Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông FULL


Buổi dạ tiệc mừng sinh nhật chủ tịch Edmund diễn ra tại Nhà kỷ niệm Victoria ở Tô giới Anh, đây là câu lạc bộ của giới Anh kiều, thi thoảng được trưng dụng làm phòng nghị sự và sân khấu biểu diễn, họ cũng từng cho người Hoa mượn nơi này để diễn kịch, phía chánh Tây là giáo đường Thiên Chúa, cửa chính hướng về đường Di Hòa.
Thường thì dân nghèo gốc Hoa sẽ khó lòng đặt chân đến chốn tụ hội của người nước ngoài, nếu lỡ tiến vào thì thứ đợi họ chỉ có lưỡi lê của lính tuần.

Vậy mà sẩm tối hôm tổ chức dạ tiệc, trên sân cỏ ngoài nhà kỷ niệm lại có mấy công nhân người Hoa áo quần tả tơi, mặt mày vàng võ ngồi túm tụm, lính tuần phụ trách duy trì trật tự chỉ ôm súng đứng nhìn, chẳng buồn xua đuổi.

Tinh thần chống Nhật chống Anh ngày càng dâng cao tại Hán Khẩu, lãnh sự quán các nước đều dặn người nước mình không được sinh sự với dân Trung Quốc, Phòng Tuần bộ Tô giới cũng nhận được nghiêm lệnh, nếu chưa đến nỗi vạn bất đắc dĩ thì tuyệt đối không được tùy tiện ra tay bắt bớ hay xua đuổi dân Hoa.

Đám người ngoài nhà kỷ niệm chắc muốn nhân cơ hội này để kéo tới khu vực Tô giới sầm uất mà bình thường có nghĩ cũng chẳng dám nghĩ tới.

Họ không hô khẩu hiệu, cũng chẳng căng biểu ngữ, chỉ ngồi ngây ngẩn trên sân cỏ, đôi mắt đục ngầu nhìn chằm chằm cổng nhà kỷ niệm, nơi đó có tiếng xe cộ huyên náo, từng chiếc xe con sang trọng đang đưa những tốp khách nước ngoài áo quần lộng lẫy tới nơi, đám công nhân Hoa chỉ coi như không thấy, đêm buông, đèn đuốc sáng bừng, cuối cùng cũng có mấy khách quý người Hoa lục tục kéo đến, khi ấy những công nhân này mới lảo đảo đứng dậy, hô: “Các quan cứu mạng, các quan hãy cho chúng tôi công bằng!”
Có người nước ngoài ngửi thấy mùi hôi trên cơ thể họ, bèn bịt mũi cau mày, một thương nhân Trung Quốc dáng người phương phi mất kiên nhẫn, gọi lính tuần tới đuổi họ đi, hai tay lính tuần đều là người Ấn, đã ở Tô giới Anh Hán Khẩu được nhiều năm, nhưng cứ đứng đực ra đó không nhúc nhích, cặp mắt gian trá đảo liên hồi.

Thương nhân người Trung Quốc thấy mất mặt, bèn ưỡn ngực định quát mắng, lại bị người bên cạnh kéo tay: “Chó người khác nuôi làm sao anh sai được? Mau vào uống rượu đi.”
Vừa dứt lời, đã thấy một một chàng trai Trung Quốc tuấn tú bước ra từ nhà kỷ niệm, anh mặc sơ mi xanh khói, gile màu cà phê, phủ áo khoác Tây phẳng phiu mang sắc gạo bên ngoài, nhưng không cài khăn tay trang trí trước túi ngực như những người khác, mà chỉ gài độc một bông lan, càng tôn thêm làn da trắng như ngọc, đôi mắt sáng như hai viên pha lê đen.
“Charles!” Có người nước ngoài chào hỏi, gọi tên tiếng Anh của anh.

Anh bèn mỉm cười đáp lời, phong thái hệt như một vị chủ nhân đang thiết đãi khách khứa, hết sức thành thạo điêu luyện, nhanh nhẹn phóng khoáng, thấy có hai thương nhân Trung Quốc đang bước vào trong, anh bèn tiến lại, nhiệt tình chào hỏi: “Ngài Ngô, ngài Tống, chúc buổi tối tốt lành!”
Thương nhân mập mạp vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ: “Cậu là… cậu cả nhà họ Phan? Cậu… cậu chưa từng gặp tôi mà sao lại biết…”
“Hai hôm trước buổi tiệc cha có cho cháu xem qua ảnh và tư liệu về các vị khách quý, hai ngài là thương nhân kiệt xuất ngành dệt may ở Giang Nam, chúng cháu rất vinh dự vì hôm nay có cơ hội được đón tiếp các ngài.


Vân Thăng, mau dẫn hai vị khách quý vào đi.” Anh đánh mắt ra hiệu cho Vân Thăng, phần mình thì tiến về phía mấy công nhân ngồi ngoài cổng.
Anh vừa tới, tiếng kêu của bọn họ đã lại lớn hơn, Cảnh Sâm móc một bao thuốc lá bạc ra khỏi túi, tỏ ý mời họ hút, đám công nhân đến nhìn cũng chẳng buồn nhìn, Cảnh Sâm bèn rút ví ra làm bộ lấy tiền, một người trong số họ nói: “Chúng tôi biết cậu là cậu cả nhà họ Phan, cậu còn là trẻ con, đâu làm được gì, cậu bảo người lớn trong nhà ra nói chuyện đi.”
Cảnh Sâm cất ví tiền đi, nói: “Các anh đến không đúng lúc rồi, hôm nay chưa chắc cậu tôi đã tới.”
“Sao cậu biết chúng tôi tới để tìm ông chủ Vân?”
“Nhà máy lông lợn của chú tôi tỏa mùi hôi thối tới độ ngửi một lần là cả đời không quên nổi, điều kiện làm việc cũng rất tệ hại, bụi bặm lông lợn bay vào mắt và phổi công nhân, khiến họ sinh đau mắt viêm phổi.

Vì muốn thông gió nên nhà máy mở cửa sổ quanh năm, mà lại không có hệ thống sưởi, đa phần công nhân đến bốn mươi đã mất sức lao động rồi.

Tôi vừa trông đã biết các anh đây tới từ đâu.”
Cảnh Sâm lại nói: “Nghe bảo cậu tôi đuổi việc mấy công nhân mà không có lý do, nếu tôi đoán không nhầm thì đó chính là các anh.

Chắc các anh muốn nhân hôm nay tới tìm cậu tôi, đòi chút tiền trợ cấp dưỡng già?”
Nét mặt mấy người nọ thoáng xao động, Cảnh Sâm mỉm cười: “Chúng ta đều là người Trung Quốc mưu sinh ở địa bàn dân nước ngoài, đương nhiên phải giúp đỡ lẫn nhau.

Suy cho cùng thì nhà máy cũng cung cấp hàng hóa cho hiệu buôn Phổ Huệ, các anh là người một nhà với chúng tôi, người trong nhà gặp khó khăn, sao chúng tôi mặc kệ được.

Hay giờ tôi dặn người ta sắp xếp một gian phòng cho các anh, các anh ngồi đó chờ một lát, sau khi dạ tiệc kết thúc sẽ có người mang tiền đến gửi các anh.”
“Chúng tôi có lý do gì để tin cậu?”
Cảnh Sâm hạ giọng: “Giờ dân nước ngoài đều sợ người Hoa gây sự, các anh nghĩ hai tay lính tuần không bắt các anh là vì họ tốt bụng sao? Các anh cứ yên tâm, chỉ cần hiệu buôn Phổ Huệ còn ở đây, cậu tôi không chối nổi khoản tiền này đâu, chẳng lẽ ông ấy định làm người nước ngoài mất mặt sao? Hôm nay các anh không đòi được tiền thì ngày mai, ngày kia, về sau ngày nào cũng tới làm loạn, sao cậu tôi chịu thấu? Đến tôi cũng phải toát mồ hôi hộ ông ấy nữa là.”

Đúng là mấy người nọ định chờ Vân Tú Thành đứng ra phân bua phải trái với mình, nhưng Cảnh Sâm đã nói tới nước này, lòng họ cũng thoáng yên tâm hơn, đang định hỏi xem phải đợi ở đâu, Cảnh Sâm đã lanh lẹ bảo: “Dù tôi cũng rất thông cảm cho các anh, nhưng đúng thật tôi chỉ là bậc con cháu không có tiếng nói.

Chừng mười phút nữa cha tôi sẽ vào nhà kỷ niệm qua cửa Tây, đi cùng ông là chủ nhân buổi tiệc sinh nhật hôm nay – ngài chủ tịch người Anh.

Nếu các anh có yêu cầu gì muốn đề đạt, chắc chắn ông ấy sẽ phải lưu tâm.

Cha tôi dễ tính hơn cậu nhiều.

Các anh cứ tự cân nhắc giải quyết đi.”
Người công nhân dẫn đầu nhóm ngẫm nghĩ kỹ càng một hồi rồi chợt sực tỉnh, thân mình lẩy bẩy bước đi.

Lính tuần bước tới trước mặt Cảnh Sâm, ân cần cất chất giọng tiếng Trung trúc trắc còn nặng khẩu âm: “Cậu Phan, nãy giờ chúng tôi luôn để ý động tĩnh bên này, nếu bọn họ dám làm làm hại tới cậu, chắc chắn chúng tôi sẽ can thiệp ngay.”
Cảnh Sâm thấy người công nhân dẫn đầu nhóm quay lại nhìn mình từ xa, trông anh bằng ánh mắt tràn đầy cảm kích, anh bèn khẽ gật đầu đáp lại rồi quay sang nói với lính tuần: “Không sao đâu.”
Tiếng nhạc du dương vang lên, anh quay người bước vào nhà kỷ niệm, bông hoa lan trắng muốt cài trước ngực được ánh đèn nhuộm thành màu vàng, rồi lại chợt chuyển muôn sắc lung linh, anh lấy một ly sâm panh từ khay anh chàng phục vụ mặc vest đen, khẽ nhấp một ngụm, không biết vì cớ gì lại thấy hưng phấn vui mừng.
“Cháu cười gì vậy?” Tạ Tề Phàm tiến lại.
Cảnh Sâm cong môi: “Vết thương bên tai em trai cháu còn chưa khỏi, trưa nay thằng bé băng kín tai đến hiệu buôn Tây tìm cháu, nói mẹ kế bảo nó tới giúp cháu.”
“Sau đó thì sao?”
“Sau đó? Thằng bé chỉ hỏi cháu tối nay có các tiểu thư nào dự tiệc, liệu nàng đào nhảy mà thằng bé ngưỡng mộ đã lâu có xuất hiện không.”
Tạ Tề Phàm khẽ hừ một tiếng.

“Còn cả ông cậu nhà họ Vân của cháu nữa, Phan Thịnh Đường ép ông ta rút cổ phần, tịch thu mất nhà máy lông lợn của ông ta, giờ mấy công nhân trong xưởng đang định lát sẽ tới tìm ông chủ Phan đòi công bằng đấy.”
Tạ Tề Phàm lắc đầu.
Cảnh Sâm nhìn ông với vẻ khó hiểu: “Cháu cứ tưởng chú sẽ thấy vui.”
“Chú mong được thấy cháu có thành tựu lớn, chứ không phải chỉ vỏn vẹn mấy trò khôn vặt cay nghiệt thế này.”
Cảnh Sâm như không nghe thấy gì, mắt anh nhìn thẳng: “Hôm nay cháu muốn buông thả một lần.

Nghe nói ông Edmund thích nghe ca kịch Trung Quốc, Vân Tú Thành muốn lấy lòng ông ta nên hôm nay đã mời hẳn gánh hát giỏi nhất đến mua vui, chú Tạ, chú đoán thử xem họ sẽ diễn màn kịch hay nào?”
Tạ Tề Phàm khẽ cau mày, lặng im không nói gì.
Cảnh Sâm khẽ thốt: “’Bạch la sam’, nhưng đây không phải ý của cháu đâu.”
Tạ Tề Phàm chợt rùng mình, ông run run cất lời: “Cháu…”
Cảnh Sâm nở nụ cười xán lạn, khom người chào ông rồi tiến vào đám đông quần là áo lượt, bóng lưng anh cao gầy rắn rỏi.

Tạ Tề Phàm nhìn mà chỉ thấy sự kiêu ngạo và mỏng manh cùng song song tồn tại nơi bóng lưng ấy.
Tạ Tề Phàm không khỏi nhớ tới cảnh tượng lần đầu mình gặp đứa trẻ này.
Không ai biết Tạ Tề Phàm ông là tâm phúc được một tay Trịnh Đình Quan dìu dắt tại thương trường Quảng Châu, ông qua lại rất thân thiết cùng nhiều hiệu buôn, với nhà họ Phan lại càng thêm gắn bó khăng khít.

Vì muốn đưa cho hiệu buôn Anh số tiền thế chấp ba trăm nghìn hiện kim, Phan Thịnh Đường đã tặng vợ mình là bà Vinh làm tình nhân cho Trịnh Đình Quan, nào ngờ họ Trịnh lại nảy sinh tình cảm thật lòng với bà Vinh, thường tìm cơ hội lén lút gặp mặt.

Phan sinh lòng đố kỵ, nảy ý đồ giết chết Trịnh, Tạ Tề Phàm biết rõ chuyện này, mà đương nhiên Trịnh Đình Quan cũng biết nên đã đề phòng vô cùng nghiêm ngặt.

Song dù hết sức kín kẽ cẩn thận, nhưng hàng rào có kiên cố tới mức nào cũng phải tồn tại lỗ hổng, mà lỗ hổng này lại chính là người phụ nữ Trịnh Đình Quan yêu mến nhất.
Trịnh Đình Quan – cự phú số một Châu Giang vẻ vang hiển hách một đời đụng phải toán cướp bóc, đến lúc các vệ sĩ chạy tới, họ Trịnh đã bị người ta hạ sát bằng rìu, thảm thương không ai dám nhìn, đây từng là tin tức nóng hổi náo động Quảng Châu suốt mấy năm ròng.
Không ai biết khi vụ thảm án xảy ra, bà Vinh cũng có mặt tại hiện trường, não Trịnh Đình Quan bắn đầy mặt bà.

Người phụ nữ nọ bị trói chặt, gương mặt xinh đẹp tột cùng trắng bệch như giấy, tựa đã thành ra si dại, bà bị trói trên cửa chiếc xe hơi sang trọng của Trịnh Đình Quan, đây chính là chiếc xe năm ấy Phan Thịnh Đường đã chuyển nhượng lại cho Trịnh Đình Quan với cái giá rẻ mạt để nịnh nọt bợ đỡ, là chiếc ô tô đầu tiên tại Quảng Châu, cũng là chiếc xe được Phan Thịnh Đường mua vì quan tâm săn sóc người vợ bó chân đi lại không tiện.

Có lẽ ông ta rất yêu người phụ nữ này, yêu tới tận xương tủy, cũng hận tới tận xương tủy, để trừng phạt sự phản bội của bà, Phan Thịnh Đường đã dựng nên một màn kịch mưu sát tàn nhẫn nhất cõi đời.

Lúc vụ án diễn ra Phan Thịnh Đường đang ở Hán Khẩu, nhưng từng đường đi nước bước đều được ông ta trù tính hết sức tinh vi, điều duy nhất ông ta không ngờ tới là khi gặp mặt Trịnh Đình Quan, bà Vinh còn đưa theo con trai mình, ông ta cũng không không ngờ nửa tiếng trước khi sự việc xảy ra, Hà Sĩ Văn uống say túy lúy với Tạ Tề Phàm đã lỡ để lộ tin tức.
Khi Tạ Tề Phàm đưa người đuổi tới nơi, Trịnh Đình Quan đã bị giết hại, bà Vinh bất tỉnh nhân sự, lũ côn đồ cũng biến mất dạng.
Tạ Tề Phàm quỳ xuống trước thi thể Trịnh Đình Quan, trong màn nước mắt mông lung, ông chỉ thấy một đứa bé đang chạy xuống từ gò đất gần đó, bàn tay nhỏ giơ bó hoa vàng lên cao thật cao.
Cậu bé trai gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi! Con hái được hoa rồi!”
Tạ Tề Phàm đau đớn tột cùng, ông giằng lấy khẩu súng từ tay gã vệ sĩ đứng cạnh, nghiến răng nói: “Được, được lắm! Con trai của Phan Thịnh Đường đang ở đây, giờ tôi sẽ giết nó báo thù cho anh Trịnh!”
Ông chầm chậm tiến về phía đứa bé trai, lúc chỉ còn cách nó mấy bước, ông thấy đứa bé này có đôi mắt vô cùng đẹp đẽ, hệt như được vun được đắp nên từ tuyết, cặp mắt sáng rực tựa sao sa.
Cặp mắt to đáng yêu hồn nhiên của cậu bé trai nhìn ông, cũng nhìn cả họng súng lạnh băng đang chĩa vào trán mình.
“Cháu phải tới chỗ mẹ.” Cậu bé cất chất giọng non nớt, nhưng lại chẳng mảy may sợ hãi.
Tạ Tề Phàm gằn giọng: “Mẹ cháu họ Vinh.”
Cậu bé gật đầu.
“Vậy thì, cha cháu họ Phan.”
Cậu bé lại gật đầu, cậu lẳng lặng nhìn người đàn ông xa lạ trước mắt, người đàn ông đã chặn mất tầm nhìn của cậu, ông cao lớn tới vậy, đau đớn tới vậy, đáng sợ tới vậy.
Cậu bé lùi về phía sau một bước.
Tạ Tề Phàm gằn từng chữ: “Phan Thịnh Đường cha cháu đã giết ân nhân mà tôi kính yêu nhất, dù cháu còn nhỏ, cháu vô tội, nhưng hôm nay tôi vẫn phải giết cháu.

Sau này cháu chết có biến thành quỷ cũng được, đầu thai báo thù cũng được, hãy nhớ kỹ lấy tên tôi, tôi là Tạ Tề Phàm.”
Ngón tay ông chầm chậm đặt lên cò súng, đứa trẻ ngơ ngác nhìn ông, rồi lại chợt cất tiếng trong trẻo âm vang:
“Cháu tên là Trịnh Ngân Xuyên!”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui