Cô Thành Bế


2.

Huyền Vi Thẩm Cấu không mảy may xử Hương Duyên Tử bất kì hình phạt gì, trái lại để nàng làm thị nữ hầu bên cả ngày, chỉ là không cho nàng động vào đồ ăn thức uống nữa.

Hương Duyên Tử không đoán được chàng định làm gì mà cũng chẳng có cơ hội hay nắm chắc được việc tính kế chàng lần nữa, đôi con ngươi sáng trong của chàng cứ liếc sang nàng là nàng lại có cảm giác như mình biến thành một người trong suốt, lòng dạ tim gan đều in rõ nơi đáy mắt chàng.
Thẩm Cấu có thói quen dậy sớm xử lý việc công, đến trưa xong việc thì ra cửa thăm viếng bạn bè lâu năm, ung dung yến ẩm.

Sau khi dừng uống nước độc, dường như sức khỏe của chàng khôi phục rất mau, nom dáng vẻ lúc nào cũng thần thái sáng láng, tinh lực dồi dào.
Một chiều nọ, Thẩm Cấu dẫn Hương Duyên Tử tới một tiểu viện tường vôi ngói đen.

Mới tới trước cổng đã nghe bên trong có tiếng đàn sáo vọng ra, bước vào sân, thấy một cô gái đưa lưng về phía họ, vừa gảy tỳ bà vừa xướng khúc, bên cạnh có nhạc kỹ hòa tấu, đối diện thì có vài vũ cơ vung tay áo nhảy múa, nghe người hát hát tới “Hiu hiu sập nhỏ nằm gối sách, đợi ngày tắt nắng cưỡi ngựa về”, chúng vũ cơ bật cười khanh khách, dáng múa cũng ngả nghiêng chẳng ra điệu hình.
Thẩm Cấu đứng xem cũng không nhịn được rộ cười, cất giọng hỏi: “Bài từ này ai viết thế? Thâm ý có vẻ sâu sắc đấy nhỉ.”
Mọi người vội vàng tiến lên thi lễ.


Cô gái xướng khúc buông tỳ bà xuống, nâng vạt áo thưa: “Bài từ này do Vương An Thạch học sĩ viết sau khi trở về từ phủ tri châu, người xem đều khen thú vị, đặc biệt sao lại đưa đến, nhờ tôi phổ khúc ngày sau hát cho tri châu nghe.

Tôi cả gan tập luyện ở đây hôm nay, mong tri châu thứ tội.”
Giọng cô mềm nhẹ êm ái, vô cùng dễ nghe, dáng dấp cũng uyển chuyển thướt tha, song trên mặt lại đeo một tấm mạng màu thâm, che kín gương mặt từ mắt trở xuống.
Hương Duyên Tử để ý xem kĩ, thấy hai mắt cô gái này lóng lánh, lúc đưa mắt thu thủy mênh mông nom rất phong tình, chỉ nhìn nửa mặt thôi cũng biết là một đại mỹ nhân, đáng tiếc giữa hai chân mày lại có một vết sẹo lồi, màu sắc còn xám xịt, tuy đã dùng phấn son và hoa bột cố gắng che đậy nhưng vẫn có thể nhìn ra ngay, từ đó có thể suy đoán, hai bên má cô nhất định cũng có vết thương tương tự nên mới dùng mạng che mặt.
“Cô mà biết tội thì còn nghe người ta xui khiến đem khúc này ra châm biếm ta à?” Thẩm Cấu cười nói.
Cô gái kia cúi đầu giải thích, tư thái nhu mì: “Tri châu, Vương học sĩ viết bài từ này chẳng châm chọc gì đâu.

Ý chỉ tri châu giương roi thúc ngựa lúc rỗi rảnh, tụ tập yến ẩm cùng bạn bè, giữa chừng gối sách chợp mắt, hoàng hôn dắt ngựa về nhà, đến sáng hôm sau lại có thể tinh thần phấn chấn, hạ bút tựa gió mưa, xử lí liền trăm cuốn giấy tờ, phạt ác khen thiện.

Thế nên bài từ này mặt ngoài chê bai bên trong ca ngợi, thực tế là tán dương tri châu có phong độ Ngụy Tấn, là danh sĩ đích thực.”
Thẩm Cấu vỗ tay nói: “Nguyễn nương tử mới thật là hàng thủ (*).


Tìm khắp thành Hàng Châu cũng chẳng ra đóa hoa nào thông tuệ khéo léo thấu hiểu lòng người được như cô.” Đoạn bảo Nguyễn nương tử tiếp tục dẫn dắt nhạc kỹ vũ cơ tập luyện, mình thì ngồi một bên thích thú xem đến chiều tà mới cùng Hương Duyên Tử trở về.
(*) Cách gọi những kỹ nữ xinh đẹp có tiếng thời Tống – Nguyên.
“Thương tích trên mặt chị ấy…” Hương Duyên Tử chần chừ hồi lâu, cuối cùng không nhịn được hỏi Thẩm Cấu.

Một cô gái nhan sắc giọng hát đều tuyệt đẹp, lại am hiểu lòng người nhường ấy, chẳng biết đã gặp phải biến cố bậc nào mà chịu họa hủy dung.
“Cô ấy tên là Nguyễn Huyền Vi, từng là danh kỹ danh giá nhất thành Hàng Châu.” Thẩm Cấu đáp, “Trước kia cô ấy và một kẻ sĩ mến mộ lẫn nhau, người nọ khá có tài danh, nhưng tính tình lại cực kì thô bạo.

Huyền Vi không chịu đựng nổi, xa cách với hắn, có ý đoạn tuyệt quan hệ.

Kết quả người nọ dùng dao sắc cắt mấy vết lên mặt cô ấy, còn quết mực lên, hủy hoại rốt ráo dung nhan cô.

Huyền Vi tố việc này lên châu phủ, tri châu tiền nhiệm lại lấy lí do ‘mến tài’ không truy cứu trách phạt kẻ hành hung.


Sau đó trước cửa Huyền Vi đìu hiu, bị buộc ra ngoài phố hát rong kiếm sống.

Một lần hát rong giữa đường, gặp người đi đường chế nhạo chuyện dung nhan, cô ấy khóc lóc ở đầu phố, hôm đó ta nhậm chức, tình cờ gặp được, hỏi rõ nguyên do rồi thu xếp sơ lược, thấy tài nghệ ca múa của cô ấy xuất chúng, bèn để cô ấy tới nhạc phường làm hàng thủ, dạy dỗ nhạc kỹ.”
Ngẫm nghĩ tỉ mỉ chuyện này và giọng điệu ngầm chứa khinh thường của Thẩm Cấu khi nhắc đến kẻ sĩ kia, Hương Duyên Tử thấy lòng nao nao, bụng có một suy đoán mơ hồ, lại đưa ánh mắt hỏi dò nhìn Thẩm Cấu.
Thẩm Cấu thản nhiên đối diện nàng: “Không sai, kẻ đó chính là Nhậm Khang Ngao.”
Đó giờ Hương Duyên Tử vẫn tưởng rằng Thẩm Cấu giết Nhậm Khang Ngao là bởi có lòng đố kị tài hoa, chẳng ngờ nguyên do lại từ vụ án Nguyễn Huyền Vi hủy dung.

Trước kia chưa từng có ai đề cập đến chuyện này với nàng, hoặc là người làm mai và bạn bè thân hữu biết chuyện tận lực giấu giếm.

Mỗi lần nghĩ đến đây, ngoài phẫn uất, Hương Duyên Tử cũng cảm thấy hơi mừng: Vị hôn phu hung ác nhường vậy, nếu không có Thẩm Cấu tạo nên biến cố ấy, mình gả thật cho hắn rồi, ngày sau không vừa lòng hắn thì trở thành Nguyễn Huyền Vi thứ hai cũng chẳng biết chừng.
Hiểu được phần nào nỗi nhọc lòng của Thẩm Cấu rồi, nàng cũng dần nhận ra ưu điểm của chàng.

Chẳng hạn như tuy không hay đọc sách song trí nhớ của chàng tốt hơn người bình thường rất nhiều, viết văn trích dẫn kinh điển, giỏi nghị luận phê bình.

Chàng không thích điền từ mỹ miều ướt át, nhưng thơ ca sáng tác ra lại đẹp đẽ phóng khoáng, chẳng nhiễm vần tục.


Chàng giải quyết sự vụ sáng suốt, xử án như thần, còn mang tấm lòng phụ mẫu đối với bách tính Hàng Châu: nếu nhà bần dân có người chết không có tiền an táng, chàng sẽ trích công quỹ trao tặng; nữ tử mồ côi không có đồ cưới không thể thành hôn, chàng cũng sẽ viện trợ giống vậy; nếu có xướng kỹ đào kép thu con gái nhà lành làm con gái nuôi, chàng biết rồi sẽ lập tức sai người cướp đứa bé về trả lại cho cha mẹ…
Ấn tượng về chàng thay đổi, Hương Duyên Tử hầu hạ chàng cũng nghiêm túc hơn trước kia, thêm hương thêm áo, châm trà hầu đọc đều tương đối dụng tâm.

Có bận Thẩm Cấu chong đèn đọc sách suốt đêm, Hương Duyên Tử bầu bạn bên cạnh, sau cùng buồn ngủ, gật gà gật gù, chợt nghe Thẩm Cấu gọi tên mình, nàng bừng tỉnh, ngước mắt thấy Thẩm Cấu đang nhìn mình, nhất thời lúng túng, đỏ mặt đứng lên, hỏi: “Tri châu có gì phân phó?”
“Ừm, ta khát rồi.” Thẩm Cấu mỉm cười, nhẹ giọng hỏi: “Có thể làm cho ta một bát nước đậu tuyết xốp không?”
Đây là lần đầu tiên chàng bảo nàng làm đồ ăn thức uống sau khi xảy ra chuyện đầu độc.

Nàng kinh ngạc đứng ngây ra hồi lâu mới hoàn hồn được, gắng nén nước mắt chỉ chực dâng trào, cúi đầu đáp: “Đêm giờ đã khuya, uống nước đậu tuyết xốp quá lạnh, dễ gây tổn thương đến lá lách.

Trong bếp có canh đậu xanh, để tôi thêm chút bách hợp rồi đun nóng một bát mang tới cho tri châu nhé.”
Sau đó, Hương Duyên Tử lại lần nữa quản lí ẩm thực của Thẩm Cấu.

Nàng vốn từng học nấu nướng trong cung, thức ăn nấu ra vốn đã tinh xảo ngon miệng hơn hẳn đầu bếp bình thường, nay còn dụng tâm có lòng, tìm công thức nấu nướng của các đầu bếp nổi danh khắp mọi nơi về nghiên cứu, thay đổi cách chế biến làm cho Thẩm Cấu ăn, có thể liền một, hai tháng không trùng món nào.

Mà Thẩm Cấu cũng chẳng nghi ngờ thêm, nàng đưa cái gì là ăn cái đấy, chưa bao giờ thử độc, món ăn hợp miệng sẽ không quên khen ngợi đôi câu, lúc ấy hai người thường nhìn nhau cười, trong ánh mắt đôi bên đều hàm chứa sự dịu dàng dành cho thân quyến.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui