Nhưng lần đầu tiên quan sát kĩ cái xuồng thì tôi chưa nhìn ra chi tiết mình cần cả. Mặt ghế chạy liên tục từ đuôi sang hai bên xuồng, cũng như cái vách đứng của các thùng phao. Mặt sàn nằm phẳng phiu sát đáy xuồng; không thể có khoang giấu đồ bên dưới, chắc hẳn không có một hộc tủ, một cái thùng hay bất kỳ thứ gì đựng đồ ở chỗ nào trên xuồng. Chỉ thấy các bề mặt nhẵn thin liền liền nhau mầu da cam.
Tôi đâm ra nghi ngờ khả năng của các thuyền trưởng và đám nhà thầu. Hy vọng sống sót của tôi lụi dần. Chỉ có cơn khát là y nguyên.
Nhưng biết đâu đồ dự trữ họ để ở mũi xuồng, bên dưới tấm bạt thì sao? Tôi quay người bò trở lại, cảm thấy mình là một con thằn lằn đang chết khô. Tôi dúi mạnh tấm bạt. Nó rất căng. Nếu cuộn được nó lên, tôi sẽ với được đồ dự trữ có thể cất ở phía dưới. Nhưng có nghĩa là sẽ tạo ra một cái cửa xuống sào huyệt của Richchard Parker.
Thây kệ. Cơn khát thúc giục tôi. Tôi rút nhẹ cái chèo ra khỏi bên dưới tấm bạt. Tôi quàng cái phao vào người. Tôi đặt cái chèo nằm ngang trên mũi xuồng. Tôi tì lên mui xuồng và dùng ngón tay cái cố ấn cho cái dây chằng bạt tuột ra khỏi một cái móc. Thật khó khăn. Nhưng sau cái móc đầu, cái thứ hai đã dễ dàng hơn và cái thứ ba còn dễ nữa. Tôi làm như vậy ở phía bên kia mũi xuồng. Tấm bạt chùng xuống dưới khuỷu tay tôi. Tôi nằm bẹp ở trên, hai chân chĩa về phía đuôi xuồng.
Tôi cuốn tấm bạt lên một chút. Ngay lập tức được đền bù công sức đã bỏ ra. Cũng như đằng đuôi, mũi xuồng cũng có ghế. Và trên mặt ghế, chí cách mũi xuồng độ dăm bảy phân, là một cái chốt cửa sáng óng ánh như kim cương. Nhìn rõ đường viền của một cái nắp đậy. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch. Tôi cuốn tấm bạt thêm một chút nữa. Tôi ghé xuống nhìn. Cái nắp hình chữ nhật có bốn cạnh lượn tròn, rộng chín mươi phân và sâu tám mươi phân. Đúng lúc đó tôi nhận ra một khối to màu da cam. Tôi thụt ngay đầu lên trên. Nhưng cái đám da cam ấy không động đậy, và trông nó không ra sao. Tôi lại thò đấu xuống. Không phải đó là con hổ mà là một cái áo phao cấp cứu. Có một lô áo phao ở sau sào huyệt của Richard Parker.
Một cơn ớn lạnh chạy khắp người tôi. Giữa các áo phao đó, như thế giữa một đám lá cây, tôi nhìn thấy rõ ràng lần đầu tiên hình ảnh thấp thoáng của Richard Parker. Tôi thấy rõ hai cái vai nhô lên và một phần lưng của nó. Vằn vện nổi bật và kềnh càng trước mắt. Nó nằm sấp, quay mặt về phía đuôi xuồng. Nó nắm im, chỉ thấy hai bên sườn phập phồng theo nhịp thở. Tôi hấp háy mắt, không thể tin rằng nó gần tôi đến thế. Nó ngay kia, dưới tôi chỉ năm sáu mươi phân. Tôi có thể với tay cấu đít nó được. Giữa chúng tôi chỉ là một tấm bạt mỏng.
“Thượng đế hãy thương lấy con!” Không có lời nguyện nào lại thống thiết mà nhỏ nhẹ như vậy trong hơi thở của tôi. Tôi nằm bất động tuyệt đối.
Tôi phải có nước uống. Tôi đưa tay xuống và lẳng lặng gỡ cái chốt. Tôi kéo cái nắp lên.
Thì là một cái tủ hẳn hoi.
Tôi đã nhắc đến chuyện nhận ra những chi tiết cứu mạng. Đây là một: bản lề của cái nắp tủ chỉ cách mép ghế vài phân – có nghĩa là khi mở lên, nó sẽ thành một cái vách ngăn kín hết khoảng trống ba chục phân giữa mặt ghế và mui xuồng che bạt, chắn giữa tôi với đống áo phao rồi đến chỗ Richard Parkẻ. Tôi mở cái nắp lên cho đến khi nó dựa được vào cái chèo bắc ngang mui và mép bạt. Tôi chuyển mình lên trên sống mũi xuồng, quay mặt vào trong, một chân đặt lên mép cái tủ đã mở nắp, chân kia lên cái nắp đã mở. Nếu Richard Parker định tấn công tôi từ phía dưới, nó sẽ phải đẩy cái nắp. Tôi sẽ biết ngay và đủ thời gian rút lên và nhào ngửa người xuống biển với cái phao. Nếu nó đi đường khác, trèo lên trên tấm bạt từ phía đuôi xuồng, tôi sẽ nhìn thấy nó ngay từ sớm và cũng kịp nhào xuống biển. Tôi nhìn quanh xuồng. Không thấy có cá mập.
Tôi ngó xuống giữa hai chân. Tôi tưởng mình sẽ ngất đi vì sung sướng. Cái tủ lấp lánh toàn những thứ mới tinh, bóng nhoáng. Chao ôi, niềm khoái lạc của sản phẩm công nghiệp, những vật dụng do chính con người làm ra, những sáng tạo phẩm! Cái giây phút phát ngộ vật chất ấy đem lại một khoái cảm mãnh liệt – một trộn lộn chóng mặt của hy vọng, ngạc nhiên, ngỡ ngàng, ngây ngất, và lòng biết ơn, tất cả nghiền vào một món quà – hay hơn bất kì món quà nào khác mà cả đời tôi đã được nhận trong các dịp giáng sinh, sinh nhật, cưới xin, và các kì lễ lạt khác. Tôi thực sự hoa mắt chóng mặt vì hạnh phúc.
Mắt tôi lập tức nhìn thấy cái đang tìm. Cho dù đóng chai, đóng hộp kim loại hay hộp giấy, bao bì nước uống không có thể nhầm lẫn được. Trên cái xuồng cứu nạn ấy, món rượu vang của sự sống được cung phụng trong các hộp kim loại mầu vàng nhạt nằm vừa khít tay. Nhãn hiệu bằng chữ đen để rõ Nước uống. Tên công ty sản xuất: HP Foods Ltd. 500 mili lít một hộp. Có hàng dãy hộp như thế. Nhiều quá không thể liếc một cái mà đếm hết ngay được.
Tay run lẩy bẩy, tôi với xuống nhặt lên một hộp. Vừa sờ vào đã mát lạnh và nặng trĩu tay. Tôi lắc nó. Các bọt khí bên trong phát ra tiếng kêu ọc ọc ọc. Tôi sắp sửa được cứu thoát khỏi cơn khát hỏa ngục này. Mạch tôi rộn lên với ý nghĩ đó. Tôi chỉ việc mở cái hộp nước.
Tôi dừng lại. Mở nó thế nào đây?
Tôi có một cái hộp – chắc tôi phải mở được nó chứ? Tôi nhìn vào tủ. Có biết bao nhiêu là thứ. Tôi lục lọi. Tôi mất bình tĩnh. Kì vọng lắm tất thất vọng nhiều. Tôi phải uống ngay bây giờ, nếu không tôi sẽ chết. Tôi không thể tìm thấy cái dụng cụ mình muốn. Nhưng không thể mất thời giờ buồn bực. Cần phải hành động. Dùng móng tay được chăng? Tôi thử. Không thể được. Dùng răng chăng? Thử cũng vô ích thôi. Tôi nhìn lên mép xuồng. Những cái móc bao bạt. Ngắn, cùn, chắc chắn. Tôi quỳ lên mặt ghế và nghiêng người ra ngoài. Giữ cái hộp bằng cả hai tay, tôi thúc mạnh nó lên vào một cái móc. Một vết lõm kha khá. Tôi thúc cái nữa. Thêm một vết lõm nữa. Cứ thế tôi làm thủng cái hộp. Một hạt châu nước xuất hiện. Tôi liếm nó luôn. Tôi quay cái hộp và thúc đầu kia lên móc. Tôi thúc như quỷ. Tôi đục được một cái lỗ to hơn. Tôi ngồi lại xuống mũi xuồng. Tôi giơ cái hộp lên trên mặt. Tôi há miệng. Tôi nghiêng hộp.
Có thể tưởng tượng ra những cảm giác của tôi lúc đó, nhưng khó có thể mô tả chúng. Theo nhịp ừng ực của cổ họng tham lam, dòng nước tinh khiết, ngon lành, đẹp đẽ và trong vắt như pha lê chảy vào cơ thể tôi. Nước của sự sống, đúng thế. Tôi dốc cạn cái chén vàng ấy cho đến giọt cuối cùng, mút mát cái lỗ thủng cho thật hết cả những ẩm ướt còn lại. Tôi thốt lên “Aaaaaaaa!”, ném cái hộp xuống biển và lấy một hộp nữa. Tôi mở nó cũng như cái hộp kia và nốc cạn nó cũng nhanh chẳng kém. Rồi lại quẳng nó xuống biển và mở một hộp khác. Cũng lại nhanh chóng bị ném xuống biển. Rồi lại thêm một hộp nữa. Tôi uống hết bốn hộp, hai lít thuốc trường sinh tuyệt vời nhất, rồi mới chịu thôi. Người ta sẽ nghĩ uống vội vàng sau khi đã chịu khát kéo dài như thế có thể sẽ làm đảo lộn cơ thể. Nhảm nhí cả! Tôi chưa bao giờ thấy dễ chịu như vậy. Cứ sờ lông mày tôi thì thấy! Trán tôi ướt đẫm những giọt mồ hôi tươi mới, sạch sẽ và mát lạnh. Mọi thứ trong tôi, đến tận các lỗ chân lông, đều biểu lộ vui mừng.
Cảm giác khỏe khoắn nhanh chóng đến với tôi. Mồm miệng tôi ẩm và mềm mại. Quên sạch cả cái cổ họng. Da cũng mềm đi, các khớp cử động dễ dàng. Tim tôi bắt đầu đập như một cái trống vui mừng và máu bắt đầu chảy qua huyết mạch như đoàn xe đám cưới inh ỏi bóp còi chạy qua các thành phố. Sức lực và phản xạ nhanh nhạy trở lại trong cơ bắp tôi. Đầu óc tôi sáng suốt hẳn ra. Quả thực, tôi vừa từ cõi chết trở về. Vinh hiển thay! Để tôi nói bạn nghe, say rượu là một điều xấu hổ, nhưng say nước là một niềm si cuồng đáng quý. Trong nhiều phút đồng hồ, tôi đắm mình tận hưởng đến cùng.
Rồi tôi cảm thấy một cái gì đó trống rỗng. Tôi sờ bụng. Một cái hõm sâu cứng nhắc. Có cái gì ăn thì tốt. Một đĩa chả chay mềm có rưới nước sốt dừa! Một đĩa cary rau đậu! Ôi chao! Tôi đưa cả hai tay lên miệng – hoặc giá được một đĩa bánh bột lọc mẹ vẫn làm! Nghĩ đến đó, hai hàm răng tôi bỗng đau lên và nước bọt ứa ra xối xả. Bàn tay phải tôi bắt đầu xoay xoay. Nó cứ thế bốc những miếng bánh tròn bèn bẹt làm bằng bột lọc trong trí tưởng tượng. Nó để các ngón tay tha hồ bấm sâu vào làn bột mềm nóng hổi… Nó nắn, vê một cái bánh thấm đẫm nước sốt… Nó đưa cái bánh ấy lên miệng… Tôi nhai… Ôi chao, thật đau đớn mà cũng thật tuyệt diệu.
Tôi sục vào cái tủ. Tôi tìm thấy nhiều hộp giấy đựng các suất đồ ăn cấp cứu tiêu chuẩn của hãng Seven Seas, làm tận Bergen, Na Uy. Mỗi suất đề là có thể bù cho chín bữa chưa được ăn gì, từng gói nửa ký, chắc nịch, đóng gói chân không trong giấy nhựa mầu bạc có in chi chít các hướng dẫn sử dụng bằng mười hai thứ tiếng. Bằng tiếng Anh, hướng dẫn nói suất ăn này có mười tám cái bánh quy làm bằng bột mì nướng, mỡ động vật và đường glucô, không được ăn quá sáu cái trong vòng hai mươi bốn giờ. Khổ nhất là nó cả mỡ động vật. Nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt như thế, cái phần chay tịnh trong con người tôi chỉ có cách bịt mũi mà ăn đại đi thôi.
Trên gói có chỗ đề: Bóc ở chỗ này để mở, với một cái mũi tên đen chỉ vào mép nhựa. Tôi xé toạc chỗ đó ra. Chín cái gói vuông vắn bọc gói nên rơi ra. Nó tự động tách làm đôi. Hai cái bánh quy gần như vuông vắn, màu nhạt, mùi thơm. Tôi cắn một cái. Lạy Chúa tôi, ai mà biết được. Tôi không tưởng tượng nổi. Tôi vừa khám phá một bí mật: đồ ăn Na Uy là ngon nhất thế giới! Những cái bánh quy ấy ngon một cách kỳ lạ lùng. Chúng vừa đậm đà thơm ngon vừa tinh tế, không ngọt quá cũng không mặn quá. Chúng vỡ ra giữa hai hàm răng với một tiếng động giòn tan. Trộn với nước bọt, chúng thành một thứ bột bánh vẫn còn độ rất vừa vặn. Và khi tôi nuốt, bụng tôi chỉ còn biết reo lên một chữ: Hallelujuah! ( 1 )
Cả hộp hết veo trong vòng vài phút, giấy gói tơi tả bay theo gió. Tôi định mở một hộp nữa, nhưng lại thôi. Kiềm chế một chút bao giờ cũng tốt. Hơn nữa, với nửa ký thức ăn cấp cứu trong bụng, tôi thấy no thực sự.
Tôi quyết định phải biết rõ có những thứ gì trong cái hòm châu báu của mình. Đó là một cái tủ to, trong lòng rộng hơn phạm vi cái nắp nhiều, vào hẳn đến vỏ xuồng và lan ra đến quá vị trí của hai cái ghế bên một chút. Tôi thò cả hai chân xuống lòng tủ và ngồi trên mép nó, lưng dựa vào cái sống nhô ra của mũi xuồng. Tôi đếm các hộp Seven Seas. Tôi đã ăn mất một, vẫn còn ba mươi hộp nữa. Theo như hướng dẫn, mỗi hộp 500 gram là đủ dinh dưỡng cho một người sống được ba ngày. Có nghĩa là tôi có đủ thức ăn dự trữ để sống trong 31 nhân 3 là chín mươi ba ngày! Hướng dẫn cũng khuyên chỉ nên uống nửa lít nước một ngày. Tôi đếm các hộp nước. Có một trăm hai mươi tư hộp. Mỗi hộp nửa lít. Vậy là tôi có đủ nước uống trong một trăm hai mươi tư ngày. Chưa bao giờ những phép tính số học đơn giản lại đem đến cho tôi một niềm hỉ hả như vậy.
Còn những gì nữa nào? Tôi hăm hở khoắng tủ và mang ra hết thứ này đến thứ khác, cái gì cũng kì diệu cả. Tôi thêm bạn đồng hành và cảm giác được an ủi đến xót xa và mỗi khi chăm chú nâng một món đồ ấy trên tay, chúng không còn là hàng hóa được sản xuất hàng loạt nữa mà trở thành một cái gì đó thật đặc biệt và chỉ cho riêng tôi. Tôi lẩm bẩm luôn mồm: “Cám ơn! Cám ơn! Cám ơn!”
Ghi chú
( 1 ) Hallelujuah: Câu ngợi ca Chúa của người Cơ đốc giáo ( ND )
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...