Đạo Mộ Bút Ký

Editor: Cơm Nắm Nướng Chảo

Beta: Earl Panda

.

.

.*****

Không làm thì thôi chứ đã làm thì đừng lề mề. Ngày hôm sau tôi liền lên kế hoạch đi luôn Cách Nhĩ Mộc.

Vì vùng đó tôi chưa từng đến bao giờ, nên tôi tìm người bạn làm ở công ty du lịch hỏi thăm xem tuyến đường đi lại như thế nào. Người bạn này bảo với tôi rằng, vì không có tuyến bay thẳng đến Cách Nhĩ Mộc nên tôi chỉ có thể xuống sân bay Song Lưu ở Thành Đô trước, sau đó tiếp tục đổi máy bay. Vé máy bay thì cứ để cậu ấy lo, thậm chí đặt phòng khách sạn tại địa phương cũng OK hết. Tôi liền để cậu này giúp tôi xử lý. Vì nơi đó cũng không phải nói đi là đi ngay được nên tôi đặt vé chuyến bay hai ngày sau.

Lần này không phải đi đổ đấu mà chỉ là lượn vài vòng trong thành phố Cách Nhĩ Mộc, hơn nữa cũng không ở lại lâu lắm nên tôi chỉ mang theo vài bộ đồ lót và một ít tiền mặt, gom hết lại nhồi vào một cái ba lô mà vẫn còn thừa chỗ.


Cùng ngày hôm đó Bàn Tử về Bắc Kinh, tôi cũng không đả động gì đến chuyện này với anh ta. Nếu đã quyết định sẽ không nói với ai rồi, vậy Bàn Tử cũng không phải là ngoại lệ.

Trong thời gian hai ngày này, tôi dặn dò Vương Minh, bảo cậu ta quản lý chuyện cửa hàng, rồi mập mờ thông báo với gia đình một chút, lại sắp xếp một vài mối quan hệ. Hai ngày sau tôi lên máy bay.

Suốt đường đi tôi ngủ thẳng một mạch, đến sân bay Song Lưu ở Thành Đô[1] thì ngủ đã đời con mắt rồi, trong mấy giờ bay đi Cách Nhĩ Mộc tôi bèn suy nghĩ về vụ việc ngay trên máy bay luôn. Hơn tám giờ tối hôm đó tôi mới đặt chân đến thành phố Cách Nhĩ Mộc, vốn được mệnh danh là “Cao nguyên khách sạn”.

Nơi đây là một thành phố huyền thoại. Trong tiếng Tạng cái tên Cách Nhĩ Mộc có nghĩa là “nơi sông ngòi giăng kín”. Tuy rằng trên suốt đường bay chỉ thấy toàn sa mạc, nhưng cũng có thể tưởng tượng được hình dạng của thành phố vào thời điểm cái tên đó ra đời. Trên máy bay tôi xem mấy tài liệu, thấy nói rằng thành phố này do “cha đẻ của con đường Thanh Tạng”[2] là tướng quân Mộ Sinh Trung, năm đó đã đưa khu lều bạt của những công binh tu sửa con đường Thanh Tạng vào lập đồn đóng ở đây, sau đó liền trở thành một thành phố. Thành phố mới có hơn 50 năm lịch sử, trước kia vô cùng phồn thịnh nhưng sau này địa vị dần dần bị thay thế bởi Lhasa, vì cả thành phố nằm ở vị trí tương đối không thuận tiện.

Sau khi máy bay hạ cánh, kẻ vô cùng mất mặt là tôi liền gặp phản ứng cao nguyên[3], ngất xỉu luôn ngay tại chỗ cửa ra của phi trường trong khoảng hai ba giây. Cái cảm giác này không giống như hồi tôi hôn mê vì kiệt sức ở Tần Lĩnh, mà là một loại cảm giác giống như cả thế giới chạy vụt ra xa khỏi mình, nhoáng cái mọi cảnh vật đều tối sầm lại, sau đó thì tôi gục xuống hôn đất. Cũng may hai ba giây sau tôi lập tức tỉnh lại, thấy mình lúc này đang nằm thẳng cẳng trên mặt đất rồi. Điều càng mất mặt hơn nữa là lúc tôi đi mua thuốc mới biết hóa ra mình đang ở trên cao nguyên Thanh Tạng. Tôi chưa thuộc địa lý Trung Hoa, thế mà lại không biết Cách Nhĩ Mộc nằm ở cao nguyên Thanh Tạng! Báo hại người bán thuốc còn tưởng rằng tôi lên nhầm máy bay.

Sau khi vào một quán trà Tây Tạng mua một chén trà bơ 5 xu uống ực hết với thuốc, tôi bèn đến nhà nghỉ mà cậu bạn đã sắp xếp, bố trí ổn thỏa chỗ ở. Sau đó, bất chấp cái đầu đau như búa bổ, tôi vẫn tiếp tục hành trình không ngừng nghỉ, lên thẳng một chiếc taxi, lấy tờ địa chỉ kia ra bảo tài xế đưa tôi đến đó.

Nhưng bác tài xem địa chỉ xong lập tức lắc đầu nói rằng chỗ ấy là một cái ngõ rất chật, xe hơi không lái vào được đâu. Khu vực đó toàn là nhà ở cũ kỹ, đường xá chật chội lắm. Anh ta có thể đưa tôi đến địa điểm gần đó, cách một con đường, còn sâu hơn nữa ở bên trong thì tôi phải tự mình vào mà hỏi.

Tôi nghe xong cũng đồng ý, bảo anh ta cứ lái đi. Không lâu sau tôi đã tới khu nhà cũ của thành phố.


Bác tài bảo cho tôi hay rằng Cách Nhĩ Mộc là thành phố mới được xây dựng, đường xá bình thường đều rộng rãi. Năm đó khu nhà cũ cũng được mở rộng vô số lần, nhưng khắp nơi đâu đâu cũng có những khu nhà nhỏ nhỏ như vậy, lại do vị trí bất tiện nên vẫn cứ để lại y nguyên. Những ngôi nhà trệt này phần lớn đều được xây vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bên trong toàn bị cơi nới trái phép. Địa chỉ tôi tìm cũng nằm ở một con hẻm nhỏ trong số đó.

Lúc tôi xuống xe đã là những phút cuối cùng của hoàng hôn. Bóng tối sầm sì ụp xuống, lấm tấm những vệt nắng chiều dần tàn. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, trong chỗ khuất sáng chỉ thấy một dãy dài những chiếc bóng đen sì của những ngôi nhà lợp ngói. Chỗ này toàn là nhà tập thể kiểu quân đội[4] xây từ nhưng năm 60, 70 của thế kỷ trước. Giờ này nhìn sang, khu nhà cũ hiện lên có vẻ đặc biệt huyền bí.

Bước vào nhìn thử bốn phía tôi mới phát hiện ra chỗ này kỳ thực cũng không thể gọi là “khu” nữa, mà chẳng qua là vài đoạn phố cũ còn sót lại sau khi mở rộng đô thị. Những kiến trúc này một là không có giá trị văn hóa, hai là không được kiểm tra sửa chữa định kỳ nên trông có phần chông chênh sắp đổ, chắc cũng chẳng trụ lại trong cõi người được bao lâu nữa. Mà trong khu phố cũ này cũng chẳng có bao nhiêu người sinh sống, chỉ thấy lèo tèo vài tiệm cắt tóc nhồi nhét giữa những tòa nhà. Mớ dây điện đen sì sì vắt ngang qua các căn nhà cũ kỹ xen lẫn với ánh đèn màu của tiệm cắt tóc, tạo ra một cảm giác khá là quái gở.

Tôi tạt ngang tạt dọc trong đó ước chừng hai giờ đồng hồ, đi tới đi lui làm cho cô em(*) trong tiệm cắt tóc còn tưởng tôi muốn ăn vụng mà chẳng có gan, còn mở cửa nhìn tôi cười cười. Nhưng quả thật đúng như bác tài taxi đã nói, đường xá nơi đây quá hỗn loạn, rất nhiều gõ nhỏ là do cơi nới trái phép mà ra, đến cả cái bảng tên đường còn không có thì hỏi thăm người ta cũng chẳng ăn thua. Mấy người cán bộ công nhân viên từ bên ngoài vào cũng đều lắc đầu cười thông cảm, đại loại tỏ ý bọn họ cũng chẳng biết chỗ đó ở đâu.

(*Nguyên văn là “tiểu thư”, ý chỉ gái bao. Quán này là dạng quán gội đầu “thanh nữ” =”)))))

Có địa chỉ hẳn hoi mà vẫn không tìm được, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải loại chuyện này. Tôi vừa đi vừa cười khổ, cảm thấy sự đời thật là phong phú quá. Đúng vào lúc tôi đã vòng đi vòng lại đến váng cả đầu thì từ phía sau một chiếc xe lôi(**) mui vàng trờ tới. Anh xe lôi hỏi tôi có muốn lên xe không? Tôi cuốc bộ cũng mệt lắm rồi, bèn yên vị trên xe cho anh ta chở đi lòng vòng.

(** loại xe giống xích-lô nhưng chỗ khách ngồi ở đằng sau người lái. Loại xe này trước kia khá thịnh hành ở Sài Gòn, nhưng giờ chắc cũng tuyệt chủng rồi, mấy lần mình vào không thấy nữa ;;___;; )


Anh xe lôi người dân tộc Hán, đoán chừng hồi trước cũng từ miền Nam lên, thấy tôi nói giọng Nam thì hay chuyện hơn hẳn. Anh ta nói với tôi mình là người Tô Bắc (phía bắc Tô Châu), họ Dương nên người ta gọi là Nhị Dương. Anh ta đạp xe lôi ở đây đã mười hai năm rồi, hỏi tôi muốn đến chỗ nào chơi, thích giá cao hay giá thấp, kiểu Hán hay kiểu Tạng. Mấy cô em bé nhỏ người Duy Ngô Nhĩ anh ta đều biết cả, đi trọn gói còn làm quả giảm giá 20%. Nếu cái đó không hợp khẩu vị, thì du lịch anh ta cũng chơi tuốt. Cách Nhĩ Mộc không có danh lam thắng cảnh di tích gì, nhưng xung quanh sa mạc Gobi có cảnh đẹp nào nổi tiếng anh ta đều biết hết.

Tôi cười thầm, tự nhủ rằng nếu cha anh đặt cho anh cái tên ba chữ thì anh có thể đổi tên thành Hằng Nguyên Tường rồi đấy. Có điều nghe anh ta nói đến đây, tôi trong lòng giật nảy, thầm nghĩ mấy anh xe lôi này bươn chải ở đây nhiều năm rồi, phố lớn ngõ nhỏ phần lớn đều đã thuộc nằm lòng, sao tôi không hỏi thêm vài câu, biết đâu lại moi được ra chút gì từ miệng anh ta ấy chứ.

(Hằng Nguyên Tường là một thương hiệu kinh doanh đủ mọi thứ trên đời, ai mua gì cũng bán, ai bán gì cũng mua. Đống chỉ DMC nhà bạn quá nửa khả năng cũng xuất phát từ Hằng Nguyên Tường ;;____;; )

Vì vậy tôi liền đưa địa chỉ cho anh ta xem, hỏi anh ta có biết cái chỗ này hay không.

Vốn cũng chẳng ôm bao nhiêu hy vọng, nhưng tôi vừa hỏi xong thì “Hằng Nguyên Tường” liền gật đầu nói là biết. Nói xong anh ta liền nhấn bàn đạp, chỉ trong chốc lát đã đạp đến một con ngõ nhỏ vô cùng hẻo lánh.

Hai bên đường là nhà cửa cũ kỹ, dưới ánh đèn đường vàng vọt gần như chẳng có người qua lại. Lúc anh ta dừng hẳn xe thật thì tôi sợ phát khiếp, cứ tưởng mình bị bắt cóc rồi. Anh ta thấy bộ dạng tôi như vậy cũng cứ cười mãi, bảo với tôi rằng đã đến chỗ tôi muốn tìm rồi.

Tôi ngẩng đầu nhìn lên thì thấy đó là một tòa nhà ba tầng và một sân. Dưới ánh đèn đường, tòa nhà nhìn vào tối om om, chỉ có thể thấy tường bao bên ngoài, bên trong tựa hồ chẳng có lấy một ai. Cả căn nhà toát ra quỷ khí âm u.

Tôi ớ ra, hỏi anh phu xe xem đây rốt cuộc là chỗ nào. Anh ta nói: chỗ này hồi năm 60 của thế kỷ trước là trại an dưỡng của giải phóng quân, đã bỏ hoang từ rất lâu rồi.


.

.

—–

Chú thích.

Btw, Cách Nhĩ Mộc tên tiếng Anh là Golmud, nếu ai có nhu cầu tìm hiểu thêm về những hình ảnh của nó :”>~

[1] Sân bay Song Lưu là một cảng hàng không quốc tế lớn nằm ở phía bắc Thành Đô, Tứ Xuyên.

[2] Con đường Thanh Tạng là con đường cắt qua toàn bộ cao nguyên Thanh Tạng, là một phần của quốc lộ 109, khởi đầu từ Tây Ninh ở phía đông tỉnh Thanh Hải, kéo dài đến thủ phủ của Tây Tạng là Lhasa. Con đường này chủ yếu do công binh xây dựng, do tướng Mộ Sinh Trung phụ trách, thông xe vào tháng 12 năm 1954.

[3] Phản ứng cao nguyên là phản ứng xảy ra khi cơ thể chưa kịp thích nghi với lượng oxy thiếu hụt trong môi trường không khí loãng của cao nguyên, triệu chứng gồm: đau đầu, thở dốc, huyết áp tăng, chóng mặt, chảy máu cam.

[4] Là một loại nhà tập thể đặc trưng giành cho quân nhân Trung Quốc vào thời kì đó, gồm một tòa nhà xây vuông vức đơn giản, có khoảng vài ba tầng, mỗi tầng gồm độ hơn chục phòng, nhà tắm và nhà xí dùng chung cho toàn khu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui