Dạ Khúc: Năm Câu Chuyện Về Âm Nhạc Và Đêm Buông

Suốt hai ngày sau cậu thấy mình nghĩ đi nghĩ lại về cuộc gặp này. Cậu nhớ lại nụ cười khinh khỉnh trên môi bà khi cậu rất đỗi tự hào xướng tên Petrovic và lại thấy cơn giận trào lên. Nhưng sau khi ngẫm nghĩ, cậu hiểu không hẳn mình tức giận cho người thầy cũ. Đúng hơn là cậu đã quen với ý nghĩa cái tên Petrovic sẽ luôn luôn gây hiệu ứng, rằng có thể nhờ nó mà lôi kéo sự chú ý và kính nể: nói cách khác, cậu đã nhiễm thói quen dựa vào nó như một thứ chứng chỉ mà cậu có thể cầm phẩy vào mặt cả thế giới. Cậu hoang mang là bởi cái khả năng tờ chứng chỉ này không hề có cái quyền lực như cậu nghĩ.

Cậu cũng nhớ cả lời mời của bà lúc chia tay, và trong những giờ ngồi trên quảng trường, cậu thấy mình liên tục đưa mắt nhìn về đầu bên kia, về cánh cổng lộng lẫy của khách sạn Excelsior, nơi một hàng tắc xi và limousine nối nhau không ngớt trước người gác cửa.

Cuối cùng, tới ngày thứ ba sau cuộc nói chuyện với Eloise McCormack, cậu băng qua quảng trường, vào sảnh lát hoa cương và nhờ lễ tân gọi lên phòng bà. Người lễ tân nói vào điện thoại, hỏi tên cậu, rồi sau vài câu trao đổi, đưa cậu ống nghe.

“Tôi xin lỗi,” cậu nghe giọng bà nói. “Hôm trước tôi quên hỏi tên anh nên một lúc mới đoán ra anh là ai. Nhưng tất nhiên tôi không quên anh đâu. Thực tế là tôi đã nghĩ về anh nhiều lắm. Có rất nhiều điều tôi muốn bàn kỹ với anh. Nhưng anh biết đấy, chúng ta phải làm cho đàng hoàng. Anh có mang đàn theo không? Không, tất nhiên là không. Có lẽ một tiếng nữa anh quay lại nhé, đúng một tiếng, mang cả đàn theo. Tôi sẽ chờ anh ở đây.”

Khi cậu trở lại Excelsior với cây đàn, người lễ tân lập tức chỉ thang máy cho cậu và nói Miss McCormack đang chờ.

Ý nghĩ sẽ vào phòng bà, dù đang giữa buổi chiều, khiến cậu thấy mình như đang xâm phạm chỗ riêng tư, và cậu nhẹ người khi thấy đấy là một phòng suite lớn, buồng ngủ đóng cửa khuất tầm mắt. Cửa sổ cao kiểu Pháp có cửa chớp dài, lúc này đang mở, nên hai rèm đăng ten bay phất phơ trong gió, và cậu thấy nếu bước qua đó ra ban công, cậu sẽ nhìn thẳng xuống quảng trường. Căn phòng thì, với những bức tường đá thô và sàn gỗ màu tối, có cái vẻ gần như tu viện, chỉ phần nào dịu lại nhờ hoa, gối ngồi và đồ gỗ kiểu cổ. Bà thì ngược lại, đang mặc áo phông, quần nỉ và đi giày thể thao, như vừa chạy bộ về. Bà chào cậu không kiểu cách - không mời trà cũng như cà phê - và nói ngay:

“Chơi cho tôi nghe. Hãy chơi bài gì anh đã chơi hôm độc diễn ấy.”

