Đáp Xuống Từ Độ Cao Mười Nghìn Mét


Lúc về đừng quên chấp nhận lời mời kết bạn của tôi nhé.
Tối đó Trần Gia Dư bay tới Quảng Châu, nghỉ ngơi một đêm rồi lại tiếp tục bay từ Quảng Châu về.
Cùng anh bay chặng này là một phi công khá trẻ, mới bay 737 được tổng cộng hơn 200 giờ.

Kèm cặp người mới kiểu gì cũng mệt mỏi hơn bay cùng những phi công kỳ cựu.

Khi bay cùng cơ phó đã có kha khá kinh nghiệm như Từ Hành Xuyên, ngoại trừ lúc thực hiện kiểm tra theo checklist thì hai người bọn họ có thể không nói một lời nào.

Thế nhưng bay cùng phi công mới thì phải hướng dẫn thêm, bỏ công chỉ dạy bọn họ xem cần xử lý như nào trong các tình huống đặc thù.
Phi công mới lần này tên Dương Duy An, là một cậu chàng cực kỳ năng nổ.

Vừa hay năm trước Trần Gia Dư có tới học viện phi công của bọn họ làm diễn giả nên Dương Duy An lôi kéo anh hỏi hết cái này tới cái khác.
Sau kỳ tích hạ cánh khẩn cấp đầy anh dũng tại Hồng Kông của Trần Gia Dư, lãnh đạo có ý muốn anh nhận thêm nhiệm vụ hướng dẫn lớp trẻ, chỉ cần tới cơ sở đào tạo phi công tham gia huấn luyện bồi dưỡng, làm diễn giả hoặc tổ chức gặp mặt; một năm qua cũng không dưới ba, bốn lần.

Mà không chỉ công ty anh, đến cả chiến hữu cũ của bố anh ở hãng hàng không khác cũng muốn dựa vào quan hệ để mời anh.

Bố anh đã có lời thì anh chẳng thể nào từ chối nổi, đành phải tham gia.
Anh vẫn luôn cố gắng để làm một người chu toàn ở mọi mặt, vậy nên người khác có yêu cầu gì mà anh có thể làm được thì anh sẽ làm, rất hiếm khi từ chối.

Thế nhưng, bản thân anh không muốn nhắc mãi tới chuyện hai năm trước.

Thứ nhất là vì anh và Thường Tân chỉ làm đúng từng bước theo quy định mà thôi.

Kể cả việc sau khi tất cả hành khách rời tàu thì bọn họ mới được xuống khỏi máy bay cũng là điều đương nhiên mà một người phi công cần làm, chẳng hề vĩ đại “hi sinh bản thân để cứu sống mọi người” như vẫn được tuyên truyền.

Một lý do nữa là về mặt tâm lý.

Mỗi lần kể lại vụ việc lần đó, anh sẽ phải một lần nữa sống lại mười phút kinh hồn trên không trung ấy.
Anh biết đây là vấn đề của riêng anh.

Khi đối mặt với sự nhiệt tình và chân thành như Dương Duy An đây, anh cũng chỉ biết thuận theo, giải đáp mọi thắc mắc và đáp ứng mọi yêu cầu.
Trước lúc cất cánh, Dương Duy An đưa tài liệu chuyến bay cho anh ký, sau đó bổ sung một câu: “Đúng rồi, anh Gia.

Em sợ lát hạ cánh quên mất.

Em kết bạn Wechat với anh được không ạ?”
Dứt lời, cậu ta lấy điện thoại ra.
Trần Gia Dư cúi đầu dùng chữ ký điện tử ký tên lên tài liệu chuyến bay.

Một thoáng ngừng đó khiến Dương Duy An tưởng anh có ý từ chối: “À… Nếu không tiện thì cũng không sao…”
Trần Gia Dư ngẩng lên nhìn cậu ta rồi cũng lấy điện thoại ra: “Kết bạn đi.

Cậu quét tôi hay tôi quét cậu?”
Dương Duy An quét mã QR của anh, sau đó tươi cười hớn hở: “Khi nào về em phải báo cho bạn gái em biết mời được.

Cô ấy ngày nào cũng hỏi em đã từng bay cùng anh chưa.


Lúc trước em toàn bảo em mới tốt nghiệp làm sao có cơ hội đấy được, huống hồ anh cũng không bay chặng nội địa.

Không ngờ lại tới lượt như này…”
Dương Duy An mồm miệng liến thoắng, song Trần Gia Dư cũng không thấy phiền.

Anh đã quen với sự yên tĩnh rồi, thi thoảng có người huyên thuyên bên tai cũng rất sôi động.
Dương Gia Duy đề cập tới chuyện kết bạn Wechat nhắc Trần Gia Dư nhớ anh còn chưa “nhận tội xin lỗi” với Phương Hạo.

Anh vội vàng mở ID lần trước Lư Yên gửi qua, sau đó gửi lời mời kết bạn.

Có điều cho tới khi cất cánh, đối phương vẫn chưa chấp nhận.

Có lẽ hôm nay cậu ta trực.

Trần Gia Dư thầm tính thử, bây giờ vừa đúng ca chiều tối.
Hai tiếng sau, phán đoán của anh đã được chứng thực.
Trần Gia Dư nói trên sóng VHF: “Bắc Kinh Tiếp cận, chào buổi tối, Air China 8182, độ cao 5000, chờ chỉ huy.”
Sau chốc lát, giọng nói mang âm Bắc Kinh có chút biếng nhác quen thuộc vang lên: “Air China 8182, Bắc Kinh, radar nhận dạng tốt.

Tiếp cận từ điểm AW03, đường cất hạ cánh… 17R, giảm và duy trì độ cao 4000, khí áp tiêu chuẩn.”
Trần Gia Dư lặp lại: “Điểm AW03, đường cất hạ cánh 17R, hạ độ cao 4000, Air China 8182.”
Anh chờ trên kênh radio một lúc, thấy không ai lên tiếng.

Xem ra tối nay rất yên tĩnh.
“Hôm nay nhàn rỗi nhỉ?” Trần Gia Dư bật bộ đàm, hỏi một câu về phía trời đêm bao la.
Cơ phó Dương Duy An ở bên cạnh tưởng anh hỏi mình.

Cậu ta đang căng thẳng thần kinh, ngồi ở đó lật xem checklist kiểm tra trước khi hạ cánh, rảnh rang chỗ nào chứ?
Đúng lúc ấy, giọng vị kiểm soát viên kia truyền tới trên sóng VHF: “Ca chiều tối lúc nào cũng vậy, chỉ hai người kiểm soát.

Hôm nay anh bay ca muộn sao?”
Trần Gia Dư thấy Phương Hạo trả lời, hơn nữa còn nhận ra anh bay chuyến khác với trước đó thì có chút bất ngờ.

Anh trả lời: “Ừm, thứ Ba bay khá muộn.”
Phương Hạo không đáp lại anh ta nữa.

Một lúc sau, thấy bên Trần Gia Dư đã hạ độ cao, anh bèn cấp huấn lệnh: “Air China 8182, tiếp tục giảm và giữ độ cao 2200, rẽ trái hướng 290, QNH 1008.”
Trần Gia Dư: “Giảm và giữ độ cao 2200, rẽ trái hướng 290, QNH 1008.

Air China 8182.”
Tiếp theo đó là một khoảng lặng kéo dài xen lẫn vài huấn lệnh thưa thớt.

Trần Gian Dư điều khiển máy bay ngắm chuẩn đường băng theo huấn lệnh của Phương Hạo rồi từ từ tăng tốc, cũng như giảm dần độ cao.

Tiếng gió, tiếng điều chỉnh thiết bị cùng tiếng rè rè của sóng vô tuyến hòa nhịp thật ăn khớp.
Cơ sở kiểm soát Tiếp cận quản lý trong phạm vi bán kính 10 hải lý.


Tuy các tàu bay dân dụng hiện đại đều có hệ thống ILS – hệ thống hạ cánh bằng thiết bị tân tiến, nhưng vẫn cần giảm xuống một độ cao nhất định thì mới có thể sử dụng được.

Có người từng nói, để điều khiển chiếc tàu bay nhỏ xíu nhắm chuẩn với đường băng hẹp và mảnh trong một không gian rộng lớn nhường ấy thì chẳng khác nào nhắm mũi tên vào đúng hồng tâm.

Cả quá trình này nếu không có sự dẫn dắt của kiểm soát viên không lưu thì gần như không thể hoàn thành được nhiệm vụ hạ cánh.
Phương Hạo: “Air China 8182, giảm và giữ độ cao 3000, giảm tốc độ tới 280.”
Trần Gia Dư lặp lại theo đúng tiêu chuẩn: “Giảm tốc độ tới 280, giảm và giữ độ cao 3000, Air China 8182.”
Phương Hạo: “Air China 8182, giảm tốc độ tới 220, giữ vận tốc tới phạm vi 10 hải lý từ điểm chạm bánh.”
Trần Gia Dư: “220 giữ tới phạm vi 10 hải lý.

Air China 8182.”
Phương Hạo: “Air China 8182, giữ độ cao 2400, thiết lập trên đường trượt.

Báo cáo nhập trục hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17R.”
(Đường trượt (glidepath): Đài glidepath là đài chỉ góc hạ cánh thuộc hệ thống ILS, đọc thêm tại chú thích)
Trần Gia Dư: “Giữ độ cao 2400, hạ cánh hệ thống ILS đường cất hạ cánh 17R.

Air China 8182.”
Dương Duy An ngồi bên cạnh chứng kiến màn trao đổi này, độ phối hợp đạt chuẩn mực như trong giáo trình về thoại không – địa.
Đến khi tàu bay thoát khỏi phạm vi quản lý của cơ sở Tiếp cận, Phương Hạo nói câu cuối: “Air China 8182, tự dẫn dắt tiếp, chuyển sóng liên lạc Đài kiểm soát 124.2, tạm biệt.” Anh muốn giao lại tàu bay của Trần Gia Dư cho kiểm soát viên bên Đài.
Trần Gia Dư đáp lời khá thoải mái: “Được rồi, tạm biệt.” Có điều trước khi chuyển sóng, anh có nói thêm một câu: “Lúc về đừng quên chấp nhận lời mời kết bạn của tôi nhé.”
Dương Dư An trợn tròn mắt, quay qua nhìn Trần Gia Dư, nghĩ thầm: Có thể nói cả chuyện này sao!
Trần Gia Dư chờ tới lúc hạ cánh an toàn xong, vừa lăn vào vừa dạy cậu ta: “À, đúng rồi, tạo mối quan hệ tốt với kiểm soát viên không lưu cũng rất quan trọng đấy.”
Dương Duy An: “…”
Chuyến bay này thật sự quá muộn, Trần Gia Dư có hơi buồn ngủ, bèn mua một lon Coke Zero từ cây bán hàng tự động 24h để nâng cao tinh thần.

Cũng may Bắc Kinh buổi rạng sáng không tắc đường, tầm hơn 50 phút là tới khu Thủ Đô Lệ Cảnh bên phía Song Tỉnh.

Anh tính qua nhà thăm bố mẹ một chút, lúc tới nơi đã hơn hai giờ.
Trần Gia Dư nhẹ chân nhẹ tay đẩy cửa vào nhà.

Thứ đập vào mắt anh đầu tiên là căn phòng khách ngập ngụa trong khói thuốc vẫn còn sáng đèn.

Anh đưa mắt nhìn kỹ, trên bàn còn chai rượu đã uống vơi nửa.

Trần Gia Dư có thể cảm thấy đầu nhói đau.
“Bố.” Anh gọi một tiếng, sau đó đậy nắp chai rượu lại, cất lên nóc tủ.
Trần Chính không quay sang nhìn anh, chỉ khua tay, giọng khản đặc: “Con cứ mặc bố.”
Trần Gia Dư buông thõng tay, đứng đó một lúc rồi mới tiến lại: “Bố hút ít thôi, ngày mai còn phải đi thăm mẹ.”
Mẹ Trần Gia Dư, Tào Tuệ, hơn một năm trước đã ốm một đợt rất dài.

Trước đây bà ngày nào cũng đi leo núi, khiêu vũ cùng các chị em, thậm chí còn đi chơi Hải Nam mấy tháng.


Kết quả sau khi từ Hải Nam trở về, bà đột nhiên sốt cao liên tục, cơ thể suy nhược.

Kiểm tra phát hiện trong ngực bà có khối u, đã ung thư vú giai đoạn ba, bắt đầu di căn toàn thân.
Sau cuộc phẫu thuật, tính tới nay bà đã hóa trị được một năm, tình hình trước mắt không tốt cũng không xấu.

Thi thoảng bà sẽ ở lại bệnh viện để tiện tập trung trị liệu.
Mẹ anh nhỏ hơn bố anh tầm tám, chín tuổi.

Ngoài năm mươi vốn là cái tuổi nên được hưởng lạc, vậy mà mẹ anh lại vướng trong vòng xoáy bệnh tật và lo âu.

Căn bệnh ung thư không phải chuyện của một mình bệnh nhân, nó còn giáng một đòn rất mạnh lên bố anh và cả gia đình bọn họ.

Dường như chỉ trong một đêm, ông đã già hẳn đi.
Trần Gia Dư là con một, lại còn theo nghề phi công, thường xuyên phải đi bay, không thể chăm sóc bố mẹ được nên anh có thuê giúp việc theo giờ tới nhà chăm nom.

Mấy tháng gần đây, người giúp việc có mấy lần báo anh rằng cảm thấy bố anh hình như hơi đãng trí, nhiều hôm tới tối là sẽ quên mất buổi sáng đã ăn gì.

Trần Gia Dư tính thử, bố anh năm nay 65 tuổi, nếu mắc Alzheimer thì còn hơi sớm.

Anh đăng ký chuyển từ chặng quốc tế sang bay chặng ngắn cũng chủ yếu là vì lý do này.

Bay chặng ngắn tuy mệt, những hôm cao điểm có khi giống như hôm nay – một ngày cất, hạ cánh tới năm, sáu lần, nhưng cơ trưởng bay chặng ngắn tối nào cũng có thể về nhà.
(Alzheimer: là một bệnh thoái hóa thần kinh, gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người)
Trần Chính khẽ ho khan.

Ông dí đầu thuốc vào gạt tàn rồi nói với Trần Gia Dư: “Sao bọn họ lại bắt con bay ca muộn vậy?”
Trần Gia Dư trả lời bằng giọng rất bình thản: “Đều là phi công, ai bay chẳng như nhau ạ.

Dù sao cũng phải có người bay ca muộn.”
Dưới ánh đèn vàng mờ, Trần Gia Dư thấy tóc ông đã bạc trắng, lộ rõ vẻ già nua.

Anh nghĩ: Bắt đầu từ khi nào vậy nhỉ?
Trần Chính bất bình thay anh: “Con lập được công lớn ở Hồng Kông, sau vụ việc đấy bọn họ kiểu gì cũng nên sắp xếp công việc thoải mái một chút cho con chứ.

Để hôm nào bố nói chuyện với chú Lưu của con.”
Lưu Hằng là Phó Tổng giám đốc của hãng, từng cùng Trần Chính chén chú chén anh, quan hệ không đến mức thân thiết nhưng Trần Chính luôn thích nhắc tới ông ấy.
Bố anh luôn lấy làm tự hào về các mối quan hệ trong ngành hàng không dân dụng cũng như trong Không quân.

Thời Trần Gia Dư còn là phi công thực tập, ông thường hay nhắc lại chuyện cũ.

Thế nhưng, Trần Gia Dư từ đầu tới cuối luôn là sinh viên giỏi, chưa từng gây ra chuyện gì phiền phức nên cũng không cần ông phải dùng tới các mối quan hệ để nhờ cậy bất kỳ ai.
Hiển nhiên, Trần Gia Dư không thích nghe mấy lời kiểu này.

Anh cau mày nói: “Bố đừng nhắc mãi chuyện Hồng Kông nữa.

Con phiền lòng lắm.”
Trần Chính bèn chuyển chủ đề, song vẫn là cằn nhằn về anh: “Bảo con ở gần sân bay thì con không chịu, nhất quyết qua sống bên chỗ bố mẹ.

Ngày nào cũng lái xe đi đi về về bất tiện biết bao.

Nhỡ hôm nào tắc đường thì lại trì hoãn nhiệm vụ của con.”
Trần Gia Dư lấy chổi quét đám tàn thuốc trên nền đất, như vậy trông thuận mắt hơn chút: “Con thích thế, bố cứ kệ con.”
Trần Chính thở dài nặng nề: “Lúc mẹ con ở nhà thì mẹ con quản lý bố.


Giờ bà ấy không ở đây thì lại đến con bắt đầu quản lý bố.”
Trần Gia Dư không biết nên nói gì nữa.

Lúc mẹ anh còn ở nhà, bà luôn là người hòa giải trong gia đình.

Bầu không khí giữa hai cha con bọn họ thường xuyên không phải giương cung bạt kiếm thì cũng là ngột ngạt.

Mỗi lần như thế, anh đều mong ngóng ngày hôm sau được gặp mẹ là sẽ ổn.

Nhưng rồi anh lại nhớ ra, ngày tháng như vậy chẳng còn bao nhiêu nữa.

Theo tiên lượng của bác sĩ, bọn họ chỉ còn một năm.
Những khi ở trong căn nhà này cùng bố, anh thường cảm thấy bản thân như bị xẻ đôi, một nửa xót xa trước sự vất vả của cha mình, một nửa lại bị cảm giác áp lực ấy đè nén đến nghẹt thở.

Bên ngoài mây đen bao phủ, trần nhà như đè lên cột sống anh.
Vốn dĩ anh có một căn hộ gần sân bay, nhưng sau khi biết kết quả chẩn đoán của mẹ, anh đã cho thuê dài hạn căn hộ ấy rồi mua cho bản thân một căn bên phía Lệ Cảnh – nơi bố mẹ anh đang sống.

Coi như có chút không gian cá nhân mà cũng tiện chăm sóc bố mẹ nếu có chuyện gì xảy ra.
Khó khăn lắm mới thuyết phục được bố anh đi ngủ, đợi tới lúc về đến nhà riênt của anh thì đã ba giờ sáng.

Anh vừa mệt vừa buồn ngủ, thả túi đồ ở huyền quan rồi tính đi ngủ thẳng luôn.
Đúng lúc ấy, điện thoại Trần Gia Dư reng một tiếng, khiến anh hơi bất ngờ.
Các loại nhóm chat đều bị anh tắt tiếng rồi.

Giờ này tìm anh ngoài đồng nghiệp thì đâu còn ai nhỉ?
Lấy điện thoại ra ngó thử, “” đã chấp nhận lời mời kết bạn của bạn.

Hóa ra, còn có người ngủ muộn hơn cả phi công, ngày đêm đảo lộn, đó chính là kiểm soát viên không lưu.
Trần Gia Dư đã quên béng mất chuyện này.

Xem ra Phương Hạo có nghe thấy lời nhắc trên kênh radio của anh.
Anh nhắn tin:「Chuyện hôm thứ Sáu quả là tôi đã không nắm rõ tình hình.

Cho tôi gửi lời xin lỗi, cậu đừng để bụng nhé.」
Phương Hạo rất nhanh đã trả lời:「Ồ, cứ công việc mà làm thôi.

Anh không để bụng thì tôi cũng không để bụng.」
Trần Gia Dư gửi một icon dấu tay ok.

Anh phát hiện Phương Hạo dường như có tài năng trời phú trong phương diện đưa cuộc nói chuyện vào ngõ cụt.Chú thích: Về hệ thống hạ cánh ILS     Hệ thống ILS có hai đài cơ bản để cung cấp thông tin giúp tàu bay xác định được quỹ đạo hạ cánh xuống đường cất hạ cánh một cách chính xác, đó là đài Localizer và đài Glidepath.
– Đài Localizer còn gọi là đài chỉ hướng hạ cánh, thường được đặt ở cách điểm cuối cùng của đường cất hạ cánh 300m.
– Đài Glidepath còn gọi là đài chỉ góc hạ cánh, được đặt bên phải hoặc trái đường băng, cách điểm bắt đầu đường băng từ 250 – 415m, cách tâm đường băng từ 130 – 200m.
Cả hai đài này đều sẽ phát hai búp sóng mang tín hiệu điều biên ở tần số 150Hz và 90Hz.

Với đài Localizer, khi mức thu hai tín hiệu này là bằng nhau, tức tàu bay đã nằm trên trục tâm của đường cất hạ cánh.

Với đài Glidepath, khi mức thu hai tín hiệu này là bằng nhau, tức tàu bay đã nằm trên đường chỉ góc cất hạ cánh (đây là đường tạo một góc gọi là góc hạ cánh chuẩn với tâm đường cất hạ cánh, theo quy định ICAO thì góc hạ cánh chuẩn là góc 3o)

Nói một cách đơn giản, để đạt tiêu chuẩn hạ cánh an toàn, tàu bay phải nằm trên trục tâm đường cất hạ cánh và có hướng di chuyển tạo một góc 3o độ với tâm đường cất hạ cánh (đường đứt nét trong hình dưới).

Hệ thống thu sóng trên tàu bay sẽ bắt tín hiệu từ hệ thống ILS và báo cho phi công xem cần di chuyển sang trái, sang phải, nâng độ cao hay giảm độ cao để vào được đúng đường trục này.

– Ngoài ra hệ thống ILS còn có các đài chỉ chuẩn (Marker) (có thể được thay thế bởi các đài locator hoặc DME) giúp tàu bay xác định cự ly từ tàu bay đến ngưỡng đường cất hạ cánh..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui