"Câu chuyện về cô gái màu trắng (4)
Nó được anh trai lớn tặng quà.
Đó là cuốn sách dạy mỹ thuật.
Bởi vì nó không được đi học, nên rất thích.
Nó học theo chỉ dẫn của quyển sách, nặn một vài hình người bằng đất sét.
- Anh ơi, da người có màu gì? - Nó hỏi.
- Còn tùy, da người châu Á chúng ta có màu vàng nhạt.
- Anh trai lớn trả lời.
Vậy là nó lấy một cục đất sét màu vàng để nhào nặn.
Một lúc sau, nó lại nói:
- Anh ơi, tạo dáng cho em nặn đi.
- Anh đang bận học.
Hay là em xuống hầm đi, dưới đó có rất nhiều người.
Anh trai lớn nói rất có lý.
Nó liền mang sách và đất sét xuống tầng hầm.
Nó sẽ nặn một hình người thật đẹp để tặng anh trai nó."
*********
Buổi tối, mọi người ăn uống khá đơn giản.
Bởi vậy, họ mang thức ăn ra ngoài phòng khách.
Ti vi được bật lên, phát một tiết mục hài kịch cũ rích trong đĩa CD, khiến cho bầu không khí giảm bớt phần căng thẳng.
Cáo vô ý làm đổ nước sốt sang những người bên cạnh.
Có lẽ cậu ngồi ăn trên sofa không quen, cũng có lẽ cậu đã quá chăm chú vào màn hình tivi.
- Thằng ranh này, mày cố tình đúng không? - Người bị dính nước sốt là Hiếu.
Cáo chu môi, chân thành nói:
- Ò, xin lỗi nha.
Để em lau cho anh.
- Lằng nhà lằng nhằng! Tránh ra cho bố mày! - Hiếu quát, đồng thời đứng dậy, gạt tay cậu ra.
Hiếu đi vào trong nhà để thay quần, cô bạn gái cũng ngoan ngoãn chạy theo.
Vừa đi, Hiếu vừa chửi thề ầm ĩ để hả giận, lấn át cả tiếng cười ngặt nghẽo trên tivi.
Nhưng chẳng ai nghe lọt tai.
Bởi hiện tại, ai cũng mang tâm tình sợ hãi cái chết rình rập.
Đêm nay đến lượt người nào phải chết, họ đều không biết.
Tuy nhiên, Sâm lại biết.
Dù trời không quá nóng, nhưng lưng áo đã ướt đẫm mồ hôi.
Dù cả người đã ướt đẫm mồ hôi, chân của cậu bạn này vẫn chung thủy đeo tất cao cổ.
Đêm nay, người chết sẽ là Sâm.
Bởi vì sau khi ngủ trưa dậy, cậu bạn này phát hiện trên bàn chân phải của mình xuất hiện chữ ký của Bạc.
Lần này, Bạc ký chữ ký trước khi ra tay, có lẽ do kẻ này muốn tạo sự kích thích đặc biệt.
Dù lý do là gì đi chăng nữa, đây vẫn là một cực hình đối với Sâm.
Vậy là từ khi tỉnh dậy đến giờ, Sâm không dám ăn uống bất cứ thứ gì, dù bụng đã đói meo.
Trong mắt anh lúc này, ai cũng có thể là kẻ sát nhân, đang chờ chực đầu độc mình.
Sâm không ăn cùng mọi người, chỉ nhốt mình trong nhà tắm.
Anh phải gột rửa sạch sẽ cái chữ ký nguyền rủa này.
Không sạch.
Dường như nó được ký bằng loại mực kháng nước.
Đúng lúc này, tiếng gõ cửa phòng vang lên, khiến cho Sâm giật nảy mình, trái tim suýt nữa vọt lên tận cổ họng.
- Ai đấy? - Sâm cảnh giác hỏi.
Giọng nói của Hiếu liền cất lên:
- Mẹ kiếp! Thằng Cáo cố tình làm rớt nước sốt lên quần tao.
Phải giặt luôn thôi.
Hóa ra là Hiếu.
Sâm thở phào nhẹ nhõm.
Mặc dù Hiếu cũng có thể là hung thủ, nhưng sự tức giận trong giọng nói này khó có thể là giả.
Anh không nghĩ Hiếu đang nói dối.
Sâm nói vọng ra:
- Ông sang phòng khác đi.
Tôi...!không mở cửa được.
- Lằng nhà lằng nhằng! - Hiếu tức giận quát lên.
- Tránh ra cho bố mày!
Đồng thời, tiếng gõ cửa ngày một dồn dập, thiếu kiên nhẫn, giống như sắp bị người bên ngoài đá văng ra khỏi bản lề.
Sâm căng thẳng, bởi vì anh rất e ngại tính cách cục súc của Hiếu.
Bất đắc dĩ, Sâm đành đeo lại tất vào chân, sau đó đi tới mở cửa.
Tuy nhiên, đằng sau cánh cửa lại không phải là Hiếu, mà là một người có vóc người cao ráo, trên tay đang cầm điện thoại.
Chiếc điện thoại thì liên tục phát ra tràng âm thanh rè rè, lặp đi lặp lại một cách vô tri:
- Lằng nhà lằng nhằng!
- Lằng nhà lằng nhằng!
- Lằng nhà lằng nhằng!
- Lằng nhà lằng nhằng!
-...!
Trên màn hình điện thoại hiện lên thư mục phát lại tiếng ghi âm.
Hóa ra, tất cả những lời Hiếu nói vừa rồi chỉ là giọng nói của anh ta đã được thu lại mà thôi.
Mặc dù đang đứng trong nhà, con người có vóc dáng cao ráo này lại mặc áo mưa măng tô màu trắng, trùm mũ, đeo găng tay và bịt khẩu trang.
Thứ lộ ra duy nhất là đôi mắt một mí dài hẹp, xếch lên, con ngươi u ám không có lấy một tia sáng.
- Em...!em là...!- Sâm kinh hãi, thân thể run như cầy sấy, nửa ngày cũng không nói được một câu hoàn chỉnh.
- Yên lặng nào, bức tranh thứ ba của tôi.
Trong giọng nói còn mang theo ý cười tàn ác.
Vừa dứt lời, người mặc áo mưa trắng đã ném điện thoại xuống đất, nhanh chóng vươn bàn tay ra.
Rắc.
Sâm không thể nói được nữa.
Bởi vì kể từ bây giờ, anh đã trở thành bức tranh thứ ba.
Hiện tại là 18 giờ 30 phút, mọi người sắp ăn xong bữa tối.
Mọi người phát hiện thi thể của Sâm vào lúc 19 giờ 10 phút.
Sâm bị giết trong nhà vệ sinh của phòng ngủ nam.
Nguyên nhân là do bị bẻ cổ, tư thế chết cũng vô cùng thống khổ.
Anh trần truồng ngồi trên bồn cầu, bị những sợi dây sắt dẻo uốn quanh người như cây bonsai, tạo nên một tư thế vặn vẹo.
Miệng há to, hai tay bưng mặt, trông giống bức tranh Tiếng thét(*) của danh họa người Na Uy - Edvard Munch.
Sâm không được Bạc trang trí tỉ mỉ, mà chỉ đổ màu vàng nghệ lên khắp cơ thể.
Dưới đất, mọi người tìm thấy một tuýp màu Gamboge (màu vàng nhựa Campuchia).
Mã màu của nó là #FED000.
Trên tường, một bức tranh mới lại xuất hiện.
Tuy nhiên, chất liệu vẽ đã không còn là màu sáp dầu, mà đổi thành đất sét.
Bức tranh đất sét được bảo quản trong kính, nặn một hình người màu vàng đang quằn quại.
Tuy trông khá vụng về nhưng nó vẫn thể hiện được vẻ thống khổ, tuyệt vọng nhất của con người.
Thật điên rồ.
Mọi người kiểm tra căn phòng một lượt, sau đó bắt tay vào dọn dẹp, chôn thi thể của Sâm.
Bọn họ trở về phòng khách, ngồi dài trên sofa và chất vấn nhau.
- Trước bữa tối, anh vẫn còn nhìn thấy Sâm.
Điều này có nghĩa là em ấy bị giết trong lúc chúng ta ăn cơm.
- Vĩ Văn trầm trọng nói.
- Những ai là người đi ra ngoài trong bữa ăn? Anh nói trước, anh ra ngoài khoảng 15 phút để đi vệ sinh.
Anh uống phải sữa hỏng trong tủ lạnh.
- Anh đi phòng nào? - Phong lên tiếng.
Vĩ Văn thở dài, vò tóc:
- Nói ra cũng hơi ngại.
Nhà vệ sinh trong phòng ngủ số một gần nhất, nên anh...!
Đó là phòng ngủ của của Phong và Cáo.
- Em làm chứng.
- Quỳnh nói.
- Khi Cáo làm rớt nước sốt lên người Hiếu, em cũng bị dính một chút.
Khi em trở về phòng nữ để thay đồ thì nhìn thấy phòng ngủ số một đang hé cửa, sáng đèn.
Chắc đó là anh Vĩ Văn.
Phong liếc nhìn Quỳnh, thấy cô đã thay một chiếc chân váy mới.
- Còn tao.
- Hiếu nói.
- Tao vào phòng nam để thay quần.
Phòng vệ sinh cũng đóng cửa, bật đèn, có tiếng nước chảy, chắc là thằng Sâm đang tắm.
Tao đưa quần bẩn cho bạn gái, cô ấy sẽ vào phòng tắm nữ giặt hộ tao.
Cô bạn gái ngại ngùng gật đầu.
Cáo và Trâm Anh thì không cần phải nói.
Ngay sau khi Cáo cố tình làm đổ nước sốt lên người Hiếu, cậu đã bị chị gái mắng một trận.
Trâm Anh xách má Cáo ra ngoài sân, bắt cậu nhịn đói và phạt quỳ.
Những người quay lại sớm nhất đến muộn nhất lần lượt là: Hiếu (tầm 3 phút), Quỳnh (5 phút), cô bạn gái của Hiếu (9 phút), Vĩ Văn (15 phút), Trâm Anh (hơn 25 phút), Cáo (gần 30 phút - hết bữa cơm).
Nếu là trước đây, Phong sẽ lại nghi ngờ Cáo.
Bởi vì Cáo có thể đi vòng ra đằng sau vườn, rồi đi vào trong nhà bằng cửa sau.
Với chừng ấy thời gian, cậu có thể giết Sâm dễ dàng.
Nhưng những lời nói chân thành của Cáo trưa nay khiến cho anh không kìm được lòng.
Cáo để lộ cho anh biết điểm yếu chết người của mình.
Cáo muốn kết bạn với anh.
Bởi vì tính cách lạnh nhạt, khó gần của Phong nên anh chưa từng có một người bạn đúng nghĩa.
Những người khác len lén nhìn Cáo, dường như cũng đang nghi kỵ cậu ấy.
Nhưng cậu tỏ ra không phát hiện ra điều này, chỉ ngồi uống hết hộp sữa của mình.
- Mọi người ở đây đều có mối quan hệ tốt với nhau, đúng không? - Phong đột nhiên lên tiếng.
- Liệu có ai đang nói dối, nhưng vẫn được kẻ khác che giấu vì tình cảm cá nhân không?
Dạo gần đây, Phong đã được nói nhiều từ hơn cả quãng thời gian học vẽ trước đây cộng lại.
Lời của Phong khiến mọi người vô cùng sửng sốt.
Ý của anh có nghĩa là ai cũng có thể là hung thủ, miễn là có kẻ bao che và tòng phạm, không chỉ riêng mình Cáo.
Ngay sau khi nói ra, Phong cũng cảm thấy mình điên rồi.
Chỉ vì bảo vệ thằng nhóc này, anh lại đi công kích những người khác.
- Ý mày là sao? - Hiếu tức giận nắm cổ áo Phong, quát: - Ý mày là tao đã giết thằng Sâm, rồi bắt bạn gái thông đồng với mình à?
Phong không trả lời, chỉ hất tay của Hiếu ra.
Anh không muốn cãi nhau với những kẻ thô lỗ và ồn ào, nên thản nhiên đi lên tầng.
Mọi người tan rã trong tâm trạng không mấy vui vẻ.
HẾT CHƯƠNG 9
(*) Bức tranh Tiếng Thét (Skrik): là tên của một trong bốn bản sáng tác, dưới dạng tranh vẽ và in trên đá theo trường phái biểu hiện của danh họa người Na Uy - Edvard Munch vào khoảng năm 1893 và 1910.
.