Dị Năng Trọng Sinh: Thiếu Nữ Bói Toán Thiên Tài
Tống Huyền quay sang thuật lại đại khái tin anh vừa nhận được cho Dương Tử Mi nghe.
Dương Tử Mi đương nhiên cũng rất sẵn lòng đi cùng anh xem hàng. Một là cô muốn giúp Tống Huyền phân biệt đồ cổ có khí may mắn hay có âm sát khí, mặt khác cô cũng muốn tìm vài món đồ cổ để làm pháp bảo trấn nhà của mình sau này.
Sau khi cho chiếc gương và cái tháp nhỏ kia vào cặp, Dương Tử Mi vội vàng theo chân Tống Huyền đến phòng khách.
Một người đàn ông có cặp mắt ti hí, gian xảo đang ngồi chờ sẵn ở phòng khách. Người đàn ông nọ tuy y phục gọn gàng, sạch sẽ nhưng trên người ông ta vẫn toát ra mùi ẩm mốc và mùi bùn đất đặc trưng của những kẻ trộm mộ chuyên nghiệp. Mùi ẩm mốc đặc trưng của huyệt mộ kia dù có dùng nước hoa đắt tiền cỡ nào cũng không che lấp đi được.
Người đàn ông nọ có vầng trán thấp, hốc mắt sâu, chân mày nhạt, ánh mắt láo liên, khoảng cách giữa hai chân mày rất gần nhau, môi mỏng, mặt gầy và dài. Ngoài ra, trên người ông ta còn toát ra một luồng sát khí mạnh, điều đó chứng tỏ đã có vài người thiệt mạng dưới tay ông ta.
Loại người như thế, Dương Tử Mi không có ấn tượng tốt gì với họ.
Thấy Dương Tử Mi xinh xắn, đáng yêu đi sau lưng Tống Huyền, người đàn ông nọ đưa cặp mắt cú vọ và thèm khát nhìn cô chằm chằm.
Trộm mộ là một việc hết sức nguy hiểm. Một là bỏ mạng ngay trong mộ, hai là đi đời dưới họng súng của cảnh sát. Cho nên những kẻ trộm mộ có sở thích đặc biệt với chuyện hưởng thụ sự giàu sang phú quý và tửu sắc.
Thấy ông ta cứ nhìn Dương Tử Mi như thế, Tống Huyền cố ý tiến đến chắn ngang tầm mắt của ông ta.
Vì muốn nhanh chóng bán lô hàng nọ để có tiền trốn sang Đông Nam Á. Hơn nữa, sau khi có nhiều tiền rồi thì người đẹp thế nào cũng có nên gã đàn ông kia cũng không nhìn Dương Tử Mi nữa. Ông ta quay sang hỏi Tống Huyền:
- Anh là anh Tống sao?
- Đúng ạ.
Tống Huyền hờ hững gật đầu đáp.
- Tôi là Hắc Xà. Sơn Ưng giới thiệu tôi đến đây bán hàng cho anh. Anh ta nói anh là người làm ăn đàng hoàng và luôn giữ chữ tín.
Người đàn ông nọ thì thào giới thiệu.
Tống Huyền khẽ mím môi một cái.
Dù là mua hay bán thì đều là chuyện giao dịch bất chính. Nếu xử lý không tốt thì sẽ có chuyện.
Trước giờ, chuyện giao dịch hàng bất chính kia Tống Huyền rất ít khi làm và trước giờ anh chỉ giao dịch với duy nhất một mình Sơn Ưng.
Thấy Tống Huyền trầm ngâm không nói gì, biết là Tống Huyền không tin mình nên Hắc Xà liền lấy một vật nhỏ bằng pha lê lam trong túi ra đưa cho Tống Huyền xem. Vật đó giống như bông tai của phụ nữ vậy.
Vừa thấy chiếc bông tai nọ, mắt Tống Huyền sáng lên. Điều này cho thấy tình yêu của Tống Huyền đối với đồ cổ lớn đến nhường nào.
Thấy có vẻ đã dụ được Tống Huyền nên Hắc Xà cũng cười vẻ đắc ý. Đoạn, Hắc Xà để vật đó lên bàn nói:
- Đây chỉ là một trong những thứ mà tôi muốn bán ngày hôm nay thôi.
Tống Huyền xem đi xem lại chiếc bông tai bằng pha lê xanh lam kia. Đó là một chiếc bông tai rất tinh xảo, kích thước chỉ chừng hai milimet thôi. Hai đầu đều có hình tròn, phần thân rất mảnh, cứ như một chiếc trống thu nhỏ vậy. Ngoài ra, ở hai đầu bông tai còn được đục hai cái lỗ nhỏ để đeo vào lỗ tai.
Trong bài thơ “Khổng Tước Bay Về Miền Đông Nam” có miêu tả bông tai của các thiếu nữ thời Hán như sau:
“Yêu nhược lưu hoàn tố, nhĩ trứ minh nguyệt đang.”
Đúng vậy, chiếc bông tai mà Tống Huyền đang xem kia chính là chiếc bông tai Minh Nguyệt được nhắc đến trong hai câu thơ trên. Là một món nữ trang bằng pha lê cực kỳ tinh xảo và quý hiếm của các thiếu nữ thời Hán. Chiếc bông tai đó trang nhã và đẹp đến nỗi chỉ cần nhìn thấy nó là có thể tưởng tượng ra được hình ảnh thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng, thanh thoát thời nhà Hán vậy.
Tuy nhiên, đối với Dương Tử Mi mà nói, điều quan trọng hơn cả giá trị nghệ thuật và giá trị lịch sử chính là luồng khí mà bản thân chiếc bông tai nọ mang lại.
Cũng may là chiếc bông tai kia không có sát khí và cũng không có khí may mắn gì. Nó chỉ là một món đồ cổ bình thường, thế nên Tống Huyền có thể yên tâm mua nó về.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...