HIỆU ẢNH NHỎ BÉ, tồi tàn của Harold Burton chìm trong bóng thê lương. Như thể bằng cách nào đó đã linh cảm được rằng ông chủ sẽ không quay trở lại nữa, cơ sở kinh doanh này bèn tự mình đóng cửa.
Sương mù dày đặc thế này thì bầu không khí chẳng sáng sủa hơn được rồi, Venetia thầm nghĩ. Nàng đứng ngay đầu ngõ hẻm chật chội, đối diện hiệu ảnh Burton. Trời vừa chớm trưa, nhưng màn hơi nước dày đến nỗi nàng khó có thể nhìn rõ căn hiệu nhỏ. Nàng ngước mắt nhìn lên khung cửa sổ các căn phòng bên trên hiệu ảnh. Trên ấy cũng không có dấu hiệu nào cho thấy đang có người ở. Những căn phòng này rõ là căn cứ riêng biệt của Burton.
Hôm nay nàng đã ngẫu hứng quyết định đi đến đây, để Amelia ở lại với Maud – cô gái đứng bán hàng và phụ trách hiệu ảnh, để lại luôn cả nhiệm vụ chọn người mẫu cho lần chụp chân dung tới trong loạt ảnh Những người đàn ông trong kịch Shakespeare đang thành công mỹ mãn.
Ngay khi thức giấc, nàng đã lo lắng nghĩ đến khả năng Burton còn chụp những tấm ảnh khác của nàng, những bức ảnh gã chưa có thời gian đem đến trước cửa nhà nàng trước khi chết. Ai mà biết được Burton đã làm trò tai ác gì với các dụng cụ chỉnh sửa ảnh trước khi mất mạng không đúng lúc. Nàng không thể để một bức ảnh đáng xấu hổ rơi vào tay một trong những đối thủ cạnh tranh của mình, hay tệ hơn, lại đáp đến nhà của khách hàng.
Ngõ hẽm lúc này không mấy nhộn nhịp. Các cửa hiệu cả hai bên hiệu ảnh Burton đều đang mở cửa nhưng lại không có khách hàng. Vài ba con người năng nổ chịu thò chân ra đường dưới trời mù sương thì đi lại vẩn vơ như những bóng ma lạc lối, chỉ một mực chú ý để khỏi va vào tường vách hay vấp ngã vào những phiến đá lát đường nên không chú ý đến Venetia đang lảng vảng nơi lối cửa. Nàng nhận ra rằng, vì ăn vận một màu đen từ đầu tới chân, mặt lại được tấm mạng đen che phủ nên nàng hầu như trở thành vô hình.
Chờ cho đến khi một cỗ xe ngựa hai bánh không có khách lọc cọc chạy qua, di chuyển chậm chạp lăn vào màn sương, nàng mới sang đường để đi vào hiệu ảnh.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy cửa ra vào hiệu ảnh được khóa cẩn thận. Các màn cửa đều đã được hạ xuống. Hẳn Burton đã đóng cửa hiệu trước khi đi đến buổi triển lãm và chạm trán với kẻ đã sát hại mình tối qua.
Venetia đi đến góc đường, quành vào đấy để bước xuống một lối đi hẹp dẫn ra con hẻm nhỏ xíu. Màn sương mù vẫn ngập tràn trong lối đi chật hẹp này dường như còn dày đặc hơn.
Nàng tìm thấy cửa hậu vào hiệu và phát hiện ra cánh cửa này cũng bị khóa nốt. Nàng tháo chiếc ghim kẹp tóc xuống bắt tay vào việc. Con người ta trở nên thành thục hẳn với các loại dụng cụ và máy móc khi họ chọn nghiệp nhiếp ảnh, nàng thầm nghĩ. Dường như những người như thế phải luôn biết ứng biến.
Cửa mở ra. Nàng dừng lại, nhìn quanh lần cuối để bảo đảm không ai chung quanh nhìn thấy nàng bước vào cửa hiệu. Mọi vật im lặng như tờ trong biển mù đang nhấn chìm con hẻm nhỏ.
Im lặng di chuyển, Venetia lách mình vào trong căn phòng phía sau cửa hiệu và khép cửa lại. Nàng đứng im một đỗi, đưa mắt dò xét quanh khoảng không ngổn ngang, u ám.
Căn phòng chứa đầy những vật lỉnh kỉnh thường hay gia tăng nhanh chóng trong một hiệu ảnh. Các thùng các tông đựng phim cũ được chồng cao lên đến tận trần nhà. Những tấm phông nền nhiều màu sắc giờ đã bạc thếch bị đẩy dồn vào vách. Một chiếc ghế ngồi làm mẫu cũ kỹ, mòn vẹt, gẫy một chân, được tấn vào góc phòng. Một đôi giày phụ nữ cỡ nhỏ nhét bên dưới ghế. Đôi giày này là kiểu đã lỗi mốt ít nhất từ hai năm trước.
Một nỗi cảm thương nhói lòng đột ngột dấy lên trong nàng. Gã Burton tội nghiệp. Hắn ta hoặc không ý thức được việc nắm bắt những trào lưu thời thượng quan trọng đến dường nào hoặc không đủ tiền trang trải để đổi mẫu giày khi mốt đã đổi.
Trong hiệu ảnh của nàng có đến ba đôi giày nữ. Đấy là những đôi giày kiểu dáng mới nhất và so với đôi trong hiệu của Burton đây thì trang nhã hơn hẳn. Nhưng những đôi giày ấy có chung một điểm với đôi giày này của Burton. Chúng đều mang kích cỡ của những bàn chân phụ nữ nhỏ nhắn và yêu kiều nhất.
Venetia biết chắc rằng Burton đã đầu tư vào đôi giày này với cùng một lý do thực dụng đã khiến nàng mua lấy đôi giày quá nhỏ chẳng vừa chân bất cứ ai trong nhà. Những đôi giày thanh nhã, duyên dáng đã tỏ ra cực kỳ hữu ích khi ta gặp phải nữ khách hàng chụp ảnh chân dung toàn thân mà lại không muốn phô ra đôi bàn chân to bè của mình.
Khi ấy ta chỉ việc đặt đôi giày cỡ nhỏ hơn phía trước bàn chân của người ngồi làm mẫu và sắp xếp xống váy bà ta sao cho chỉ phần mũi nhọn của đôi giày thanh nhã kia ló ra dưới gấu váy của bà khách. Làm thế sẽ đỡ tốn công chỉnh sửa rất nhiều.
Trên chiếc bàn gần bên là hai tấm ảnh lồng khung. Phần khung kính đã bị rạn nứt hết cả. Thấy tò mò, Venetia tiếng đến gần hơn để nhìn cho rõ.
Chỉ một lần liếc qua cũng đủ để tô đậm mức thâm sâu của lòng oán hận mà Burton dành cho nàng.
Hai bức ảnh chụp cảnh sông Thames. Nàng nhận ra cả hai bức này. Burton đã mang chúng đến dự buổi triển lãm của ông Farley. Bức Bình minh sóng của nàng đã giành giải nhất trong cuộc triển lãm ấy. Tối hôm đó khi rời khỏi phòng triển lãm, Burton đã vô cùng phẫn nộ. Nàng có thể tưởng tượng ra cảnh hắn quay về hiệu ảnh, hai bức tranh thua giải cắp dưới nách. Rất có khả năng hắn đã bước sầm sập vào trong này mà nện hai bức ảnh xuống bàn làm việc mạnh đến mức khiến mặt kính rạn nứt. Hắn chẳng buồn bận tâm đến việc thu dọn các mảnh kính vỡ. Có lẽ hắn đã nuôi dưỡng lòng thích thú bệnh hoạn nào đó khi nhìn hai bức ảnh này mỗi ngày, để nhắc cho hắn nhớ rằng hắn căm ghét con mụ Jones nào đấy đến dường nào.
Nàng dời ánh mắt khỏi cái bàn làm việc khiến lòng bất an ấy. Mũi giày nàng vấp vào một vật nằm dưới sàn nhà. Một thanh kim loại va loảng xoảng vào sàn nhà bằng gỗ dưới chân nàng. Tiếng động ấy nghe lớn đến bất thường trên nền âm thanh tĩnh lặng còn bất thường gấp bội.
Venetia cứng người, tim nện thình thịch. Bình tĩnh lại nào, nàng tự nhủ. Người ngoài cửa hiệu không đời nào nghe thấy một tiếng động khẽ khàng đến thế được.
Sau vài giây, mạch nàng đập chậm lại. Nàng nhìn xuống thấy một thanh sắt khóa đầu dài đi kèm giá đỡ. Vào thời còn sử dụng kỹ thuật chụp ảnh theo phương pháp Daguerre cùng các tấm ảnh kim loại, những dụng cụ như thế này được dùng phổ biến nhằm giữ yên người mẫu tại chỗ để họ không nhúc nhích khi ảnh được chụp. Bằng việc phát minh ra các môi trường chế phim nhanh hơn, mới hơn cùng các máy ảnh tiên tiến đã khiến những thanh khóa đầu không còn cần thiết xét về khía cạnh kỹ thuật, nhưng nhiều nhiếp ảnh gia vẫn còn sử dụng chúng để giữ cho người mẫu ngồi bất động hoàn toàn. Khi phải chụp ảnh chân dung cho một cậu bé con hiếu động thì cám dỗ được dùng đến thanh khóa đầu luôn thôi thúc vô cùng.
Nàng băng qua phòng đến mở một cánh cửa. Mùi hóa chất mạnh bị cất giữ lâu ngày ở nơi kém thoáng khí thốc lên suýt nữa khiến nàng ngã ngửa.
Chắc hẳn là Burton đã bỏ ngoài tai những lời khuyên bổ ích trong các tập san chuyên đề nhiếp ảnh về việc cất giữ an toàn các hóa chất dùng trong phòng tối rồi, Venetia nhủ thầm. Chả trách sao hắn cứ ho mãi. Chắc hẳn hắn đã khóa mình trong này hàng giờ mỗi lần, hít lấy những hơi khí đậm đặc trong một khoảng không nhỏ bé bít kín không cung cấp đâu ra được vòng luân chuyển không khí trong lành khỏe mạnh. Nàng thở dài. Đây là vấn đề thường gặp trong một ngành nghề chứa đủ thứ độc hại.
Nàng giữ cánh cửa mở toang một chốc, để cho những hơi khí độc hại nhất được tiêu tan, rồi nàng bước vào phòng tối. Ánh đèn yếu ớt rọi vào khoảng không nhỏ bé, soi tỏ chiếc khay điều chế và những chai hóa chất.
Những dụng cụ của Burton trông sáng loáng và khá mới, nàng nhận thấy thế, và lại còn là loại tốt nhất nữa. Nhiều chai hóa chất trên kệ vẫn còn nguyên xi.
Căn phòng tối đến nỗi nàng suýt chút nữa đã không nhìn thấy chiếc rương gỗ đặt dưới bàn thao tác. Nàng khom người xuống mở rương ra. Bên trong là rất nhiều âm bản bằng kính khô.
Nàng chỉ cần nhìn kỹ một bản phim là hiểu được mình vừa tìm thấy gì.
Nàng không hề nghe thấy tiếng bước chân lộ liễu sau lưng mình. Cho đến khi một bàn tay nam giới mạnh mẽ bịt lấy miệng nàng, thì đã quá muộn không thể thét lên được nữa.
Vừa bị kéo đứng lên, nàng bèn chộp lấy thứ duy nhất sẵn đấy có khả năng làm vũ khí – một cặp gắp được dùng để lấy ảnh ra khỏi bồn hóa chất.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...