Sau khi đã tìm mà chẳng thấy, cuối cùng người ta lại thấy lúc chẳng hề tìm kiếm.
Jerome K.JEROME
Bệnh viện Marie-Curie
8 giờ 10 phút
- Mổ lại thôi, giáo sư Clouseau ra lệnh.
Đó chính là điều ông lo sợ: tâm thất phải vừa bị toác ra và một dòng máu ồ ạt tuôn.
Máu phun ra mọi phía, tràn ngập khoang ngực. Anh bác sĩ nội trú và cô y tá không hút kịp nên giáo sư Clouseau đã phải dùng tay ấn vào tim để thử cầm máu.
Lần này, tính mạng của Billie ngàn cân treo sợi tóc.
o O o
Kè Saint-Bernard
8h45
- Nào! Các anh, đến giờ vào việc rồi, không phải là lúc ăn sáng nữa đâu! đội trưởng Karine Agneli tuôn ra một tràng khi bước vào phòng nghỉ tại trụ sở của Đội tuần tra sông.
Một tay cầm bánh sừng bò, tay kia là tách cà phê sữa, trung úy Diaz và Capella đang xem lướt mấy bài báo trên tờ Parisien, tai thì nghe mục giả giọng bắt chước người nổi tiếng phát vào buổi sáng trên đài phát thanh.
Với mái tóc cắt ngắn để rối cùng những vết tàn nhang quyến rũ trông Karine vừa đầy vẻ nữ tính lại vừa nghiêm khắc. Bực bội trước sự bừa bãi này, cô tắt đài rồi khuấy động cánh đàn ông:
- Sở vừa mới gọi: chúng ta có một vụ khẩn cấp! Một gã say xỉn vừa mới nhảy từ cầu Marie xuống. Vậy nên các anh có định rút tay ra khỏi...
- Đi thôi, đội trưởng! Diaz cắt ngang lời cô. Không cần phải nói nhiều đâu.
Sau vài giây, cả ba đã ngồi trên chiếc Cormoran, một trong những con tàu của đội để tuần tra trên sông ở Paris. Con tàu rẽ sóng, đi dọc theo kè Henri-IV rồi chui qua dưới cầu Sully.
- Phải bất cẩn tới mức nào thì mới ngã xuống nước giữa cái thời tiết giá lạnh này, Diaz nhận xét.
- Ừm... Cả hai anh trông cũng không có vẻ gì là tươi tỉnh cho lắm, Karine nói.
- Tối qua, đứa nhỏ cứ thức giấc liên tục, Capella thanh minh.
- Thế còn anh, Diaz?
- Còn tôi thì là do mẹ tôi.
- Mẹ anh hả?
- Chuyện lằng nhằng lắm, anh trả lời qua quýt.
Cô cũng không hỏi thêm. Chiếc tàu tuần tra tiếp tục hành trình của mình dọc theo đường Georges-Pompidou, cho tới khi...
- Tôi thấy rồi! Capelle hét lên sau ống nhòm.
Chiếc tàu chạy chậm lại khi đi qua dưới gầm cầu Marie. Một người đàn ông đang vùng vẫy trong nước, chật vật cố gắng bơi vào bờ nhưng bị quấn trong chiếc áo khoác nên khó cử động nổi và đã gần ngạt thở.
- Ông ta sắp chết đuối rồi, Karine nhận định. Ai xuống đây?
- Lần này tới lượt Diaz! Capelle khẳng định.
- Cậu đùa chắc? Tối qua chính tớ đã...
- OK, tôi hiểu rồi, cô gái cắt ngang lời anh. Cuối cùng ở đây chỉ có mình tôi là phụ nữ thôi!
Cô kéo khóa bộ áo liền quần rồi lao xuống nước trước ánh mắt ngượng ngùng của hai cấp dưới.
Cô bơi tới chỗ người đàn ông, trấn an ông ta rồi đưa ông ta về chỗ chiếc Cormoran, ở đó Diaz đón ông ta lên tàu, lấy chăn ủ ấm cho ông ta sau đó mới bắt đầu sơ cứu.
Vẫn còn ngâm mình trong nước, Karine nhận thấy có vật gì đó nổi lềnh bềnh trên mặt nước sông. Cô tóm lấy nó. Đó là một chiếc phong bì lớn bằng chất dẻo. Chắc chắn không phải là thứ dễ phân hủy. Chống ô nhiễm môi trường cũng là một phần việc của Cục đường sông, vậy nên cô thu lấy gói đó ngay trước khi Capella kéo cô lên tàu.
o O o
Bệnh viện Marie-Curie
Kíp mổ làm việc cả buổi sáng, nỗ lực cứu mạng Billie.
Dự định khắc phục vết rách ở tâm thất phải nên bác sĩ Clouseau dùng một phần nếp gấp ở màng bụng để đóng đường rạch lại.
Đây là cơ may cuối cùng.
Tiên lượng cho ca mổ không mấy sáng sủa.
o O o
Kè Saint-Bernard
9 giờ 15 phút
Khi quay lại trụ sở của Đội tuần tra sông, trung úy Capella lo dọn dẹp con tàu trước khi đưa vào máy lau chùi áp lực lớn.
Anh nhặt chiếc phong bì ngấm đẫm nước trông như một miếng bọt biển lên. Trong đó là một cuốn sách bằng tiếng Anh, có vẻ như nó khá bẩn. Anh định lẳng nó vào thùng rác nhưng cuối cùng lại đổi ý, đặt nó lên bờ kè.
o O o
Nhiều ngày trôi qua...
Milo tới Paris gặp tôi và giúp đỡ tôi trải qua thời kỳ khó khăn này.
Chấp chới giữa sự sống và cái chết, Billie nằm lại phòng hồi sức hơn một tuần dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ Clouseau, cứ ba tiếng ông lại đánh giá lại tình hình sức khỏe của bệnh nhân một lần.
Thấu hiểu tình cảm của tôi, ông cho phép tôi được thường xuyên vào phòng hồi sức. Vì vậy mà hầu như cả ngày tôi ở đó, ngồi trên chiếc ghế đẩu, máy tính xách tay đặt trên đầu gối, miệt mài gõ lên bàn phím theo nhịp tiếng động từ chiếc máy đo nhịp tim điện tử và máy thở nhân tạo.
Mê man do thuốc giảm đau, Billie được luồn ống thở vào khí quản, nằm giữa đống điện cực, ống dẫn lưu từ lồng ngực ra cùng những ống tiêm truyền từ cánh tay và trên ngực. Hiếm hoi lắm em mới mở được mắt, và khi ấy, tôi đọc thấy trong ánh mắt em nỗi đau đớn, tuyệt vọng. Tôi những muốn an ủi em, lau khô nước mắt cho em nhưng tất cả những gì tôi có thể làm đó là tiếp tục viết.
o O o
Giữa tháng Mười, ngồi ở khoảng sân hiên một quán cà phê, Milo viết một bức thư dài gửi Carole. Anh gập mấy tờ giấy cho vào phong bì, trả tiền cốc Perrier bạc hà rồi băng qua phố sang phía bờ sông Seine, đoạn ngang tầm kè Malaquais. Trong lúc đi về phía Institut de France - nơi anh phát hiện ra có một thùng thư để gửi lá thư của mình -, anh lững thững một lúc trước những quầy sách cũ. Những cuốn sách cũ vẫn còn tốt nằm cạnh mấy tấm bưu thiếp có ảnh của Doisneau, mấy tờ quảng cáo cho loại rượu Chat Noir, chồng đĩa nhạc từ những năm 1960 và đám móc chìa khóa xấu khủng khiếp hình tháp Eiffel. Milo dừng lại trước một hiệu chuyên bán truyện tranh. Từ Hulk cho tới Spiderman, những giấc mơ thơ trẻ của anh được hiện thực hóa với các nhân vật truyện tranh của Marvel và buổi chiều hôm ấy, anh thích thú khám phá ra một vài cuốn truyện về Astérix và Lucky Luke.
Giá sách cuối cùng bày những cuốn “đồng giá 1 euro”. Milo tò mò lục lọi trong đó: những bản sách bỏ túi cũ kỹ, ố vàng, những tờ tạp chí rách bươm, và giữa đám lộn xộn đó, một cuốn tiểu thuyết bìa da màu xanh thẫm đã hỏng...
Không thể thế được!
Anh xem xét cuốn sách: bìa sách đã cong hết lên, các trang sách dính bết vào nhau và khô cứng lại.
- Where... where did you get this book[1]? anh hỏi, không thể thốt ra nổi một từ tiếng Pháp.
Người chủ hiệu sách lúng búng vài từ tiếng Anh để giải thích với anh rằng ông ta nhặt được cuốn sách trên bờ kè, nhưng Milo không tài nào biết được nhờ phép lạ nào mà cuốn sách anh đã mất dấu ở New York mười ngày trước giờ lại có mặt tại Paris này.
Vẫn còn hết sức ngỡ ngàng, anh lật đi lật lại cuốn sách trên tay.
Đúng là cuốn sách đang ở đây, nhưng hãy thử nhìn xem giờ trông nó thế nào...
Ông chủ hiệu sách hiểu nỗi bối rối của anh:
- Nếu anh muốn đóng lại thì tôi có thể giới thiệu cho anh chỗ làm, ông ta đề nghị rồi chìa ra cho anh một tấm danh thiếp.
o O o
Khu nhà phụ của tu viện Saint-Benot
Đâu đó tại Paris
Trong xưởng đóng sách thủ công của các tu sĩ, xơ Marie-Claude xem xét cuốn sách người ta giao cho bà. Phần “thân” sách cong veo, dính bết còn bìa giả da thì hỏng nặng. Quả là khó khôi phục lại theo như yêu cầu nhưng xơ vẫn quyết tâm bắt tay vào công việc.
Bà bắt đầu cẩn thận tháo cuốn sách ra. Sau đó với chiếc máy làm ẩm chỉ nhỉnh hơn cây bút, bà phun lên cuốn tiểu thuyết một làn hơi ẩm nhẹ, nhiệt độ hơi nước được hiển thị trên màn hình điện tử. Làn hơi ẩm thấm vào giấy khiến các trang dính bết tách rời ra. Vì đã ướt đẫm nước nên các trang sách rất mỏng mảnh và đôi chỗ bị phai mực. Xơ Marie-Claude khẽ khàng luồn giấy thấm vào giữa mỗi trang giấy rồi đặt cuốn sách lên đùi, sau đó bằng lòng kiên nhẫn vô tận, bà dùng máy sấy tóc để “đưa cuốn sách về lại với cuộc sống”.
Vài giờ sau, người ta lại có thể lật giở các trang sách tương đối dễ dàng. Xơ tỉ mẩn kiểm tra từng trang một để chắc rằng công việc đã hoàn thành tốt. Bà dán lại các bức ảnh đã bong ra và cả lọn tóc nhỏ mượt mịn đến mức tưởng như tóc thiên thần. Cuối cùng, để trả lại cho cuốn sách hình dạng ban đầu, bà kẹp nó giữa hai tấm ván máy ép suốt một đêm.
Hôm sau, xơ Marie-Claude làm cho cuốn sách một tấm bìa mới. Trong khoảng không nhập định nơi xưởng đóng sách, giữa sự tĩnh mịch, bình lặng, bà làm việc cả ngày với sự chính xác của một vị bác sĩ phẫu thuật để làm một tấm bìa sách bằng da bê nhuộm màu, trên đó bà gắn thêm một mẩu da cừu non để trang trí rồi khắc tên cuốn tiểu thuyết bằng chữ mạ vàng lên.
Bảy giờ tối, anh chàng người Mỹ với cái tên kỳ lạ tới gõ cửa tu viện. Xơ Marie-Claude đưa cuốn sách lại cho Milo, anh này hết lời ca ngợi công trình của bà khiến bà không khỏi đỏ mặt...
o O o
- Dậy đi! Milo vừa lay lay tôi vừa ra lệnh.
Khỉ thật!
Tôi vẫn đang ngủ thiếp đi trước màn hình máy tính ở phòng bệnh của Billie, căn phòng em nằm điều trị trong khi chờ người ta phẫu thuật lại. Tối nào tôi cũng ở lại đây, với sự thuận tình ngấm ngầm của nhân viên bệnh viện.
Rèm đã được kéo xuống và cả căn phòng chìm trong ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn ngủ.
- Mấy giờ rồi? tôi dụi mắt hỏi.
- Mười một giờ.
- Hôm nay là thứ mấy rồi?
- Thứ Tư.
Cậu ta không thể không thêm một câu châm chọc:
- Để cậu khỏi phải hỏi thì giờ đang là năm 2010 và Obama vẫn là tổng thống.
- Hừm...
Khi tôi đắm chìm vào một chuyện nào đó thì dường như các vạch mốc thời gian trong tôi bị xóa nhòa.
- Cậu viết được bao nhiêu trang rồi? cậu ta hỏi rồi nghển cổ cố đọc qua vai tôi.
- Hai trăm năm mươi trang, tôi vừa đáp vừa hạ màn hình xuống. Được một nửa rồi.
- Billie thế nào?
- Vẫn đang được theo dõi trong tình trạng hồi sức.
Cậu ta trịnh trọng lôi từ trong túi các tông ra một cuốn sách được đóng rất cầu kỳ.
- Tớ có quà cho cậu đây, cậu ta nói vẻ bí hiểm.
Phải mất một lúc tôi mới hiểu ra đây chính là cuốn tiểu thuyết của mình mà Milo cùng Carole đã phải lùng khắp nơi khắp chốn.
Cuốn sách đã được khâu lại chắc chắn, bìa ngoài bằng da mới cứng, sờ vào nhẵn thín.
- Không có gì phải lo lắng cho Billie nữa, Milo trấn an tôi. Giờ đây việc duy nhất cậu cần làm đó là viết cho xong cuốn tiểu thuyết để đưa cô ấy trở lại thế giới của mình.
o O o
Nhiều tuần, nhiều tháng trôi qua.
Tháng Mười, tháng Mười một, tháng Mười hai...
Làn gió tới cuốn đi những chiếc lá vàng rơi trên vỉa hè và tiếp sau ánh nắng dịu nhẹ của tiết trời thu là cái khắc nghiệt của mùa đông.
Các quán cà phê xếp những dãy ghế ngoài sân hiên lại và đốt lò sưởi lên. Những hàng bán hạt dẻ xuất hiện ở lối ra của bến tàu điện ngầm, nơi khách qua đường kéo mũ bo nê lên trùm đầu và thắt chặt khăn quàng.
Được đà, tôi viết càng lúc càng nhanh hơn, mải miết gõ bàn phím tới mức gần như không kịp lấy lại hơi. Giờ đây tôi say mê trong câu chuyện mà mình là nạn nhân thì đúng là hơn người sáng tạo và tôi như bị thôi miên bởi số thứ tự trang cứ chạy đi trên phần mềm soạn thảo văn bản: 350, 400, 450...
Billie đã chịu được cú sốc và vượt qua “thử thách của trái tim”. Đầu tiên người ta bỏ cái ống chạy vào thanh quản của em ra rồi thay bằng một mặt nạ dưỡng khí. Sau đó giáo sư Clouseau giảm dần lượng thuốc giảm đau và rút ống dẫn lưu cùng ống tiêm truyền ra, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi các mẫu vi khuẩn trích ra cho thấy không có thêm dấu hiệu bị nhiễm trùng.
Tiếp đó, người ta tháo bông băng cho em và phủ lên các vết mổ một loại màng trong suốt. Nhiều tuần trôi qua, vết mổ của em dần liền lại.
Billie bắt đầu tự ăn uống được. Tôi dìu em đi những bước đầu tiên rồi sau đó dìu em leo cầu thang dưới sự giám sát của một nhân viên vật lý trị liệu.
Chân tóc em bắt đầu lấy lại được màu như trước kia còn em thì tìm lại được nụ cười và sức sống.
Ngày 17 tháng Mười hai, cả Paris thức giấc dưới những bông tuyết đầu tiên rồi tuyết rơi suốt buổi sáng.
Và tới ngày 23 tháng Mười hai, tôi đặt dấu chấm kết thúc cuốn tiểu thuyết của mình.
Chú thích
[1] Tiếng Anh trong nguyên bản: Ông lấy quyển sách này ở đâu?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...