Đám cưới của tôi và Khang Duật dự định tổ chức ngày 11 tháng 11, lễ độc thân(*), đây là kết quả được đưa ra sau khi mẹ tôi và mẹ Khang Duật bàn bạc với nhau qua điện thoại.
(*) Ngày 11 tháng 11, là 光棍节 (Guānggùn jié), một ngày hội dành cho những người độc thân ở Trung Quốc. Ngoài ý nghĩa “độc thân” của bốn con số 1, nó còn được hiểu với nghĩa duy nhất, do đó một số người dùng ngày này để thể hiện tấm lòng chân thành của mình với người đặc biệt theo nghĩa “Em là duy nhất trong anh”
Còn cái gì như hoàng lịch, lịch vạn niên chỉ có người xưa mới thích dùng mà thôi.
Được cái tháng mười một trời không nóng, cũng chẳng quá lạnh, lại có thể tránh được mùa cưới dịp nghỉ Quốc Khánh, sao tôi và Khang Duật lại không chịu cơ chứ.
Ngay từ đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản kết hôn là chuyện của hai người, sao mà mệt được? Nhưng đến khi bắt tay chuẩn bị từng khâu cho đám cưới mới biết, kết hôn xong, coi như cũng kết thúc luôn một mạng.
Đầu tiên nhé, phải liệt kê ra bản dự trù kinh phí cho đám cưới, sau đó bàn bạc với hai bên cha mẹ. Rồi phải đưa ra danh sách khách mời, nơi tổ chức tiệc, chọn công ti sự kiện nào, các nghi lễ được sắp xếp ra sao, lựa bánh kẹo quà mừng, đến khâu thiết kế thiếp mời. Tiếp theo bắt đầu đi tìm tiệm chụp ảnh cưới, lên kế hoạch tân trang nhan sắc cho cô dâu là tôi, tiện thể giảm béo nữa chứ.
Ngoài ra, còn phải bắt đầu trang trí phòng tân hôn, chọn mua đồ gia dụng, đồ điện lẫn đồ trang trí.
Sau đó, thu thập các tài liệu về du lịch trong và ngoài nước, tìm những điểm đến cho tuần trăng mật, thời gian và các chuyến đi.
Cuối cùng, bắt đầu chọn áo cưới cho cô dâu chú rể, xác định danh sách và quyết định lễ phục cho phù dâu phù rể.
Những điều trên, cũng là sơ bộ thôi, còn một mớ tiểu tiết, một đống chuyện nhỏ nhặt phải lo, chỉ mong có một trăm đôi tay, một trăm cái đầu, một trăm cái chân để dùng.
Bởi vì Khang Duật bận đi làm, không thể xẻ thân ra nên toàn bộ đều dồn lên vai tôi, khi cần thống nhất ý kiến, tôi phải lôi điện thoại ra gọi, hoặc lên mạng với anh.
Nói chung, tôi bận đến hao tâm tổn trí, mệt đến kích thích thần kinh.
“Duật, chúng ta đi du lịch kết hợp kết hôn đi!” – Tôi mệt mỏi ngả người ra giường, bàn bạc với Khang Duật đang ở tít Hi Lạp xa xôi.
“Anh thì không sao, miễn em thích là được!” – Trong di động vang tiếng cười nói của Khang Duật.
Tôi còn chưa kịp mừng thì mẹ đã nhảy bổ vào – “Cái gì mà du lịch kết hợp kết hôn hả, hai đứa tổ chức đám cưới cho đàng hoàng xong xuôi thì muốn làm gì thì làm, nhưng tuyệt đối không được động vào tiệc cưới, không thì để mẹ mày đui mù luôn cho xong!”
Người già thật cố chấp, con gái lấy chồng thì phải mở tiệc lớn, đãi nhiều bàn, thông báo cả nước mới chịu.
Theo như lời của bố tôi thì chính là, con gái gả đi, hoặc là không lấy, còn đã gả thì phải cưới thật tưng bừng náo nhiệt.
Mẹ tôi giành lấy điện thoại của tôi, nói với Khang Duật – “Duật, con đừng có chiều theo Miểu Miểu, nó được con chiều đến xem trời bằng vung. Mà con cũng phải lo chú ý thân thể, đừng có cố sức, lúc về cũng phải hết sức cẩn thận, coi chừng máy bay gặp sự cố không may con nhé!!”
Người xưa nói chẳng sai, mẹ vợ nhìn con rể, càng nhìn càng thuận mắt. Mẹ tôi chính là ví dụ điển hình, bây giờ bà tốt với Khang Duật hơn cả tôi.
Tôi nghe mẹ dặn cẩn thận chuyện này đến chú ý chuyện kia, sau đó còn tự ý cúp điện thoại.
Thật tàn nhẫn.
“Con đứng lên cho mẹ, đừng có nhác việc như đầu heo thế kia, không phải hôm nay định đi mua đồ gia dụng sao, giờ mấy giờ rồi còn chưa đi? Mau đi ngay!”
Tôi bị mẹ ra oai ép buộc, đành ai oán ngồi dậy rời khỏi giường – “Con đi, con đi được chưa!”
“Chị, em tìm thấy một cái váy trên mạng, rất hợp với em, mua cho em một cái làm váy phù dâu đi, được không?”
Đến con bé chết tiệt này cũng đến làm phiền tôi.
“Tự đi mà mua đi!! Không thích làm thì thôi, trừ em ra, không biết có bao nhiêu người đòi làm phù dâu cho chị đâu!”
Ai bảo Khang Duật làm phi công làm chi, đám phù rể cũng là dân lái máy bay của công ty anh, tục ngữ có câu, hôm nay phụ dâu phù rể, có thể ngày mai sẽ thành đôi.
“Xí! Nhưng em là em ruột của chị mà!!”
“Cho dù có là mẹ ruột, chị cũng không nể mặt!!” – Tôi rửa mặt, tìm đại một cái quần mặc vào.
“Mày vừa nói cái gì thế hả!” – Mẹ tôi ở ngay sau, nghe thế, liền tiến tới xách tai tôi lên.
“Không phải không phải… con nói Diễm Diễm mà!”
Trời ơi, con kết hôn mà, đâu phải làm chuyện điên rồ gì đâu.
Sớm biết thế là bỏ nhà theo trai cho xong…
***
Tháng bảy, chỉ còn cách ngày cưới của tôi và Khang Duật bốn tháng nữa thôi. Phòng tân hôn đã trang trí ổn thỏa, danh sách khách mời dự tiệc cũng chuẩn bị xong xuôi, chỉ còn bàn thêm quy trình hôn lễ với công ty đám cưới một chút, tiếp theo là chọn món ăn, số bàn ứng với các khu khách mời, tranh thủ rảnh lúc nào thì đi chụp ảnh cưới lúc đó.
Cuối cùng chỉ có… Hôm kết hôn tôi sẽ mặc gì?
Đối với người mập, đây thật sự là một vấn đề rất nan giải.
“Miểu Miểu, mày có chọn được cái nào không, cái này thì sao?” – Tiểu Phàn hỏi tôi.
Thứ bảy mỗi tuần của tháng bảy, tôi đều đi khắp hai nơi Tô Châu, Thượng Hải với đám chị em để tìm váy cưới và lễ phục.
Tiệm váy cưới này, đã là tiệm thứ năm mươi sáu rồi.
Trước mắt, treo đầy các loại váy cưới nhiều màu lắm kiểu dáng, nhưng mà dù tôi chưa mặc thử, đều cảm thấy không ổn. Hiện tại đang thịnh hành mẫu váy cúp ngực, tuy tôi rất thích nhưng thật sự không hề phù hợp.
“Không mặc cúp ngực được đâu, đành chọn kiểu cũ thôi, tuy nhìn hơi thô!” – Tiểu Phàn chọn một cái đưa tôi xem.
“Cái này thì sao, eo cao nè!” – Đại Song đang ở một góc khác hỏi ý tôi.
Tụi nó còn phấn khích hơn cả tôi, nhưng tôi thì đau hết cả đầu.
“Mệt! Đi uống nước!” – Bây giờ tôi hễ nhìn thấy màu trắng của váy cưới liền nói thế.
“Miểu Miểu, đừng vội, bốn tháng nữa lận, còn thời gian mà!” – Từ Doanh an ủi tôi.
Tôi gật đầu, cả đám nối đuôi theo tôi rời khỏi tiệm cưới, tìm một quán trà ngồi nghỉ.
Khi đang tìm một quán trà nhỏ, bất ngờ Tôn Linh phát hiện một cửa tiệm may và bán trang phục truyền thống, hét toáng lên muốn tôi quay lại nhìn, tôi cũng quay lại, vốn ban đầu chẳng thấy hứng thú gì, nhưng đột nhiên nhìn thấy chiếc váy treo trong tiệm, cặp mắt sáng trưng.
Đẹp quá đi mất!
“Oa! Giống bộ đồ trong phim ‘Mùa quýt chín’(1) quá!!” – Tông Lê Quân thốt lên cảm thán.
“Giống quá nhỉ, nhưng mà còn truyền thống hơn ấy chứ, mày xem mặt trên có thêu hoa kìa, tinh xảo biết bao!!”
Cả đám con gái đứng bên cửa thủy tinh, mỗi người bàn một câu.
Có một bác gái từ trong tiệm thấy tụi tôi nhìn cái váy này, có vẻ rất thích, liền vội bước ra mời mọc.
Tôi không nhịn được, liền bước theo vào tiệm.
Tụi bạn tôi ở sau líu ríu hỏi biết bao câu, bác gái kia cũng biết tôi sắp cưới, liền bắt đầu giới thiệu cho tôi – “Bây giờ kết hôn không nhất định phải mặc váy cưới đâu, có thể mặc lễ phục truyền thống, mặc vào đảm bảo rất đẹp. Thợ may của tiệm dì đã có bốn mươi năm trong nghề, toàn bộ quần áo ở đây đều là may thủ công theo phương pháp truyền thống. Trang trí trên áo cũng thêu tay từng đường kim mũi chỉ, những chiếc may hàng loạt bằng máy không thể so sánh được. Cháu gái, nếu thích thì có thể mặc thử xem!”
Tôi động lòng.
Sao cứ phải mặc váy cưới, người Trung Quốc cũng nên đội mũ phượng đeo khăn xuất giá chứ!
“Miểu Miểu, mày mặc vào chắc chắn rất đẹp!”
Tụi bạn bắt đầu động viên tôi.
“Cái này ấy à, mày không lo bị lộ da thịt nữa nè, che kín toàn bộ mà. Mà da mày cũng trắng nữa, vậy thì càng trắng trẻo xinh đẹp, nhất định sẽ rất hợp!”
Có lí quá!!
“Lại còn là trang phục triều Thanh nữa!”
Linh Lợi và tụi bạn chỉ toàn hùa nhau chực đâm vào tim tôi mà thôi.
Bác gái liền bảo – “Đúng thế, đây là trang phục truyền thống cho lễ kết hôn của nhà Thanh, tiệm dì còn bán trâm cài tóc đồng bộ nữa, trông rất sang.”
Tôi kích động đến run tay.
“Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền vậy?” – Hai mắt tôi phát sáng hỏi giá.
“Còn tùy vào cháu chọn hoa văn, chất liệu, đường diềm ra sao, nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì khoảng 21800 tệ (≈75 triệu Đ), thời gian may là đúng chín mươi ngày! Bên dì còn cung cấp dịch vụ đến tận nhà nữa đấy!”
Đôi mắt đang sáng rực của tôi phút chốc liền ảm đạm.
Mắc dã man, có mà giựt tiền người ta!!
Tôi run tay, run chân, run rẩy bước ra ngoài cửa, tuy nhiên ánh nhìn vẫn cứ luôn hướng về chiếc váy trong tủ kính kia, còn dán mắt lên cửa thủy tinh mà nhớ kĩ số điện thoại đặt hàng trên cửa kính của bọn họ.
Rơi nước mắt, nhưng về nhà thôi!!
***
Về nhà, nhà của tôi và Khang Duật.
Dù gì phòng tân hôn đã được trang trí rất đẹp, vật dụng trong nhà cũng đầy đủ, mẹ tôi lại thấy giấy tờ hôn thú các thứ đều đã có, tôi còn ở nhà làm gì nữa đâu, trực tiếp gom đồ của tôi rồi đá ra cửa.
Thế là tôi và Khang Duật chính thức sống chung với nhau.
Buổi tối, tôi nấu cơm, dọn bát đũa ra sẵn. Đừng xem thường tôi nhé, tuy mới bắt đầu còn kém nhưng tôi tin rằng bất kì việc gì, đều có thể học hỏi được tất, chưa kể nấu ăn cũng có phải chuyện gì khó khăn lắm đâu.
Đúng bảy giờ tối, Khang Duật về nhà. Mùa hè ở Thượng Hải dù trời tối rồi nhưng vẫn còn rất nóng, anh lại phải mặc đồng phục phi công, tức đồ tây trang, nên vừa về đến nhà liền than thở – “Thoải mái quá!”
Đương nhiên là thoải mái rồi, nhiệt độ trong nhà là 26 độ, rất thích hợp với cơ thể người, mát mẻ dễ chịu.
“Anh về rồi!” – Tôi như cô vợ đảm đang đi đến nhận lấy chiếc cặp đựng tài liệu và công văn của anh, đặt ở góc tường.
Khang Duật thơm nhẹ lên má tôi – “Ừ! Anh đi rửa tay đã!”
Anh cởi áo vét ra rồi mắc ở giá áo cạnh cửa, vén tay áo đi vào bếp, còn tôi ngồi bên bàn ăn đợi anh vào rồi cùng dùng bữa.
“Miểu Miểu, món sườn xào chua ngọt này của em càng làm càng ngon đấy!” – Anh nhai nuốt như hổ đói.
“Ăn từ từ thôi, đâu ai giành với anh đâu nào!”
Mà cũng phải nói, sao không ngon cho được, biết anh thích ăn, tôi tập đi luyện lại không biết bao nhiêu lần.
Tôi ăn từng đũa, từng đũa một.
“Miểu Miểu, ăn nhanh đi em, chút nữa có người tới đấy!” – Khang Duật gắp một miếng rau, nói với tôi.
“Có khách đến à? Ai thế?” – Sao tôi không nghe báo trước.
Trong đầu tôi vẫn nghĩ về bộ váy kia mãi, nhưng mà nó mắc quá đi. Tôi và anh kết hôn tốn không biết bao nhiêu tiền, toàn bộ đều là anh chi hết, sao tôi lại mặt dày để anh gánh thêm cái váy này nữa chứ.
Khang Duật tự bới cho mình đến chén thứ hai. Trước nay sức ăn của anh rất lớn, nếu có món mình thích, chắc chắn anh có thể ăn thêm ít nhất hai chén nữa.
“Lát nữa là em biết liền!” – Anh tiếp tục ăn ngấu ăn nghiến món sườn chua ngọt.
“Vậy, còn cần em làm thêm vài món nữa không!” – Bây giờ là giờ cơm, có khách tới, đương nhiên phải mời người ta một bữa.
“Không cần, họ không ăn đâu!” – Anh đã chén sạch bát thứ hai, đến hột cơm cũng không còn.
Cơm nước xong, tôi vội lau bàn, định đi rửa chén thì Khang Duật liền bảo – “Để anh rửa cho, em đi pha trà đi!”
“Vâng!” – Tôi đáp, ừ nhỉ, có người tới, không ăn cơm cũng phải uống trà chứ.
Tôi châm trà, đặt bình trà nóng lên bàn, sau đó mở tủ đựng đồ ăn vặt lấy chút hạt dưa, bỏ vào mâm quả thì điện thoại Khang Duật liền reo.
“Miểu Miểu, sẽ gả cho anh thật chứ! Chắc chắn không? Không hối hận chứ?”
“Chắc chắn, không hối hận! Gả cho anh thì sao, xem ai sợ ai!”
“Không nói xạo chứ?”
“Tuyệt đối không, ai nói xạo là con rùa rụt đầu!!”
Ót tôi không biết bao nhiêu đường đen, mỗi lần nghe tiếng chuông ấy xong tôi đều xây xẩm, cơ mà khuyên thế nào anh cũng chẳng nghe. Bởi thế mới nói khoa học kĩ thuật phát triển quá mức cũng không phải chuyện tốt, tại sao chuông điện thoại có thể tự cài theo ý mình được thế này.
Hừ!
Nhìn màn hình điện thoại, tôi thoáng sửng sốt, dãy số này rất quen?
Tôi bắt máy – “Xin chào?”
“Đây có phải số điện thoại của anh Khang không?” – Đây là giọng của một bà bác.
“Đúng ạ, anh ấy đang rửa chén, bác chờ một chút!” – Tôi cầm điện thoại chạy vào trong bếp. Khang Duật đang làm dở, hai tay vẫn rửa chén, tôi đành đưa điện thoại đến bên tai anh, trong đầu vẫn còn mãi suy nghĩ mình đã gặp dãy số kia ở đâu rồi.
Khang Duật nói chuyện điện thoại – “Đến vườn hoa Kim Tư, sau đó đến đường Kim Hối, gặp một phòng khám tư nhân rồi quẹo trái, tiếp tục đi thẳng. Đúng vậy, các bác đi thẳng vào cửa lớn khu dân cư, rẽ trái, đến tòa nhà thứ hai, đúng rồi, lầu ba. Được rồi, tôi đang chờ đây! Cứ vậy nhé! Đúng thế, tôi cúp máy đây!”
Tôi tò mò hỏi – “Ai vậy anh?”
Anh không trả lời, tiếp tục rửa bát, ghé mặt sát vào, bất ngờ hôn miệng tôi một phát.
Cầm di động về phòng khách, nhìn lại dãy số kia, rõ là rất quen, đến khi tôi sắp nhớ ra rồi thì chuông cửa vang lên.
Tôi chạy đến, ấn vào nút để màn hình, lập tức hiện ra khuôn mặt mà tôi vừa gặp lúc chiều.
Đây không phải là bác gái bán váy truyền thống đây sao? Tuy rất thích chiếc váy kia nhưng không biết tên bác này là gì, bèn gọi như thế.
Tôi nhớ ra rồi, dãy số kia chính là số điện thoại đặt hàng dán trên cửa kính.
Tôi hoảng hốt!
Bác gái kia đứng ngoài đợi lâu đành gọi cửa – “Anh Khang, chúng tôi đến từ tiệm quần áo Yun (奫 – nghĩa là suối), phiền anh mở cửa!”
‘Yun’ cũng chính là tên cửa tiệm ấy.
Tôi mơ hồ.
Khang Duật vừa khéo đã rửa xong, thấy tôi đang đứng đờ ra thì bước tới mở cửa – “Đến rồi đây!”
Tôi vẫn ngây như phỗng, không nghĩ được gì.
Khang Duật xoa đầu tôi, sau đó tiếp tục mở chốt chống trộm.
Bác gái đi cùng một người thợ già, còn có một cô bé trợ lí.
Vừa thấy tôi bác ấy liền niềm nở – “Cháu gái, nghĩ thông rồi đúng không. Nói cho cháu biết, nghe lời dì là không sai đâu, mặc bộ này trong lễ kết hôn, chắc chắn sẽ rất đẹp!”
Có chút thắc mắc, tôi nghĩ thông điều gì?
Khang Duật tiếp tục mời bọn họ vào nhà, bác gái chưa quen nhìn quanh nhà rồi thốt lên – “Ôi cha căn hộ của cô cậu lớn quá đi mất, còn là căn hộ hai tầng(2) nữa chứ. Sàn nhà này bằng gỗ sồi đúng không, còn đồ dùng trong nhà bằng gỗ lim đây mà, thật cổ điển!”
Bác thợ cả có vẻ chuyên nghiệp hơn – “Bây giờ bắt đầu đo được chứ?”
“Được rồi!” – Khang Duật đỡ tôi đang đứng ngay đơ ra trước mặt bác thợ.
Tôi hoàn hồn, quay đầu hỏi Khang Duật – “Sao anh lại biết?”
Khang Duật trả lời – “Em có cái gì mà anh không biết?”
Nhìn anh như thế, tôi đoán được, chắc đã biết chuyện về chiếc váy của tôi ban chiều, còn rõ ràng từng chi tiết, riêng người mật báo cho anh là ai thì tôi lại không nghĩ ra.
Bỗng chốc, một cái tên xuất hiện.
“Là Linh Lợi đúng không, nhất định là Linh Lợi!” – Hèn chi lúc tôi khóc, nó ngồi cạnh hỏi rất kĩ, có đúng là rất thích, rất muốn có hay không.
Khang Duật không trả lời, chỉ đáp – “Miễn em thích là được rồi!”
Không cần đoán già đoán non, hẳn là Linh Lợi rồi, tay sai của Khang Duật.
Tôi xúc động rưng rưng nước mắt – “Nhưng mà mắc quá, mắc quá hà!”
“Mắc thì mắc chứ, dù sao anh cũng chỉ định cưới một lần thôi. Đầu tư một lần, ăn lãi cả đời, đáng lắm!” – Anh đưa tay gạt giọt lệ vừa rơi khỏi hốc mắt.
Tôi nghe xong, nước mắt càng chảy dữ dội, nhào vào lòng ôm chặt anh – “Khang Duật!”
“Xem này, anh còn chưa chính thức bỏ tiền mà đã bắt đầu có lời rồi!” – Anh ôm tôi, trêu ghẹo dỗ dành.
Bác thợ cả, bác gái, cả cô trợ lí ba người chớp mắt nhìn tôi và anh, xem chừng bị hai đứa làm cho hồ đồ mất rồi.
“Anh Khang, chị Khang, có thể đo được chưa vậy?” – bác thợ cả đã lấy sẵn thước dây ra từ lâu.
“Đợi chút nữa đi, bây giờ vợ tôi đang xúc động!” – Anh đưa tôi vào toilet, để tôi rửa mặt, chùi nước mũi, sao có thể để mặt mũi nhoe nhoét mà đo quần áo được.
Chờ tôi bình tĩnh trở lại, bác thợ cả bắt tay vào việc, đo vòng cổ, các vòng ngực, eo, mông là bốn số đo thông thường. Ngoài ra còn phải đo ngực cao bao nhiêu, trước ngực sau lưng rộng thế nào, eo trước chừng nào, eo sau ra sao, một đống con số lớn nhỏ, tôi giống như con quay, mặc bác thợ nghịch phá.
Khang Duật ngồi trên sô pha viết nhật kí bay của mình, luôn hướng mắt nhìn tôi.
Chờ đến khi đo xong, bác gái và cô trợ lí hỏi han tôi để chọn loại vải.
Kết hôn nên đương nhiên phải chọn màu đỏ, nhưng màu đỏ cũng năm ba loại, tôi xem bảng chất liệu, muốn hoa cả mắt, nghe bác gái cứ liến thoắng không ngừng về tên những loại vải tôi chưa từng nghe qua, cuối cùng chọn loại tơ tằm có hoa văn đoan thọ(3). Tiếp đó là chọn mẫu thêu, nào là long phượng cát tường, mẫu đơn phú quý, trăm năm hảo hợp, hỉ thước trên cành, bát bảo may mắn,… tôi nghe xong lập tức hôn mê.
Sau cùng tôi chấm được mẫu đơn phú quý và long phượng cát tường, nhưng lại phân vân không biết nên chọn cái nào.
“Duật, anh nói nên chọn cái nào đây?” – Anh là người trả tiền, phải hỏi ý anh mới được.
Khang Duật gấp quyển ghi chép của mình rồi bước tới – “Em thích cái nào?”
“Mẫu đơn phú quý(4) nhỉnh hơn một chút!” – Tôi nghĩ màu sắc của nó rất đẹp.
“Vậy lấy mẫu đơn phú quý đi!”
Tôi chảy mồ hôi, thế ra hỏi cũng như không.
Bác gái liền nói – “Nếu chọn mẫu đơn phú quý thì sẽ tốn thêm 2000 tệ nữa, bởi dùng cách thuê truyền thống, tỉ mỉ từng mũi, hoàn toàn có giá trị lưu trữ!”
Tốn thêm nữa hả!?
“Vậy… lấy long phượng cát tường đi!” – Tôi quẹt mồ hôi trên trán.
“Dì, dì ghi vào là mẫu đơn phú quý hộ cháu!” – Khang Duật nhìn vào đơn đặt hàng của bác thợ mà nói.
“Không được! Đã mắc vậy rồi còn tốn thêm, không được đâu!” – Tôi vội ngăn.
“Miểu Miểu à, chủ đầu tư là anh, anh thấy có lời là được!”
“Nhưng mà, nhưng mà…” – Tôi nhẩm tính, như thế là thành 23800 tệ rồi, siêu siêu mắc.
“Đừng có nhưng nữa, bác thợ, cứ vậy nhé!” – Khang Duật ra hiệu.
Bác gái tấm tắc khen – “Cậu Khang đấy đúng là người rất yêu vợ. Dì làm nghề này bao năm, lần đầu tiên gặp một người phóng khoáng như thế!”
Khang Duật cười không đáp, hỏi – “Còn phải chọn gì nữa?”
Bác gái trả lời – “Chọn đường diềm, hai cháu coi thích màu xanh thẫm, hay vàng kim?”
“Miểu Miểu, em thích cái nào?” – Khang Duật cúi đầu hỏi tôi
Tôi ngẫm nghĩ – “Xanh thẫm đi! Màu đỏ phối với xanh navy đẹp hơn!”
Bác gái lại bảo – “Nếu chọn xanh navy, thế thì phải tăng…”
Tôi bật người cắt ngang – “Vàng! Chọn màu vàng.”
Khang Duật lại quay về nói với bác thợ – “Xanh thẫm!”
“Duật!!” – Sớm biết thế thì tôi đã không mau mồm lẹ miệng, phải hỏi cho kĩ càng rồi mới quyết định.
“Miểu Miểu, nếu đã làm, thì cứ chọn cái tốt nhất! Sau này không lo em không thích!”
Bác gái cũng phụ họa theo – “Đúng, đúng thế, kết hôn đó, việc quan trọng cả đời người, nhất định phải thật hoàn hảo! Được rồi, được rồi, tất cả đều xong, tổng cộng là…” – Bác ta bấm máy tính lia lịa – “Hết 25800 tệ, cậu Khang đây tính tình sảng khoái, giảm giá, còn 25000 thôi!” (≈ 86 triệu Đ)
“Được, trả tiền mặt hay qua thẻ đây?”
“Tốt nhất là thanh toán bằng tiền mặt luôn, nếu trả bằng thẻ phải tốn phí giấy tờ nọ kia, không có lợi!” – Bác gái khôn khéo trả lời.
Khang Duật gật đầu, vào phòng ngủ lấy tiền.
Tôi trơ mắt nhìn bác gái mặt mày tươi cười đếm từng xấp từng xấp tiền, buồn quá xá, đau lòng quá đi mất!
Đến khi rời đi, bác ta còn quay lại nháy mắt với tôi – “Cháu gái, cháu thật may mắn, tìm được một người chồng tốt như vậy, dì đã từng gặp rất nhiều đức ông chồng của biết bao cô gái xinh đẹp, nhưng chưa thấy người nào tốt đến vậy! Cháu kể cho dì nghe, sao câu được thế?”
Lời này thật rõ ràng, dựa vào vẻ ngoài như tôi mà tìm được Khang Duật, thật đúng là chuyện hiếm có khó tìm.
Chỉ có thể là do may mắn.
Tôi cũng không có gì bất mãn, vì đó là sự thật.
Tiễn bọn họ ra về, tôi nịnh hót lon ton tới bên người Khang Duật, vừa đấm lưng vừa bóp chân cho anh.
“Duật, cám ơn anh!” – Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc.
“Cám ơn gì chứ?” – Khang Duật tiếp tục ghi chép nhật kí bay của mình.
“Cám ơn anh vì đã yêu chiều em đến vậy!” – Đúng là anh đã chiều tôi đến tận trời.
Anh ngẩng đầu, ra vẻ du côn làm trò lưu manh – “Em biết là tốt rồi, hừ, nhớ cho kĩ phải phục vụ anh như ông lớn đấy!”
“Vâng, thưa ông lớn, nhất định em sẽ phục vụ ngài thật tốt!” – Tôi càng ra sức đấm lưng, bóp vai cho anh.
“Ngày nóng phải quạt cho anh!”
“Vâng ạ!”
“Khi lạnh phải làm ấm cho anh!”
“Dạ biết!”
“Lúc ăn cơm phải gọi anh!”
“Thưa hiểu!”
“Khi tắm, phải kì lưng cho anh nữa!”
“Nhất định!”
“Còn nữa…” – Đột nhiên anh nắm lấy tay tôi.
Tôi còn nghĩ anh thật hưng phấn.
Anh chân thành nhìn tôi – “Miểu Miểu, điều này quan trọng nhất, không được phép chết trước anh!”
Hốc mắt nóng lên – “Duật…”
Tôi đang xúc động dâng cao, chẳng dè anh đột nhiên thêm vào – “Nếu em chết trước anh sẽ lấy vợ hai. Còn nếu anh đi trước, tuyệt đối không cho phép em tái giá!”
“…”
Câu này hoàn toàn dư thừa!!
***
Ngày 11 tháng 11 năm 2006, là ngày hạnh phúc của đời tôi. Cùng nhau ăn một bữa no nê từ sáng để dự trữ năng lượng cho cả một ngày, sau đó đi làm tóc, trang điểm, mặc quần áo đầy đủ. Nói tới chiếc váy của tiệm Yun kia, quả thật không có chỗ chê, sau khi mặc vào, đổi hết khí chất, ai nhìn vào cũng bảo rất đẹp, như đang đóng phim vậy.
Tôi rất viên mãn.
Phù dâu của tôi lần lượt gồm Diễm Diễm, Đại Song, Tiểu Song và Linh Lợi, vì để thống nhất với tôi, tụi nó tự chuẩn bị trang phục của tiểu nha hoàn thay. Còn Từ Doanh, Lưu Lí Quân, Phàn Tuyển, Tông Lê Quân, Tôn Linh, Liêu Giai Dĩnh và đám vợ con của tôi thời trung học thì nhận nhiệm vụ chặn cửa chú rể.
Lại nói, trước khi Khang Duật tới, đứa nào đứa nấy hùng hùng hổ hổ bàn nhau quyết phải giày vò chú rể bằng mọi thủ đoạn, thế nhưng khi Khang Duật bước vào, đứa nào cũng đành bất lực, không quá hai ba câu, bỏ ‘cổng’ chạy lấy người.
Hỏi tại sao tụi nó lí do vì sao lại thế?
Cả đám đều hoảng sợ trả lời – “Không nham hiểm bằng anh ta!!”
Gây tội rồi giời ơi!!
Đại khái tôi trở thành cô dâu được gác cổng buông lỏng nhất từ trước đến nay.
Thôi đi, dù sao cũng muốn gả cho anh, lỏng lẻo thì đã sao.
Tiệc cưới được tổ chức ở đại sảnh Kì Hạm Báo Hoa cầu Trình Gia. Vốn ban đầu định làm một tiệc ngồi truyền thống, nhưng nhà tôi lắm bà con, đồng nghiệp làm ăn của bố tôi cũng đông, bạn bè cũng nhiều, rồi thì đồng nghiệp của mẹ, bạn bè của tôi, gồm bạn cùng lớp và chung chỗ làm, rồi thêm một đoàn bè bạn của mẹ Khang Duật tới từ Đông Bắc, bạn cũ Khang Duật, đồng nghiệp, thật là đông đúc nhộn nhịp biết bao, tính sơ qua tổng cộng hết sáu trăm lẻ sáu người. Không thể làm tiệc ngồi như truyền thống Trung Quốc, đành chọn làm tiệc đứng.
Nói theo Khang Duật chính là, miễn là thu được tiền mừng, quan tâm bọn họ có mệt không, thoải mái hay không làm gì!!
Chuyện này thì tôi đồng ý!!
Nghi lễ đám cưới của tôi và Khang Duật cũng không quá hoa lệ, tôi cũng chỉ mặc một chiếc váy Trung Quốc này thôi, kéo dài suốt cả buổi tiệc, bởi thay đồ rất phiền phức, chi bằng bận một bộ thật đẹp cho xong.
Ngày thành hôn, tôi mặc váy Trung Quốc, Khang Duật mặc áo kiểu Tôn Trung Sơn, hai đứa rất đẹp đôi, hơn nữa tôi trang điểm dày cộm, nói thế nào cũng là trai tài gái sắc, trời đất tác duyên.
Tôi viên mãn lần nữa.
Đám cưới được tổ chức rất náo nhiệt, cũng rất thành công, chuyện này tôi có thể tưởng tượng ra, riêng đến khi phải đi mời rượu khách khứa, quả thật chưa từng nghĩ qua. Họ hàng thân thích thì tôi không lo, có bố mẹ, mẹ chồng đều là những người đúng mực. Chỉ riêng bạn bè Khang Duật, bạn chung lớp và cả đồng nghiệp thì không như thế. Phá đám cô dâu chú rể mạnh tay nhất chính là đám bạn bè này đây, nhỡ mà làm thật thì không thể ngăn được.
Tôi hỏi Khang Duật – “Anh biết uống rượu không?”
Khang Duật đáp – “Không!”
Chết bỏ rồi, tôi cũng không!
Tôi run rẩy, bám lấy quần áo anh mà hoang mang.
Khang Duật lại chẳng có chút lo lắng, vỗ nhẹ tay tôi trấn an, đột nhiên sắc mặt sa sầm, nham hiểm cười nói với tôi – “Em cho là bọn họ dám chuốc rượu anh sao?”
Tôi chưa hiểu rõ lời của anh thì đã bị vẻ mặt của anh dọa.
Xoa xoa ngực, thật đáng sợ!
Khang Duật nắm tay tôi, bắt đầu đi kính rượu đám bạn cùng lớp, một chuyện kì diệu đã xảy ra.
Bọn họ như thể trở thành những học trò ngoan, đến mời rượu cũng hết sức nhã nhặn, đều là mỗi người lần lượt mang theo một cái chén nhỏ xíu, có người tới mời rượu mà đoạt lấy một bát rượu quá nửa, uống thay Khang Duật.
“Để tôi, để tôi, sao có thể để Vương Gia chúng ta uống được chứ!”
“Đúng, đúng thế, rót ít thôi!”
“Vẫn nên uống Coca, Coca tốt hơn!!”
“Thần kinh, Coca sát tinh, mày là đồ ngu!! Uống sữa chua, sữa chua mới tốt, rất dinh dưỡng, rất bổ!!”
Sát tinh!? Tôi chảy mồ hôi hột.
Có người còn nói – “Phục vụ, cho nước lọc!!”
Mọi việc cứ thế, từ từ… từ từ đã…
Không hết hôn thì đã vậy, kết hôn rồi cũng thế, thật sự rất kì lạ.
Đến khi Khang Duật bị bố tôi lôi đi gặp họ hàng, tôi một bụng thắc mắc không nhịn được liền hỏi – “Mọi người làm sao thế?”
Bọn họ cúi gằm, trả lời đồng thanh – “Sợ… sợ bị trả thù!!”
Tôi chảy mồ hôi như mua.
Ba chữ kia đã nói lên danh tiếng về sự nham hiểm của Khang Duật đã lan truyền bao nhiêu, có sức nặng đến cỡ nào.
Vì thế, hôn lễ của tôi và Khang Duật suôn sẻ hạ màn.
Sau đó, chờ đón tôi chính là…
Xấu hổ quá đi mất…
Đêm động phòng!
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...