Lâm An quận vương phủ.
Phó quan bước nhanh, đẩy cửa thư phòng, mùi thuốc nồng nặc từ phía đối diện xộc vào mũi, cửa sổ cũng đóng chặt, bốn lò lửa đang cháy cùng một lúc, đốt nóng căn phòng thành một cái lồng hấp.
Chăn lông cừu dày rũ xuống tháp, một góc trượt xuống mặt đất, Hoắc Kinh Đường cuộn mình trong chăn nghỉ ngơi, dù đang ở trong cái lồng hấp mà vẫn cóng đến nỗi mặt mũi tái mét.
Phó quan: "Bẩm tướng quân, người bán đề Lưu lão bát đã chết đột ngột được hơn nửa tháng nay rồi, còn kẻ trước đó bị thẩm vấn ở phường hoa trà cũng tự vẫn tại nhà, mấy tên bán đề ngoài chợ, thu hối lộ giúp tìm cách gian lận qua một đêm liền không xuất đầu lộ diện nữa."
Hoắc Kinh Đường lần tràng hạt: "Ta đã nói rồi, ngày đó ngươi không nhanh chóng trừ khử chúng, sau này khó mà bắt lại được."
Phó quan hổ thẹn: "Thuộc hạ chỉ muốn thả dây dài câu cá lớn."
Hoắc Kinh Đường: "Cỏ cây đều là binh lính, người người đều tự nhận ra nguy hiểm, bọn chúng sẽ cho ngươi có thời gian đợi cá lớn sao?"
Phó quan cúi đầu thấp hơn, biết mình đã làm hỏng việc được giao, không còn mặt mũi nào gặp người khác, đột nhiên nhớ đến gì đó bèn nói: "Thuộc hạ còn tra được một chuyện, Lưu lão bát tên là Lưu Từ Đức, nhận bà vú của Thái tử làm nghĩa mẫu, cả hai người đều giỏi đánh cược, nhưng lại đều thiếu nợ ngàn lượng tiền cược.
Nhưng hai tháng trước bọn họ đã trả xong món nợ đó rồi, thậm chí dùng tiền thừa đi tìm thú vui, thuộc hạ muốn hỏi chuyện bà vú ở Đông cung, nhưng Đông cung nói bà ta mất con thương tâm quá độ đã trở nên điên loạn.
Có điều trước lúc ra khỏi Đông cung, ta có nghe thái giám tổng quản khiển trách vì có một tấm thẻ ngà bị mất hai tháng cũng không ai báo lên, ta kiểm tra ghi chép thì phát hiện người cuối cùng dùng thẻ ngà đó chính là bà vú của Thái tử!"
"Còn nữa." Phó quan chần chừ một chút rồi nói tiếp: "Thuộc hạ cho người đi dò la ở các tỉnh khác một chuyến, trên đường gặp một tú tài bị thương nặng.
Hắn đến từ Giang Tây, chuẩn bị lên kinh tố cáo quan chủ khảo tỉnh Giang Tây là Trần Chi Châu nhận hối lộ, công khai gian lận thi cử, bạo lực trấn áp các thí sinh đến khóc oan ở Khổng miếu, ép người ta đến nỗi tay chân tàn tật, còn cho người chặn đường đánh thí sinh đi cáo ngự trạng —— người của chúng ta không kịp cứu hắn, nhưng đã đưa bốn trăm năm mươi ba thí sinh Giang Nam và bức huyết thư cáo trạng Trần Chi Châu mà hắn mang theo đi."
Hoắc Kinh Đường không nhúc nhích, hồi lâu mới nói: "Tìm người theo dõi Trịnh Hữu đi.
Tay chân của hắn quá dài, khoa cử tỉnh ngoài cũng dám đụng vào, trừ trường thi Giang Nam, cũng không biết còn đụng đến bao nhiêu tỉnh —— hình như quy tắc của bọn chúng là tiền nhận một nửa trả một nửa, để ở tiền trang (*) chờ đến khi xong việc thì kết khoản chót, còn thấy không ổn thì lại rút về."
(*) Tiền trang: ngân hàng
Phó quan: "Vâng."
Hoắc Kinh Đường: "Ta nhớ không lầm, Tri phủ kinh đô là môn sinh của Thập thúc, ngươi mượn danh Thập thúc đến Nha môn, nhờ Tri phủ tra hết tất cả sòng bạc, tửu lâu, rạp hát ở hai thành Đông, Tây, phàm là sản nghiệp của Trịnh Hữu thì đều phải tra hết.
Đợi đến khi hắn dùng hết tiền, thiếu bạc chắc chắn sẽ động vào khoản chót.
Chỉ cần hắn ra tay, ta sẽ bắt gọn hết một mẻ."
Phó quan do dự: "Nhưng tướng quân, ngài nói bây giờ ai cũng nhận ra nguy hiểm, hắn ta dám ở bước ngoặc này cho người đi lấy bạc sao? Số bạc đó không chừng có thể làm bọn chúng bại lộ đồng bọn ở tỉnh ngoài, Trịnh Hữu dám bí quá hóa liều sao?"
Hoắc Kinh Đường: "Phủ Trịnh quốc công quen thói phô trương, thường dùng tiền đút lót trên dưới, thích nhất là lấy lý do cắt giảm chi phí và lương thực trong quân để khoe tài lấy lòng với bệ hạ, thật ra toàn dựa vào tiền bạc mà Trịnh Hữu đưa cho mới giữ cho quân Dực Châu không đến nỗi bị giải tán."
Mấy chục cả trăm người há miệng chờ cơm, mỗi ngày đúng giờ đúng điểm đốt tiền, một khi khoản thu bị cắt đứt, có thể tưởng tượng được hậu quả sẽ nghiêm trọng biết bao nhiêu.
Nhắc tới cha con Trịnh quốc công, mỗi lần trên triều cấp quân phí đều nhảy ra nói láo không biết ngượng, nói gì mà giảm bớt quân phí lương bổng, cắt quân đội, gì mà chủ yếu là phải hoàn hảo, mặt dày mày dạn tranh nhau khóc nghèo, tính toán chi li cả quân phí của quân Tây Bắc, phó quan tức lắm mà không có chỗ phát tiết.
"Tuân lệnh! Ta trái lại muốn xem thử bọn họ làm sao có thể giả vờ trước mặt bệ hạ!"
Vẫn chưa tới một nén nhang, mà trên trán phó quan đã đầy mồ hôi, cảm giác cực kì khó chịu, lại nhìn đến mặt mũi Hoắc Kinh Đường cóng tới nỗi không còn giọt máu, bất giác càng phiền não hơn, lòng tràn ngập bi phẫn: "Bây giờ mới tháng tư, cổ độc đã bắt đầu phát tác rồi, chi bằng lại phái người đi tìm Từ thần y thôi ạ?"
Năm đó, Hoắc Kinh Đường hai mươi mốt tuổi đánh một trận với Nam Cương, bị trúng cổ, mặt nổi mụn độc, vậy nên mới có chuyện hắn sửa danh xưng là La tướng quân.
Sau khi trúng cổ độc, vào mùa đông thì nhiệt độ cơ thể tăng cao, mùa hè thì lạnh như bị nhét vào hầm băng, độc này không làm người trúng chết ngay, mà là muốn để cho người đó bị hành hạ liên miên, sau đó mới chết đi trong thống khổ.
Sau khi giao binh quyền về lại kinh đô, bệ hạ và Khang vương đều phái người đi tìm thuốc giải, ở biên giới Đại Cảnh và Giao Chỉ (*) tìm được thần y Từ Minh Bích, thần y chẩn đoán qua, nói chỉ có thể làm dịu nó chứ không có cách nào trừ tận gốc, độc tố trên mặt được loại bỏ, nhưng mỗi năm cứ đến tháng mười một mười hai, và hai tháng bảy tám đều phải chịu khổ.
(*) Giao Chỉ (chữ Hán: 交趾) là địa danh một phần lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử, từ thời Hùng Vương đến các kỳ thời Bắc thuộc.
Nó cũng là tên Bắc Tống và Nam Tống gọi 3 nhà nước của nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và nhà Lý từ 975 đến 1164.
(Wikipedia)
Năm ngoái, đến tận lúc mùa hè nóng bức nhất cổ độc mới phát tác, năm nay mới tháng tư đã bắt đầu hành hạ, nói rõ thuốc áp chế đã không còn hiệu quả nữa.
"Vô dụng thôi." Giọng Hoắc Kinh Đường rất thấp, tốc độ cũng chậm, giờ phút này hắn cực kì yếu ớt, tinh thần phải vô cùng mạnh mẽ mới có thể giữ mình tỉnh táo.
Lại nói hành tung của Từ Minh Bích bất định, không muốn làm quan.
Ba năm trước còn bị thương nên đã lánh đời không gặp người khác, trước đây hắn cũng nói chẳng phải không có cách trừ tận gốc cổ độc kia, chỉ là thiếu một vị thuốc: huyết phách ngàn năm.
Huyết phách ngàn năm còn khó có được hơn cả tùy châu ngọc bích, thứ đó từng xuất hiện ở một nhà giàu có nhất Giang Nam, bốn năm trước gia chủ bị diệt môn cũng đã biến mất theo, mấy năm gần đây bọn họ phái ra vô số ám vệ đi tìm cũng không tài nào tìm ra được.
Phó quan cắn răng bất lực.
"Ra ngoài đi, đừng có đứng đờ trong phòng ta như trúng nắng thế kia." Hoắc Kinh Đường hé nửa mắt ra, đôi con ngươi trong trẻo như khảm lưu ly tùy ý liếc qua, lại trông giống như ánh mắt từ bi của Bồ tát vậy.
Phó quan lòng ngập khổ sở, ra đến cửa viện, nam nhi cao thước tám nhăn mặt khóc lên, bị Khang vương đến thăm nhìn thấy.
Khang vương đứng hàng thứ mười, từ nhỏ đã được nuôi nấng bên cạnh Thái hậu, tuy không cùng một mẹ sinh ra với Nguyên Thú đế nhưng tình như thủ túc, xưa nay vẫn luôn yêu chiều đứa cháu trai Hoắc Kinh Đường này.
"Ôi, vương gia nhà ngươi còn chưa chết mà đã khóc tang rồi à."
Phó quan vội vàng hành lễ, không nhịn được bẩm báo tình trạng ngày càng tệ của Hoắc Kinh Đường, xong chuyện này mới nhắc tới việc được giao.
Khang vương vốn muốn vào gặp Hoắc Kinh Đường một lúc, nghĩ đến đứa cháu trai đang bị giày vò, cổ độc chỉ càng lúc càng nghiêm trọng hơn thì trong lòng lo lắng không thôi, người cũng chẳng vào gặp, nói sau khi rời phủ sẽ phái một đám ám vệ tiếp tục đi tìm huyết phách vạn năm.
Ông vừa nói vừa phàn nàn, đã như vậy Nguyên Thú đế còn ném vụ lộ đề cho Hoắc Kinh Đường, lão già này là đang bồi dưỡng người hay là muốn hành hạ người đến chết đây?
Suốt cả buổi phó quan chỉ biết tự coi mình là người điếc.
***
Còn chưa chờ Triệu Bạch Ngư tìm cách chui vào Đông cung, Đại lý tự đã truyền tới tiến triển mới của vụ án.
Nha dịch lặng lẽ nói cho y biết, mấy ngày trước có người nhân lúc đêm xuống vào nhà lao gặp Vương thượng thư, ngày hôm sau ông ta liền chủ động cung khai chủ mưu lộ đề là Trần thị lang.
Trần thị lang và bà vú Đông cung cấu kết, vì giúp bà ta trả nợ nên mới cầm đề thi bán ra ngoài, do bà vú là người của Đông cung, hơn nữa cử tử tham gia mua đề gian lận có một nửa dính líu đến đảng phái của Thái tử, thành công cắn Thái tử một nhát.
Không biết Tần vương làm sao biết được tiến triển mới này, lúc lâm triều cả một đoàn quan viên cùng lên tiếng tố cáo Thái tử, Nguyên Thú đế giận đến nỗi phát hỏa tại chỗ, Thái tử bị mắng xối cả, đến cả Lâm An quận vương cáo nghỉ không tới cũng bị giận cá chém thớt, mắng hắn lĩnh chức hơn nửa tháng mà chỉ bước vào Đại lý tự một ngày, quả thực lơ là cương vị.
Có điều lửa giận chủ yếu tập trung trên người Thái tử, trước tiên để hắn tự kiểm điểm bản thân, sau nghiêm khắc răn đe thuộc hạ của mình, bắt hắn tra ra bên dưới cùng những người có dây mơ rễ má trong chuyện này, còn phải giao bà vú ra phối hợp với Đại lý tự điều tra, đồng thời tước mũ quan của Vương thượng thư và Trần thị lang, bao gồm cả chức vụ vẻ vang mà ông hầu hạ ba triều mới có được, tiếp đó hạ lệnh vây cấm Trần phủ, tra rõ xem thành tích của con trai Trần thị lang Trần Phương Nhung có phải lả chân tài thực học hay không.
Chờ đến sau mùa thu, khi kết án xong Trần thị lang sẽ bị xử trảm, coi như nghiêm khắc cảnh cáo!
Một lời đã định, tương đương với xét xử tử tội cho ân sư, không ai dám mở miệng cầu tha thứ.
Sau khi Trần phủ bị vây cấm, Trần Phương Nhung leo cây nhảy ra ngoài gặp Triệu Bạch Ngư, nói hắn chuẩn bị đi gõ trống kêu oan: "Triều đình nay dù đã bất hòa đủ đường, nhưng trăm quan đều rõ, cha ta không thuộc về đảng phái nào, cha ta trong sạch vô tội, nhưng bọn họ không ai dám đứng ra chỉ trích Tần vương vì để tấn công Thái tử mà đến cả nguyên lão ba triều cũng có thể bêu rếu! Bè đảng Tần vương lợi dụng cha ta để lật đổ Thái tử, còn bên Thái tử thì gắng sức rũ bỏ quan hệ với cha, ông ấy đã trở thành vũ khí cho bọn họ công kích lẫn nhau, dù chân tướng có thể nào đi nữa, kết cục vẫn là đường chết thôi.
Trừ phi ta tự mình đến Thùy Củng điện minh oan —— bây giờ người duy nhất có thể cứu cha ta là Lâm An quận vương, hắn không thuộc về bất kì đảng phái nào, càng không sợ đắc tội trăm quan."
Trong ánh mắt Trần Phương Nhung ôm quyết tâm liều chết khẩn cầu: "Triệu Bạch Ngư, ta cầu xin ngươi đến tìm Lâm An quận vương, cầu hắn trả lại trong sạch cho cha ta đi."
Trần Phương Nhung biết tính tình Lâm An quận vương, cũng biết hành động của mình là đang ép buộc Triệu Bạch Ngư, nhưng thật sự không còn cách nào khác nữa rồi.
Cha đã bị dồn đến bước đường cùng, hắn thân làm con, sao có thể thờ ơ cho được?
Thật ra gõ trống kêu oan cũng không thể thay đổi được gì, trừ phi Trần Phương Nhung đập đầu tự tử ở Thùy Củng điện, dùng cái mạng của mình mới có thể đổi lấy thái độ nói rõ cho thiên hạ biết về sự việc này của Nguyên Thú đế.
"Huynh đừng có mà suy nghĩ đến chuyện chết chóc nữa, vụ án còn chưa kết thúc thì vẫn còn cơ hội xoay chuyển.
Chờ đi, Thái tử còn phải phản kích, trước tiên để bọn họ đấu đá với nhau một trận đã.
Còn Lâm An quận vương, ta đã đến tìm hắn rồi, người ta không muốn gặp."
Nhắc tới chuyện này, Triệu Bạch Ngư liền đau đầu.
Vất vả lắm mới vượt qua được nội tâm sợ hãi Hoắc Kinh Đường, chân run cầm cập tới trước cửa quận vương phủ, vậy mà hai con sư tử đá cứ nhìn chằm chằm y gõ cửa, cuối cùng bị cho ăn chè bế môn (*).
(*) Từ chối không cho khách vào nhà gọi là cho khách ăn chè bế môn.
Người gác cổng vừa nghe đến thân phận của Triệu Bạch Ngư, trước hết trừng mắt xem thường, sau đó đóng sầm cửa lại, vào trong phủ bẩm báo xong, lấy lý do trước khi kết hôn không thể gặp mặt để từ chối y.
Triệu Bạch Ngư bèn đóng cọc trên con đường Hoắc Kinh Đường phải đi để về phủ chặn hắn lại, vậy mà đối phương ba bốn ngày liên tiếp cũng không ra khỏi nhà.
Hơn nữa, dù cho chặn được người, y có thể dùng lý do gì để thuyết phục Hoắc Kinh Đường giúp mình cứu ân sư đây?
Hắn đã nhận công việc này nhưng vẫn lẫn tránh thật xa, thà bị la rầy cũng không dính vào trong cuộc, thái độ đủ để thấy rõ.
Triệu Bạch Ngư phất tay, để cho Ngụy bá hộ tống Trần Phương Nhung hồi phủ, cũng bảo đảm: "Yên tâm đi, năm ngày nữa nếu như không có chuyển biến tốt thì ta đi gõ trống được chưa."
Ân sư chỉ có một đứa con ruột là Trần Phương Nhung, y cũng không muốn ân sư chưa ra khỏi nhà lao đã phải để tang con.
Tuy lời bảo đảm đã nói ra, nhưng nếu muốn nhúng tay vào vụ án này, một tiểu quan lục phẩm như y căn bản không có cửa.
Bên Hoắc Kinh Đường không thuận lợi, Triệu Bạch Ngư chỉ có thể đi tìm Thượng quan.
Vừa đúng lúc Thượng quan vừa mới tiễn khách quý đi, vẻ mặt lo lắng vuốt chùm râu dê, Triệu Bạch Ngư tiến tới chắp tay chào hỏi.
"Kỷ đại nhân, ngài đang lo âu việc chi?"
Kỷ tri phủ thở dài: "Được người ta nhờ vả, không thể từ chối.
Có vài việc thì dễ làm, nhưng cũng có một số việc khó —— còn ngươi đến đây làm gì? Hôm nay cũng không phải ngày báo cáo công vụ, sao lại đích thân ghé phủ? Có chuyện gì muốn nhờ sao."
"Kỷ đại nhân tường tận mọi việc, Ngũ lang không gạt ngài được!"
"Bớt nịnh ta, nói chuyện trước đi."
Kỷ tri phủ rất tán thưởng Triệu Bạch Ngư, những năm nay đường làm quan của y trôi chảy, mấy lần vì trình lên thượng sách mà được khen ngợi, có một cấp dưới cực tốt như Triệu Bạch Ngư, năng lực vượt trội lại không tham công, sao ông có thể không yêu thích chứ?
Vậy nên đối với chuyện mà y sở cầu, ông cũng có thể cho đi mấy phần tình mọn.
"Đại nhân có quen biết bằng hữu nào có thể can thiệp án lộ đề thi không?"
Kỷ tri phủ hoảng sợ nhìn Triệu Bạch Ngư: "Mau bỏ cái ý nghĩ tìm chết đó của ngươi đi! Ngươi suy nghĩ cái gì vậy? Muốn kiến công lập nghiệp cũng không cần phải đi con đường tà đạo này!" La rầy một phen, an tĩnh được chút lại hỏi: "Ngươi là vì ân sư Trần thị lang sao?"
"Vâng." Triệu Bạch Ngư cúi người bái một cái: "Ân sư gặp khó khăn, học sinh ăn ngủ không yên, nếu như thấy chết mà không cứu, lương tâm cả đời học sinh khó an, xin đại nhân hãy giúp hạ quan một tay!"
Kỷ tri phủ vô cùng xúc động: "Ngươi là người chân thành hiếm thấy.
Trần Sư Đạo vừa xảy ra chuyện, tới chó cũng tránh đi ngang cửa nhà hắn, còn ngươi lại chủ động tới gần...!Ôi, tuy ta phụ trách quản lý sự vụ lớn nhỏ của kinh kỳ (*), nhưng không có quyền can thiệp vụ án của Đại lý tự, huống chi lần này không phải chuyện đùa, đến cả Thái tử cũng bị kéo vào, ai mà có gan làm giúp ngươi?"
(*) Kinh kỳ: kinh đô và vùng lân cận.
Thấy Triệu Bạch Ngư chưa từ bỏ ý định, hơn nữa đứa nhỏ này quả thực hết lòng hết sức cứu ân sư, vô cùng hiếm thấy, nếu để cho y một phần ân tình, ngày khác gặp nạn cũng có thể nhờ đến hôm nay bôn ba giúp y.
Thân ở triều đình, tình hình lại hết sức nguy cấp, ai mà lại không ước ao có được một bằng hữu sẵn sàng giúp mình khi gặp nạn?
Kỷ tri phủ liền nói với y: "Thập vương gia mới vừa tới phủ ta, nhờ ta tìm một món đồ vô cùng quý hiếm để tặng cho quý nhân, nó được gọi là huyết phách ngàn năm.
Nếu như ngươi cũng có thể tìm ra nó dâng lên, quý nhân kia nhất định sẽ giúp ngươi."
Kỳ trân dị bảo gì mà đến vương công quý tộc cũng chẳng có?
Bọn họ cũng không tìm được, một nhân vật bé nhỏ không quyền không thế như Triệu Bạch Ngư làm sao tìm ra?
Nghĩ đến đây, Kỷ tri phủ cảm thấy mình đã nảy ra một ý tưởng thật tệ, liên tục thầm thở dài.
Triệu Bạch Ngư hỏi: "Huyết phách ngàn năm có hình dạng như thế nào?"
Ngay cả hình dạng của nó cũng không biết, nói chi đến chuyện có thể tìm được? Kỷ tri phủ: "Nó màu đỏ, giống như khối gỗ bình thường nhưng hơi mốc, còn có mùi khó ngửi.
Nhưng nếu nướng qua một lửa, sau đó dùng nước lạnh dội lên, nó sẽ trở thành một vật trong suốt như lưu ly, còn có hương thơm nữa."
Màu đỏ? Khối gỗ? Mùi khó ngửi?
Có hơi quen thuộc, dường như đã gặp ở đâu rồi ấy nhỉ.
Triệu Bạch Ngư lục lọi trong ký ức, cuối cùng cũng nhớ đến món quà tạ ơn mà Lý Ý Như đã đưa mình, vội vã từ biệt chạy về nhà tìm cái hộp kia, dùng cách mà Kỷ tri phủ nói thử nghiệm một lần, rốt cuộc khối gỗ kia cũng phát ra mùi thơm lạ, trở thành huyết phách ngàn năm sáng trong tựa như hồng ngọc.
Bên này, Kỷ tri phủ vừa mới ngồi xuống phẩm trà đã thấy Triệu Bạch Ngư chạy đi chạy lại, cầm theo hộp gỗ hào hứng hô lên: "Kỷ đại nhân, ngài nhìn thử xem đây có phải huyết phách ngàn năm hay không?"
Nhìn thử một chút, mới chỉ một nén nhang trước đó còn chẳng biết huyết phách ngàn năm là gì, chỉ sau một nén nhang đã tìm được, đừng nói là bị mấy kẻ bán hàng rong đầu đường lừa bịp, kêu món đồ rách rưới rẻ tiền là bảo bối.
Huyết phách ngàn năm là bảo vật trân quý mà ân sư của ông tìm bao nhiêu năm cũng còn chưa tìm ra, sao có thể nói tìm là tìm được liền?
Kỷ tri phủ không tán thành nói: "Ngũ lang, ta biết ngươi nóng lòng cứu người, nhưng ngươi không thể có bệnh thì vái tứ phương, đem khối gỗ nhặt đầu đường tới gọi bảo bối được.
Cũng may đó là ta, nếu ngươi làm bừa đưa nó tới Thập vương phủ, chọc giận Thập vương gia, mười cái mạng của ngươi cũng không đủ chém —— "
Lời nói hơi ngập ngừng khi Triệu Bạch Ngư mở hộp gỗ ra để ngay trước mắt ông.
Kỷ tri phủ nhìn đồ vật như khối lưu ly huyết phách, ngửi thấy hương thơm lạ, ngẩng đầu thấy Triệu Bạch Ngư cười đến hai mắt cong cong.
"Ngài nhìn món đồ này thử xem? Có giống huyết phách ngàn năm không?"
Kỷ tri phủ: "..." Sau đó trợn mắt há mồm.
==
Min: Cá nó làm một pha cứu chồng chuẩn không chê vào đâu được các chị ạ =))))))).
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...