Đạo Mộ Bút Ký

Editor: Biển, Cơm Nắm Nướng Chảo

Beta: Thanh Du

~0O0~

Bốn phía yên tĩnh đến rợn người, ngọn đèn bão được treo lên vách đá để tăng cường độ sáng, ánh đèn nhợt nhạt chiếu lên tầng nham
thạch cho người ta cảm giác thần bí cổ xưa.

Màu sắc tấm bích họa vô cùng rực rỡ, chủ yếu dùng sắc đỏ tươi như
máu, dưới ánh sáng chập chờn lại trở nên lấp lánh, dường như cả khối
nham thạch đang ứa máu tươi. Bích họa ẩn giấu bên dưới một lớp phẩm màu
khác lại được bảo tồn tốt đến nhường này, thật là không sao tưởng tượng
nổi.

Nhưng nội dung tấm bích họa mới khiến chúng tôi thực sự kinh ngạc,
những gì được vẽ trên đó rất khó diễn tả bằng lời. Tấm bích họa được
chia làm hai phần, ghi lại hai sự kiện khác nhau nhưng khi ghép chung
một chỗ trông vẫn rất hoàn chỉnh, đẹp đến lung linh huyền ảo.

Hoa hòa thượng thấy hai mắt tôi sáng rực lên thì lẩm bẩm: “Đây là cảnh tượng cuộc chiến giữa hoàng đế Vạn Nô của Đông Hạ và người Mông Cổ, cậu nhìn người này đi, xem ra y chính là Vạn
Nô vương, đây rất có thể là trận chiến diệt nước Đông Hạ trong truyền
thuyết.”

Hiểu biết của tôi về Đông Hạ vô cùng hạn hẹp, những người khác hiển
nhiên cũng không hơn gì, ai nấy đều yên lặng nghe ông ta nói tiếp.

Ông ta đi đi lại lại vừa trầm trồ thán phục, vừa ngắm nghía hình vẽ
trước mặt rồi chỉ tay vào một vị trí trên bức bích họa, nơi có rất nhiều binh lính vai mang khôi giáp và da tê tê, nói: “Đây là quân Vạn Nô
vương”, lại chỉ vào kỵ binh bên kia: “Còn đây là lính Mông Cổ, các cậu
xem, nhân số hơn xa quân Đông Hạ đến mấy lần, rõ ràng là một cuộc chiến
không hề cân sức.”

Tôi nhìn theo hướng ông ta chỉ, thấy tên bay tán loạn đá bắn tứ tung, Bàn Tử nhìn một hồi chẳng hiểu sao lại cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi: “Vì
sao quân Đông Hạ người nào người nấy mặt mũi trông như phụ nữ thế này?”

Tôi cũng thấy lạ, chẳng lẽ người Đông Hạ lại để phụ nữ ra trận đánh
nhau sao? Nếu thế thì không mất nước cũng uổng. Hoa hòa thượng đáp:
“Không phải, đây là một trong những đặc trưng của bích họa Đông Hạ,
những người cậu nhìn thấy đều thanh tú mỹ miều, tôi cũng từng tra trong
điển cố ra vài hiện tượng kỳ quái, hình như những ai đã từng tiếp xúc
với người Đông Hạ đều nói ở Đông Hạ không thấy người già, dân nước này
đều ở độ tuổi rất trẻ. Dân Triều Tiên thì kể rằng người Đông Hạ đến lúc
chết vẫn giữ được dung mạo trẻ trung.” *Đây là lí do anh Bình không bị lão hóa đó hả…*

Bàn Tử cau mày, dường như không thể nghĩ ra tại sao lại có chuyện như thế, tôi cảm thấy điều này có thể liên quan đến tập tục của một vài dân tộc thiểu số, có những tộc người không cho phép người già gặp khách.
Tôi không quan tâm lắm, lại cùng mọi người tiếp tục xem xét.


Hoa hòa thượng lại chỉ tới phần thứ hai của bích họa, nói: “Phần này
mô tả lại diễn biến trận đánh. Các cậu xem, người Đông Hạ lấy một chọi
ba, cuối cùng lần lượt bị người Mông Cổ bắn chết, trận chiến này rốt
cuộc biến thành một trận thảm sát.”

Trên bích họa dùng rất nhiều mảng đỏ để diễn tả sự thảm khốc của
chiến tranh, mang đến cảm giác rất thật, dường như như tôi đang được tận mắt chứng kiến từng nhóm từng nhóm quân Đông Hạ ngã vào vũng máu, kỵ
binh Mông Cổ giẫm đạp lên thi thể của họ, bắt đầu thiêu hủy nhà cửa, tàn sát đàn ông.