Bà đã đưa tay chỉ một chiếc ghế tựa đánh bóng cẩn thận đặt giữa phòng, nên cậu ngồi xuống đó và bỏ đàn ra khỏi bao. Với vẻ đủ khiến người ta lúng túng, bà tự mình ngồi xuống cạnh một khung cửa sổ để cậu gần như chỉ thấy khuôn mặt trông nghiêng, và bà cứ thế nhìn vào khoảng không trước mặt suốt trong lúc cậu lên dây đàn. Bà không đổi tư thế khi cậu bắt đầu chơi, và khi cậu kết thúc bài thứ nhất, bà không nói một tiếng. Thế nên cậu chuyển nhanh sang bài tiếp, rồi bài nữa. Đã nửa giờ trôi qua, rồi một giờ. Và có gì đó từ căn phòng tối mờ và thứ âm hưởng nhà tu của nó, từ ánh sáng chiều tán xạ qua đôi rèm phất phơ, từ tiếng xôn xao làm nền vẳng lên từ dưới quảng trường, và trên hết, từ sự có mặt của bà, đánh thức trong cậu những nốt nhạc từ những tầng sâu mới, những sắc thái mới. Khi gần hết một giờ, cậu tin chắc mình đã vượt lên trên mong đợi của bà, nhưng khi cậu kết thúc bài cuối, và cả hai đã ngồi lặng yên vài phút, cuối cùng bà cũng quay lại phía cậu trên ghế mà bảo:

“Được rồi, tôi đã hiểu đích xác anh đang ở đâu. Sẽ không dễ đâu, nhưng anh sẽ làm được. Chắc chắn là anh sẽ làm được. Hãy bắt đầu với bản của Britten. Chơi lại đi, chương đầu thôi, rồi chúng ta nói chuyện. Chúng ta có thể cùng làm việc với nhau, từng chút một.”

Khi nghe đến đây, cậu chỉ muốn dọn đàn bỏ đi tức khắc. Nhưng rồi một động cơ khác - có thể chỉ là tò mò, có thể một điều khác sâu kín hơn - đã thắng nỗi kiêu hãnh và bắt cậu chơi lại phần bà yêu cầu. Khi bà dừng cậu lại sau vài nhịp và bắt đầu nói, cậu lại thấy sốt ruột muốn bỏ về. Cậu quyết định, chỉ do lịch sự, sẽ chịu đựng bài giảng không mời này thêm năm phút nữa là nhiều nhất. Nhưng rồi cậu thấy mình ở lại thêm một chút, rồi thêm nhiều. Cậu chơi thêm nữa, bà lại nói tiếp. Lời lẽ của bà lúc đầu luôn khiến cậu thấy là tự phụ và quá trừu tượng, nhưng khi thử nhập hồn vía của nó vào cách chơi, cậu kinh ngạc trước hiệu quả đạt được. Cậu chưa kịp để ý thì một giờ nữa đã trôi qua.


“Tôi chợt nhìn ra một thứ,” cậu giải thích cho chúng tôi. “Một ngôi vườn tôi còn chưa bước vào. Tôi thấy nó, ở đằng xa kia. Có nhiều thứ cản đường. Nhưng lần đầu tiên, tôi thấy nó. Một ngôi vườn tôi chưa từng biết trước kia.”

Mặt trời đã gần lặn khi cậu rời khách sạn, vượt qua quảng trường tới khu bàn của quán, và tự thưởng cho mình một miếng bánh quả hạnh có kem, với nỗi phấn khích khó mà kìm nổi.

Trong suốt vài ngày tiếp, cậu trở lại khách sạn của bà mỗi chiều và khi trở về, nếu không phải trong cảm giác được khai sáng như lần đầu tiên, thì cũng tràn đầy sinh khí và hy vọng mới mẻ. Những nhận xét của bà càng lúc càng thẳng thắn, và, với một người ngoài cuộc, nếu có ai chứng kiến, có lẽ còn mang vẻ kiêu căng, nhưng Tibor lúc này không còn nhìn nhận sự can thiệp của bà theo cách đó được nữa. Bây giờ cái cậu sợ là thời gian ở thành phố của bà rồi sẽ hết, và ý nghĩ này bắt đầu ám ảnh cậu, khiến cậu không ngủ được, và phủ bóng lên bước chân cậu đi vào quảng trường sau mỗi buổi tập đầy phấn chấn. Nhưng mỗi lần cậu lưỡng lự nêu câu hỏi đó, bà luôn trả lời mập mờ và chẳng hề khiến cậu yên tâm. “Ồi, đến khi nào lạnh quá tôi không chịu được nữa,” có lần bà nói. Hoặc lần khác: “Tôi nghĩ tôi sẽ ở lại chừng nào tôi còn chưa chán.”

“Nhưng bà ấy thì thế nào?” chúng tôi cứ hỏi đi hỏi lại. “Khi chơi cello ấy. Bà ấy chơi thế nào?”

Lần đầu chúng tôi nêu câu này, Tibor không trả lời vào đề, chỉ nói đại loại như: “Bà ấy đã bảo tôi bà ấy là một bậc thầy, từ hôm đầu tiên,” rồi nói sang chuyện khác. Nhưng đến lúc nhận ra chúng tôi không chịu buông tha, cậu thở dài và giải thích cho chúng tôi.

Thực tế là, ngay từ buổi đầu đó, Tibor đã tò mò muốn nghe bà chơi, nhưng quá nhát không dám hỏi. Cậu đã cảm thấy chỉ một chút nghi ngờ rất nhẹ khi nhìn quanh phòng, không thấy bóng dáng cây đàn của bà đâu. Suy cho cùng bà không đem đàn theo khi đi nghỉ thì cũng tự nhiên thôi. Và lại nữa, vẫn còn khả năng có một cây đàn - có thể đàn thuê - trong buồng ngủ sau cửa đóng kín.

Nhưng càng nhiều lần trở lại căn phòng suite trong những buổi sau, nỗi nghi ngờ của cậu càng tăng. Cậu đã cố hết sức dẹp nó khỏi trí mình, bởi đến lúc này, cậu không còn thắc mắc dè dặt gì về những buổi gặp nữa. Nội việc bà lắng nghe đã đủ gợi lên những tầng lớp mới trong trí tưởng tượng của cậu, và những giờ ngoài các buổi tập, cậu thấy mình đang dạo một bài mới trong trí, đoán trước nhận xét của bà, cách bà lắc đầu, nhíu mày, gật đầu khuyến khích, và trên hết, những phút bà đắm mình vào một đoạn cậu chơi, mắt nhắm lại và đôi tay, gần như trái ý bà, bắt đầu đưa theo những động tác của cậu. Dù thế, nỗi nghi ngờ không chịu đi, và rồi một hôm cậu vào phòng mà cửa buồng ngủ vẫn còn mở hé. Cậu nhìn thấy lại tường đá nữa, và một thứ trông như giường bốn cọc màn kiểu Trung cổ, nhưng không hề có mặt cây đàn. Có bậc thầy nào, dù đang kỳ nghỉ, lại đi lâu đến thế mà không chạm vào đàn? Nhưng cả câu hỏi này nữa, cậu cũng dẹp khỏi tâm trí.

Mùa hè cứ thế trôi, họ bắt đầu kéo dài cuộc trò chuyện bằng cách cùng ghé vào quán sau buổi tập, và bà sẽ mua cho cậu cà phê, bánh ngọt, có lúc cả xăng uých. Lúc này họ nói chuyện không còn chỉ về âm nhạc - dù đề tài nào có vẻ cũng quay về đó. Ví dụ, có lần bà hỏi cậu về cô bé người Đức cậu đã thân hồi ở Viên.

“Nhưng bà phải hiểu, cô ấy chưa bao giờ là bạn gái tôi,” cậu bảo bà. “Chúng tôi không phải thế.”

“Ý anh là hai người không gần gũi về thân thể? Điều đó không chứng tỏ anh không yêu cô ấy.”


“Không, Miss Eloise, cái đó không đúng. Tôi rất thích cô ấy, hẳn rồi. Nhưng chúng tôi không phải người yêu.”

“Nhưng khi anh chơi bản Rachmaninov ngày hôm qua, anh đang nhớ lại một cảm xúc. Đấy là tình yêu, tình yêu đôi lứa.”

“Không phải, thật ngớ ngẩn. Cô ấy là bạn tốt, nhưng chúng tôi không phải người yêu.”

“Nhưng anh chơi đoạn ấy cứ như là ký ức về tình yêu. Anh còn trẻ vậy, mà anh đã biết thế nào là bỏ rơi, là phụ bạc. Đấy là vì sao anh chơi chương ba đó như thế. Phần lớn nhạc công cello khác, họ chơi về niềm vui. Nhưng với anh, đấy không phải niềm vui, đấy là ký ức về một thời có niềm vui đã qua mãi mãi.”

Họ nói chuyện theo kiểu ấy, và thường cậu chỉ chực đặt câu hỏi ngược lại cho bà. Nhưng cũng như chưa bao giờ dám hỏi Petrovic một câu về đời tư suốt trong thời kỳ học với ông, lúc này cậu thấy mình không thể hỏi một câu gì hẳn hoi về bà. Thay vào đó, cậu nghiền ngẫm những chi tiết nhỏ bà để lộ - rằng bà sống ở Portland bang Oregon, rằng bà đã chuyển đến đó từ Boston ba năm trước, rằng bà ghét Paris “vì ở đó chỉ toàn những liên tưởng đáng buồn” - nhưng chùn lại không dám hỏi sâu hơn.

Bây giờ bà đã bật cười dễ hơn nhiều so với những ngày đầu họ làm bạn với nhau, và bắt đầu có thói quen, khi hai người bước ra khỏi khách sạn mà băng qua quảng trường, đưa tay khoác lấy tay cậu. Đấy là lúc chúng tôi lần đầu phát hiện thấy cặp đôi lạ lùng này, cậu thì trông trẻ hơn nhiều tuổi thực, bà trông có lúc như bà mẹ, lúc khác “như một cô đào lẳng lơ”, như Ernesto diễn tả. Trong những ngày trước khi bắt đầu nói chuyện với Tibor, chúng tôi mất khá nhiều thời gian tán gẫu về họ, như người trong một ban nhạc thường làm. Khi họ đi qua tay trong tay, chúng tôi sẽ nhìn nhau mà bảo: “Bồ nghĩ thế nào? Họ đã có chuyện ấy rồi, hử?” Nhưng sau khi nhấm nháp cái phỏng đoán này, chúng tôi sẽ nhún vai thừa nhận rằng không có lý: đơn giản là họ không có phong thái của tình nhân. Và đến khi chúng tôi quen Tibor, và cậu kể với chúng tôi về những buổi chiều trong phòng suite của bà, không người nào còn nghĩ đến chuyện chọc ghẹo cậu hay đưa ra những ám chỉ nhảm nhí nữa.

Rồi một buổi chiều khi họ đang ngồi trên quảng trường với cà phê bánh ngọt, bà bắt đầu nói về một người muốn lấy bà. Tên ông ta là Peter Henderson, ông ta là chủ một doanh nghiệp phát đạt ở Oregon bán đồ nghề chơi gôn. Ông ta thông minh, tốt bụng, được mọi người quen biết nể trọng. Ông ta hơn Eloise sáu tuổi, nhưng như thế chưa phải là già. Có hai đứa con nhỏ với người vợ trước, nhưng mọi thứ đã được thu xếp êm thấm.

“Thế nên giờ anh hiểu tôi đang làm gì ở đây,” bà nói với tiếng cười căng thẳng cậu chưa từng nghe trước đó. “Tôi đang trốn. Peter không biết tôi ở đâu. Tôi nghĩ là tôi khá ác. Thứ Ba vừa rồi tôi gọi cho ông ấy, bảo mình đang ở Ý, nhưng không nói là thành phố nào. Ông ấy giận điên lên và tôi nghĩ ông ấy hoàn toàn có quyền đó.”

“Nghĩa là,” Tibor nói. “Bà đang dành cả mùa hè suy tính tương lai.”

“Không hẳn. Tôi chỉ đang trốn.”


“Bà không yêu cái ông Peter này?”

Bà nhún vai. “Anh ấy là người tốt. Và tôi cũng không có nhiều đề nghị trước mắt.”

“Ông Peter này. Ông ấy có yêu âm nhạc không?”

“Ồi… Nơi tôi sống bây giờ, anh ấy chắc chắn được tính là có. Nói cho cùng thì, anh ấy cũng đi nghe hòa nhạc. Và sau đó, ở nhà hàng, anh ấy nói những điều tốt đẹp về chương trình chúng tôi vừa nghe. Thế nên tôi nghĩ có thể nói là anh ấy yêu âm nhạc.”

“Nhưng ông ấy… có hiểu được bà không?”

“Anh ấy biết không phải lúc nào cũng dễ dàng khi sống với một nghệ sĩ bậc thầy.” Bà thở dài một tiếng. “Đấy là vấn đề của cả đời tôi. Với anh cũng sẽ không dễ dàng. Nhưng anh và tôi, chúng ta không hẳn có lựa chọn. Chúng ta có con đường riêng phải đi.”

Bà không nhắc đến Peter lần nào nữa, nhưng bây giờ, sau cuộc đối đáp đó, một khía cạnh mới đã mở ra trong quan hệ giữa họ. Những khi bà im lặng nghĩ ngợi sau khi cậu chơi, hoặc những khi, dù đang cùng ngồi trong quảng trường, bà trở nên xa vắng, nhìn ra đằng sau những cây dù gần đó, cậu không thấy có gì khó xử, và hoàn toàn không thấy bị bỏ rơi mà hiểu rằng bà thấy sự có mặt của cậu bên bà là đáng quý.

Một buổi chiều, sau khi cậu vừa chơi xong một bài, bà bảo cậu chơi lại một đoạn ngắn - chỉ tám nhịp - ở gần đoạn cuối. Cậu làm theo và thấy vạch nhăn vẫn còn trên trán bà.

“Nghe không giống như chúng ta,” bà nói và lắc đầu. Cũng như mọi lần, chỉ thấy dáng ngồi nhìn nghiêng của bà trước cửa sổ lớn. “Phần còn lại anh chơi rất tốt. Tất cả phần còn lại, đấy đúng là chúng ta. Nhưng cái đoạn này…” Bà khẽ nhún vai.

Cậu chơi lại theo một cách khác, dù không hẳn hiểu mình cần cái gì, và không ngạc nhiên khi thấy bà lại lắc đầu.

“Tôi xin lỗi,”cậu nói. “Bà có thể thể hiện ý mình rõ hơn. Tôi không hiểu cái ‘không phải chúng ta’ này.”


“Ý anh là muốn tôi tự chơi đoạn đó? Anh muốn nói thế phải không?”

Bà nói bình tĩnh, nhưng khi bà quay lại nhìn cậu lúc này, cậu ý thức được sự căng thẳng đang hiện hình giữa họ. Bà đang nhìn cậu chăm chăm, gần như thách thức, chờ câu trả lời.

Cuối cùng cậu nói: “Không, tôi sẽ thử lại.”

“Nhưng anh đang nghĩ tại sao tôi không tự đi mà chơi lấy, phải không? Mượn đàn của anh và trình bày xem ý tôi là gì.”

“Không…” Cậu lắc đầu với vẻ cố làm ra thản nhiên. “Không. Tôi nghĩ là tốt, phương pháp chúng ta vẫn làm rất tốt. Bà gợi ý bằng lời, rồi tôi chơi. Như thế sẽ không phải là tôi chỉ bắt chước rồi bắt chước. Lời của bà mở những cửa sổ trước mắt tôi. Nếu bà tự chơi, sẽ không có cửa sổ nào mở. Tôi sẽ chỉ bắt chước.”

Bà ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói: “Chắc là anh đúng. Được rồi, tôi sẽ thử thể hiện ý mình rõ hơn.”

Và một vài phút tiếp đó bà nói - về sự khác nhau giữa vĩ thanh và phần nối. Rồi khi cậu chơi lại mấy nhịp đó lần nữa, bà mỉm cười và gật đầu tán thành.

Nhưng từ sau cuộc đối đáp nhỏ ấy, có một bóng đen đã phủ xuống các buổi chiều. Có lẽ nó đã ở đó từ đầu, nhưng giờ đã ra khỏi vỏ và lửng lơ giữa họ. Một lần khác, khi đang ngồi trên quảng trường, cậu vừa kể cho bà nghe chuyện làm sao người chủ trước của cây đàn đã túm được nó từ hồi còn Liên bang Xô viết bằng cách đổi vài chiếc quần bò Mỹ. Khi cậu kể xong, bà nhìn sang cậu với nụ cười nửa miệng lạ lùng và nói:

“Đấy là một cây đàn tốt. Tiếng của nó rất hay. Nhưng vì tôi chưa từng chạm vào nó, tôi không hẳn phán xét về nó được.”

Cậu biết bà lại đang tiến đến địa hạt nguy hiểm kia, cho nên, nhanh chóng đánh mắt đi chỗ khác, cậu nói:

“Với một người ở tầm vóc bà, nó không phải là một nhạc cụ tương xứng. Ngay cả với tôi hiện giờ, nó cũng không hẳn còn tương xứng.”

Cậu thấy mình không còn có thể trò chuyện thoải mái được nữa vì sợ bà lại sẽ phục kích và lái câu chuyện trở lại địa hạt này. Ngay cả trong những cuộc trao đổi vui vẻ nhất, một phần trong đầu cậu vẫn phải liên tục đề phòng, sẵn sàng cản lại nếu bà lại vừa tìm ra một hướng tấn công mới. Kể cả thế, cậu cũng không thể đánh lạc hướng bà luôn luôn được, và cậu quyết định giả vờ không nghe thấy khi bà nói những câu như: “Ồi, sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu tôi chỉ việc chơi cho anh nghe!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui