Buổi tối, Bảo Bảo và Băng Ngưng muội muội lại đến nữa. Hôm nay hai cô bé tràn đầy niềm vui, rất là hỷ hả. Tôi nhìn ra dáng vẻ của mấy đứa, đã hiểu ra rằng chủ ý của mình có hiệu quả. Quả nhiên, Bảo Bảo nói với tôi: “Thiếu phu nhân, hôm qua cô bày cách, chúng em trở về nói với Tiêu Tiếu liền. Tiêu Tiếu ngay lập tức đến tìm Lão phu nhân làm đúng như vậy. Tuy rằng huynh ấy chẳng là ai, nhưng Lão phu nhân từ trước đã bị Tiết vương gia kia dọa sợ vỡ mật. Tiêu Tiếu vừa làm ầm lên, Lão phu nhân ngay tức khắc ỉu xìu, sai người săn sóc tử tế cho Minh Nguyệt Hân Nhi thì không nói làm gì, lại còn hạ lệnh trả tự do cho Minh Nguyệt Hân Nhi trước mặt mọi người Thẩm gia”. Bảo Bảo vừa nói vừa trả lại một trăm lượng bạc cho tôi, nói: “Bất cứ lúc nào Minh Nguyệt Hân Nhi cũng có thể rời khỏi Thẩm gia, chỗ bạc này cũng không cần dùng đến nữa rồi”.
Tôi khẽ mỉm cười, không nói một lời, tất cả những chuyện này sớm đã nằm trong dự tính của tôi.
Băng Ngưng và Bảo Bảo còn ngồi nói chuyện phiếm một lúc rồi mới từ biệt rời đi. Từ đó về sau, mỗi buổi tối, mấy đứa lúc nào cũng chạy đến nhà tôi cùng tôi tán gẫu việc nhà. Tấm lòng tôi, dần dà hờ hững như nước, chuyện Thẩm gia cũng không để tâm nữa, chỉ nghe câu được câu chăng.
Cư như vậy một thời gian trôi qua, lúc thỏ con của tôi lớn lên thành thỏ to, mùa thu đã đến. “Trên trời may trăng bay ngang, dưới đất bao đóa cúc vàng diễm hương, gió Tây gấp gáp qua đường, ấy cánh nhạn Bắc mấy phường về Nam. Rừng sáng ai nhuộm quan san, hỡi người cách biệt bao hàng lệ rơi [1].” Từ nhà tôi đến sườn núi không xa lắm, không biết là ai an nhàn thoải mái trồng một cánh rừng phong lớn, tiết Sương giáng [2] vừa qua, “Sương đầm lá thắm như hồng tháng hai [3]” xinh đẹp mướt mát, tựa như lệ đỏ của người tình.
Mấy ngày gần đây, vết thương của Minh Nguyệt Hân Nhi cũng đã lành, nhưng vẫn chưa thể đi đường quá dài, con bé liền phó thác Bảo Bảo và Băng Ngưng mang đồ này nọ đến cho tôi. Chỉ không hiểu vì sao, Bảo Bảo và Băng Ngưng tới thưa hẳn đi. Thời gian lâu rồi, tôi cũng coi mấy đứa như một phần không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của mình, mấy đứa không đến, tâm tưởng tôi ngược lại thấy trống trải, không còn hứng thú gì.
Tối hôm đó, tôi đang ngồi ở đầu giường may cho cha chiếc áo bông mặc đầu đông thì chợt nghe có tiếng gõ cửa. Cha tôi đi mở cửa, tôi cũng ra theo, đứng bên ngoài rõ ràng là Băng Ngưng và Bảo Bảo, đi cùng với hai cô bé còn có cả Minh Nguyệt Hân Nhi. Tôi nhất thời có phần cầm lòng không đặng, mừng rỡ phát cuồng, vội để cho ba cô bé bước vào, đi nấu chè gừng nóng hối cho ba đứa.
