Thế nhưng Thôi Diệt Lang dẫn theo hơn bốn nghìn binh sĩ lại không hề cảm thấy chút lạnh giá gì. Vì bọn họ phải chạy đường dài, miệng vẫn hồng hộc, nhưng dù sao thì sức người cũng có hạn. Giữa đường có những binh sĩ trong số họ bắt đầu bị chuột rút, Thôi Diệt Lang không hề bỏ mặc họ, cậu lệnh cho những binh sĩ khác cùng giúp đỡ những người này. Như thế này thì tốc độ tháo chạy càng trở nên chậm chạp hơn. Thực tế thì hiện giờ phần lớn đôi chân của những binh lính này đã như đeo những tấm chì tấm sắt nặng nề.
Trại Kim Minh chỉ còn cách đó ba bốn dặm đường nhưng giờ ngay cả Thôi Diệt Lang cũng bắt đầu trở nên tuyệt vọng. Vì đội kỵ binh của Tây Hạ đã đuổi tới ngay sau lưng bọn họ rồi.
Cậu còn nghe thấy cả tiếng “giết” của một tên tướng lĩnh ở phía sau.
Lúc này đầu óc Thôi Diệt Lang mới tỉnh táo trở lại. Cho dù trại Kim Minh có ở ngay phía trước đi nữa thì họ cũng không chạy nổi vào trong trại. Cho dù có một số người chạy được vào trại thì đại đa số binh sĩ vẫn bị tàn sát.
Trong năm viên tiểu tướng thì Chu Sỉ hung ác hệt như cha y, Chu Hận nghiêm túc cẩn thận nhưng làm việc lại quá câu nệ. Điểm này là do y chịu ảnh hưởng của Dương Văn Quảng, dù sao thì Dương Văn Quảng cũng xuất thân từ nhà quan, mọi hành động đều rất quy củ. Còn Địch Thanh thì lạnh lùng mà bình tĩnh, Đinh Mão trầm lặng ít nói nhưng hay suy nghĩ, đặc biệt là Đinh Mão đối với thuộc hạ vô cùng tốt. Trong năm viên tiểu tướng thì Đinh Mão được binh sĩ yêu quí nhất, còn Thôi Diệt Lang thì tuy võ công cao cường, nhưng tính cách lại quá lãnh đạm.
Trong mắt người khác thì Địch Thanh và Đinh Mão là tốt nhất. Ngay cả Chu Lịch cũng không thể không thừa nhận con trai mình là Chu Sỉ quá hung ác, nếu làm một viên tướng giao phong trên chiến trường thì còn được, nhưng làm một Đại soái thì vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Tư chất của Thôi Diệt Lang còn tốt hơn cả Chu Sỉ nhưng lại không có một ai bình phẩm cho cậu, Thạch Kiên cũng từng nói với Thôi Diệt Lang về điều này. Hắn nói: “Kỳ thực thì ngươi là người thông minh nhất trong năm tiểu tướng, nhưng tại sao khi đánh giá thì lại bị xếp cuối cùng chứ? Bởi vì ngươi xuất thân là người giang hồ, đi theo ta cũng đã nhiều năm, nhưng để bảo vệ ta mà ngươi đã rất thân thiện với đám hộ vệ trong phủ của ta, vì thế nên “mùi” giang hồ trong ngươi vẫn còn nguyên. Cũng bởi thế nên mới khiến tính cách của ngươi trở nên lãnh đạm như thế. Nhưng bây giờ đã gia nhập quân đội thì tính cách này cần phải sửa đổi.”
Cho nên Thôi Diệt Lang vẫn luôn hăng hái phấn đấu, đặc biệt là cậu cần phải phòng thủ Thổ Môn. Khó khăn lắm cậu mới có được lần đầu tiên làm thống lĩnh một đội quân lớn nên muốn lập công lớn để người khác phải thay đổi cách nhìn về cậu. Cũng vì sự do dự lần này của cậu mà dẫn tới kết quả như bây giờ.
Nếu đã xuất hiện cục diện thế này thì không thể tiếp tục bỏ chạy được nữa, Thôi Diệt Lang vẫn còn nhớ rõ Thạch Kiên đã từng nói với cậu và Đinh Mão: “Tại sao trong rất nhiều cuộc chiến phần thắng thường thuộc về số ít? Phần lớn những trường hợp này đều là vì bên ít quân tạo cho binh lính bên đông quân một sự khủng hoảng về tâm lý, khiến phần lớn số binh sĩ đó nảy sinh sự sụp đổ. Mà phần lớn binh sĩ thường chết trong quá trình chạy trốn vì sự sụp đổ mù quáng. Trận chiến nổi tiếng nhất là trận Phì Thủy (trận Phì Thuỷ là trận đánh diễn ra vào năm 383, lúc bấy giờ Tiên Tần ở phương bắc muốn diệt Đông Tấn ở phương nam nên tiến hành giao chiến ở Phì Thuỷ, cuối cùng tám vạn quân của Đông Tấn đã đánh bại hơn tám mươi vạn quân của Tiên Tần). Vì thế nên trong lúc rút quân hay lúc tháo chạy đều không được hoảng loạn, thậm chí còn phải nghĩ tới việc phản kích. Như thế thì cơ hội chạy thoát thân sẽ lớn hơn nhiều.”
Cậu chống lại gió rét, dẫn binh lính tháo chạy nhưng đầu óc cậu vẫn không ngừng chuyển biến. Do đã canh giữ trại Kim Minh trong thời gian khá dài nên cậu hiểu rất rõ địa hình nơi đây. Phía trước cậu chính là trại Kim Minh, chếch sang bên cạnh một chút có một ngọn đồi nhỏ, cậu hô lên một tiếng:
- Dừng lại.
Mặc dù đã trải qua mấy tháng huấn luyện chạy bộ đặc biệt nhưng đám binh sĩ này sớm đã không thể chạy được nữa, họ lập tức dừng lại.
Thôi Diệt Lang nói:
- Trong tình thế hiện giờ, chúng ta không thể chạy tới trại Kim Minh được, bọn địch đuổi theo quá gấp nên chúng ta chỉ còn cách đánh một trận. Vừa giao chiến vừa rút lui về ngọn đồi đằng kia, sau đó sẽ đợi đội viện quân của trại Kim Minh tới.
Thực tế thì Thôi Diệt Lang cũng đã trông thấy số lượng của đám binh sĩ đang đuổi theo phía sau. Cho dù là binh sĩ của cậu và binh sĩ trong trại Kim Minh hợp lại thì e là cũng không thể đông bằng số quân địch kia. Hơn nữa quân đich lại toàn là kỵ binh. Trong tình thế này, Địch Thanh cần phải ở lại trong thành không được ra ngoài. Nếu không, có thể không cứu nổi bọn họ mà còn bỏ lại đội quân mấy nghìn người giống như Nguy Danh Lý, cuối cùng khiến lực lượng phòng thủ trại Kim Minh suy yếu.
Nhưng những binh sĩ kia không biết điều này. Bọn họ nghe nói có cứu binh, hơn nữa sự thực thì trại Kim Minh lại đang ở ngay trước mặt nên tinh thần bọn họ tỉnh táo lại ngay lập tức.
Những binh sĩ này đều là những người dân dũng cảm gốc Tây Bắc, họ còn là tinh binh của cả nước, đồng thời cũng là những binh sĩ đã trải qua sự thử thách trong trận chiến bảo vệ thành Duyên Châu. Chỉ cần trấn tĩnh lại thì không cần Thôi Diệt Lang phải dặn dò, họ cũng sẽ tự động tổ chức đội hình. Họ cầm cung tên trong tay giơ lên, một mặt nhắm chuẩn vào đội quân Tây Hạ, mặt khác cũng chầm chậm lùi về hướng có ngọn đồi kia.
Năm trăm bước, bốn trăm bước, ba trăm bước, hai trăm bước, một trăm bước.
Thôi Diệt Lang đang áng chừng từng khoảng cách một. Cuối cùng thì cũng chỉ còn lại khoảng cách một trăm bước, Thôi Diệt Lang hô lên một tiếng:
- Bắn!
Bốn nghìn mũi tên phóng ra trong tiếng gió rít.
Nhưng Thôi Diệt Lang trông thấy có khá nhiều con chiến mã bị trúng tên, song thương tổn không lớn. Trong lần tấn công này, số quân địch bị giết chết còn không tới hơn một trăm tên.
Đội kỵ binh này là đội kỵ binh tinh nhuệ của Tây Hạ, bọn chúng còn chưa sánh được so với đội diều hâu sắt nhưng toàn thân đều được bảo vệ bởi những bộ khôi giáp rất dày, ngay cả những con ngựa chúng cưỡi cũng được che chắn bởi những tấm giáp.
Đối với đội kỵ binh như thế này, Thạch Kiên đã từng nói, khi tấn công gần chỉ có thể không sợ binh sĩ bị giày xéo, dùng câu liêm móc vào vó ngựa rồi sau đó mới để bộ binh xung kích. Hoặc là tấn công từ xa, cho đội khinh binh nhẹ tiến hành du đấu với chúng. Nhưng hiện giờ bọn họ tới đâu tìm cho ra câu liêm hoặc tìm đâu ra khinh kỵ binh? Bộ binh thì có nhưng để cho tốc độ tháo chạy được nhanh hơn, Thôi Diệt Lang sớm đã bảo bọn họ đem khôi giáp vứt lại bên ven đường rồi.
Dã Lợi Vượng Vinh ngồi trên lưng ngựa hét lên một tiếng, tiếng hét này của y không phải phát ra từ sự tức giận khi thấy mấy chục chiến sĩ bị tử vong. Trong mắt y, hi sinh là chuyện bình thường, chỉ cần giành được chiến quả lớn hơn thì hy sinh cũng xứng đáng. Tiếng hét của y phát ra vì sự phấn khích khi trông thấy “con mồi”.
Dường như cũng cảm nhận được ý nghĩ của chủ soái, đám kỵ binh này càng tăng tốc hơn. Hiện giờ chỉ còn lại năm mươi bước nữa. Tuy quân Tống lại bắn ra trận “mưa” tên thứ hai, nhưng với khoảng cách năm mươi bước, những con ngựa tốt chỉ cần nhảy hai ba cái là có thể xông tới trước mặt họ. Nói cách khác thì thời gian còn lại của họ chỉ đủ để họ bắn ra trận mưa tên cuối cùng nữa rồi bắt buộc phải triển khai trận cận chiến. Nhưng hiện giờ vì tháo chạy mà khôi giáp trên người họ không còn đủ nữa. Một khi giao chiến ở cự ly gần thì họ sẽ chỉ còn nước chết.
Hoặc theo cách nghĩ của Thôi Diệt Lang thì ngọn đồi kia cũng cách bọn họ không còn xa nữa, cũng chỉ còn gần một trăm bước. Bình thường chỉ cần đếm từ 1 đến hai, ba mươi là có thể chạy tới nơi. Nhưng bây giờ ngay cả gần một trăm bước này, bọn họ muốn tới nơi cũng còn khó hơn cả việc trèo lên núi Thái Sơn.
Hiện giờ ngay cả những binh sĩ ngu ngốc nhất cũng biết được vận mệnh gì đang chờ đợi họ. Trừ khi có kỳ tích, nhưng trong thiên hạ này có thể có được bao nhiêu kỳ tích chứ?
Trong mắt bọn họ chỉ còn trông thấy đám quân Tây Hạ mênh mông không bến bờ đang nhào tới. Những chiếc áo giáp và những thanh đao phát ra những ánh hào quang lạnh như băng, ánh sáng mặt trời rọi vào chúng trông chẳng khác gì tử thần đang đắc ý nhảy nhót bên trên.
Nhưng mà kỳ tích đã xuất hiện.
Bọn họ nghe thấy tiếng hét của tên chủ tướng giữa đám quân địch, đám kỵ binh kia dừng lại, bọn chúng lùi lại phía sau.
Thôi Diệt Lang ngoảnh đầu nhìn ra xa. Cậu trông thấy từ phía trắc diện với quân Tây Hạ có một đội khinh kỵ binh của Tống triều, họ cầm cung tiễn trong tay, không ngừng bắn về phía quân Tây Hạ. Không thể gọi đây là cung tiễn được, cho dù người ta có nói nó là loại cung cường lực cũng không đúng. Nhưng Thôi Diệt Lang biết đây là thứ vũ khí do Thạch Kiên và mấy người thợ chế tạo binh khí cùng nghiên cứu và sáng chế ra. Thạch Kiên gọi nó là “nỏ tay”. Bên ngoài nó cũng không khác nhiều so với cung tiễn, cũng có tay cung, dây cung. Nhưng nó khác với những loại cung tiễn bình thường ở chỗ tay cung của nó có rất nhiều khí giới nhỏ. Khoảng cách phóng ra của nó cũng không xa hơn so với cung tiễn là bao nhưng nó có lực công phá rất lớn, chỉ cần cự ly thích hợp thì ngay cả những khôi giáp bình thường cũng có thể bị xuyên thủng.
Nhưng có ưu điểm thì ắt sẽ có nhược điểm. Loại nỏ tay này chế tạo phức tạp, hơn nữa giá thành lại cao. Đây là do triều đình tốn mất mấy tháng, dùng ngựa đưa gấp tới Duyên Châu. Thôi Diệt Lang không ngờ Thạch Kiên lại trang bị loại vũ khí lợi hại này cho đội quân do Địch Thanh dẫn đầu.
Địch Thanh cũng vừa nhận được tin tình báo, tuy có những lúc Thôi Diệt Lang thực sự khiến Địch Thanh phiền não, nhưng Địch Thanh không thể ngồi nhìn hơn bốn nghìn binh sĩ Tống triều hy sinh ngay trước mắt. Địch Thanh lập tức dẫn theo tất cả bốn nghìn khinh binh trong trại Kim Minh tới cứu viện. Tuy nhiên Địch Thanh còn chưa tới nơi thì đã trông thấy cảnh tượng nguy hiểm vừa rồi. Khi còn cách đội quân Tây Hạ xa hơn bây giờ, khoảng bốn năm trăm bước thì Địch Thanh hô lên một tiếng:
- Bắn!
Mấy nghìn chiếc nỏ mạnh lập tức được bắn ra. Đương nhiên là rất đồ sộ, nhưng toàn bộ đều rơi trên mặt tuyết, ngay cả một chiếc cũng không bắn trúng quân địch.
Điều này khiến Dã Lợi Vượng Vinh và binh sĩ Tây Hạ cưỡi trên lưng ngựa cười ha hả. Chúng cười đám quân Tống kia là đám “gà mờ”, nếu là Nguy Danh Lý có thể tháo chạy trở về nói cho y biết đầu đuôi sự tình thì chắc chắn y sẽ không coi thường đội khinh binh này. Nhưng hiện giờ Dã Lợi Vượng Vinh lại cho rằng đám quân Tống này là một đám người ô hợp (chỉ một nhóm người tụ tập lại một cách tạp nham, không tổ chức, vô kỷ luật, giống như bầy quạ đen bu lại). Khoảng cách xa như thế mà đã bắt đầu bắn tên, đây không phải đang lãng phí vũ khí sao? Lẽ nào bọn họ nghĩ mình đang cầm máy nỏ hay tay nỏ thần trong tay sao?
Ngoài ra còn một điều khiến y xem thường đó là Tống triều vốn chẳng có bao nhiêu kỵ binh tinh nhuệ. Ngược lại, đội bộ binh của họ lại rất có danh tiếng. Những binh sĩ này được bảo vệ bởi những chiếc áo giáp sắt cồng kềnh, nhưng thực sự rất khó làm họ bị thương.
Bởi vậy nên y lập tức phản ứng lại, đầu tiên là tiêu diệt đám kỵ binh trại Kim Minh này trước để giảm bớt lực lượng phòng thủ trại Kim Minh. Đương nhiên chiêu này đã được Thạch Kiên sử dụng từ trước. Nhưng y không cho rằng mình dùng lại chiêu của Thạch Kiên là nhục nhã. Vì muốn giành thắng lợi, thủ đoạn nào y cũng có thể dùng được. Về phần mấy nghìn bộ binh của Thôi Diệt Lang, vì Thôi Diệt Lang dẫn quân tháo chạy về ngọn đồi kia, nhưng đường về trại Kim Minh đã bị đội quân của y chặn lại nên y cũng không lo bọn họ chạy trốn. Đợi sau khi “thu dọn” đám kỵ binh từ trại Kim Minh ra rồi “thu dọn” bọn Thôi Diệt Lang cũng không muộn.
Sau lệnh của y, toàn bộ hai vạn kỵ binh lập tức quay đầu ngựa lại, chúng tạo thành một mũi nhọn nhằm thẳng về phía đội quân của Địch Thanh.
Trong quá trình này, không một tên binh sĩ nào làm xáo trộn đội hình. Đám chiến mã chúng cưỡi chẳng khác gì cánh tay điều khiển ngón tay, như điều khiển thân thể của chính mình vậy. Những động tác chỉnh tề ngay ngắn này khiến Thôi Diệt Lang rùng mình, cậu cảm nhận được một luồng sát khí.
Cậu bắt đầu lo lắng cho Địch Thanh. Hiện giờ phải đối mặt với một số lượng lớn quân địch như thế này, hơn nữa lại là những kẻ địch mạnh như vậy thì Địch Thanh có thể ứng phó nổi không? Nếu hai đội quân của Địch Thanh và mình cùng mất đi ở đây thì chẳng phải cũng đồng nghĩa với việc trại Kim Minh rơi vào tay địch sao?
Lần này vì sự cố chấp và hiếu thắng của mình, không những có thể đánh mất sinh mạng của gần một vạn binh sĩ mà rất có thể còn làm hỏng toàn bộ kế hoạch của Thạch Kiên.
Hai vạn kỵ binh giống như một con thoi đưa nhanh và cũng giống như một tia chớp nhằm thẳng về phía đội quân của Địch Thanh.
Tia chớp này giống như một con Hồng Cổ quái thú tới từ một nơi hoang vu, mang theo mùa đông lạnh giá và cả sự dữ tợn của tử thần. Mấy nghìn binh sĩ Tống triều do Thôi Diệt Lang dẫn đầu đứng nhìn chỉ cảm thấy một trận băng giá, con tim nhỏ bé của họ gần như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực, thậm chí họ phải đối mặt với sự thật: đội quân của Địch Thanh sẽ bị đám thiết binh này xé xác.
Gần rồi.
Chỉ trong nháy mắt, đội thiết kỵ Tây Hạ đã xông vào đội quân của Địch Thanh.
Lúc này, Địch Thanh mang chiếc mặt nạ lạnh như băng hô lên một tiếng:
- Chia.
Bốn ngàn khinh binh Tống triều bỗng chia thành hai, tránh xa mũi nhọn kia.
Địch Thanh lại hô lên một tiếng:
- Bắn!
Khoảng cách lần này chỉ còn lại gần một trăm bước. Bởi vậy nên những mũi tên lần này được bắn ra rốt cục cũng tạo nên thương tổn lớn cho đội thiết kỵ Tây Hạ.
Vô số binh lính Tây Hạ bị nỏ tay bắn trúng và ngã từ trên ngựa xuống. Hoặc những con chiến mã bị bắn trúng ngã xuống đất khiến những tên binh sĩ Tây Hạ từ trên lưng ngựa bị hất văng ra ngoài.
Trong lúc nhất thời, tiếng người hò hét, tiếng rống giận giữ của ngựa tạo thành một dàn âm thanh lớn.
Lần này thì Dã Lợi Vượng Vinh đau lòng thật sự. Lúc này y mới phát hiện không phải mình không quý trọng sinh mệnh của binh sĩ mà là binh sĩ thương vong nhiều hay ít mới khiến y quý trọng.
Y lập tức lệnh cho binh sĩ đem tấm chắn tới chắn phía trước kỵ binh, đồng thời điều động quân đội chia làm hai bộ phận. Dưới sự chỉ huy của y, hai bộ phận này tách ta từ hai bên, rồi lại bắt đầu khép lại. Từ xa nhìn lại, binh lính Tây Hạ trông giống như hai vòng tròn được vẽ trên tuyết.
Mục Tiêu của Dã Lợi Vượng Vinh là bao vây toàn bộ bốn nghìn khinh binh Tống triều, sau đó sẽ dần dần “nuốt” gọn. Lúc này Thôi Diệt Lang đã nhìn ra, đội kỵ binh Tây Hạ trang bị nhẹ nhàng nên chiến mã của chúng mang vác ít, tốc độ nhanh hơn đội quân của cậu. Nhưng có ưu điểm ắt sẽ có nhược điểm. Một khi tới gần thì vận mệnh của bọn chúng sẽ phải để quân Tống định đoạt.
Đội quân Địch Thanh chỉ đạo không hề động đậy. Địch Thanh vẫn đang lệnh cho binh sĩ bắn tên phía quân Tây Hạ. Tuy có tấm chắn che phía trước, nhưng sức mạnh của những chiếc nỏ này rất lớn, nó hoàn toàn có thể xuyên qua những tấm chắn đó. Không ngừng có những âm thanh va đập phát ra, những lần va đập liên tiếp khiến tay của những tên binh sĩ Tây Hạ cầm tấm chắn sớm đã tê liệt. Hơn nữa, cho dù có tấm chắn phía trước thì do chiến mã di động nên vẫn không thể nào chắn được tất cả những khe hở. Thế nên vẫn có rất nhiều binh sĩ bị bắn trúng rồi ngã từ trên lưng chiến mã xuống.
Khiến Dã Lợi Vượng Vinh phải đỏ mắt ở chỗ, y cũng lệnh cho binh sĩ bắn tên về phía quân Tống, nhưng binh sĩ Tống triều cẩn thận duy trì khoảng cách. Cung tiễn trong tay bọn họ không biết được chế tạo từ bao giờ, rõ ràng cự ly bắn của nó xa hơn rất nhiều so với cung tiễn trong tay đội quân của mình. Ngoại trừ những dũng sĩ bắn tên giỏi bắn chết vài binh sĩ Tống triều thì số còn lại tạo ra thương tổn cho quân Tống chẳng đáng là bao. Nói cách khác là hiện giờ đội quân của y ở trong tình huống chiếm ưu thế tuyệt đối nhưng lại phải chịu cảnh bị đánh mà không phản kích được.
Nhưng sắp sửa sẽ không còn phải lo lắng nữa. Hai vòng tròn đã gần vẽ xong, chỉ cần hai vòng tròn này khép lại thì quân Tống sẽ là “cá trong chậu”.
Đúng lúc này, tên người mặt sắt đáng ghét kia lại hô lên một tiếng:
- Đột.
Hai bộ phận quân Tống lúc này lập tức giống như một mũi tên được bắn ra, họ phá vòng vây ra ngoài qua lỗ hổng kia.
Sau đó tên người mặt sắt kia lại dẫn đội quân ghìm chặt cương chiến mã, rồi một lần nữa lại hô lên:
- Hợp.
Quân Tống hội hợp lại bên cạnh chỗ giao tiếp giữa hai vòng tròn, đồng thời không ngừng bắn tên về phía quân Tây Hạ. Vì phải di chuyển xa hơn, những binh sĩ cầm tấm chắn lại bảo vệ bên trong, trong lúc vội vàng còn chưa kịp di chuyển ra bên ngoài nên lần này quân Tây Hạ thương vong càng lớn hơn.
Dã Lợi Vượng Vinh từ nhỏ đã lớn lên trong sự chém giết trên chiến trường. Có lần nào chịu tổn thất lớn như thế này chứ? Y lập tức mệnh lệnh cho binh sĩ phân thành hai mũi nhọn đánh vào hai đội ngũ của quân Tống.
Tuy lần này Dã Lợi chịu tổn thất nhưng cũng không thể phủ nhận bản lĩnh chỉ huy binh sĩ của y. Dưới sự điều động của y, hai vòng tròn lập tức biến thành hai hình nón. Từ xa nhìn lại giống như hai “quả trứng” đang từ từ di động thành chữ “nhân” sau đó lại biến thành hai hình tam giác nhọn vụt ra như những ngôi sao băng.
Địch Thanh lại hô một tiếng.
Hai đội ngũ đột nhiên quay đầu ngựa rồi thành hai đường thẳng tiếp tục bắn vào binh sĩ Tây Hạ ở cánh sườn.
Thế là Dã Lợi Vượng Vinh lại thay đổi trận hình một lần nữa, lại là hai hình nón.
Loại hình nón này của quân Tây Hạ luôn có lợi thế trong mọi trận chiến trước đây, đặc biệt nó đã từng giúp quân Tây Hạ giành được chiến tích huy hoàng trong trận đại phá dân tộc Thổ Phiên.
Nhưng hôm nay lại không đạt được hiệu quả gì. Đây cũng không thể trách Dã Lợi vì thực sự thì tới giờ bọn chúng cũng chưa từng gặp phải đội khinh binh kỳ lạ như thế này. Tuy hiện giờ quân Tống vẫn chưa có được đội khinh binh dũng mãnh như của Thành Cát Tư Hãn, nhưng vì có sự phối hợp của loại nỏ tay này nên đã bù lại phần thiếu sót của bọn họ. Hơn nữa tốc độ lại nhanh gần gấp đôi so với đội trọng binh của Tây Hạ nên tới giờ Dã Lợi vẫn ở trong cục diện chịu đòn.
Địch Thanh lại hô lên một tiếng:
- Hợp.
Dã Lợi muốn ngăn cản sự hội hợp của bọn họ, nhưng vốn không có cách điều động kịp thời nên y lại chỉ có thể giương mắt nhìn quân Tống hội hợp lại một chỗ một lần nữa.
Thôi Diệt Lang đứng nhìn Địch Thanh dẫn dắt đội quân “biểu diễn” từ phía xa mà hoa cả mắt. Hiện giờ cậu đã hoàn toàn khâm phục Địch Thanh, chả trách thiếu gia liên tục khen ngợi Địch Thanh như vậy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...