Công Viên Nhỏ FULL


Edit: yin
“Gửi Lý Quỳ Nhất.

Cô rất vui khi em sẵn lòng thảo luận với cô về chủ đề “yêu và được yêu”.

Thật tình cờ, cô cũng đã xem bộ phim “Sắc Giới” và từng xúc động trước tình yêu của Vương Giai Chi và ngài Dịch trong phim.

Cô nghĩ rằng, cảnh phim thể hiện rõ nhất tình yêu là khi ở trong quán rượu của người Nhật, Vương Giai Chi hát bài “Thiên Nhai Ca Nữ” cho ngài Dịch nghe, cả hai nhìn nhau rất lâu và thật sự bước vào thế giới nội tâm của đối phương.
Tại sao cô lại đặc biệt nhắc đến cảnh này? Vì cô nghĩ rằng, thấu hiểu, chính là bản chất của tình yêu.
Con người như là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, từ khi sinh ra đã có nhu cầu tình cảm “được thấu hiểu”; hơn nữa trong quá trình “được thấu hiểu” đó, họ sẽ xây dựng lên sự nhận thức vững chắc về bản thân.

Như Klein đã nói, tồn tại nghĩa là được cảm nhận.

Từ khía cạnh này, cả cuộc đời con người chính là một quá trình hoàn thành bài học về việc được yêu thương.
Tuy nhiên, để được nhìn thấy và chấp nhận hoàn toàn là một điều rất lý tưởng.

Thực tế hơn, trong các mối quan hệ thân mật, con người yêu nhau nhưng lại không yêu chính con người thật của nhau.

Ngay cả trong tình thân ruột thịt ràng buộc, chúng ta thường thấy rằng bố mẹ yêu con cái nhưng lại không yêu đứa trẻ thực sự tồn tại đó, họ không hiểu nhu cầu thực sự của chúng, và ngược lại cũng vậy.

Nói như vậy, có vẻ như đang đẩy chủ đề này sang hướng đoan khác, giống như được yêu thương là chuyện cần phải có sự may mắn cực kỳ lớn lao, có cảm giác bi quan như “được thì may mắn, không được thì chấp nhận”.

Nhưng đừng quên rằng, chúng ta là một con người, bản thân chúng ta cũng chính là chủ thể của tình yêu, cũng có thể tự khám phá, tìm ra và chấp nhận bản thân mình.

Việc làm tốt điều này còn quan trọng hơn cả việc tìm kiếm tình yêu từ người khác, vì chỉ khi chúng ta thấy rõ chính mình thì chúng ta mới có thể biết được ai thật sự phát hiện chúng ta.

Hơn nữa, khi chúng ta có thể toàn tâm toàn ý chấp nhận bản thân, thì việc có được người khác nhìn thấy hay không, có lẽ không còn quan trọng nữa.
Nhưng vào thời điểm này, cô muốn nói với em rằng, cô đã thấu hiểu cậu rồi!
Chúc em mọi điều tốt lành, Lý Quỳ Nhất mà cô tự hào.”
Nhật ký tuần mở trên bàn, trang này đã bị ướt bởi những giọt nước mắt rơi xuống tí tách.

Lý Quỳ Nhất cũng không biết tại sao, mùa mưa của thành phố Liễu Nguyên đã qua, nhưng nước mắt cô vẫn nhiều như thế, hốc mắt giống như dòng sông không bao giờ cạn.
Cô thật may mắn khi được một giáo viên như Lưu Tâm Chiếu thấu hiểu.
Con đường mà cô giáo đi cũng không hề dễ dàng, phải không? Lý Quỳ Nhất vừa mới biết được từ một bài báo tuyên truyền về chính sách “sư phạm miễn phí” ngày xưa rằng, Lưu Tâm Chiếu từ nhỏ đã sống với bà ngoại, cuộc sống rất khó khăn; may mắn là trong thời gian học cấp ba, giáo viên chủ nhiệm của cô ấy rất tốt, thường xuyên giúp đỡ cô ấy.

Vì vậy, khi điền nguyện vọng đại học, mặc dù có thể xin vay học phí của nhà nước để giảm bớt gánh nặng học phí, nhưng Lưu Tâm Chiếu vẫn chọn học ngành sư phạm không mất học phí tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh và làm theo cam kết, sau khi tốt nghiệp, cô giáo sẽ phải quay lại thành phố nhỏ này để dạy học.
Trong bài báo đó, tên của cô giáo vẫn là Trương Thiến Nam.

Lúc này, Lý Quỳ Nhất mới nhớ lại lần cô gặp Lưu Tâm Chiếu và bà ngoại của cô giáo ở một quầy sách bán tạp trí ngoài trường.


Bà ngoại khi khoe đã nói một câu “Bé con nhà chúng ta”1.

Khi đó, cô còn ngạc nhiên vì nghe giọng bà ngoại là người địa phương, mà ở đây không có thói quen gọi con gái là “bé con”.

Hóa ra không phải là “bé con” mà là “Nam Nam”. 
Vì lý do cá nhân, Lý Quỳ Nhất rất nhạy cảm với những cái tên như vậy, và kết quả cũng chứng minh sự nhạy cảm của cô… Lưu Tâm Chiếu đã thay đổi tên của mình.

Theo những chi tiết nhỏ được tiết lộ trong bài báo đó, “Lưu” có thể là họ của bà ngoại cô giáo.
Tại sao họ đều phải trải qua những điều như thế này?
Lý Quỳ Nhất tựa lưng vào ghế, đầu ngửa ra sau, nhìn chằm chằm vào trần nhà trắng xóa.
Một loại “tội nguyên thủy” của giới tính, nó như một cái lồng lớn, cô, cô giáo, họ, đều không thể thoát ra.

Thật khó để nói có người phụ nữ nào thực sự thoát ra khỏi nó, ngay cả Phương Tri Hiểu là con một thì cũng vậy.

Vì Lý Quỳ Nhất nghĩ đến việc các bạn học gọi giáo viên thể dục là “anh Lâm”, nghĩ đến các nam sinh trong lớp thể hiện sự ngự trị vô thức trước mặt nữ sinh, nghĩ đến mối quan hệ ba đời rạn nứt giữa bà nội, mẹ cô và cô, nghĩ đến mô hình nam mạnh nữ yếu trong quan hệ hôn nhân truyền thống mà Hạ Du Nguyên đã đề cập, nghĩ đến việc cô nói về sự chuyển dịch trọng tâm cuộc sống của phụ nữ sau khi bước vào quan hệ hôn nhân khi cãi nhau với Phương Tri Hiểu…Tất cả những điều này ập đến, khiến cô nghẹt thở và không thể lừa dối bản thân mình thêm nữa.
Vậy thì, đây không phải là ngẫu nhiên, đúng không?
Những điều cô đã trải qua trước đây phần lớn đều là sự thiên vị giới tính mang tính bạo lực và hiển nhiên, nhưng bây giờ cô nhận ra rằng, những quy tắc giới tính không bạo lực và ẩn hình thậm chí còn phổ biến hơn và khó nhận thấy hơn.
Lý Quỳ Nhất thẳng người, cầm bút trên bàn, sau đó mở trang nhật ký mới nhất, sắp xếp viết ra từng việc từ gia đình đến trường học, rồi chuyển sang xã hội.


Ở cuối nhật ký, cô vừa suy nghĩ vừa viết: “Tôi từng nghĩ rằng, điều tôi không có chỉ là tình yêu từ gia đình, nhưng bây giờ tôi phát hiện ra rằng, điều tôi thực sự phải đối mặt là sự mất quyền mang tính tập thể của phụ nữ ở mỗi khía cạnh xã hội.”
Viết xong, Lý Quỳ Nhất thở dài một hơi.
Cô nghĩ, nếu cô phát hiện ra bản chất của những hiện tượng này sớm hơn, cô nhất định sẽ rơi vào tuyệt vọng lớn.

Đối mặt với những rào cản sâu sắc và khắp nơi như thế này, với sức lực nhỏ bé của mình, cô không thể thay đổi được gì.

Nhưng có lẽ vì gần đây cô đã trải qua quá nhiều và suy nghĩ quá nhiều nên trong lòng cô lại nảy sinh một quyết tâm mạnh mẽ, cô tin rằng, chỉ cần cô nhận thấy cô chính là “cô ”, thì sự tồn tại của cô đã là một sức mạnh.
Cô là gì, tương lai sẽ là như thế.
“Đúng không?”
Lý Quỳ Nhất viết trong nhật ký hỏi Lưu Tâm Chiếu.
Đặt bút xuống, Lý Quỳ Nhất cảm giác sảng khoái tràn ngập khắp cơ thể, đó là một niềm vui “đấu với trời, đấu với đất, đấu với người, vui vô cùng”, giống như khi cô còn nhỏ, cứng đầu cứng cổ và cãi nhau với bà nội vậy.

Lý Quỳ Nhất nghĩ cô vẫn quá hiếu thắng, nhưng thế thì sao chứ?
Trưa hôm sau, sau khi tiếng chuông tan học reo lên, Lý Quỳ Nhất chạy đến cửa hàng bún chua cay Nhiêu Ký ngoài trường.

Đã lâu rồi cô không đến đây ăn, quán vẫn đông như trước, người chen chúc kín cả ngoài cửa.
Phương Tri Hiểu cũng chen lấn bên trong, dáng người nhỏ nhắn, suýt bị nhấn chìm vào đám đông.
Lý Quỳ Nhất nhìn chằm chằm vào bóng lưng cô nàng một lúc, rồi bất giác nhớ lại thời cấp 2.

Vừa tắm xong, tóc mới sấy khô nửa, cả hai chen chúc nằm trên một chiếc giường hẹp và cùng đọc chung một cuốn tiểu thuyết.


Cơ thể họ tỏa ra mùi hương của sữa tắm giống nhau, thỉnh thoảng tóc ướt rơi lên da cổ của đối phương, cảm giác ẩm ướt, dính dính, hơi thở cũng quẩn quanh trên người đối phương.
Trong thời kỳ thanh xuân khép kín và đầy khao khát đó, họ là tấm gương phản chiếu lẫn nhau, quan sát cơ thể của đối phương, hiểu sở thích của nhau, ghen tỵ với những gì đối phương có, và bù đắp những thiếu sót của đối phương.
Tình bạn sinh ra trong môi trường đặc thù của trường học này, cô không biết nó sẽ kéo dài bao lâu, nhưng cô chỉ muốn níu giữ lấy thôi.
“Phương Tri Hiểu!” cô gọi một tiếng.
Phương Tri Hiểu quay đầu lại, khi nhìn thấy cô, cô nàng cúi đầu, miệng méo xệch, đáng thương dùng khẩu hình nói: “Không chiếm được chỗ ngồi.”
Lý Quỳ Nhất đứng đó, tay đút trong túi áo khoác đồng phục, hơi nghiêng đầu, đôi mắt trong veo nhìn chằm chằm vào cô nàng, ánh mắt vừa khó chịu vừa lưu luyến.
Phương Tri Hiểu chen ra khỏi đám đông, chạy “huỳnh huỵch” đến trước mặt cô, ngẩng mặt lên: “Xin lỗi cậu.”
Lý Quỳ Nhất hừ một tiếng, quay mặt đi.
Phương Tri Hiểu lại dí mặt vào gần, vẫn ngẩng lên, chớp chớp mắt: “Xin lỗi mà.”
Lý Quỳ Nhất lại quay mặt sang hướng khác.
Phương Tri Hiểu trực tiếp áp sát vào cô, đầu như gắn radar mà xoay theo cô.

Lý Quỳ Nhất né tránh, đồng thời cố gắng ngửa đầu ra sau, tóc đuôi ngựa quét qua quét lại trên lưng, trên mặt cô bất giác thoáng nở nụ cười.
“Xin lỗi, cậu tha thứ cho mình đi, cậu cứ coi như người nói những lời đó không phải là mình, mà là một con chó nhỏ cũng tên là Phương Tri Hiểu, được không?”
Ôi, thế này thì không còn cách nào nữa, cô thật sự là kiểu người dễ bị dụ bởi mấy con chó nhỏ mà. 
Lý Quỳ Nhất bất đắc dĩ nghĩ.
Nhưng không bao lâu sau, Lý Quỳ Nhất bắt đầu hối hận, cô cảm thấy trong quá trình Phương Tri Hiểu xin lỗi, cô đã không thể hiện một cách hoàn hảo.

Theo dự đoán của cô, họ nên có một cuộc trò chuyện đầy nước mắt, sau đó Phương Tri Hiểu sẽ khóc lóc thảm thiết mà gào to xin lỗi cô, và nếu cô thấy cô ấy đủ chân thành, cô sẽ tha thứ cho cô nàng.
******
Chú thích:Nguyên văn là 囡囡 “bé con” (cách thân mật để gọi trẻ em), nhưng tên chính xác là 楠楠, hai tên này là từ đồng âm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui