1. Tôi nhớ hôm đó là ngày lễ tốt nghiệp đại học, những sinh viên khoá đầu tiên của khoa cùng xuống sân trường chụp chung một tấm ảnh kỷ niệm. Tấm ảnh đó tôi đã đánh mất ở Phủ Li, khi chạy trốn người đàn ông bạo dâm.
Sinh viên khoa xã hội học khó kiếm việc. Khoa mới, sinh viên lứa đầu, cả Sài Gòn lổn nhổn những công trình dở, những khúc đường bụi bị đào đắp, xe Honda mù khói, những người xin việc đổi việc đầy đường. Cơ hội của chúng tôi mơ hồ như đi trong khói đen mịt mù các ngã tư kẹt xe.
Bạn bè tản đi, trên đường đi bộ ra bãi xe, tôi xách giỏ đựng áo quần căng phồng, nhớ Đàn.
Tôi đã cúp tiết rất nhiều lần, đi với Đàn rong chơi những buổi chiều đẹp trời. Từ công trình anh qua giảng đường B chỗ Đinh Tiên Hoàng của tôi chừng chục cây. Tôi thường chạy đến đón anh. Đàn không có xe máy. Nhưng anh cao lớn, rắn chắc, da đen sáng hơn đám thợ xây cùng tổ.
Tết, tôi trốn xuống Bến Tre thăm gia đình anh, uống rượu say trốn ra sau vườn nằm. Ba anh ghét tôi từ lần ấy. Mỗi lần đứng trước ông, tôi cứ tưởng trong mắt ông chỉ có hình ảnh một đứa con gái cởi trần bị đè dẹp dưới sự hung dữ bạo liệt của Đàn, giữa khu vườn đầy nắng xuân.
Nhưng tôi vẫn còn trinh trắng, cho đến ngày lễ tốt nghiệp.
2. Đàn chở tôi tới quán cà phê vườn ở Thủ Đức. Tôi riết lấy anh như trong mơ, hít thở đầy lồng ngực mùi mồ hôi và vị mặn ráp của lớp vải áo cọ vào bờ môi.
- Cưới em đi! - Tôi thì thào - Em theo anh!
Đàn im lặng quài tay ôm siết tôi, nhấc bổng tôi kéo vào lòng anh. Tôi sẽ vĩnh viễn nhớ sự im lặng của Đàn.
Im lặng yêu tôi.
Im lặng trước mọi sự chửi bới can ngăn của gia đình tôi.
Im lặng trước sự nghèo hèn của anh. Im lặng cả những chuyến đi ăn, đi cà phê toàn do tôi trả tiền, những chuyến đi chơi mặc nhiên lúc anh đổ xăng thì tôi móc bóp.
Im lặng khi tôi quyết liệt, cứ gạo nấu thành cơm đi, rồi cả hai gia đình sẽ phải thuận.
Im lặng chiếm lấy đời con gái của tôi trên một chiếc ghế bố.
Sau này, khi bỏ tôi, Đàn cũng im lặng như thế. Đó là tất cả những gì tôi còn nhớ về tình yêu. Khi tôi bỏ xứ ra đi.
Chiếc ghế bố kèo kẽo rên rỉ đi vào ký ức tôi.
3. Đúng như mong ước của chúng tôi, gia đình tôi buộc phải làm lễ dạm ngõ, hẹn cuối năm làm đám cưới.
Gả đứa con gái xinh đẹp, thông minh, tốt nghiệp đại học cho một thằng phu hồ lương tháng bốn trăm nghìn đồng, mẹ tôi đau lòng lắm. Bà khóc mỗi tối, kể từ khi tôi thông báo tôi đã ngủ với anh. Việc khóc của mẹ tôi đúng giờ và đều đặn nên tôi không có cảm xúc gì.
Tôi chỉ tràn trề một tình yêu mơ ước, đã vượt qua bao khó khăn để chứng minh tình yêu. Tôi về hội liên hiệp phụ nữ thành phố làm việc. Đàn nhận công trình quanh Tân Bình. Chiều xong việc chở nhau về nấu cơm.
Tôi nghĩ một chiếc xe máy đủ cho một chuyến chơi xa, một tình yêu đủ cho một cuộc đời. Tôi không hề nhận ra rằng những trao gửi một phía, những tận dụng một phía, đã biến Đàn thành người thân thuộc xa lạ nhất đời tôi.
Tôi không nhận ra rằng chiếc xe là của tôi, tình yêu là của tôi, cuộc đời là của tôi. Không có thứ gì trong đời tôi là của Đàn cả. Tôi đang Mất, mà cứ tưởng tôi đang Yêu.
Ngày làm đám hỏi, không ai đến nhà tôi, không có bất cứ tin tức gì của Đàn. Mẹ tôi choáng váng, phải đưa đi viện. Huyết áp vọt lên với bệnh tiểu đường làm bà mê man.
Bác sĩ nói, truyền nước hai hôm là về, không sao đâu.
Tôi nuốt nước mắt nói với mẹ:
- Mẹ để con xuống Bến Tre tìm anh Đàn, chắc có chuyện gì xảy ra!
Chuyến xe đò Thủ Đức - Bến Tre ấy dài hơn bất kỳ chuyến đi nào trong đời tôi sau này.
Lần cuối cùng tôi nhìn thấy người tôi yêu, là lúc Đàn cũng im lặng. Ba Đàn ngồi trên bộ ghế gỗ chỏng lỏn, khinh bỉ:
- Gạo đã nấu thành cơm rồi, thì vội gì. Bữa qua không lên thì bữa mai. Bữa mai không lên thì để bữa khác. Đi đâu mà vội.
Thì ra Đàn đã nói cho gia đình biết việc tôi đã chung đụng cùng anh.
Tôi đi khỏi căn nhà gạch trong khu vườn lúc ấy bỗng dưng không gió. Những tàu lá khô còng quèo tiễn tôi trên đường ra khỏi xã.
Có khu vườn tôi đã chống cự để giữ gìn sự trong trắng cho tình yêu đầu.
Khu vườn mất trinh đã xa hàng trăm cây số, tôi vĩnh viễn không trở lại được.
Tôi đau đớn nếm nhận cảm giác bị giày xéo lên nhân phẩm. Tôi đã trả giá quá đắt cho tình yêu một phía. Mẹ ơi, con ngàn lần xin lỗi.
Con biết, mẹ đẻ con ra đâu phải để người khác chà đạp.
Từ nay, nước mắt mẹ tôi chắc sẽ không chảy theo giờ, mà sẽ tuôn suốt ngày.
Suốt đời.
Tôi đứng ở đường liên xã, nhìn chiếc ba gác chở thân dừa ì ạch chạy qua. Tôi chả biết về đâu, trong cuộc đời này.
4. Gia đình tôi mắc vào tâm trạng trầm uất tập thể. Ba tôi ngừng cà phê sáng với bác Ba xích lô máy. Mẹ tôi đã tính đưa gia đình về quê Hưng Yên sống. Ai cũng sợ bị người ta hỏi han, đám cưới cô Út bao giờ.
Ba tôi nhậu say chửi vô cùng cay nghiệt:
- Vô phúc. Một đứa chết. Một đứa sống như chết!
Những khi tỉnh rượu, ông chỉ lầm lì.
Để tránh tự sát trong những cơn trầm uất tập thể, tôi kiếm cách tránh phải về nhà. Sau giờ làm, tôi về tiệm sinh tố của Ngà trút những cơn tức tưởi lên đầu nó. Nó nói, học dốt ngu si như tôi lại sướng, khỏi nghĩ ngợi. Năm năm tôi sang được cửa tiệm này, mà bà thì mất cả chì lẫn chài. Thôi bỏ việc về đây với tôi.
Biết đâu giản đơn sống là liều thuốc trái tim. Tôi nói, tao không bỏ việc, nhưng tao sẽ về đây ở với mày.
Tiệm sinh tố từ đấy tôi đứng trông buổi tối. Tối nào vắng khách, hai đứa bắc ghế ngồi giữa cửa nhìn đường phố, chả còn chuyện gì để nói. Thán - chồng tôi, gặp tôi vào một trong những ngày ủ ê ấy.
Mặt Thán gồ lên từng múi thịt, tay chân suôn đuột, tướng người kỳ dị. Thời gian đó Thán được mấy công ty Đài Loan dắt sang thành phố để đặt phong thủy cho nhà máy mới xây. Thán đi bộ từ khách sạn tới quán tôi mất hai phút, nhưng phải mất năm phút mới qua đường được. Xe cộ ở thành phố phi như bò giữa đồng hoang, hung hăng mù quáng.
Nghe nói nghề thiên văn, thầy tướng, phong thủy lắm tiền. Thán hỏi tôi ngày sinh.
Cô coi gia đình quan trọng không kém gì công việc.
Nhưng phu thê cô có nghiệp căn khá nặng.
Cô có tài sắc mấy cũng chỉ gặp đàn ông không ra gì.
Cô cần Phá Quân Thủ Mệnh mới hòa hợp nổi. Tức là một người đàn ông hơn cô tất cả, cứng rắn hơn cô, nhẫn tâm hơn cô, cao tay hơn.
Khi chính cung Phúc của cô cũng chứa Họa.
Tôi không biết đã có ai cầu hôn ai bằng những lời ma mị như thế chưa. Tôi càng không biết có ai đã cầu hôn qua phiên dịch?
Thán nói, tin không, chỉ nội trong một tuần lễ nữa tôi cưới được cô về làm vợ!
Năm đó ông ta bốn mươi tư tuổi, gấp đôi tuổi tôi, đã có ba con trai với bà vợ Đài Loan.
Thán chắc chắn là người đàn ông Phá Quân Thủ Mệnh. Tôi đã nói bao nhiêu cũng không phá tan nổi sự im lặng của Đàn. Thán chỉ nói vài câu, Thán cưới được tôi.
Đám cưới diễn ra cuối năm đúng với thời gian dự kiến. Nhưng chú rể không phải là người tôi yêu. Thật may không có mưa trong ngày cưới.
Sài Gòn bụi mù và tôi không còn lưu luyến gì xứ bụi nữa. Tôi chờ mong hạnh phúc. Đúng hơn là tôi chờ đi khỏi nỗi đau thương.
Tôi nghĩ tôi có học vấn, có lòng tự trọng, tôi tự quyết định lấy vận mệnh của tôi. Đau đớn sướng khổ cũng từ đây.
Ai cũng nghĩ, chỉ gái lục tỉnh nghèo khó mới lấy chồng Đài Loan. Tôi tốt nghiệp đại học, nhà khá giả, vẫn thành cô dâu Việt. Họ tò mò Thán có cần giấy chứng nhận trinh tiết không. Tôi tự hào tôi không bao giờ chấp nhận dạng háng cho người ta xem trinh tiết.
Mẹ tôi hỏi vì sao lại đâm đầu lấy chồng Đài. Tôi chỉ nói, mẹ, con không phải loại gái cởi truồng trong khách sạn cho người ta chọn, vạch hàm ra xem răng. Con có cái giá của con.
Tuy nhiên tôi không nhận ra, tôi đã lụy quá khứ. Không phải vì một quá khứ quá gần mà tôi vội vã lấy chồng ư? Tôi có học nhưng tôi đã không chỉ một lần hành động thua kẻ thất học.
Thôi thì trong Phúc có Họa, giờ mong sau Họa sẽ Phúc.
Và mỗi buổi chợ đêm, tôi luôn nhớ mẹ tôi. Không hiểu sao tôi nhớ mẹ mỗi khi đêm tối. Những ngọn đèn bóng đỏ ngày xa xưa tôi vài tuổi, chỉ nhớ mẹ ở khu kinh tế mới chờ ba tôi về hàng đêm, hàng tuần, hàng tháng, xa lăng lắc. Và mẹ ru tôi "Má ơi đừng gả con xa...".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...