Đất Ma


“Điền Quý? Phải thằng Quý học cấp một trường Kim Liên cũ đấy phải không?”
Nghe đầu dây bên kia tự xưng là “Điền Quý”, tôi không nhịn được mà xổ luôn một tràng.

Họ Điền không phải một họ thường gặp, mà ngày xưa hồi học cấp một tôi đúng là có một thằng bạn nối khố tên là Điền Quý.

Về sau nó bỏ học đi đâu mất tích, mấy lần họp lớp cũng chẳng ai biết đường mà liên lạc.
“Đúng.

Anh là...?”
“Hưng! Vũ Hưng! Hưng lắp đây.

Nhớ tao không Quý giẻ lau?”
Điền Quý ngày xưa đến lớp là thằng không chú ý nghe giảng nhất, quần áo cũng lôi thôi lếch thếch chẳng ra đâu vào đâu, người ta còn tưởng là ăn mày.

Mấy đứa con gái bảo thằng này như miếng giẻ rách, nên từ đấy cũng có biệt danh Quý giẻ lau luôn.

Chỉ có mấy thằng bạn cởi truồng tắm sông với nó là biết thực ra nhà thằng này giàu nứt đố đổ vách, nó lại là cháu đích tôn, thằng này mà muốn thì tiền tiêu trong người có khi còn nhiều hơn bố mẹ chúng tôi nữa.

Thế nhưng chả bao giờ thấy nó vòi vĩnh quà vặt đồ chơi, cũng cóc thể hiện với ai, như thể nó không có nhu cầu gì vậy.
Cái thằng quái đản ấy tự nhiên đùng một cái lại bỏ học, thành ra trong đám bạn nối khố hồi cấp một của tôi, nó để lại ấn tượng sâu nặng nhất.
Có lẽ nhận ra tôi, giọng thằng Quý giẻ lau ngày xưa trở nên nghiêm túc hơn hẳn, cái điệu bộ ngái ngủ ban nãy chẳng còn tí nào.

Nó nói:
“Ở yên đấy chờ tao.

Kim Xá đúng không? Cho tao cái địa chỉ.”
“Có thể tao phải tạt qua Bình Giang đi một vòng, khả năng tối mới đến được.

Ở yên trong phòng, lấy nhiều tỏi, lá dứa, muối với tàn hương vào cố thủ trong đấy cho tao.”
Tôi nghe nó sai phái liến thoắng, chưa kịp nói thêm câu nào, thằng Quý giẻ lau đã cúp điện thoại cái phụt.
Cứ coi như thằng này bỏ học đi học thầy, có thể bắt ma trừ quỷ đi, nó có thể giỏi hơn ông Trung hay không? Đến ông đồ tể bặm trợn như thế mà còn máu me be bét thì thằng Quý giẻ lau làm được gì?
Tôi nghiến răng...
Còn tưởng ông sư cụ để lại số điện thoại kia để liên lạc với bậc cao nhân ẩn sĩ nào đấy, chứ thằng Quý giẻ lau năm nay chạc tuổi tôi, hai nhăm hai sáu tuổi đầu thì làm gì được ai?
Đáng nhẽ phải bảo nó chạy, bảo nó đừng đến đây.
Tôi thực sự không muốn một ai mất mạng vì cái sự ngu dốt của mình nữa.
Nghe tôi kể lại sự tình, Hoa bèn an ủi tôi:
“Anh cả nghĩ rồi.

Biết đâu số điện thoại là của sư phụ cậu Quý, cậu ấy chỉ chực nghe điện thoại cho thầy thôi thì sao?”
Tôi thở ra một hơi, chính mình cũng không rõ là thở dài thườn thượt hay thở phào nhẹ nhõm nữa.


Lúc này, cũng chỉ có thể hi vọng câu nhắc nhở của Hoa là sự thật.
Đồng tiền chinh duy nhất đã dùng, phím ghi chữ “X” trên điện thoại công cộng cũng đã biến đâu mất, không cách nào liên lạc được với thằng Quý nữa.
Chúng tôi trở về căn nhà ba gian, thuật lại chuyện hôm nay cho ông Trung.
Ông đồ tể nghe thấy nhà anh Dũng cũng bị quỷ phá, mắt trợn tưởng như lồi ra ngoài, bèn tất tả chạy sang gọi chị Kim sang chỗ chúng tôi lánh cùng, Tôi cũng chạy theo ông lão, xem cái dáng vẻ hốt hoảng của ông Trung thì chỉ sợ tối nay chị Kim cũng không an toàn.
Tôi ném con dao bằng đạn cho lão Trung, rút tấm lụa ông sư cụ nôn ra cho buộc lên ngang mắt.

Lão dồ tể dẻo dai đến lạ, hơn xa thằng đàn ông trai tráng bình thường.

Vừa đến cổng, tôi đang định cất tiếng gọi chị Kim thì lão đã tung chân đạp cổng, xông vào nhà.
Hành động của lão chứng tỏ bên trong có chuyện không hay.
Tôi theo lão Trung chạy vào căn nhà của vợ chồng Kim – Dũng.
Bà cụ!
Là bà cụ cản trước ngõ nhà tổ hôm trước.

Lúc này bà ta đang đứng thù lù giữa nhà, một bàn tay bóp cổ nhấc bổng chị Kim lên tận trần.

Cánh tay con ma dài ra tận vài mét, làn da xanh bủng beo đầy vết bầm xác chết của nó bợt bạt, nhìn cứ như là giấy đắp lên.

Chị Kim đã trợn mắt, hai chân đạp giãy càng lúc càng yếu.
Có lẽ do nghe thấy tiếng chân, bà ta bèn quay lại nhìn chúng tôi.

Đầu con ma vặn một cái trăm tám chục độ, mồm nó nhếch lên cười tận mang tai, trông cực kì đáng sợ.

Lão Trung nhảy xộc tới, vung con dao đạn lên xả vào người bà già.

Mụ ma vặn cánh tay lại nghe răng rắc, cánh tay ma gấp thành một hình chữ M, chộp ngay cổ tay ông Trung.

Hai mắt mụ ma trợn trắng dã, hàm dưới mụ dãn ra như đất nặn, cổ mụ vươn dài ra, hình như định nhào tới cắn ông Trung.
Ông đồ tể bỗng nhiên vung cánh tay còn lại, nhè ngay dưới nách mụ tống một cái.

Lập tức, bà già ma rú lên, cánh tay đang bóp cổ chị Kim cũng lỏng ra.

Tôi vội vàng nhào tới đỡ chị, sau đó dìu chị Kim theo lối ngách vòng ra sau vườn.

Chúng tôi không dám nhin vào trong nhà, chỉ nghe tiếng ông Trung đánh nhau với con ma ầm ĩ cũng đủ rợn cả sống lưng.
Tôi dẫn chị Kim sang ngôi nhà tổ lánh nạn.
oOo
Lão Trung quay lại trong tình cảnh cả người be bét toàn máu.
Vừa vào cổng, ông đồ tể đã ngồi thụp xuống, hơi thở phả ra cuộn thành những làn hơi trắng, cứ như thể đang là mùa rét đậm rét hại vậy.


Lão ho lên mấy cái, vội vàng bảo Hoa nấu cho lão một nồi nước gừng pha muối, một cái khăn tay sạch.
Nước ra, lão bèn vốc mấy vốc uống vào, rồi bảo tôi lấy khăn nhúng nước lau mình cho lão.

Lão cởi trần ra, lộ ra mấy vết cào xé sâu phải đến nửa đốt tay trên người, máu vẫn chưa cầm hẳn.

Nước gừng muối động vào vết thương hở lần nào là lão xuýt xoa vì xót lần đó.

Nhưng mỗi lần tôi lau người cho lão, cái khăn trắng đều chuyển sang màu đen kịt, nặng trĩu và lạnh căm căm.

Lão Trung bảo bị âm khí của con ma ngấm vào người, phải dùng cách này để trục ra ngoài, bằng không chỉ đến đầu giờ tối là lão đi chân lạnh toát.
Làm xong đâu đấy, chúng tôi lại chuẩn bị vòng tro muối như hôm qua, rồi ông Trung quay sang hỏi chị Kim:
“Bà Dung trên huyện Bình Giang là gì của cô?”
Chị Kim nhìn lão, vẻ ngạc nhiên.

Lão bèn tiếp:
“Thằng Châu hướng dẫn viên ấy.

Hôm trước bà Dung mất, nó bị ám quẻ, nên nhờ tao đến giúp.”
“Bà ấy là mẹ tôi.”
Sau đó, chúng tôi nghe chị Kim kể lại chuyện mình.
Nhà chị Kim trước cách mạng từng là phú hộ ở huyện Bình Giang.

Sau này đến đời bà Dung, người buôn bán người dạy học, nên gia cảnh cũng gọi là gia giáo khá giả.

Chính vì thế, bà Dung bà ấy đòi môn đăng hộ đối, thách cưới cao lắm.

Anh Dũng vì muốn cưới chị Kim, nên bán ruộng đi buôn, chẳng ngờ sát ngày dạm hỏi đưa sính lễ lại bị thất bại, mất cả chì lẫn chài.

Bà Dung thấy thế, định dẹp chuyện cưới xin, chẳng ngờ chị Kim lại chạy theo anh Dũng xuống Kim Xá, tự đăng ký kết hôn với phường.

Bà Dung cho thế là chạy theo trai, là mất mặt gia đình, nên từ mặt chị Kim.

Di chúc cũng nói chị Kim không được vào viếng.
Thế nhưng bà Dung vẫn nhận hai đứa cháu trai, có thể do trong họ, chỉ có chị Kim sinh con trai mà thôi.

Bà ta bảo chỉ cần Kim li dị anh Dũng, đưa hai đứa con về Bình Giang lấy họ mẹ thì bà ta sẵn sàng tha thứ, nhận lại và nuôi dạy hai đứa, cho ăn học đàng hoàng, gửi lên thành phố.


Anh Dũng đương nhiên là không chịu.
Hôm trước, chị Kim lên thành phố chính là để gặp cậu Châu, xem xem đến lúc bà Dung lên ban thờ có thể đến thắp mấy nén hương hay không.

Sau đó, do tiện một chuyến xe, nên hai người cùng về.

Nhin cách hai người họ cư xử như người lạ suốt chuyến đi, có lẽ Châu không đồng ý yêu cầu của chị Kim.
Tôi nhìn mụ Hồng, sau đó rùng mình...
Mụ Hồng bị hồn ma ông già ghé thăm vì mụ đã sửa di chúc.
Chị Kim bị bà Dung tìm đến lấy mạng vì vẫn còn khúc mắc chuyện bị từ mặt.
Còn thằng Long...!có lẽ người mà hôm qua hồn ma cụ Lâm tìm đến lấy mạng chính là tôi.

Còn tên sếp cũ của tôi chẳng qua chỉ là kẻ chết thay mà thôi.
Mụ Hồng, chị Kim và tôi.

Chúng tôi đều có điểm chung là lòng có khúc mắc với người đã khuất, nên mới có chuyện người chết tìm về lấy mạng.
Tôi nói suy luận của mình cho mọi người, cả ông Trung lẫn Hoa đều nói là có lý.

Chị Kim nuốt nước bọt, nói:
“Nếu thế...!chúng ta tập trung hết ở đây, tối nay sẽ có đám ma sẽ đều sẽ đến đây à?”
Lời chị Kim làm chúng tôi ngây cả người vì sợ.

Đêm qua chỉ mình cụ Lâm tìm đến mà ông Trung đã phải gắng gượng lắm, mắt mũi đổ máu be bét mới chống đỡ được.

Nếu như có cả bà Dung, cả ông già nhà tôi, hai đứa con của chị Kim, thậm chí là thằng Long thì sao?
Ngay cả lão Trung cũng chặc lưỡi, sau đó cúi gằm mặt xuống.
Có lẽ, hơn bất kỳ ai trong chúng tôi, lão hiểu rõ độ nghiêm trọng của chuyện này.

Lúc này, nếu ông Trung có quyết định rời khỏi đây, tôi nghĩ chúng tôi cũng chẳng ai trách được ông cả.

Dù sao ở đời ai mà chẳng muốn sống?
Tôi nhìn Hoa, có vẻ cô ấy cũng lo chuyện đó sẽ xảy ra.
Thế nhưng ông Trung quyết định ở lại.

Ông đi dán lại hai hình thần giữ cửa, rồi bảo chị Kim xin ai trong xóm cho mượn một đôi chó một đêm.

Chó mực, càng dữ càng tốt, nếu như kiếm được chó đực thì tốt nhất.
Tôi được phân công ra chợ, mua một đôi gà sống về, phải chọn một trống một mái.

Gà thì không có yêu cầu kỹ càng như chó, ông Trung chỉ nhắc là đừng mua gà già quá là được.
Tôi và chị Kim chia nhau ra làm, trời vừa sẩm tối thì về đến.

Cũng may làng Kim Xá cũng không phải làng nhỏ, chợ họp đến gần sáu giờ tối mới vãn, bằng không e là chỉ còn cách vượt rào bắt trộm nhà ai một đôi.
Ông Trung buộc hai con chó cạnh giường.

Hai con chó mực hung dữ đến nỗi chị Kim phải buộc mõm lại mới dám dắt về thế mà vào tay ông ấy lại ngoan như cún mới đẻ.


Hai con gà tôi mua về thì ông ấy cắt gân chân cho không chạy được, rồi đặt mỗi con vào một bên cửa.
Ông đồ tể dặn nếu tối mà gà mái gáy thì còn có cơ sống, còn nếu gà trống mà gáy thì chỉ sợ đành phó mặc cho các cụ phù hộ thì may ra còn mạng mà về thắp hương tổ tiên.

Nghe ông nói nghiêm trọng đến vậy khiến trái tim tôi cơ hồ lỡ mất một nhịp.
Gà gáy đêm đã khó, mà gà mái gáy đêm lại càng hoang đường hơn.
Sống qua đêm nay...
Chúng tôi làm được không?
oOo
Khuya dần...
Ông Trung móc trong túi ra một sợi dây chuyền, buộc cái nanh hổ treo lủng lẳng.

Lão dúi cho tôi, bảo:
“Tí mà có chuyện thì mày lấy cái này phòng thân.

Cứ học tao hồi chiều mạnh dạn đâm con ma một cái.”
Tôi nhớ lại cái lúc lão Trung đánh nhau với bà Dung, té ra lão chọc cái nanh hổ này vào nách con ma già mới khiến nó buông chị Kim ra.
Chị Kim và Hoa thì kéo nhau lên giường tụng kinh.

Lão Trung thấy thế cũng chẳng ngăn cản.

Nghe lão bảo, cứ để hai người kia tụng cho bình tĩnh cũng là cái tốt, chứ nếu tụng kinh dọa được ma quỷ thì đã chả cần gì đến lão.

Tôi không tin lão Trung lắm, bởi tôi còn sống mà ngồi đây đều là công của chuỗi tràng hạt sư cụ tặng cả.

Nhắc đến chuyện này, tôi lại nhớ đến sư thầy.
Bỗng, con gà trống nằm bên cửa trái vỗ cánh phành phạch, mỏ há ra nhưng không kêu được tiếng nào.

Sau đó chỉ nghe “rắc” một cái, cổ họng nó đã bị bẻ gãy.
Con gà mái bên cánh cửa phải thì bỗng xù hết cả lông lên như hóa dại.

Nó rục rịch định đứng dậy, nhưng chân đã bị cắt gân rồi nên không làm được.

Thế là nó tròn mắt nhìn về phía bọn tôi, mỏ há ra, nói tiếng người:
“Nửa đêm người chết.

Nửa đêm người chết.

Ma về.

Ma về.

Ò ó o.”
Tôi nhìn ông Trung, ông đồ tể cũng nhìn tôi.
Gà mái gáy đêm, nhưng nó còn nói tiếng người nữa.
Thế tức là họa hay phúc?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui