Chiếc vòng thạch lựu

VIII
Anna và Bakhơtinxki đi trước, còn phía sau, cách chừng hai chục bước chân, là viên tướng già chỉ huy trưởng pháo đài cùng Vêra khoác tay nhau. Trời đêm rất tối, và trong mấy phút đầu, khi vừa ở chỗ sáng ra mắt chưa quen với bóng tối, mọi người phải dùng chân để dò dẫm mò đường. Anôxôp, dù có tuổi, vẫn giữ được cặp mắt tinh tường đến đáng ngạc nhiên, đã phải giúp người bạn đường của mình. Thỉnh thoảng ông lại đưa bàn tay to và lạnh vuốt nhẹ âu yếm lên tay Vêra nằm trên khuỷu tay ông.
- Cái cô Liutmila Lơvôpna này đáng buồn cười thật, - viên tướng già chợt nói như đang tiếp tục thành tiếng dòng suy nghĩ của mình. – Đã bao nhiêu lần trong đời ông quan sát thấy rằng hễ người đàn bà sắp đụng phải cái ngưỡng cửa ngũ tuần, đặc biệt là các bà goá chồng hoặc gái già, thì họ cứ quanh quẩn quanh tình yêu của người khác. Hoặc là rình mò nghe trộm, khích bác đơm đặt, hoặc là xông vào “xây dựng” cho hạnh phúc người khác, hoặc là tuôn ra những cây chuyện rông dài về các “mối tình cao thượng”. Còn ông thì muốn nói rằng, con người thời chúng ta ngày nay không biết yêu nữa. Ông không thấy những tình yêu chân chính, thật sự. Kể cả vào thời của mình nữa, ông cũng chưa thấy!
- - Nhưng mà sao lại thế hả ông? – Vêra xiết nhẹ cánh tay ông, dịu dàng hỏi. – Sao ông lại nói thế? Trước đây ông cũng đã có gia đình kia mà. Như thế có nghĩa là ông cũng đã yêu.
- Hoàn toàn không có nghĩa gì cả, cháu yêu Vêrôsca ạ. Cháu có biết ông lấy vợ như thế nào không? Một lần, ông nhìn thấy cạnh mình có một cô gái tươi tắn. Khi thở, ngực cứ phập phồng dưới làn áo. Đôi mí mắt rất dài cụp xuống, mặt bỗng đỏ bừng lên. Và làn da trên đôi má mịn màng, cổ trắng ngần, trinh bạch, đôi tay mềm mại, nóng hổi. Ôi, thật là quỷ quái! Rồi lại còn bố mẹ cứ đi quanh quẩn bên cạnh, đứng ngoài cửa nghe trộm, nhìn bằng đôi mắt buồn rầu, tận tuỵ, cầu khẩn. Và mỗi lần chia tay lại những cái hôn chớp nhoáng ngoài cửa…Ngồi uống trà buổi sáng, chân như vô tình đụng vào nhau… và thế là xong. “Thưa bác Nikita Antônôvich, cháu đến để cầu hôn con gái của bác. Bác hãy tin rằng đây là một điều thiêng liêng…” Thế là ông bố cô ta đã nước mắt ướt đẫm, xông vào ôm hôn… “Con yêu quý! Bố đã đoán ra từ lâu rồi mà… Cầu trời cho các con… Nhưng con coi chừng phải giữ gìn báu vật” … Và sau ba tháng cái báu vật thiêng liêng ấy đầu tóc bù xù không chải, chân đi giầy không tất, mũ áo nhàu nát, chửi nhau cùng bọn người hầu như một mụ nấu bếp, õng ẹo với các sĩ quan trẻ, bĩu môi, khúc khích, tròn mắt… Trước mặt mọi người không hiểu sao cứ gọi chồng là Giắc. Cháu biết không, bằng một giọng mũi kéo dài uể oải: “Gia-a-ắc”. Một mụ ăn tiêu hoang tàng, sống bừa bãi, lôi thôi lếch thếch, tham lam. Và đôi mắt bao giờ cũng giả dối, lừa lọc… Đến nay tất cả đã qua rồi, đã lắng xuống, nằm im, thậm chí trong thâm tâm ông còn hàm ơn cái tay nghệ sĩ kia… May trời là không có con…
- Thế ông đã tha thứ cho họ rồi chứ ạ?
- Tha thứ - không thể nói bằng cái từ ấy được, Vêrôsca ạ. Thời gian đầu ông cứ như thằng điên. Nếu hồi đó mà trông thấy bọn họ, chắc ông đã giết chết ngay cả hai. Rồi dần dần mọi cái qua đi, qua hết, cuối cùng không còn lại gì ngoài sự khinh bỉ. Và thế là tốt. Trời đã không để cho máu đổ vô ích. Rồi thêm vào đó ông còn tránh được cái số phận chung của phần lớn các đức ông chồng. Ông sẽ như thế nào nếu không có cái chuyện bẩn thỉu kia? Một con lạc đà thồ, một tên hèn đớn nhục nhã, một kẻ che giấu tội lỗi, một con bò cái để cho người vắt sữa, một tấm bình phong, hoặc một đồ vật cần thiết nào đó trong nhà… Không, như thế hoá ra lại tốt hơn, Vêrôsca ạ.
- Không, không đâu ông ạ, dù sao thì, ông tha lỗi cho cháu, trong lòng ông vẫn còn nỗi hậm hực ngày trước… Và ông đem cái thực tế bất hạnh của mình mà gắn cho cả loài người. Thí dụ như cháu và Vaxia đây, chẳng lẽ có thể gọi cuộc hôn nhân của chúng cháu là bất hạnh được sao ông?

- Anôxôp im lặng một lúc khá lâu. Rồi ông miễn cưỡng nói:
- Ừ, thôi được… cứ cho đó là ngoại lệ… Nhưng trong phần lớn các trường hợp tại sao mọi người cưới nhau? Ta thử lấy người đàn bà làm thí dụ. Xấu hổ cứ phải ở nhà cha mẹ đẻ, nhất là khi các bạn gái đã theo nhau đi lấy chồng. Phải làm một miệng ăn thừa trong gia đình. Muốn làm bà chủ cai quản trong nhà, làm một người tự lập… Thêm vào đó còn nhu cầu về thể chất được làm mẹ để bắt đầu xây tổ ấm riêng của mình. Còn đàn ông lại có động cơ khác. Thứ nhất, tâm trạng mệt mỏi, chán ngấy cuộc sống độc thân, sự bừa bãi trong phòng, những bữa ăn ở tiệm, rác rưởi, tàn thuốc lá, áo quần rách bẩn, những món nợ nần, vô số những người bạn không khách khí và còn bao nhiêu điều khác nữa. Thứ hai, cảm thấy rằng cuộc sống gia đình có lợi, khoẻ mạnh và tiết kiệm hơn. Thứ ba là ý nghĩ: gia đình sẽ phải có con, mình trước sau gì rồi cũng chết đi, nhưng một phần của mình vẫn sẽ còn lại trên đời này… một cái gì đó giống như một ảo mộng về sự bất tử. Thứ tư là sự quyến rũ ngây thơ, vô tội, như trong trường hợp của ông. Ngoài ra, nhiều khi cũng còn những suy nghĩ về của hồi môn. Thế thì tình yêu ở đâu? Tình yêu vô tư, quên mình, không đòi hỏi đền đáp? Thứ tình yêu mà người ta thường nói: “mãnh liệt như cái chết”? Cháu hiểu không, thứ tình yêu mà vì nó con người sẵn sàng lập bất kì chiến công nào, và sự hiến dâng cuộc đời, chịu đựng đau khổ không phải là một sự hi sinh, mà là niềm vui. Khoan, khoan đã. Vêra, chắc cháu bây giờ lại muốn nói về Vaxia của cháu chứ gì? Thật lòng mà nói, ông rất yêu chồng cháu. Vaxia là một chàng trai tốt. Biết đâu cũng có thể là tương lai sẽ soi tình yêu của Vaxia trong ánh sáng của một vẻ đẹp lớn lao. Nhưng cháu hãy hiểu là ông muốn nói về tình yêu nào. Tình yêu phải là bi kịch. Là điều bí mật vĩ đại nhất trên thế gian! Không một tiện nghi nào của cuộc đời, không một tính toán và thoả hịêp nào có thể đụng đến nó được.
- Thế đã bao giờ ông thấy một tình yêu như vậy chưa ạ? – Vêra khe khẽ hỏi.
- Chưa. – Viên tướng già đáp một cách dứt khoát. - Thật ra ông đã được biết có hai trường hợp giống như vậy. Nhưng một trường hợp là do ngu xuẩn, còn trường hợp thứ hai… nó như… như một món dấm chua nào đấy… thảm hại quá chừng. Nếu cháu muốn, ông kể cho nghe, không dài đâu.
- Ông kể đi.
- Chuyện là thế này. Một viên chỉ huy trung đoàn thuộc sư đoàn của ông có một chị vợ. Mặt chị ta, ông nói cho cháu nghe, Vêrôsca ạ, hết sức tầm thường. Người xương xẩu, dài ngoẵng, gầy gò, tóc hung, miệng rộng… Lớp vữa trát trên người chị ta cứ tróc rơi xuống hệt như từ một ngôi nhà cũ ở thành phố. Nhưng cháu hiểu không, chị ta là một bà Mêxalina của trung đoàn: nóng nảy, quyền lực, khinh người, thích độc đáo. Thêm vào đó còn nghiện ma tuý nữa.
Và một lần, vào mùa thu, người ta gửi đến trung đoàn một viên thiếu uý hãy còn trẻ măng, vừa mới ra trường quân sự. Một tháng sau anh ta đã bị con ngựa cái kia hoàn toàn làm chủ. Anh ta là thằng nhỏ, là đầy tớ, là nô lệ, là bạn nhảy thường xuyên của ả, mặc mỗi chiếc áo quân phục chạy ra ngoài trời tuyết giá để gọi ngựa cho ả. Đó quả là một điều khủng khiếp, khi một đứa hãy còn con nít trong trắng và thơ ngây đem dâng đặt mối tình đầu của mình dưới chân một ả đàn bà hư hỏng già đời lọc lõi và thích uy quyền. Nếu anh ta có sống qua được nguyên lành, thì dù sao trong tương lai cũng coi như anh ta chết rồi. Cái đó để lại dấu ấn suốt cả cuộc đời.

Đến lễ Giáng sinh thì ả đã chán anh chàng tội nghiệp kia và quay lại với một trong những “đối tượng” cũ đã được thử thách của mình. Nhưng viên thiếu uý không thể chịu được điều đó. Anh ta đi theo ả như một cái bóng, người phờ phạc, gầy rộc, xạm đen. Nói bằng những từ hoa mĩ, thìư “thần chết đã đặt dấu ấn lên vầng trán rộng của chàng”. Ghen tuông một cách khủng khiếp. Người ta bảo rằng nhiều hôm anh ta đứng suốt đêm dưới cửa sổ nhà người đàn bà kia. Và một lần vào mùa xuân, mọi người trong trung đoàn tổ chức cuộc đi chơi tập thể. Ông có quen biết cả hai người, nhưng lần xảy ra chuyện này thì ông lại không có mặt ở đó. Như lệ thường trong các trường hợp tương tự, mọi người uống khá nhiều rượu. Đêm đến, họ đi bộ trở về nhà theo nền đường sắt. Bỗng phía trước xuất hiện một đoàn tàu hàng đang bò rất chậm ngược lên quãng dốc khá cao, kéo còi liên tục. Khi đầu tàu vừa đến ngang đoàn người, ả đàn bà mới nói thầm vào tai anh chàng thiếu uý: “Anh cứ nói mãi rằng anh yêu tôi. Thế nhưng nếu tôi ra lệnh cho anh, thì chắc anh chẳng dám lao vào dưới đoàn tàu này đâu”. Còn anh ta, chẳng đáp lại một lời nào, chạy đi – và nhảy luôn vào dưới đoàn tàu. Người ta nói lại rằng anh ta tính toán rất chính xác, chui ngay vào giữa bánh trước và bánh sau của toa – như thế người sẽ bị cắt đôi ra một cách gọn gàng. Có một tay ngốc ngếch nào đó định giữ anh ta lại, cố lôi anh ta ra khỏi đường tàu. Nhưng không được. Viên thiếu uý cứ bám chặt hai tay vào thanh ray và cả hai bàn tay bị cắt cụt mất ngón.
- Ôi kinh khủng quá! – Vêra kêu thốt lên.
- Viên thiếu uý buộc phải rời quân ngũ. Bạn bè góp lại cho anh ta được một số tiền để đi đường. Ở lại trong thành phố thật không tiện! Anh ta sẽ như một lời trách cứ sống ngay trước mắt người đàn bà kia và trước mắt cả trung đoàn nữa. Thế là hỏng cả đời người… một cách đểu giả nhất… Anh ta sau trở thành kẻ đi ăn xin… rồi chết cóng bên một bến sông nào đó ở Pêtecbua…
Còn một trường hợp khác thì hoàn toàn thảm hại. Và cũng lại một người đàn bà như thế, chỉ có khác là trẻ hơn và xinh đẹp. Ả ta xử sự rất không tốt. Những người như ông lúc đó đã quen, vốn coi những chuyện tình nhăng nhít trong các gia đình như thế này là bình thường, thế mà lần đó cũng cảm thấy bị xúc phạm. Còn anh chồng thì lại không sao cả. Anh ta biết hết, thấy hết, nhưng cứ im lặng. Bạn bè có bóng gió, nhắc nhở, anh ta chỉ khoát tay: “Các anh thôi đi, đấy không phải là việc của tôi, không phải là việc của tôi… Tôi chỉ mong sao cho Lênôsca được hạnh phúc!...” Một thằng ngốc như thế đấy!
Cuối cùng cô ả cặp kè với tay trung uý Visniacôp, sĩ quan trợ lý của đại đội họ. Thế là cả ba người sống trong một gia đình hai chồng, hệt như đó là hình thức hôn nhân hợp pháp nhất. Ít lâu sau trung đoàn phải ra trận, các bà các chị đi tiễn đưa, và cô ả nọ cũng đi tiễn. Nhưng nhìn họ người nào cũng phải xấu hổ: cô ả không liếc về phía chồng dù chỉ một lần để gọi là có, mà cứ bám lấy cổ gã trung uý như đỉa đói, không dứt ra được. Khi mọi người đã ngồi vào toa, tầu chuyển bánh, ả còn trơ tráo hét theo với chồng: “Anh hãy nhớ phải giữ gìn lấy Vôlôđia! Nếu có chuyện gì xảy ra với anh ấy, tôi sẽ bỏ nhà đi không bao giờ trở lại nữa đâu. Và mang cả con theo đấy”.
Chắc có thể cháu nghĩ rằng cái tay đại uý này là một thằng vứt đi, một kẻ đớn hèn, bạc nhược chứ gì? Hoàn toàn không phải thế! Anh ta là một người lính dũng cảm. Trong trận Núi Xanh, anh ta sáu lần dẫn đại đội của mình xông vào đồn quân Thổ Nhĩ Kỳ, trong số hai trăm người của anh ta chỉ còn lại mười bốn sống sót. Hai lần bị thương, nhưng anh ta vẫn không chịu lui về trạm cứu thương. Anh ta là như thế đấy. Binh lính rất yêu quý anh ta.
Nhưng cô ả đã ra lệnh… Lênôsca của anh ta đã ra lệnh cho anh ta! Và anh ta chăm sóc, hầu hạ cái thằng hèn nhát vô tích sự Visniacôp như vú em, nhưmẹ hầu hạ con. Ở những chỗ trú quân mưa bùn lầy lội, anh ta lấy áo khoác của mình ra che cho hắn, thay hắn làm mọi việc để hắn nằm khểnh ở nhà chơi bài; đêm đêm đi kiểm tra các trạm gác thay hắn. Mà cháu nên nhớ, Vêrôsca ạ, hồi đó bọn cướp cắt cổ lính canh của quân ta cũng đơn giản như các bà nội trợ cắt bắp cải ở trong vườn ấy. Và may trời, kể ra nhớ lại thì cũng có tội, nhưng mọi người ai cũng mừng khi nghe tin gã Visniacôp chết trong quân y viện vì thương hàn…

- Thế còn phụ nữ, ông ơi, ông đã gặp người phụ nữ nào biết yêu chưa ông?
- Ồ, tất nhiên là có chứ, Vêrôsca! Thậm chí ông còn dám nói là ông tin rằng hầu như bất kì người đàn bà nào trong tình yêu cũng có khả năng làm nên những kì tích cao cả nhất. Cháu phải hiểu rằng người đàn bà ôm hôn, vuốt ve, hiến dâng, và thế đã là người mẹ rồi. Đối với người đàn bà đang yêu, tình yêu là toàn bộ ý nghĩa cuộc đời, là toàn bộ vũ trụ! Nhưng người đàn bà hoàn toàn không có lỗi trong việc tình yêu của con ngườilại mang những hình thức đê tiện như vậy, đã bị hạ thấp xuống đến mức thành những tiện nghi trong sinh hoạt, thành những trò giải trí nhỏ mọn; kẻ có lỗi là bọn đàn ông, hai mươi tuổi đã no nê thoả mãn, với thể xác của gà giò và tâm hồn của thỏ đế, mất hết khả năng có được những tình cảm mãnh liệt, những hành động anh hùng, những sự dịu dàng và say mê trước tình yêu. Người ta nói rằng trước đây tất cả những cái đó đều có. Và nếu như không có đi nữa thì chẳng lẽ đấy không phải điều mà những tâm hồn và trí tuệ xuất chúng nhất loài người hằng ước mơ và khao khát - những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ. Vừa mới đây ông được đọc câu chuyện của nàng Manông Lexco và người bạn tình de Grie… Cháu biết không, ông đã khóc đấy… Vêrôsca yêu của ông, cháu nói thật ông nghe, chẳng lẽ không phải ở sâu trong tâm khảm của mình, người đàn bà nào cũng ước mơ về một tình yêu như vậy - một tình yêu duy nhất vị tha, sẵn sàng làm tất cả, khiêm tốn và hi sinh?...
- Ồ, tất nhiên, tất nhiên, ông ạ…
- Và một khi không có nó, cái tình yêu ấy, thì đàn bà họ sẽ trả thù. Sau ba mươi năm nữa … khi đó ông sẽ không còn, nhưng cháu chắc sẽ được thấy, Vêrôsca ạ… Hãy nhớ lời ông, rằng ba mươi năm nữa đàn bà sẽ nắm giữ những quyền lực từ trước đến nay chưa từng thấy trên thế giới này. Họ sẽ ăn mặc như các nữ thánh Ấn Độ. Họ sẽ khinh bỉ đàn ông như những kẻ nô lệ thấp hèn. Những thói đỏng đảnh và ý muốn ngông cuồng của họ sẽ trở thành những đạo luật khổ sở cho thế giới mày râu. Và có tất cả những cái đó là vì đã hàng bao nhiêu thế hệ đàn ông chúng ta không biết ngưỡng mộ, tôn thờ tình yêu. Đó sẽ là sự trả thù. Có một quy luật, cháu biết không: Lực tác động bằng lực phản tác động.
Im lặng một lúc, ông bỗng hỏi đột ngột:
- Này, Vêrôsca, nói cho ông nghe nhé, nếu cháu cảm thấy không có gì là bất tiện: câu chuyện với anh chàng điện báo viên mà hôm nay công tước Vaxili kể là thế nào? Ở đây cái gì là thật, cái gì là bịa?
- Chẳng lẽ ông thích nghe à ông?
- Tuỳ cháu, tuỳ cháu, Vêra ạ. Nếu như có cái gì khó chịu thì thôi…
- Ôi hoàn toàn không đâu ạ, cháu sẵn sàng kể cho ông nghe.

Và nàng kể cho viên tướng già nghe tỉ mỉ về một anh chàng điên rồ nào đó, người bắt đầu say mê theo đuổi nàng từ hai năm trước khi Vêra đi lấy chồng.
Chưa lần nào nàng gặp anh ta và không biết cả họ anh ta là gì. Anh ta chỉ viết thư cho nàng và ký tắt bằng mấy chữ cái G.X.G. Một lần anh ta để lộ rằng mình làm một viên chức nhỏ ở một công sở nào đó, còn về chuyện điện báo thì không nhắc đến lần nào cả. Và chắc là anh ta thường xuyên theo dõi nàng, vì trong các bức thư của mình anh ta kể lại khá chính xác nàng đi đâu, với ai, ăn mặc như thế nào. Lúc đầu, những bức thư của anh ta chỉ mang tính chất tầm thường và cuồng nhiệt đến ngộ nghĩnh, mặc dù rất trong trắng và lịch sự. Nhưng một lần Vêra đã viết thư trả lời (về chuyện này xin ông đừng nói với mọi người, đến nay chưa ai biết), yêu cầu anh ta đừng quấy phiền nàng bằng những lời tỏ tình như thế nữa. Từ đó anh ta thôi không nói về tình yêu, và chỉ viết rất thỉnh thoảng, nhân các ngày lễ phục sinh, năm mới và ngày sinh. Nữ công tước Vêra cũng kể về gói quà hôm nay; thậm chí nàng còn đọc lại, gần như chính xác từng từ, bức thư kì lạ của người say mê bí mật đeo đuổi nàng.
- Thế đấy… - cuối cùng viên tướng già lẩm bẩm – Có thể đây đơn giản chỉ là một anh chàng không bình thường, một người mắc bệnh cuồng; mà cũng có thể - ai biết được? – chính một tình yêu như thế đã cắt nàng con đường đời của cháu, một tình yêu mà bất kì người phụ nữ nào cũng đều mơ ước, nhưng đàn ông ngày nay không còn khả năng có được… Mà khoan đã nào. Cháu xem kìa, đằng trước có đèn, hình như xe của ông đã tới.
Cũng vừa lúc đấy phía sau lưng họ nghe có tiếng xe hơi nổ ầm ầm, và con đường mấp mô đầy những ổ gà bỗng lấp loáng ánh đèn màu trắng nhạt. Guxtap Ivanôvich dừng xe lại.
- Annôsca, anh đã mang theo các thứ cho em đây rồi. Em lên xe đi, - Phơriexe nói, rồi quay sang phía viên tướng già: - Thưa ngài, cho phép được mời ngài đi cùng ạ.
- Thôi, không cần đâu, cám ơn, anh bạn thân mến ạ. – Anôxôp đáp. – Tôi không thích loại xe này. Chỉ được cái nhảy chồm chồm lên và bốc mùi thối hoắc chứ sướng gì. Thôi, tạm biệt nhé, Vêrôsca. Từ nay ông sẽ đến chơi với cháu nhiều hơn. – Viên tướng già nói, hôn lên tay và trán của Vêra.
Mọi người chào tạm biệt nhau. Guxtap Ivanôvich đưa Vêra Nicôlaiepna về đến cổng nhà nghỉ của nàng rồi lượn một vòng tròn biến mất vào bóng tối cùng cỗ xe nổ ầm ầm của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui