Tiếp theo tiếng rú đó, là một bóng người từ trên sà xuống, rơi vào giữa khoảng Tâm Đăng và Vạn Tiềm.
Tâm Đăng nhìn kỹ thấy đó chính là Lư Âu, bà ta sắc mặt xanh rờn, đôi mắt trợn trừng, mà đôi má của Vạn Tiềm vừa thủng một lỗ, máu tươi chảy ra từng giọt... từng giọt...
Thần sắc của Vạn Tiềm cực kỳ kinh hãi, Lư Âu cười sắc lạnh :
- Vạn lão nhị! Mi thật là to gan mới dám văng tục trước mặt ta. Mi phải gánh lấy tai họa mà mi chuốc lấy, mi đã trúng ám khí của ta, không lo thang thuốc, trong bảy ngày ắt không toàn tính mạng.
Vạn Tiềm nghe nói, hồn vía lên mây, vội vàng phủ phục trước mặt Lư Âu mà nài nỉ :
- Lư cô, tội tôi thật đáng chết, nhưng ngoài thuốc giải của Lư cô, tôi không biết đi đâu tìm thuốc...
Lư Âu vẫn lạnh lùng sắc mặt :
- Mi dại dột tự dẫn thân vào chỗ chết! Mi có nghe Lư cô này đả thương người rồi lại cứu hay chăng?
Vạn Tiềm nghe nói cực kỳ thất vọng, hắn muốn đi mà không dám, vì rằng sinh mạng của hắn vô tình đã nằm trong bàn tay Lư Âu.
Tâm Đăng trong lòng bất nhẫn, xá Lư Âu mà rằng :
- Lão tiền bối, xin mở lòng nhân đức cứu hắn một phen.
Tâm Đăng vừa dứt lời bỗng thấy Lư Âu trợn mắt nhìn mình, rồi lại nhìn Vạn Tiềm mà im lặng không trả lời.
Vạn Tiềm thấy mình chắc chết trước mắt, không ngờ Tâm Đăng lại lo cho yên nguy của mình đến thế, lấy làm cảm kích, nhìn Tâm Đăng bằng cái nhìn biết ơn làm cho Tâm Đăng càng thêm động lòng, nhất quyết tìm đủ mọi cách để cứu người này.
Tâm Đăng có biết đâu nhờ một chút lòng nhân này mà ngày sau chú đã cứu mạng chú.
Tâm Đăng lại vòng tay nằn nì với Lư Âu :
- Sư bá, xin sư bá tha cho hắn.
Lư Âu vẫn im lìm không trả lời... Lâu lắm mới lẩm bẩm :
- Gặp người xuất gia thật là rắc rối.
Nói rồi vừa tỏ vẻ khó chịu, vừa thò tay vào túi móc ra một lọ thuốc, trút một viên vào lòng bàn tay, cười mà nói với Vạn Tiềm :
- Mang về hòa với rượu mà uống rồi tọa công bảy ngày, chờ khi chất độc tan hết phải tức tốc cút khỏi vùng Tây Tạng, từ đây về sau ta mà gặp mi trên phần đất này, thì ta chẳng dung tha.
Vạn Tiềm nghe nói, như người chết đuối vớ được chiếc phao, ông chộp lấy viên thuốc rồi nói với Tâm Đăng một câu đầy cảm kích :
- Tiểu sư phụ! Thằng Vạn Tiềm này...
Vừa nói đến đây thì Lư Âu đã nạt :
- Mi còn chưa chịu cút đi uống thuốc? Ba tiếng đồng hồ sau thì thuốc của ta vô công hiệu đó.
Vạn Tiềm vội vã vái chào Tâm Đăng rồi đi thẳng xuống mái đồi thoai thoải...
Tâm Đăng thấy một con người hoành hành ngang dọc trong giang hồ như vậy, mà đứng trước mặt Lư Âu tiu nghỉu như con mèo bị cắt tai, trong lòng thầm nghĩ :
- Lão bà Lư Âu này quả thật danh bất hư truyền, là một tay quái gở trong thiên hạ.
