Đi vòng sang mặt sau chùa, tôi hé mở cánh cửa gỗ len vào, lần theo dãy hành lang mà ra được đến sau thượng điện, nơi tiếng kêu khóc đang nhỏ dần. Tôi nhìn qua song cửa nhỏ hẹp, hai đứa trẻ lúc nãy đang ôm chặt lấy nhau run bần bật, ở giữa còn có một đứa trẻ khác trông như một chú sa di, chúng rúc sâu vào dưới ban thờ Phật, tay chắp lại như đang cầu xin đấng Thế tôn hãy chở che. Mắt chúng đẫm nước, mồm không ngừng kêu thét, hướng về cổng chính. Tôi tiến thêm vài bước nữa đến góc tường để nhìn ra phía ngoài, suýt chút nữa đã kêu to:
- Ông Đảm!
Độc túc tráng sĩ của tôi đang chặn ở cổng chùa tả xung hữu đột cùng một đám quân Thát mặt mày hung tợn. Ngõ hẹp trước chùa ngăn chúng ồ ạt tiến vào, có vài tên đã bị hạ, nằm la liệt dưới chân ông. Nhưng độc túc tráng sĩ cũng là người, lại là một người già tàn tật, toàn thân ông đều đã bị thương, xem chừng không trụ được bao lâu nữa. Tôi toan xông lên nhưng cố gắng trấn tĩnh lại để quan sát, đoạn chạy đến cổng phụ đang bị lèn chặt phía trong, nhìn qua song phía trên cửa, có khoảng mười tên giặc đang lăm lăm lưỡi đao sáng loáng. Tôi rút nỏ, bắn liền một lúc năm mũi, nhân lúc chúng không chú ý mà hạ được ba tên. Ông Đảm nhận ra sự có mặt của tôi, một tay vẫn bám vào cổng chùa để giữ thăng bằng, tay kia không ngừng vung đao, thét to:
- Nhóc, dẫn bọn trẻ chạy mau!
- Có chạy thì cùng chạy! – Tôi còn thét to hơn, buông dây nỏ diệt thêm được một tên nữa bên ngoài.
Bên kia, một tên râu ria hung tợn vung đao định chém xuống cánh tay ông Đảm đang bám vào tường, ông buông tay để tránh, bị hắn vung thêm một nhát, mất đà ngã xuống. Tôi liền vớ thanh kiếm đeo trên lưng, không kịp rút khỏi vỏ, lao đến chắn ngang nhát chém của hắn. Một tay tôi nắm chuôi kiếm, tay còn lại nắm chặt vỏ, càng lúc càng không chống nổi sức mạnh của tên rợ Thát đang ép mạnh đao từ trên xuống. Sức vóc tôi chẳng là gì so với bọn chúng. Nếu để tên này qua khỏi cổng, những tên còn lại cũng tiến vào trong, cả tôi, cả ông Đảm và bọn trẻ đều chết chắc. Sau lưng tôi, ông cụ đang cố gượng dậy, không ngừng kêu:
- Mặc kệ ta! Chạy mau! Mặc kệ ta!
- Cháu đã hứa khi thanh bình sẽ cùng mọi người uống rượu, sẽ gội đầu cho ông, cháu không đi đâu hết! – Tôi nghiến răng, mồ hôi tuôn thành dòng.
- Cháu vẫn còn Trần Tung! – Ông cụ thét trong tuyệt vọng.
Đúng vậy, tôi còn phải gặp lại lão già, làm thế nào bỏ mạng nơi này được! Dùng hết sức bình sinh, tôi trụ vững trên chân trái, chân phải thúc mạnh gối vào hạ bộ tên giặc. Hắn rú lên đau đớn rồi ngã ra sau, tôi thừa cơ rút kiếm chém ngang cổ, hắn rơi xuống đất như bao gạo, mắt vẫn mở trừng trừng, hẳn là tức vì phải làm ma bán nam bán nữ.
Tôi còn chưa kịp cười đắc thắng, một tên khác đã xông tới từ trên lưng ngựa. Hắn đạp vào ngực tôi một cú đau như trời giáng, tôi ngã sấp xuống đất, tưởng đã ngừng thở. Liền đó bên tai tôi vang lên tiếng thét buộc tôi bừng tỉnh.
- Ông ơi! – Tôi ước gì đây chỉ là một cơn ác mộng.
Độc túc tráng sĩ vừa đỡ cho tôi một nhát chém ngang lưng, ngã huỵch xuống. Thằng giặc lại vung đao chém tới, đúng lúc tôi tưởng mình sắp chết thì một bát hương bằng đồng bay thẳng vào mặt hắn, tro bụi vương vãi khắp nơi. Bọn trẻ, nhất là chú sa di nọ, đang không ngừng ném hết đồ đạc trên bàn thờ Phật vào người tên giặc, hết chân nến đến bình hoa, ném luôn cả mấy bức tượng nhỏ đặt chung quanh, vừa ném vừa không ngừng khóc rống:
- Phật đang ở đâu sao không cứu khổ cứu nạn cho chúng con! Con không tin Phật nữa! Không tin Phật nữa!
Tôi nghe chú mà thương đến nghẹn lòng, thật rất muốn ôm chú một cái, nhưng hơi thở của tôi vẫn chưa trở lại bình thường, đứng dậy còn khó khăn. Cạnh bên, ông cụ tàn mà không phế của tôi vẫn chưa bỏ cuộc, một lần ngã lại một lần tìm cách gượng lên, thân thể cứ như làm bằng sắt bằng đồng mà chẳng biết đớn đau.
Bọn giặc cũng lì lợm không kém, tên này vừa gục, lại một tên khác quất ngựa xông vào. Hắn phóng như bay qua người tôi và ông Đảm, lao đến phía bọn trẻ. Tôi hốt hoảng:
- Chạy mau!
Nỗi sợ tiếp thêm cho tôi sức mạnh, tôi bật dậy chộp lấy cây nỏ, rút một mũi tên bắn thật nhanh vào cổ hắn. Tên đó ngã xuống, con ngựa của hắn liền quay lại phóng đến chỗ tôi, chồm lên lồng lộn. Tức thì, một cái bóng lớn chắn trước mắt tôi.
- Cụ Nhỏ!
Con ngựa của Trần Cụ đang chiến đấu với đối thủ to gấp đôi nó để bảo vệ cho tôi, khí thế chẳng hề nao núng. Tôi cắn chặt răng để ngăn cơn xúc động, lại nhìn ra cổng, ông Đảm quỳ trên đất, mặc thương tích, mặc cái chân tật nguyền, vẫn vung từng đường đao dũng mãnh. Trong thoáng chốc đó, tôi tưởng mình đã thấy một chiến thần.
Nhặt thanh kiếm lên, giữ chặt bằng cả hai tay, tôi lao đến quyết tâm liều sinh tử với người đồng đội vong niên của mình. Võ thuật của bọn Thát chẳng tinh nhuệ bằng chúng tôi nhưng chúng rất to con, ngựa lại khỏe, tôi càng đánh càng đuối sức. Tôi liên tục nghĩ kế để thoát thân, nhưng ở đây không có binh lực, lại không có cả thời gian để sắp xếp, chúng tôi phải thoát thế nào? Đó là chưa kể, không biết đằng sau chúng còn quân tiếp viện hay không.
Trong vô thức, tôi đưa mắt nhìn về thượng điện, tượng Phật trên ban thờ vẫn hiền từ, vẫn tĩnh tại như đời này chẳng có gì là đau khổ, không mảy may hay biết dưới chân người, năm sinh mệnh sắp mất đi. Lẽ nào vì sống chết là lẽ thường tình mà cuộc sống không đáng giữ? Bên tai tôi, chú sa di vẫn văng vẳng khóc:
- Con không tin Phật nữa! Phật chẳng từ bi! Con không tin nữa!
Mắt tôi cũng cay xè. Tiên sinh! Tiên sinh! Trong đầu thầm gọi không biết bao nhiêu lần. Phen này người không đến kịp để cứu Tuệ An rồi!
Có tiếng vun vút như mũi tên lao đi trong gió. Tim tôi như sững lại vì sợ hãi.
Phập một tiếng, mũi tên cắm phập vào ngực vị dũng tướng đang liều mạng chiến đấu của tôi, mũi đao của ông chống mạnh trên nền đá, mồm hộc máu tươi. Ông hét như ra lệnh:
- Đi!
- Ông ơi!
- Chẳng lẽ đến chết ta vẫn làm một phế nhân, cả mấy đứa trẻ cũng không cứu được? – Mắt ông đỏ ngầu, mặt đã tái dần đi.
Trong một lúc, tôi như hiểu ra một điều gì, dù điều đó khó chấp nhận vô cùng. Ông Đảm một tay ôm vết thương trên ngực, tay còn lại vẫn không rời thanh đao, sống lưng vẫn thẳng tắp như cột đá chống trời. Cái chân cụt của ông chống đỡ từ nãy đến giờ đã nhoe nhoét máu. Giọng ông quả quyết như vị chủ soái đang điều binh khiển tướng:
- Đi!
Tôi nhìn bóng lưng kiêu hãnh của ông cho thật kỹ, cố khắc ghi từng đường nét. Phía ngoài, bọn Thát dường như sợ hãi trước người chiến binh bất tử, do dự không dám tiến lên ngay. Tôi như thấy ông nở một nụ cười ngạo nghễ. Tay siết chặt thành nắm, răng cắn vào môi đến bật máu, tôi nói lớn:
- Tuân lệnh!
Huýt một tiếng gọi Cụ Nhỏ, tôi nhảy lên lưng nó rồi phóng đến ba đứa trẻ, lôi bọn chúng lên, hướng cửa sau mà chạy. Tiếng vó ngựa, tiếng binh khí choảng nhau ầm ĩ phía sau. Nước mắt ướt đẫm mặt tôi, ngực đau nghẹn như có ai siết chặt, tôi đều mặc. Lúc ngang qua tượng Phật, dường như tôi thấy có vệt máu của tên giặc lúc nãy bắn lên mặt đấng từ bi, tròn như giọt lệ.
Bên tai tôi chợt văng vẳng tiếng lão già ngâm nga trong tiếng chuông chiều của một mùa đông nào đã xa xôi lắm, mọi ngày tôi vẫn khen là tứ thơ tự tại an nhiên, mãi đến hôm nay mới biết não nề:
"Nhân chi hữu thịnh hề hữu suy
Hoa chi hữu diễm hề hữu uỷ
Quốc chi hữu hưng hề hữu vong..." [2]
***
Cụ Nhỏ chạy mải miết về phía tây, phần vì vóc nhỏ hơn, phần vì chở nặng nên rất nhanh nó đã bị bọn ngựa thảo nguyên đuổi kịp. Tôi rẽ đến mấy lần vào các ngõ ngách nhưng vẫn không cách nào thoát khỏi. Đến một khúc quanh để đến cổng làng, đứa trẻ ngồi sau cùng ngã xuống đất. Tôi vội ghìm cương nhảy xuống để đón nó, nghe tiếng vó ngựa càng lúc càng gần. Vô tình, tôi thấy một cái hốc rất to dưới gốc cây đa đầu làng, liền lôi bọn trẻ vào đó, lấy mấy manh áo tơi vương vãi phủ lên trên, toan nhảy lên lưng ngựa một lần nữa để đánh lạc hướng bọn chúng thì Cụ Nhỏ đã hất mạnh khiến tôi ngã dúi dụi. Một mình nó tung vó phóng về phía làng làm bụi cuốn mù trời. Bọn trẻ lôi tôi vào nơi trú ẩn, cả bọn ôm chặt nhau, nép thật sát thật sát vào gốc đa, đứa nào cũng đưa tay bịt mồm để ngăn tiếng khóc.
Rầm rập, rầm rập. Ngựa của bọn Thát lướt qua chỗ chúng tôi rồi xa dần, về phía con ngựa trung thành của tôi đã chạy.
Tao xin mày! Mày không được chết, xin mày đấy! Tôi thầm rên rỉ trong đầu, không dám hồi tưởng những gì vừa mới xảy ra.
Được một lúc lâu, tiếng ngựa lại rầm rập chạy về phía chúng tôi. Tôi vừa ức, vừa sợ điếng người. Lẽ nào bọn chúng đã phát hiện ra? Lẽ nào thực sự bọn tôi không còn đường sống? Đã đến được đây rồi, tôi không thể để sự hy sinh của ông Đảm trở nên vô nghĩa được!
Ôm bọn trẻ chặt hơn, tôi thều thào vào tai chúng:
- Đừng sợ! Chỉ cần chúng ta im lặng, bọn chúng không thể biết đâu!
Tôi nín thở lắng nghe, gần hơn một chút, rồi một chút, tiếng vó ngựa như bản án tử vang lên càng lúc càng to. Hít một hơi thật sâu, tôi thầm thì dặn mấy đứa trẻ:
- Dù có bất cứ việc gì xảy ra cũng không được ra ngoài, có biết không.
Bọn nhỏ gật gật đầu, mắt đứa nào cũng sưng húp cả rồi.
Vạch lớp lá đang phủ phía trên, tôi ghé mắt nhìn xung quanh xem nên chạy hướng nào để bọn chúng đuổi theo mà lũ trẻ vẫn an toàn. Tay lại nắm chặt thanh kiếm, tôi tìm thời cơ để xông ra.,
Ánh sáng bên ngoài hắt lên chữ "Tuệ" trên thân kiếm. Tôi nở nụ cười chua chát. Nếu thực sự có luân hồi, người nhất định phải tìm em!
Không ngờ rằng bọn Thát lướt qua chỗ bọn tôi đang đứng rồi ruổi về hướng Đông. Rầm rập, rầm rập, tiếng vó ngựa như sát bên rồi lại nhỏ dần. Trán tôi giãn ra từng chút, hơi thở cũng chậm lại từng chút. Lẽ nào là bọn chúng đuổi theo Cụ Nhỏ rồi nghĩ rằng bọn tôi giở trò dương đông kích tây, bèn đuổi theo hướng ngược lại. Nếu như thế, tôi thật không biết con ngựa của Trần Cụ có linh tính hay không nên mới khôn ngoan nhường vậy, hay là nó chỉ ăn may...?
Đợi một lúc lâu, tôi len lén bước ra khỏi hốc cây, khẽ khàng áp tai xuống đất để nghe ngóng. Hoàn toàn không nghe thấy gì, tôi thở phào, nước mắt chực trào, tôi vội lau đi để khỏi làm bọn trẻ lo sợ. Tôi lôi chúng ra ngoài, lau mặt cho từng đứa trấn an:
- Thoát rồi, chúng ta thoát rồi!
Vì sợ bọn giặc quay lại, chúng tôi ba chân bốn cẳng dắt nhau chạy một mạch đến làng Cổ Sở. Vừa thấp thoáng một bờ lũy dựng bằng tre, tôi lại nghe tiếng lộc cộc như vó ngựa. Quỷ tha ma bắt! Bọn trẻ chực òa khóc không dám nhìn lại phía sau. Chân đã muốn nhũn ra, tôi vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh trên mặt:
- Tiếng chân không đông như lúc nãy, xem chừng chỉ có một tên thôi.
Quệt mồ hôi trên trán, tôi lại sẵn sàng thanh kiếm trong tay, không ngờ bóng dáng từ xa đến lại rất quen, tôi kêu lên mừng rỡ:
- Cụ Nhỏ!
Con ngựa vừa cứu mạng tôi lao như bay đến, dụi vào lòng tôi. Tôi ôm chặt lấy đầu nó, tay không ngừng xoa lên cái bờm rối tung vì gió bụi của nó. Trên người nó loang lổ mấy vết thương, máu bết cả lại, chắc lúc nãy bị bọn rợ bắn trúng.
- Mày giỏi lắm! Can đảm lắm! – Tôi cứ siết chặt người bạn duy nhất còn lại của mình.
Từ trong làng, người dân nào cuốc nào xẻng nào tầm vông giáo mác vội vã chạy ra. Bọn trẻ vội la lên:
- Đừng đánh! Là người mình, người mình cả! Đừng đánh!
Đến nơi chỉ thấy mấy đứa trẻ lớn nhỏ và một con ngựa bị thương, họ liền bỏ "vũ khí" trên tay xuống. Mãi đến giờ mới thấy đã hết hiểm nguy, tôi thở phào một tiếng rồi gục trên nền đất.
***
Hóa ra tôi đã bị thương không ít nhưng lúc ấy chẳng biết đau. Hóa ra túi hành lý của ông Đảm vẫn trên lưng Cụ Nhỏ, người trong làng đã mang vào đặt bên cạnh gối cho tôi. Sau khi ngủ một giấc dài, tôi mới cảm nhận cơn đau rõ ràng từng chút, từng chút trên người, trong lồng ngực. Tôi mệt mỏi chống tay ngồi dậy, lần giở túi vải loang lổ máu. Bên trong chỉ có một bộ y phục cũ, hai quyển kinh Phật đã sờn gáy và một chuỗi tràng hạt. Tôi lấy chéo áo lau từng món, rồi đặt lại vào túi vải, chỉ có tràng hạt vẫn cầm mãi trên tay, cố tìm lấy chút hơi ấm của người chủ cũ.
Nếu như hôm ấy tôi không bướng bỉnh rời đi, hẳn là giờ này chúng tôi vẫn ở Dưỡng Chân Trang chờ tin quân ta chiến thắng.
Nếu như trước đó tôi ăn nói lễ độ với Nguyễn Nam hơn một chút, biết đâu cả ba chúng tôi vẫn còn nhiều dịp cùng nhau uống rượu bình thơ ở lương đình.
Tiên sinh, em biết dùng thuốc gì để cứu mọi người sống lại như trước kia đây?
Lòng tôi cứ như bị ai đó cầm dao khoét một mảng lớn, càng lúc càng trống rỗng. Bất giác, tôi không dám nghĩ nữa, tôi sợ tôi hận bản thân đến mức thấy mình không đáng sống. Tôi còn phải thay Nguyễn Nam xin tội cho Trần Doãn, còn phải thay cụ ông Lý Đảm... giết chết Trần Thủ Độ.
Phải, thứ ông muốn làm nhất, hẳn là giết chết Trần Thủ Độ! Ông chẳng đã nói như thế với tôi lúc rời làng Vạn Niên sao?
Tâm trí có nỗi hận để tựa vào, tôi liền thấy dễ chịu hơn hẳn. Ngồi thêm một lúc cho tỉnh táo, tôi bèn cầm tràng hạt của ông Đảm bước ra ngoài. Nơi tôi đang ở chỉ là một ngôi nhà nhỏ đơn sơ, vách đất, mái tranh, bên trong không có nhiều đồ đạc. Tôi bị trúng một nhát trên vai, cánh tay cũng xây xước, ngực có vết bầm vì cú đá của tên nọ, người trong làng chỉ biết bang bó qua loa. Mỗi bước đi đều khiến tôi đau đến trào nước mắt nhưng giờ nào phải lúc để nghỉ ngơi. Dù tôi có nằm một chỗ, tâm trí cũng không có cách nào bình yên để ngủ thêm lần nữa.
Ba đứa trẻ đang ngồi buồn bã trên bậu cửa nhìn trời đất bâng quơ, vẻ như đang đợi tôi tỉnh dậy. Tôi bước đến ngồi giữa chúng, giọng ráo hoảnh hỏi lấy lệ:
- Các em đã ăn cơm chưa?
Một đứa bé buồn bã nói:
- Rồi ạ.
- Sao mọi người lại đến ngôi chùa đó? – Tôi bỗng nhiên thắc mắc.
- Bọn em cùng cụ ông đi được một lúc thì gặp chú tiểu này, chú bảo lúc vội vàng di tản đã bỏ quên một quyển kinh rất quý nên trốn mọi người quay lại lấy, thế là bọn em đi với chú đến chùa. Không ngờ chưa kịp vào chùa thì gặp bọn kia... - Đứa bé lớn hơn nghẹn giọng.
Tôi thở dài, giá như lúc đó mọi người đều đi nhanh hơn một chút. Nhưng nếu đã có chuyện "giá như", tôi thà ước rằng bọn giặc chưa từng đặt chân vào Đại Việt.
Chú sa di ngồi xa tôi nhất, vẻ mặt vô cùng ảm đạm:
- Đều là lỗi tại tôi. – Rồi giọng chú bỗng trở nên sắt đá. - Tôi sẽ hoàn tục. Tôi phải tự tay giết chết bọn khốn đó!
Đứa bé nhất hoảng hốt:
- Cậu là người xuất gia, Phật dạy không được sát sinh đâu!
Chú cười khẩy, giọng nói mỉa mai:
- Phật dạy phải từ bi, nhưng lúc chúng sinh sắp chết thì Phật ở đâu sao không đến cứu? Đều là dối trá, gạt người cả!
Nói rồi, chú tháo chuỗi hạt vẫn đeo trên cổ ném xuống đất, gương mặt tràn đầy phẫn nộ. Tôi bước liền mấy bước đến trước mặt chú ta, vung tay tát thật mạnh làm chú ngã nhào. Chú nhỏ ôm má, thảng thốt quay lại nhìn tôi:
- Chị...?
- Ai bảo với cậu Phật chẳng từ bi? Ai cho phép cậu buông lời xúc phạm? – Tôi thét lớn. – Chẳng phải Phật đã cứu cậu mà liều cả thân mình sao? Chỉ có điều... có điều... - Tôi xúc động đến nghẹn ngào, run run nhặt chuỗi hạt đặt lại vào tay chú sa di. – Vị Phật này không ngự tòa sen, lại chỉ có một chân...
Nói đến đây, tôi phải bám chặt vai chú. Chú nhào đến ôm chặt lấy cổ tôi, rồi cả bọn òa lên khóc. Tôi cũng nước mắt nhạt nhòa, cố gắng nhìn xung quanh cố tìm xem hồn ông có lẩn khuất đâu đây. Sau hàng cau xanh, mặt trời xuống núi đỏ quạch như màu máu. Tôi như nhìn thấy bóng lưng vững vàng như bức tượng đồng đang chặn đường quân xâm lược, như nghe tiếng ông cười, đắc chí vì đã bảo vệ được mấy đứa trẻ của ông. Ông hất hàm bảo tôi, nhóc con thấy rõ chưa, ông đây vẫn còn hữu dụng, ông đây là một đại anh hùng!
Tôi gật đầu liền mấy cái rồi nhận ra trước mặt chẳng có ai, ruột cứ thắt lại từng cơn. Khi nào thanh bình, khi nào thanh bình... Đại anh hùng của cháu cả đời tự hào tài cung nỏ, cuối cùng đã ra đi vì một mũi tên. Thật nực cười! Thật mỉa mai!
Ngày xưa tôi háo hức tham chiến để lập công thế nào thì bây giờ sợ hãi chiến tranh thế ấy. Hóa ra loạn thế không chỉ tạo ra người trung can nghĩa đảm, loạn thế còn tạo ra những kẻ hèn nhát chỉ biết bỏ chạy và báo hại người khác như tôi.
Không đâu! Không đâu! Ngày nào trận chiến này còn chưa kết thúc, sẽ còn rất nhiều người ngã xuống, như ông Đảm, như Nguyễn Nam. Độc túc tráng sĩ còn chiến đấu ngoan cường như thế, lẽ nào một người trẻ tuổi như tôi chỉ biết bận tâm việc của cá nhân mình?
Nghĩ ngợi một hồi lâu, tôi rời khỏi vòng ôm của chú sa di, nắm chặt bàn tay bé bỏng của chú vuốt ve như bảo vật, ân cần nói:
- Cậu phải giữ cho tay mình thật sạch, không được để nhuộm máu tanh để phụng sự dưới chân Phật cả đời. Thù của ông Đảm cứ để cho tôi trả!
Rồi tôi quấn tràng hạt của ông quanh cổ tay mình mấy vòng. Mân mê hồi lâu, tôi cắn môi, lau nước mắt đứng lên, ra lệnh cho bọn trẻ:
- Đi thôi, chúng ta tìm dân làng hỏi chuyện!
[1] Trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm.
[2] Trích bài thơ Trừu thần ngâm (Bài ngâm bĩu môi) của Tuệ Trung Thượng sĩ, nghĩa là:
"Người đời có thịnh thì có suy
Hoa kia có tươi thì có héo
Quốc gia có hưng thì có vong."
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...