8.
Oanh liệng Một quả tú cầu ghim bằng lụa đỏ và chỉ màu tà tà rơi xuống từ sau bức rèm đa sắc nhà sang quý giăng trên tòa lầu ngự ven con đường trước Kim Minh Trì ở Đông Kinh, đụng rớt hoa thượng uyển cài trâm trên mão tầng kép sa đen của trạng nguyên tân khoa Phùng Kinh.
Phùng Kinh ghìm nhẹ cương con ngựa thanh thông (*), dừng bước quay đầu, bào xanh phối với áo vàng, ngoảnh lại tay ống đong đầy gió bay.
(*) Chỉ ngựa lông màu đen trắng hỗn tạp.
Bóng dáng mờ ảo của mấy vị nữ tử sau rèm như bỗng bị gió thổi loạn, thoáng phân tán rụt đi, kế đó lại rộ lên một tràng cười lanh lảnh thoải mái khoái chá.
Khóe miệng chàng khẽ nhếch, không nhìn tiếp nữa, đợi người đi đường tranh đoạt hoa thượng uyển cài trâm của chàng bị người dẹp đường cản lui ra rồi, chàng thúc nhẹ ủng thâm vào bụng ngựa, giục ngựa tiếp tục tiến lên trước.
Ấy là năm Hoàng Hựu thứ nhất, Phùng Kinh thi đỗ tam nguyên, thành tựu huy hoàng và dung nhan không tì vết đã giúp chàng trở thành lang quân áo xanh lóa mắt nhất bữa tiệc tin mừng.
Đằng gái có ý với chàng thường dùng cách ném đồ để thu hút ánh mắt chàng, cái ném ra có thể là trái cây, quạt tròn, cũng có thể là trang sức, tú cầu, kể từ khi chàng đỗ tam nguyên, còn có hào phú trắng trợn ném thẳng tài thế xuống, tỷ như nhà Trương Nghiêu Tá.
Đối với những tặng phẩm mang ý mập mờ, chàng sẽ không có qua có lại, chỉ một mực khước từ không thu, sau khi đỗ đạt, lễ vật của nữ tử mà chàng nhận cũng chỉ có bánh trà Long Phượng và tiền hào trung cung ban thưởng trên Thái Thanh Lâu vào ngày xướng danh.
Nhưng hôm ấy, nàng ẩn sau bức rèm màu trên lầu, chàng chẳng trông thấy nàng mảy may, đến ban thưởng cũng là nội thần đưa truyền.
Sau đó, chàng nhặt cây quạt một tiểu cô nương lỡ tay đánh rơi trên lầu lên, tỉ mỉ ngắm nghía, he hé rộ cười – chiếc quạt tròn này từng được nàng ngự lãm, nom càng thêm đáng yêu.
Cũng nghĩ tới bận sau gặp nhau thì nên nói gì với nàng.
Nhưng khi chàng cưỡi ngựa đi trên con đường trước Kim Minh Trì, nhìn thấy nghi trượng xe phượng của trung cung trước mặt, chàng hoàn toàn bất ngờ, quên khuấy tất thảy lời định nói, chỉ xuống ngựa cúi đầu, yết kiến đúng lễ nghi, hệt như một học đồng lần đầu gặp phu tử, chờ nàng hỏi câu nào thì đáp câu nấy.
Thấy chàng không có hoa thượng uyển cài trâm, nàng bảo nội thần hái một đóa mẫu đơn trên hiên xe xuống, cài lên trâm cho chàng.
Đó là đóa hoa ngàn cánh, sắc tím cánh dày chồng lớp lớp, sau đó, chàng hỏi thăm người khác, biết hoa này tên là “bình đầu tử”.
Tím, là màu sắc yêu thích của sĩ phu, bởi ấn vàng thao tím là ước mơ của đại đa số người sống trên đời.
Món quà nàng tiện tay ban tặng này vừa hào phóng vừa khéo léo, hẳn là một lời chúc phúc dành cho chàng.
