"Cha, cha thấy ngôi chùa phía trước không? Là chùa Tây Như đấy. Cha, sau này cha sẽ ở chùa Tây Như này nghe giảng kinh Phật, tiện thể tu hành luôn nhé, con sẽ thường xuyên tới thăm cha. Cha, con đã lập gia đình rồi, cũng sinh một đứa bé trai, cha chắc hẳn sẽ rất hài lòng. Cha, tới chùa Tây Như rồi. Chúng ta xuống xe thôi. Cha, cha phải theo sát nhé. Cha, phải theo sát nhé."
Cha, cậu con trai may mắn nhất trên thế giới xuất hiện năm con học năm thứ tư, anh ấy tên Văn Hiền.
Tên con và tên anh ấy hợp lại là "văn tĩnh" và "hiền tuệ". (lặng lẽ và thông tuệ)
Suy nghĩ đầu tiên của con khi lên học đại học ở Đài Bắc là cố gắng không nhận tiền của mẹ.
Bốn năm học đại học con đều ở ký túc xá, ngày ba bữa đều ăn tại cửa hàng ăn của trường học cho thuận tiện.
Ngoại trừ thi thoảng một mình đi xe bus ra ngoài thành phố đi dạo, con hầu như không ra ngoài chơi đùa gì.
Hoạt động đón tân sinh viên của khoa, con không tham gia.
Hoạt động vui chơi của khoa trong bốn năm, con không tham gia đến một lần.
Có vài bạn học vì vậy mà nói con không thích giao tiếp, con cảm thấy thật có lỗi với họ, nhưng cũng chỉ mong họ tha lỗi.
Nếu cha thấy đôi tay trải qua biết bao gió bão phong suơng, hẳn cha cũng hiểu cho chuyện không thích giao tiếp của con.
Con học hành rất chăm chỉ, vì nếu thành tích tốt, xin học bổng cũng dễ dàng hơn.
Học phí mỗi học kỳ con đều xin quỹ khuyến học cho vay, dự định sau khi tốt nghiệp bắt đầu đi làm thì trả lại khoản tiền này.
Con trong hệ là sinh viên vừa học vừa làm, mỗi tháng có thể kiếm được vài ngàn đồng tiền công.
Tuy chuyện tình yêu có thể nói là chuyện tất yếu trong đại học, nhưng con chẳng hứng thú gì với việc có bạn trai, cũng chẳng có thời gian.
Để ngăn chặn những chuyện phức tạp không cần thiết, khi gặp người khác phái tôi luôn xị mặt
Khi học năm thứ hai, có hôm tôi đang học ở hệ vừa làm vừa học, có bạn học len lén đưa tôi tờ giấy.
Tôi cúi đầu nhìn, trên giấy viết:
"Anh nguyện dùng một vạn năm, đợi em mỉm cười như ánh mặt trời ấm áp đầu xuân."
Tôi ngẩng đầu lên nhìn qua phía anh, là một cậu con trai rất tự tin, kiểu tóc với cách ăn mặc đều thật tuấn tú.
"Là vì cậu không có một vạn năm cho nên mới nói vậy." Tôi nói.
"Hả?" Cậu ta ngạc nhiên.
"Nếu anh thật sự có một vạn năm, anh mới không nguyện dùng nó để chờ nụ cười của tôi." Tôi nói.
"Mấy chữ này rất động lòng người, nhưng tình cảm hoàn toàn không chân thành, làm gì có ai dùng thứ mình vốn không có để đổi lấy cái mình muốn. Câu này phải thay vài chữ."
"Cái này..." Bạn học kia muốn nói lại thôi.
"Nếu đem một vạn năm đổi thành một giờ, sau đó thật chân thành, yên lặng đợi nụ cười của cô gái kia, tôi nghĩ cô gái ấy hẳn sẽ rất cảm động." Tôi đưa trả tờ giấy lại cho anh. "Cho cậu tham khảo đấy."
Cậu ta vẻ mặt bối rối, sau khi cầm tờ giấy lập tức quay người ra khỏi lớp học.
