Khắp Giang Nam đều là khung cảnh vạn vật sống lại, phồn thịnh hân hoan, văn hóa và kinh tế đều tăng trưởng một cách bùng nổ.
Sau khi Thái Tử, Vương Duyệt và sứ đoàn Trung Nguyên đi thuyền tới Giang Bắc, cảm giác ngay nơi này khác với Giang Nam.
Mạn phía bắc Trường Giang là một khu vực khắp nơi đều là dân lưu lạc, không có ai quản lý, dân lưu lạc ở đây khác với dân chúng Trung Nguyên di dân tới Giang Nam chủ yếu tính bằng gia đình, gia tộc.
Dân lưu lạc Giang Bắc đa số là những đàn ông trẻ và trung tuổi không có bất kỳ tài sản nào, lúc chạy nạn, người nhà của bọn họ gồm người già, phụ nữ và trẻ em hoặc là bị thất lạc, hoặc bị bỏ rơi, bị bán, thậm chí bị ăn thịt, cuối cùng những người có thể sống sót đi đến Giang Bắc, cơ bản đều là thanh niên trai tráng.
Mỗi một thời đại, mỗi một tai họa, dù là chiến tranh hay thảm họa tự nhiên thì trên đường chạy nạn luôn là luật rừng tàn khốc, kẻ yếu sẽ bị đào thải, kẻ mạnh sinh tồn.
Con người sa đọa đến mức bị ép buộc thực hiện những quy tắc của súc vật, cuối cùng người sống sót trên cơ bản đều là những nam thanh niên mạnh khỏe cường tráng và tàn nhẫn.
Cho dù là thời đại nào hay khu vực nào cũng không có ngoại lệ.
Ở các thời đại khác nhau, khu vực khác nhau, dưới bối cảnh văn hóa khác nhau thì vẫn diễn ra những bi kịch chiến tranh giống nhau.
Mà những người dân lưu lạc không có tiền, không có đất, không phải chăm sóc gia đình, không có lo lắng cho tương lai, mà chỉ cần một người ăn no, cả nhà không đói và thân thể khỏe mạnh, sẽ bị Đại Tấn ở Giang Nam từ chối tiếp nhận
Bởi vì bọn họ đã trải qua những tháng ngày chạy nạn như địa ngục, bản tính con người trở nên ghê tởm, ẩn núp, khát máu… một khi những dân chạy nạn mang theo sức tàn phá đi vào Giang Nam, lại không có tiền để sinh tồn, bọn họ sẽ đi vào con đường cướp bóc thậm chí là phạm tội giết người.
Những dân chạy nạn này hâm mộ Giang Nam phồn hoa và phụ nữ, không tiếc mạo hiểm bơi qua Trường Giang với đủ loại nguy hiểm để vào Giang Nam, nhưng tất cả đều bị quân đội biên quan Đại Tấn canh phòng nghiêm ngặt bắt giữ rồi đưa từng người một về Giang Bắc, không cho phép những dân lưu lạc vô sản này tiến vào.
Lúc sứ đoàn Trung Nguyên qua sông, có một con thuyền của dân chạy nạn lén vào Giang Nam bị đuổi về Giang Bắc.
Những dân lưu lạc này nhìn thấy sứ đoàn Trung Nguyên mang theo tuấn mã và một hòm lễ vật thì không hề che giấu ánh mắt tham lam thèm muốn, bắt đầu trao đổi với nhau, thì thầm to nhỏ, có ý đồ với sứ đoàn.
Vương Duyệt nghĩ thầm, chẳng trách cha vẫn luôn kiên trì không chịu thả cho dân chạy nạn Giang Bắc tiến vào Giang Nam mà chặn bọn họ ở bên ngoài, đây là một đám dã thú chưa được thuần phục, không có quy tắc, không bị ràng buộc bởi luân thường đạo lý, giống như ôn dịch, một khi thả vào Giang Nam, Giang Nam nhất định sẽ đại loạn.
Sứ đoàn có hai nghìn hộ vệ, thế mà đám dân lưu lạc này còn có lá gan vây xem, ánh mắt không có ý tốt.
Lúc sư đoàn tập kết xong ở bến tàu và xuất phát lên phía bắc, Vương Duyệt cưỡi ngựa, phát hiện phía trước là một mảnh đen nghìn nghịt, ít nhất có mười nghìn dân chạy nạn chặn đường!
Hai nghìn hộ vệ rút đao, bày trận chống đỡ.
Vừa mới ra cửa đã phải đánh một trận với dân lưu lạc rồi.
May mà Vương Duyệt đã sớm chuẩn bị đội chi viện.
Phương xa nổi lên tiếng vó ngựa, rung chuyển đến mức nước sông cũng sóng sánh, chỉ thấy phía chân trời xuất hiện một góc cờ hiệu, cờ hiệu từ từ tới gần, nhóm dân lưu lạc chặn đường rối rít tản đi, giống như một mũi dao được nung nóng cắt lên khối mỡ lợn đã đông cứng, lưỡi dao còn chưa chạm tới mỡ heo, mỡ heo đã tự động tan thành một khe hở.
Cờ hiệu đến gần, bên trên viết một chữ “Si”.
Đúng là Si Giám, Si Giám là thống lĩnh dân lưu lạc nổi tiếng nhất trong số dân lưu lạc Giang Đông.
Cái gọi là thống lũng dân lưu lạc, chính là thủ lĩnh của dân chạy nạn, cùng loại với tổ chức giang hồ, thống lĩnh dân lưu lạc tổ chức những người dân lưu lạc trở thành lính đánh thuê, ai cho nhiều tiền thì bảo vệ và bán mạng vì người đó.
Dù sao Si Giám cũng xuất thân từ sĩ tộc Trung Nguyên nên biết kinh doanh hơn những thủ lĩnh thông thường, hắn lợi dụng ưu thế quân sự để mua bán muối, buôn bán hàng hóa hai miền nam bắc, làm lính đánh thuê cho các thương nhân và cung cấp bảo vệ, hiện giờ dưới trướng Si Giám đã có hơn trăm nghìn dân chạy nạn làm lính đánh thuê, tài chính dư dả để nuôi sống hơn trăm nghìn miệng ăn, đã không còn là một binh lính nhỏ của Trung Lĩnh Quân bảo vệ cung Vị Ương trong hoàng cung Lạc Dương vào năm đó nữa.
Si Giám tới bảo vệ sứ đoàn Đại Tấn, Giang Bắc là nơi Đại Tấn và nhà Hán không quản lý được, những dân chạy nạn này mới không coi sứ đoàn ra gì và thực hiện cướp bóc.
Đương nhiên, Vương Duyệt đã trả tiền.
Vương Duyệt đưa một xe vàng cho Si Giám, coi như phí bảo vệ sứ đoàn.
Si Giám từ chối: “Chúng ta đều là bạn cũ, ta còn xem như trưởng bối nhìn ngươi lớn lên, sao có thể không biết xấu hổ mà nhận tiền của thế tử được.
Thế tử quá khách sáo rồi.”
Vương Duyệt cười nói: “Nếu là mình ta đi qua Giang Bắc thì nhất định sẽ không khách sáo với người.
Nhưng lần này ta đại diện cho sứ đoàn Đại Tấn, số tiền này cũng không phải tài sản riêng của ta mà là vàng phụ thân ta lấy ra từ quốc khố, người nhận lấy, ta mới yên tâm.”
Si Giám cũng cười, hai năm không gặp, thế tử đã thay đổi, không còn là quý công tử cao xa vời vợi như thần tiên, hiện giờ hắn đã thông thạo công việc vặt, hiểu được đạo lý đối nhân xử thế.
Si Giám nhận vàng, nói: “Người ta muốn che chở, cho dù không có lính đánh thuê dưới trướng đi theo hộ tống thì những dân lưu lạc khác cũng không dám chạm vào các ngươi.
Nhưng ngựa và hòm của các ngươi đều quá chói mắt, ta lo lắng dân lưu lạc sẽ cướp bóc của các ngươi bằng bất cứ giá nào, lần này ta sẽ đích thân hộ tống ngươi vượt qua Giang Bắc.”
Có Si Giám, sứ đoàn sẽ không gặp bất trắc gì.
Vương Duyệt giới thiệu Si Giám với Thái Tử Tư Mã Thiệu, nói chuyện cả một chặng đường, Thái Tử cực kỳ khâm phục Si Giám, rõ ràng là xuất thân sĩ tộc, thế mà lại hàng phục được những dân lưu lạc như mãnh thú, thủ lĩnh của dân chạy nạn Giang Bắc hầu hết đều xuất thân bình dân thậm chí là thổ phỉ trong dân gian, chỉ có Si Giám là khác.
Ban đêm dựng trại nghỉ ngơi, Thái Tử không ngủ được, hỏi Vương Duyệt: “Những dân chạy nạn đó cũng là con dân Đại Tấn, những người lén vượt biên vào Giang Nam trong số bọn họ chính là trộm, là cướp, nhưng sau khi bọn họ được Si Giám dạy dỗ thì chính là một đám lính đánh thuê có thể chiến đấu, một khi đã như vậy, vì sao Thừa tướng không phong quan thẳng cho Si Giám, để hắn đưa trăm nghìn lính đánh thuê tới Giang Nam làm binh lính Đại Tấn chứ?”
Vương Duyệt xoay người, nói: “Rất đơn giản, bây giờ Đại Tấn không nuôi nổi một trăm nghìn miệng ăn có sức ăn cực lớn và còn phải trợ cấp tiền quân lương hàng tháng.
Bọn họ đi theo Si Giám ở Giang Bắc cơm ngon rượu say, nếu tới Giang Nam tham gia quân ngũ, thức ăn hơi kém một chút sẽ dám tụ tập một đám kêu gào làm loạn, Thái Tử có tin không?”
Vương Duyệt thở dài: “Xét đến cùng, dân chạy nạn không có vướng bận về người nhà, chỉ quan tâm mình được thoải mái, đầu óc nóng lên là dám giết người, quá không ổn định, phụ thân vẫn luôn muốn ổn thỏa vững chắc cho nên không dám tiếp nhận bọn họ.”
Vương Duyệt có Thanh Hà, Thái Tử muốn cho mẹ Tuân thị một danh phận chính thức, để mẹ được sống dưới ánh mặt trời, bọn họ đều có người vướng bận và điểm yếu khiến cho người kia có thể tín nhiệm.
Lần này đi ra ngoài, Thái Tử mới biết lúc mình ở thành Kiến Khang chỉ là ếch ngồi đáy giếng, giờ mới biết thiên hạ rộng lớn như vậy.
Thái Tử lẩm bẩm nói: “Ta nhất định phải nghĩ cách thu phục dân lưu lạc, thuần phục bọn họ, Si Giám có thể, ta cũng có thể…”
Vương Duyệt nói: “Đầu tiên, Thái Tử phải có tiền.”
Một gáo nước lạnh dội thẳng lên đầu, Thái Tử mất hết ý chí: “Này, ngươi có thể lừa gạt ta một chút không, sao cứ nhất định phải đâm dao vào lòng ta thế?”
Vương Duyệt: “Được thôi, Thái Tử là người có tiền.”
Cứ như vậy, Si Giám mang theo nhóm dân chạy nạn đánh thuê hộ tống cả chặng đường, trên đường gặp phải vài nhóm dân chạy nạn vũ trang đầy đủ đang nóng lòng muốn thử, nhưng sau khi nhìn thấy cờ hiệu của Si Giám thì đều giải tán.
Ba ngày sau, sứ đoàn Đại Tấn cuối cùng cũng vượt qua khu vực Giang Bắc.
Si Giám lệnh cho nhóm lính đánh thuê dựng trại tại chỗ, nói với Vương Duyệt: “Phía trước chính là địa phận nhà Hán, ta chỉ có thể đưa đến đây, trong vòng mười ngày các ngươi phải tụ họp với bọn ta —— bởi vì lương thực của bọn ta có hạn, lại đang là thời kỳ giáp hạt vụ xuân, bọn ta không thể ở yên một chỗ chờ các ngươi mãi được.”
Si Giám tự giễu nói: “Ta sẵn sàng chờ thế tử, nhưng ta hiểu rõ bản tính thuộc hạ của ta là thế nào, một khi đói bụng, chỉ sợ ngay cả ta cũng dám giết.”
Si Giám giành được sự tôn trọng của dân lưu lạc nhờ vào đức tính và dòng dõi gia đình sao? Không, xét đến cùng, vẫn là tiền của và thức ăn.
Luật rừng chính là hiện thực tàn khốc như thế.
Vương Duyệt đồng ý, gấp rút mang theo sứ đoàn tới Bình Dương.
Vừa đến biên giới nhà Hán, Vương Duyệt đã phát hiện ra một hiện tượng rất thần kỳ —— biên giới không có quân đội nhà Hán canh giữ, doanh trại quân đội cũng trống không, không có một bóng người.
Đến khi sứ đoàn tới Bình Dương, phát hiện trên tường thành treo một tấm cờ hiệu mới tinh —— “Triệu”.
Tại sao nhà Hán lại treo cờ nước Triệu? Treo đầu dê bán thịt chó.
Hai nước cắt đứt quan hệ, tin tức đình trệ, Vương Duyệt nhìn thấy cáo thị dán ở cửa thành mới biết Lưu Diệu đã giết Cận Chuẩn - người đang có ý định thiết lập quan hệ ngoại giao với Đại Tấn, ông tự mình xưng đế, đổi quốc hiệu thành Triệu.
Chẳng trách doanh trại quân đội dọc đường đều trống không, thì ra Trung Nguyên lại đổi chủ!
Hoàng Đế Lưu Diệu của nước Triệu rất khách sáo, nói với Vương Duyệt: “Tới cũng tới rồi, quan tài cũng có sẵn, các ngươi cứ mang quan tài Hoài Đế Mẫn Đế về đi, dù sao cũng không thể để các ngươi về tay không được.”
- -----oOo------.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...