Chờ cho Vạn Tiềm đi xa rồi, Lư Âu mới quay sang nói với Tâm Đăng :
- Tiểu hòa thượng! Ta bảo cho mi biết, lần sau có gặp trường hợp như vậy, cấm mi nhiều lời, bằng không thì ta nổi giận mi sẽ khốn đốn lắm đó.
Tâm Đăng trong lòng bất mãn nhưng ngoài miệng nói rằng :
- Vâng! Việc riêng của sư bá con không dám biết tới nữa.
Lư Âu vừa ý lắm, ngắm Tâm Đăng mà gật gù :
- Ta rời khỏi nơi này chỉ một tháng, mà ban nãy ta thấy thủ pháp của mi khác xa tháng trước, có phải thằng Cô Trúc đã trở về đây dạy thêm cho mi?
Tâm Đăng cả sợ nói thầm :
- Việc ta lén học Đại Thừa thần công không nên cho bà ta biết.
Nghĩ đoạn mỉm cười trả lời :
- Thầy tôi đi rồi không trở lại nữa, tôi ở nhà chỉ học ôn mà thôi.
Lư Âu nghe nói nửa tin nửa ngờ, ngắm Tâm Đăng từ đầu chí chân, lẩm bẩm một mình :
- Cô Trúc dạy cho nó những môn võ công thần diệu đến mức này sao?
Tâm Đăng chưa kịp trả lời, bà ta lại hỏi :
- Từ đây đến ngày mi hoàn tục còn cách bao lâu nữa?
Tâm Đăng vội vã trả lời :
- Ngày rằm Trung Thu năm tới, còn hơn một năm nữa.
Lư Âu gật gù ra chiều suy nghĩ, Tâm Đăng thấy Trì Phật Anh không theo chân bà ta nên hỏi :
- Thưa sư bá, Trì thí chủ sao chẳng thấy đến?
Lư Âu hậm hực :
- Hừ! Con quỷ nhỏ thật là chua ngoa đáo để, ba lần trốn khỏi tay ta, bây giờ ta giam vào một chỗ.
Tâm Đăng nghe nói giật mình :
- Trời! Sư bá giam cô ấy ở đâu?
Lư Âu cười bằng một tiếng cười quái dị :
- Sao? Mi sợ ư? Ta đang ép nó học một môn võ.
Tâm Đăng không nói gì nữa, chú đang trầm ngâm suy nghĩ không biết tại sao ban nãy nghe nói Trì Phật Anh bị giam, trong lòng chú bứt rứt khó chịu, chú bảo thầm :
- Mặc dù ta sắp hoàn tục nhưng ta đã cố quyết tâm sẽ trở lại vĩnh viễn nương bóng dưới Phật đài. Tại sao ta lại suy nghĩ vẩn vơ về một người con gái? Hừ... nguy hiểm thật!
Lư Âu thấy Tâm Đăng trầm ngâm suy nghĩ, bà không biết chú đang nghĩ gì lấy làm lạ hỏi :
- Hòa thượng, mi đang nghĩ gì đó?
Tâm Đăng vẫn còn đang đắm chìm trong ảo tưởng mông lung của mình, nên chưa trả lời, Lư Âu lắc đầu nói :
- Ta xem mi sắp động lòng phàm rồi đó.
Câu này làm cho Tâm Đăng giật mình ngước mắt lên nói :
- Thưa sư bá, con không bao giờ động lòng trần cả.
Lư Âu thấy trong ánh mắt của chú tiểu này có một thứ cang cường nghị lực, làm cho người ta không thể không tin chú.
Lư Âu mỉm cười nói :
- Vậy thì tốt lắm! Ta không bao giờ tán thành cho người xuất gia... kể luôn người hoàn tục thành hôn. Mi hãy xem ta, già đến từng tuổi này mà chẳng lấy chồng.
Tâm Đăng lấy làm lạ lắm vội hỏi :
- Thưa sư bá, tại sao sư bá không tán thành cho người khác thành hôn?
Lư Âu cau có hạ thấp giọng :
- Mi không biết sự thành vợ thành chồng sẽ đem đến cho người ta nhiều điều tổn thương và phiền não. Đấng cao xanh đã cho ta một tấm hình hài hoàn toàn tự do, và một cõi lòng ngây thơ vui sướng, tại sao ta lại đem đời ta trao vào tay một người khác để mất hết cả tự do? Nói một cách khác, nghĩa là sau khi thành thân rồi, ta chỉ đổi lấy một sự vui sướng ngắn ngủi mà phải chịu đau khổ lâu dài, đau khổ mãi mãi cho đến khi ta chết...
Luận điệu này thật là kỳ quặc, cho đến một vị tiểu hòa thượng nghe đến cũng không mấy xuôi tai.
Mặc dù Tâm Đăng hiểu đời rất ít nhưng chú mường tượng nghĩ rằng sự kết hợp của nhân loại là một điều thiêng liêng và kỳ diệu.
Khi xưa, cứ mỗi lần nghe người ta nói đến kẻ độc thân, Tâm Đăng thường nghĩ :
- Những người ấy, họ không đọc kinh, không niệm Phật như mình, cớ sao lại chẳng thành thân, thật là lạ!
Bây giờ nghe Lư Âu lý luận như vậy, chú lại mơ hồ nghĩ :
- Thì ra, sự kết hợp giữa thanh niên nam nữ không phải là một việc sung sướng trên đời mà lại là một sự đau khổ nữa!
Lư Âu thấy Tâm Đăng trầm ngâm nghĩ ngợi bỗng cười xòa nói :
- Mi là người xuất gia, không hiểu nổi lời nói của ta đâu. Này... nghe ta hỏi, trong khoảng thời gian một năm trước khi hoàn tục mi định làm gì?
Tâm Đăng điềm đạm trả lời :
- Tôi vẫn tụng kinh, niệm Phật, và nhập định tham thiền, ngoài ra không thiết đến việc gì nữa.
Lư Âu hỏi bằng một giọng khác thường :
- Chẳng lẽ mi không luyện võ?
Tâm Đăng trả lời :
- Ít lắm, tôi rất ít luyện võ.
Câu nói này làm cho Lư Âu kinh dị hỏi :
- Hay là mi chẳng thích võ? Thế thì tại sao Cô Trúc nó lại truyền võ cho mi?
Tâm Đăng cảm thấy là lạ, vì Lư Âu mỗi khi gặp chú cứ thích hỏi luôn mồm, dường như bà ta muốn dọ hỏi điều chi.
Nghĩ vậy nên Tâm Đăng trả lời ỡm ờ :
- Chẳng phải tôi không thích võ, chỉ vì...
Tâm Đăng nói đến đây bỗng dừng lại, vì dường như trong trí chú thoáng lướt qua một hình bóng, hình bóng này đeo theo ám ảnh chú suốt mấy năm trường.
Lư Âu thấy Tâm Đăng thình lình ngưng bặt, hỏi :
- Chỉ vì sao? Cớ sao mi chẳng nói hết lời?
Tâm Đăng do dự một chút rồi mạnh dạn phô bày tâm tư của mình bằng một giọng nói run run :
- Tôi... tôi rất lấy làm ân hận vì trót đã lâm vào nghiệp võ.
Câu nói này làm cho Lư Âu giật mình kinh sợ, bà ta “À” lên một tiếng kinh dị :
- Mi hối hận? Tại sao? Mi chưa từng bị tổn thương vì mi chưa lê gót vào chốn giang hồ, cớ sao mi lại ngã lòng sớm thế?
Tâm Đăng lắc đầu quầy quậy mà không trả lời. Lư Âu thấy vậy dịu dàng hỏi :
- Đêm mai mi trở lại đây, ta sẽ kể cho mi nghe một câu chuyện cổ tích, bây giờ... mi hãy trở về!
Tâm Đăng thẫn thờ, xá chào Lư Âu rồi trở về Bố Đạt La Cung, trong trí chú cứ suy nghĩ mãi về câu nói của Lư Âu.
Lời nói của bà rất đúng, ta chưa đặt chân vào chỗ giang hồ, lại chưa từng bị dày vò đau khổ, tại sao ta phải hối hận vì ta đã học võ?
Có lẽ vì sự học võ đã làm xáo trộn nếp sống tu hành của ta, làm cho ta không thể nào sống yên ổn dưới chân đức Phật?
Vừa đi, Tâm Đăng vừa nghĩ tiếp.
Mặt trăng mùa thu treo lơ lửng trên nền trời trong vắt, bốn bề vắng lặng như tờ, thỉnh thoảng mới có một vài cơn gió nhẹ thoáng qua.
Ngôi Kim Nga điện trong Bố Đạt La Cung im lìm lặng lẽ, như một pho tượng Phật dùng ánh sáng trí tuệ của mình mà rọi khắp nơi nơi...
Chính vào lúc Tâm Đăng vượt qua bức tường thành của Bố Đạt La Cung thì có một chiếc bóng gầy gò thoáng hiện ra rồi mất hẳn.
Qua đêm sau trời vẫn trong veo không gợn mây mờ, mảnh trăng tròn vành vạnh chiếu ánh sáng bàng bạc khắp không gian.
Sau khi tụng một đoạn kinh, Tâm Đăng nhớ tới lời hẹn của Lư Âu bèn cất kinh vào phòng, xô cửa đi ra.
Mấy tháng nay, vì Tâm Đăng thường lục đục đi ra đi vào khoảng nửa đêm nên những đồng đạo ngủ chung phòng không lấy đó làm lạ.
Tâm Đăng đi dưới bóng trăng thanh, lần lần lên đến đỉnh đồi, trông thấy Lư Âu đã ngồi trên một phiến đá vội vàng bước tới thi lễ, bà ta trỏ một phiến đá gần bên cạnh bảo :
- Tâm Đăng, mi hãy ngồi xuống đây.
Dứt lời giương con mắt xanh rờn nhìn chằm chằm vào gương mặt của Tâm Đăng, Tâm Đăng giật mình vội hỏi :
- Thưa sư bá, con còn nhớ sư bá bảo rằng hôm nay sẽ kể một câu chuyện cổ tích cho con nghe.
Lư Âu nghe nói nở một nụ cười, nhưng nụ cười ấy thật là nhẹ nhàng, Tâm Đăng phải cố nhìn kỹ mới thấy.
Lư Âu cất giọng trầm trầm lạnh nhạt :
- Ta sẽ kể một câu chuyện cho mi nghe, có lẽ câu chuyện này nhạt nhẽo lắm, mi phải chú tâm lắng nghe, không đặng ngắt ngang câu chuyện.
Tâm Đăng nghe nói khó chịu lắm nhưng vẫn gắng gượng gật đầu trả lời :
- Vâng.
Lư Âu nghe nói khe khẽ thở dài, cất giọng khàn khàn nói :
- Trước khi mi nghe câu chuyện này, mi phải tin ta một việc, bằng không ta sẽ không kể cho mi nghe?
- Việc gì?
- Việc đó là: Trên đời này kẻ có võ công cao nhất không phải là người Tây Tạng, mà cũng không phải là người ở Tân Cương, phải là người ở Trung Nguyên. Mi có tin như thế hay không?
Tâm Đăng nghe đến một vấn đề quá ư đột ngột, chưa biết rả lời ra sao, chú chỉ nghe thấy trong giọng nói của Lư Âu chứa đựng một sự tin tưởng vô biên hòa lẫn trong một ít căm hờn xúc động.
Tâm Đăng chưa kịp trả lời thì Lư Âu lại hỏi tiếp :
- Mi hãy trả lời cho ta rõ, mi có tin là như vậy hay không đã?
Tâm Đăng bị hỏi dồn dập mấy câu, trong lòng do dự trả lời :
- Thưa sư bá, tôi không được rõ vì từ nào tới giờ tôi chưa hề rời khỏi Bố Đạt La Cung.
Câu nói chưa dứt thì đã nghe Lư Âu tức lắm thét lên một tiếng kinh rợn, bà ta gằn giọng :
- Vậy thì mi hãy suy đi nghĩ lại cho kỹ đã.
Nhưng Tâm Đăng đã vội vã trả lời :
- Thưa sư bá, tôi tin, tôi tin người Tây Tạng không thể nào học võ bằng người Trung Nguyên được.
Lư Âu thoáng lộ một nét mừng, lại hỏi :
- Tại sao mi biết? Mi chưa từng rời khỏi Bố Đạt La Cung và cũng chưa từng đến Trung Nguyên kia mà?
Tâm Đăng nghe câu hỏi khó, cau mày trả lời :
- Mặc dầu tôi chưa đến Trung Nguyên nhưng những người mà tôi gặp có một môn võ nghệ vững chắc thảy đều là người Trung Nguyên...
Câu nói này càng làm cho Lư Âu mừng rỡ, bà ta gật gù :
- Hay lắm! Nhưng còn một việc này nữa, mi có tin rằng người Tây Tạng gian trá, xảo quyệt hơn người Trung Nguyên?
Câu hỏi này làm cho Tâm Đăng bất mãn vì theo sự hiểu biết của chú, người Tây Tạng mặc dù có vẻ ngoài hung tợn nhưng tính tình hiền hậu.
Gần gũi với bọn họ không sợ bị lừa dối, phỉnh phờ, trái lại những hạng người quân tử ở vùng Trung Nguyên thường hay đến Tây Tạng quấy rầy.
Vì nghĩ như vậy, Tâm Đăng im lìm không trả lời, Lư Âu cười kinh dị nói :
- Về vấn đề này mi có thể khoan trả lời, nghe xong câu chuyện của ta mi tức khắc sẽ hiểu. Chính như sư phụ của mi, và ta, và rất nhiều bậc kỳ nhân trong làng võ, thảy đều mắc mưu người Tây Tạng.
Mãi đến giờ chúng ta vẫn còn bị họ trêu chọc một cách buồn cười. Một điều làm cho ta tức giận nhất là chúng ta không có cách để chọi lại.
Tâm Đăng nghe câu nói lạ lùng này càng lấy làm kinh dị vì chú biết có những việc kỳ dị vừa xảy ra...
Chú còn nhớ Cô Trúc, Bệnh Hiệp truyền võ nghệ cho chú đều bắt chú làm cho họ một việc, mà việc đó bản thân họ không thể nào làm được.
Thật là lạ!
Lư Âu cất giọng trầm trầm :
- Chắc mi chưa từng nghe người ta nói rằng mười tám năm về trước trên chỗ giang hồ đồn đại rằng tại vùng Tây Tạng có xuất hiện một quyển kỳ thư tên là Tàm Tang khẩu quyết.
Tâm Đăng nghe nói giật mình thầm nghĩ :
- Quyển sách này chính mắt ta trông thấy, chính vì quyển sách đó mà Y Khắc đại sư mất mạng, Tạng Tháp rụng hai ngón tay và mất tích một cách kỳ bí.
Lư Âu tiếp tục kể :
- Quyển sách này là vật quý báu nhất đời đối với người luyện võ, vì ai đọc nó rồi thì có thể trở nên một bậc võ công cái thế.
Vì vậy mà biết bao nhiêu bậc kỳ nhân lũ lượt kéo nhau về Tây Tạng, gồm toàn những tay cao thủ trong các môn phái, như Vạn Giao, anh của Vạn Tiềm, người này võ công cao diệu, có thể nói là đệ nhất cao thủ bên tà phái.
Còn Cô Trúc, hắn đến đây để ngăn ngừa không cho người khác lấy quyển sách đó, hắn muốn giữ cái danh dự thiên hạ đệ nhất của hắn.
Còn ta, còn Bệnh Hiệp và vợ hắn, Nam Hải Thất Ky... và còn nữa, những người ấy không nề đường xa vạn dặm đến đây chỉ vì muốn gấm ghé quyển Tàm Tang khẩu quyết.
Tâm Đăng càng nghe càng lấy làm kinh dị trong dạ, nghĩ thầm :
- Thì ra quyển sách ấy đã làm chấn động làng võ từ mười tám năm về trước, biết đâu vào thuở ấy Y Khắc đã để chân đến vùng Tây Tạng này...
Lư Âu lại cất giọng trầm trầm :
- Rất tiếc khi ấy mi chưa ra đời, bằng không cũng nhúng tay vào vụ này, những kỳ nhân trong làng võ thảy đều tụ tập gần kinh đô La Sa này, phần ta trú ngụ trong Sắc La tự, còn Cô Trúc ngụ tại Kim Nga điện trong Bố Đạt La Cung.
Tâm Đăng nghe đến đây, “à” lên một tiếng kinh dị, chú không bao giờ ngờ rằng Cô Trúc lại đến Bố Đạt La Cung trước chú.
Lư Âu thấy thái độ của Tâm Đăng như thế, bất giác mỉm cười :
- Mi ngỡ rằng bọn chúng ta đọc kinh kém hơn mi ư? Trong khoảng thời gian đó, tất cả những quyển kinh tàng trữ trong các chùa chiền Tây Tạng, thảy đều bị chúng ta đọc không sót một trang.
Tâm Đăng nghe nói càng thêm phần kinh dị, chú bất giác lấy làm cảm phục nghị lực của Y Khắc đại sư, suốt mười tám năm trời nghiền ngẫm đọc từng trang kinh để đi tìm Tàm Tang khẩu quyết.
Lư Âu lại kể tiếp :
- Chỉ có một chỗ chưa có người đến tìm, đó là Bố Đạt La Cung.
Tâm Đăng càng lấy làm lạ vội hỏi :
- Tại sao chẳng đến Bố Đạt La Cung lục soát?
Lư Âu lấy làm khó chịu trả lời :
- Lẽ tự nhiên ta phải cho mi biết lý do, lý do đó là Cô Trúc ngự tại Kim Nga điện trong Bố Đạt La Cung.
Tâm Đăng vẫn chưa hiểu, dợm hỏi thì Lư Âu khoát tay, nối lời :
- Mi sẽ hỏi tại sao... tại vì... bản lĩnh của thằng Cô Trúc cao cường nên chẳng ai dám bén mảng vào đó.
Tâm Đăng nghe nói, trong lòng sung sướng lắm, vì chú đã nghe một bậc kỳ nhân trong làng võ là Lư Âu nhìn nhận bản lĩnh của sư phụ mình là đệ nhất thiên hạ.
Lư Âu cố gắng dằn cơn xúc động trong lòng, lạnh lùng nói :
- Ta thì ta chẳng sợ thằng Cô Trúc nhưng ta không bằng lòng dùng... đồng thời ta ngụ tại Sắc La tự cũng không có kẻ nào dám bén mảng đến đó, kể luôn thằng Cô Trúc, dường như giữa chúng ta có một sự gia ước ngầm với nhau vậy.
Lư Âu vừa nói đến đây, Tâm Đăng bỗng nghe có tiếng xé gió vì vèo, vội vàng lách đầu né tránh, đồng thời Lư Âu cũng khoát bàn tay ra bắt gắn lấy một vật.
Thân hình của Lư Âu như một con chim đại bàng, trong chớp mắt đã liệng một vòng tròn hơn mười trượng, tốc độ thật nhanh đến mức đáng sợ, bà ta rảo khắp một vòng mà chẳng thấy điều chi khác lạ.
Tâm Đăng đuổi theo bà ta, Lư Âu trao vật đã bắt được cho Tâm Đăng xem, thì ra đó là một tấm giấy vo tròn.
Lư Âu vuốt phẳng tờ giấy ra, bà chớp nhanh cặp mắt vì đã biết tác giả là ai.
Tâm Đăng thấy mặt bà ta biến sắc, vội hỏi :
- Ai đó?
Lư Âu không đếm xỉa đến Tâm Đăng, quay sang bên tả cười rằng :
- Ha ha... Ta tuyệt đối không chiếm mất vị trí của mi, mi hãy yên lòng, cút đi thôi! Ta không muốn nhìn thấy mặt mi nữa!
Câu nói của Lư Âu vừa dứt, thì nơi cõi xa xăm vọng lại một chuỗi cười, tiếng cười nhỏ dần... nhỏ dần... chứng tỏ người đó càng đi càng xa.
Tâm Đăng hỏi :
- Thưa sư bá, người ấy là ai?
Lư Âu không trả lời, bà ta xé tan mảnh giấy trong tay ném vào giữa không trung, để cho cơn gió thu thổi tới mang nó đi bay lượn khắp bốn phương trời Bà ta thẫn thờ như người mất vía, dường như triền miên suy nghĩ về dĩ vãng.
Tâm Đăng tò mò, lại hỏi :
- Việc gì thế, sư bá?
Lư Âu nạt :
- Đừng hỏi, mi là người xuất gia mà cứ tò mò, hỏi đón, hỏi dò.
Tâm Đăng bị mắng, hổ thẹn đỏ bừng sắc mặt, nghĩ thầm :
- Thật là lạ, hễ là người luyện võ thì tính tình thường quái đản.
Tâm Đăng lại nghĩ về mẩu chuyện dang dở của Lư Âu, chú đoán chừng câu chuyện này sẽ cho chú biết tại sao Cô Trúc lại truyền võ cho mình. Và Bệnh Hiệp tại sao khẩn khoản mình học võ? Sau khi hoàn tục mình sẽ làm gì? Và biết đâu chẳng do đó mà truy ra cha mẹ mình là ai? Và người nào đưa mình vào chùa nương bóng Phật?
Nghĩ đến đây, chú bỗng giật mình hối thúc :
- Thưa sư bá, còn câu chuyện ấy thế nào?
Không ngờ lần này Lư Âu lại khoát tay lắc đầu :
- Câu chuyện ấy, ta không kể nữa!
Tâm Đăng cực kỳ thất vọng, suýt tí nữa chú gào lên :
- Tại sao không kể?
Lư Âu lạnh lùng nói :
- Ngày sau tự khắc có người kể lại cho mi biết.
Tâm Đăng gần như van xin :
- Sư bá, xin hãy kể cho tôi nghe, tôi cần nghe lắm, sư bá hãy kể đi... A di đà Phật!
Lư Âu thấy chú nóng nảy như vậy, vụt cười xòa :
- Mi đừng hỏi, có hỏi ta cũng chẳng nói, ngày sau tự nhiên có người khác kể cho mi rõ. Thôi bây giờ mi hãy về đi!
Tâm Đăng lại đắm chìm vào thất vọng, biết Lư Âu khó tính, chú không dám nài nỉ nữa, chỉ hỏi :
- Thưa sư bá, đêm mai tôi...
Câu nói chưa dứt thì Lư Âu xua tay cắt ngang :
- Đêm mai người không cần đến! Ta cũng chẳng trở lại chỗ này...
Tâm Đăng ra chiều tiếc rẻ, mặc dù bà già này khó tính nhưng chàng nghe ra mình thích bà già ta lắm.
Khi gần bà ta, Tâm Đăng thấy khó chịu nhưng khi xa bà ta Tâm Đăng lại thấy tiếc rẻ.
Lư Âu đọc thấy tư tưởng đó qua nét mặt đăm chiêu của chú nên vò đầu chú mà nói :
- Đêm khuya lắm rồi, mi hãy về đi, sau này có dịp ta lại tìm mi.
Kể từ lúc gặp Lư Âu, Tâm Đăng đã có ý dò hỏi chỗ ở của Phật Anh, nhưng không biết tại sao chú nghe thấy mình khó mở lời lắm, chính tư tưởng này đang dày vò tâm tư của chú, không biết tại sao Tâm Đăng đối với người con gái bịt mặt này dường như có vẻ quan tâm lắm.
Tâm Đăng giã từ Lư Âu, lặng lẽ xuống đồi.
Lư Âu nhìn theo bóng Tâm Đăng nhỏ dần... nhỏ dần trên mái đồi thoai thoải, bà lắc đầu thở dài :
- Xem tình thế này thì Tâm Đăng chưa đủ năng lực để hoàn thành công việc đó.
Ta phải giúp đỡ nó cho đến kỳ cùng......
Tâm Đăng treo mình trên giường, bỗng nghe thấy trên giường có một vật cồm cộm. Mò lên xem thấy đó là một xâu chuỗi ngọc, những viên ngọc này lóng la lóng lánh, trơn tru một cách khác thường.
Dưới ánh nguyệt mơ hồ rọi qua song cửa, xâu chuỗi ngọc này tỏa ra hào quang sáng rực, trông thật là đẹp mắt.
Tâm Đăng trong lòng mừng rỡ, không biết là xâu chuỗi ngọc này từ đâu đến, nhưng chú biết trong Bố Đạt La Cung không ai có, kể luôn cả vùng Tây Tạng, chí như Đạt Lai Ban Thiền ngự dụng cũng không thể nào có một xâu chuỗi quí giá như vậy.
Chú nghĩ :
- ... Xâu chuỗi này có lẽ từ miền Trung Nguyên hoặc Tây Vực mang tới... nhưng tại sao nó lại nằm trên giường ta? Ai mang nó vào đây?
Suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra lời đáp, chú cất kỹ xâu chuỗi rồi ngả lưng trên giường ngáy pho pho.
Suốt ba hôm liền Tâm Đăng không rời khỏi Bố Đạt La Cung, ban ngày thì đọc kinh, ban đêm thì luyện võ.
Đến đêm thứ tư khi chú vừa luyện xong nội công thì bỗng có vài tiếng ho nho nhỏ từ bên ngoài theo gió nhẹ đưa vào.
Tâm Đăng mừng rỡ, chú sực nhớ đây là ngày Bệnh Hiệp trở về. Liền nhảy tọt xuống giường xô cửa chạy ra ngoài.
Dười bóng trăng mờ ảm đạm, có một lão già đứng tựa vào tường ho lên sù sụ, đó chính là Bệnh Hiệp.
Trông ông ta càng già thêm, càng tiều tụy thêm, gần như người sắp sửa lìa đời.
Cặp mắt của ông lõm sau vào, hai xương gò má lồi hẳn ra, da mặt răn reo trông thật là dễ sợ nhưng cớ sao sắc mặt ông lại đỏ tươi?
Nhất là những lúc ông ho lên, thì gương mặt lại càng thêm đỏ.
Tâm Đăng ôm lấy Bệnh Hiệp, khóc mà nói rằng :
- Bệnh sư phụ! Sao thế?
Dứt lời, Tâm Đăng nức nở, Bệnh Hiệp thò bàn tay khẳng khiu của mình ra sờ lấy lưng của Tâm Đăng mà nói :
- Con đừng sợ, ta chẳng chết đâu!
Nhưng Tâm Đăng đã dìu ông vào phòng, ông ngồi trên giường thong thả lấy lại sức khỏe, trên môi lại nở một nụ cười tươi. Tâm Đăng thấy vậy mừng lắm.
Bệnh Hiệp hổn hển nói :
- Tâm Đăng... con, ta... ngỡ rằng... chẳng được thấy lại con nữa.
Tâm Đăng rơi nước mắt hỏi :
- Sao thế?
Bệnh Hiệp trả lời :
- Một tháng nay ta đã đi qua rất nhiều chỗ xa lạ... ta đã đi qua Trác Ủng hồ.
Tâm Đăng biết Trác Ủng hồ là một cái hồ to nằm về phía Đông nam xứ Tây Tạng.
Đó là một cái hồ có nhiều cảnh trí đẹp và sản xuất rất nhiều cá.
Những người chưa từng đặt chân đến vùng Tây Tạng chắc thường tưởng tượng đấy là một vùng hoang vu, nghèo nàn, hẻo lánh.
Nhưng thật ra, cái đẹp của Tây Tạng thật là bất khả hình dung, nó cũng có cảnh hoa đào trước gió, cành liễu xanh tươi, trăng thanh gió mát như vùng Giang Nam vậy.
Nhưng còn một điểm khác biệt nữa, là ở đó thật nhiều ao hồ, nằm rải rác như những chòm sao trên bầu trời bao la bát ngát.
Trác Ủng hồ là một cái hồ to vào hàng thứ ba của Tây Tạng, hình dáng của nó tương tự như một con thần mã tung hoành bốn vó giữa cao nguyên Tây Tạng, vì vậy nên còn có một cái tên gọi nữa là Tuấn Mã Hồ.
Tâm Đăng nghe Bệnh Hiệp kể lại như thế, trong lòng vui vẻ lắm và Bệnh Hiệp cũng nở một nụ cười trên vành môi héo hắt.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...