Minh Nguyệt Hân Nhi thấy tôi, thì thà thì thào, nói không ngơi miệng. Chẳng qua chỉ là nhớ tôi thế nào, con bé ở Thẩm gia trừng trị Cúc ma ma ra sao, vân vân và vân vân. Tôi im lặng nghe, cũng không ngắt lời con bé. Trong lòng bỗng nhiên cảm thấy, Tiêu Tiếu thật có phúc, có thể ngày ngày nghe Minh Nguyệt Hân Nhi ríu ra ríu rít, thì ra là một chuyện hạnh phúc nhường ấy.
Minh Nguyệt Hân Nhi nói cả nửa buổi, mới phát hiện chỉ có mình mình đang nói. Nhất thời con bé thấy ngượng ngùng đôi chút. “Nhìn em xem, gặp Thiếu phu nhân, trong lòng vui quá lại quên hết cả chính sự”.
Tôi cười hỏi: “Các em còn chuyện gì khác à?”.
Cả ba đứa cùng nhau gật gật đầu. Bảo Bảo nói: “Thiếu phu nhân, Đại công tử sắp cử hành đại hôn rồi.” Lòng tôi khẽ run lên, nhưng trong nháy mắt lại trở lại yên tĩnh như trước. Tôi nói: “Vậy à? Quả thật vẫn nghênh thú Đỗ Linh Nhược à?”. Cả ba đứa lại cùng nhau gật gật đầu. Tôi cười bảo: “Chuyện này đâu có gì không tốt, Lão phu nhân cùng chỉ vì muốn tìm cho Thẩm gia một chỗ dựa tốt mà thôi. Sau này tân phu nhân đến, các em phải toàn tâm toàn ý đối xử với cô ấy, nếu cô ấy thật sự là người không dễ chung sống, các em liền đến đây nói cho ta biết, nghĩ cách rời khỏi Thẩm gia là được”. Ba cô bé gật đầu, còn nói thêm hồi lâu nữa mới cùng nhau trở về.
Ngày Thẩm Hồng cử hành đại hôn là mùng bảy tháng Chín Âm Lịch. Tôi đặc biệt giở cuốn hoàng lịch về ngày hôm đó, trên đó viết “Hợp gả cưới”.
Đấu tranh tư tưởng rất lâu, cuối cùng tôi vẫn quyết định đi xem, thế là sáng sớm tôi đến đường Văn Hoa, hòa vào trong dòng người chờ đợi đội ngũ đón dâu đi qua.
Từ tỉnh thành đến Duy huyện, xe ngựa hẳn phải đi rất lâu. Gần đến trưa, tôi mới nghe thấy tiếng chiêng trống vang trời, ngay sau đó, một đại đội mặc lễ phục màu đỏ đi qua. Dẫn đầu đội đón dâu là Thẩm Hồng vận hỷ phục đỏ tươi. TRước ngực chàng đeo bông tú cầu lớn, đẹp đẽ tựa như một ngọn lửa rừng rực, làm tổn thương đôi mắt của tôi. Trên mặt Thẩm Hồng không có biểu cảm gì, ánh mắt có phần mờ mịt nhìn về phía trước. Không ai biết trong lòng chàng đang suy nghĩ điều gì. Thẩm Hồng cưỡi trên một con ngựa cao to, đi theo sau là kiệu hoa của tân nương. Đó là kiệu lớn tám người khiêng, chạm rồng thêu phượng, bốn góc kiệu hoa rũ xuống những chuỗi ngọc trảm tơ vàng. Phía sau là những người thổi sáo đánh kèn, chẳng biết là có đến mấy trăm người. Hình thức thế này, quả thật lúc tôi gả vào Thẩm gia khi xưa không thể nào sánh được.
Tôi khẽ mỉm cười, lặng lẽ rời khỏi đám đông, chậm rãi bước trên con đường mòn trở về nhà. Lúc này, trên đường mòn im vắng, không có một bóng người, cái bóng của tôi đổ dài trên mặt đất, tịch liêu và dài dặc, tựa như cái đêm tôi bị đuổi khỏi Thẩm gia.
Còn chưa đến cửa nhà, từ xa xôi tôi đã thấy nhà mình mở cửa, trên mặt đất có xếp những đồ vật mềm mượt như nhung, không thấy rõ ràng.
Trong lòng tôi sợ hãi, dấy lên cảm giác khó tả. Bước tới nhìn xem, quả nhiên thấy thứ mềm mượt như nhung xếp trên mặt đất đó là sáu con thỏ nhỏ tôi vất vả khổ sở nuôi lớn. Chúng đều bị người ta đạp chết tươi, máu chảy đầy đất, đã hơi biến sắc, trước cửa nhà tràn đầy mùi máu tanh.
Cha! Trong bụng tôi thất kinh, vội chạy đến trước cửa, đẩy cửa ra. Cha không có nhà. Trong nhà bừa bộn vô cùng, giống như từng bị cường đạo đánh cướp. Tôi cần thận tìm kỹ xem, mới phát hiện đồ trang sức và toàn bộ số bạc ban đầu tôi mang về từ Thẩm gia đều đã không cánh mà bay.
Chẳng lẽ nhà tôi trêu trọc cường đạo ư? Tôi nghĩ trong đầu liền nhìn quanh quất bốn phía, các nhà hàng xóm láng giềng đều im ắng, xem chừng tất cả đều đi làm rồi. Nhưng khóa cửa nhà bọn họ vẫn yên lành. Nếu cường đạo đến cướp bóc, cũng không đơn giản chỉ cướp giật độc có nhà tôi.
Tôi tỉnh táo lại, nghĩ một chút, rốt cục trong lòng cũng hiểu ra, chắc là cha tôi lại thua bạc, bị người ta bắt đi rồi. Tôi không khỏi có phần bối rối. Nếu quả là như thế, cha tôi có lẽ lành ít dữ nhiều. Hiện giờ tôi đã bị đuổi ra khỏi Thẩm gia, người bên ngoài hiển nhiên cũng không cần e ngại cha tôi điều gì nữa. Nếu cha tôi không trả được bạc, những người đó có thể nào… Nghĩ đến đây, nỗi sợ hãi bỗng xộc thẳng vào tim tôi. Tôi vội xoay người chạy về hướng “Sòng bạc Tam Bảo” trong thành cha tôi thường đến những ngày gần đây.
Tôi vừa mới chạy chưa được bao lâu, thình lình xô phải một người. Tôi ngẩng đầu nhìn lên, ra là Minh Nguyệt Hân Nhi. Lúc này, cũng đã nhận ra tôi, con bé hô: “Thiếu phu nhân, em sợ hôm nay trong lòng cô không vui, đặc biệt muốn đến ở cùng cô, cô lại định đi đâu thế?”.
Toi chẳng kịp nhiều lời, chỉ vội vàng nói: “Cha ta xảy ra chuyện rồi, ta phải đến sòng bạc Tam Bảo cứu ông”. Nói đoạn tôi bỏ lại Minh Nguyệt Hân Nhi, chạy một mạch về phía trước.
[1] Trích trong tác phẩm Tây Sương Ký của tác giả Vương Thực Phủ thời nhà Nguyên.
[2] Là một trong hai mươi tư tiết khí và được xếp là tiết khí thứ mười tám trong năm, đánh dấu ngày đầu tiên xuất hiện sương mù, chuyển sang mùa đông. Thường bắt đầu vào ngày Hai mươi ba hoặc hai mươi tư Tháng Mười tùy năm.
[3] Trích câu thơ cuối cùng trong bào thơ Sơn Hành của nhà thơ Đỗ Mục thời văn Đường
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...