Biên tập: Sabi
Beta: Qin Zồ
Nhà ông ngoại Tôn Biền nằm ở tận cùng trong thôn, các hộ gia đình của thôn họ Điền phân bổ rất có quy luật. Nhà càng cũ thì càng sát chân núi, nhà càng mới thì càng gần đường thôn, nghe nói đây là do phần lớn ruộng nương của các gia đình đều nằm trên núi, hồi xưa vì để mọi người trồng trọt cho tiện nên mới thi công nhà ở cách ruộng gần hơn một chút.
Khi thôn với nhà máy và thị trấn bắt đầu trao đổi ngày càng thường xuyên, để tiện đi lại người xây nhà sau này mới lựa chọn đặt móng ở bên cạnh đường cái.
Tất cả mọi thứ được xây dựng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, điều này không chỉ xuất hiện ở thôn họ Điền, mà còn ngày càng rõ nét ở các thôn, thị trấn lân cận khác.
Tôn Biền đi thẳng về nhà ông ngoại, dọc đường khi đi ngang qua cổng nhà ông bác cả chợt nghe thấy tiếng khóc la thảm thiết bên trong. Khỏi cần phải nói, nhất định là ông cụ sau khi về nhà đang bắt tay vào trừng trị thằng cháu trai dám mặc thứ đồ quái gở kỳ lạ rồi.
Nghe Trường Quý kêu trời than đất, còn có tiếng bà bác cả khuyên bảo can ngăn, Tôn Biền vô cùng đồng cảm bước nhanh qua cổng nhà ông bác cả.
Sau khi giẫm lên hòn đá và tung tăng nhảy qua dòng suối nhỏ ở cổng, cô nhìn thấy các cụ bà đang cầm quạt ngồi dưới gốc cây thầu dầu dại bên phía Tây nhà hóng mát.
Ngày nay, chẳng có ai dư tiền tới cửa hàng mua mấy chiếc quạt nhựa xếp in hình nhân vật xinh xắn hoặc phong cảnh sơn thủy tươi đẹp. Những chiếc quạt gió được người dân nông thôn sử dụng chủ yếu là do chính họ làm nên.
Phương pháp chế tạo loại quạt nan giấy này cũng rất đơn giản, chỉ cần tìm một tờ bìa cứng, hoặc một số tờ giấy mềm chồng lên nhau, rồi dùng cây kéo cắt mặt quạt thành hình tròn, lấy vải bông bọc xung quanh tấm bìa tròn, rồi dán hồ lên trên là chúng ta đã làm xong phần cánh quạt.
Tiếp theo tìm một nhánh cây nhỏ cỡ ngón tay cái chặt thành độ dài thích hợp, dùng rìu chẻ đầu cành cây, nhét đầu cây vừa chẻ vào phần nan quạt đã làm xong trước đó rồi dùng sức kẹp chặt, sau đó lấy sợi chỉ to khâu lại cho chắc là được.
Quạt nan giấy như mô tả
Cái quạt này thuộc loại vật dụng bỏ đi, nhưng mà hiệu quả quạt gió cũng rất tốt, khuyết điểm duy nhất chính là không quá bền. Thường sau một mùa hè tấm bìa quạt mới làm sẽ bị gãy, sang năm cũng chỉ có thể làm lại cây quạt khác.
Vì vấn đề lựa chọn vật liệu, trên bề mặt quạt bà con làm thường sẽ xuất hiện đủ loại hoa văn, chữ viết màu sắc sặc sỡ.
Từ từ bước vào Tôn Biền mới tận mắt trông thấy trên phiến quạt thím cầm có hình hai người đàn ông nói tiếng Anh rất lớn, hơn nữa còn có một số từ đơn và chữ cái tiếng Anh lộ ra quanh viền, hiển nhiên đây chắc là sách giáo khoa con cái trong nhà không cần nữa nên đem làm quạt nan giấy.
Bà ngoại thấy Tôn Biền quay về có một mình cũng chẳng bất ngờ chút nào, tính cách thằng cháu nhỏ bà y như con khỉ, giờ phút này sợ là không biết chạy tới xó xỉnh nào lật ngói nhà rồi.
Bà vẫy vẫy quạt trên tay nói với các cụ bà đang tán gẫu: “Không nói chuyện với mọi người nữa, Tiểu Biền nhà tôi trở về rồi.”
Nói xong rồi đứng dậy chờ Tôn Biền, hai người cùng nhau về nhà.
Vợ chồng già nhà họ Điền ngụ ở phòng phía Đông gian nhà chính. Hai gian phòng chính ở phía Đông đều thuộc về hai cụ, còn hai gian ở phía Tây thì cho con trai lớn và các cháu ở.
Trong phòng ông bà có chỗ rất đặc sắc, mỗi món đồ nội thất bày biện và sử dụng thoạt nhìn có vẻ không bắt mắt mấy, nhưng sau khi dùng rồi thì luôn phát hiện ra được tâm tư đặt trong đó.
Chẳng hạn như chiếc bàn trang điểm của bà ngoại, nếu bạn không biết trong phòng có món đồ này mà cất công đi kiếm thì chắc chắn không thể tìm thấy được, bởi nó đã bị bàn tay khéo léo của ông ngoại giấu đi trong tủ quần áo lớn.
Cái bàn trang điểm ấy đã che giấu hơn mấy chục năm vì không muốn làm người ta ngứa mắt. Phải biết rằng vào lúc thời thế lộn xộn nhất, không chỉ bàn trang điểm, trong nhà bày một cặp bình sứ cắm chổi lông gà cũng có thể bị người khác dìm xuống bảo là phong cách tư bản, đầu còn tàn dư tư tưởng địa chủ bóc lột.
Hồi nhỏ Tôn Biền từng sống bên bà một khoảng thời gian, thế nên cô biết bà mình có giấu một ít món đồ rất quý giá.
Những năm gần đây ngoại mới từ từ đem một vài thứ ra dùng, nhìn cái bộ máy hát với đĩa than cũ kia kìa, Tôn Biền thật là phục, mấy món này làm sao mà giấu đi được nhỉ?
Bà ngoại lấy một cái đĩa than từ trong đám đĩa kia ra, sau khi thả kim vào vị trí xong đĩa mới chầm chậm xoay tròn, giọng ca trong trẻo đầy nội lực, đậm đà mà trôi chảy của thầy Mai(1) lập tức phiêu bồng khắp căn phòng nhỏ.
Cái đĩa mà bà ngoại chọn chính là “Quý phi say rượu”, một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của thầy Mai. Hồi trước Tôn Biền không thích nghe kịch, cô luôn cảm thấy mình không thể hiểu được những lời ê ê a a đám đàn ông lên sân khấu nói. Nhưng kịch của thầy Mai, dù cô nghe không hiểu lời nhưng vẫn cảm nhận được làn điệu, hoàn toàn đáng để pha một ấm trà ngon từ từ hưởng thụ. Mà bà cô chính là loại người biết hưởng thụ như thế.
Bà Điền có một bộ đồ trà cũ làm bằng gốm từ đất sét, không phải món do người nổi tiếng nào làm cả, chỉ là loại rất bình thường nhưng hơn ở chỗ sử dụng trong thời gian dài. Dùng pha trà không ngừng trong mấy chục năm, hiện tại cái ấm gốm ấy dù không thả trà vào mà rót nước nóng, sau khi ngâm một lúc cũng sẽ có “nước trà” đổ ra từ trong ấm mang theo mùi hương của lá trà.
Ngoại thật rất để tâm đến việc chăm chút cho cái ấm trà kia, nhưng bình thường khi trong nhà tiếp khách lại không dùng đến. Chỉ khi nào tâm tình bà cụ tốt, muốn nghe hát uống trà, thì mấy món bộ đồ trà này mới được lục lọi lấy ra từ hòm khóa trong tủ.
Bà nấu nước trên bếp đun xong, đổ “nước trà” có mùi thơm trong ấm ra, rửa sạch hết mấy món đồ uống trà khác. Cụ Điền pha trà, Tôn Biền ngồi bên cạnh nhìn, với một người cả hai đời đều sống ở phương Bắc, chỉ uống túi trà lọc như cô thì nhìn người khác pha trà là một chuyện rất có ý nghĩa.
Bộ đồ trà bà Điền pha rất bình thường, trà được nấu cũng thế, trên ngọn núi phía sau sân nhà ngoại mọc mấy vùng cây trà hoang. Hằng năm sau Tiết Thanh minh, ở thôn nhà họ Điền vạn vật bắt đầu hồi xuân, cứ trước tiết cốc vũ là bà ngoại Điền sẽ lựa chọn một ngày thích hợp để đi ngắt cẩn thận đám mầm trà đầu tiên mới nhú lên. Về nhà rồi liền dùng xẻng gỗ sao trà trên cái chảo sắt lớn, thành phẩm sau khi hong khô chính là loại trà mà bà ngoại đang pha bây giờ.
Tôn Biền không đánh giá được nó ngon hay dở, cô chỉ cảm thấy loại trà vườn bà mình tự tay sao uống cực kỳ đắng chát, nhưng sau khi vị đắng đi qua thì trong miệng còn lưu lại chút dư vị ngọt ngào và hương trà. Cũng vì mê cái dư vị ngọt và hương trà thoang thoảng này mà Tôn Biền vốn không thích uống trà lần nào cũng chủ động nâng chung trà lên.
“Ngoại ơi, trà này thật có hương vị.” Uống trà bà pha xong Tôn Biền mới nói như thế.
“Có hương vị chỗ nào?” Thấy cháu gái mới mười mấy tuổi đã học theo dáng vẻ người lớn, bắt đầu phẩm trà ra hình ra dạng, bà ngoại Điền không nhịn được mắc cười mà hỏi.
“Không thể nói rõ được, chỉ là cảm giác uống xong lại muốn uống hớp nữa, kiểu muốn nếm thử cái hậu vị ngọt ngào của trà ấy ạ.”
Bà cụ hơi sững sờ, sau đó lại rót cho cháu gái thêm một chén, hỏi: “Trà ngọt? Có đường ngọt à?”
“Không ạ, nước trà này vừa đắng vừa chát làm sao so với đường được.”
“Vậy bà đổi chén chè lấy chén trà của con được không?”
Tôn Biền nghe thế nhìn tách trà rồi lại nhìn ngoại, lắc đầu tỏ vẻ không muốn.
“Tại sao, chè còn ngọt hơn trà mà?”
Tôn Biền cũng không biết vì điều gì, nhưng hiện tại cô muốn uống trà không muốn ăn chè ngọt, suy nghĩ vài giây rồi mới trả lời bà ngoại: “Ngọt quá phát sợ ạ.”
Bà cúi đầu cười khẽ, ánh mắt chợt mơ màng, dường như đang nhớ về điều gì đó.
Nhưng vài giây sau, ánh mắt bà lại nhanh chóng lấy lại được sự trấn tĩnh. Bà nhìn thoáng qua cô cháu gái vẻ mặt ngây thơ, nhấp môi cười nhẹ, sau đó đứng dậy xuống giường sưởi.
Cầm chùm chìa khóa trong túi áo, bà Điền lại lôi một chiếc hộp dài làm bằng gỗ cây nhãn, nằm dưới hộc thấp nhất trong tủ quần áo ra, dùng chìa mở ổ khóa bằng đồng móc bên trên, bà lấy trang sức cài tóc trong hộp ra ngoài.
Món nữ trang có kiểu dáng vô cùng cổ xưa, từ trên xuống dưới được chế tác từ sừng trâu tạo nên hình quạt bán nguyệt. Nửa phần trên mặt quạt dùng kỹ thuật mạ vàng chạm hình hạc trắng và bo viền, nửa phần dưới thì làm thành hình dạng như răng lược.
Đó chính là hộp đồ cưới của bà ngoại Điền, thứ đồ đã sớm xuất hiện trong nhà, nhưng đây là lần đầu tiên Tôn Biền thấy bà ngoại lấy đồ bên trong ra ngoài.
Ngoại cầm cái cài tóc kia đi đến bên cạnh cô cháu, gỡ kẹp tóc hình bán nguyệt vốn đang nằm trên đầu cô xuống, vừa dùng lược gỗ đào chải tóc cho cô vừa lẩm bẩm: “Trong đám cháu của bà, chỉ con là đứa không có dáng vẻ con nít nhất. Mấy đứa khác thích bánh kẹo, giày mới, quần áo đẹp đẽ, còn con thì lại thích theo bà già này nghe kịch, đọc sách, uống mấy loại trà đắng này. Trong ba đứa nhà tụi con, anh cả là ổn định nhất, ngày tháng sau này dù không giàu có thì nhất định cũng có thể bình yên, bởi vì nó biết thỏa mãn và hàm ơn. Em trai con thông minh nhất, tính tình cũng ngang tàng nhất, con thấy đó, thôn này chắc chắn không giữ được chân nó, nhất định nó sẽ bay xa và bay cao, nhưng cuối cùng sẽ ngã xuống hay hạ cánh an toàn thì chẳng ai biết cả.”
“Còn con, con hiểu rõ điều mình muốn nhất, nhìn thì có vẻ hài lòng với hoàn cảnh nhưng tuyệt đối không gặp sao hay vậy, mọi người đều nói con nghe lời, nhưng bà biết đó là bởi điều chúng ta nói vừa hay là điều con muốn làm, lòng con có chủ kiến mạnh hơn bất cứ ai, quật cường đến trâu cũng không kéo lại được. Con có thể mê được dư vị ngọt của trà đắng kia là đã biết cuộc sống không dễ dàng, con trưởng thành bà rất vui.”
Bà ngoại nói làm Tôn Biền xấu hổ hết sức, bởi cô biết rằng không phải vì mình thông tỏ, mà là do kiếp trước cô từng chịu nhiều thiệt thòi, ngã đau vài lần thì tự nhiên sẽ biết cách để tránh, cũng vô cực kỳ trân trọng cuộc sống như bây giờ.
Bà ngoại Điền nói hết câu cũng vừa đúng lúc chải tóc xong cho cháu gái, bà lấy dây buộc tóc sau đầu Tôn Biền lại thành búi, cắm hoa cài tóc chắc chắn trên đầu cô rồi bảo: “Người sống ở đời vốn khó khăn, mà đàn bà sống càng không dễ dàng, phụ nữ lòng có chủ kiến sống khổ nhất, nên con phải học cách đối tốt với bản thân một chút.”
Bà ngoại Điền chải đầu cho cháu xong thì không nói nữa, trở lại bên cạnh bếp đun tiếp tục pha trà nghe hát. Còn Tôn Biền cẩn thận gỡ hoa cài tóc cài trên đầu mình xuống, lấy chơi một lúc rồi hỏi: “Ngoại ơi, cái cài tóc này…”
“Cho con đó, con gái lớn phải có quần áo và đồ trang sức xinh đẹp, lòng mẹ con quá thô kệch.”
Tôn Biền phì cười, vuốt ve cài tóc trong tay càng nhìn càng ưng, khi lật ngược lại xem, chợt phát hiện dưới đáy món trang sức sừng trâu này hình như có khắc hai chữ nhỏ.
Tôn Biền cúi đầu xem xét kỹ càng, nhìn một hồi lâu mới nhận ra được hai chữ bị mài mòn quá nhiều kia chắc là tên của một người, gọi là Doãn Nhàn.
Tôn Biền tò mò, nếu cô nhớ không lầm thì tên thật của bà mình là Vương Doãn Nga, vậy cái người Doãn Nhàn này là ai? Vì sao cài tóc cô đeo lại được bà ngoại cẩn thận cất giữ?
Ngay khi Tôn Biền muốn hỏi thử, vừa ngẩng đầu lên đã thấy ngoại vốn đang ngồi canh trước bếp pha trà chẳng biết đã trèo lên đầu giường từ lúc nào, bà dựa vào gối mềm kê trên giường nghiêng người ngủ thiếp đi.
Tôn Biền không muốn quấy rầy bà nghỉ ngơi, suy nghĩ một hồi mới cắm hoa cài tóc lên đầu mình lại, tiếp tục thưởng trà nghe kịch trong yên lặng.
Hết chương 17.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...