Phần thứ ba của bích họa bị che khuất sau một tảng đá lớn, chúng tôi
không thể dời đi nhưng có thể đoán biết nội dung của nó là phần kế tiếp
hai bức kia.

Lúc này tôi bỗng cảm thấy ngờ vực, bèn nói chen vào: “Không đúng, cái nước Đông Hạ này chẳng phải đã bị người Mông Cổ tiêu diệt từ đời tám
hoánh rồi sao? Tôi thấy trong tài liệu có nói bọn họ tồn tại được hơn
bảy mươi năm, lại chinh chiến liên miên, nếu bảo Vân Đỉnh Thiên Cung là
do bọn họ xây nên thì với điều kiện thời đó, một quốc gia nhỏ làm sao có thể xây dựng một lăng mộ quy mô hoành tráng nhường này?”

Tôi vừa dứt lời đã có nhiều người tỏ vẻ đồng tình, Đông Hạ là nhà
nước xuất hiện trong thời gian rất ngắn ở vùng Cát Lâm và Hắc Long Giang khi Nữ Chân diệt quốc, theo trí nhớ của tôi thì hoàng đế khai quốc Vạn
Nô vương thậm chí còn không kịp truyền ngôi cho đời sau đã bị người Mông Cổ vòng qua Triều Tiên tiêu diệt. Đó chính là thời kỳ Mông Cổ hùng mạnh nhất, gặp thần giết thần gặp phật giết phật, cảnh tượng được mô tả trên bích họa nếu đúng là trận quyết chiến kia, với tính cách của người Mông Cổ, họ hẳn phải bị tàn sát sạch sẽ mới đúng.

Mà thời đó sức sản xuất của các bộ tộc Nữ Chân rất yếu kém, không thể huy động quá nhiều nhân công, dù không bị diệt quốc đi chăng nữa thì
căn bản cũng không thể xây dựng nên một lăng mộ hoành tráng nhường này.

Theo lời Trần Bì A Tứ thì trong Vân Đỉnh Thiên Cung thật sự chôn cất
hoàng đế Đông Hạ, chuyện này nghĩ sao cũng thấy thật hoang đường, bởi lẽ bọn họ không có đủ thời gian cũng như thực lực.

Càng vô lý hơn, nếu dựa theo những thứ chúng tôi đã nhìn thấy trong
ngôi mộ dưới đáy biển mà suy đoán thì tòa lăng mộ trong truyền thuyết
này hẳn là do Uông Tàng Hải xây dựng, như vậy thời gian thi công có lẽ
vào cuối triều Nguyên, khi đó nước Đông Hạ đã bị tiêu diệt từ hàng trăm
năm trước, đào đâu ra hoàng đế Đông Hạ để mà chôn cất chứ.

Chúng tôi đều đưa mắt về phía Trần Bì A Tứ, lão chính là người nói ra câu hoàng dế Đông Hạ được táng trong Vân Đỉnh Thiên Cung, nhưng bây giờ xem xét lại thì dường như giả thiết này hoàn toàn sụp đổ.

Trần Bì A Tứ biết chúng tôi đang nghĩ gì, mặt mũi lạnh tanh liếc qua
bích họa, cười nhạt một tiếng rồi nhìn sang Hoa hòa thượng: “Nếu các
người không tin, vậy thì hòa thượng, anh nói cho bọn họ biết đi.”

Hoa hòa thượng dạ một tiếng rồi quay sang chúng tôi cười nói: “Tôi
biết các cậu đang hoài nghi điều gì, và tôi dám chắc các cậu đều nghĩ
sai cả rồi. Những tài liệu viết về Đông Hạ mà các cậu đã xem hầu hết đều được suy ra từ mấy cuốn sách cổ không còn nguyên vẹn. Trên thực tế tài
liệu về nước Đông Hạ còn lưu lại thật sự quá ít ỏi, ở nước ngoài người
ta thậm chí còn không thừa nhận đã từng có một quốc gia như vậy tồn tại, cho nên thông tin các cậu thấy bây giờ thực ra cũng rất khó đánh giá độ chính xác.”


Bàn Tử nói: “Nếu đã thế thì ông dựa vào đâu mà khẳng định tài liệu của ông là đúng.”

Hoa hòa thượng trả lời: “Bởi vì tài liệu của chúng tôi trực quan
hơn.” Ông ta móc một tấm lụa trắng từ trong túi áo lót, trải ra trước
mắt chúng tôi. Tôi vừa nhìn thấy, ruột gan bỗng chốc rơi tuột xuống.

Không ngờ thứ đó chính là con Xà mi đồng ngư trong buổi bán đấu giá.

Tại sao nó lại nằm trong tay bọn họ, chẳng phải đã nói là không có người mua sao? Tôi nhíu mày, đột nhiên hiểu ra.

Đã không có người mua, mà cá lại nằm trong tay Trần Bì A Tứ, vậy lẽ nào Trần Bì A Tứ chính là người bán?

Toàn thân tôi run rẩy, cố gắng giữ thân thể ổn định, không để cho bản thân lộ ra vẻ mặt quá mức kinh ngạc. Thế nhưng lòng mề đã xoắn thành
một cục, vô số câu hỏi bùng nổ trong đầu, nhất thời cũng không biết mình đang sợ hãi hay là hưng phấn, chỉ thấy tay chân đột ngột lạnh ngắt như bị rút máu.

Hoa hòa thượng không hề để ý đến nét mặt của tôi, tiếp lời: “Loại cá
đồng này là một biến thể của rồng, cụ nhà chúng tôi nhờ cơ duyên xảo hợp mới lấy được, tôi tin chắc người chế tác ra nó phải biết rõ nội tình
nước Đông Hạ. Lạ nhất là người này sử dụng thủ pháp vô cùng khéo léo để
lưu lại một đoạn thông tin tuyệt mật trên thân cá, các cậu xem đi.”

Ông ta đưa con cá lại gần đèn bão, những mảnh vẩy cá mạ vàng phản
chiếu ánh kim lấp lánh, in lên bức bích họa vô vàn điểm sáng li ti. Hoa
hòa thượng dịch chuyển thân cá, những điểm sáng bắt đầu biến đổi, dần
dần lại hóa thành những con chữ lốm đốm.

“Bí mật nằm ở đây, trên vẩy cá này tổng cộng ẩn giấu bốn mươi bảy chữ Nữ Chân.”

Trong lòng tôi a lên một tiếng, thầm nhủ hóa ra còn có thứ kỹ xảo
này. Tôi nắm chặt hai con Xà mi đồng ngư trong túi, lắp bắp hỏi ông ta:
“Nó…nó viết cái gì vậy?”

“Vì tư liệu trên con cá không hoàn chỉnh nên tôi còn chưa giải mã
được hết. Nhưng tôi có thể khẳng định, người làm ra con cá này muốn
ghi lại vài chuyện mà không muốn người ta phát hiện ra, lưu giữ lịch sử
chân thực của Đông Hạ.” Hoa hòa thượng nói có phần đắc ý, “Thật ra trước khi nhìn thấy vật này, căn cứ vào rất nhiều dấu vết để lại, tôi đã suy
đoán rằng nhà nước Đông Hạ chắc chắn từng tồn tại, có điều họ đã rút sâu vào núi lớn, vả lại không biết dựa vào điều gì mà một nhà nước nhỏ bé
yếu ớt như thế vẫn đứng vững vàng giữa một bên là Mông Cổ hùng mạnh vô
song, một bên là Triều Tiên như hổ đói rình mồi trong suốt mấy trăm năm. Tôi từng nghiên cứu ghi chép của Cao Ly (tên cũ của Triều Tiên), mãi cho đến trước khi nhà Minh thành lập, còn có người đào sâm bắt gặp
những kẻ ăn mặc kỳ quái hoạt động ở chỗ này. Tôi nghĩ đó là một bộ phận
dân cư còn sót lại của nước Đông Hạ.”

Ông ta lại chỉ vào con cá, nói tiếp: “Những mẩu ghi chép vụn vặt
trong này đã chứng minh cách nghĩ của tôi là đúng. Nước Đông Hạ sau khi
quyết chiến với Mông Cổ đã lui đến biên giới giữa Cát Lâm và Triều Tiên, vẫn náu mình tồn tại suốt mấy trăm năm, tổng cộng có mười bốn vị hoàng
đế. Mông Cổ và Triều Tiên không dưới một lần muốn tiêu diệt đất nước bé

nhỏ này, nhưng vì một lý do kỳ lạ mà tất cả đều thất bại.”

“Lý do gì?” Phan Tử hỏi: “Hòa thượng, anh nói chuyện thẳng thắn chút được không?”

Hoa hòa thượng nhún vai: “Tôi không biết. Tư liệu trên con cá kia
không đầy đủ, đảm bảo còn có vật khác ghi lại phần còn thiếu. Nhưng căn
cứ vào những chữ trong tay, tôi dám nói nước Đông Hạ đứng vững được hẳn
là vì đã có những chuyện vô cùng ly kỳ xảy ra, còn nội dung phía sau thế nào thì chịu. Chúng tôi vẫn luôn muốn tìm, nhưng tiếc thay ông cụ nhà
chúng tôi đã lùng sục bao nhiêu năm vẫn không thấy những phần khác đâu
cả.” Ông ta ngừng một lát rồi lại nói: “Các cậu có biết câu cuối cùng
trong đống chữ Nữ Chân này nói gì không?”

Tôi thầm nghĩ tụi này biết thế quái nào được, Diệp Thành đã tiếp lời: “Là gì?”

Hoa hòa thượng nhìn chúng tôi rồi bảo: “Trên này viết, Vạn Nô Vương của các triều đại đều không phải là người.”

“Không phải người thì là cái quái gì?” Bàn Tử thốt lên.

Hoa hòa thượng cất con cá đi: “Trên này viết, bọn họ đều là một loại quái vật từ dưới lòng đất bò ra!”

Không phải chứ, tôi nghĩ thầm. Mọi người nhìn nhau, xem chừng trong
lòng đều đã hơi rờn rợn. Diệp Thành lại hỏi: “Cũng không thể nói như thế được, hay ý họ muốn ví hoàng đế với rồng, chứ không phải người phàm?”

“Tôi vốn cũng nghĩ người này chỉ muốn dùng lối ví von chân long thiên tử vậy thôi, nhưng sau này nghiên cứu thêm mới phát hiện người này khả
năng chỉ muốn ghi lại một vài bí mật, khách quan hơn so với ghi chép
lịch sử của Đông Hạ, nên hẳn là sẽ không dùng ngôn ngữ cung kính vậy
đâu. Hơn nữa, nếu sự thực đúng như lời anh nói thì hãy tưởng tượng mà
xem, giả sử anh chúc thọ hoàng đế mà vừa mào đầu đã nhả một câu: bệ hạ,
ngài thật không phải người, chỉ e câu thứ hai chưa nói ra anh đã bị lôi
đi lăng trì rồi. Làm gì có ai viết kì cục như vậy.” Ông ta cười khó
hiểu: “Hơn nữa câu sau cùng viết cực kỳ rõ ràng, cực kỳ khiếm nhã, tôi
vẫn canh cánh trong lòng. Nếu ta tìm được những phần khác thì hẳn là sẽ
giải mã được rốt cuộc những lời này có ý nghĩa gì.”

Bàn Tử và Muộn Du Bình đều biết kỳ thật hai con cá đồng còn lại hiện
giờ đang ở trong tay tôi, nhưng vì thận trọng nên bọn họ đều không lên
tiếng. Tôi bóp chặt cá đồng trong túi áo, đột nhiên cảm thấy chúng trở
nên nặng trĩu.

Nhất thời tôi cũng không biết mình có nên lấy hai con cá này ra
không. Thực ra hai con cá này đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi
không đọc được chữ Nữ Chân, có xem cũng chẳng hiểu cóc khô gì sất.
Nhhưng nếu giao cho bọn họ thì tôi lại thấy không ổn chút nào.

Phan Tử nhìn chằm chằm vào tấm bích họa, lẩm bẩm với chính mình rằng
người được cho là Vạn Nô vương trên bích họa kia trông cũng giống người
chứ nào có vẻ gì là quái vật. Bàn Tử vỗ vỗ anh, nói với Hoa hòa thượng:
“Anh Mặt Sẹo, tôi bảo này, anh giải mã cái quái gì, chúng ta là người
thực dụng, đừng ra vẻ phần tử trí thức, đến lúc quan tài mở ra thì là
người hay chó khắc rõ ràng ngay thôi.”

Hoa hòa thượng cười cười lên tiếng: “Ý tôi là, biết người biết ta vẫn hơn.”

“Có điều, thằng vẽ bích họa không dưng lại vẽ mấy cái này ở đây làm

quái gì nhỉ?” Bàn Tử hỏi: “Để nhắc mình khỏi quên nợ nước thù nhà à?”

Hoa hòa thượng lắc đầu, hiển nhiên cũng không hiểu rõ lắm. Tôi ngẫm
nghĩ rồi nói: “Có khi là muốn hoàn thành bích họa ở đây rồi dỡ cả khối
đá xuống, còn không thì chắc là vẽ để giết thời gian thôi. Anh xem trong này ấm áp, có lẽ lúc đó thợ thuyền cũng vào đây nghỉ ngơi mà.”

Chẳng ai thèm tin tôi. Hoa hòa thượng bắt đầu chụp lại mấy thứ này để lưu lại làm tư liệu.

Chúng tôi nghỉ ngơi đã đủ, dần dần hồi phục tinh thần, bắt đầu cắt
lượt nghỉ ngơi. Trần Bì A Tứ lại cử người của lão thay phiên ra canh bên ngoài, chừng nào tuyết ngừng rơi thì bò vào báo cho chúng tôi, còn
chúng tôi bắt đầu thay phiên nhau ngủ.

Khi tôi tỉnh giấc thì Thuận Tử cũng vừa tỉnh lại, không ngừng xin lỗi chúng tôi. Bàn Tử không thèm quan tâm đến hắn, tôi lấy đồ cho hắn ăn,
lại bảo anh cứ nghỉ ngơi cho khỏe, tôi còn phải nhờ anh tiếp tục dẫn lên mà.

Trong này không có mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng, cũng
chẳng biết thời gian đã qua bao lâu, đại khái là chờ hai ba ngày thì
tuyết rốt cuộc cũng ngừng rơi. Chúng tôi lục tục leo ra khỏi cái khe,
bên ngoài đã trời quang mây tạnh, xung quanh là một thế giới bao la
trắng xóa.

Sửa soạn lại trang bị mới phát hiện mấy ngày nay chúng tôi đã ăn quá
nhiều, đoán chừng nếu không có tiếp tế thì chưa đi đến đích đã cạn sạch lương thực. Hỏi Thuận Tử xem có cách nào không, hắn nói đã lên vùng núi phủ tuyết thì bó tay rồi, bằng không phải quay trở về, hoặc là phân
phối đồ ăn ra, chịu khó nhịn bớt một chút.

Lúc ở trong khe nứt, Trần Bì A Tứ đã dạy chúng tôi rất nhiều mánh lới sử dụng trên núi tuyết, ví dụ như dùng băng vệ sinh làm lót giày có thể hút mồ hôi, giữ cho bàn chân khô ráo, toàn thân ấm áp. Chúng tôi làm
theo cách của lão, quả thật không tồi, có điều chính mình cũng thấy
chướng, cứ nghĩ nếu vào cổ mộ rồi vứt lại mấy thứ này trong đó, vài năm
sau có đội khảo cổ đào ra, nhìn thấy cái của nợ này nằm chình ình bên
cạnh quan tài thì không biết sẽ có vẻ mặt gì. *Êm vái cả nón trí tưởng tượng phong cmn phú của bạn Tà =))*

Chúng tôi dùng dây thừng leo lên sườn dốc mà mình đã ngã xuống, thấy
trên mặt đất chi chít những dấu chân ngựa mới tinh. Bàn Tử ngồi thụp
xuống xem xét rồi nói: “Đám người A Ninh kia xem ra đã vượt qua chúng
ta, giờ đang ở tít đằng trước rồi.”

Chúng tôi không nói thêm lời nào, đeo kính chắn gió rồi gấp rút lên
đường. Hai giờ sau, trên một sườn núi, chúng tôi thấy đội của A Ninh.
Bọn họ hiển nhiên cũng chịu tổn thất rất lớn, ba mươi người giờ chỉ còn
có hai mươi, số ngựa cũng bị rút xuống một nửa, nhìn toét mắt cũng không thấy tăm hơi chú Ba tôi đâu.

Chúng tôi bắt đầu lẳng lặng ẩn nấp, quan sát bọn họ. Tôi thấy A Ninh
nâng ống nhòm chăm chú nhìn về một phía, muốn trông theo hướng cô ả đang nhìn nên cũng nheo mắt lại.

Chỉ thấy ngoài xa, không biết là trong màn tuyết hay mây mù, đứng
sừng sững một ngọn núi tuyết lớn, hợp thành một thể với những mạch núi
khác, lại cao chót vót đên bất thường. Đó chính là ngọn núi tuyết tôi
từng thấy trong ngôi mộ dưới đáy biến sâu, hình dáng của nó dường như
không khác mấy so với trong hình vẽ.

“Đúng chỗ này rồi.” Tôi thầm nhủ trong lòng, chỉ vào ngọn núi kia,
ngoảnh đầu lại hỏi Thuận Tử: “Kia là núi gì? Làm sao qua đó bây giờ?”

Thuận Tử đưa tay lên che nắng, vừa nhìn đã biến sắc: “Thì ra các anh muốn đến đấy à?! Chỗ kia không đi được đâu!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận