Đại Đường Tiểu Lang Trung

Tả Thiếu Dương gật gù, tên Ngũ Thư này ít nhất có một điểm tốt là tự biết mình, mà hắn nói cũng hợp tình hợp lý, song vẫn lắc đầu:

- Ta vẫn không giúp được, nghe nói người đi thi hộ bị phát hiện, sẽ bị phạt tù thậm chí là chặt đầu, ta chẳng muốn mạo hiểm lớn như thế.

Đời sau khi nhắc tới khoa cử thì mọi người đều nghĩ tới thời Minh Thanh, khi đó có hệ thống thi cử khá hoàn thiện, xử phạt gian lận nghiêm khắc, thời Thanh từng có một vụ án chấn động, vì gian lận mà mười sáu chủ khảo bị chém đầu tại chỗ, người thân bị đày đi biên ải, mấy trăm cử nhân phải thi lại dưới sự giám sát của binh sĩ giáp trụ đầy mình, đó là vụ án gian lận trường thi nổi tiếng nhất Trung Quốc.

Còn ở thời Minh, người đi thi phải có người đảm bảo, nếu xảy ra gian lận, ngay cả người đảm bảo cũng bị phạt tù, nổi tiếng nhất chính là tài tử phong lưu Đường Bá Hổ, tới kinh tham dự thi hội, vì người hắn đảm bảo gian lận mà liên lụy ngồi tù.

Tả Thiếu Dương có dốt sử cũng biết những ví dụ này, nên từ chối.

Ngũ Thư thì ngơ ngơ ngác ngác:

- Tả huynh, phạt tù, chặt đầu ư? Huynh nghe kẻ nào nói xằng nói bậy như thế?

- Chả lẽ không phải?

- Đương nhiên là không, theo Đường luật, kẻ gian lận khảo trường, vĩnh viễn không được tham gia khoa cử nữa, không hề có hình phạt khác.

Tả Thiếu Dương ngạc nhiên:

- Không thể nào.

Ngũ Thư mới nhớ trước đó Tả Thiếu Dương thậm chí còn chẳng biết có y khoa, hiển nhiên trước giờ không quan tâm tới khoa cử:

- Chuyện này phàm là người đi thi không ai không rõ, Tả huynh cứ nghe ngóng là biết.


Thật vậy khoa cử triều Đường rất khác với triều đại về sau, đó là thực hiện song song hai chế độ thông bảng và tiến cử. Tức là không chỉ dựa vào khoa cử lấy thành tích, còn phải được tiến cử, khảo sinh không chỉ đi thi, còn phải bôn tẩu làm môn hạ danh sĩ, đưa tác phẩm của mình cho danh sỉ, mong được tiến cử. Cho nên tính chất khoa cử không nặng nề như đời sau, xử phạt cũng nhẹ hơn.

Cuối thời Đường, có người tên Ôn Đình Quân là một trong hai người sáng lập ra Ôn Lý phái, chính là kẻ đi thi hộ nổi danh nhất lịch sử, hắn ta nhiều lần tham gia khảo thí, song vì đủ loại nguyên nhân, chủ yếu là do tướng mạo quá xấu xí, tính tình phóng túng nên không đỗ đạt được, sinh ra căm hận, đổ lỗi cho khoa cử, cho nên đi thi hộ cho rất nhiều người. Thậm chí kỳ thi điện do hoàng đế đích thân làm chủ kháo, hắn cũng làm thơ phú thay người ta, nhiều lần bị quan phủ tra ra, hắn không sợ. Hoàng đế rất tức giận còn hạ chiếu mắng chửi hắn "không giữ đức hạnh", bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, càng thế hắn càng mặt dày đi thi hộ khắp nơi, chả ai làm gì được.

Ngũ Thư thấy Tả Thiếu Dương vẫn đắn đo thì quỳ xuống khóc toáng lên:

- Tả huynh, đệ cũng không phải là kẻ ham hố danh vọng, chỉ vì gia phụ tuổi cao sức yếu, cả đời chỉ có một tâm nguyện như thế, cho nên đệ mới muối mặt dùng tới hạ sách này, huynh đã không hứng thú với sĩ đồ, xin ra tay tương trợ...

Nói rồi còn dập đầu liên hồi.

Tả Thiếu Dương không thoải mái lắm với chuyện thi hộ, muốn từ chối nhưng Ngũ Thư khóc tới thương tâm, nài nỉ mãi, không còn cách nào khác, nói:

- Vậy để ta về xác nhận lại, nếu không có hình phạt nào khác, ta sẽ nghiêm túc cân nhắc chuyện này.

- Đa tạ Tả huynh, đa tạ Tả huynh.

Ngũ Thư mừng rỡ:

- Huynh yên tâm, dù bị bắt tuyệt đối không có xử phạt gì, thành hay không huynh là ân nhân của cả Điền gia ta.

Tả Thiếu Dương trầm ngâm:

- Có điều hai chúng ta tuy vóc dáng tương đương, nhưng tướng mạo khác xa nhau, làm sao thi giúp được? Người ta nhìn cái là nhận ra, lại nói ta viết chữ rất tệ, e không đạt yêu cầu.


Ngũ Thư rối rít nói:

- Vấn đề khác Tả huynh đừng lo, ở Long Châu này Ngũ gia cũng có chút vai vế, không chuyện gì không xử lý được, huynh chỉ cần tới nơi làm bài thi rồi về là được. Còn về bút tích, tới khi đó huynh viết Lệ thư, viết kiểu đó ai cũng tương tự nhau, không nhìn ra được đâu.

Tả Thiếu Dương cười khổ:

- Lệ thư? Cái đó ta viết cũng nát bét.

Ngũ Thư không tin, vì ai đọc sách cũng luyện chữ từ nhỏ, có kém thì cũng kém tới mức nào được. Tả Thiếu Dương không nói nhiều, đứng lên cầm bút viết vài chữ, quả thực nét đậm nét nhạt không ra cái thể thống gì, thản nhiên đặt bút xuống:

- Ta chỉ chuyên tâm học y, không luyện chữ.

Có câu là người trong nghề, chỉ cần đưa tay ra là biết có thật hay không, muốn giả vờ mình viết xấu là rất khó, Ngũ Thư mặt méo xẹo, theo tiêu chuẩn kém cói của hắn, cái thứ Tả Thiếu Dương bôi vẽ ra không thể gọi là chữ được.

Ngũ Thư đi đi lại lại, đây đúng là vấn đề khó khăn, kỳ thi chỉ còn khoảng nửa tháng, Tả Thiếu Dương ung dung tiếp tục uống trà, y chẳng việc gì nhọc lòng, chuyện này thuận lợi thì y giúp, không thì thôi.

Rất lâu sau Ngũ Thư mới nói:

- Không kịp rồi, thế này vậy, Tả huynh thời gian tới mong huynh tập trung luyện Lệ thư, đệ sẽ lấy chữ mình viết ra cho huynh mô phỏng, đệ sẽ luyện cùng huynh, cố gắng cho giống nhất có thể. Ngoài ra đệ tìm cách rút bài thi huyện của mình ra cho huynh chép lại, sau đó cất vào, như thế bút tích giống nhau rồi.

Tả Thiếu Dương nhíu mày:


- Tốn công sức như vậy à, hàng ngày ta còn phải đi khám bệnh, không có nhiều thời gian luyện chữ như thế.

- Đệ sẽ bồi thường tổn thất.

Ngũ Thư nhanh nhảu nói:

- Mỗi ngày Tả huynh không thể đi khám bệnh, đệ sẽ bồi thường hai quan.

Mỗi ngày hai quan, tới lúc đi thi xâp xỉ 30 quan rồi, thằng cha này đúng là dám đổ máu, nhưng Tả Thiếu Dương đưa một ngón tay lên lúc lắc:

- Ta không nói là ta sẽ giúp miễn phí, bởi vì ta bỏ công sức đương nhiên phải có bồi thường tương ứng. Nhưng ta không hoàn toàn làm chuyện này vì tiền, thế nên mỗi ngày ta vẫn đi khám bệnh, lo liệu công việc ở Hằng Xương dược hành, buổi chiều tối ta mới luyện chữ, nếu Ngũ huynh thấy như thế không được thì xin mời tìm người khác.

Ngũ Thư còn biết nói gì nữa đây, tất nhiên chỉ còn mong trong thời gian còn lại Tả Thiếu Dương viết chữ ra hồn một chút:

- Nghe theo Tả huynh an bài.

- Yên tâm, nếu ta nhận lời giúp thì sẽ làm hết sức, tuyệt đối không có chuyện đối phó cho qua.

Rời Điền gia, Tả Thiếu Dương dẫn Bạch Chỉ Hàn tới nhà Đồng lão khám bệnh, đồng thời hỏi chuyện mấy học sinh ở đó, xác nhận nhiều lần đúng là thi hộ người khác chỉ cấm cả đời không được thi lấy công danh thì yên tâm. Hình phạt này với người đọc sách mà nói cực kỳ đáng sợ, nhưng với Tả Thiếu Dương mà nói chẳng có chút ảnh hưởng nào, vì y hoàn toàn không hứng thú làm quan, liền bảo hỏa kế Hoằng Xương dược hành giúp mình truyền tin, chính thức nhận lời Ngũ Thư.

Bạch Chỉ Hàn bấy giờ mới biết Tả Thiếu Dương nhận lời thi hộ người ta, vẻ mặt phức tạp.

Tối ngày hôm đó phụ mẫu thê tử Ngũ gia đều tới khách sạn bọn họ ở trọ bày tiệc tạ ơn.

Ngũ chưởng quầy vô cùng nhiệt tình, trong bữa cơm kể lại chuyển tủi hờn năm xưa mà rơi nước mắt, luôn mồm cám ơn Tả Thiếu Dương, mời rượu y mà chính bản thân lại uống tới say mềm, làm Tả Thiếu Dương không khỏi thở dài, chẳng trách Ngũ Thu bất chấp mọi cách có được quan chức, dù y quan không thể so với quan viên đích thực, dù sao quan gì cũng là quan.

Trong bữa tiệc Ngũ Thư còn làm như vô tình nói ra, đường tỷ của hắn là phu nhân của huyện lệnh huyện An Lạc Phổ, tầng quan hệ này hiện là tự hào lớn nhất Điền gia rồi, tương lai hắn mã có công danh, đủ biết vinh diệu thế nào.


Cả nhà Ngũ Thư đi rồi, Tả Thiếu Dương thấy Bạch Chỉ Hàn có vẻ mất tập trung, hỏi:

- Nghĩ gì thế?

Bạch Chỉ Hàn cười gượng:

- Không có gì!

Tả Thiếu Dương ôm lấy eo nàng kéo vào lòng, đưa tay lau đi tro than trên mặt, lộ ra làn da mịn màng trắng như tuyết:

- Đừng nói dối, lòng cô có chuyện đều viết lên mặt kìa.

- Không có gì thật mà, chỉ là vừa rồi nhắc tới Phổ Châu, nhà Chỉ Nhi từng ở Phổ Châu.

Bạch Chỉ Hàn không thích nói chuyện cũ, cho nên Tả Thiếu Dương không hỏi:

- Ra vậy, bây giờ trong nhà còn có ai?

- Gia gia, nãi nãi, mấy vị thúc bá, có điều từ khi ngoại công đưa Chỉ Nhi đi, hai bên đã đoạn tuyệt.

- Chuyện cũ qua rồi, đừng nghĩ nhiều, ngủ đi.

Bạch Chỉ Hàn gật đầu, mắc màn trải đệm cho Tả Thiếu Dương sau đó ra gian ngoài, vừa rồi nàng nói dối, từ lâu lắm rồi nàng không coi mình là người Bạch gia, nói thế là đối phó với Tả Thiếu Dương thôi, còn tâm sự trong lòng nàng là chuyện khác, có điều tạm thời phải xem tình hình tiến triển ra sao mới nói được.

***

Lệ thư hay chữ lệ, là một kiểu chữ gần với chữ viết Trung Quốc hiện đại. Lệ thư là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển chữ Hán, đánh dấu giai đoạn chữ viết dần thoát khỏi tính tượng hình ban đầu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui