nữa.
Sáu nguyên tắc của Bồ Tát hạnh, chúng tôi cũng từng vì các đồng học chế định một bản “tu hành thủ tắc”, trong đó tiết lục Kinh Vô Lượng Thọ và kinh văn trong Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh, tổng cộng rút ra hơn 100 điều, hơn 100 điều chư vị tỉ mỉ xem xem không ra khỏi lục độ.
Lục độ là tổng cương lĩnh.
Nếu như chúng ta thời thời khắc khắc đều có thể nghĩ đến, có thể đem hơn 100 điều kinh giáo này đều thực tiễn hết, trở thành cuộc sống của chúng ta, biến thành tư tưởng của chúng ta, biến thành nguyên tắc đối nhân xử thế của chúng ta.
Quí vị chính là y giáo phụng hành.
Đây là thuộc về tự lợi, kiêm hành thuộc về tự lợi.
Điều cuối cùng gọi là “chánh hạnh lục độ”, chánh hạnh lục độ không những là tự lợi, hơn nữa là lợi tha.
Trong kinh nói: “Nhược năng thanh tịnh trì giới, lợi căn trí tuệ, năng đạt vấn nạn”.
Có thể giúp đỡ người khác giải trừ nghi hoặc, chư vị nghĩ xem năm điều này, năm điều này gọi là ngũ đình tâm, đây là năm phẩm vị.
Trong lục tức là quán hạnh tức Phật.
Chúng ta ít nhất phải làm đến tầng thứ này, thì vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc thực sự được chắc chắn.
Đây là mức độ thấp đến mức không thể thấp hơn nữa.
Đại sư Trí Giả thị hiện cho chúng ta, hướng dẫn chúng ta học tập.Lục độ, đó là Bồ Tát hạnh, càng cao hơn một tầng nữa.
Từ quán hạnh liền đến tương tự vị, từ tương tự lại hướng thượng nâng cao là phần chứng vị.
Phần chứng vị chính là pháp thân đại sĩ.
41 pháp thân đại sĩ là phần chứng vị.
Tứ thánh pháp giới là tương tự vị.
Trong lục đạo là quán hạnh vị.
Quán hạnh vị chưa ra khỏi lục đạo, nhưng quán hạnh vị niệm Phật có thể đới nghiệp vãng sanh.
Điều này tuyệt lắm rồi, đây là điều trong bất cứ một pháp môn nào cũng không có.
Tịnh Tông thù thắng chính là thù thắng ở đây vậy.
Chỉ cần một chút công phu nhỏ này cũng có thể quyết định vãng sanh.
Cho nên tất cả chư Phật Bồ Tát tán thán pháp môn này không phải là không có lý.
Bản thân chúng ta phải biết tự ái tự độ, không được mơ mộng viễn vong, lý luận nói có cao bao nhiêu bản thân hoàn toàn làm không được, thì vẫn cứ sanh tử luân hồi.
Cho nên nhất định phải “biết vị thứ”.Vị thứ, Thiên Thai và Hiền Thủ nói rất tỉ mỉ.
Thiên Thai nói tứ giáo.
Hiền Thủ nói ngũ giáo.
Tứ Giáo nói về tạng, thông, biệt, viên.
Tạng giáo thông thường chúng ta nói Tiểu thừa, Thanh văn Duyên giác.
Vị thứ của họ có tứ quả tứ hướng.
Chúng ta hiện nay tu học rốt cuộc ở vị thứ nào? Đại thừa, chúng ta rốt cuộc là Thông giáo, là Biệt giáo, hay là Viên giáo? Từ trên căn tánh mà nói, trong mỗi giáo đều có tam Hiền thập Thánh.
Tam Hiền thập Thánh công phu giải hạnh hai bên hoàn toàn không tương đồng.
Cho dù đoạn chứng tiếp cận nhau nhưng trí tuệ không tương đồng, giống như Viên giáo thất tín vị Bồ Tát kiến tư phiền não đoạn tận rồi, tương đương với Tiểu thừa A la hán quả.
A la hán cũng là đoạn tận kiến tư, nhưng trí tuệ hoàn toàn không tương đồng.
Trí tuệ của hàng viên giáo cao.
Chúng ta thấy trong Kinh Lăng Nghiêm, tôn giả A Nan và tôn giả Phú Lâu Na, trí tuệ đã không giống nhau, chúng ta có thể nhìn thấy được, A Nan là Viên giáo căn tánh, Phật thuyết những kinh điển Đại thừa kia, nhất thừa liễu nghĩa, ngài có thể nghe hiểu được, ngài có thể lý giải được, tuy có thể nghe hiểu, tuy có thể lý giải được, ngài không làm được, phiền não nặng.
Tôn giả Phú Lâu Na nghe Thế Tôn trong hội Lăng Nghiêm nói pháp, ngài nghe không hiểu, ngài đã đoạn kiến tư phiền não rồi, ngài là tứ quả la hán.
Tôn giả A Nan chỉ đoạn kiến hoặc, 88 phẩm kiến hoặc, là Sơ quả tu đà hoàn.
Trên hình tượng là dáng vẻ như vậy.
Nhưng chúng ta tỉ mỉ suy nghĩ xem, không phải là như vậy.
Tôn giả A Nan là Viên giáo sơ tín vị Bồ Tát.
Phú Lâu Na là Tứ quả thánh nhân của Tạng giáo, chúng ta vừa thấy như vậy đã rất rõ ràng, rất minh bạch rồi, người viên giáo trí tuệ cao.
Tôn giả A Nan hiện tại ở đâu? Chư vị đều hiểu được, quí vị đọc trong Kinh Vô Lượng Thọ, Ngài vãng sanh thế giới Cực Lạc rồi.
A Nan hiện tại ở thế giới tây phương Cực Lạc, quả báo không thể nghĩ bàn, vị thứ này phải rõ ràng.
Chúng ta ngày nay nỗ lực, có thể làm đến ngũ phẩm vị là khá lắm rồi.
Ngũ phẩm vị công phu đắc lực, với người niệm Phật là công phu thành phiến.
Đây là sự nhất tâm cạn nhất.
Tuy nói là sự nhất tâm, sự nhất tâm cạn sâu trình độ sai biệt rất lớn.
Nói thật tình thì không chỉ là cửu phẩm, cửu phẩm thì trình độ lớn hơn.
Trong cửu phẩm mỗi một phẩm còn có cửu phẩm.
Chúng ta phải hiểu được ý nghĩa này.
Bản thân chúng ta rốt cuộc ở phẩm vị nào, phải rất rõ ràng, rất sáng suốt, sẽ không có cống cao ngã mạn.
Khiêm tốn, chăm chỉ nỗ lực học tập, đây là đại ý của “tri vị thứ”.Thứ chín là “năng an nhẫn”, điều này vô cùng quan trọng.
“Ư nghịch thuận cảnh, an nhiên bất động, sách tấn ngũ phẩm, nhi nhập lục căn”.
Trong Kinh Kim Cang nói rất hay.
“Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, trong kinh nói phạm vi của tất cả pháp rất rộng.
Tất cả pháp thế xuất thế gian, quí vị nếu muốn thành tựu.
Then chốt ở chữ “nhẫn”, quí vị không thể nhẫn, thì quí vị sẽ không thể thành tựu, cho nên nhẫn nhục ba la mật là then chốt để thành tựu tinh tấn, thiền định, bát nhã.
Quí vị nếu như không thể nhẫn thì ba điều sau nhất định không có.
Quí vị muốn thành tựu tinh tấn, muốn thành tựu thiền định, bát nhã, quí vị nhất định phải tu nhẫn nhục ba la mật.
Trong nghịch cảnh nhất định không sanh tâm sân nhuế.
Trong thuận cảnh nhất định không sanh tâm tham ái, cảnh duyên thuận nghịch phiền não đều không sanh.
Đây là nhẫn nhục.
Mọi người chúng ta hiểu được đạo lý này, cũng muốn làm, vì sao lại làm không được? Nguyên nhân làm không được chính là nghiệp chướng quá nặng, nghiệp chướng tập khí quá nặng.
Cho nên phải trên sự tướng mà nỗ lực.Thế Tôn vì chúng ta chế định một số giới luật.
Giới luật toàn là sự.
Một số sự tướng này nói thật tình thì vốn là không có chướng ngại.
Đến viên giáo, đến pháp thân đại sĩ, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại.
Họ không có chướng ngại.
Vì sao không có chướng ngại? Pháp thân đại sĩ trong tất cả cảnh duyên, tự nhiên không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước.
Họ có chướng ngại gì? Chúng ta ngày nay vì sao lại chướng ngại? Sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần là khởi tâm động niệm phân biệt chấp trước, là tạo nghiệp.
Pháp thân đại sĩ trong cảnh duyên không tạo nghiệp.
Cho nên thành tựu của họ chính là định tuệ.
Định là không động tâm, tuệ là rõ ràng, mọi thứ rõ ràng, mọi thứ đều sáng suốt là tuệ.
Định tuệ hiện tiền, đây gọi là tam muội, gọi là chánh thọ.
Chúng ta không có, chúng ta hiện tiền thọ là những gì? Khổ lạc ưu hỷ xả.
Chúng ta làm những việc này.
Phải biết được khổ lạc ưu hỷ xả, trong lục đạo luân hồi mới có, ngoài lục đạo không có loại thọ này, đều là hưởng thọ tam muội, hưởng thọ định tuệ.
Công phu định tuệ có cạn sâu không đồng, đều thuộc về chánh thọ.
Công phu định tuệ càng sâu, hưởng thụ lại càng tự tại, đó là chân lạc, thế giới Cực Lạc.
Chúng ta gặp cảnh giới hiện tiền khởi tâm động niệm rồi, bản thân lập tức liền có cảnh giác.
Cảnh giác được điều gì? Lại tạo nghiệp rồi.
Không chỉ là hành vi, niệm mới vừa sanh khởi đã tạo nghiệp rồi.
Khởi tâm động niệm là ý đang tạo nghiệp.
Quí vị nói xem làm sao không nguy chứ?Người niệm Phật chỉ dùng một câu danh hiệu Phật, phương pháp này thực sự là thù thắng tuyệt diệu.
Niệm vừa khởi liền A Di Đà Phật, liền đem nó chuyển thành A Di Đà Phật.
Đây gọi là chân tu hành, đây gọi là chân dụng công, biết dụng công.
Nhất định không thể làm cho vọng niệm tương tục.
Vọng niệm tương tục chính là tạo nghiệp rồi.
Cổ nhân thường nói: “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”, niệm là ý niệm khởi lên, cũng tức là nói phân biệt chấp trước.
Niệm này vừa mới khởi lên, lập tức liền một câu A Di Đà Phật, chuyển đổi nó trở lại.
Một câu A Di Đà Phật chính là giác.
Quí vị phải giác cho nhanh.
Đây là sự thù thắng của pháp môn niệm Phật hơn hẳn các pháp môn khác.
Điều này dễ dàng.
Một câu danh hiệu Phật liền trấn áp được vọng niệm của quí vị, thay thế tâm phân biệt của quí vị rồi, thay thế tâm chấp trước, thay thế tâm tham sân si mạn, khôi phục chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, giác của tự tánh quí vị.
Đây gọi là niệm Phật.
Tuyệt đối không phải “miệng niệm Di Đà tâm tán loạn”, tâm này vẫn giống như tâm bình thường, vậy thì có ích gì đâu? Người niệm Phật này không thể vãng sanh, chỉ là kết duyên lành với thế giới tây phương Cực Lạc mà thôi, trong A lại da thức gieo vào được một chủng tử Di Đà.
Đời này không thể vãng sanh, vẫn còn phải làm việc lục đạo luân hồi.
Chúng ta phải hiểu được đạo lý này, hiểu được chân tướng sự thật này.
Trong đời này nếu muốn vãng sanh thế giới Cực Lạc, vĩnh thoát luân hồi, biết được bản thân nên tu như thế nào.
Dùng một câu danh hiệu Di Đà này, thuận cảnh nghịch duyên đều thay thế được hết.Dưới đây nói, “Sách tấn ngũ phẩm nhi nhập lục căn”.
Thế nào gọi là “nhập lục căn”? Sáu căn đều tương ưng.
Còn phải từ ngũ phẩm hạ thủ, chính là hạ thủ từ năm phương pháp này.
Phổ Hiền Bồ Tát thập đại nguyện vương dạy chúng ta tùy hỷ công đức, “hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”.
Hai câu nói này rất quan trọng.
Là nơi chúng ta thực sự tu hành hạ thủ.
Mười nguyện, thực sự mà nói, trong mỗi một nguyện đều đầy đủ chín nguyện khác, mới gọi là Phổ Hiền hạnh nguyện.
Hoàn toàn không phải mỗi một nguyện là độc lập, cách nhìn của quí vị như vậy là sai, là hoàn toàn trái ngược với kinh giáo rồi.Kinh Hoa Nghiêm nói: “hành bố không trở ngại viên dung, viên dung không trở ngại hành bố”, “một tức là nhiều, nhiều tức là một”, giảng cho quí vị rõ ràng biết bao.
Nói có thứ lớp, tâm niệm là viên dung, cho nên một pháp tức viên mãn hàm nhiếp tất cả pháp.
Chúng ta làm thế nào để hằng thuận chúng sanh? Lễ kính, tán thán, cúng dường, sám hối đều là tùy thuận, đều là hằng thuận.
Tùy hỷ như thế nào? Cũng là lễ kính, xưng tán, cúng dường, sám hối.
Đối với tất cả mọi người, đối với tất cả sự, đối với tất cả vật, đây gọi là tu hạnh Phổ Hiền.
Hạnh Phổ Hiền cũng là từ ngũ phẩm vị mà tu lên, cũng từ quán hạnh mà tu lên.
Hàng lợi căn, trong quán hạnh liền có tương tự, liền có phần chứng.Trong Hoa Nghiêm chúng ta thấy Đẳng giác Bồ Tát không xả bỏ tu hành ngũ phẩm.
Tu hành ngũ phẩm là sơ tín vị Bồ Tát tu hành.
Đẳng giác Bồ Tát vẫn còn tu pháp môn của sơ tín vị, đây gọi là Viên tu viên chứng.
Bản thân chúng ta nhất định không phải là thượng căn.
Nếu như bản thân cho rằng mình là người thượng căn, vậy là tăng thượng mạn rồi.
Đích thực không phải là thượng căn.
Không phải là thượng căn, đại khái là trung căn.
Kỳ thực trung căn thì chúng ta cũng là tăng thượng mạn.
Thập thừa quán pháp này, nó có thượng trung hạ tam căn.
Trung căn từ “chân chánh phát bồ đề tâm” đến “đạo phẩm điều thích”, đây là trung căn.
Chúng ta tỉ mỉ mà đối chiếu, chúng ta đã đạt đến trình độ này hay chưa? Trong hạ căn, đây là mới từ “đối trị trợ khai” đến cuối cùng “vô pháp ái”.
Trong đối trị trợ khai, vừa mở đầu vẫn nói cho chúng ta “ngũ đình tâm”, “lục độ”.
Nếu như ngay cả điều này chúng ta cũng chưa đạt được, thì vị thứ hạ hạ căn chúng ta cũng không có.
Cho nên suy nghĩ xem có đáng để ngạo mạn hay không? Còn cho rằng bản thân thật giỏi dang, không đọc giáo lý thực sự không biết được, không biết được trời cao đất dày.
Đọc nhiều rồi thì vẻ kiêu ngạo của chúng ta mới hạ xuống bớt, liền biết không được như vậy nữa.
So với những người tu hành khác, chúng ta thua xa lắm.
Chúng ta một đời có thể làm được, thực sự mà nói, miễn cưỡng cũng chỉ làm đến được ngũ phẩm vị mà thôi.
Nói theo đại sư Trí Giả, có thể đạt đến trình độ mà đại sư Trí Giả thị hiện, đã vô cùng khó khăn rồi.
Đây là điều chúng ta nhất định phải hiểu.“Nhi nhập lục căn”, đây là thân tâm chúng ta đều tương ưng với ngũ phẩm.
Địa vị này vẫn thuộc về quán hạnh vị.
Tương tợ vị là gì? Giống như Phật Bồ Tát.
Quán hạnh vị là học Phật Bồ Tát, vẫn không giống.
Tương tợ vị có một chút giống.
Có một chút giống là kiến tư phiền não thực sự đoạn rồi.
Cũng tức là nói đối với thế pháp, Phật Pháp nhất định không có chấp trước, còn có phân biệt, đây là tương tự, nhất định không có chấp trước.
Đến phân biệt cũng không còn nữa, phân biệt chấp trước hoàn toàn buông bỏ rồi, hoàn toàn đoạn trừ rồi, quí vị chính là phần chứng vị.
Phần chứng vị là gì? Vọng tưởng chưa hết.
Chư vị phải hiểu được phân chứng vị là pháp thân đại sĩ, tương tự vị là tứ thánh pháp giới.
Quán hạnh vị là lục đạo phàm phu.
Từ đó có thể biết, phân biệt chấp trước làm sao có thể không đoạn? Quí vị có thể đoạn chấp trước, vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc, đây là quán hạnh vị, sanh cõi Phàm thánh đồng cư.
Trong cõi Phàm thánh đồng cư cũng có tam bối cửu phẩm, xem quí vị công phu quán hạnh sâu cạn.
Thêm bước nữa có thể lìa tất cả phân biệt, quí vị liền sanh cõi Phương tiện hữu dư, ở đây cao hơn cõi Phàm thánh đồng cư.
Nếu như phá thêm nhất phẩm vô minh quí vị liền sanh cõi Thật báo trang nghiêm.
Cõi Thật báo trang nghiêm là pháp thân đại sĩ.Vô minh chính là vọng tưởng, có 41 phẩm.
Cho nên pháp thân đại sĩ có 41 vị thứ, thập trú, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác.
Đến Như Lai quả vị đó gọi là cứu cánh vị.
Cứu cánh chỉ có một vị.
Phân chứng có 41 vị.
Chúng ta đến lúc nào ngũ phẩm có thể nhập lục căn? Cũng tức là nói thân tâm chúng ta hoàn toàn tương ưng với ngũ phẩm.
Người thế gian thường nói: “niệm tư tại tư”, đó chính là tương ưng, niệm niệm đều không quên mất, niệm niệm không có xả bỏ, niệm niệm tự hành hóa tha.Điều cuối cùng, “vô pháp ái”.
Pháp ái là gì? Chấp trước đối với pháp tu.
“Mạc trước thập tín, tương tự chi đạo, tu nhập sơ trú, chân thật chi lý”.
Đây đều là vị thứ.
Thập tín Bồ Tát, ở đây “thập tín”, “sơ trụ” đều là nói viên giáo.
Đây là Thiên thai chỉ quán.
Thiên Thai y theo Kinh Pháp Hoa, Kinh Pháp Hoa thuần viên, cho nên ở đây nói thập tín là Viên giáo thập tín Bồ Tát.
Thập tín là tương tự chi đạo, tương tự vị.
Tương tự tức Phật trong lục tức Phật.
Vậy quả báo của họ ở đâu? Tứ thánh pháp giới.
Chư vị phải hiểu được, Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật, là tứ thánh pháp giới trong trong thập pháp giới, chính là Thập tín tương tự vị.
Họ không phải là chân thật, họ ở trong thập pháp giới.
Đây là khuyên quí vị, bởi vì những người này thực sự mà nói có công phu thiền định, định công rất sâu, A la hán có cửu thứ đệ định, có trí tuệ, định khởi tác dụng chính là trí tuệ.
Phàm phu chúng ta xem thần thông quảng đại, nhưng những người này chưa kiến tánh, tâm mà họ dùng vẫn là thức tâm.
Chẳng qua thức tâm họ dùng được chánh, chúng ta dùng thiên lệch, chúng ta dùng tâm ý thức dùng rất thiên lệch, họ dùng được chánh.
Cho nên họ là chánh giác, không phải là chánh đẳng chánh giác.
Chư vị nên ghi nhớ, trong thập pháp giới Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật đều là chánh giác.
Thế nào mới là chánh đẳng chánh giác? Viên giáo sơ trú trở lên.
41 vị pháp thân đại sĩ gọi là chánh đẳng chánh giác.
Điều này phải rõ ràng.
Phật trong Tạng giáo đều thuộc về chánh giác.
Từ đó có thể biết, trong chánh giác tầng thứ cũng rất phức tạp, cũng có cạn sâu cao thập không tương đồng.
A la hán là chánh giác, Bích chi Phật cũng là chánh giác.
Bích chi Phật cao hơn A la hán.
Bồ Tát trong Tạng giáo cũng là chánh giác, lại cao hơn Bích chi Phật.
Phật trong Tạng giáo cũng là chánh giác, lại cao hơn Bồ Tát.
Những vị thứ này chúng ta đều phải rõ ràng, đều phải hiểu rõ mới không đến nỗi có cống cao ngã mạn.
Cống cao ngã mạn là đại phiền não, tham sân si mạn chướng ngại sự tinh tấn của bản thân.
Bởi vì kiêu mạn hiện tiền liền cho mình đúng, hướng thượng lên cao hơn nữa vô cùng khó khăn.
Ai chướng ngại quí vị? Mạn chướng ngại quí vị.
Cho nên nhất định phải đoạn trừ.
Phải biết được “sơ trú chân thật chi lý”, đây là pháp chân thật, kiến tánh rồi.
“Phá nhất phẩm vô minh, kiến nhất phần chân tánh”, đây chính là nhập Viên giáo sơ trú.
Lý mà Sơ trú chứng đắc được là tự tánh.
Thiền tông nói là minh tâm kiến tánh.Thập thừa quán pháp, chúng ta chỉ giới thiệu đến đoạn này.Xem tiếp nguyên văn dưới đây.Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh, luận quán trang thứ 17, hàng thứ hai từ dưới đếm lên.
Chúng ta đọc qua đoạn văn này, đoạn này dễ đọc.
“Thiên Thai y chư Đại thừa kinh, lập tứ chủng tam muội, tu thập thừa quán pháp, trực tựu ấm tâm, hiển tam thiên pháp, tức tùng hành quán nghĩa”.
Ngài giảng đến Tam quán.
Tam quán, thứ nhất chính là “tùng hành quán”.
Trong “tùng hành quán” quan trọng nhất chính là quí vị phải hiểu được “tứ chủng tam muội” và “thập thừa quán pháp”.
“Ấm tâm” chính là tâm trong ngũ ấm, cũng tức là tám thức.
Tám thức 51 tâm sở, dùng là tâm này.
Tông Thiên Thai nói đều rất thực tế.
Thiên Thai đại sư phát minh ra “tam chỉ tam quán”, tam chỉ tam quán đích thực là ngài phát minh ra.
Phương pháp tu hành này tốt, vô cùng thiết thực.
Phàm phu chúng ta có nơi để hạ thủ.
Phương pháp này rất tương tự với Thế Tôn trong hội Lăng Nghiêm nói về nguyên tắc nguyên lý tu hành.
Nhưng thời đại đó, Kinh Lăng Nghiêm chưa truyền đến Trung Quốc, đại sư Trí Giả nghe nói có sự việc như vậy, cho nên ở trên núi Thiên Thai lập một đài bái kinh, mỗi ngày hướng về phương tây lễ bái, cầu cảm ứng, hi vọng Kinh Lăng Nghiêm có thể truyền đến Trung Quốc, ngài lạy 18 năm, ngày ngày đều lạy.
Quí vị xem tâm thành kính như vậy, thật không dễ.
Gọi là “tinh thành sở chí, kim thạch vi khai”, ngài có tâm thành kính như vậy, cảm ứng được sau này Ba la mật đế đem bộ kinh này đưa đến Trung Quốc.
Đại sư Thiên Thai chưa từng nhìn thấy Kinh Lăng Nghiêm, sau khi kinh truyền đến Trung Quốc, người đương thời chú giải Lăng Nghiêm liền dùng tam chỉ tam quán của Thiên Thai đại sư, giải thích cho Samatha, Vipassana, thiền na trong Kinh Lăng Nghiêm nói đến, dùng giáo nghĩa Thiên Thai để giải thích.
Những trước tác đại biểu là Trường Thủy Sớ.
Chư vị hiện tại nhìn thấy chú giải của Kinh Lăng Nghiêm Trường Thủy Sớ, đây là đại biểu cho một phái thời xưa, đều là cách nói này.
Đến đời nhà Minh đại sư Giao Quang xả bỏ cách nói này, căn cứ theo giáo nghĩa của Kinh Lăng Nghiêm, đề xướng “xả thức dùng căn”, Thiên Thai là dùng thức, “trực tựu ấm tâm, hiển tam thiên pháp”, đây là dùng thức, không phải dùng căn.
Nhưng lý luận của đại sư Giao Quang nói không sai, phù hợp kinh nghĩa của Kinh Lăng Nghiêm, chúng ta làm không được.
Xả thức dùng căn, đó là người thế nào? Trong thiền tông nói hàng thượng thượng căn, trung hạ căn không có phần.
Nhưng tông Thiên Thai nói hàng trung hạ căn cũng có phần.
Giao Quang nói tuy hay, nhưng chúng ta làm không được.
Trường Thủy Sớ tuy nói không bằng đại sư Giao Quang, nhưng chúng ta có thể dùng được.
Cho nên cổ kim chú sớ đều hay.Cận đại lão pháp sư Viên Anh, Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa của Ngài chúng ta học tập rất thuận tiện.
Ngài dung hợp các cách nói của cổ kim, ngài một đời chuyên nghiên cứu Lăng Nghiêm, chúng ta ở trong lời tựa của Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa nhìn thấy, tự văn của Ngài viết rất dài, ngài 25 tuổi đã phát tâm học Lăng Nghiêm, Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa đến năm 74 tuổi mới hoàn thành, một đời chuyên tu chuyên hoằng dương, ngài kiến lập một đạo tràng ở Thượng Hải tên là Viên Minh Giảng Đường.
Viên Minh chính là giáo nghĩa của Kinh Lăng Nghiêm.
Cho nên ngài mở học viện Lăng Nghiêm Chuyên Tông Học Viện, chuyên môn nghiên cứu một bộ kinh này, điều này rất chính xác.
Đáng tiếc từ Ngài về sau không có người kế thừa nữa.
Có thể thấy việc này thật khó.
Chúng ta học kinh giáo, nếu như dừng nơi danh tự vị thì không thể thành tựu.
Mức độ thấp nhất phải có thể đạt đến quán hạnh vị.
Pháp sư Viên Anh là nhân vật như thế nào? Chúng ta tỉ mỉ quan sát cũng là quán hạnh vị, ngũ phẩm vị, nhưng học sinh sau này ngay cả ngũ phẩm vị cũng không có.
Đây là điều bản thân chúng ta phải biết, chúng ta một đời nỗ lực, thực sự mà nói cũng chỉ có thể đạt đến ngũ phẩm vị, càng hướng thượng sẽ rất khó.
Nhưng chúng ta phải nỗ lực.
Nỗ lực hướng thượng đi lên, đây là chư Phật Bồ Tát kỳ vọng đối với chúng ta.
Đây là thuyết minh về quán hạnh vị.Trong ba loại quán pháp thứ nhất là “tùng hành”.
Thứ hai là “ước pháp tướng”.
Dưới đây giải thích: “Hựu y chư kinh, ư ngôn cú, ước sự tướng pháp, nhập tâm thành quán”.
Ở đây giải thích đều rất đơn giản, nhưng lý và sự vô cùng sâu rộng.
Đây là nói sự pháp tướng, phải nhập tâm thành quán.
Làm thế nào để “nhập tâm thành quán”, trước đây đã nói qua, trong hàng thứ tư đếm từ dưới lên nói: “nhị ước pháp tướng, như quán tứ đế, ngũ hành chi văn, nhập nhất niệm tâm dĩ vi viên quán”, câu này là giải thích điều này.
Cho nên pháp mà Đức Phật thuyết, nếu như chúng ta không hiểu quán pháp, quán pháp này chính là biểu pháp mà ngài thuyết pháp, nếu quí vị không hiểu ý nghĩa này, thì ý nghĩa thực sự của pháp mà đức Phật thuyết quí vị không thể nào hiểu được.
Trong kệ khai kinh nói: “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, Như Lai chân thật nghĩa nằm ngoài ngôn ngữ, nằm ngoài sự tướng.Sự tướng, ví dụ như giảng đường của chúng ta, trong giảng đường thờ cúng Phật tượng, cúng dường hương hoa, đây đều là sự tướng.
Sự tướng này có ý nghĩa gì? Quí vị phải hiểu được.
Quí vị hiểu được mới có thể nhập quán.
Chúng ta thờ tượng Phật, tượng Phật đại biểu cho điều gì? Tượng Phật đại biểu tự tánh giác.
Ba loại trí, ba loại giác, tượng Phật đại biểu điều này.
Ba loại trí là trí tuệ trong tự tánh vốn có: nhất thiết trí, đạo chủng trí, nhất thiết chủng trí.
Ba loại giác là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
Nó biểu thị cho ý nghĩa này.
Biểu thị là tánh đức.
Tự tánh vốn có đủ ba đức này.
Thờ cúng Bồ Tát đại biểu cho tu đức.
Chúng ta là người tu Tịnh Tông, thông thường cúng dường Tây Phương Tam Thánh, ở giữa thờ cúng Phật A Di Đà, hai bên thờ cúng Quan Âm, Thế Chí.
Quan Âm biểu thị từ bi, Thế Chí biểu thị trí tuệ.
Chúng ta ngày nay nói là lý trí.
Thờ cúng hai vị Bồ Tát này làm cho chúng ta ngày ngày đều nhìn thấy, nhắc nhở chúng ta, cuộc sống công việc của chúng ta, xử sự, đối người, tiếp vật phải có ái tâm, phải có lý trí.
Lý trí thì không phải làm việc theo cảm tính.
Ái tâm chân thành thì có thể làm cho sự việc đạt đến sự viên mãn.
Thờ tượng là biểu thị cho ý nghĩa này.
Phía trước hình tượng Phật, Bồ Tát cúng đèn, ngày xưa cúng đèn đều cúng đèn dầu, thắp đèn nến, đèn biểu thị cho ánh sáng, biến chiếu đại thiên thế giới.
Ánh sáng gì vậy? Ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng của từ bi, biểu thị cho ý nghĩa này.
Đèn nến cháy dần dần sẽ không còn nữa, “thắp sáng bản thân, chiếu sáng người khác”, dùng lời hiện đại chính là phục vụ xã hội, phục vụ chúng sanh, xả thân vì người, làm cho quí vị nhìn thấy sự tướng này, quí vị có thể nhập nhất tâm.
Biết được bản thân nên làm như thế nào.
Chúng ta ngày nay đối với sự tướng này là không biết gì cả, nên gọi là mê tín.
Điều này chúng ta phải nên biết.
Chúng ta thực sự là đang mê.
Mê tín, không biết tin là điều gì.Ngày nay Phật Giáo bị suy tàn đến mức độ này, nguyên nhân là do đâu? Không có người đọc kinh, không có người nghiên cứu kinh điển, không có ai giảng giải kinh điển.
Phật pháp suy, không những suy, Phật pháp cũng có thể bị diệt mất.
Phật pháp như kinh đã nói, là ngọn đèn sáng cho tất cả chúng sanh trong biển khổ.
Chúng ta muốn cứu chúng sanh, trước phải cứu Phật pháp, muốn cứu Phật pháp thì phải y giáo tu hành, thì phải nghiêm túc mà nỗ lực, hạ thủ công phu trong giáo lý.
Đây là chánh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là đệ tử xuất gia, người xuất gia làm gì? Chính là làm sự việc này.
Đệ tử xuất gia không phải là xây chùa.
Phật Thích Ca Mâu Ni đương thời tại thế không có việc xây chùa chiền.
Mỗi ngày chư vị đồng học cùng nhau nghiên cứu thảo luận, sửa đổi tư tưởng kiến giải, nói năng hành vi sai lầm của bản thân.
Mọi người cùng nhau làm việc này, cuộc sống trải qua rất đơn giản, trải qua rất tự tại, tương ưng với đại tự nhiên.
Gốc cây ngủ một đêm, ngày ăn một bữa.
Đối với ngũ dục lục trần thế gian, danh văn lợi dưỡng chắc chắn không có tham sân si.
Sống cuộc sống như vậy.Ngày nay chúng ta nếu muốn hưng giáo, nếu muốn thực sự lợi ích chúng sanh, vẫn phải bắt tay từ đây.
Đây là điều chúng ta phải hiểu rõ, phải giác ngộ.
Rất nhiều người không hiểu được đạo lý này, cho rằng xuất gia nhất định phải xây một ngôi đạo tràng nguy nga lộng lẫy, liền cảm thấy rất vinh dự.
Thực sự là sai rồi.
Sự việc này Đức Phật rõ ràng, không phải không rõ ràng.
Ngài nói năm lần 500 năm, Phật nói 500 năm thứ nhất “giới luật thành tựu”, 500 năm thứ hai “thiền định thành tựu”, 500 năm thứ ba “đa văn thành tựu”, 500 năm thứ tư “tháp miếu thành tựu”, 500 năm thứ năm “đấu tránh thành tựu”, đấu tranh kiên cố.
Chúng ta hiện tại là 500 năm thứ năm.
Cho nên không xây đạo tràng mọi người không có việc gì, tướng an vô sự, vừa xây đạo tràng thì ý kiến lại đến rồi, đấu tranh đến rồi.
Trong tình hình này, nếu như khôi phục đến kiểu ngủ dưới gốc cây một đêm, ngày ăn một bữa, mọi người vô sự rồi, không đấu tranh nữa.
Đấu tranh liền tiêu trừ thôi.Ngày nay chúng ta tu đạo, nói lời chân thật thì phải thực sự cải tử hoàn sinh, cứu vãn Phật giáo, tiêu trừ tất cả nghiệp chướng chúng sanh, ở am tranh, am tranh từ đâu mà có? Bản thân tự làm.
Bản thân chặt vài gốc cây, làm một am tranh nhỏ, mọi người không còn tranh chấp gì nữa, đạo tâm mới có thể kiến lập.Hiện nay trong nước có tin tức cho tôi, hi vọng tôi về nước lá rụng về cội.
Tôi nói được, tôi rất nhiều năm đều có hi vọng này.
Tôi trở về nước, tôi xây đạo tràng thì làm nhà tranh, nhất định không cần xây nhà cửa, làm nhà tranh, mọi người cùng nhau tu, làm một ngôi nhà tranh lớn, mỗi một người liêu phòng của mình, bản thân tự làm một am tranh nhỏ, chúng ta sống cuộc sống của người xuất gia như vậy.
Thực sự mà nói, thực sự trở về chúng ta có thể sống cuộc sống đi khất thực, đạo tràng không cần nấu cơm.
Chúng ta giáo hóa một địa phương, những bá tánh nông thôn họ cũng hoan hỷ, chúng ta đi khất thực, sống cuộc sống như vậy tốt.
Thực sự là không tranh với người, không cầu ở đời, làm cho mọi người đều chế ngự được tham sân si mạn, thiên hạ liền thái bình.
Nếu như tham muốn hưởng thụ, tạo tội nghiệp.
Hiện tại hưởng thụ rất tốt, sau khi chết rồi tìm tam đồ mà đến, vậy thì khổ kia cũng phải lãnh đủ rồi.
Hiện tại khổ một chút, tương lai thấp nhất cũng được sanh thiên, cũng hưởng phước trời.
Đồng học các vị có người muốn đi cùng tôi, đi theo tôi tương lai đều ở lều tranh, ngay nhà cửa như thế này cũng không có.
Vậy mới thực sự như pháp.
Tu hành như lý như pháp nhất định có điều tốt.Dưới đây nói đến “thác sự”.
Đây là quán pháp thứ ba.“Thác sự tướng, như vương xá kỳ xà, danh tùng sự lập, tá sự vi quán, dĩ đạo chấp tình”.
“Chấp” chính là chấp trước, “đạo” là khai thông, khai thông tình chấp của chúng ta.
“Tức như Phương đẳng Phổ Hiền kỳ lệ khả thức”.
“Thác sự” và trước đây nói “ước pháp tướng” không giống nhau.
Trước đây ước pháp tướng là chú trọng pháp tướng.
Ở đây chú trọng sự tướng.
Trong kinh nói Vương Xá Thành, núi Kỳ Xà Quật, đây thuộc về sự tướng.
Danh hiệu của Phật Bồ Tát cũng thuộc về sự tướng.
Giống như kinh điển Phương đẳng, Phương đẳng thuộc về sự tướng.
Phổ Hiền, Văn Thù, Địa Tạng, đây đều thuộc về sự tướng.
Từ sự tướng liền hiểu được hàm nghĩa của nó.
Cho nên nói trong Phật pháp không có pháp nào không phải là thâm nghĩa của biểu pháp.
Quí vị có thể từ đây mà khế nhập, mới có thể thành tựu viên quán.Đoạn văn dưới đây chúng ta đọc tiếp,“Thác sự, vị tâm vi năng thác, y chánh sự vi sở thác”.
Y là y báo, chánh là chánh báo, y báo chánh báo những sự việc này, đây là sở thác.
“Phụ pháp, vị tâm vi năng phụ, chư pháp môn vi sở phụ, tức sự pháp nhị quán chi nghĩa”.
Hàm nghĩa trong đây có sai biệt, chúng ta nhất định phải rõ ràng, nhất định phải sáng suốt.
Sau đó chúng ta ở trong Phật pháp sẽ học được, bất luận là đối với sự tướng, hay là đối với pháp tướng, đều có thể tùy duyên mà tác quán.
Tác quán này thông thường chúng ta nói gợi ý, trên sự tướng có gợi ý, trên hiện tướng cũng có gợi ý.
Gợi ý liền sanh trí tuệ.
Trí tuệ mới đắc được thọ dụng chân thật.
Đây là nói ra danh tướng trước, sau đó mới dạy cho chúng ta làm thế nào để trên sự tướng, trên pháp tướng mà tu quán.
Cũng tức là làm thế nào để xem tất cả sự tướng, xem tất cả pháp tướng, trong sự tướng, trong pháp tướng đạt được gợi ý trí tuệ.Dưới đây cũng có nêu một vài ví dụ, hướng dẫn chúng ta một số nguyên tắc tu học.Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.A Di Đà Phật !!.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...