− Em tin chắc là em nói đúng. Anh đánh cuộc gì nào? Một giọng bé gái nhỏ nhẹ cất lên.
− Thế hả ? Anh sẵn sàng đánh cuộc một silinh là em nhầm, Angtoanet tội nghiệp của anh ạ.
− Nhưng Angtony, anh không thể đánh cuộc một silinh đâu, anh làm gì có.
− Được được, 3 penny vậy, không 2 thôi, cậu con trai vừa nói vừa thở dài.
− Đồng ý 2 nhưng anh phải đưa cho em đấy.
− Mày đừng ảo tưởng, mày sẽ thua thôi - chú bé cãi lại.
− Gì mà ồn ào thế - một giọng nói trẻ trung nhưng chững chạc hơn hai giọng nói trước cất lên.
− Kìa chị Mira đấy à? Chị đến nhìn người bệnh của BA mà xem, Angtoanet bảo là ông ta chết rồi.
− Không đâu, ông ấy không chết đâu. Ông ấy ngủ nhưng nói đúng hơn, ông ấy chắc hẳn đã ngủ nếu hai em không làm ồn đến như vậy. Các em không xấu hổ sao.
Giọng em bé gái cất lên quả quyết hơn :
− Nhưng chị nhìn ông ta mà xem, chị Mira, ông ta không hề nhúc nhích. Chắc hẳn là chết rồi.
− Con bé ngốc, cứ để chị xem xem .
Một phút im lặng.
− Thế nào chị Mira, chị thấy ông ấy thế nào? - Giọng nói con gái nhỏ nhẹ lại cất lên.
− Chị thấy ông ấy đẹp trai, rất đẹp nữa là khác. Mira đáp.
Người đàn ông nằm im trên giường kìm một nụ cười. Anh vừa mới thức giấc và nghe phần cuối những lời trò chuyện của mấy chị em. Anh cảm thấy mơ mơ màng màng như vì kiệt sức. Anh cố cựa quậy nhưng đành phải nằm im vì đau nhói bên hông. Thế là anh nhớ lại tất cả.
Chiếc Camiong nặng nề từ đâu vụt tới không báo trước và xông thẳng vào anh như một ngôi sao sa, tiếng phanh rít lên dữ dội; giọng nói của anh và cuối cùng hai chiếc xe đâm vào nhau. Chắc hẳn anh bị va mạnh vì mãi một lúc sau mới hồi tỉnh. Có một lỗ hổng trong kí ức . Về sau anh hiểu là xe bị lật nghiêng và anh bị mắc kẹt không ra được.
Nhưng người mà anh quan tâm ngay lập tức là Giacvix. Giacvix lúc đó ngồi bên phía xe bị đâm. Anh còn nhớ mình đã kêu cứu và nói " Nhanh lên nhanh lên, cần một thầy thuốc cho Giacvix" .
Tất cả những gì xảy ra sau đó thì mơ mơ màng màng. Ngoài cơn đau dữ dội khi anh được khiêng lên cáng. Chắc hẳn lúc ấy anh bị ngất .
" Tình hình gì xảy ra sau đó?" anh nhẩm đi nhẩm lại trong bụng. Anh như nhớ lại có người đi qua, đi lại quanh mình. Anh nhớ lại mình được đặt trên giường. Một người đàn ông, có thể là một thầy thuốc, đặt một cái cốc vào tay anh và bảo" Ông uống đi và đừng nói nữa. Chắc hẳn lúc đó anh hỏi tình hình về người lái xe.
Và anh thầm nghĩ ngay lập tức" Giacvix ở đâu? Anh không nhớ gì chính xác cả, ngoài những cơn ác mộng ám ảnh anh trong giấc ngủ, cho tới lúc những tiếng nói trẻ thơ xua đuổi những cơn mộng mị ấy.
Một lần nữa anh lại chú ý tới những lời trẻ thơ kia.
− Em chẳng thấy ông ta đẹp trai. Ông ta già quá thì có. Giọng nói chú bé cất lên.
− Dĩ nhiên đối với em thì ông ấy có vẻ già, nhưng đối với chị thì không - một giọng già dặn hơn cắt ngang, vẻ bề trên.
− Các em làm gì ở đây thế?
Một người khác lại mới bước vào. " Nhà này hẳn phải đông người lắm" người bị thương nghĩ bụng .
Nhưng một giọng nói trẻ em đã đáp:
− Ồ chị Anna, chúng em vừa mới tới xem người bệnh của ba. Chị Mira bảo ông ta đẹp trai. Chị thử hình dung xem.
− Nhưng các em tuyệt đối không được tới đây, các em đi ra cuối vườn mà chơi. Còn Mira em phải ngăn cấm chúng làm điều dại dột, chứ sao lại khuyến khích chúng! Cô gái vừa tới lên tiếng quở trách.
− Chị đừng phá đám chị Anna. Hấp dẫn quá đi chứ. Thậm chí tên ông ta chúng mình cũng không biết, và giá như là một hoàng tử trẻ tuổi vi hành thì sao. Biết thế nào được.
− Hay chỉ là một người đại lí hãng buôn cũng thế. Thôi đi nào Mira, em hãy thôi lối mơ mộng lãng mạn ấy đi. Anna cố lấy giọng nghiêm khắc bảo em.
− Nhưng vì sao cơ chứ , vả lại có thể em nói đúng kia mà, ai mà biết được. Chị thử hình dung xem cái gì sẽ xảy ra nếu vạn nhất ông ta là một nhà tỷ phú và ông ta nói với ba: Thưa Bác sĩ Sippho, tôi xin biếu bác sĩ 1000 bảng Anh để tỏ lòng cảm tạ sự săn sóc của bác sĩ. Xin Bác sĩ dùng vào việc làm cho những người con dễ thương của Bác sĩ được vui lòng.
− Làm gì có chuyện ông ấy nói như vậy. Nếu cũng như mọi người bệnh khác của BA, thì ông ấy sẽ nhiệt liệt cảm ơn chúng ta nhưng quên không trả tiền công cho BA. Thôi được Mira, bây giờ em nghe chị đi về phòng và dọn dẹp giường chiếu. Phòng em lộn xộn đến kinh người, chẳng khác nào như có một quả bom vừa nổ tung trong đó.
− Ồ phòng em, phòng em, em chán ngấy công việc nội trợ rồi - Mira phản đối.
− Em gái thân yêu, chị không sao hiểu em được, vì em có phải làm gì trong nhà đâu nào.
− Thế nhưng tại sao cô Britgo không dọn phòng em khi cô ấy lên quét dọn hành lang? Mira lẩm bẩm.
− Đừng quay trở lại chuyện đó nữa, Mira, không phải lúc đâu, hiện có nhiều việc phải làm lắm đấy.
− Được được, em sẽ không nói gì nữa hết. Từ nay em sẽ chịu đau khổ trong im lặng thôi.
Có tiếng cười cố nén lại, rồi tiếng dậm chân quanh ô cửa sổ. Người đàn ông biết là hai cô gái đã đi xa, anh khẽ ngẩng đầu và mở mắt. Từ giường nằm ánh mắt anh có thể bao quát cả căn phòng. Một tia mặt trời chiếu qua cửa sổ.
Đây là một căn phòng nhỏ có cửa lớn chắc hẳn mở ra vườn. Anh nhìn quanh mình, anh nằm trên một chiếc giường bằng đồng kiểu cổ và trong phòng đồ đạc có vẻ rời rạc. Rõ ràng là một căn phòng đơn sơ và ít trang nhã nhưng cực kì sạch sẽ, vải trải giường và hai áo gối thơm mùi cải hương. Trên bàn chải tóc, đặt một cái bình lớn cắm đầy hoa hồng.
Người bị thương hình dung gia đình Bác sĩ Sippho - Angtoannet và cậu bạn cùng chơi - hình như chỉ là một chú bé - là hai đứa trẻ xem chừng vô kỉ luật. Mira thì lãng mạn. Anna thì thật sự thực tế. Tất cả đều phát âm chính xác và nói năng có giáo dục, riêng ở Anna có một nét dịu dàng điềm tĩnh, một thái độ yêu thương làm anh vui thích mặc dù có vẻ uy quyền trong giọng nói. Anh rất nhạy cảm về mặt này. Có biết bao giọng nói cộc cằn hay chát chúa, còn giọng nói của nàng thì dịu dàng và du dương.
Có tiếng gõ cửa, anh chưa kịp trả lời, cửa đã mở và một người đàn bà luống tuổi, mặt đỏ au, bộ ngực đồ sộ, bước vào với dáng đi nặng nề. Bà ta bước tới cửa sổ và kéo màn gió. Căn phòng tràn ngập ánh nắng vàng rực và chói chang.
− Thưa ông, ông đã dậy chưa?
− Vâng vâng tôi dậy rồi.
− Bác sĩ bảo tôi thưa với ông là có người bệnh ngoài phố gọi ông ấy, nhưng xin ông yên tâm, ông ấy sẽ về ngay.
− Cám ơn.
− Một lát nữa cô Anna sẽ mang trà tới cho ông. Nếu cần gì ông có thể hỏi cô ấy.
− Rất cám ơn, tôi sẽ hỏi.
− Và dĩ nhiên nếu có việc gì tôi có thể giúp ông thì, thưa ông tôi sẽ vui lòng làm chỉ với điều kiện là không phải chữa vết thương hay băng bó, tôi chưa bao giờ chịu đựng được công việc đó. Trong chiến tranh, tôi muốn tham gia một nhóm cứu thương nhưng không giúp ích được chút gì. Bác sĩ bảo tôi, cô Britgo, cô cứ ở lại nhà bếp! Tôi rất muốn giao phó cho cô cái bao tử của thương binh, nhưng chân cẳng họ thì không đâu.
− À thế ra cô là đầu bếp hả, cô Britgo?
− Ờ, nếu tôi bảo mình là đầu bếp thì có vẻ huênh hoang đấy. Mọi việc trong nhà tôi có làm chút xíu. Dọn dẹp nhà cửa là công việc chuyên môn của tôi. nhưng nếu nói với ông rằng, tôi có thể làm bếp như phần lớn phụ nữ trong vùng, thậm chí còn tốt hơn chút ít, thì cũng không phải là nói quá đâu.
− Tôi tin là như vậy.
− Thưa ông từ hôm qua đến nay, sau vụ tai nạn ông không ăn uống bao nhiêu. Tôi có chứng kiến vụ tai nạn, và quả là tôi có thưa với Bác sĩ "Nếu có ai sống sót sau vụ đâm xe này thì thật là một điều kì diệu " .
Nghe có tiếng gõ nhẹ ở cửa, cô Britgo ngừng câu chuyện và thốt lên :
− Kìa cô Anna đã mang bữa ăn sáng tới.
Người bị thương vội ngoảnh đầu lại để nhìn cô gái bước vào, tay bưng một chiếc khay.
− Chào ông, nàng vừa nói vừa mỉm cười.
Tiếng cười cũng dịu dàng như giọng nói anh vừa nghe lúc nãy. Khuôn mặt trái xoan xinh đẹp rất trong sáng với mái tóc dầy màu nâu. Lông mày vẽ một đường vòng cung tuyệt diệu phía trên đôi mắt to màu xanh.
Anh nghĩ ngay lập tức" Đấy cô Anna đấy, nàng đẹp thật, rất đẹp".
Nàng đặt khay lên mặt bàn cạnh giường.
− Tôi không rõ ông có đói hay không, nhưng tôi cứ mang trứng đến.
− Bây giờ nghĩ tới cái đói, tôi thấy mình quả có đói. Anh đáp.
Nàng vẫn mỉm cười:
− Kì diệu thật! Sáng nay ba tôi đã khám cho ông. Giấc ngủ ông bình yên và ba tôi hi vọng ông sẽ dễ chịu hơn hôm qua.
− Ba cô đã tỏ rất tốt đối với tôi, tôi phải cám ơn ông đã đưa tôi về đây. Tôi không nhớ rõ những gì xảy ra sau vụ tai nạn.
− May sao ba tôi có nhà khi vụ tai nạn xảy ra rất gần đây. Anna nói dịu dàng, một nụ cười bẽn lẽn trên môi. " Anh ta có bộ mặt dễ thương, nhưng trông có vẻ nghiêm" nàng nghĩ bụng.
Quả là anh có vẻ mặt thanh tú, đường nét cân đối; tuy nằm trên giường bệnh, vẫn có bộ điệu trang nghiêm oai vệ, rõ ràng là một con người quen chỉ huy. Bỗng nhiên Anna bối rối nhận thấy anh nhìn mình có vẻ dò xét; lúng túng trước ánh mắt sắc sảo của anh, nàng cảm thấy xấu hổ.
Britgo vẫn đứng trước mặt nàng, hai tay chống nạnh, Anna đưa mắt ra hiệu:
− Cô Britgo, hình như tôi nghe có tiếng chuông.
− Chẳng có gì là lạ cả đâu; trong cái nhà này không bao giờ làm nổi một cái gì mà không có người tới quấy rầy. Tôi đã thưa lại với ngài đây lời dặn của BA cô.
− Cảm ơn cô Britgo.
Người đàn bà giúp việc đi ra. Anna đưa khay thức ăn lại gần và điềm tĩnh nói:
− Tôi không rõ cô Britgo đã báo cho ông biết là đến 9 giờ thì chị y tá đến chưa? Từ đây tới đó, nếu cần gì thì ông cứ gọi.
− Rất cảm ơn, tôi không cần gì cả đâu, chỉ có điều là tôi muốn biết người lái xe của tôi ra sao.
Anna ngập ngừng một lát, rồi ánh mắt càng thêm dịu dàng; người bị thương đã đoán được câu trả lời.
− Tôi nghĩ là ông muốn biết sự thật. Anh ta đã chết ngay tại chỗ.
− Quả đó là điều tôi e sợ, cảm ơn cô đã cho tôi biết.
Như thể đoán biết người bệnh muốn được ở một mình, Anna bước ra khỏi phòng.
"Tội nghiệp Giacvix". Anh nghĩ bụng, dẫu sao anh ấy chết nhưng không đau đớn, còn riêng anh, như cô Britgo cho biết, sự sống sót của anh là một điều kì diệu. Anh rất có thể chết thay người lái xe. Điều đó có gì thật quan trọng không.?
Anh cố trả lời câu hỏi thật trung thực. Ai sẽ luyến tiếc anh, ai là người sẽ thấy thiếu anh? Cái chết của anh có thể làm xáo động Nghị Viện: việc bầu một người thay thế bao giờ cũng phiền toái. Nhưng nếu không như vậy? Anh hơi nhún vai, người ta bao giờ cũng nghĩ mình là cần thiết, nhưng chỉ cần lướt qua bên cạnh cái chết là thấy mọi cái đều vô nghĩa. Thành đạt, quyền lực, sức mạnh, tiền bạc ư? Tất cả cái đó chẳng đáng là bao so với cái việc giản đơn là hít thở và sống.
Giacvix một con người đã từng 15 năm giúp việc anh và tưởng khó có thể thay thế. Thế nhưng người ta sẽ thay thế và cuối cùng sẽ quên anh ta. Phải thừa nhận rằng ngay bản thân anh nữa cũng không phải là không có không được.
Anh nhớ lại cuộc vận động gay go mà anh vừa tiến hành ở Nghị Viện. Phe đối lập đã tỏ ra cực kì hiểm độc và gây cản trở. Trong đảng của anh mọi người vẫn nhu nhược. Anh đã phải tự hỏi là mình đúng hay sai khi cho tin tưởng của mình là cực kì quan trọng. Giờ đây anh thấy chúng thật thơ ngây.
Anh sờ tay lên trán, anh không quen lối suy tư ấy. Anh là người chiến đấu. Bao giờ anh cũng là người chiến đấu và là một nhà độc tài. Anh không chịu được sự đối kháng và có thói quen bất cần. Anh không ngạc nhiên sao được khi giờ đây anh lại suy ngẫm xem mình đúng hay sai? Dù có ra sức tự thuyết phục mình " Chà, chỉ vì Giacvix thôi mà" cũng vô ích, anh vẫn không hết ngạc nhiên. Bữa ăn sáng đã nguội lạnh, anh tìm một tư thế dễ chịu hơn, nhưng cả một bên người bị xây sát và đau đớn. Tuy vậy anh vẫn thấy đói " Chắc hẳn giấc ngủ ngon lành cả đêm đã giúp mình vượt qua cơn đau đớn. Nhưng mình muốn biết ông Bác sĩ đã cho mình uống thứ gì để cho mình ngủ được." Anh nhớ lại những đêm mất ngủ trước đây, không một thứ thuốc nào anh dùng là có hiệu quả cả. Ông Bác sĩ nông thôn này chắc hẳn đã cho anh uống một thứ gì khác, một thứ gì mới hoàn toàn thích hợp với anh.
Cánh cửa bỗng mở ra và Bác sĩ Sippho bước vào. Một con người luống tuổi, tóc ngả muối tiêu, cánh tay áo đã sờn. Thoạt nhìn ông không hề có gì khác thường, nhưng hễ mỉm cười là khuôn mặt sáng lên một vẻ nhân hậu , tinh nghịch. Giọng nói ấm áp và từ tốn của ông dễ gây lòng tin:
− Chào ông, sáng nay ông thấy trong người thế nào?
− Tôi đã ngủ một đêm tuyệt vời và vừa ăn sáng một cách ngon miệng. Tôi cảm ơn Bác sĩ.
− Thế là triệu chứng tốt, tôi mong ông không giận tôi đã bỏ mặc ông sáng nay. Có một ca đỡ đẻ, tôi vừa gặp ông bố tương lai. Ông ta khăng khăng không chịu tin là sớm ra thì cũng phải ba tiếng nữa đứa con mình mới chào đời. Thế là tôi sẵn sàng lúc nào cũng có thể được gọi.
Người bị thương cười:
− Nhưng tôi không có gì vội cả, và tôi tự giận mình đã làm mất thì giờ của Bác sĩ.
− Dẫu sao tôi cũng muốn xem ngay vết thương của ông. Bác sĩ Sippho lật đra lên và bắt đầu khám. Chân bệnh nhân bó nẹp gỗ.
− Chỉ gãy xương là nặng thôi. Tôi không lo cái đó. Nhưng ông cho tôi biết ông có đau chỗ này và chỗ này không? Được, bây giờ ông thở di.
Khám xong Bác sĩ Sippho thở ra, nhẹ nhõm và kéo đra đắp lại cho người bệnh.
− Ơn chúa tốt cả, ông không bị sao hết.
− Bác sĩ sợ có điều gì phải không ạ?
− Đúng, sợ có chảy máu trong. Ông có thể hiểu điều đó nếu ông thấy người lái xe của ông ở trong trạng thái thế nào. Con gái tôi đã bảo với ông là anh ấy chết rồi phải không?
− Vâng.
− Anh ấy đã được đưa đi khám nghiệm. Ông có thấy đủ sức khỏe để trả lời những câu hỏi của Cảnh sát không. Họ điều tra về vụ tai nạn. Còn riêng tôi, tôi muốn hỏi ông đôi điều về chính bản thân ông.
− Tôi có thể cung cấp mọi thông tin cần thiết về Giacvix.
− Còn về ông?
− Thế Bác sĩ muốn biết về cái gì ạ?
− Thế này, ông muốn báo tin tai nạn cho ai, và ông có muốn chuyển đến một nơi khác không?
− Chuyển đến chỗ khác? Vì sao vậy? - Người bị thương ngạc nhiên hỏi.
− Đây chính là lí do khiến cho tôi vội vã khám cho ông sáng nay. Chiều qua, khi ông được đưa tới đây, tôi đứng trước hai giải pháp, hoặc chuyển ông ngay lập tức đến bệnh viện gần nhất để chụp X quang và được săn sóc đầy đủ hơn, hoặc giữ ông lại đây. Vì phải mất hơn 20 cây số đường trường mới tới được bệnh viện gần nhất và vì tôi muốn trước tiên chữa choáng và sau đó mới chữa vết thương nên tôi quyết định làm theo bản năng mình. Như thế đó.
− Tôi vô cùng biết ơn Bác sĩ. Tôi xin nói thêm là tôi cảm thấy ở đây rất thoải mái.
Bác sĩ Sippho mỉm cười:
− Cảm ơn ông, ông thấy đấy, tôi dành căn phòng này cho những ca cấp cứu. Lạ thật ở cái vùng nhỏ bé hẻo lánh này mà lại thường xảy ra tai nạn.
− Tôi không hề biết chốn này là chốn nào?
− Làng chúng tôi đây là làng Liton Copon cách Manchester 30 cây số.
− À vâng, bây giờ tôi biết vị trí của nó rồi.
− Tốt lắm, bây giờ chúng ta hãy nghĩ tới gia đình và bè bạn ông. Ông có muốn tôi gọi điện báo tin cho họ không? hay tự tay ông viết lấy điện tín?
− Không có gì cấp bách đâu ạ, liệu tôi đã có thể về nhà được chưa?
Người thầy thuốc ngập ngừng:
− Tôi muốn ông nghỉ ngơi hoàn toàn 2,3 ngày trước khi làm bất cứ việc gì. Trừ khi ông có có một lí do bức bách phải ra đi.
− Thế nếu tôi ở lại thì có làm phiền ông không?
− Chắc chắn là không, ông bạn thân mến. Thực lòng tôi muốn giữ ông lại để theo dõi nếu có thể được. Tôi không muốn bỏ dở công việc mình làm.
− Tôi cũng giống ông.
− Rất tốt, vậy nếu ông muốn ở lại thì chúng tôi sẽ rất sung sướng được giữ ông ở lại. Bây giờ…
Có tiếng gõ cửa và ông ngừng lời nói chuyện để hỏi vọng ra:" Có chuyện gì thế?"
− Thưa ba, ông Nolex gọi điện, muốn mời Ba đến ngay.
− Con trả lời ông ấy là Ba đến ngay - ông vừa nói vừa bước ra cửa. Trước khi ra hẳn ông quay lại nói với người bệnh:
" Thế đấy. À lại một ông bố luôn luôn hoảng hốt, tuy không thể nào làm cho đứa bé này chào đời trước hai tiếng được nhưng tôi vẫn phải đến cho họ yên tâm. May mà họ không ở xa. Cô y tá sẽ đến cạo mặt và tắm rửa qua loa cho ông. Đó là một con người tuyệt vời và cần gì ông cứ hỏi cô ấy. Tạm biệt.
Bác sĩ Sippho vội vã ra đi nên quên cả hỏi tên người bệnh .
Và chỉ đến lúc cầm lấy mũ và túi đồ nghề cô con gái trao cho , ông mới sực nhớ mình quên hỏi:
− Anna, con gái yêu của bố, con dọn cho ông khách một bữa ăn nhẹ, và con có thể hỏi tên anh ta.
− Vâng nếu ba muốn, cô gái đáp và nở một nụ cười nhìn ông ra đi , âu yếm vẫy tay trong khi ông cho nổ máy chiếc xe hơi cũ kĩ.
Tuy nhiên nàng không vào ngay phòng người bệnh. Nàng đã nhìn thấy cô y ta đi qua hành lang với những chiếc khăn lông và một bình nước nóng: nàng thận trọng chờ cho người bệnh cạo mặt và rửa ráy xong. Vì vậy nàng bước vào nhà bếp, nơi Mira đang gọt khoai tây. Cô gái đứng trước chậu rửa bát và có cuốn tiểu thuyết để mở, đặt trên bờ cửa sổ bên cạnh.
Anna đã quen với những cái trò láu lỉnh của cô em gái nên nói với em giọng đùa vui:
− Em làm gì đấy Mira?
Cô gái sôi nổi đáp:
− Anna, nhất thiết chị phải đọc cuốn sách này. Quả là một kì quan,chị nghe đây: "…Uyển chuyển mềm mại như một thân rắn, nàng bận một tấm áo dài ngân tuyến, nó làm nổi thân hình nàng lên hơn là che phủ. Trên ngấn cổ trắng như ngà, nàng đeo một chuỗi hồng ngọc to như trứng chim bồ câu mà vị Vương hầu Ấn Độ tặng nàng ở Bombay." Thật là mê ly, chị có thấy thế không?" .
Anna bĩu môi:
− Chị thấy nó kì cục. Nhân đây em có thể nói cho chị biết vì sao cô ta lại để cho vị Vương hầu tặng mình những viên hồng ngọc to như trứng chim bồ câu không?
− Chị không sao đoán được đâu.
− Chị chú ý tới mà làm gì, nhưng chị không sao hiểu được em, đào đâu ra và cũng không hiểu vì sao em lại mất thì giờ đọc những quyển sách như thế, đâu có phải là văn chương.
− Nhưng say mê lắm chứ. Hơn nữa chúng lại chắp thêm chút cánh bay bổng cho em, em cần lắm mà, Mira cãi lại.
− Em nói đến lố bịch. Anna vừa nhận xét vừa cười.
− Hoàn toàn không phải thế. Em nói rất đúng sự thật. Ở đây em chìm ngập trong một cuộc sống tẻ nhạt vô vọng. Cuối cùng chị nói cho em biết có ai muốn theo những lớp học thương mại không nào? Và hơn nữa , em hoàn toàn không có năng khiếu về cái đó.
− Thế nhưng Mira, lần này nhất thiết em phải thi đỗ. Anna nói dịu dàng nhưng đầy sức thuyết phục.
− Em thì em tin chắc là sẽ thi hỏng. Chị ắt là phải thương hại em nếu chị biết cái món tốc kí gay go đến chừng nào.
− Em đã hứa với ba là em làm việc thật ra trò kia mà.
− Đúng là em đã làm như vậy. Mira thở dài và nói. Nhưng em không phải sinh ra để làm thư kí. Thà cho em làm người bán hàng hay diễn viên sân khấu còn hay hơn.
Anna thở dài, hai chị em nàng đã nhiều lần tranh cãi về những cái đó và nàng băn khoăn cho tương lai của cô em gái rất mực xinh đẹp nhưng cũng hết sức đần độn này. Đúng là một cô bé ngốc nghếch, nhưng bực mình với nó làm gì?
Mira là một cô gái sinh ra cho một cuộc sống dễ dãi tràn đầy lạc thú. Mái tóc xinh đẹp màu nâu vàng quăn một cách tự nhiên. Cặp mắt xanh dưới làn mi cong và dài. Khuôn mặt đầy đặn với một cái mũi hếch dễ thương. Vẻ duyên dáng và thanh nhã của cô tự nhiên tới mức bao giờ trông cũng giống như một tấm hình thời thượng cắt ra từ các tờ tạp chí, ngay cả vào lúc này, khi cô đang đứng tựa vào bàn rửa bát và thò tay vào nước để rửa rau, và mặc dù cô mặc những chiếc áo cũ và rẻ tiền.
Chỉ có một điều làm cô gái 17 tuổi 9 tháng này thất vọng là: cô có vẻ ngày một béo ra. Cô không bao giờ giữ được lâu một chế độ ăn uống nào vì tật tham ăn luôn lấn át thói làm duyên làm dáng. Quả là lớp thanh niên đã từng chịu đựng những sự hạn chế của chiến tranh khó cưỡng lại bánh kẹo.
Vả lại đó là một nét tính cách của Mira: bao giờ cô ta cũng nhượng bộ sở thích nhất thời của mình. Nhưng không thể giận cô về điều đó. Cô ta xinh quá, lãng mạn quá. Cô dễ để cho trí tưởng tượng cuốn hút tới mức nghĩ minh là một nhân vật tiểu thuyết và mọi người đàn ông cô gặp đều có thể là những kẻ cầu hôn. Nếu Anna băn khoăn cho tương lai của mình thì trái lại, không phút giây nào Mira không tin là "ông chồng lí tưởng" đang chờ mình trong một chiếc Rolls Royce ở góc phố.
Dẫu sao tương lại của Mira cũng trở thành một vấn đề. Bác sĩ Sippho đã tiêu pha tiền bạc quá mức mình để bảo đảm cho cô một sự giáo dục tử tế, và bằng mọi giá cô ta sẽ phải lo kiếm sống thật sớm để ông bố còn lo toan cho hai đứa em sinh đôi.
Hai anh em Angtony đã lên 12. Cho tới nay chúng vẫn theo học ở trường làng, nhưng tình hình ấy không thể kéo dài mãi. Anna vẫn hi vọng trong vài năm nữa sẽ có thể bảo đảm cho Angtony ăn ở trong một kí túc xá đắt tiền nhưng cần thiết cho việc đào tạo mọi người Anh. Còn cô em gái Angtoanet thì đành bằng lòng được học hành như bản thân cô đã học mà thôi.
Hai đứa bé sinh đôi rất giống nhau, khá nhỏ so với tuổi, chúng không đẹp rực rỡ như cô chị cả cũng không có sức cuốn hút như Mira nhưng trông vẫn dễ thương. Tiếc rằng chúng là những đứa trẻ ngỗ ngược, nghịch ngợm đến kinh khủng và không biết sợ hãi là gì. Chúng chống lại cái nghiêm túc của cuộc đời bằng cách bày ra những trò dại dột kì quặc nhất. Tuy vậy thỉnh thoảng chúng biết xử sự đúng đắn nên người ta vẫn ngạc nhiên khi bắt quả tang chúng đang nghịch ngợm.
Chúng có thói quen tách ra khỏi mọi người để âm mưu chuyện này chuyện nọ. Khi xuất hiện trở lại chúng làm ra bộ ngây thơ để cho người ta tin là chúng đã có những quyết định đúng đắn. Tất cả xóm giềng lẽ ra có thể tức giận chúng, cho chúng là những đứa trẻ vô lại, nhưng ngược lại người ta nhắc tới hai đứa trẻ sinh đôi khủng khiếp này với một giọng vui đùa. Quả là chúng có cá tính mạnh mẽ .
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...