28 tháng Chạp.
Làm bánh gạo hấp màn thầu,
Dán tranh tết đính đôi câu đối mừng
Cắt giấy trang trí tưng bừng,
Mừng xuân mới đến hừng hực sắc tươi.(*)
*Giải thích cụ thể ở cuối chương.
Sáng ra Triệu Bắc Hành đã cùng ba Triệu nấu hồ dán trong bếp để lát còn có cái mà dán mấy câu đối lẫn chữ Phúc đã mua.
Hai ba con đang làm thì thấy Bạch Chỉ vươn vai đi vào.
“Nước nóng trong nồi đó, rửa mặt lẹ rồi đi dán câu đối với anh.”
“Dạ.”
Triệu Tân Đài nhìn ông con cả nhà mình với vẻ quái lạ: Cái thằng này đúng là tỉnh như ruồi, bé kế toán đến ăn Tết nhờ thôi mà nó sai người ta như thật.
Nấu xong, Triệu Bắc Hành khệ nệ bưng chậu hồ dán qua phòng phía Đông.
Anh lấy mấy câu đối đã mua lúc đi chợ ra rồi sắp xếp xem cái nào dán ngoài, dán trông rồi bỏ tất cả lên giường lò, bắt đầu ngồi bôi hồ dán lên.
“Thằng Hai canh cháu nha, mẹ đi lấy thịt với ba con đã!” Hôm nay xóm mổ heo nên Mẹ Triệu vội cho cháu lên giường nằm rồi đi, Hoan Hoan nằm chổng vó, miệng ê a có vẻ như lại định òa khóc.
Bạch Chỉ thấy thế vội bế nó lên, cậu móc chùm chìa khóa trong túi ra, vừa lắc lắc vừa ríu rít khiến thằng bé cười toe khoe cá miệng chỉ toàn lợi.
Triệu Bắc Hành ngậm điếu thuốc, thi thoảng lại ngẩng đầu lên nhìn hai người họ.
Anh bỗng trộm nghĩ, giá mà cứ thế này cả đời thì cũng vui nhỉ…
Nhưng anh nhanh chóng bác bỏ suy nghĩ vẩn vơ này rồi tiếp tục bôi hồ dán, đính chữ “phúc” lên trên cửa.
“Anh Hành dán chữ “phúc” ngược lại nha.” Bạch Chỉ bồng em bé đến bên cạnh bảo.
Triệu Bắc Hành xoay ngược tay dán xuống hỏi: “Ò, dán ngược thế này để làm chi vậy?”
“Thật ra cũng không có gì, tương truyền hồi xưa có một nhà phú hộ cũng dán chữ “phúc” để ăn Tết, trong nhà có đứa ở lỡ dán chữ “phúc” nằm ngược.
Đang lúc phú hộ phát hiện ra chuẩn bị phạt nó thì ông quản gia cái khó ló cái khôn, vội bảo: “Phúc đổ xuống, phúc tràn về! Là điềm lành đó ạ!”(*) Phú hộ nghe xong không phạt đứa ở nữa mà còn thưởng cho nó vô vàn tiền của đó anh.”
*Dán chữ Phúc nằm ngược thì ngược là 倒 /dào/, nhưng chữ này cũng có âm khác đọc là /dǎo/ chỉ sự đổ vỡ, lật đổ, chung là nghĩa xui xẻo ấy.
Mà khi đọc /dào/ ngoài nghĩa ngược lại, đảo ngược ra thì nó còn đồng thời mang nghĩa trút, rót, đổ thứ gì đó xuống.
Nên quản gia mượn cách đọc này để cứu đứa ở một phen.
Triệu Bắc Hành nghe xong bèn quay lại búng trán cậu một phát: “Người có ăn có học đúng là khác ghê.”
Bạch Chỉ xoa trán: “Đau em mà.”
“Yếu như sên vậy, rồi rồi cho cậu búng lại anh nè.” Nói đoạn Triệu Bắc Hành cúi đầu nhủi lại gần, Bạch Chỉ khẽ cười búng cho anh một phát.
“Ủa anh, hai người đang làm gì vậy?” Triệu Bắc Bình gặm quả táo đi vào hỏi.
Triệu Bắc Hành lập tức sầm mặt: “Có chuyện gì? Rảnh quá thì đỡ thang cho tao dán câu đối.”
“Dạ dạ, để em kêu anh Tư phụ chung.” Triệu Bắc Bình xụ mặt đi ra ngoài.
Anh Hai mình đúng là sáng nắng chiều mưa, ngó nửa con mắt dòm mình thôi cũng khó ở.
Mấy anh em đương dán câu đối thì Thịnh Tử lái xe gắn máy chở Đại Hoa qua chơi.
Đại Hoa nhảy xuống xe, hắt xì một phát: “Lão Đại, cho anh con cá bự nè! Cậu Hai em lấy bên chỗ hồ Chagan(*) về á.”
*Hồ băng Chagan ở Cát Lâm, Trung Quốc là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nổi tiếng với truyền thống câu cá trên băng hàng thế kỷ.
Triệu Bắc Hành lau tay rồi cũng nhảy xuống thang: “Ồ, đâu anh coi bự cỡ nào.” Trong giỏ có một con cá mè hoa cứng còng nặng cỡ 10 kí.
“Ghê ta, con này bự đó nha.” Triệu Bắc Hành mang cá vào nhà.
“Anh Tiểu Bạch!” Vừa vào nhà đã thấy Bạch Chỉ, Đại Hoa hăng hái gào một tiếng.
“Suỵt, cháu nó vừa ngủ.” Bạch Chỉ vội xua tay, Hoan Hoan đang đắp chăn bông nằm trên giường ngủ say sưa.
Đại Hoa thì thầm: “Cháu của ông chủ đó hả anh?”
“Ừa.” Bạch Chỉ đứng dậy đi theo nó ra khỏi phòng.
Triệu Bắc Hành đang cắt cá, sau khi rửa ráy sạch sẽ, anh vùi cá vào trong tuyết để đêm 30 có cái mà ăn.
Đây là lần đầu tiên trong đời Bạch Chỉ thấy có con cá nước ngọt to như thế: “To ghê luôn ấy!”
Thịnh Tử cười tươi: “Vầy mà bự gì anh, con cá chép đợt giăng lưới đầu tiên mỗi năm ở hồ Chagan mới gọi là bự.
Nghe đâu con năm nay nặng hơn hai lăm kí, là con cá chép bự nhất mấy năm gần đây.
Mình nó thôi là đã bán được hơn tám trăm ngàn rồi đó!”
Triệu Bắc Hành cất cá xong, hai tay đỏ bừng lên vì lạnh: “Trưa ở lại ăn miếng cơm rồi đi, gọi Nhị Lương Tử kêu nó qua luôn.”
Trưa đến mẹ Triệu kéo thịt heo đã mua về bằng xe trượt tuyết, sau đó nấu cho cả bọn một nồi thịt hầm cải chua.
Thịt ba chỉ được xắt thật mỏng, còn có thịt xương ống(*) và dồi chấm cùng nước tương tỏi.
Đúng là ngon khó cưỡng, ngay cả đứa không hảo mấy món này nnhư Bạch Chỉ mà cũng ăn cả một tô cơm bự, cậu no căng bụng không đứng thẳng nổi luôn.
*Một món ăn đặc trưng của dân Đông Bắc, xương ống sau khi được hầm với các loại gia vị cho sánh lại thì được lấy ra, xé hết phần thịt bên ngoài bày ra dĩa hoặc tô rồi chấm với nước tương tỏi.
Triệu Bắc Hành không dám cho mấy đứa uống nhiều rượu để lát còn lái xe.
Cơm nước xong xuôi, Thịnh Tử và Đại Hoa mặc đồ chuẩn bị ra về, Nhị Lương Tử cũng đi theo.
Triệu Bắc Hành và Bạch Chỉ tiễn cả bọn ra ngoài, vừa đi vừa tâm sự chuyện của Nhị Bảo.
Nhị Lương Tử phun một bãi nước bọt: “Em tận mắt thấy thằng ngố đó vừa về là đưa hết tiền cho mẹ luôn, không giữ lại xu nào!”
Thịnh Tử chau mày, tuy nó và mấy đứa này không ở cùng xóm nhưng đi làm chung lâu như vậy, tính ra còn thân hơn cả bạn nối khố.
Nó cũng thật sự lo lắng cho Nhị Bảo nên nói: “Nghĩ cách coi sao, chứ không thể để Nhị Bảo đưa hết tiền cho mẹ như thế được.”
Nhị Lương Tử bĩu môi: “Chắc nó thèm nghe mày nói á? Nó chỉ biết nghe lời bả thôi, ** má nó đúng là con trai cưng của mẹ mà.”
Triệu Bắc Hành sút vô mông Nhị Lương Tử một phát: “Thôi, đầu óc Nhị Bảo kém thông minh thì sao trách nó được.
Từ bé mẹ nó đã không thương rồi, nó mà còn không ngoan nữa để bả vứt luôn ra đường hay gì?”
Bạch Chỉ bỗng nhớ tới bảo hiểm: “Ớ anh Hành, hay mình đăng ký lập công ty đi! Mở công ty là có thể đăng kí bảo hiểm nhân viên cho Nhị Bảo, cứ làm thế này tới năm sáu chục tuổi là em nó có lương hưu rồi.”
Cả đám đụt mặt ra nhìn Bạch Chỉ, đây là chuyện bọn họ mù tịt nên dĩ nhiên không hiểu Bạch Chỉ đang nói gì.
Hai mắt Triệu Bắc Hành như phát ra tia lửa, anh ôm vai Bạch Chỉ: “Tiểu Bạch, cậu nói chậm chậm lại chút, công ty rồi bảo hiểm là sao? Tụi anh cũng có thể lãnh lương hưu hả?”
“Tất nhiên là được rồi, chỉ cần anh đăng kí công ty được, sau đó ký hợp đồng lao động hợp pháp rồi đến cơ quan bảo hiểm xã hội là được nhận bảo hiểm lao động thôi.”
Thịnh Tử hỏi: “Còn lương hưu thì sao anh? Em tưởng làm lâu năm trong nhà nước mới có lương hưu chứ?”
Bạch Chỉ cười lắc đầu: “Đâu có.
Làm trong nhà nước mà có lương hưu cũng do công ty đóng giúp nhân viên thôi, là mình gửi tiền trước sau này nhận lại với hình thức lương hưu đó mà.
Lương hưu tỉ lệ thuận với số năm mình đóng cho bảo hiểm nữa, làm càng lâu là về già càng nhiều tiền nha.”
Triệu Bắc Hành nhanh chóng nhẩm tính trong đầu: “Vụ này lát về cậu nói kĩ lại cho anh nghe, nếu được anh em mình làm luôn một thể!”
Dân quê ai cũng cho rằng chỉ có đi làm công ty xí nghiệp với được bảo hiểm lao động, ai mà ngờ đám công nhân cục mịch như bọn họ cũng được hưởng số tiền này?
Thịnh Tử và Đại Hoa nhìn nhau: “Tụi em về đã nha anh Hành, có gì cần thì gọi điện sau.”
“Ừa, hai đứa đi về cẩn thận.”
Thịnh Tử nổ máy chở em trai biến mất dạng, Đại Hoa gục đầu trên lưng Thịnh Tử bảo: “Anh, em định mốt cứ đi theo anh Hành làm.”
Thịnh Tử gật đầu, bản thân nó cũng nghĩ như thế.
Triệu Bắc Hành làm ăn giỏi giang, tính tình lại tràn đầy nghĩa khí, hồi xưa nó bỏ việc quyết đi làm cho anh đúng là chuẩn không cần chỉnh.
Trên đường về Bạch Chỉ giải thích tường tận việc đóng bảo hiểm của doanh nghiệp tư nhân cho Triệu Bắc Hành nghe: “Thật ra đóng không có bao nhiêu hết anh ạ.
Doanh nghiệp tư nhân bình thường đóng giúp công nhân một nửa, nửa còn lại công nhân đóng, một tháng tốn tầm bảy trăm tệ thôi.”
Triệu Bắc Hành gật đầu, suy nghĩ trong lòng dần hóa thành tâm huyết dâng trào khắp não bộ.
Anh tin là mình đủ năng lực dẫn dắt cả bọn làm được việc này!
“Tiểu Bạch!”
“Dạ?” Bạch Chỉ ngẩng đầu.
Triệu Bắc Hành ôm cậu: “Cậu đúng là của báu trời ban mà.”
Mặt Bạch Chỉ nhoáng cái đỏ bừng: “Anh… Anh Hành.”
Bé tí hon màu hồng và màu xám trong lòng cậu đang ôm nhau cười phớ lớ đến độ rơi cả nước mắt vì quá hạnh phúc, cuối cùng anh Hành cũng biết sự quan trọng của mình rồi!
“Năm nay lời được cỡ sáu trăm năm mươi ngàn, anh định qua năm mở rộng vựa trái cây, cho bán buôn rau củ vào hạng mục quan trọng luôn.”
Bạch Chỉ nhìn anh vẻ si mê.
“Tiểu Bạch, ngồi xuống đi.”
“Dạ?” Bạch Chỉ ngơ ngác ngồi xuống.
Triệu Bắc Hành đi đến trước mặt cậu, đoạn kéo hai cánh tay lôi cậu về nhà.
Chân Bạch Chỉ cứ thế mà lướt viu viu trên nền tuyết như đang đi trượt tuyết.
Bạch Chỉ: “…”
Triệu Bắc Hành: “Hahahahaha hồi nhỏ tụi anh hay chơi vậy đó.
Vui không?”
Khóe môi Bạch Chỉ giần giật, cậu cố nặn ra một nụ cười: “Hơ hơ… Vui lắm ạ.”
Anh Hành đúng là thiên hạ đệ nhất phá tan bầu không khí mà ==
Bạch Chỉ hít một hơi thật sâu, hơi lạnh ngập đầy khoang mũi khiến cậu thấy khoan khoái khó tả như thể bao trọc khí(*) trong người đều được tống ra ngoài.
Ở nơi thôn quê xa lạ, cậu được người mình thầm thương kéo tay chơi trò trượt tuyết.
Thật vui sướng biết bao, vui đến nỗi cậu bỗng muốn rơi lệ.
*Trọc khí là từ dùng trong Đông y, đại khái là khí “độc”, năng lượng xấu trong người gây bệnh tật.
Để khỏe mạnh thì con người ta cần hít thanh khí và thải trọc khí.
Lúc về đến nhà gấu quần Bạch Chỉ đã ướt nhẹp, đế giày thiếu điều bị cà mỏng đi một lớp.
Phải mà như lúc nhỏ chắc Triệu Bắc Hành đã bị ba mẹ cho một trận ra trò, nhưng giờ anh lớn tướng rồi, nhị vị phụ huynh cũng không đánh nổi nên đành mắt nhắm mắt mở cho qua.
Chỉ là hai ông bà thấy áy náy với cậu kế toán lắm, khổ thân thằng bé bị Triệu Bắc Hành kéo lê lết không ra cái giống gì.
Bạch Chỉ thay đồ ra thì nghe thấy Hoan Hoan đang khóc.
Chẳng biết mấy nay thằng bé bị làm sao mà cứ hơi tí là khóc ré lên, dỗ thế nào cũng không nín.
Đưa đi khám thì bác sĩ lại bảo không bệnh tật gì, cùng lắm thì do đau bụng thôi, chỉ cần cho ăn uống cẩn thận tí là được.
Mẹ Triệu rầu rĩ: “Cứ để nó khóc thế này cũng không ổn, hay nhờ bà Tư đuổi giùm nhỉ?”
Triệu Tân Đài gật đầu: “Ừ, để lát thằng Hành nó đi mua ít trứng rồi qua bên bển.
Coi mòi chắc do sợ hãi vụ hôm bữa.”
Bạch Chỉ:?!?
Ý hai bác là muốn trị theo kiểu mê tín dị đoan ấy hả?
Thấy bé con khóc đến mức đỏ ửng cả mặt, giọng khàn đặc đi, Bạch Chỉ lên tiếng: “Dì ơi, hay mình đưa Hoan Hoan lên bệnh viện huyện xem sao nhé?”
Triệu Bắc Hành khoác áo vào: “Qua nhà bà Tư coi sao đã, không được nữa thì lên bệnh viện huyện ngay.”
“Ớ, dạ vâng.” Nhỡ Hoan Hoan thật sự đau ốm mà đến bệnh viện trễ thì nguy quá, Bạch Chỉ lo lắm nhưng cậu cũng chỉ là người ngoài nên không nói gì thêm được.
“Đi với anh không?”
“Đi ạ.” Bạch Chỉ vội thay áo lông vũ rồi lót tót theo Triệu Bắc Hành ra ngoài.
Trời đã nhá nhem tối, bốn bề chỉ còn lại sắc xanh xám, nhà nào nhà nấy thắp đèn dầu, khói bếp lượn lờ bay lên.
“Anh biết cậu không tin ba cái thứ này nhưng thiệt là nhiều lúc nó linh dữ lắm.” Triệu Bắc Hành ngậm điếu thuốc đi đằng trước bảo.
Nhịp chân Bạch Chỉ nhanh thêm hai bước, cậu bước đến bên anh: “Bà Tư mà anh nói làm gì đó ạ?”
“Anh cũng không rõ, chỉ biết từ khi anh có trí khôn thì trong xóm cứ ai bị bệnh âm là đều tới chỗ bà Tư xem sao.
Hồi nhỏ anh cũng từng được bà chữa cho nè.”
*Ở Đông Bắc, bệnh mà không tìm ra nguyên nhân theo y học hiện đại thì gọi là bệnh âm.
“Thật sao anh, thế có hết không?” Bạch Chỉ tò mò hỏi.
“Lúc đó anh mới ba bốn tuổi gì à nên không nhớ, toàn do mẹ kể lại thôi.
Có lần anh đi chơi với mấy đứa trong xóm rồi lỡ đái lên mộ người ta, về nhà xong cứ sốt liên miên, tiêm chích uống thuốc thế nào cũng không hết.
Mẹ anh sợ quá nên bồng anh qua nhà bà Tư, bà lấy chổi lông gà đập anh mấy phát, về là hết bệnh luôn.”
Bạch Chỉ tròn mắt ngạc nhiên: “Quào, hay thật đó anh!”
Thấy cậu như thế Triệu Bắc Hành bật cười, anh vươn tay bẹo má cậu: “Lát cậu đừng sợ là được.”Faye:
Note: Mọi người nhớ đọc thông báo số 04 trước khi đọc chương 41 để có trải nghiệm suôn sẻ nha ^^
Nguyên văn đoạn đầu chương này là 腊月二十八, 打糕,蒸馍,贴花花 – tức 28 tháng Chạp có tục làm bánh gạo, hấp màn thầu và dán tranh, liễn mừng tết, ngoài ra còn có cắt giấy thành hình hoa, hình con giáp, các chữ mang ý cầu may để dán trong nhà.
Theo đó đầu năm mới người Trung kị nấu món hấp, xào, chiên, nướng nên hai tám hai chín Tết là nấu hết mấy món này ăn cho đã.
Qua ngày đầu năm không nấu nữa để tránh gặp chuyện xui rủi, do hấp gần giống với từ tranh giành, xào gần giống từ ồn ào, tranh cãi ầm ĩ, chiên thì lại nghe như nổ, vỡ tổ, nướng thì nghe như rơi rụng, sa sút, suy đồi (trong tiếng Trung).
Nói tóm lại đây là tập tục để cầu năm mới bình an thôi, cứ kiêng hết mấy món có phát âm nghe giống mấy từ xui xẻo, gây họa cho gia đình.
Còn tục dán câu đối mừng Tết bắt nguồn từ bùa đào thời xưa cũng ở bên Trung.
Khi ấy người ta lấy gỗ đào đẽo thành miếng rồi khắc chữ lên để làm vật trừ tà.
Đến thời Ngũ Đại, Mạnh Sưởng – vua nhà Hậu Thục rất thích văn thơ các kiểu nên năm nào cũng sai người viết bùa đào cho mình, từ đấy tập tục viết câu đối xuân ra đời.
Và câu đối “Năm mới thừa chuyện vui, tiết đẹp xuân còn mãi” ra đời vào thời Hậu Thục có thể xem là câu đối xuân đầu tiên trong lịch sử.
Có người bảo đây là câu đối do Mạnh Sưởng tự viết, có nguồn lại nói là con ông viết ra, lại có nguồn bảo là do một văn nhân nào đó viết theo yêu cầu của Mạnh Sưởng.
Tóm lại câu này chưa rõ ai là chủ gốc ạ ;;A;;.