Chẩm Thượng Thư

Phượng Cửu quấn một chiếc áo khoác lông ngồi trước cửa sổ ở gian phòng phía đông, vừa ngáp vừa sưởi ấm, vừa chép lại lần thứ bảy bản "Đại Nhật Kinh Sơ" do phu tử ở trường bắt chép phạt.
Hồi nhỏ đi học nàng rất nghịch ngợm, các vị phu tử ở Thanh Khâu cũng thường bắt nàng chép phạt một số kinh thư, nhưng cha mẹ các đồng môn hồi đó của nàng phần lớn đều là thủ hạ của cha mẹ nàng, cho nên ngày ngày chúng thường tranh nhau lấy lòng nàng, những bài phu tử bắt chép phạt đều do những đồng môn hiểu chuyện đó chép hết. Phượng Cửu đi học lâu như vậy, nhưng ở trường chưa bao giờ phải thực sự chịu phạt cả về văn lẫn võ. Không ngờ bây giờ thế sự đổi thay, nàng tự thấy mình đã ba vạn tuổi cũng không còn trẻ, lại đường đường là nữ vương Thanh Khâu, lúc này lại phải chịu phạt chép kinh trong học đường của tộc Tỷ Dực Điểu nhỏ bé, cũng coi là chuyện đáng thở than.
Từ đó Phượng Cửu rút ra hai kết luận. Một, có thể thấy rồng mạnh không bắt nạt được rắn bản địa, lão tổ tông quả thật không lừa nàng. Hai, có thể thấy một chiến hữu như lợn có thể cự được kẻ địch tương đương mười con sói, lão tổ tông lại lần nữa không lừa nàng. Rắn bản địa ở đây chính là phu tử nghiêm khắc của tộc Tỷ Dực Điểu, còn chiến hữu như lợn đương nhiên chỉ có Yến Trì Ngộ mới xứng với danh xưng kêu như vậy.
Sự việc đi đến nước này như thế nào, nửa năm nay, Phượng Cửu cũng thường xuyên suy nghĩ, nghĩ hoài nghĩ mãi, chỉ có thể quy cho số mệnh.
Nửa năm trước, nàng với Tiểu Yến tráng sĩ không may rơi vào một vách đá nhô ra trong Phạn Âm Cốc, sau khi hai người hòa hoãn kể chuyện được một, hai khắc, lại không may từ vách đá đó rơi xuống đáy cốc, cuối không may rơi trúng người nhị hoàng tử của bộ tộc Tỷ Dực Điểu sống trong cốc, vậy là không may đến bây giờ.
Nhị hoàng tử đó họ Tương Lý, tên là Manh, tên đầy đủ là Tương Lý Manh, thường được gọi là Manh thiếu gia.
Bộ tộc Tỷ Dực Điểu từ xa xưa có quy chế đàn ông chưa thành hôn không được một mình ra khỏi cốc, Manh thiếu gia mặc dù chưa thành hôn nhưng lại một lòng hướng về thế giới phồn hoa bên ngoài, đã nung nấu ý định rời cốc từ lâu, chọn ngày hoàng đạo định bỏ nhà trốn đi, không ngờ vừa ra khỏi cổng thành thì bị Phượng Cửu từ trên trời rơi xuống trúng người làm chàng ngất xỉu.
Yến Trì Ngộ kẹp giữa Phượng Cửu và Manh thiếu gia, thực ra đầu cũng rất choáng váng, nhưng Phượng Cửu càng choáng hơn, khi tỉnh lại hai người đã bị trói, áp giải đến đại điện của vương cung Tỷ Dực Điểu. Trên vương vị là nữ vương của cả tộc, cũng chính là mẫu thân Manh thiếu gia.

Phượng Cửu mặc dù nhiều môn học đốt, nhưng may có môn sử thời kỳ thượng cổ lại học rất tốt, biết bộ tộc Tỷ Dực Điểu từng có hiềm khích với Thanh Khâu, bây giờ coi như rơi vào ổ Tỷ Dực Điểu rồi, nhất định không thể để lộ thân phận, nên đưa mắt ra hiệu cho Tiểu Yến. Tiểu Yến vốn thần kinh còn thô hơn cột thép, nhìn nàng hồi lâu, vẫn không lĩnh ngộ được hàm ý thực sự trong mắt nàng, có điều may là chàng vốn không biết nàng là đế cơ Thanh Khâu.
Làm ngất nhị hoàng tử có thể là chuyện lớn, có thể là chuyện nhỏ, nếu hoàng tử mãi mãi không tỉnh thì là chuyện lớn, nếu kịp thời tỉnh lại, bên cạnh lại có người nói rõ mọi sự thì chuyện này cũng dễ ăn dễ nói.
Phượng Cửu tốt số, Manh thiếu gia kịp thời tỉnh lại, dập tắt ngọn lửa phẫn nộ của mẹ hiền đang bừng bừng trong lòng nữ vương ngồi trên ngai vàng. Vốn đã xử giam hai người vào tử lao, giữa đường đổi thành giam ở thủy lao. Nhưng cửa thủy lao còn chưa mở, lại có chỉ lệnh nói không giam nữa, lập tức cung kính mời hai vị về đại điện.
Phượng Cửu mơ hồ được tháp tùng trở về đại điện lúc trước họ đã bị tra hỏi, nghe nói vừa rồi có người cấp tốc chạy đến đại điện nói rõ mọi sự giúp họ, đã điều tra ra hai người vốn là tiểu vương tử và tiểu muội của hắn thuộc bộ tộc Dạ Kiêu (cú đêm) chỉ cách một con sông, do ngưỡng mộ danh tiếng tông học[1] của bộ tộc láng giềng mới tìm đến đây du học, không may rơi trúng hoàng tử làm hoàng tử ngất xỉu, tất cả chỉ là hiểu lầm.
[1] Tông học: Trường học dành cho người trong hoàng tộc.
Phượng Cửu thầm nghĩ chuyện này mới là hiểu nhầm, nhưng nữ vương lại tin, có thể thấy là ông trời giúp họ, cho nên không thể phụ lòng trời.
Lần thứ hai lên điện, thái độ nữ vương đã khác hẳn, không còn bộ mặt phẫn nộ như Phật Mẫu Kim Cang lúc trước mà nhìn họ vẻ từ bi, hiền hòa, thân thiện và khiêm nhường ra chỉ lệnh: Hai vị là khách đến từ bộ tộc láng giềng đồng minh, lại ham học như vậy, đặc cách ban cho vào tông học, một là thỏa lòng hiếu học của họ, hai là cũng tiện cho thế hệ trẻ của hai bộ tộc giao lưu cọ xát, vân vân.

Giữa triều đường Tỷ Dực Điểu, Phượng Cửu vốn cảm thấy bản thân nàng mặc dù xưa nay ghét nhất trường học, nhưng dù gì cũng đã học bao nhiêu năm, chỉ cần tỏ ra lặng lẽ, ít nói, đi học trở lại cũng không khó khăn gì, chịu đựng một chút là qua, nhưng người phóng khoáng bất kham như Tiểu Yến tráng sĩ có lẽ không chịu nổi sự bó buộc của trường học, có khi thà ngồi thủy lao còn dễ chịu hơn vật lộn với bút nghiên.
Nghĩ vậy, lúc đó Phượng Cửu rất lo lắng, chỉ sợ Yến Trì Ngộ đột nhiên nói gì khiến hai người rơi vào hiểm cảnh. Nàng cảm thấy với trí tuệ của chàng ta, Tiểu Yến rất có thể gây ra chuyện đó, nhưng không ngờ biểu hiện của chàng ta hôm đó lại rất ổn, lúc đầu thần sắc của chàng ta đúng là rất sốt ruột, sau khi vào đại điện, ánh mắt dừng ở đâu đó ngơ ngẩn một hồi, vẻ sốt ruột dần biến mất, hơi cúi đầu có vẻ ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của nữ vương.
Cũng may chàng có ngoại hình thanh tú, nho nhã ít nói đứng ở đó, cho nên không ai nhận ra chàng ta là Ma vương. Lúc này Phượng Cửu nhìn theo ánh mắt của Tiểu Yến, trong đám thần tử đứng hai bên điện như xem trò vui, Tiểu Yến nhìn đăm đăm vào một cô nương áo trắng che mặt bằng sa trắng, Phượng Cửu bất giác nhìn cô nương đó lâu hơn một chút, do sự bất thường của Tiểu Yến nên nàng càng phải lưu tâm, nhưng thứ lỗi cho nàng mắt kém, thời buổi này quả thực có quá nhiều cô nương áo trắng, nàng là ví dụ điển hình đây, nàng thực sự không phát hiện ra cô nương đó có gì đặc biệt nên không nhìn tiếp nữa…
Đêm đó hai người ở lại tông học của tộc Tỷ Dực Điểu.
Mấy ngày đầu, Phượng Cửu còn thường xuyên nghĩ phải tìm cách trốn khỏi Phạn Âm Cốc, nhưng qua nhiều lần thăm dò tìm hiểu, phát hiện quả thực không có đường nào thoát khỏi đây. Nếu còn pháp thuật còn có thể nghĩ ra được cách nào đó, nhưng cốc này kỳ dị ở chỗ chỉ có nội trong vương thành mới có thể dùng phép thuật, một khi ra ngoài thành, dù chỉ là nửa bước, pháp thuật cao siêu đến mấy cũng khó mà thi triển. Nàng cũng từng tưởng mình thông minh thử thuật di chuyển trong chớp mắt ở trong thành, nghĩ không thể di chuyển ra ngoài cốc nhưng đến cửa cốc coi như đã thành công một nửa. Kết quả, nàng và Tiểu Yến di chuyển từ phía tây thành sang phía đông thành, rơi trúng vào nhà một quả phụ nào đó đang tắm, bị bà mẹ chồng mù của quả phụ cầm chổi đánh đuổi ra khỏi cửa.
Thấy tình hình xem chừng sẽ bị nhốt lâu dài ở đây, nửa tháng đầu, Phượng Cửu cũng tỏ ra vô cùng nôn nóng, mỗi ngày qua đi lại càng nôn nóng hơn, khó tránh khỏi lại nghĩ đến kẻ đầu sỏ khiến nàng bị nhốt ở đây – Đông Hoa Đế Quân của Nhất Thập Tam Thiên. Mặc dù trong lòng nàng quyết phải vạch rõ ranh giới với Đông Hoa, nhưng xét đến bên ngoài Phạn Âm Cốc dù có vô vàn chúng sinh nhưng chỉ có Đông Hoa biết nàng rơi xuống Phạn Âm Cốc này, nàng vẫn mong mỏi chàng có thể cứu mình. Đương nhiên nàng biết trước khi rơi xuống đây, nàng đã đắc tội với Đông Hoa, trông mong trong ba, bốn ngày chàng có thể đến cứu là không thể, vậy nên cho chàng một thời gian để nguôi giận. Nàng cảm thấy nếu nội trong vòng một tháng chàng xuất hiện ở đây, đưa nàng về thì cái tội tự tiện đưa nàng đến đỉnh núi Phù Vũ khiến nàng rơi vào hiểm cảnh, nàng có thể rộng lượng bỏ qua. Mặc dù tương truyền Phạn Âm Cốc này sáu mươi năm mới mở một lần, nhưng nàng tin nếu Đông Hoa muốn cứu nàng, tất sẽ có cách đi vào.
Nhưng, một tháng, hai tháng, ba tháng trôi qua, nàng vẫn không thấy Đông Hoa đến cứu mình.

Phạn Âm Cốc về đêm rất lạnh, Phượng Cửu quấn người trong tấm chăn bông mềm mại, thỉnh thoảng lại đờ đẫn nghĩ, Đông Hoa đúng là quá thù dai, cho dù chỉ vì chút tình nghĩa đều là thần tiên, lẽ nào không hề lo lắng cho sự an nguy của bậc tiểu bối này? Nhưng trở mình một cái, nghĩ lại cảm thấy chuyện này cũng khó nói, trước đây khi còn là tiểu hồ ly, nàng đã biết Đông Hoa xưa nay với người nào việc nào cũng thờ ơ, có lẽ trên đời này chỉ có Cơ Hoành là ngoại lệ.
Tuy bình thường nhiều lúc nàng tỏ ra điềm tĩnh, nhưng rốt cuộc vẫn chưa đến cảnh giới có thể nhìn thoáng được như vậy, ngay chuyện Đông Hoa chưa đến cứu mình nàng cũng tủi thân mấy ngày. Mấy hôm sau cuối cùng xốc lại tinh thần tính toán thực tế hơn, cảm thấy sự đã như thế, chỉ có thể đợi sáu mươi năm sau, Phạn Âm Cốc mở ra lần nữa. Thực ra tĩnh tâm nhìn ngắm chỗ này cũng không tồi, so với trước đây là nô tỳ quét dọn trong cung Thái Thần tốt hơn không biết bao nhiêu lần. Người nhà có lẽ sẽ tìm nàng, nhưng cũng không cần lo lắng, họ biết nàng sẽ không xảy ra chuyện gì lớn. Sau khi nghĩ thông những điều đó, tinh thần nàng khá lên nhiều.
Với tư cách là bạn bè chung hoạn nạn, Yến Trì Ngộ thấy nàng vui vẻ hơn nhiều so với mấy tháng trước cũng rất vui, dẫn nàng đi uống mấy bữa rượu, lại an ủi nàng, nói một vài đạo lý đại loại như con người ta cần phải thuận theo tự nhiên, bằng lòng với hiện tại mới có thể luôn vui vẻ, khiến trái tim nàng thực sự an định ở Phạn Âm Cốc này.
Thấm thoát nửa năm đã trôi qua.
Vào một ngày tuyết ngừng rơi, trời hửng nắng, Phượng Cửu đóng cuốn kinh thư đã chép mười lần vào, thận trọng thổi cho khô mực trên tờ giấy Tuyên rắc vàng rồi gấp gọn lại, thầm tính ngày mai sẽ cung kính dâng lên phu tử.
Nàng có được giác ngộ như vậy quả không dễ, vị phu tử đó chủ yếu giảng về cách chế tạo thần binh nhưng bản thân lại chỉ biết lơ mơ, chỉ vì bộ tộc Tỷ Dực Điểu nhiều năm không mấy chú trọng công việc này nên mới được vào dạy cho đủ số. Phượng Cửu khá am hiểu về việc chế tạo thần binh, mỗi lần vị phu tử kia giảng bài nàng thường đưa ra những câu hỏi rất liên quan làm khó ông ta, từ đó trở thành cái gai trong mắt ông thầy. Nàng cảm thấy số mình đã định đời không có duyên với các vị phu tử, bắt đầu từ khi phụ thân muốn làm cho nàng bớt nghịch ngợm, hiếu động, đưa nàng vào trường học, nhưng ngày đầu tiên đi học Phượng Cửu đã là cái gai trong mắt đủ các kiểu phu tử. Nàng nhìn việc đó rất thoáng, và hơn thế từ lâu đã đúc kết được những điều tâm đắc về việc làm thế nào để làm một cái gai trong mắt, cái dằm trong da đủ tiêu chuẩn, thực sự không cảm thấy làm sao, vốn cũng không mấy để ý đến vị phu tử có bộ râu dê kia.
Nhưng gần đây vị phu tử râu dê lại có quyền rất lớn.
Tông học của cốc Phạn Âm Cốc cứ mười năm mở một cuộc so tài giữa các môn sinh, người thắng cuộc có thể nhận được phần thưởng là quả cây tần bà bên suối Giải Ưu kết trái năm đó. Suối Giải Ưu là dòng suối thánh của Phạn Âm Cốc, bắt nguồn từ thâm cung, bên bờ suối có một cây tần bà, mười năm mới ra hoa kết quả, lại chỉ ra một quả duy nhất, tùy theo tình hình thu hoạch của năm đó mà kết ra loại quả có công dụng diệu kỳ khác nhau. Kể ra tần bà là loại cây thứ năm có công dụng diệu kỳ ở Cửu Trùng Thiên, sau vô ưu, diêm phù đề, bồ đề và long hoa. Trong kinh thư cổ còn có ghi lại một ví von rất thú vị: “Sắc môi Phật Đà đỏ thắm như quả tần bà”, nhưng mấy chục vạn năm trước, những cây tần bà ở Cửu Trùng Thiên không hiểu do nguồn cơn gì đều không ra quả, ngày nay trong trời đất này cũng chỉ có một cây duy nhất ở Phạn Âm Cốc là còn ra quả, vạn phần quý hiếm. Hơn nữa theo một số nguồn tin không chính thức, quả tần bà kết ra trong năm nay đối với người trần lại có công dụng kỳ diệu, có thể làm người chết sống lại, các bậc tiên tu ăn vào thì có thể điều hòa tiên trạch,khiến tu vi tăng lên rất nhiều, nếu tiên nữ dùng dung nhan sẽ càng thanh xuân diễm lệ, còn công dụng tốt hơn quả bàn đào trong vườn của Thiên hậu nương nương ở Cửu Trùng Thiên nhiều. Vì công hiệu của loại quả này, ngay đồng môn lười biếng nhất cũng đột nhiên trở nên cầu tiến chỉ trong một đêm, cuộc đua tài năm nay còn chưa mở đã nóng hừng hực.
Quyền lớn mà vị phu tử râu dê nắm chính là đây, do năm nay số học trò ghi danh dự thi thực sự rất đông, nếu cứ trực tiếp thi đấu trong đấu trường như các năm trước chắc chắn là không được, không có đấu trường nào đủ rộng có thể chứa hết người tham dự, tông học đem tình hình đó trình lên nữ vương, nữ vương hạ bút ngự phê, lệnh cho phu tử sàng lọc trước một lần. Vậy là dưới thánh ân, ai được dự thi ai không hoàn toàn quyết định bởi câu nói của vị phu tử râu dê kia. Độ oai phong của vị phu tử đó nhất thời không ai sánh bằng.

Phượng Cửu từng tìm cơ hội lẻn vào suối Giải Ưu nhìn cây tần bà, thấy quả quý trong truyền thuyết phát sáng lấp lánh trong tán, sắc đỏ tươi quả là giống như sắc môi của Phật Đà ở Tây Thiên Phạn Cảnh. Nàng đứng từ xa nhìn rất lâu, nếu quả tần bà bé nhỏ kia quả thực sự có thể hồi sinh người chết, có một cố nhân của nàng qua đời đã nhiều năm, nàng muốn cứu người đó.
Phu tử đã nắm quyền quyết định nàng có thể chiếm được quả tần bà hay không nên Phượng Cửu đương nhiên không thể đối đầu với ông ta. Ông ta phạt nàng chép kinh cho hả giận, nàng tuyệt đối không thể vứt xó như trước, cần chép thì phải chép, phải thuận theo ý ông ta, phải khiến ông ta nhìn thấy nàng là vui vẻ thoải mái, ngoài ra nàng còn suy nghĩ thấu đáo hơn, tự thấy trước kia mình đã hơi quá đắc tộc với vị phu tử này, bây giờ không chỉ cần thuận theo ông ta mà còn phải nịnh nọt lấy lòng ông ta.
Nhưng làm thế nào lấy lòng phu tử? Phượng Cửu cau mày lại giở tập giấy Tuyên vừa gấp gọn ra, phu tử vốn chỉ phạt nàng chép năm lần ‘Đại Nhật Kinh Sơ’, nàng chép luôn mười lần, như thế có phải đã thể hiện sự cung kính, lấy lòng phu tử không, nghĩ một hồi nàng lại cảm thấy hơi lo rằng: Kiểu lấy lòng này phải chăng hơi kín đáo quá? Có cần viết thêm câu “Tế Hàn Quân tiên sinh phúc vĩnh hưởng tiên thọ vô cương” vào cuối phần chép kinh không?
Không, ngộ nhỡ phu tử không có hứng xem hết, không đọc được câu đó, chẳng phải viết phí công sao? Xem ra vẫn nên đem câu nịnh bợ đáng khinh kia viết ngay phía trên đầu thì hơn. Nàng lại cầm bút lên, ngơ ngẩn nhìn tuyết chất ngoài cửa sổ, lại băn khoăn nghĩ ngợi một hồi, không biết tên của lão phu tử này là Tế Hàn hay Hàn Tế?
Đúng lúc đó, Yến Trì Ngộ đầy vẻ mệt mỏi, mình đầy gió tuyết đẩy cửa bước vào. Bởi trong cốc này hai người lấy danh nghĩa là vương tử và công chúa của bộ tộc Dạ Kiêu nên được coi là huynh muội, được bố trí cho ở chung một đình viện, tên đình viện cũng mang đậm phong cách của bộ tộc Tỷ Dực Điểu gọi là Tật Phong Viện[2], nằm ngay gần tông học. Do Yến Trì Ngộ hình như đã thực sự quên công chúa Cơ Hoành quay ra thích cô nương áo trắng chỉ nhìn một cái đã rung động tâm can ở đại điện lúc đầu, cho nên mỗi khi hết giờ học, thường đến chỗ cô nương kia làm thân, không có nhiều thời gian làm chướng mắt Phượng Cửu, hai người sống nửa năm yên bình, hòa thuận.
[2] Tật phong nghĩa là gió thổi rất mạnh.
Phượng Cửu thò đầu về phía Yến Trì Ngộ đang chỉnh lại xống áo: “Huynh có biết phu tử của chúng ta tên gì không?”
Tiểu Yến vô cùng ngạc nhiên: “Chẳng phải tên là phu tử sao?” Nói đoạn hào hứng ghé lại gần: “Lão phu tử đó còn có tên khác à?”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui