Hà tỉnh dậy khi cơn say đêm qua vẫn còn váng vất.
Cô không nhớ được đêm qua mình đã khóc bao nhiêu lần, hoặc là cười ré lên như đứa khờ bao lâu.
Thứ duy nhất nhớ được là ánh mắt của Thành khi cô nôn vào chiếc áo đắt tiền của anh.
Hà có cảm tưởng anh sắp ăn tươi nuốt sống mình đến nơi, cho nên mắt anh mới đỏ bừng như thế.
– Nhàn ơi, hôm qua em đưa chị về, có nhìn thấy cái sợi dây chuyền màu tím nào không?
– Dây chuyền màu tím hả? Em không thấy.
Mà có phải đêm qua em đưa chị về đâu.
– Thế là ai vậy?
– Anh Thành đó, mấy đứa em cứ khuyên mãi, nhưng ảnh chẳng chịu đưa chị cho tụi em.
Ảnh đưa chị về tận phòng, đắp chăn, lau mặt cho chị rồi mới trở về.
Hà cứng người lại khi nghe thấy Nhàn nói vậy.
Cô xoa xoa trán, bất giác chìm sâu ngẫm ngợi.
Hành động của Thành không khỏi có chút thân mật, cô và anh bèo nước gặp nhau, dù có ơn cứu mạng, cũng không thể vượt qua giới hạn.
Anh là người đã có vợ, Hà vẫn nhớ Tuấn từng cảnh cáo Thành như vậy; giống như cô hiện tại đã có chồng và hai đứa con.
– Được rồi.
Chị biết rồi.
Một ngày của dự án lại sắp sửa bắt đầu.
Hà chỉ đạo nhân viên hai công ty bày sách ra bàn, để các em nhỏ tự chọn, đồng thời thiết kế một vài hoạt động nho nhỏ để tụi trẻ vui chơi.
Nhìn nụ cười rạng rỡ của mấy đứa nhỏ, Hà lại nhớ đến hai đứa con ở nhà, lòng vừa vui vừa thấy buồn đến lạ.
– Tất cả các em đều đến đây rồi hả trưởng làng?
– Chưa đủ đâu cô.
– Ông đáp lại.
– Còn một số em nhà ở trên cao hoặc là có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa xuống.
Nhà chúng nó chỉ có mấy cụ già hoặc cha mẹ ốm yếu bệnh tật, con cái mới có mười mấy tuổi đã phải làm trụ cột gia đình rồi.
Với mấy em đó thì sách vở chẳng bằng lên rẫy để kiếm ít củ sắn củ mài mà ăn.
– Địa phương, các mạnh thường quân không hỗ trợ gì sao ông?
– Có chứ, nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.
Quanh đây ấy à, mỗi thôn chỉ có vài ba người ở trên cả một quả núi, muốn đi lại cũng khó.
Những người làm từ thiện tập trung hết ở vùng thấp, chỗ thì thừa mứa, chỗ thiếu thốn thì đợi mãi chẳng thấy quà cáp.
Mấy đứa nhóc một năm được vài bộ quần áo ấm là đã thấy may mắn lắm rồi.
Hà nhìn mấy đứa trẻ trong thôn mặc váy dệt bằng thổ cẩm đã sờn màu, chân đi đôi giày đã thủng một lỗ to bằng đầu ngón chân cái, tâm trạng nặng nề dần.
Ở đây đã khó khăn trăm bề, vậy trên các đỉnh núi cao đến ngàn mét kia, cuộc sống khắc nghiệt nhường nào.
Cô quay sang trưởng làng:
– Ông dẫn con lên trên chỗ nhà của các em được không ạ?
– Tôi cũng muốn lắm nhưng chân cẳng không tiện.
Hay để tôi gọi mấy anh con trai giúp.
– Không cần đâu trưởng làng.
– Đằng sau lưng Hà, Thành chợt lên tiếng.
– Mấy năm trước tôi có lên đây một lần, quen đường quen nẻo, để tôi dẫn đường cho.
– Chuyện này…
– Không vấn đề gì, ông cứ ở đây hướng dẫn các em nhỏ đến nhận sách vở quần áo là được rồi.
– Thành quay sang Hà.
– Em thấy có ổn không?
Hà định buông lời từ chối khi nhớ đến những chuyện xảy ra đêm qua.
Nhưng cô lại nghĩ, chỉ vì một chuyện lo xa mà gây ảnh hưởng đến công việc không phải tác phong từ xưa đến nay của cô.
Hơn nữa, bản thân Thành là một trong những người đầu tư của dự án, việc anh đi tìm hiểu thực tế không có gì quá đáng cả.
Cô chỉ đành gật đầu:
– Vậy chúng ta đi thôi.
– Đường lên núi khó đi, xe tải gần như chịu chết, chỉ có ô tô bốn chỗ là lên được, nhưng phải đi bộ một quãng khá dài.
Nhiều người đi chưa chắc đã tốt.
– Vậy thì khó quá, thời gian chúng ta được phép ở lại đây chỉ có mấy ngày thôi, đi bộ không biết mất bao nhiêu thời gian nữa.
– Hay là anh nói thế này, em xem có được không?
Hà nhíu mày chờ đợi, kết quả, Thành dắt một con xe gắn máy cũ kỹ của một người dân nào đó đến trước mặt cô.
Anh ném cho cô một chiếc mũ bảo hiểm:
– Lên xe đi.
– Biện pháp của anh là như thế này hả? – Hà nhìn quanh quẩn, quả thực không thấy có chiếc xe nào khác, cô mới chấp nhận một điều là anh định chở mình bằng chiếc xe buồn cười này.
Thành thì nghĩ cô đang lo lắng về sự an toàn, bèn bảo:
– Yên tâm đi, anh có bằng lái xe máy loại thành thục nhất đấy.
Hay là em sợ?
Lời thách thức kia khơi dậy sự hiếu thắng trong Hà, cô vịn vào một bên áo anh, trèo lên xe.
– Lên thì lên, ai sợ chứ?
– Giữ chắc đấy nhé!
– OK!
Hai người cứ như thế vượt qua con đường cheo leo dốc đứng.
Hà ngồi đằng sau lưng Thành, reo lên chỉ vào mấy áng mây bồng bềnh trước mặt.
Ở độ cao này, cô tưởng tượng mình có thể chạm vào trong mây.
Chiếc xe máy hai người đi đã cũ, cứ kêu tàng tàng suốt dọc đường, Thành phải nói lớn tiếng người đằng sau mới nghe được rõ.
– Em chưa lên núi bao giờ hả?
Cô cũng nói to đáp lại:
– Chưa.
À mà cũng không đúng lắm.
Hồi em ở bên Pháp, nhà xây trên sườn núi, nói là núi nhưng cao hơn quả đồi thấp không có bao nhiêu đâu.
– Còn ở Việt Nam thì sao? Em sang Pháp từ khi còn nhỏ à?
– Cái này thì không phải.
– Hà lắc đầu phủ nhận.
– Em sang Pháp từ bốn năm trước, còn hồi nhỏ như thế nào thì em không nhớ nổi.
Năm năm trước em gặp tai nạn bị mất trí nhớ, cho đến nay vẫn chưa nhớ lại.
Tốc độ chiếc xe hai người đang đi đột ngột giảm một khoảng lớn.
Ánh mắt Thành trầm tư nhìn vào gương xe, khuôn mặt thích thú của Hà đang hiện lên trên đó.
Đây là điều anh đã dự đoán được trước, nhưng từ chính miệng cô nói ra, lại càng khiến cho anh đau lòng.
Hà ngồi ở sau xe, không quan sát được khuôn mặt Thành, mà cho dù có mặt đối mặt, cô cũng không biết anh đang nghĩ gì.
– Em có muốn nhớ lại không? – Anh bỗng nhiên lên tiếng hỏi.
– Thật ra mất trí nhớ cũng không tệ lắm.
Bác sĩ bảo với em mất trí nhớ là một hành động tự bảo vệ của cơ thể.
Đối với những người đã trải qua một quá khứ quá đau khổ, quên đi là cách để họ tự chữa lành.
– Ừm.
Quên cũng tốt.
– Nhưng em muốn nhớ lại.
Quên đi chỉ là thủ thuật mà che mắt mà thôi, vết thương của quá khứ vẫn còn ở đó, vốn dĩ chẳng biến mất được.
Suy cho cùng cũng chỉ là cách lừa mình dối người mà thôi..
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...