Châu chấu đỏ

Chương 15
Khi mặt trời ló ra thì cũng đã sắp tối. Sau khi trút bỏ xuống mặt đất những cơn giận dữ của mình, mây đen đã tản ra thành nhiều cụm nhỏ mỏng tanh và bay lên trời cao. Giữa kẽ hở của những đám mây, bầu trời bị mặt trời hoàng hôn đỏ ối to như một chiếc bánh xe nhuộm thành màu son hư hư thực thực. Mặt đất phủ một lớp những viên mưa đá dày nửa mét, màu lam và màu trắng giao thoa, ấm áp và lạnh lẽo hỗn tạp. Màu sắc rực rỡ đan xen bao trùm đất trời. Những thân cây vốn không còn lá lúc này cũng không còn cành trông như những chiếc gậy to tướng chĩa thẳng vào bầu trời uy nghiêm, những cây nhỏ hơn thì bị gãy giữa thân, chỗ gãy đang tiết ra những dòng nhựa trắng đục đặc sánh; những loài chim bị mưa đá đập gãy cánh, lông vũ xác xơ đang giãy giụa trên lớp mưa đá dày cộp và kêu lên những tiếng thảm thiết não nùng. Tôi bó người trong quần áo thật dày, đeo chiếc khẩu trang hai lớp vải để bảo vệ chiếc mũi không mấy khỏe mạnh của mình và vụng về cầm chiếc máy ảnh trên đôi tay bị tê cóng đến cứng đơ như một củ cà rốt chụp ảnh những cảnh tượng đẹp một cách chết chóc sau trận mưa đá. Cảnh trời đất bên ngoài ống kính bàng bạc một màu trắng nhũ vươn dài đến vô cùng vô tận. Tôi ấn máy, một tiếng "xoạch" vang lên. (Trong tấm ảnh này, thế giới sao mà tàn khốc vô tình, ông Tứ với chiếc đầu sưng vù và ông Cửu với hai lỗ mũi đầy máu đang suất lãnh những người trong gia tộc đi về phía trước. Trên thắt lưng ông Tứ có giắt hai khẩu súng ngắn, trên thắt lưng ông Cửu cũng giắt hai khẩu súng ngắn, trong tay còn có một khẩu Braoninh. Ông Tứ đang há to miệng, hình như đang quát tháo gì đó, ông Cửu đang cau mày nhăn trán liếc xéo nhìn ông Tứ, ánh mắt biểu thị sự oán hận thâm sâu). Mọi người dò dẫm bước một cách thận trọng nhưng mỗi bước đi là một lần trượt, họ thở ra những luồng khí đủ màu đủ sắc. Một ông già bị mưa đá đập vào làm rụng toàn bộ hàm răng đang khóc mếu máo, hai giọt nước mắt như hai giọt keo dẻo quẹo bám trên cằm của ông ta, đôi vành tai ông ta bị cái lạnh làm cho đen sì như hai cánh dơi rách. Tôi mở khẩu trang, hà hơi vào đôi lay lạnh cóng của mình, trong khi hà hơi, tôi thấy khẩu trang của mình đã bị đông kết thành một mảnh băng, bảy màu đỏ cam vàng xanh lam chàm tím lấp lóa, chói chang đến độ mỏi mắt người nhìn. Tôi khó khăn cử động những ngón tay tê cứng, đưa chiếc máy ảnh Canon lên, điều khiển ống kính cho thật chuẩn rồi bấm một kiểu ảnh với ý nghĩ là sẽ tái hiện được màu sắc của cầu vồng trên chiếc khẩu trang vào trong tấm ảnh. Tôi đứng lên lớp băng mưa đá dày, cái lạnh thấm từ chân lên đến đỉnh đầu khiến cho răng tôi va vào nhau lập cập, đầu lưỡi tôi đông cứng lại. Tôi hướng ống kính vào những thành viên của gia tộc mình đang giãy giụa trên lớp băng mưa đá và bấm máy (Trong tấm ảnh này, thế giới là do màu sắc và ánh sáng tạo thành, lớp băng đang phát ra thứ ánh sáng của loại hoa hồng đỏ, con người lại phát ra thứ ánh sáng, của đồng xanh, mỗi người lại là một vầng mặt trời hình thù kỳ dị. Ông Tứ trông như một người anh hùng thất bại đang cúi người xuống như muốn lạy mặt trời. Hình như ông Cửu đã nổ súng, bởi tôi thấy một chùm hoa lửa đang lóe lên chung quanh họng súng). Ông Cửu cũng không biết là mình đã đùa giỡn với khẩu Braoninh như thế nào mà nó đã phát nổ, một âm thanh chát chúa làm không khí lạnh giá bị vỡ òa, viên đạn bay lên trời, họng súng được bao phủ bởi một làn khói màu xanh đậm đặc. Ông Cửu hoảng kinh, vứt khẩu súng xuống mặt băng. Nằm trên mặt băng, khẩu súng đang phát ra thứ ánh sáng màu xanh lấp lóa. 
Đôi mắt màu xanh lấp lóa của bà đang nhìn thẳng vào tôi quan sát tôi đang trải những tấm ảnh lịch sử quý giá mà ống kính của chiếc máy ảnh Canon đã thâu tóm được trong lúc ấy, nghe tôi dùng một giọng điệu trầm đục buồn buồn kể chuyện sau khi đại nạn mưa đá đi qua, con người tìm kiếm quê hương đã mất của mình như thế nào. Tôi cho rằng lịch sử nhân loại là lịch sử của việc tìm kiếm quê hương. Bà trông thấy chưa? Mái nhà lá bị mưa đá làm cho tan tành rách nát ấy chính là quê hương của gia tộc ăn cỏ chúng tôi, khoảng cách của nó với chúng ta có lẽ cũng chỉ vài tầm tên bay nhưng lại vừa xa vời như một thiên quốc nào đó. Tôi đang theo gót những bậc tiền bối của mình, chịu đựng cái rét mướt, chịu đựng sự sợ hãi và kính trọng đối với đại tự nhiên, chịu đựng nỗi đau đớn vì bị mưa đá giáng vào. Một bước một lần trượt, hai bước một lần ngã, tiếng khóc chấn động mặt đất đang bị mưa đá đóng dày nửa thước, ngay cả mặt trời cũng phải chảy nước mắt dầm dề. Ông Cửu lúc là chó, lúc là sói nhưng lúc ấy ông Cửu là sói. Ông nhặt khẩu súng từ dưới mặt băng lên, cũng một thao tác như vừa rồi, bóp cò. Một tiếng nổ đoàng khiến những thành viên trong gia tộc đang giãy giụa bên ngưỡng cửa của cái chết phấn chấn hẳn lên, tay nắm tay cùng dìu nhau đứng lên rồi dắt nhau đi một cách khó khăn. Bà có biết không? Không có ánh sáng thì làm gì có màu sắc - Biết rồi! Đứa bé ba tuổi cũng biết được điều này - Máy ảnh là khách quan, nhưng con người cản thụ ánh sáng lại là chủ quan, chủ quan đến độ cực đoan - Cậu còn tấm ảnh nào nữa không, lấy ra cho tôi xem!- Chụp ảnh không chỉ là kỹ thuật, quan trọng hơn là nghệ thuật! - Nghệ thuật chẳng qua là một loại vũ khí để đàn ông các cậu lôi kéo đàn bà! Tôi ngồi xuống chiếc ghế tựa, những tấm ảnh từ tay tôi rơi lòa xòa xuống nền xi măng. Bà ta cười lạnh: - Thế nào? Tôi đã chọt trúng nỗi sợ hãi của cậu rồi à? Đừng sợ, sự bình giá đối với "nghệ thuật" cũng là một sự chủ quan đến độ cực đoan, cậu sợ gì chứ. Bà ta ngồi xuống nhặt những tấm ảnh dưới đất lên, quan sát rất kỹ như muốn đánh giá từng tấm, cuối cùng giơ cao lên một tấm, miễn cưỡng nói: Tấm này trông cũng được đấy! 
Mặt trời như một chiếc thập tự màu trắng được một vòng tròn ánh sáng màu vàng bao quanh. Một thân cây đỏ rực trơ trụi được bao bọc bởi một viền màu trắng đến lóa mắt, dưới gốc cây là mọi người đang nhe nanh múa vuốt giống như những đống phế liệu thải ra từ những lò luyện gang thép. 
Lớp băng đã bị màu đỏ che lấp. 
Mặt trời cũng đã chìm xuống trong cái biển màu đỏ ấy.
 

Chương 16
Nếu tôi chụp được những tấm ảnh sau khi hai anh em ông Tứ và ông Cửu trở thành địch thủ của nhau, ngay cả lúc ăn cơm một tay cầm đũa một tay đặt lên bao súng và có thể ngoéo cò súng bất kỳ lúc nào mà bày ra đây, chắc chắn là tôi sẽ làm cho bà sợ hãi, rất tiếc là lúc ấy chiếc máy ảnh của tôi bị hỏng hóc, nói về điều này mà không có chứng cứ thì tôi có nói thế nào, bà cũng chẳng tin. Bà không thể tưởng tượng được rằng, sau khi lớp băng do mưa đá để lại tan chảy xong thì những ngày nóng bức lại tiếp tục, nhiệt độ trên mặt đất tiếp tục lên cao, sức sống tiếp tục trỗi dậy, tất cả hoa màu cũng như tất cả những loài thực vật khác điên cuồng nhú những mầm xanh, màu đỏ thẫm trên mặt đất lõa lồ chỉ mấy ngày sau đã bị màu xanh tươi mát bao phủ mà không cần phải gieo hạt, không cần phải cày xới. Hoa màu và cây cối bị châu chấu ăn trụi lúc này đua nhau sống dậy và sinh trưởng, một tháng sau, lúa mạch và cao lương đồng thời chín rộ ngoài dự liệu của mọi người. Đến khi những làn sóng vàng rực của lúa mạch dập dềnh trong đại dương cao lương màu đỏ thì mùa hạ và mùa thu cũng đã gắn kết lại với nhau. 
Mùa hạ năm ấy, ruồi cũng nhiều một cách đặc biệt. Tường nhà và mọi vật dụng trong gia đình đều có một lớp phân ruồi đen kịt, ông Cửu và ông Tứ tay phải cầm súng, tay trái bê bát canh hoa hành lên húp roàn roạt, trên mặt nước nổi lềnh bềnh mấy con ruồi, có con đã chết, có con còn sống. Hai anh em chẳng có người nào dám cúi đầu, cũng chẳng nhìn vào bát canh vì sợ chỉ cần mất cảnh giác là sẽ nhận viên đạn của đối phương. Những con ruồi trong bát canh vì thế trôi theo dòng nước và dễ dàng tuồn vào trong dạ dày của họ. 
Lẽ nào chỉ có chuyện của bà Tứ lại khiến hai anh em trở thành kẻ thù không đội trời chung? Người có trình độ văn hóa rất thấp, chỉ giỏi ở chỗ chõ mũi vào chuyện của người khác là bà Ngũ nói cho tôi hay rằng, chuyện ông Cửu dám động chân động tay với bà Tứ khiến quan hệ anh em căng thẳng như vậy chỉ là một trong nhiều nguyên nhân, lại không phải là nguyên nhân chủ yếu. Nguyên nhân chủ yếu lại là người đàn bà ở Lưu Sa Khẩu phía bên bờ bắc dòng sông. Chuyện này cũng do ông Cửu không tốt . . . 
Bà Ngũ cho rằng, ông Cửu không nên tranh chấp người đàn bà này với ông Tứ. Đàn bà trong trời đất này không thiếu, anh tìm người đàn bà khác không được sao? Nhưng đàn ông là vậy, cho dù là bất kỳ cái gì, hễ tranh được trên tay người khác thì sẽ biến thành của báu, thậm chí là một cục cứt khô! Đàn ông chỉ là những con chó điên - Bà Ngũ bĩu môi - Ta xem con mụ đàn bà đó chẳng có gì đẹp đẽ cả, bà Tứ và bà Cửu của cháu còn đẹp hơn con mụ ấy gấp ba lần. Không phải là ngày đông tháng hạ mụ ta chỉ mặc độc một chiếc váy đỏ hay sao? Không phải là cặp vú chó cái của mụ ta cố độn thêm cho cao hơn người khác hay sao? 
Người bị đàn bà căm ghét nhất lại là đàn bà! Do vậy mà khó lòng nhận được những lời bình phẩm khách quan và công tâm về một người đàn bà từ trên miệng đàn bà. 

Tôi mời chú Thập Lục một điếu thuốc rẻ tiền, khẩn khoản chú hãy kể cho tôi nghe về quá trình tranh chấp người đàn bà mặc váy đỏ giữa ông Tứ và ông Cửu. Chú Thập Lục dùng đôi môi vốn đã quen ngậm tẩu thuốc kẹp lấy điếu thuốc lá, thần sắc có vẻ bí mật nói: Không thể nói, không thể nói. .. 
Chú Thập Lục thò tay vào trong túi áo, bước ra cửa nhưng không hiểu sao lại quay vào, hút một hơi thuốc thật dài, đôi mắt lim dim, nói: Chuyện đã năm mươi năm rồi, nhớ không rõ nữa . . . 
Ông Tứ đeo khẩu súng lượm được bên cạnh thi thể của những người lính vào thắt lưng. sải bước qua chiếc cầu đá lúc lắc như sắp đổ nương theo ánh sáng của những vì sao treo trên bầu trời mượt như nhung đến điểm hẹn với người đàn bà mặc váy đỏ. (Chuyện này chỉ trách ông Cửu không tốt - Chú Thập Lục nói - ông Cửu cũng đã ngửi thấy mùi của người đàn bà này, cũng đang giắt súng trong thắt lưng mà lần theo mùi vị ấy). Một đêm nọ, ông Tứ phát hiện ra một bóng đen phóng vút qua cổng nhà người đàn bà, nhìn cái dáng đi kỳ dị ấy, ông Tứ đoán ra là người quen trong gia tộc. (Người đàn bà này cũng chẳng khác nào một con điếm. Cô đã tư tình với ông Tứ, sao lại còn lén lút đi lại với ông Cửu? Cũng chẳng có gì là khó hiểu cả. Mùa hè năm ấy nóng đến như vậy, người đàn bà nào mà chẳng giống như một con chó cái động tình?).Thân hình ông Tứ bỗng nhiên co rút lại, nhẹ nhàng tuồn qua khe cửa hẹp và bước vào trong nhà. Ông đã ngửi thấy mùi ông Cửu vướng vất đâu đây, còn người đàn bà thì đang mỏi mệt nằm trên giường. Ông Tứ rút súng. chĩa vào đầu người đàn bà, hỏi: Thằng đàn ông vừa rồi là đứa nào? Người đàn bà nói: Mắt ông bị hoa rồi à? (Có loại đàn bà không bao giờ biết đủ trong chuyện ấy, ông Tứ lúc ấy đã bốn mươi tuổi, tinh thần và sức lực không đủ đáp ứng nữa nên bà ta mới mồi chài nốt ông Cửu). 
- Nghe nói là ông Tứ đã tự bào chế ình một loại thuốc xuân tình? 
- Thuốc xuân tình quái gì, chẳng qua đó là những viên thuốc "lục vị địa hoàng"! 
Cuối cùng, người đàn bà ấy đã bị ai giết chết? 

- Chuyện này không thể nói rõ ràng được, chỉ có hai anh em ông ấy biết mà thôi. Nếu không phải là ông Tứ giết thì cũng là ông Cửu giết bà ấy thôi. Mấy mươi năm rồi nhưng không ai có gan hỏi về chuyện ấy. 
- Chuyện ông Tứ và ông Cửu cầm súng đuổi bắn nhau đùng đoàng là vào lúc nào? 
- Chính là ngày người đàn bà ấy bị giết. Hai anh em chửi nhau một trận, người thì chửi "đ. mẹ nhà mày", người thì chửi "ỉa vào mặt tổ tông nhà ngươi". Kỳ thực là hai ông ấy đều do một mẹ sinh ra, cũng chẳng có hai ông tổ khác nhau? 
Họ bắn nhau chí tử như vậy, sao lại không có ai bị thương? 
- Bị thương thế nào được! Dù sao thì cũng là anh em ruột ông Tứ đứng trên cầu đá giậm chân, toàn thân run rẩy, mặt mũi chân tay dính đầy bột mì (giống như một con chuột vừa giãy giụa thoát ra khỏi thúng bột mì, chiếc cầu đá rung rung), bắn một viên đạn xuống mặt nước (nước sông bắn lên tung tóe), trừng mắt chửi: Thằng Cửu kia, tao đ. mẹ nhà mày! Toàn thân ông Cửu cũng dính đầy bột mì, trên chiếc áo trắng máu dính dâm dấp, nhảy nhót điên cuồng, cũng bắn một viên xuống sông, chửi: Con c. Tứ kia! Ta ỉa vào mặt tổ tông nhà ngươi! Cứ thế, hai anh em đuổi qua đuổi lại chửi một câu, bắn một viên và "đuổi nhau" về đến tận giữa làng. 
Hình như cả hai đang đùa giỡn nhau. 
Nhưng không phải đùa giỡn. Vừa bước vào sân là cả hai đã đâm sầm vào nhau, tay đấm chân đá mồm cắn, súng gõ vào nhau cồm cộp. Cổ ông Cửu bị ông Tứ cắn sứt một miếng thịt, đầu ông Tứ bị nòng súng của ông Cửu gõ một cú thật mạnh tạo thành một lỗ sâu hun hút, máu chảy đầm dề. 

- Không có ai can ngăn khuyên giải họ à? 
- Ai dám can ngăn? Họ đều có súng trong tay mà. Sau đó thì ông Tứ ngã sóng soài ra đất trông như một con chó chết, ông Cửu cũng không còn đủ sức để đấm đá nữa, thực ra thì ông Cửu đang sợ hãi, hình như ông ấy nghĩ là ông Tứ đã chết. 
- Vết thương của ông Tứ không được băng bó lại à? 
- Bà Ngũ của cháu vốc một nắm vôi nhét vào vết thương 
- Sau đó thì sao? 
Ba ngày sau, châu chấu từ bờ bắc đã quay lại.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận