Sáng sớm hôm sau, Phượng Cửu xoa thái dương bước ra khỏi điện Khánh Vân, trong tay còn cầm chiếc áo chùng đàn ông màu tím, đầu óc ong ong, u u, mơ màng hỏi Cục bột nhỏ: “Cái gì đây?”.
Cục bột nhỏ đang ngồi dưới cây tử đằng trong sân ăn sáng cùng song thân, nghe vậy miệng ngậm cái thìa, ngắm nghía một hồi lâu, nắm đấm tay phải đấm mạnh vào tay trái, dường như đã nhận ra nói: “Đó là áo ngoài của Đông Hoa ca ca.”
Dạ Hoa Quân, phụ thân của Cục bột nhỏ tay đang cầm đũa chợt dừng lại, nhíu mày nói: “Lúc còn nhỏ, ta gọi Đông Hoa là thúc thúc.”
Cục bột nhỏ há hốc miệng, rồi ngậm lại, cúi đầu bấm đốt ngón tay nhẩm tính.
Phượng Cửu sững sờ đứng ngây, nhìn chằm chằm vào chiếc áo chùng tím trong tay, đoạn bước đến trước cửa ngẩng nhìn xem có ba chữ “Điện Khánh Vân” hay không, rồi quay lại nhìn Cục bột nhỏ, miệng lắp bắp: “Sao… sao lại thế này?”.
Bạch Thiển đang múc bát cháo thứ hai cho Cục bột nhỏ, nghe vậy liền trấn an: “Cũng không phải chuyện gì lớn, đêm qua con uống say, Đông Hoa có lòng tốt đưa con về điện Khánh Vân, nhưng con say quá, nắm chặt vạt áo chàng ta nhất định không buông, gọi mãi không tỉnh. Chẳng biết làm gì, chàng ta đành cởi áo ngoài để lại đấy”.
Phượng Cửu nghĩ một lúc, nói thẳng: “Chắc chàng cũng chỉ là tiện đường thôi, chẳng phải chuyện gì mờ ám, thế cũng tốt, không phương hại đến thanh danh của con, cũng chẳng phương hại đến thanh danh chàng”.
Bạch Thiển phân vân nhìn nàng: “Nhưng, con cũng biết Đông Hoa không thể ngủ lại điện Khánh Vân, áo ngoài thì đã cởi cho con, chàng ta cũng ngại, vả lại điện Khánh Vân không có xiêm y phù hợp với chàng ta, Cục bột nhỏ liền tới chỗ ta mượn xiêm y của Dạ Hoa”.
Phượng Cửu gật đầu nói: “Thế cũng phải”. Nói đoạn, bước đến định dùng bữa với mọi người.
Bạch Thiển ho một tiếng, nói tiếp: “Ta… ta ngủ hơi say, Cục bột nhỏ đứng ngoài sân, nói hơi to, e là cả cung Tẩy Ngô đều nghe thấy…”.
Phượng Cửu dừng bước, quay lại nhìn A Ly: “Đệ nói thế nào?”.
A Ly Cục bột nhỏ dẩu môi lẩm bẩm: “Chỉ nói thật thôi”.
Phượng Cửu thở phào.
A Ly diễn lại cảnh đêm qua: “Đông Hoa ca ca ôm Phượng Cửu tỷ tỷ về điện Khánh Vân, Phượng Cửu tỷ tỷ níu chặt huynh ấy nhất định không buông, Đông Hoa ca ca liền bế tỷ tỷ một lúc. À, còn cởi cả xiêm áo, nhưng huynh ấy không có đồ thay, cho nên con đến mượn của phụ thân. Mẫu thân, có phải phụ thân lại đến chỗ mẫu thân không…?”. Rồi phẩy tay nói với Phượng Cửu: “Đệ nói như thế đó”.
Phượng Cửu ngã nhào từ thềm điện xuống.
Hơn hai trăm năm qua, ngay từ khi Phượng Cửu thừa kế đế vị từ cô cô Bạch Thiển. Thượng thần Bạch Dịch ngày đêm nóng lòng muốn tính chuyện hôn sự cho con gái. Là phụ thân của nàng, ngài e Phượng Cửu tuổi còn nhỏ đã phải gánh vác trọng trách nữ vương, khó lòng trấn quản cả tứ hải bát hoang rộng lớn, luôn muốn tìm cho nàng đấng phu quân tài trí, có thể hỗ trợ nàng.
Thâm tâm ngài không có thiện cảm với Cửu Trùng Thiên, chỉ vì Phượng Cửu tuy là nữ nhi nhưng tài mạo vô địch Thanh Khâu, bất đắc dĩ, ngài mới phải lựa chọn rể hiền ở Thiên Cung. Nhân dịp tham dự đại hôn của Bạch Thiển, ngài lệnh cho Phượng Cửu đi theo, còn phải lưu lại Thiên Cung một tháng, bề ngoài thì thể hiện sự quan tâm của nhà gái, nhưng bên trong ngầm ý để Bạch Thiển quan tâm đến sao Hồng Loan của cô cháu gái. Ngài nghĩ, như thế cũng là dịp để Phượng Cửu gặp gỡ những trang nam tử tuấn tú tài hoa, mở rộng đường nhân duyên của nàng.
Phượng Cửu ở Thiên Cung một tháng, sao Hồng Loan vẫn mờ mịt, nhưng bản tính con trẻ lại tăng gấp bội. Tính ra chỉ còn ba ngày nữa là phải về Thanh Khâu, cảm thấy không nên uổng phí thời gian, nàng liền dành mấy ngày cuối đi dạo khắp Cửu Trùng Thiên, đem theo A Ly Cục bột nhỏ đến thẳng Hỷ Thiện Thiên là nơi phong cảnh đẹp nhất Cửu Trùng Thiên.
Bên cạnh khóm hoa câu tô ma phía sau Thiên môn, một đám tiểu tiên đang tụ tập cá cược gì đó, từ sau dạ tiệc ở vườn thượng uyển bị A Ly hét toáng như vậy, mấy ngày nay Phượng Cửu luôn để ý tránh thị phi, không dám đến những chỗ đông người, nhưng lại không kìm được hiếu kỳ, liền bảo A Ly lại gần ngó xem, còn mình trốn phía sau cây trầm hương đại thụ, phe phẩy chiếc khăn tơ, nằm hóng mát.
Cây trầm hương đại thụ mà nàng nằm hóng mát dưới gốc chính là cây lớn nhất, là đại vương thụ của rừng trầm hương, đã có tuổi thọ vạn vạn năm, cao to sum suê tốt rợp trời.
Thật không may, đó là chỗ nghỉ ngơi hàng ngày của Đông Hoa Đế Quân.
Thật không may, hôm nay Đông Hoa lại ngồi trong bóng râm khuất sau thân cây nghiên cứu kinh Phật.
Thật không may, một cơn gió mang hương trầm ngào ngạt thổi qua, khiến Phượng Cửu hắt hơi một cái, làm kinh động Đông Hoa đang chú mục lần giở kinh Phật, chàng hơi dịch cuốn kinh thư sang bên, ngước nhìn, ánh mắt dừng lại trên người nàng. Phượng Cửu tinh thần vốn vững vàng, chẳng hề giật mình chút nào, vẫn ung dung nằm chờ A Ly quay lại.
Lát sau, A Ly từ chỗ đám cá cược lao đến như cơn lốc, chắp tay vào cái eo béo tròn, thở dốc hai hơi, lắp bắp nói: “Họ đang đặt cược từ xa, họ cược… Đông Hoa ca ca… à, thúc thúc, à gia gia[1]…”, A Ly lúng túng liên tục sửa lại cách xưng hô: “… Họ đang cược sau này Đông Hoa sẽ lập tỷ hay công chúa Tri Hạc làm đế hậu!”.
[1] Gia Gia: Ông.
Phượng Cửu một tay bám vào cây trầm hương phía sau, tay kia lau lau mồ hôi lạnh đang túa ra trên trán, trấn tĩnh nói: “Đệ còn nhỏ biết thế nào là cược từ xa?”.
A Ly mặt ỉu xìu phụng phịu: “Đệ không biết, nhưng đệ rất hiếu học, liền hỏi một vị tiểu tiên ca ca cùng đứng xem bên ngoài. Cuối cùng tiểu tiên đó cũng không nói rõ được gì, chỉ cho biết đã có hai mươi lăm quan đặt cược vào công chúa Tri Hạc, chỉ có ba quan đặt vào tỷ, tiểu ca ca đó còn nói, ca ca khinh suất đặt nhầm cửa”. Rồi rầu rĩ nói tiếp: “Đệ chưa hiểu thế nào, nhưng không nỡ để tỷ đợi lâu, mới lặng lẽ chuồn đi. Trước lúc chuồn, còn thấy tiểu ca ca đó thảo luận với ca ca khác xem có thể đem ba quan cược cho tỷ chuyển sang cược cho công chúa Tri Hạc không”.
Phượng Cửu trầm ngâm hồi lâu, lôi trong tay áo ra một cái túi màu vàng, đổ ra là một đống hồng bảo thạch lấp lánh lóa mắt, lại tháo trên cổ sợi dây trang sức bằng đá lục lam chạm khắc rất đẹp, sau đó tháo nốt miếng ngọc bội màu lam chạm trổ hình phượng đeo ở thắt lưng, gom hết lại đưa hết cho A Ly, trịnh trọng nói: “Đệ đem hết đi mua cho tỷ hai trăm ván”. Ngừng một lát lại nói: “Tất cả đều đặt vào tỷ”.
A Ly nhận túi châu báu ngắm nghía một hồi, kinh ngạc, hỏi: “Đệ còn nhỏ thế này, tỷ đã dạy đệ ăn gian sao?”.
Phượng Cửu liếc Cục bột nhỏ, hạ giọng nói nhỏ: “Phàm là thần dân Thanh Khâu hành sự đều đứng đầu, tỷ tỷ của đệ không chịu đứng dưới người khác, đó là khí độ quân vương, không tin, đệ nghĩ lại xem”.
A Ly chẳng buồn nghĩ nói ngay: “Đệ nghe tiểu cữu cữu nói thành tích học của tỷ chưa bao giờ đứng đầu, toàn đứng dưới người ta, còn có mấy môn học đứng cuối cơ!”.
Phượng Cửu ho một trận: “Là đấng trượng phu có thứ cần làm, có thứ không, sự học của đệ chẳng phải cũng thế”.
A Ly làu bàu: “Nói bừa, đệ trước giờ chưa bao giờ đứng cuối”.
Phượng Cửu rùng mình, dường như nhớ lại ký ức đáng sợ: “Đó là vì đệ chưa học tới Phật lý, đệ không biết, nó khó thế nào đâu”.
A Ly rùng mình lo lắng: “Khó vậy sao?” Lại hình như không tin: “Nhưng đệ thấy Đông Hoa ca ca… À, thúc thúc, à, gia gia, thường cầm một quyển kinh Phật, vừa câu cá vừa xem chơi!”.
Phượng Cửu im lặng một lúc, thật lòng khen: “… Quá kỳ dị…”. Vừa nói xong, một làn gió thổi tới, mang theo mùi trầm hương ngào ngạt, khiến nàng khổ sở hắt hơi liền mấy cái, không chịu nổi, bịt mũi chạy hai ba bước, mới nhớ ra, ngoái đầu dặn A Ly, “Mùi hương này tỷ chịu không nổi, tỷ đến rừng hoa phía trước chờ đệ”.
Trên cây trầm hương, Liên Tống nhàn rỗi, liền mang thanh kiếm Thương Hà đã mài xong đưa đến cho Đông Hoa, đúng lúc nghe được lời nhận xét thật lòng kia của Phượng Cửu. Đợi hai người đi xa mới phe phẩy chiếc quạt ngắm Đông Hoa một hồi: “Hiền huynh đã làm gì để được nàng khen như vậy?”.
Đông Hoa gấp cuốn kinh Phật, thản nhiên nói: “Khen ư? Thành Ngọc cũng khen đệ như vậy sao?”
Liên Tống vuốt mũi: “A! Nàng luôn luôn khen đệ là kẻ vô lại”.
Hôm nay vừa ra khỏi cửa, Phượng Cửu đã cảm thấy xui xẻo.
Cửu Trùng Thiên lẽ ra phải là nơi may mắn, nhưng lúc ra đến cửa điện Khánh Vân nàng đã nhìn thấy hai con quạ liệng một vòng trên đầu, lại còn “bộp bộp” thải xuống hai bãi phân. Tất nhiên, chuyện nhỏ đó không đủ làm vơi nhiệt tình vui chơi của nàng. Ngay sau đó, đi đến cửa Tam Thập Tam Thiên lại gặp đám tiểu thần tiên đưa mình ra đánh cược với Tri Hạc, hơn nữa mình còn thua không ít. Tất nhiên, ngay cả chuyện đó cũng không đủ làm giảm hứng thú vui chơi của nàng. Nhưng liền sau đó, khi Phượng Cửu tìm được một chỗ thanh tĩnh để nghỉ chân, thì mùi trầm hương nồng nặc xông tới, mũi nàng xưa nay vốn rất mẫn cảm với mùi trầm hương, bây giờ ngứa ran, hắt xì liên tiếp.
Hàng loạt xui xẻo đó chứng tỏ hôm nay không thích hợp xuất hành, nhưng cảnh xuân phơi phới như thế, nếu quay về phủ e quá uổng phí. Sau một hồi chạy thục mạng, nàng lại rẽ vào một rừng hoa nhỏ an toàn, tĩnh mịch, lại nghĩ mặc dù xui xẻo, nhưng dù gì cũng đã để A Ly vãn hồi vận xui của mình trong vụ cá cược kia, nghĩ vậy tinh thần lại phấn chấn, chuẩn bị du xuân. Bỗng từ bụi cây bên ngoài một giọng nói ung dung vẳng đến.
Tiếng nói lẫn trong tiếng gió thoảng qua, truyền thẳng vào tai nàng. Phượng Cửu vừa thầm niệm “A di đà Phật” vừa nghĩ, xem chừng vận đen của mình hôm nay sẽ kéo dài vô tận.
Gần đây nàng đã định ình một nguyên tắc, mấy ngày còn lại ở Cửu Trùng Thiên, đề phòng bất trắc, cần hết sức tránh Đông Hoa, nàng đã nghiêm túc tuân thủ nguyên tắc đã định, luôn thận trọng, ai ngờ ở khu rừng khuất nẻo, bé tý này lại chạm trán chàng ta, không hiểu là duyên phận gì! Nàng nghiêm mặt dặn A Ly: “Nếu lát nữa Đế Quân đi qua hỏi, đệ cứ nói chỉ có mình đệ đến đây bắt bướm”. Vừa dứt lời liền biến thành chiếc khăn lụa trắng muốt, yên lặng nằm trên mặt chiếc bàn chạm bằng bạch ngọc Nam Dương.
Từ sau bụi cây bà la có hai người bước ra, là Đông Hoa và Liên Tống.
Phượng Cửu mặc dù đã biến thành chiếc khăn, nhưng vẫn nghe được, nghe tiếng bước chân đang tiến đến, hai người đang thong dong chuyện phiếm.
Liên Tống nói đùa: “Nghe nói mấy hôm trước huynh đã chấp nhận chiến thư của Yến Trì Ngộ, ngày mai định đến núi Phù Vũ tham chiến, Trọng Lâm còn mang kiếm Thương Hà đến nhờ đệ mài, sao đệ không nhận thấy huynh có vẻ sắp tham chiến?”.
Đông Hoa lơ đãng nói: “Thần kinh ta rất vững”.
Liên Tống không thăm dò được tin gì hay, vuốt mũi cười khan, rồi chuyển sang chuyện khác: “Nói xem, năm xưa khi đúc thanh kiếm Thương Hà hiền huynh nghĩ gì? Chỉ một mảnh bằng bàn tay mà có thể khắc hơn một vạn rãnh, còn đục hơn năm ngàn lỗ nhỏ đều nhau trên đó. Khiến đệ mất bao nhiêu công sức mài giũa, không phải huynh có trò gì bí mật chứ?”
Đông Hoa nhớ lại: “Chẳng có gì bí mật hết. Chỉ nhàn rỗi nghịch chơi”.
Liên Tống yên lặng một lát, lại cười tiếp: “Bộ dạng quái quỷ này của huynh mà lại được cả tứ hải bát hoang ca tụng suốt mấy vạn năm, những là huynh thanh tịnh vô vị, chính trực, khí khái, vậy mà không bị ai vạch trần. Trọng Lâm thật đáng khâm phục”. Ngừng một chút lại tiếp: “Đệ đặc biệt nghi ngờ rốt cuộc không hiểu sao Trọng Lâm có thể làm được như thế”.
Đông Hoa trầm ngâm nói: “Ngươi nói vậy…”.
Liên Tống ngạc nhiên: “Thế nào?”.
Đông Hoa tiếp tục: “Ta cũng thấy Trọng Lâm quả đáng khâm phục”.
Liên Tống: “…”.
Ngọc thể của Phượng Cửu nằm thẳng đơ trên bàn, nghe tiếng bước chân của hai người đã tới sát bên tai, trong lòng thực ra hơi phấp phỏng, ma xui quỷ khiến thế nào nàng lại biến thành chiếc khăn, kể cả định trốn bọn họ, biến thành chiếc khăn cũng không phải thượng sách, huống hồ lại là chiếc khăn trắng như tuyết, để trên chiếc bàn trắng như tuyết, nhất định bất thường, chẳng phải chỉ cần liếc mắt cũng bị phát hiện?
A Ly đứng một bên hành hai lễ chào hai vị tôn thần, ngoan ngoãn gọi Đế Quân là gia gia, rồi lại nói chữa thành tam gia gia. Liên Tống đã lâu chưa gặp tiểu bối này, vui vẻ xoa đầu A Ly, nhân tiện hỏi han vài câu về sự học của nó. Cục bột nhỏ nghiêm trang trả lời từng câu xong xuôi, ngẩng đầu ngẩn ra, nhìn chiếc khăn vốn là Phượng Cửu biến thành đang bị Đông Hoa cầm trong tay lật qua lật lại ngắm nghía.
Liên Tống quay lại hỏi: “Gì vậy…”.
Đông Hoa mặt thản nhiên như không trả lời: “Ta đánh mất chiếc khăn, tìm suốt mấy ngày nay”.
A Ly tròn mắt hốt hoảng, muốn phản bác, nhưng lại nhớ lời dặn của Phượng Cửu, miệng vừa há liền ngậm lại. Nhìn Đông Hoa thong dong gấp Phượng Cửu tỷ tỷ, cậu nhăn nhó, ngập ngừng, có vẻ thương xót nói: “Người… người nhẹ tay một chút, Phượng… Chiếc khăn có thể sẽ bị đau…”
Liên Tống nghi hoặc chỉ cán quạt vào tay Đông Hoa: “Những vật này, rõ ràng là vật dụng của các nữ tiên, sao lại…?”.
Đông Hoa mặt thản nhiên, gấp chiếc khăn bỏ vào ống tay áo: “Nghe đồn ta là người kỳ dị, người kỳ dị dùng khăn của tiên nữ, thì có gì kỳ quặc?”.
Chiếc khăn trong tay áo bỗng rung rung, Liên Tống thấy lạ, liền đi đến nhìn kỹ vào ống tay áo Đông Hoa, trở lại chỗ ngồi, cười ha ha nói: “Không kỳ quặc, ha ha, quả thật chẳng có gì kỳ quặc”.
Phượng Cửu bị gấp để trong tay áo Đông Hoa, suốt đường cảm thấy ngột ngạt khó thở.
Nếu thời gian quay lại, nàng nghĩ nhất định nàng phải cân nhắc thật kỹ, ít nhất cũng biến thành cái cây, cho dù Đông Hoa tu luyện phi phàm, liếc mắt cũng nhận ra, nàng cũng không tin chàng có thể đem nhổ nàng đem về.
Nhưng giờ sự thể đã vậy, muốn thoát thân cũng khó, trừ khi nàng bỏ qua thể diện của Thanh Khâu, biến trở lại thành nữ vương Thanh Khâu trước mặt chàng. Nhưng chắc chắn chàng đã nhận ra nàng là ai, ắt đang chờ đùa giỡn nàng một phen. Nếu nàng chỉ là người bình thường, mất thể diện một chút cũng chẳng sao, đằng nào nàng cũng đã quen với những chuyện như thế. Nhưng hiện nàng đường đường là nữ vương Thanh Khâu, làm gì cũng phải nghĩ đến thể diện của Thanh Khâu, nếu chuyện này truyền ra bị phụ thân biết, nhất định không thể tránh một trận đòn. Nàng âm thầm hối hận, lại lặng lẽ suy nghĩ một hồi, quyết định tiếp tục ẩn mình không hiện nguyên hình, có chết cũng không nhận mình là Phượng Cửu nữ vương Thanh Khâu, chỉ hóa thành chiếc khăn giản dị, hy vọng không làm Đông Hoa hứng thú, cuối cùng sẽ quẳng đi.
Mọi việc suy nghĩ ổn thỏa, nàng mới cảm thấy nhẹ nhõm, vừa rồi để không bị phát hiện, nàng đã đóng tứ giác[2], vì lúc này do hơi khó xác định phương hướng, liền xuất một ít công lực, mở thiên nhãn để nhìn cho rõ.
[2] Tứ giác: thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác.
Mắt chớp chớp, nhìn rõ ràng đã đến cung của Đông Hoa, hình như đây là hậu viện, chỉ thấy bồ đề vãng sinh, xanh tốt mọc tràn lan khắp bức tường, giống như bức bình phong xanh thẫm. Dây leo mơn mởn rung rinh, bên cạnh cửa vòm hiện ra một bóng áo ngân bạc như ánh trăng, chính là Chiết Nhan, vị thượng thần xưa nay luôn ẩn dật trong rừng đào mười dặm không màng hồng trần, đi sau là Cục bột nhỏ A Ly nhảy nhót như một cơn lốc nhỏ.
Phượng Cửu sửng sốt, ngẫm nghĩ một lát, đột nhiên cảm phục sự nhanh trí của Cục bột nhỏ, cảm thấy tiểu tử đó thật thông minh đi cầu cứu Chiết Nhan, vị thượng thần có phẩm vị cao nhất lại hay bảo vệ kẻ yếu, mà không đi tìm Bạch Thiển luôn thích trêu chọc nàng, vừa rồi đã coi thường tình tỷ đệ của hắn, lúc này bỗng thấy bội phần yêu quý biểu đệ nhỏ tuổi đó.
Chiết Nhan hàn huyên một lúc, tán thường vài câu về khu vườn của Đông Hoa đang trầm trồ khen chiếc lư hương chạm hình linh thú cát tường chế tác công phu bên cạnh chàng, liền bị Cục bột nhỏ đá chân, kéo áo, mới vòng vo, từ từ chuyển sang mục đích chính, nói với Đông Hoa: “Không giấu hiền huynh, hôm nay đến quấy rầy phủ đệ của hiền huynh, kỳ thực, là có chút việc nhỏ”.
Nói đoạn, đẩy A Ly đứng sau lưng ra phía trước, lại tiếp: “Tiểu tử này nhân lúc ngu đệ nghỉ trưa, lấy trộm cái khăn thêu ngu đệ mang đến định tặng mẫu thân nó, vừa rồi ủ rũ chạy về, hỏi ra mới biết đã làm mất cái khăn, nói là hiền huynh nhặt được”.
Dừng một lát, lại than thở: “Nếu là chiếc khăn tầm thường cũng chẳng sao, nhưng lại là chiếc khăn bà ngoại hiện đã vân du của tiểu tử này có lòng thêu tặng mẫu thân nó, nhờ ngu đệ nhân chuyến lên Thiên giới lần này mang đi giúp, có ý nghĩa đặc biệt, thế nên ngu đệ mới đến đây, quấy rầy hiền huynh, xin lại chiếc khăn”.
Phượng Cửu vốn đang lo Chiết Nhan không phải đối thủ của Đông Hoa, nếu vừa mở miệng đã khách khí hỏi: “Chẳng hay hôm nay hiền huynh có nhìn thấy chiếc khăn thêu?”. Nàng dám mười phần chắc chín, Đông Hoa sẽ mặt tỉnh khô trả lời: “Ta không nhìn thấy”. Nhưng vừa rồi cách nói của Chiết Nhan rõ ràng chặn đứng đường lùi của Đông Hoa, muốn phủ định cũng khó. Phượng Cửu bội phần khâm phục, Chiết Nhan quả không thẹn là củ gừng già, càng già càng cay.
Nằm trong tay áo của Đông Hoa, nàng vừa háo hức nghe chuyện, vừa đợi Đông Hoa bất lực, đành phải lấy nàng ra, hai tay dâng nàng cho Chiết Nhan. Nhưng hiển nhiên nàng đã đánh giá thấp khả năng lì lợm của Đông Hoa, mấy ngón tay thon thả của chàng vừa lướt qua nàng, chớp mắt đã biến ra một chiếc khăn thêu giống hệt, cũng được gấp ngay ngắn, đưa cho Chiết Nhan, thản nhiên: “Vừa rồi ở khu rừng Hỷ Thiện nhặt được cái này, không biết có phải của thượng thần không”. Nói đoạn mở nắp lư, bỏ thêm hương vào, lại nói tiếp: “Nếu không phải, có thể đến cung Nguyên Cực tìm Liên Tống Nguyên Quân hỏi, có thể là ông ta nhặt được”.
Chiết Nhan ngắm nghía chiếc khăn, không tiện nói là đúng, cũng không tiện nói không, đâu ngờ mình tu tiên mấy chục vạn năm, hôm nay xuất chiến lại thảm hại. Đúng lúc A Ly hắt hơi một cái, nước mũi ròng ròng, bèn cầm chiếc khăn tay nghe nói là cực kỳ ý nghĩa lau mũi cho nó, cười gượng nói: “Chỉ là một chiếc khăn, còn sợ hiền huynh lừa chiếm mất ư, hiền huynh ắt không làm việc thiếu đức đó, chiếc khăn này hẳn là thật rồi”.
Lại nhân tiện nói nịnh vài câu, rồi dẫn A Ly cáo từ.
Phượng Cửu buồn rầu nhìn theo bóng hai người đang rời đi, bởi vì vốn tai thính mắt tinh, thỉnh thoảng thậm chí có thể nhìn được cả ngàn dặm, tai theo kịp tiếng gió, láng máng nghe thấy giọng Cục bột nhỏ tức tối: “Sao thượng thần lại thất bại, không cứu được Phượng Cửu tỷ tỷ, thượng thần chưa dốc hết sức, từ nay trở đi ta không chơi với thượng thần nữa”.
Chiết Nhan ậm ừ, nói: “Đâu phải Đế Quân cướp mất tỷ tỷ của người, cớ chi ta phải dốc toàn lực trở mặt với ông ta? Có điều, năm trước xem mệnh cho Phượng Cửu, trong mệnh nhìn thấy phúc tướng, mà lại do chính điện hạ tạo ra, không chừng chuyển sang thân mệnh khác cũng nên”. Lại lẩm bẩm thêm một câu, “Nhưng, mấy vạn năm rồi ta chưa xem số mệnh, không biết lần này xem có chuẩn không”. Ngừng một chút, bỗng ngạc nhiên hỏi: “Ấy, Tiểu A Ly, ta xem mệnh, gần đây có phải tiểu tử ngươi đang rơi vào lưới tình?”.
A Ly tư lự một hồi, băn khoăn hỏi: “Lưới tình là gì?”.
Phượng Cửu âm thầm cắn đầu ngón tay, xem ra, tin mấy lời phán mệnh quái quỷ của Chiết Nhan thà tin vào mình còn hơn. Lòng bất giác thở than, dù là người hay là tiên, lúc gặp nạn quả nhiên chỉ có thể dựa vào bản thân mà thôi.
Trong sân, hương bạch đàn ngào ngạt, Đông Hoa dùng que cời vụn tro trắng phau dập bớt lửa trong lư, đột ngột nói: “Còn định giả bộ đến bao giờ?”.
Phượng Cửu giật mình, quả nhiên chàng đã nhận ra, may vừa rồi nàng đã nghĩ được đối sách tuyệt diệu, lúc này mới có thể bình tĩnh đối phó.
Vì thế, nàng vô cùng bình tĩnh không trả lời.
Đông Hoa thong thả gác que cời sang bên, lôi chiếc khăn trong tay áo, giở ra soi trước ánh nắng, lúc sau, chậm rãi nói: “Hóa ra, biến thành khăn là hứng thú của nàng?”. Phượng Cửu cảm thấy kiểu suy luận đó thật kỳ quặc, nực cười, nhưng vẫn không lên tiếng.
Đông Hoa mỉm cười kín đáo, mặc dù chỉ lóe lên trong khóe mắt, nhưng Phượng Cửu nhìn thấy cũng sởn gai ốc, quả nhiên chàng ta nói: “Vậy thì tốt, ta đang thiếu chiếc khăn lau kiếm, từ nay làm phiền nàng rồi”.
Lau kiếm? Chính là thanh kiếm Thương Hà, một trong thượng cổ thập đại thần binh, uy danh chấn động tứ hải bát hoang, chém sắt chém đá mà như chém vào đất ư? Phượng Cửu cảm thấy răng mình đang va vào nhau, lúc này do quá kinh sợ đã nhất thời quên mất nên đối đáp thế nào, liền ngay đó đã bị Đông Hoa thu về gấp bỏ vào tay áo.
Phượng Cửu vốn định tính kế lâu dài, cho rằng bị nhốt ở chỗ Đông Hoa dưới hình hài chiếc khăn, thì chỉ cần thi gan nhẫn nại, rồi chàng cũng chán mà thả mình ra, đây là cách mềm dẻo, ổn thỏa nhất, không làm nàng mất thể diện. Đâu ngờ Đông Hoa sẽ dùng nàng làm khăn lau kiếm, nàng biết chàng đã nói là làm. Thật ra tứ hải bát hoang mấy năm gần đây rất thanh bình, hầu như không có chiến tranh, dù chàng có ý định đó cũng coi như không có cơ hội, trước khi ngủ chợt nhớ ra Đông Hoa đã tiếp nhận chiến thư của Yến Trì Hội, ngày mai e là chàng ta sẽ mang kiếm Thương Hà đi làm một cuộc đại tàn sát, bỗng rùng mình, bay vút lên, lơ lửng trên chiếc giường gỗ hoa lê. Suy nghĩ hết nửa tuần nhang, nàng quyết chí đêm nay phải tìm cách trốn đi.
Để tránh kinh động Đông Hoa, Phượng Cửu từ đầu đến cuối thận trọng không hiện nguyên hình. Muốn vén rèm trướng chui ra, nếu là người thì quá dễ dàng, nhưng vì là chiếc khăn quá mềm, không thể vén được bức rèm dài chấm đất. Cúi đầu nhìn thấy mái tóc trắng của Đông Hoa xõa trên gối ngọc, một chiếc chăn mây mỏng đắp ngang người, khuôn mặt đó, bất kể bao nhiêu năm vẫn đẹp như vậy, quan trọng là, có vẻ đang ngủ rất say. Trong hình hài chiếc khăn lụa, ngoài việc khai thông ngũ quan, nàng không thể vận ra pháp thuật nào để giúp mình trốn thoát. Cũng không hẳn không có cách, ví dụ có thể hiện nguyên hình, đồng thời làm phép khiến Đông Hoa ngủ lịm, nhưng nếu bị chàng phát hiện thì cũng khá rắc rối, nếu thất bại hậu quả không biết thế nào.
Phượng Cửu suy nghĩ một hồi, đêm thâu tĩnh mịch không một tiếng động, gan cũng trở nên to hơn, sau khi nghĩ thông, nàng cảm thấy không bị mất thể diện vẫn tốt hơn, nhưng mất thì cũng mất rồi, chuyện này nếu truyền ra ngoài, bất quá cũng chỉ phải chịu một trận đòn của phụ thân thôi, mà nàng đâu phải chưa từng bị đòn, thỉnh thoảng bị một trận cũng coi như ôn lại thời thơ bé mà thôi. Nghĩ đến đây, trong lòng bỗng dưng phấn chấn, vừa xoay người đã hóa thành một thiếu nữ xiêm y trắng muốt, ngón tay bắt quyết điểm nhẹ lên trán Đông Hoa. Chàng vẫn không có phản ứng gì. Nàng sững sờ nhìn tay mình, không ngờ thành công như thế, thảo nào nhân gian có câu, gan to chết no, gan nhỏ chết đói, nguyên do là vậy.
Tháng năm, về đêm vẫn còn hơi lạnh, mà cung Thái Thần xưa nay đầy hàn khí. Phượng Cửu vén rèm trướng, quay lại nhìn lần nữa Đông Hoa đang ngủ say, còn làm một việc tốt, cầm tay chàng để vào trong tấm chăn mây, nghĩ thế nào lại kéo chăn từ ngang eo lên tận cổ, chèn chặn cẩn thận. Xong xuôi, đứng dậy, không ngờ mái tóc đen dài của mình lại quấn chặt vào mái tóc trắng của chàng, kéo thế nào cũng không ra, không biết pháp thật đó kéo dài trong bao lâu, dứt khoát biến ra chiếc kéo, cắt phăng lọn tóc ấy, không kịp sửa lại cho bằng, đứng dậy thò đầu ra khỏi rèm. Ai ngờ do biến thành chiếc khăn quá lâu, cơ thể nhất thời mất thăng bằng, loạng choạng ngã vào bức bình phong trước giường, một tiếng “rầm” vang lên, Đông Hoa vẫn không tỉnh giấc. Phượng Cửu mừng thầm, lấy làm đắc ý vì phép thuật của mình có phần tiến bộ, lại lảo đảo đi ra cửa phòng.
Tới ngưỡng cửa, sực nhớ ra một chuyện, lại trịnh trọng lùi hai bước, hướng vào chiếc giường buông rèm liên tiếp làm mấy pháp thuật hôn mê, đến khi nhìn thấy xuất hiện khí trạch màu tím chứng tỏ người đang ngủ say, lan tràn khắp bức rèm màu xanh ngọc, ngay cả chậu cỏ cát tường đặt ở chân giường cũng hơi heo héo như buồn ngủ, mới yên tâm thu tay về, đóng cửa phòng, đi theo hành lang, rẽ vào một khu vườn nhỏ, nơi hàng ngày Đông Hoa thường ngồi chơi.
Đứng trong vườn, Phượng Cửu phất tay áo, lập tức biến ra một viên dạ minh châu to như quả cam, nhờ ánh sáng của nó, vội vàng tìm cây hàn thạch thảo năm xưa nàng trồng trong khu vườn này.
Nếu tối nay không vì những lầm lẫn nào đó mà vào cung Thái Thần, thì nàng suýt đã quên cây hàn thạch thảo quý giá ấy, thân rễ của nó chính là loại kỳ dược có thể giúp người ta quên đau khổ, hoa lại là một loại gia vị cao cấp. Năm đó Ti Mệnh đi Tây Phương nghe Phật Tổ thuyết pháp, lúc về có nhã ý mang tặng nàng, còn nói, đó là hạt giống cuối cùng trong tứ hải bát hoang mà ông ta tìm được ở Linh Sơn. Đáng tiếc khi đó nàng đã là một tiểu hồ ly ở bên cạnh Đông Hoa, với hình hài tiểu hồ ly chẳng có chỗ nào có thể cất giấu hạt giống, đành đem gieo nó trong vườn của Đông Hoa. Nhưng còn chưa đợi được đến khi cây hàn thạch thảo đơm hoa kết trái, nàng đã tự cắt đứt nhân duyên với Đông Hoa rồi rời khỏi Cửu Trùng Thiên. Bây giờ nghĩ lại hôm ấy nàng xiết bao đau đớn nên đã quên đem bảo bối này về, lòng bỗng lại xót xa, vậy là “mất bò mới lo làm chuồng” chạy đến lấy về.
Tìm một lúc lâu, cuối cùng nhìn thấy nó ở phía trong cùng một bồn hoa nhỏ, mọc khiêm nhường bên cạnh khóm sen tịnh đế, nàng thận trọng đào bới tránh làm tổn thương bộ rễ của nó, xong xuôi gói cẩn thận giấu trong tay áo, mọi việc đã hoàn thành mới ngẩng lên nhìn khu vườn trước mặt. Năm xưa khi nàng là tỳ nữ, bị công chúa Tri Hạc hành hạ, không có mảy may cơ hội được vào khu vườn này của Đông Hoa, tuy về sau biến thành tiểu hồ ly, ở bên Đông Hoa có thể ngày ngày vào đây tung tăng nhảy nhót, nhưng rốt cuộc thế giới trong mắt hồ ly cũng có khác so với thế giới trong mắt con người, thế giới hồi đó cũng khác bây giờ.
Phượng Cửu nheo mắt ngắm mãi khu vườn. Khu vườn tuy nhỏ nhưng hết sức độc đáo, phía trước có một thác nước cao cả trượng ngăn cách với khu vườn khác, hai mặt kia là bức tường gạch mọc đầy bồ đề vãng sinh, ban ngày nhìn không có gì khác so với các loại hoa lạ, nhưng ban đêm chúng lại lóng lánh phát sáng, bóng hoa trông giống những chiếc đèn lồng nhỏ, đẹp tuyệt vời, chả trách nó mang một cái tên rất mực tao nhã là Minh Nguyệt Dạ Hoa. Ở giữa khu vườn là một cây lá đỏ sừng sững vươn lên trời, bên cạnh là hồ sen nhỏ, phía trên hồ sen là ngôi lầu lục giác làm bằng gỗ bạch đàn. Nàng thở dài, đã nhiều năm trôi qua, nơi này vẫn không có gì thay đổi, lại là nơi có quá nhiều kỷ niệm.
Phượng Cửu không phải là thiếu nữ đa sầu, mặc dù những lúc tương tư Đông Hoa, thỉnh thoảng cũng uống chút rượu giải sầu, nhưng từ khi cắt đứt tơ tình chưa hề động đến một giọt rượu, ngay cả những hồi ức về Đông Hoa cũng phai lạt nhiều. Nhưng hôm nay bước vào nơi từng ghi đậm dấu ấn, trên trời lại điểm vài ngôi sao cô đơn, không khỏi gợi lên những hoài niệm xưa. Phượng Cửu thoáng sững sờ khi nhìn thấy bộ bàn ghế pha lê trong đình lục giác, thảng thốt nhận ra mình rất cố gắng mới nhớ được một đoạn kinh Phật, nhưng những ký ức thuộc về mấy trăm năm trước lại còn nhớ rõ đến vậy, quả thực tựa như chúng đang hiện ra trước mắt.
Kỳ thực, lúc Phượng Cửu ra khỏi Thập ác liên hoa cảnh, ở bên Đông Hoa suốt mười hai canh giờ khi khu vườn này vẫn chưa có đình lục giác.
Lúc đó đang là những ngày hè nóng nhất, bộ lông hồ ly trên người làm nàng nóng phát điên, thường ngồi hóng mát một mình trong chiếc thuyền nhỏ trên hồ sen, đầu đội hai chiếc lá sen to. Đông Hoa thấy bộ dạng khổ sở của nàng, mấy ngày sau chặt hai cây bạch đàn, tự tay dựng ngôi đình trên hồ sen, nền lát lớp pha lê mát lạnh để nàng hóng mát. Lúc nàng nằm lăn trên đó cảm giác vô cùng dễ chịu, lòng thầm thán phục tài của Đông Hoa. Về sau lại phát hiện tài năng của Đông Hoa không chỉ có thế, mà hương đốt cung Thái Thần sử dụng cũng do chàng tự tay làm, trà uống cũng tự trồng, ngay cả cốc chén uống rượu bằng gốm cũng do chàng làm, rồi rất nhiều bình phong trong cung cũng là do chàng vẽ. Phượng Cửu thầm suy tính, một mặt cảm thấy tự hào vì mình quả là có con mắt tinh tường; một mặt cũng thấy nếu có thể lấy chàng, trong nhà sẽ tiết kiệm không ít chi phí, càng suy tính, lại càng phấn khởi, lại càng thích Đông Hoa.
Cái sự thích của nàng thực dai dẳng và mù quáng, cảm thấy Đông Hoa cái gì cũng tốt, mỗi khi chàng làm xong món đồ nào, nàng luôn là người đầu tiên chạy tới ngắm nghía khen ngợi, dần dần, khiến Đông Hoa hình thành thói quen, làm được thứ gì, trước tiên đều đi tìm tiểu hồ ly đề nghị bình phẩm. Bởi vì chàng có rất nhiều thời gian, nên làm thứ gì cũng rất hoàn hảo. Thỉnh thoảng Phượng Cửu trộm nghĩ, bao nhiêu năm như vậy, có lẽ Đông Hoa luôn rất cô đơn.
Hôm đó quả thật là một ngày vô cùng bình thường, nàng nằm phơi bụng trong đình lục giác, vừa suy nghĩ làm thế nào chinh phục được Đông Hoa, vừa ôm cái bụng đói meo buồn rầu ngắm sao, càng ngắm càng đói, càng đói càng buồn. Bỗng nhiên ánh sao trước mặt tối lại, nàng chớp mắt, Đông Hoa tay cầm một chiếc đĩa sứ trắng đã ngồi trước mặt nàng, trong đĩa là một con cá sốt chua ngọt, đang bốc khói, tỏa mùi thơm.
Đông Hoa đặt cá xuống, liếc nàng một cái, không hiểu sao có vẻ đắn đo: “Ta làm đấy, vẫn còn nóng”.
Trước đây, nàng luôn buồn phiền vì nàng với Đông Hoa không có điểm gì chung, bởi vì những gì chàng biết, nàng hoàn toàn không biết, không ngờ, ngay đến biệt tài nấu ăn của nàng chàng cũng biết, có thể coi là đã tìm thấy điểm chung của hai cao nhân, cuối cùng cũng thấy yên tâm. Nàng có phần cảm động, đặt hai chi trước lên đầu gối chàng, nhẹ nhàng nhảy lên mặt bàn pha lê, đầu tiên dùng vuốt quệt ít nước xốt đưa lên miệng, chợt nhớ ra mình không phải trong hình hài con người, không thể ăn theo cách này, liền rụt chi lại, thẹn thùng dùng lưỡi liếm một miếng vào lườn con cá béo nục.
Đầu lưỡi vừa chạm vào nước xốt, liền dừng lại.
Đông Hoa tay chống má, chăm chú nhìn nàng: “Ngon không?”.
Nàng rụt lưỡi, nhưng miệng vẫn cắn miếng cá, thực sự cảm thấy món này vô cùng vô cùng vô cùng khó ăn. Nhưng đột nhiên nhớ tới câu chuyện cô cô kể ngày xưa. Chuyện rằng, có một người vợ không thạo nấu nướng, ngày đầu tiên về nhà chồng, thật lòng muốn nấu cho chồng một bữa cơm ngon, người chồng ăn hết một mâm thức ăn, tấm tắc khen ngon, lúc thu dọn bát đĩa người vợ cảm thấy không yên tâm, bèn nếm thử một chút nước canh, mới biết, người chồng đã nói dối để ình vui, đột nhiên cảm động rưng rưng, tình phu thê càng mặn nồng, để lại một giai thoại đẹp cho người đời.
Phượng Cửu nhắm mắt nghiến răng, chưa hết nửa tuần nhang đã chén sạch con cá, vừa ôm bụng quay về phía Đông Hoa nở một nụ cười mãn nguyện đặc trưng của loài hồ ly, rằng rất ngon, vừa hy vọng chàng quan sát kỹ sẽ phát hiện sự gượng gạo trong nụ cười mãn nguyện của nàng, mà nếm thử chút nước xốt, để hiểu nỗi ngượng ngập của nàng.
Đông Hoa quả nhiên giơ ngón tay ra, nàng nhẹ nhàng đẩy chiếc đĩa về phía chàng. Đông Hoa dừng lại, nàng lại đẩy đĩa tới, chàng gí ngón tay vào cái mũi còn dính nước xốt của nàng, ngắm nghía một lúc: “Sao… vẫn muốn ăn thêm đĩa nữa ư? Hôm nay hết rồi, ngày mai lại làm cho ngươi ăn”.
Nàng ngẩn ra nhìn chàng, mắt chớp chớp, đột nhiên cầm ngón tay chàng chấm vào nước xốt trên đĩa, cuối cùng chàng cũng hiểu ý nàng: “Không cần đâu, ta vừa nếm thử rồi”. Chàng nhíu mày, “Rất khó ăn”. Lại quay nhìn nàng: “Nhưng ta nghĩ hai loài khác nhau khẩu vị ắt có khác, nên mang đến để ngươi nếm thử”. Cuối cùng kết luận: “Quả nhiên, khẩu vị của hồ ly các ngươi thật khác thường”.
Phượng Cửu sững người, kêu lên một tiếng rồi ngã ra mặt bàn. Đông Hoa lo lắng hỏi: “Người muốn ăn vậy sao?”. Nói xong quay người bỏ đi, một lúc sau đã thấy trở lại, bê một đĩa nữa đặt trước mặt nàng. Chiếc đĩa lần này to gấp đôi đĩa lúc trước, bên trên là hai con cá béo mẫm nằm ngay ngắn song song. Phượng Cửu trợn mắt nhìn đĩa cá, kêu lên một tiếng, bò dậy, lại kêu lên một tiếng lăn đùng ra.
Từ đó về sau, mỗi buổi sáng, Đông Hoa lại tận tình đem đến cho nàng một con cá chép béo mầm, kỳ lạ là lần nào cũng đảm bảo mức độ khó ăn như nhau. Phượng Cửu thầm nghĩ, Đông Hoa là vị tiên hỷ nộ thất thường, nếu mình không ăn, làm chàng bẽ mặt, bề ngoài tuy không bộc lộ, nhưng sẽ để bụng, dần dần sẽ thành tâm bệnh thì thực đáng buồn. Nhưng cứ ăn mãi như vậy cũng không phải cách hay, quả thật Đông Hoa hiểu lầm nàng quá lớn.
Một ngày nọ, bà nội Thái Sơn đến thăm, vừa may bà cũng có một con thú cưng là một con hồ ly trắng. Phượng Cửu mưu mô, chia cho con hồ ly đó một nửa con cá ngay trước mặt Đông Hoa. Con hồ ly trắng dè dặt nếm thử nửa miếng, bỗng nó rướn cổ, kêu rống một tiếng, hai móng trước ra sức cào cấu yết hầu, cuối cùng nôn ra nửa miếng cá vừa ăn.
Phượng Cửu thông cảm nhìn con hồ ly trắng chạy như điên quanh sân như để tìm nước rửa ruột, chớp chớp mắt nhìn Đông Hoa, ánh mắt như nói: “Khẩu vị của hồ ly thực ra cũng bình thường, bữa nào thiếp cũng cố ăn, tất cả đều là vì chàng”. Đông Hoa đang rót trà, cầm quai ấm nhìn nàng một lúc, đăm chiêu như có gì suy nghĩ, chợt hiểu ra: “Ồ, hóa ra trong loài hồ ly khẩu vị của ngươi cũng khá đặc biệt”. Phượng Cửu giơ móng định lao vào chàng cào ột trận, nghĩ sao lại ngây người, tuyệt vọng bước hai bước, cuối cùng không chịu nổi từ từ khuỵu xuống đất.
Mấy ngày sau, bộ lông đỏ mượt của Phượng Cửu bắt đầu rụng từng mảng bởi tài nấu ăn của Đông Hoa, nàng tuyệt vọng nghĩ, hy vọng để chàng phát hiện ra nỗi khổ của nàng quả là hết sức khó khăn, nàng cần tìm cách tự cứu mình. Suy đi tính lại, bây giờ ngoài nói thẳng ra chẳng còn cách nào khác. Nàng nghĩ có thể dụng hình vẽ để diễn đạt, hôm nay nàng cần lấy đủ dũng khí đối mặt với Đông Hoa, khẳng khái từ chối con cá chép béo mầm kia. Lúc đi ngang qua thư phòng, lại vô tình nghe thấy Liên Tống Quân rảnh rỗi qua chơi, trong câu chuyện với Đông Hoa, có nhắc đến nàng. Nàng cũng không cố ý nghe trộm, chỉ vì là hồ ly, thực sự có nhiều cái bất tiện, ví dụ, không thể bịt tai, nàng còn chưa kịp đưa hai chi trước ôm đầu, lời nói đã nhẹ nhàng bay vào tai.
Đầu tiên là tiếng Liên Tống: “Trước giờ chưa từng nghe hiền huynh có nhã hứng nuôi linh thú, sao bây giờ lại nuôi con hồ ly đó?”.
Tiếp đến là tiếng Đông Hoa: “Nó rất đặc biệt, ta với nó xem như là có duyên”.
Lại tiếng Liên Tống: “Huynh nói dối, đệ đâu phải chưa từng thấy những con hồ ly còn đẹp hơn, mấy nữ nhân của Bạch gia ở Thanh Khâu, dưới hình hài hồ ly đều là nhất đẳng mỹ nhân, con tiểu hồ ly lông đỏ kia có gì đặc biệt?”.
Tiếng Đông Hoa: “Nó cho rằng ta làm cá xốt chua ngọt rất ngon”.
Liên Tống ngập ngừng: “… Vậy nó quả thực rất đặc biệt”.
Câu chuyện dừng ở đó, ngoài cửa, Phượng Cửu sầu não nhìn hai nhúm lông trên người vừa rụng xuống, lòng vừa phiền muộn vừa ngọt ngào. Mặc dù rất nhiều chuyện hiểu lầm, nhưng Đông Hoa cũng hầu như không có ý muốn tìm hiểu tâm ý của nàng, có điều, xét câu nói vừa rồi của chàng, hình như nàng giả vờ thừa nhận tài nấu ăn của chàng, lại khiến chàng thích thú, có thiện cảm với nàng? Vậy, nếu lúc này mình nhảy ra, nói thẳng cho chàng biết tất cả đều là đánh lừa chàng thì… Nàng rùng mình, cảm thấy bất luận thế nào, đó cũng là một hiểu lầm tốt đẹp, chi bằng cứ để nó tiếp tục tốt đẹp như vậy. Tuy rằng, nếu tiếp tục ăn món cá xốt của chàng, có thể nàng sẽ bị rụng trụi lông, nhưng thế thì sao, cứ coi như vào mùa thay lông vậy.
Không ngờ, sự kiên trì đó, kéo dài đến tận cái đêm nàng nản lòng rời khỏi Cửu Trùng Thiên.
Một cơn gió mát lướt qua đỉnh đầu làm Phượng Cửu thêm tỉnh táo. Tuy hơn ba vạn tuổi ở Thanh Khâu cũng chỉ coi là bậc tiểu bối, nhưng trải qua ít nhiều tình cảm chốn hồng trần, tuổi nhỏ nhưng nàng cũng ngộ ra chút đạo lý. Ví dụ, thân là bậc tiên, tuổi thọ dài lâu, không tránh khỏi mấy phen hoan hỷ, mấy phen sầu bi tiếc nuối, những gì hoan hỷ thì nhớ lâu hơn, sầu bi chỉ cần nhớ một thời gian là được, có như thế mới có thể ung dung tư tại, tu đắc đạo. Ngày trước ở cung Thái Thần, quả thực sầu bi nhiều hơn hoan hỷ, lúc này, ở nơi đây, cuối cùng toàn nhớ những thứ khiến mình hoài niệm, có thể thấy đa phần hồi ức đều là hồi ức tốt đẹp, đa phần đều vui vẻ, vậy nàng cũng phải vui vẻ lên.
Nhảy qua hai ba bước lên đình lục giác, thử ngồi lên chiếc ghế pha lê từ lâu đã muốn ngồi thử, ngồi lên rồi lại cảm thấy nó không thoải mái như đã hình dung. Nàng nhớ hồi đó Đông Hoa thường ngồi chỗ này chỉnh sửa kinh Phật do Phật Đà ở Tây Thiên đưa tới, nàng thường gối đầu lên chân chàng ngắm sao.
Sao ở Cửu Trùng Thiên không có vẻ đẹp mơ màng tựa mỹ nhân e ấp như sao ở Thanh Khâu, mà đơn côi nơi cuối trời chẳng khác gì những cái bánh nguội lăn lóc người ta chưa mua hết, thực sự chẳng có gì đáng ngắm. Chẳng qua là nàng muốn nhân cơ giả bộ ngoan ngoãn để được ở bên Đông Hoa lâu hơn. Hai vị thúc thúc, bá bá của nàng đã lừa cưới được hai vị phu nhân thế nào, nàng biết rõ, thầm nghĩ đợi đến lúc nàng có thể nói được, cũng bắt chước hai vị thúc bá dũng cảm của mình, tìm cách lừa Đông Hoa đến Thanh Khâu, nàng sẽ nói với chàng thế này: “Ôi, chàng nhìn xem, sao ở đây to như thế, lại lạnh lẽo, chẳng đáng yêu chút nào, có dịp thiếp sẽ đưa chàng đến Thanh Khâu của thiếp ngắm sao”. Thời gian như bóng câu qua cửa, thoáng chốc đã trăm năm, câu nói dũng cảm kia cuối cùng không có cơ hội nói ra.
Đã sang giờ Tý, không biết từ đâu vẳng lại tiếng đàn réo rắt, giữa trời, một vầng trăng trong treo lơ lửng, các vì sao hình như đã chìm xuống Ngân Hà. Nàng tay chống má, ngẩng nhìn ánh trăng thanh lạnh, thì thầm: “Khi nào thiếp có thể đưa chàng đến Thanh Khâu của thiếp ngắm sao”. Vừa sực tỉnh lại ngây người, rồi lắc đầu mỉm cười, câu vừa nói ra được gió đêm mang đi phát tán trên đầm sen xanh biếc, thoắt cái đã biến mất, tựa như nàng chưa hề nói ra.
Mấy cành diêm phù tươi tốt đung đưa che khuất ánh trăng, mấy hạt diêm phù tim tím rụng trên mặt đất, Đông Hoa khoanh tay ung dung tựa vào ô cửa hình trăng, trên người là chiếc áo ngủ lụa trắng và một chiếc áo dài khoác hờ bên ngoài. Chàng vốn dĩ muốn xem nàng trốn khỏi đây như thế nào, mới đi theo nàng tới khu vườn này, lúc đầu còn tưởng nàng vội vàng nên đi nhầm đường, hóa ra là nàng chủ tâm vào đây, đào bới lấy cây thảo dược của chàng, lại còn đăm chiêu ngắm nhìn từng quang cảnh nơi đây, sắc mặt lúc vui lúc buồn, cơ hồ đang có tâm sự.
Lúc trước Đông Hoa mở mắt, nhìn thấy làn khói tím gây ngủ từ phòng của mình lan ra, thoáng chốc đã tràn lan gần nửa cung Thái Thần, giống như dải mây cát tường vấn vít, ắt là điềm lành. Chàng cho rằng, vừa rồi nàng làm phép thuật gây ngủ đối với chàng, chắc đã vận ra hết công lực. Tiếng nhạc văng vẳng từ hướng Đông Nam cũng nhỏ dần rồi chìm trong làn khói mê màu tím… Người làm phép thuật hoàn toàn không nhận ra, có lẽ đang chìm trong tâm tư nặng nề. Lúc này, làn khói tím đang dần dần lan vào khu vườn, bay qua thác nước, qua cây hồng diệp cao sừng sững, lan vào đình lục giác… Đông Hoa thầm đếm ba tiếng. Uỵch! Cô nương lòng nặng trĩu tâm tư đang ngẩng đầu ngắm trăng quả nhiên từ từ gục xuống.
Vén mấy cành diêm phù la đà, Đông Hoa chậm rãi từ sau ô cửa hình tròn bước ra. Trong vườn, tất thảy đều yên tĩnh, ngay ánh sáng của cây bồ đề vãng sinh cũng nhạt hơn. Vào trong đình lục giác, hương gỗ bạch đàn ngàn năm dường như quẩn quanh bên trong, không phát tán ra ngoài. Đông Hoa cúi đầu nhìn nàng gục trên chiếc bàn pha lê ngủ ngon lành, bất giác bật cười, bị trúng phép thuật của chính mình mà còn vô tư ngủ như vậy, thiên hạ chắc chỉ có nàng, chẳng trách nghe nói thượng thần Bạch Dịch phụ thân nàng, ngày đêm lo lắng tìm cho nàng đấng phu quân tài giỏi.
Chàng đưa tay làm một thủ ấn hướng về phía nàng phất nhẹ, biến nàng trở lại thành chiếc khăn, bỏ vào trong người, ung dung ra khỏi khu vườn đầy khói tím.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...