Từ đó về sau, bạn học trong khoa đặt cho tôi một biệt danh – cô nàng sắt đá.
Ý là người muốn theo đuổi tôi chẳng khác nào đụng đầu vào đá.
Biệt danh này đối với tôi có thể nói là bùa hộ mạng, có thể ngăn cản nam sinh theo đuổi.
Nhưng trong trường rất nhiều nam sinh viên, ngoài trường nam sinh lại càng nhiều, bọn họ không biết biệt danh này.
May là tôi không tham gia hoạt động, cũng không gia nhập câu lạc bộ, lại ở ký túc xá, rất ít khi ra ngoài.
Thời gian nhàn rỗi đa phần dùng để làm bài tập và đọc sách, vì vậy cơ hội gặp người khác phái cực ít.
Ngay cả như vậy, thi thoảng tôi vẫn có người theo đuổi.
Năm thứ ba, có một anh chàng mỗi đêm đều chờ ở cửa ký túc xá tặng hoa cho tôi nhưng rốt cuộc tôi vẫn lắc đầu từ chối.
Chỉ cần tôi lắc đầu ý bảo không nhận hoa, anh ta bèn cười một cái rồi tiện tay ném bó hoa đi.
Sau đó nhét hai tay vào túi, quay người đi khỏi, cũng không quay đầu lại.
Đêm nào anh ta cũng tới, hơn nữa số hoa trong bó cũng ngày càng nhiều.
Mãi tới tối thứ bảy, rốt cuộc tôi không nhịn nổi nữa, lúc anh ta quay người định đi, tôi bèn gọi lại.
"Sao vậy?" Anh ta ngừng bước, quay người lại đối diện với tôi, mỉm cười.
"Cha mẹ anh kiếm tiền chẳng dễ, đừng phung phí như vậy." Tôi nói. "Có lẽ anh cho rằng làm vậy rất ngầu, rất tiêu sái, nhưng hành vi này ngược lại lại lộ ra khuyết điểm trí mạng của anh."
"Khuyết điểm gì?" Khuôn mặt anh ta vẫn giữ nụ cười.
"Người chẳng quý trọng hoa, chắc hẳn cũng không quý trọng cô gái như bông hoa."
"Cái này..." Nụ cười của anh ta cứng lại.
"Sau này có chơi trò ngầu thì nhớ kỹ điểm này." Tôi nói. "Nói cho anh tham khảo."
Đêm thứ tám, anh chàng kia không xuất hiện nữa, tôi rốt cuộc cũng thở phào một hơi.
Năm thứ tư đại học, học viện chúng ta có một chuyến thực tế ngoài trường học.
Đối tượng tham gia là sinh viên năm thứ tư trong khoa, hơn nữa lại miễn phí, tôi bèn tham gia.
Buổi trưa khi dùng cơm, mười người dùng chung một bàn ăn, đa số các bàn thì mọi người trên bàn đều cùng khoa.
Nhưng trong bàn của tôi có một nam sinh khoa ngoài.
Trong các món ăn có một món là cá, khi có người dịnh lật cá để ăn, tôi bật thốt lên một tiếng.
"Tĩnh Tuệ." Bạn cùng phòng ngồi cạnh tôi hỏi: "Sao vậy?"
"Ở quê tôi, ăn cá tuyệt đối không được lật." Tôi nói. "Người ta kiêng cái này."
"Chuyện này tôi biết." Nam sinh lật cá cười nói: "Nghe nói lật cá thì sẽ lật thuyền."
"Lật cá thì sẽ lật thuyền?" Một nam sinh khác cười nói. "Đúng là mê tín quá mức rồi."
"Cô nàng sắt đá ở nông thôn, vốn có rất nhiều điều mê tín với kiêng kỵ." Nam sinh thứ ba cũng cười to.
"Có điều chúng ta đã lật con cá này rồi, vậy rốt cuộc cái thuyền nào sẽ lật?"
"Ở đây có nhiều bàn lật cá thế này, không khéo mai trên trang nhất các báo là tin một loạt thuyền bị lật."
Người thứ tư là nữ, là người cùng khoa với chúng tôi.