Chàng bái tạ lần nữa, cung tiễn nàng khởi giá, chẳng thêm một lời.
Song kỳ thực, chàng rất muốn hỏi nàng có nhớ chăng trạng nguyên lang trước mắt là cậu thiếu niên từng dẫn đường cho nàng, cũng là gã tú tài đã đuổi theo thuyền lầu của nàng ngoài thành Dư Hàng.
Sau này có thể có cơ hội hỏi lại nàng không? Ngón tay chàng mơn trớn cánh hoa ươn ướt của đóa “bình đầu tử” cài trên mão tầng kép, xúc cảm mát rượi.
Hình như lần nào gặp nàng, nàng cũng tặng chàng món gì đó.
Chàng chợt hồi tưởng lại, lần đầu gặp mặt, nàng tặng chàng xuyến vàng; lúc xướng danh, nàng tặng chàng bánh trà Long Phượng; mà nay thì tặng chàng “bình đầu tử”… Vậy, lần ở Dư Hàng thì sao?
Nguyên Nguyên.
Lòng chàng khẽ run lên, ảm đạm sầu thương, hôm nay nhớ lại, cuộc gặp gỡ giữa chàng và Nguyên Nguyên cũng có thể coi như được nàng ban tặng.
Chàng nhấc bút, viết thư báo tin cho mẫu thân vẫn đang ở Giang Hạ, cũng viết một bức cho chú, nhờ ông tìm một nghĩa địa rộng rãi ở quê nhà, để dành tương lai chàng hợp táng cùng thê tử.
Thư hồi âm của mẫu thân gửi tới rất nhanh, ngoài bày tỏ vui mừng, bà không quên nhắc chàng: Có vừa ý thục nữ khuê tú nào thì đừng ngại sớm ngày kết hôn ước, đón vào cửa.
Thế nào là “vừa ý”? Kể từ khi đỗ đạt tới nay, người đến cửa cầu hôn chàng mỗi ngày nườm nượp không dứt, nhà muốn kén chàng làm rể có danh môn vọng tộc, cũng có quyền quý đương triều, mà hôm nay, đối với chàng, hôn nhân tuyệt chẳng đơn giản chỉ là thành gia lập thất, sau lưng mỗi đối tượng nghị hôn đều có một bối cảnh chính trị rắc rối phức tạp, cưới nàng nào có nghĩa là chọn lập trường gia tộc của nàng ấy, chàng phải lựa chọn cẩn thận.
Dĩ nhiên, bắt đầu từ lúc cự tuyệt lời cầu hôn của nhà họ Trương, trong lòng chàng đã có phương hướng rõ ràng.
Trong năm ấy, hoàng đế hạ chiếu bổ quan cho trạng nguyên: phong người đứng đầu tiến sĩ Phùng Kinh làm tướng sĩ lang, thủ tướng tác giám thừa, thông phán Kinh Nam quân phủ sự, ban ân tá phi.
Trang phục của quan viên Đại Tống từ tam phẩm trở lên màu tím, ngũ phẩm trở lên màu đỏ, trở xuống màu xanh, nếu tính theo lý lịch năm tháng thì mới đầu làm quan mặc màu xanh, tròn hai mươi năm mới ban cho đổi sang đỏ, tròn thêm hai mươi năm nữa mới ban cho đổi tím.
Người chưa đủ năm mà đã nhậm chức không phù hợp với đỏ xanh, hoặc được hoàng đế ban cho đặc ân thì gọi là “tá tử”, “tá phi” (*).
Chức quan Phùng Kinh nhậm mới đầu chỉ là tòng lục phẩm, lấy thân phận trạng nguyên được ban cho áo đỏ, cũng thuộc về tá phi.
(*) Tá là mượn, tử là màu tím, phi là màu đỏ.
Không lệch một chút nào với hàng chữ cha chàng tự tay viết vào cuối sách năm xưa.
Phùng Kinh thầm lấy làm kinh ngạc: tướng sĩ lang và thủ tướng tác giám thừa đích xác là tên bậc quan sơ thụ của trạng nguyên quốc triều, ban ân tá phi cũng là thông lệ, nhưng cụ thể đến thông phán Kinh Nam quân phủ sự thì chẳng phải cái người thường có thể đoán trước được.
Phùng Kinh lĩnh mệnh đi nhậm chức, mấy tháng sau hồi cung báo cáo công tác, nghe thấy đồng liêu trong đô thành đang bàn tán chuyện tri chế cáo Hồ Túc từ chối thảo chế phục chức nhập nội phó đô tri cho nội thần Dương Hoài Mẫn.
Dương Hoài Mẫn là tâm phúc của Trương quý phi, bị biếm truất vì chuyện nghịch tặc vào cung năm Khánh Lịch thứ tám, nhậm chức kiềm hạt Cao Dương Quan, sau đó vào cung bẩm tấu, Trương quý phi xúi bẩy bên cạnh, hoàng đế có ý phục chức cho y, bèn mệnh Hồ Túc thảo chế.
Chế cáo bổ nhiệm quan văn từ tả hữu gián nghị đại phu trở lên, quan võ từ quan sát sứ trở lên, và những chiếu lệnh lớn như lập hoàng thái tử, hậu phi, phong thân vương, phong tể tướng, xu mật sứ, tam sứ, tam công, sứ tướng, tiết độ sứ đều do hàn lâm học sĩ thảo, gọi là “nội chế”, mà nội dung chủ yếu của “ngoại chế” do tri chế cáo phụ trách thảo thì là bổ nhiệm, bãi nhiệm, cáo phong cho quan viên phổ thông hoặc nội ngoại mệnh phụ, thường là hoàng đế gửi ý chỉ chiếu lệnh sang trung thư xét duyệt trước rồi từ Trung thư chuyển cho tri chế cáo.
Ý chỉ về việc phục hồi nguyên chức cho Dương Hoài Mẫn đã được Trung thư chấp thuận, nhưng lúc đưa đến tay tri chế cáo Hồ Túc thì y lại kiên quyết cự tuyệt thảo chế, nói: “Năm ấy Dương Hoài Mẫn chưởng quản Hoàng thành ty, trực đêm không cẩn trọng, dẫn đến nghịch đồ lẻn vào cung điện, lại không bắt sống gian tặc, khi đó đã có người bàn tán nói hắn muốn diệt khẩu kẻ gian, mà bệ hạ không nỡ thêm chém giết, chỉ biếm ra ngoài, cũng đã là khai ân đặc biệt, nay há có thể phục hắn nguyên chức? Huống hồ theo lệ cũ, nội thần đô tri, phó đô tri đã bị bãi chức không được bổ quan lần nữa.
Thần không dám thảo chế ý chỉ Trung thư chuyển đến ngày hôm nay, vẫn là niêm phong trả lại bệ hạ thì hơn.”
Thế nên, ý chỉ cứ thế bị y niêm phong nguyên trạng trả lại cho hoàng đế.
“Kim thượng có hỏi tội Hồ Túc không?” Phùng Kinh hỏi đồng liêu.
Câu trả lời nhận được là: “Không.
Kim thượng đem việc này đi hỏi Văn tướng công: ‘Tiền triều có chuyện này chăng?’ Văn tướng công đáp: ‘Cấp sự trung Viên Cao thời Đường không thảo chế thư cho Lư Kỷ, gần đây Phú Bật cũng từng niêm phong gửi trả ý chỉ.’ Kim thượng nghe vậy tức khắc nghĩ thông, thu hồi mệnh lệnh đã ban, vẫn để Dương Hoài Mẫn nhậm chức bên ngoài.”
Phú Bật? Mắt Phùng Kinh sáng lên.
Mấy năm trước, vị Phú thị lang hiện đang cứu nạn ở Thanh Châu này theo Phạm Trọng Yêm thúc đẩy tân chính, chủ trì cải cách, hiền danh rền vang thiên hạ, Phùng Kinh cũng đã sớm nghe nói đến khi còn ở châu học, vốn đã vô cùng ngưỡng mộ, chỉ là còn chưa biết ông từng có chuyện niêm phong trả lại ý chỉ.
Đồng liêu cười nói: “Xưa nay ở quốc triều, dám cự tuyệt ý chỉ trong cung truyền xuống vốn chỉ có tể tướng, chẳng hạn như Đỗ Diễn Đỗ tướng công, nói tần suất kim thượng ban ân quá cao, kế đó, mười ý chỉ thăng quan ban tước hoàng đế truyền cho ông thì có đến tám chín bị trả lại lên trên.
Thế nên về sau mà còn ai cầu quan xin thưởng, kim thượng sẽ nói với họ rằng: ‘Không phải ta không cho các ngươi mà lão già râu bạc kia không cho phép.’ Nhưng địa vị của tri chế cáo thua xa tể tướng, vốn là có ý chỉ truyền xuống đều không dám không phụng mệnh thảo chế, song Phú Bật lại là tri chế cáo đầu tiên của quốc triều công khai trả lại ý chỉ.”
Thấy Phùng Kinh có hứng thú, gã bèn kể thêm về việc này: Năm đó kim thượng lập hậu, vốn nhắm con gái của Vương Mông Chính đất Thục, nhưng Chương Hiến thái hậu cảm thấy cô này quá mức diễm lệ, bất lợi cho quân chủ còn trẻ, bèn lệnh ngài lập Quách hậu, lại để con trai nghĩa huynh Lưu Mỹ của mình cưới Vương thị.
Không bao lâu sau, Lưu Tòng Đức chết bệnh, mà kim thượng thì nhớ mãi không quên Vương thị, bèn phong thị làm Toại quốc phu nhân, cho thị ra vào cung đình, cũng có lời đồn rằng Vương thị từng thừa sủng.
Sau đó xảy ra chuyện Vương Mông Chính tư thông với tì thiếp của cha mình, bị xóa tên lưu đày, Vương thị cũng bị khiển trách tước phong, cấm vào cung yết kiến, kim thượng từng hạ chiếu lệnh rõ ràng về sau không cho thị vào cung.
Nhưng chẳng ngờ đến Khánh Lịch năm thứ nhất, Vương thị lại liên tục được kim thượng triệu kiến, ra vào như cũ, trung cung Tào hậu không thích, nhưng vì Vương thị không phải nội mệnh phụ, lại được kim thượng bảo vệ nên cũng không tiến hành quản thúc.
Gián quan Trương Phương Bình dâng tấu luận bàn, kim thượng cũng làm lơ không lý tới, sau đó định phục lại phong tước Toại quốc cho Vương thị, lệnh Phú Bật thảo chế, Phú Bật đã trả lại ý chỉ lúc đó, thái độ kiên định, quyết không thảo chế.
Kim thượng biết rồi cũng thấy xấu hổ, đành hủy bỏ lệnh phong.
Phùng Kinh lắng nghe như có điều suy nghĩ, hồi lâu không lên tiếng, mãi đến khi đồng liêu hỏi ý kiến chàng mới khẽ mỉm cười, nói: “Thời Khánh Lịch đông quân tử lắm thay.”
Phùng Kinh thúc ngựa đi Thanh Châu đúng mùa oanh liệng cỏ vươn, xuân sâu đương thắm.
Hỏi rõ phủ đệ của tri châu, chàng theo lời tìm kiếm, đi qua con cầu nhỏ bắc ngang một dòng kênh, trước mặt hiện ra một bức tường trắng ngói xanh, khóa bên trong là lầu tầng mái cong.
Nghĩ chắc sau bức tường này là vườn hoa, oanh hót véo von, gió mang hương thoảng, trên tường quây sum sê mấy tán lá xanh biếc, trên đầu tường thì buông rủ vài nhánh dây đồ mi vươn từ trong vườn ra.
Sau tường vọng tới tiếng nữ quyến nói cười, bảo người đẩy xích đu trong vườn.
Chàng điều khiển ngựa hơi lùi ra sau, tựa vào đầu cầu, cạnh khóm thùy dương, mắt hơi híp lại dưới ánh nắng vàng, dõi về phía xích đu bay lên.
Có lẽ là do tường quây quá thấp, hoặc là do khung xích đu dựng quá cao nên khi xích đu bay lên chỗ cao nhất, bóng dáng cô gái ngồi trên đó vượt qua bức tường vôi trắng, tay áo nàng tung bay, nhã nhặn uyển chuyển.
Lần thứ hai xích đu bay lên, nàng cũng chú ý tới chàng, kinh ngạc nghiêng đầu nhìn.
Chàng cười khẽ, ung dung đưa ống tay áo lên, nhẹ nhàng phất đi vụn dương hoa đậu trên trán mình.
Nàng mượn xích đu vượt tường ngó chàng ba lần, sau đó dừng lại, trong tường vang lên tiếng con gái thì thầm, hẳn là nàng đang nhắc đến chàng với bạn mình.
Một lát sau, hoa đồ mi nơi đầu tường lay động, bên trên đầu tiên là lộ ra hai búi tóc nho nhỏ và tóc mái trái đào gọn gàng của thiếu nữ, tiếp đó, một gương mặt bé gái mười ba mười bốn chiếu vào con ngươi chàng.
So với cô gái trông thấy mới rồi, dáng mặt cô hơi tròn, nước da trắng nõn, đôi mắt to trong trẻo, lúc chạm vào ánh mắt chàng, lúm đồng tiền bên khóe miệng cô còn chưa kịp giấu, tư thái ngây thơ thuần khiết sáng ngời ấy khiến chàng cảm thấy như đã từng quen biết.
Cô bé bám hai tay lên đầu tường, trợn tròn mắt quan sát chàng, soi thẳng từ mặt mũi mắt mày, áo mũ đai khăn đến tuấn mã roi tơ, cương ngọc yên hoa của chàng.
Tầm mất chàng rơi lên mười đầu ngón tay cô.
Cô không sơn móng, móng tay mang màu hồng sạch sẽ, chàng thấy khả ái, không khỏi cười với cô.
Nụ cười ấy kinh động đến cô.
Chừng như chợt nhớ ra điều gì, cô thoắt quay đầu ra sau, nói với người trong tường: “Tỷ tỷ, em xin cây quạt với.”
Có người giơ quạt tròn lên, cô nhận lấy rồi nghiêm túc cầm quạt che mặt, giấu đi phần từ mắt trở xuống, đôi mắt đẹp thì vẫn tò mò quan sát chàng.
Nụ cười chàng càng sâu hơn, cất tiếng hỏi cô: “Xin hỏi cô nương, cửa phủ đệ tri châu phải đi bên nào?”
“Sao huynh lại muốn tới phủ đệ tri châu?” Sau quạt truyền đến giọng nói có phần non nớt của cô.
Chàng trả lời: “Tôi muốn bái yết Phú thị lang.”
“Huynh tìm cha tôi làm gì?” Tiểu cô nương lập tức truy vấn.
Không đợi chàng đáp, thấy dưới ống tay áo gió màu xanh đen của chàng lộ ra dấu vết bào la sắc đỏ, cô lại bổ sung thêm một câu hỏi mình muốn tìm hiểu hơn: “Huynh là ai?”
Chàng cưỡi ngựa trắng, đứng trên bờ ruộng phía nam mọc đầy cỏ thơm, sau lưng tơ liễu la đà, khẽ khom lưng với cô, ngậm cười nói: “Tại hạ Phùng Kinh đất Giang Hạ.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...