Sau khi tạm biệt Trần Cụ, chúng tôi mất thêm gần một ngày loanh quanh trong núi. Tôi vừa ốm dậy đã đi xa, thêm vùng rừng núi ẩm thấp, khí hậu thất thường nên người cứ không tỉnh táo.
- Mợ cả, cô Phong, hôm nay chúng ta nghỉ sớm nhé, vừa đến thị trấn dưới núi tôi sẽ tìm chỗ trọ! – Người phu xe lo lắng cho sức khỏe của tôi.
- Em vẫn ổn mà anh Thân! – Tôi gắng cất giọng líu lo. – Trời vẫn còn sớm, em nhớ mấy món chay ở Dưỡng Chân Trang lắm rồi!
Có tiếng cười khe khẽ vọng lại, xe đi nhanh hơn một chút. Tôi vén mành tre nhìn ra phía trước, ánh nắng chiếu nghiêng nghiêng làm tôi phải nheo mắt, qua con dốc này thôi là đã đến đồng bằng. Về nhà sớm hơn một ngày, chúng tôi sẽ có thêm một ngày để thu xếp. Tôi vẫn chưa biết nên dùng lý do gì để kêu gọi dân chúng ở Yên Bang tập trung quân đội và lương thực. Cuộc chiến với Mông Cổ chưa chắc đã nổ ra, tôi không thể làm lòng dân xáo động trước khi tin tức từ tiền tuyến đưa về. Có cách nào danh chính ngôn thuận, không làm mọi người lo sợ mà vẫn có được sự chuẩn bị tốt nhất không? Nếu tiên sinh là tôi, lão sẽ làm gì?!
Đang mải suy nghĩ, tôi không để ý xe ngựa đã đi chệch khỏi đường mòn. Chị tôi dường như cũng nhận ra sự lạ, khẽ hỏi:
- Anh Thân, sao vậy?!
- Cô hãy vào trong xe, tôi nghĩ chúng ta gặp cướp rồi! – Anh thấp giọng trả lời.
Quỷ tha ma bắt! Đúng là hồng nhan họa thủy, chỉ tại nhan sắc tôi hơn người nên mới xảy ra cớ sự này!
Tôi với lấy thanh kiếm mà Trần Cụ đã tặng, ngồi nép sau mành cửa. Chị tôi cũng đã sẵn sàng để đánh trả bất cứ lúc nào. Đường dốc lởm chởm khiến xe ngựa không di chuyển được nhanh nhưng cũng từ từ rời xa phía đường mòn mà bọn chúng đang mai phục. Tôi liếc ra phía ngoài mành, những bóng đen trên ngọn cây dần khuất khỏi tầm nhìn.
- Qua khỏi phiến đá phía trước chúng ta nhảy xuống, đừng để chúng biết ta đã bỏ xe. – Vẫn giọng nói trầm trầm bình tĩnh của người phu xe thân tín, cũng là cận vệ trung thành mà lão già đã nhường cho tôi.
- Được. – Tôi và chị đáp, lúc này bỗng nhiên tôi không thấy buồn khi chị Hạnh bị hụt món cá tầm thơm ngon nữa.
Trước mặt chúng tôi là một phiến đá lớn được mưa rừng gọt đẽo thành một hình thù kỳ dị, tạo với vách núi một hốc tối khá rộng, vừa đủ để ba chúng tôi ẩn nấp đợi bọn cướp bỏ đi. Chỉ còn vài bước, khi chúng tôi chuẩn bị nhảy khỏi xe thì con ngựa bỗng giẫm phải vật gì đó dưới đất, lồng lên, hất cả người và xe ngã nhào. Tôi lăn mấy vòng trên mặt đất, tay cố nắm chặt thanh kiếm không buông, tới khi vừa định thần đã thấy mấy bóng đen ập đến.
- Anh Thân, coi chừng rương châu báu...! – Tôi giả vờ hét lên để hướng sự chú ý của chúng đến chiếc xe đang vướng lại giữa hai thân cây lớn. Không có tên cướp nào lao về phía ấy, xem ra chúng thật sự đến đây vì nhan sắc của tôi rồi. Chết tiệt, bọn bây không biết ông đây là một trang hảo hán đầu đội trời chân đạp đất sao?!
Bọn chúng có tổng cộng mười người. Từ nãy đến giờ anh Thân và chị đã giết được bốn, hiện mỗi người đang quần thảo vói một tên, có đến bốn tên đánh về phía tôi khiến tôi né tránh đến mệt đừ người. Tôi đánh nhau với bọn cướp hồi lâu mà kiếm vẫn chưa rút ra khỏi vỏ. Cũng may, vì không muốn phạm sát giới nên tôi học món tránh né này rất thành thạo, chỉ nhân lúc bọn chúng không để ý dùng thân kiếm đánh vào mạn sườn, vào gáy, vậy mà bọn này cứ như mình đồng da sắt, gục rồi lại đứng lên đánh tiếp, nếu như không giết chúng, e rằng...
- Phong, rút kiếm ra! – Chị tôi hét lớn.
- Cô Phong, giết bọn chúng để tự vệ, Phật sẽ không trách cô đâu! – Anh Thân dường như cũng đã thấm mệt, giọng nói không còn bình tĩnh. Tôi biết anh rất muốn đến giúp tôi nhưng tên đang đấu với anh không phải hạng tầm thường.
Giết bọn chúng, tôi không sợ Phật trách phạt, chỉ là...
Bốn tên cướp vẫn không ngừng vung đao chém tới, hóa ra bọn chúng không cần nhan sắc, thứ bọn chúng muốn lấy là mạng của tôi. Tôi cứ lùi mãi, lưng tựa vào vách núi, xoay người liên tục, những nhát đao liên tục chém xuống sát bên, cả người tôi đều xây xát, rát buốt tận xương.
- Chết! – Một tên cướp hét to, nhảy lên cao đồng thời giáng mạnh đao từ trên xuống, trông hắn cứ như đao phủ đang thi hành án tử...
Nguy rồi! Tôi tuốt kiếm ra muộn quá!
Có tiếng mũi tên xé gió, vụt qua tàn cây, cắm phập vào hai tên cướp trong đó có tên đang định chém tôi. Tiếng vó ngựa từ sau vọng đến.
- Cô Nhã Phong, mau lên ngựa!
Eo tôi bị người ta từ sau kéo mạnh, nhấc bổng lên. Khi tôi đã ngồi vững, tôi thấy hai tên cướp còn lại xông về phía chị, vai áo chị dường như thấm đỏ. Tôi giục ngựa chạy về phía ấy, sau lưng tôi Trần Cụ lại giương nỏ, hai mũi tên cắm phập vào ngực bọn cướp. Anh Thân cũng vừa xử lý xong tên đầu đàn. Đúng lúc ấy, tên duy nhất còn lại vung đao muốn giết chị, nhưng ngựa của Trần Cụ và kiếm của tôi đã nhanh hơn, máu tên cướp tung tóe khắp nơi.
Tạ ơn Trời Phật, sóng gió đã qua rồi.
- Phong, em có sao không, có bị thương ở đâu không?! – Chị đưa tay lên vai trái bịt chặt vết thương đang rỉ máu, miệng vẫn không ngừng lo lắng cho tôi.
Hơi thở đều đặn đã trở về. Tôi khẽ lắc đầu, xuống ngựa, bước đến cỗ xe đang ngã chỏng chơ, tìm một lúc mới thấy chiếc khăn tay trong túi hành lý để lau sạch vết máu trên thanh kiếm mà không để ý bộ y phục trắng của mình đã loang lổ, lấm lem. Tôi cứ lau mãi, thân kiếm sáng bóng vẫn như còn ánh đỏ nhờ nhờ.
Ngày trước, có lần tôi hỏi lão già tại sao vẫn dẫn quân dẹp loạn, lão bảo tu hành không có nghĩa là không phạm sát giới, mà phải vung gươm đúng nơi, đúng lúc để bảo vệ những người mình cần bảo vệ. Lúc từ giã lão, tôi cũng đã để lại cây sáo ngọc của mình, quyết tâm từ nay vì mọi người mà chiến đấu bằng mũi tên ngọn giáo. Tôi không sợ Phật Tổ trách phạt tôi, chỉ là, tôi không ngờ được lần đầu tay tôi nhuốm máu tươi lại không phải máu của giặc Mông, mà là máu của người có cùng tiếng nói với mình...
***
Trong lúc tôi xử lý vết thương cho chị và anh Thân, Trần Cụ giúp chúng tôi dựng lại cỗ xe gãy đổ và buộc vào con ngựa của hắn. Con ngựa theo chúng tôi từ Hồng Lộ giẫm trúng bẫy thú, chân đã bị thương nặng không đi tiếp được, tôi băng bó rồi giao nó lại cho tên sư đệ tính tình quái gở kia.
- Ta quên mất ngươi là người chu đáo thế nào, sao lại tin ngươi dễ dàng để mặc bọn ta tự mình xuống núi chứ. Lần này cũng may là có ngươi đến kịp. – Tôi cười cười cảm ơn hắn.
- Cụ tin cô Nhã Phong có bản lĩnh, vùng này cũng chưa từng xảy ra cướp bóc nhưng Cụ vẫn muốn đảm bảo mọi người được an toàn. – Hắn vừa nói vừa giúp tôi lau sạch bùn đất đang bám trên đôi chân rướm máu, vẻ rất chăm chú như đang nâng niu một món đồ gốm đắt tiền ở Bát Tràng. Cũng may tôi đã mang theo hộp thuốc của lão già để dự phòng bất trắc.
Tôi suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng quyết định nói với Trần Cụ chuyện quân Mông Cổ, bảo hắn ngay lập tức đến Hồng Lộ gặp lão già, không được bám theo chúng tôi nữa.
- Cụ đưa mọi người an toàn về Dưỡng Chân Trang rồi sẽ đi tìm sư phụ, cô Nhã Phong đừng lo lắng quá, thầy rất tài giỏi, sẽ không xảy ra chuyện gì đâu! – Hắn vẫn không chịu nghe lời.
- Ta là sư tỷ của ngươi, cũng là em vợ của Hưng Ninh vương Trần Tung, đây là lệnh. – Tôi nói gằn từng tiếng một.
- Phong! – Chị tôi ngỡ ngàng, cả anh Thân lẫn Trần Cụ đều sửng sốt.
- Bọn ta ở hậu phương có thể gặp bao nhiêu nguy hiểm chứ. Hồng Lộ là biên giới phía nam của Thăng Long, không biết áp lực lớn đến nhường nào, nếu tiên sinh xảy ra chuyện gì bất trắc... - Tôi vội gạt đi suy nghĩ ấy. – Ta đã được chứng kiến tài bắn nỏ bách phát bách trúng của ngươi. Nếu Cụ thực sự ngưỡng mộ, kính trọng ta thì mau chóng đến cạnh người. – Tôi nhìn hắn bằng ánh mắt không thể chân thành hơn được.
- Cụ đã hiểu. Đưa mọi người đến thị trấn rồi Cụ sẽ đi ngay.
***
Hôm ấy, chúng tôi nghỉ ở một quán trọ nhỏ. Bữa tối có thịt rừng nướng và cơm lam nhưng tôi ăn chẳng thấy ngon, có lẽ vì cơn sốt nhẹ và những vết thương lúc đánh nhau làm người cứ lâng lâng, ngầy ngật.
- Em lo lắng cho vương gia như vậy mà vẫn kiên quyết về Dưỡng Chân Trang, quả nhiên là không tin tưởng chị. – Chị tôi nói khẽ lúc anh Thân đã rời bàn ăn, trong quán chỉ còn lác đác vài vị khách.
- Chị cả, chẳng lẽ chị cũng bị sốt sao?! – Tôi đẩy cốc trà gừng còn bốc khói ra trước, rướn người đưa tay sờ trán chị.
- Phu xe Nguyễn Văn Thân theo chúng ta không chỉ để làm vệ sĩ mà còn để đảm bảo chị không làm bậy, đúng không? – Chị vẫn giữ giọng nói không cảm xúc, nghiêng đầu tránh tay tôi.
Không sai. Tôi kiên quyết cùng chị về Yên Bang bởi không dám tin chị sẽ vì họ Trần mà tận lực chuẩn bị cho kháng chiến. Dù cho chị thật tâm vì đất nước mà chống giặc, có gì đảm bảo chị sẽ không nhân lúc loạn lạc tiếp cận hoàng tộc để thanh toán việc riêng?! Trong mắt tôi, chị vẫn luôn xa cách đến mức tôi không hiểu được, khiến tôi một phần kính ba phần sợ. Tôi biết lão già để chị quán xuyến việc nhà nhưng vẫn luôn âm thầm cử người theo dõi chứ không hoàn toàn dựa vào thư chị gửi hàng tháng. Không ít lần tôi tự hỏi, nguyên nhân lão cưới chị làm chính thất có phải vì muốn công khai giữ chị ở Yên Bang để tiện bề giám sát hay không. Thân phận chị là gì mà lão phải nhọc công đến thế?!
- Tiên sinh từng dạy em, đã dùng người sẽ không nghi, đã nghi sẽ không dùng. Việc chị không ưa gì những người ở Thăng Long, em và tiên sinh đều biết rõ. – Tôi trở nên nghiêm túc, lựa lời thật cẩn thận. – Nhưng, những năm qua ai cũng thấy chị chăm lo cho người dân ở thái ấp thế nào. Một vị chủ nhân như thế sẽ không vì chuyện riêng mà làm ảnh hưởng đại cuộc, khiến nhân dân khốn khổ.
So với việc cứ nghi ngờ hỏi đi hỏi lại, thể hiện lòng tin tuyệt đối và kỳ vọng cao đôi khi có tác dụng khuyến khích người khác làm việc tốt cho mình hiệu quả không ngờ. Đây là điều tôi đã học được sau nhiều lần thấy lão già cảm hóa thành công những kẻ ban đầu không tuân phục.
- Nguyên nhân em kiên quyết phải trở về, là vì... - Tôi liếc nhanh những vị khách đang ngồi trong quán, càng thấp giọng hơn. – Em còn phải thuyết phục Vũ Thành vương kề vai sát cánh với chúng ta.
Ngoài Hưng Đạo vương là anh em khác mẹ, Quang Khải và hoàng thái tử Trần Hoảng cùng vài hoàng tử công chúa đang sống ở Thăng Long là em khác cha, lão già nhà tôi còn hai người em ruột – một là Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, đứa con từ lúc còn trong bụng mẹ đã phải gọi chú là cha, người còn lại là Vũ Thành vương Trần Doãn. Do nhiều khác biệt về tính tình và quan điểm, Vũ Thành vương không thân thiết với người anh em nào ở Vạn Kiếp hay Tức Mặc. Từ lúc hoàng hậu Thuận Thiên qua đời quyền lực của ông ta càng suy yếu, mùa thu năm ngoái không biết nghĩ thế nào đã chạy sang đất Tống, cuối cùng bị một vị Thổ quan ở Tư Minh bắt lại giao cho triều đình. Nhờ phước ông ta, bao nhiêu công sức Hưng Đạo vương và lão già nhà tôi xây dựng lòng tin với Tức Mặc bỗng dưng đổ sông đổ bể, người ta lại lời ra tiếng vào rằng chi Vạn Kiếp vẫn ghi nhớ thù xưa.
- Hóa ra là vậy... - Gương mặt chị tôi giãn ra đôi chút.
- Cũng tại em cứ muốn lập công mới khoe với mọi người, không ngờ khiến chị suy nghĩ nhiều như vậy. – Tôi nở nụ cười cợt nhả. – Sao anh Thân đi cho ngựa ăn lâu vậy nhỉ, không biết lúc chiều anh ấy bị thương có nặng không, để em xuống xem giúp anh ấy. – Tôi khoác thêm áo choàng rồi đứng dậy.
- Đừng ở ngoài lâu, gió lạnh. – Chị dặn với theo.
Chuồng ngựa ở sân sau quán trọ, cách dãy nhà chính một khoảng sân. Tôi kéo áo choàng trùm kín tóc để tránh gió, che miệng ho vài tiếng, thấy mắt hoa lên cả. Đúng là thần y cũng không tự chữa được bệnh cho mình, chỉ một cơn cảm xoàng cũng khiến tôi khổ sở thế này. Vết thương ở lòng bàn chân báo hại tôi lò dò mãi mới đến được gần chuồng ngựa, tôi lên tiếng gọi:
- Anh Thân, anh có ở đây không?!
Không có tiếng trả lời, tôi bèn đến chỗ con ngựa hôm nay đã cứu mạng tôi, thêm ít cỏ cho nó rồi thu dọn định quay vào. Chẳng ngờ vừa đứng lên, tôi bị choáng, thấy trước mắt bỗng dưng tối sầm lại, ngã nhào xuống đất.
Trong cơn mê mê tỉnh tỉnh, tôi nghe văng vẳng giọng một người nam, không phải cái giọng nói trầm trầm đáng ghét của lão già, cũng không phải cái giọng ngang phè phè của Trần Cụ:
- Cô gì ơi, cô gì ơi, cô bị làm sao vậy?!
Tôi bị hắn lay gọi mãi một lúc, sau đó bế bổng lên, đưa đi đâu chẳng rõ. Tôi cố cựa mình, nhấc đôi mi đang nặng như đeo chì, đập vào mắt tôi là gương mặt lo lắng của chị và anh Thân, còn có... Một bàn tay ấn chén thuốc đắng ngắt vào miệng ép tôi uống hết, hình như tôi đã hất cả vào người hắn. Đồ vô lễ, to gan! Lão già dỗ ta uống thuốc bao giờ cũng rất dịu dàng...
- Phong, ngoan nào! – Chị đỡ tôi vào lòng, kiên nhẫn dỗ dành. – Uống thuốc cho mau khỏi, chị đưa em quay lại gặp tiên sinh nhé.
- Không được... - Tôi hoảng hốt, cố giữ chút tỉnh táo sau cùng nắm chặt tay áo chị, nhắc đi nhắc lại nơi mình muốn đến. – Em phải về Yên Bang, em còn nhiều việc phải làm...!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...