"Tớ lật cá về là được chứ gì." Nam sinh vừa lật cá lại lật nó lại một lần nữa. "A? Thuyền đáng lẽ bị lật nhưng lại lật lại, sợ bóng sợ gió một hồi rồi."
Sau khi nói xong, gần như tất cả mọi người đều mỉm cười.
"Được rồi!"
Nam sinh duy nhất ở hệ ngoài đột nhiên vỗ bàn một cái, trên bàn lao xao một hồi.
Mọi người trên bàn chúng tôi đều ngạc nhiên, tiếng cười ngưng bặt lại.
Ngay cả bàn bên cạnh cũng nhìn sang với ánh mắt hiếu kỳ.
"Các cậu có hiểu cảm xúc của những người sống ven biển không?"
Cậu bạn vừa vỗ bàn sắc mặt tái mét, tuy giọng điệu bình thản nhưng dường như đang cố nén cơn giận.
"Trong biển rộng mịt mờ, sinh mạng rất mỏng manh. Sóng gió đột nhiên kéo đến chẳng chút dấu hiệu, gặp phải mạch nước ngầm không biết cũng có thể bị lật thuyền. Một khi thuyền lật vậy chỉ có nước táng thân trong biển rộng, vậy vợ con đang ở nhà đau khổ chờ đợi mình bình an trở về nên làm gì?
"Các cậu có hiểu cảm xúc của vợ con đợi chồng, đợi cha trở về không? Cậu ta lại hỏi.
"Chỉ cần thuyền cập cảng, họ sẽ tới gần bến tầu ngóng đợi. Chỉ cần hơi chậm một chút, họ sẽ lâm vào cơn khủng hoảng, miệng thì thào tự nói: tổ tiên phù hộ. Nếu thuyền bình an về cảng, trên bến tàu khắp nơi đều là cảnh sung sướng vui vẻ của người chồng một tay nắm tay vợ, một tay ôm con cái. Đối với những người bắt cá mà nói, đánh bắt được nhiều chỉ là thứ yếu, bình an trở về mới là quan trọng nhất."
"Chỉ cần người thân đang trên biển, người nhà sẽ nơm nớp lo sợ, nhưng người thân lại phải quanh năm suốt tháng trên biển. Mỗi khi thấy cá lại nhớ tới thuyền, những người đánh cá lo nhất là lật thuyền, vì vậy khi ăn cá họ không dám lật cá, sợ nó gợi ra nỗi sợ hãi ở sâu nhất trong đáy lòng. Người ở cạnh biển nhưng không đánh bắt cá để sống có thể thông cảm cho cảm xúc đó, vì vậy bọn họ cũng không lật cá. Dần dà mới hình thành nên thói kiêng không lật cá khi ăn của người dân miền biển. Tuy nói là kiêng kỵ nhưng thật ra là một loại cảm xúc. Một loại cảm xúc mong bản thân bình an trở về sum họp với vợ con hay hy vọng người thân bình an trở về."
"Các cậu có biết mình đang cười nhạo cảm xúc đó không? Các cậu có biết không?"
Cậu ta như ngồi không yên, đứng dậy nói: "Cảm xúc như vậy đáng cười hay sao? Đáng cười hay sao?"
Cậu ta càng nói càng to giọng, tới những lời sau hai nắm tay đã xiết chặt lại.
"Mẹ kiếp!"
Tay trái cậu ta đập mạnh lên bàn một cái, kết lại một câu rồi quay người bỏ đi.
Bầu không khí trên bàn chúng tôi trở nên rất bối rối, mọi người hai mắt nhìn nhau, không ai động đũa.
Một lát sau, tôi phá bầu không khí bế tắc đó bằng cách ăn hết cơm trong bát, uống nửa bát canh.
Nói với bạn cùng phòng là mình no rồi, sau đó đứng dậy rời khỏi.
Ra khỏi nhà hàng, nhìn quanh khắp nơi, thấy nam sinh hệ ngoài kia đang đứng dưới tán cây xa xa.
Tôi do dự một chút, quyết định đi về phía cậu ta.
"Cậu ở vùng ven biển đúng không?" Tôi bước tới cạnh cậu ta hai bước, hỏi.
Đang chăm chú nhìn về phía trước nên cậu ta giật mình một cái, quay đầu lại nhìn tôi.
"Đúng vậy." Cậu ta nói: "Nhưng nhà tớ không đánh bắt cá."
"Tớ cũng ở cạnh biển." Tôi nói. "Hơn nữa nhà tớ cũng không đánh bắt cá."
"Thật trùng hợp." Cậu ta cười nói: "Hai ta đều là người ven biển, nhà không đánh bắt cá."
"Nhưng tớ sẽ không nói tục."
"Xin lỗi." Cậu ta đỏ mặt. "Tớ quên mất ở đó còn có nữ."
"Bạn tớ không có ác ý, chỉ đùa thôi." Tôi nói.
"Tớ cũng biết." Cậu ta thở dài. "Vừa rồi tớ đã quá xúc động."
"Có điều cậu nói đúng, ăn cá không lật cá bề ngoài là kiêng kỵ nhưng thật ra là một cảm xúc."
"Cậu cũng thấy thế à?"
"Ừ." Tôi nói. "Trước đây không cảm thấy, nhưng giờ thì tin rằng chuyện đó không phải kiêng kỵ mà là cảm xúc rồi."
Sau đó tôi kể với cậu ta chuyện về cô hàng xóm nhà tôi.
Khi tôi còn học tiểu học, có đêm cô hàng xóm đột nhiên chạy sang, mặt đầy kinh hãi.
Cô nói đáng lẽ thuyền của chồng cô ấy đã về cảng từ chập tối nhưng trời đã tối đen rồi mà còn chưa về.
Cha tôi bảo mẹ ở với cô ấy, sau đó nói mình sẽ tới cảng hỏi thăm xem, bảo cô ấy đừng sốt ruột.
Nhưng cha đi mãi đến khuya mới về nhà, còn thuyền của chồng cô ấy mãi vẫn chưa thấy đâu.
"Làm sao đây?" Cô ấy khóc lớn. "Làm sao bây giờ?"
Cha bảo tôi với em trai đi ngủ, cha với mẹ thức chờ tin tức cùng cô.
Vài ngày sau, rốt cuộc xác định được thuyền của chồng cô hàng xóm xảy ra tai nạn song lại không phát hiện thi thể.
Tai nạn thuyền bè thường đều là vậy, bởi biển rộng mịt mờ, rất khó tìm được xác.
Người vợ cho dù tiếp nhận sự thực là chồng mình đã mất, nhưng luôn ôm một chút hy vọng, có lẽ chồng mình đã được cứu, có lẽ lạc tới đảo hoang đơn độc.
Một năm sau, cô ấy mang theo ba đứa con tái giá, đứa con đầu mới có 7 tuổi.
"Ở quê tớ thỉnh thoảng cũng nghe được chuyện như vậy." Cậu ta nghe xong bèn nói.
"Cậu có thể coi chuyện ăn cá mà không lật cá như một loại cảm xúc, tớ thực sự rất phục." Tôi nói.
"Có gì đâu." Cậu ta xấu hổ nói. "Đúng rồi, để tớ tự giới thiệu trước, tớ là Thái Văn Hiền, văn trong văn chương, hiền trong hiền nhân."
"Tớ tên Trương Tĩnh Tuệ." Tôi nói. "Tĩnh trong văn tĩnh, tuệ trong hiền tuệ."
"Thật chứ?" Cậu ta ngạc nhiên, "Tên chúng ta hợp lại chính là văn tĩnh và hiền tuệ rồi."
Tôi cũng kinh ngạc.
Mấy năm nay, nếu tự giới thiệu tôi luôn nói tôi là văn trong văn tĩnh, hiền trong hiền tuệ.
Vì cha đã nói, văn tĩnh mà hiền tuệ là ý nghĩa của tên tôi.
Tôi chưa bao giờ nghĩ tới sẽ có ngày gặp được văn trong văn tĩnh, hiền trong hiền tuệ.
Cha, đây là người cha chọn cho con sao?
"Tớ nghe mọi người gọi cậu là cô nàng sắt đá." Cậu ta hỏi. "Cậu thích sắt đá hay sao?"
"Hả?" Đột nhiên nhớ tới cha, tâm tình tôi cũng hơi mơ hồ "Không phải ý đó."
"Vậy sao họ lại gọi cậu là cô nàng sắt đá?"
"Bạn học trong khoa đều biết ý nghĩ của biệt danh này, cậu cứ hỏi bừa một người là rõ."
"À." Có lẽ cậu ta cảm thấy mình dẫm phải đinh rồi nên sau khi nói xong không dám nhắc lại.
Tuy cho rằng cậu ta cũng không tồi nhưng mấy năm nay tôi đã sớm tạo thành thói quen vũ trang hạng nặng khi đối diện với người khác phái.
Lời tôi vừa đáp gần như do phản xạ, cho nên tôi cũng cảm thấy hơi áy náy.
"Đã đến giờ lên xe rồi." cậu ta nhìn đồng hồ rồi lập tức đứng lên. "Đi thôi."
"Ừ." Tôi cũng đứng dậy, sau đó nói: "Người ta bảo tôi là cô nàng sắt đá là bởi..."
Tôi nghĩ cách giải thích ngọn nguồn của biệt danh này nhưng lại thấy khó mở miệng.
"Không sao." Cậu ta mỉm cười. "Tớ sẽ hỏi bạn cùng khoa của cậu."
"Có điều đừng hỏi những người ngồi cùng bàn ăn với mình." Tôi nói.
"Không sai." Cậu ta mỉm cười. "Bọn họ chắc đang muốn đánh tớ."
"Cậu tự biết là tốt rồi." Không ngờ tôi cũng mỉm cười đáp lại.
Nhưng cậu ta không biết, muốn tôi mỉm cười với một cậu con trai xa lạ là chuyện khó khăn tới cỡ nào.
Hai ngày sau, vào buổi chiều, khi tôi vừa tan học, ra khỏi phòng, không ngờ lại thấy cậu ta, tôi giật mình một cái.
"Xin lỗi." Cậu ta nói. "Tớ hỏi thăm được thời khóa biểu với phòng học của cậu nên tới chờ cậu."
"Cho hỏi có chuyện gì?" tôi hỏi.
"Tớ biết vì sao cậu lại bị gọi là cô nàng sắt đá rồi."
"Cậu tới để nói với tớ chuyện này sao?" Nếu đã biết tôi là sắt đá, sao cậu còn đá vào?
"Không." Cậu ta nói. "Vừa hay tớ có hai vé xem phim, muốn mời cậu đi xem cùng."
"Nếu cậu đi mua hai vé xem phim vậy cậu sẽ có hai vé." Tôi nói. "Cái này sao gọi là "vừa hay" có hai vé được?"
"Cậu nói đúng, cái này không phải "vừa hay", tớ muốn mời cậu đi xem phim nên mới mua hai vé." Câu ta hỏi: "Cuối tuần này, chiều thứ sáu cậu có rảnh không?"
"Cái này..." Tôi hơi chần chừ.
"Ai da!" Cậu ta đột nhiên xoa xoa cẳng chân.
"Cậu sao thế?"
"Tớ đá phải cục sắt rồi." Cậu ta mỉm cười.
Tôi ngẩn người, lập tức hiểu ý cậu ta, nhưng lại không biết nên phản ứng ra sao?
"Nếu vừa hay cậu cũng rảnh, nếu vừa hay cậu không ngại, mời cậu đi xem phim cùng tớ."
Cậu ta mỉm cười. "Giờ có thể dùng từ "vừa hay" rồi."
Tôi nhìn cậu ta, do dự xem có nên từ chối hay không? Hay nên từ chối ra sao?
"Mời cậu nể tình chúng ta vừa hay là văn tĩnh mà hiền tuệ, cùng đi xem phim đi."
Tôi không hề do dự, từ từ gật đầu.
Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu lúc đó vì sao mình lại đồng ý?
Cha, cha nhất định đang lén giúp Văn Hiền, phải không?
Cuối tuần, chiều thứ sáu, chúng tôi hẹn nhau xem phim ở một rạp chiếu trên tầng của siêu thị.
Rạp chiếu phim ở trên tầng cao nhất của siêu thị, ngồi thang máy lên tầng cao nhất xong còn phải đi thang cuốn lên.
Khi đang bước lên thang cuốn, tôi đột nhiên nhớ tới cha, chân trái vừa giơ lên hơi lắc lư, thân thể mất trọng tâm.
"Cẩn thận."
Anh nắm tay tôi, kéo khẽ một cái, chân trái tôi nhanh chóng đặt lên thang cuốn bình an.
Bàn tay tay anh cũng ấm như tay cha, hơi âm này cũng như hơi ấm của cha.
Ánh mắt tôi dần mơ hồ, tôi ráng sức nhịn, tuyệt đối không thể để cho nước mắt rớt xuống.
"Xin lỗi." Thấy thần sắc của tôi, cậu ta hoảng sợ nói. "Tớ không có ý kéo tay cậu."
Cậu ta luôn miệng xin lỗi, tôi thì cứ lắc đầu liên tục, nói với cậu ta, không phải thế, không phải thế.
Hôm đó chiếu phim hài, nhưng tôi lại như xem một bộ phim bi kịch tới tận cùng.
Cha, hôm đấy cha nhất định cũng đang ở đó, phải không?
Văn Hiền tuy dễ xúc động nhưng không lỗ mãng, tính cách cũng rất cẩn thận chu đáo.
Sau khi biết thói quen sinh hoạt của tôi, anh bèn theo tôi tới tan học rồi thì theo tôi về ký túc xá.
"Mai tớ có thể đi ăn cùng cậu không?" Cứ tới cửa ký túc xá anh sẽ nói vậy.
"Ừ." Tôi gật đầu.
"Cám ơn." Anh mỉm cười.
Tuy những cuộc gặp giữa chúng tôi luôn bình thản, nhưng mỗi ngày đều có chút tiến triển, thẳng thắn mà nói, tôi rất thích anh.
Hai tháng sau khi đi xem phim là đến lễ tốt nghiệp, sau khi kết thúc lễ tốt nghiệp, anh tới tìm tôi, mang theo năm bó hoa.
Bó hoa chúc mừng tốt nghiệp thường rất lớn, anh chỉ đành hai nách kẹp hai bó, hai tay ôm lấy ba bó.
Bộ dáng anh lúc bước đi rất chật vật, như người máy bị hỏng linh kiện với thiếu pin.
"Nhiều người tặng hoa cậu vậy sao." Tôi rất ngạc nhiên.
"Những bó hoa này không phải người khác tặng tớ." Anh ló mặt ra sau mấy bó hoa. "Nhiều người ngại phiền phức, không muốn mang hoa về nhà nên cứ vứt bừa đi. Tớ thấy tiếc quá nên..."
"Nhiều hoa như vậy, cậu làm sao để mang về?"
"Tớ chưa nghĩ tới chuyện này." Anh mỉm cười bối rối. "Tớ chỉ thấy những bông hoa này rất đẹp, nếu không quý trọng chúng, chúng sẽ rất buồn."
Ngay lúc đó, tôi hiểu mình đã gặp người con trai may mắn nhất trên thế giới mà cha nói.
Vì người biết quý trọng hoa nhất định cũng sẽ trân trọng cô gái như hoa.
"Cậu có thiếu bạn gái không?" Tôi hỏi.
"Hả?" Anh cũng ngạc nhiên vì câu hỏi của tôi.
"Cậu có thiếu bạn gái không?" Tôi hỏi lại.
"Rất thiếu."
"Tớ làm bạn gái của cậu được không?"
"Đương nhiên là được." Anh mỉm cười hài lòng.
Hai tháng sau khi tốt nghiệp, Văn Hiền phải nhập ngũ, còn tôi tốt nghiệp xong, nửa tháng sau thì tìm được việc.
Hai tháng trước khi nhập ngũ, Văn Hiền mang tôi về nhà anh gặp bà nội.
Sau khi theo anh về Đài Bắc, anh nói với tôi: "Bà anh muốn chúng ta chóng kết hôn."
"Hả?" Tôi kinh ngạc. "Chúng ta mới quen nhau mấy tháng thôi mà."
"Anh hiểu." anh nói. "Có điều bà nói nếu chúng ta quen nhau càng lâu, càng bất lợi với anh."
"Là sao?"
"Vì bà biết nếu em quen anh càng lâu sẽ càng phát hiện ra nhiều khuyết điểm của anh." Anh mỉm cười.
Tôi biết Văn Hiền nói đùa, nhưng dù thế nào, trong sáu năm tôi không thể kết hôn.
Tôi vừa tốt nghiệp đại học, em trai cũng chuẩn bị vào học, nó còn phải đi học bốn năm, thêm hai năm nhập ngũ nữa.
Chờ em trai tôi có thể tự lo cho mình, tôi mới có thể nghĩ tới chuyện kết hôn được.
Vay tiền quỹ khuyến học để học bốn năm đại học, tôi còn nợ chính phủ hơn mười vạn, phải trả khoản tiền này trước đã.
Tôi cũng phải nộp học phí và phí sinh hoạt giúp em trai, còn phải trả những khoản nợ của nhà giúp mẹ.
Trong sáu năm tới, trong lòng tôi chỉ muốn ở Đài Bắc nỗ lực làm việc kiếm tiền.
Trong sáu năm sau khi tốt nghiệp, mẹ, bà của Văn Hiền, thậm chí cả em trai tôi đều giục tôi chóng kết hôn.
Văn Hiền ngược lại, chưa từng giục tôi.
Vì tôi đã từng nói, Văn Hiền là người cẩn thận và chu đáo.
Sáu năm làm việc giúp tôi trả hết khoản nợ đã vay để đi học, nợ nần của gia đình cũng trả hơn một nửa.
Có điều em trai tôi sau khi xuất ngũ lại thi đỗ vào sở nghiên cứu, phải học thêm hai năm nữa.
"Có thể..." Tôi nhìn Văn Hiền, ấp úng nói: "Đợi em thêm hai năm nữa không?"
"Hả?" Anh trợn tròn hai mắt, kêu lên: "Đợi em thêm hai năm?"
"Xin lỗi." Tôi cúi đầu, nhỏ giọng nói: "Em trai em mới thi đỗ vào sở nghiên cứu..."
"Anh đùa thôi mà." Anh mỉm cười: "Bà anh nói cô gái tốt như em, có đợi tám đời cũng chưa chắc tìm được. Giờ anh chỉ cần chờ có tám năm, đã lời lắm rồi."
"Cám ơn." Tôi rất cảm động. "Em rất xin lỗi."
"Em ngốc." Văn Hiền mỉm cười, ôm lấy vai tôi.
Em trai tôi tốt nghiệp sở nghiên cứu rồi tới Tân Trúc làm, một tháng sau, nó chạy từ Tân Trúc về Đài Bắc tìm tôi.
"Chị." Em trai tôi vui vẻ mở một quyển sổ ngân hàng. "Chị xem."
Tôi cầm lấy xem xét, một khoản tiền lương mấy vạn đồng được ghi vào trong sổ.
"Em đã bắt đầu kiếm được tiền rồi." Giọng điệu em trai tôi vẫn rất vui vẻ.
"Được rồi." Tôi nói. "Có điều phải làm việc thật tốt, phải làm đến nơi đến chốn, phải nỗ lực..."
"Chị, em biết rồi. Em nhất định sẽ nỗ lực làm việc." Em trai tôi ngắt lời. "em chỉ muốn nói, chị có thể kết hôn với anh Văn Hiền rồi."
"Cái này..."
"Chị." Em trai nói. "Em xin lỗi vì đã làm liên lụy đến chị, làm chị mãi vẫn chưa thể kết hôn. Giờ em đã bắt đầu tự kiếm tiền được rồi, xin chị chóng kết hôn đi."
"Chị chưa lấy chồng không phải vì em." Tôi nói: "Là vì chị muốn làm bà xử nữ già nên mới không lấy chồng."
"Chị đã 30 tuổi rồi, quả thực có thể coi là gái già." Em trai tôi nói. "Nhưng chị còn là xử nữ ah?"
"Cái thằng này!" Gương mặt tôi nóng bừng, kêu lên một tiếng.
Em trai tôi cười ha ha, không ngờ đã 26 tuổi rồi mà nó vẫn còn nghịch ngợm như hồi bé.
"Chị." Em tôi ngừng cười, kéo tay tôi. "Những năm gần đây chị đã vất vả rồi."
"Ài, nói những lời này làm gì."
"Chị. Học phí em học đại học với học ở sở nghiên cứu đều là do chị vất vả kiếm được, em thật sự rất cảm ơn chị. Em..." Viền mắt em trai tôi đỏ lên. "Chị, cám ơn chị."
"Chúng ta là chị em mà, không cần khách khí."
"Chị." Em trai tôi dụi dụi khóe mắt. "Chị."
Em tôi tuy đã trưởng thành nhưng nó lúc này vẫn khiến tôi nhớ tới thời gian khi cha vừa mất. Khi đó em trai tôi thường xuyên tỉnh lại lúc nửa đêm, khóc lóc chạy tới giường tôi lay tôi dậy.
"Chị ơi." Em trai tôi dụi dụi khóe mắt. "Cha đi đâu rồi?"
Tôi chỉ có thể đau xót, ráng mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ vỗ lưng trấn an nó.
Sau đó ôm nó chìm vào giấc ngủ.
Cha ơi, đứa nhóc hay bật tỉnh khóc lúc nửa đêm cuối cùng cũng trưởng thành rồi.
Cha ơi, em trai bắt đầu làm việc kiếm tiền rồi, cha nhất định đang rất hài lòng.
Trong hai năm em học ở sở nghiên cứu, con đã giúp mẹ trả hầu hết các khoản nợ nần.
Có lẽ đã thật sự tới lúc có thể kết hôn rồi.
Hôm sau em tôi quay về Tân Trúc, Văn Hiền hẹn tôi đi ăn, tôi nghĩ mình nên tiện đó hỏi ý Văn Hiền một chút.
"Có thể đợi một năm nữa không?" Văn Hiền nói.
"Hả?" Tôi hơi ngạc nhiên. "Vì sao?"
"Em trai em vừa bắt đầu làm việc, chúng ta đợi một năm nữa, chờ nó ổn định rồi mới kết hôn."
Tôi đột nhiên cảm thấy, người may mắn nhất trên thế giới này không phải là anh, mà là tôi.
Sau khi em trai đi làm một năm, một buổi tối nọ, Văn Hiền tới tìm tôi.
"Tĩnh Tuệ." Anh vừa mở miệng đã nói. "Em lấy anh nhé."
"Em chỉ có một điều kiện."
"Điều kiện gì anh cũng đồng ý với em."
"Mong anh đồng ý với em, anh nhất định..." Tôi nghẹn ngào nói. "Anh nhất định phải sống thật lâu, thật lâu."
"Anh đồng ý." Anh gật đầu. "Anh sẽ không từ mọi thủ đoạn, mặt dạn mày dày mà sống sót."
Chín năm sau khi quen Văn Hiền, mùa thu năm tôi 31 tuổi, tôi với anh cuối cùng cũng kết hôn.
Năm nay tôi 34 tuổi, đầu năm, con tôi – Tiểu Kiệt ra đời, giờ đã bảy tháng tuổi.
Còn tôi với Văn Hiền cũng vừa kết hôn tròn ba năm.
Cha, mẹ luôn nói mắt con giống cha, còn Văn Hiền nói mắt Tiểu Kiệt giống con.
Vậy mắt Tiểu Kiệt hẳn giống cha rồi.
Cha, chắc chắn cha rất muốn thấy Tiểu Kiệt, phải không?
Cha, chắc chắn cha cũng rất muốn thấy Văn Hiền, phải không?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...