Trong hồi ức của cụ già, ngày hôm đó Trường Sa vừa mới vào đầu đông, tiết trời đã hết sức lạnh giá. Gót giày của quân Nhật đã giày xéo đến gần Trường Sa, thành phố vô cùng tiêu điều, ai hễ có thân thích ở vùng Tây Nam đều chạy đến nhờ nương tựa người thân cả, nhưng sức vận chuyển có hạn, vào mùa đông, đường đến Tây Nam núi non đều sạt lở, rất nhiều người đã đi, gặp núi lở, lại phải vòng về.
Năm đó, Cố Khánh Phong hẵng còn trung tuổi, trực ban ở phòng bán vé, đêm hôm đó, khi chuyến tàu màu đen số 076 tiến vào ga là đúng là ông đang trong ca trực. Vào giờ ấy, đáng lý ra không có xe lửa nào vào ga cả. Ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào trước đó.
Vào thời kỳ đó, để chuẩn bị cho chiến sự nên hay có các chuyến tàu chở hàng của quân đội đột xuất đến, đây cũng là chuyện bình thường. Nhưng thông thường sẽ có thông báo gửi đến trước, hơn nữa, thủ tục cho tàu vận tải quân đội thường do quân đội xử lý, nên vào những lúc này, trên sân ga phải đầy lính cảnh giới chuẩn bị nhận hàng mới đúng.
Nhưng ông thấy sân ga vắng tanh không một bóng người, chiếc xe lửa cứ thế trờ tới. Nếu không phải vật này quá khổng lồ không tránh khỏi tạo ra tiếng động quá lớn, có lẽ ông còn không phát hiện ra.
Cố Khánh Phong châm đèn bão, khoác thêm một lớp áo bành tô bước ra sân ga, dưới ánh đèn mờ tối, chiếc xe lửa màu đen như một con rồng khổng lồ, nằm vắt ngang một bên sân ga, trên thân đầy vết rỉ sét và bùn khô, như những mảnh vảy rồng rữa nát được đào lên từ dưới lòng đất. Ông cạy lấy một ít bùn khô, vô cùng nghi hoặc.
“Xe lửa từ đâu đến nhỉ?”
Ông trùm kín mình trong chiếc áo khoác, đến gần chiếc xe lửa hơn một chút, kinh ngạc nhận ra tất cả các toa tàu, bao gồm cả đầu tàu nữa, tất cả đều là sắt tây đã hàn kín, những mối hàn xấu xí to tướng nổi đầy bọt khí, chứng tỏ lúc hàn đòi hỏi trình độ rất cao. Ông dùng khuỷu tay gạt lớp bùn khô phủ trên thân tàu xuống, nhìn thấy hình sơn và kiểu chữ 076 trên đầu máy xe lửa, ông mới nhận ra, đây là một chiếc tàu vận tải quân đội của Nhật Bản.
Tàu vận tải quân đội loại này do Nhật Bản chế tạo ở Đông Bắc sau khi xâm lược Trung Hoa, có dạo cho chạy đến tận Tây Bắc, về sau chiếm được không ít, bây giờ đều đã sơn phết lại và tái sử dụng dưới sự quản lý của chính phủ Quốc Dân Đảng. Thế nhưng, chỉ riêng chiếc xe lửa này, hình quân kỳ Nhật Bản vẫn còn được khắc ở hai bên đầu máy xe. Các bộ phận ở thân tàu phần lớn đều đã rỉ sét và phủ đầy bùn đất, quả thực trông như thể là đã từng bị chôn ở dưới đây, mãi đến gần đây mới được đào lên.
Tuyến đường sắt đến hướng Đông Bắc đã bị nổ đứt từ lâu, bây giờ không nối đến Trường Sa nữa, chỉ còn mấy cái đường ray Tây Nam đều đã được quân đội trưng dụng hết rồi. Nhưng xem hướng của đầu máy xe lửa này, quả thực đúng là từ Đông Bắc mà đến, chiếc xe lửa này làm sao mà bay qua được cả cây cầu đường ray đã bị nổ tan tành?
“Khốn kiếp, trên tàu có cái của nợ gì thế?” Cố Khánh Phong gõ gõ lên toa xe, gào lên: “Chớ có dừng ở đây, tàu sau đến rồi, đít tàu sẽ bị đâm đấy. Đằng trước có đường ray, tiến lên thêm chút đi.”
Trên tàu không có một tiếng động nào, cũng không thấy ai lên xuống tàu cả. Ông đi tới đầu tàu, bám lấy trèo lên, kinh ngạc nhận ra cửa ở đầu tàu cũng đã bị hàn chết. Xung quanh ống thoát hơi nước vẫn còn nóng rẫy. Nhiệt độ thay đổi làm ngưng tụ hơi nước, thân tàu rất ướt, đưa tay quệt một cái tay toàn nước rỉ sắt đỏ quạch, như thể rỉ máu vậy.
Cố Khánh Phong có hơi sợ hãi, trông coi trạm xe lửa này nhiều năm đến vậy nhưng hiếm khi gặp phải chuyện nào kỳ quái như thế. Gần đây ông có nghe người Tây Bắc kể chuyện, ở trạm xe lửa vào nửa đêm hay có những chuyến tàu không người, xem xét thì đó toàn là những chiếc xe lửa đã bị người Nhật cho nổ tung, nhưng trên tàu chẳng có lấy một bóng người. Nghe nói đấy là tàu ma, chuyên chở những người bị nổ chết, trước khi chở họ đến âm tào địa phủ thì cho họ về thăm quê nhà. Khi đến sáng sớm, chiếc xe lửa liền biến mất như chưa bao giờ xuất hiện.
Rất nhiều chuyến xe lửa đã bị chôn vùi trong các đèo núi khi núi bị nổ sụt, thảo nào trên thân tàu lại nhiều bùn đất đến vậy.
Ông hét toáng lên định gọi lính canh gác dậy, nhưng đột nhiên, ông nghe thấy trong đầu tàu có tiếng thịch thích. Cửa sổ ở đầu tàu đã bị nước bùn dán kín, ông cố sức lau sạch bùn đất, giơ đèn bão lên nhìn. Ngay lập tức, ông lờ mờ nhìn thấy bên trong ô cửa sổ thủy tinh đục ngầu có thứ gì đó, trông như da lợn trắng ơn ởn, bị kéo căng ra dán trước ô cửa thủy tinh, che kín hết mọi thứ bên trong con tàu.
Phía trên tấm da lợn có một vết rách rất nhỏ, dài khoảng một gan bàn tay, Cố Khánh Phong cố gắng kề sát vào vết rách, muốn nhìn qua vết rách xem có cái gì bên trong tàu.
Chiếc đèn bão không ngừng va đập vào lớp thủy tinh, khiến đất bùn khô rơi xuống lả tả, rỉ sắt và bùn đất tanh tưởi khiến ông phát buồn nôn, ông nhận thấy khe rách kia có chút kỳ lạ.
Ông nheo mắt lại nhìn kỹ, có lẽ do đèn bão va đập vào ô cửa thủy tinh nên tấm “da” ở trong bị lỏng ra, loáng cái liền rơi xuống. Ngay lập tức, ông nhìn thấy trong toa đầu tàu có một người đang bị treo lơ lửng trên không trung. Lại nhìn một lần nữa, ông mới nhận ra, đó là một người chết, một người chết mặc đồng phục công nhân bình thường bị treo lơ lửng ở trên trần tàu, cái xác đang lạnh lùng nhìn ông chòng chọc. Trong đôi mắt đục ngầu đó, đôi con ngươi cực nhỏ, nhỏ như hạt đậu tương vậy, còn lại đều một màu trắng ởn.
Đập vào mắt Cố Khánh Phong đầu tiên chính là đôi mắt khiến người ta sởn da gà đó, ông hét lên một tiếng, xoay người nhảy xuống khỏi xe lửa, ngã dúi dụi dưới sân ga. Ông lồm cồm bò dậy, rồi chạy về phía phòng bảo vệ. Trong đầu ông chỉ có một suy nghĩ duy nhất: Đây là con tàu ma, nó đến Trường Sa để bắt người.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...