Có Yêu Được Không


Tiếng chuông điện thoại reo bên tai làm tôi bừng tỉnh.

Mở mắt một cách mệt mỏi, tôi với lấy cái điện thoại rồi nhấn tắt chuông.

Tám giờ sáng rồi.

Tôi đã ngủ được một giấc dài.

Nhưng tôi không mơ thấy gì.

Nhớ lại tối qua, tôi đã gần như sụp đổ sau khi chốt cửa phòng.

Những lời tôi nói với Bình Nguyên choáng ngợp trong đầu tôi.

Cảm giác tội lỗi, ghét bỏ, bức bối trở nên quá tải.

Tôi đã muốn hét lên, hoặc chạm thật mạnh vào vết bỏng của mình để nỗi đau vật lý lấn át những cảm xúc khốn khổ ấy.

Nhưng mọi thứ đều tan biến khi tôi uống thuốc.

Những lời tôi nói hay ánh mắt thất vọng của Bình Nguyên, lại một lần nữa, trở thành một làn khói mờ nhạt, vô định.
Cơn đau kéo tôi quay trở lại thực tại.

Tôi nhắn nhó trước vết bỏng đã chuyển từ màu đỏ thành một mảng nâu.

Tôi đã không bôi thuốc hay xử lí nó vào tối qua.

Thật may vì trong lúc ngủ, tôi đã không vô thức cựa quậy lung tung để lớp da bỏng bị bong ra.

Nếu tôi bất cẩn, tôi sẽ có một cái sẹo nổi bật trên cẳng tay này.
Tôi thở dài.

Cũng không quan trọng lắm.
Dù có mệt nhưng tôi vẫn gượng dậy để vệ sinh cá nhân.

Sau đó lại ngồi xuống bàn học cửa mình.

Ánh sáng từ cửa sổ chiếu thẳng vào bàn, khiến mặt bàn sáng lên màu nâu gỗ.

Tôi đã quen với việc này từ lâu.

Thật khó để tôi của vài tháng trước nghĩ đến việc bây giờ tôi lại thường xuyên dán người ở trong phòng như vậy.
Tôi mở ngăn kéo và lấy một quyển sổ màu nâu.

Đây là món quà mà bác sĩ tâm lý đã tặng cho tôi và bảo tôi hãy viết nhật ký vào mỗi cuối tuần, hay mỗi khi tôi thấy đầu tôi không chịu nổi những suy nghĩ của chính mình nữa.

Và tôi đã giữ thói quen này cũng đủ lâu.
Chọn lấy một cây bút trong hộp đựng, tôi mở đến trang đang viết dở và bắt đầu ghi tiếp.


Đầu tiên là ngày tháng, thời gian, và nơi chốn.

Bác sĩ bảo rằng việc ghi giờ và nơi chốn sẽ giúp tôi mỗi lần đọc lại sẽ có ấn tượng rõ hơn với những gì mình viết.

Nhưng chẳng phải tôi viết ra để quên đi sao? Đọc lại có ý nghĩa gì chứ! Suốt khoảng thời gian qua, tôi đã viết, viết mọi thứ tôi đã làm, mọi cảm xúc tôi cảm nhận được và cả những điều tôi có thể đã làm được nếu chuyện đi theo hướng khác.

Tất nhiên đó là những điều mà không ai biết.

Phương không biết tôi muốn nói xin lỗi bao nhiêu lần vì những hành động ích kỉ mà tôi đã gây ra.

Mẹ không biết tôi thấy xấu hổ và tuyệt vọng thế nào vì đã làm bà thất vọng.

Bình Nguyên cũng không thể biết sau những lời tôi đã nói với cậu, tôi đã ước mình có thể trừng phạt bản thân bằng mọi cách dã man nhất có thể.

Dù chẳng biết vì sao chuyện lại đi theo hướng này, nhưng mọi lời nói tôi đã nói, mọi hành động tôi đã làm, tôi đều muốn xin lỗi.

Trong những ước mơ thầm kín nhất, tôi mong bản thân chưa từng tồn tại.

Mong muốn ấy buồn cười lại chẳng vì người khác, mà là vì tôi.

Tôi không muốn mãi như thế này nữa!
- Chị An ơi!
Tôi vội đóng quyển vở khi nghe tiếng Sơn gọi.

Sau khi đã đảm bảo cất kĩ quyển vở vào góc cuối của ngăn bàn, tôi mới tiến về phía cửa.
Tôi chỉ mở hé cửa vừa đủ để nhìn ra ngoài.

Việc để người khác nhìn rõ phòng mình khiến tôi không thoải mái.
Sơn nở một nụ cười ngay khi thấy tôi.

Mấy tháng nay nó rất hay cười và tỏ ra thân thiện với tôi, khác hẳn với thái độ đùa cợt quá trớn như trước kia.

Có lẽ cũng bởi tôi đã chẳng còn đáp lại những lời móc mỉa mà chị em nhà nào cũng có của nó nữa.

Và có lẽ nó cũng biết tâm trạng tôi đã không còn đủ vui vẻ để nghĩ ra thứ gì đó hay ho trêu chọc nó như đã từng.

Mọi thứ thay đổi rồi.
- Sáng nay chị có đi đâu không á?
Tôi lắc đầu, đợi Sơn nói thứ nó đang muốn nói.
- Vậy chị giúp em tỉa cây nha! Tuần sau em làm bù cho.
Tôi đồng ý mà không hỏi lý do tại sao.

Nhìn cách ăn mặc và chải chuốt của nó đã đủ để tôi biết hôm nay nó đi chơi với người yêu.

Và tôi nhận làm giúp chẳng phải vì muốn nó có một cuộc hẹn trọn vẹn.

Tôi cần gì đó để thoát ra khỏi mớ suy nghĩ như cơn lốc xoáy đang hút tôi vào ngày một sâu hơn.
Trái với diện tích nhà ở chỉ vừa đủ cho bốn người sinh hoạt, vườn của nhà tôi lại quá khổ so với tiêu chuẩn bình thường.


Ba tôi là người rất thích cây cối.

Ngoài sở thích nấu ăn, phần lớn thời gian ba sẽ dành cho việc chăm cây và vườn tược.

Mẹ tôi vẫn hay than thở khi cứ mỗi tháng ba lại mang thêm cây mới về trồng.

Sơn cũng chẳng tham thú gì là bao khi ba bắt nó phải tỉa cây và tưới nước mỗi cuối tuần như một công việc nhà.

Nhưng tôi lại thích điều ấy.

Chăm sóc cây cối luôn là thứ tôi làm khuây khỏa mỗi khi cảm thấy bản thân như bị nuốt chửng bởi những suy nghĩ trong đầu.

Nhìn những tán lá xanh khẽ đung đưa trong gió hay cái màu xanh bóng, đọng lại những hạt nước nhỏ trên bề mặt lá sau khi được tưới trông rất đã mắt.

Bằng một cách nào đó, thiên nhiên giúp tôi cảm thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn.
Nhưng hôm nay tôi đã chọn nhầm thời điểm để làm hoạt động mình thích.

Đám trẻ con nhà hàng xóm vừa tan giờ học.

Hàng xóm sát vách nhà tôi là giáo viên tiểu học.

Cô mở lớp dạy thêm những đứa trẻ trong trường vào buổi tối ngày trong tuần và buổi sáng ngày nghỉ.

Trước đây tôi rất hay phàn nàn với Sơn về sự ồn ào của đám trẻ mỗi khi chúng được nghỉ giải lao và tan học.

Tiếng la hét, nô đùa, chạy nhảy của chúng đã luôn khiến giấc ngủ nướng vào ngày nghỉ của tôi bị phá hỏng.
- Chị ơi, chị tưới cây hả?
- Cái cây này tên gì vậy chị?
- Cái hoa kia có ăn được không chị?
Một vài đứa trẻ bám tay vào hàng rào, mở to mắt khi nhìn tôi đang lấy vòi nước xịt vào những gốc cây to.

Trẻ con luôn tò mò.

Tôi cũng từng như vậy.

Lúc nhỏ tôi đã từng hỏi ba rất nhiều câu hỏi, đến nỗi có lần ông phải giả bệnh hai ngày để thoát khỏi sự phiền phức của tôi.

Bây giờ tôi đã hiểu cảm giác của ba.

Nhưng tôi không đủ thân thiện và kiên nhẫn để trả lời đám trẻ.

Tôi chọn cách tỏ ra như không biết.

Nhanh chóng tắt nước và thu dọn đồ đạc, tôi lặng lẽ đi vào trong nhà.
Tiếng trẻ con cũng nhỏ lại sau khi tôi đóng cửa nhà.

Tôi muốn ở lại ngoài đó lâu hơn nữa nhưng sự hiện diện của con người không khiến tôi thoải mái.


Thật kì lạ khi có ý nghĩ đấy! Nhưng tôi thấy bản thân ổn định khi bầu bạn với chính mình.

Những lúc ấy tôi không phải lo lắng liệu sự tồn tại của tôi có ảnh hưởng đến tâm trạng người khác hay không.
Tiếng nhạc phát ra từ ti vi cho thấy đã đến bộ phim truyền hình mà mẹ tôi đang theo dõi.

Đây cũng là một âm thanh quen thuộc với tôi.

Đôi lúc, tôi nhờ nó để xác định mẹ tôi đang ở nhà.

Tôi không muốn gần mẹ nữa.

Kể từ lần cãi vã ấy, tôi với mẹ đã gần như không nói chuyện với nhau.

Mọi thông tin mẹ tôi muốn nói đều sẽ được truyền tải gián tiếp qua ba hoặc thằng Sơn.

Giờ ăn cơm của chúng tôi tuyệt nhiên chỉ là những câu chuyện công sở của mẹ, chuyện cây cối của ba và chuyện trường lớp của Sơn.

Tôi đã không còn thói quen nói chuyện khi ăn nữa.
- Tối nay nhà ta đi ăn ngoài.

Đừng nấu cơm!
Tôi bất ngờ.

Dù chỉ là tiếng nói với ra của mẹ khi vẫn đang ngồi tựa lưng trên sofa, nhưng mẹ đang nói với tôi.

Chẳng thấy làm vui vẻ, tôi trả lời lại:
- Vậy cả nhà đi đi.

Con ở nhà!
Tôi đã không mong chờ mẹ sẽ trả lời lại.

Đây không phải lần đầu tôi từ chối đi ăn ngoài cùng gia đình.

Nếu là trước kia thì tôi đã phải hào hứng biết bao.

Tôi đã luôn muốn trải nghiệm những thứ hay ho, thú vị với cả nhà.

Tôi luôn muốn chia sẻ niềm vui với họ.

Nhưng bây giờ niềm mong muốn ấy không còn nữa.

Tôi không thấy mình thuộc về nơi này, hay bất cứ đâu.

Niềm vui vẫn luôn ở đấy, chỉ là nó không dành cho tôi nữa.

Tôi không xứng đáng.
Nhưng tiếng nói trên ti vi tắm ngúm, trả lại sự yên ắng kì lạ cho căn nhà.

Trong sự bất ngờ, mẹ tôi đứng lên và tiến lại gần tôi - lúc này vẫn đang đứng trước cửa nhà - và nói với giọng đanh thép:
- Mẹ không hỏi ý kiến con!
Tôi suýt đã quên mất bao lâu rồi tôi chưa nhìn rõ khuôn mặt mẹ đến vậy.

Ánh mắt mẹ vẫn có sự nghiêm nghị và giọng nói mẹ vẫn có sự sắt đá thường thấy khi nói chuyện với tôi.

Tôi biết mẹ vẫn chưa nguôi giận với những gì tôi đã làm với Phương.


Mẹ quý Phương vì nó đã đồng ý làm bạn với đứa con ích kỉ và tồi tệ của mẹ.

Mẹ vẫn giận đấy, nhưng không muốn tỏ ra ngoài mặt vì mẹ biết đứa con của mẹ bây giờ chẳng còn bạn nữa.

Nó không còn gì ngoài chính sự tồi tệ và ích kỉ của chính nó.
- Nhưng con không muốn!
Tôi cứng đầu đáp lại.

Có thể trong nhật kí, tôi viết rằng tôi rất muốn xin lỗi mẹ, muốn sà vào lòng mẹ và khóc lóc như một đứa trẻ biết rằng nó sẽ được mẹ nó bỏ qua cho những trò nghịch ngợm của nó.

Nhưng thực tế tôi không thể.

Bởi mẹ sẽ không tha thứ cho tôi.

Dù ở trong trạng thái luôn phải vật lộn với suy nghĩ và cảm xúc, tôi vẫn đủ tỉnh táo để rạch ròi giữa thực tế và mong muốn của bản thân.

Thế nên tôi giữ thái độ như bao tháng qua tôi vẫn có mỗi khi nói chuyện với mẹ.
Không nằm ngoài dự đoán, mẹ trở nên tức giận.

Khuôn mặt cố tỏ ra bình tĩnh của mẹ trở nên nhăn nhó.

Hai hàng lông mày của mẹ nhíu lại, đôi môi mím chặt rồi phát ra những tiếng lớn, chứa đầy sự giận dữ:
- Mày giỏi rồi! Mày muốn giỏi hơn nữa thì ra khỏi nhà này luôn đi! Có đứa con như mày thì tao cũng chẳng thiết!
Tôi không đợi mẹ nói thêm và cũng không muốn biết mẹ đang cảm thấy thế nào.

Xoay người, tôi mở cửa và bước thẳng đi, không nói một lời.

Tôi bước rất nhanh dù rằng mẹ sẽ chẳng gọi tôi lại hay đuổi theo.

Tôi không để cho bản thân được nghĩ.

Chỉ đến khi bước ra khỏi nhà, đến sau bức tường sát vách hàng xóm, tôi mới ngồi thụp xuống.
Hai tay ôm hai đầu gối đang ép sát vào ngực, tôi tựa cằm lên đầu gối, mặc mắt mình nhìn vô định xuống mặt đất.

Đây đâu phải lần đầu mẹ nói những lời ấy.

Tôi đã nghe quá nhiều, nhiều đến nỗi biết cả những câu tiếp đó.

Nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn đau.

Tôi đã khóc rất nhiều, tưởng chừng như chẳng thể nữa.

Nhưng lúc này, khi đang ngồi một mình, mắt tôi lại rưng rưng.

Những cảm xúc tôi đã quen mặt lại chuẩn bị xuất hiện.
Bỗng tiếng bước chân của ai đó lớn dần.

Hai bàn chân nhỏ xỏ trong đôi dép quai hậu in hình siêu nhân đang hiện trên mặt đất.

Tôi ngước mắt lên.

Trước mắt tôi là một cậu bé với khuôn mặt là phiên bản nhỏ của Bình Nguyên.

Chẳng để tôi được nói gì, thằng nhóc liền nói với vẻ mặt trịch thượng:
- Trông chị khóc xấu thật đấy! Nếu không muốn tôi kể việc này cho anh Nguyên thì đưa tôi đi ăn kem!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận