Cha Giàu Cha Nghèo

Tác giả: Robert Kiyosaki và Sharon Lechter

Năm 1995, tôi được một tờ báo Singapore phỏng vấn. Người nữ phóng viên trẻ tuổi đến rất đúng giờ và cuộc phỏng vấn bắt đầu ngay lập tức. Chúng tôi ngồi trong đại sảnh của một khách sạn sang trọng, nhấm nháp cà phê và thảo luận về mục đích chuyến viếng thăm Singapore của tôi. Tôi cùng đứng trên bục diễn thuyết với Zig Ziglar. Ông ấy nói về những động cơ, còn tôi nói về “Những bí mật của người giàu.”

Người nữ phóng viên nói: một ngày nào đó, tôi cũng sẽ là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất như anh vậy. Tôi đã đọc một số bài báo cô viết và rất lấy làm thú vị. Cô có cách viết cứng cỏi và rõ ràng. Những bài báo cô viết rất được độc giả yêu thích.

Tôi trả lời: “Văn phong của cô rất hay. Điều gì đã khiến cô không đạt được giấc mơ của mình vậy?”.

Cô gái nói: “Có vẻ như những tác phẩm của tôi không đến được với mọi người. Ai cũng nói rằng những tiểu thuyết của tôi rất tuyệt, nhưng không có gì xảy ra cả. Vì vậy mà tôi giữ nghề làm báo. ít nhất thì cũng có cái để trả hóa đơn. Anh có khuyên tôi gì không“.

Tôi hào hứng nói: “Có đấy. Ở Singapore tôi có một người bạn quản lý một trường học dạy cách buôn bán. Anh ta điều hành khóa huấn luyện thưởng mại cho rất nhiều công ty đứng đầu ở Singapore. Tôi nghĩ nếu cô tham dự một lớp học của anh ta, cô sẽ đẩy mạnh sự nghiệp của cô lên được nhiều đấy.” “Anh muốn nói là tôi phải đến trường ấy để học cách bán sách à?” Cô gái hỏi lại một cách gay gắt. Tôi gật đầu.

“Anh đùa hả?”

Tôi lắc đầu. Lúc này tôi cảm thấy dội. Cô gái cảm thấy mình bị xúc phạm và tôi ước sao mình chưa hề nói gì cả. “Tôi có bằng cử nhân Văn chương Anh. Tại sao tôi phải đi học cách làm người bán sách chứ? Tôi là một nhà chuyên môn. Tôi đến trường và được huấn luyện một nghề nghiệp để không phải làm một người buôn bán. Tôi ghét những người bán hàng. Tất cả những gì họ muốn chỉ là tiền thôi.”

Cô gái thu dọn giấy tờ một cách giận dữ. Cuộc phỏng vấn chấm dứt. Trên chiếc bàn cà phê là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mà tôi đã viết. Tôi nhặt nó lên cùng tờ ghi chú của cô gái trong tập giấy thấm. Tôi chỉ cho cô thấy dòng ghi chú: “Cô thấy gì không?”

Cô gái bối rối nhìn xuống: “Sao?”

Tôi cố ý chỉ vào dòng ghi chú của cô. Trên tờ giấy cô viết: “Robert Kiyosaki, tác giả những cuốn sách bán chạy nhất…”

”Nó viết rằng tôi là ‘tác giả cuốn sách bán chạy nhất’ chứ không phải là ‘tác giả cuốn sách viết hay nhất’”.

Ngay lập tức cô gái mở to mắt, và lắng nghe tôi thật chăm chú.


“Tôi là một người viết văn tệ. Cô là một nhà văn lớn. Tôi học cách buôn bán. Cô có bằng cử nhân. Gom hai thứ đó lại cô sẽ là tác giả cuốn sách viết hay nhất, và “tác giả cuốn sách bán chạy nhất”.

Tia giận dữ lóe lên trong mắt cô gái: “Tôi sẽ không bao giờ hạ mình đi học cách bán hàng cả. Những người như anh chẳng viết lách gì hết. Tôi là một người viết văn chuyên nghiệp còn anh là một người buôn bán”

Và cô gái vội vã bỏ đi…

Thế giới đầy những con người tài năng, thông minh, được giáo dục tốt và có năng khiếu Chúng ta gặp họ mỗi ngày vì họ ở xung quanh chúng ta. Nhưng có một sự thật đáng buồn là chỉ có một tài năng vĩ đại thôi thì không đủ.

Tôi thường rất sửng sốt trước số tiền lương ít ỏi mà rất nhiều người đầy tài năng kiếm được. Tôi nghe nói rằng chỉ có không đầy 5% người Mỹ kiếm được hơn 100. 000 $ một năm. Tôi đã gặp những con người xuất chúng, học cao nhưng chi kiếm được chưa tới 20.000$ một năm. Một cố vấn kinh doanh chuyên ngành y khoa mậu dịch bảo tôi rằng: có rất nhiều bác sĩ, nha sĩ và y sĩ rất vất vả về tài chính. Trước lúc đó, tôi cứ nghĩ trong khi họ tốt nghiệp, hẳn là tiền bạc bắt đầu đổ vào. Người cố vấn kinh doanh này đã nói rằng: “Chỉ một tài năng thôi không đi cùng một tài sản lớn.”

Trước đây tôi đã nói rằng trí thông minh tài chính là sự phối hợp của kế toán, đầu tư, thị trường và pháp luật. Kết hợp được bốn kỹ năng chuyên môn này, chuyện tiền kiếm tiền sẽ dễ dàng hơn nhiều. Thế nhưng, khi nói đến tiền bạc, kỹ năng duy nhất mà hầu hết người ta biết chỉ là làm việc chăm chỉ!

Một ví dụ cổ điển của việc phối hợp kỹ năng là chuyện người phóng viên trẻ tuổi tôi đã nói ở đầu bài. Nếu cô ấy cần mẫn học thêm kỹ năng buôn bán và tiếp thị, thu nhập của cô sẽ tăng vọt ngay. Nếu tôi là cô ấy, tôi sẽ học thêm vài khóa viết bài quảng cáo cũng như buôn bán. Sau đó, thay vì làm việc cho tờ báo, tôi sẽ tìm việc ở những văn phòng quảng cáo. Ngay cả khi thu nhập có cắt giảm, cô ấy vẫn sẽ học được cách truyền đạt thông tin bằng những “đường tắt” được dùng trong những mẩu quảng cáo thành công. Cô cũng nên dành thời gian để nghiên cứu những mối quan hệ với công chúng, một kỹ năng khá quan trọng. Cô sẽ học cách làm ra hàng triệu đô la từ việc quảng cáo không mất tiền. Và vào buổi tối hay những ngày cuối tuần, cô có thể dành để viết cuốn tiểu thuyết vĩ đại của mình. Khi nó hoàn thành, cô sẽ có thể bán dược cuốn sách nhanh hơn. Và sau một thời gian ngắn, cô có thể trở thành “tác giả những cuốn sách bán chạy nhất.”

Lúc tôi cho ra mắt cuốn sách “Nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng đến trường?” một nhà xuất bản đề nghị tôi nên đổi tựa sách thành “Kinh tế giáo dục”. Tôi bảo họ rằng, với cái tựa như thế, tôi sẽ chỉ bán được hai cuốn: một cho bạn tôi và một cho gia đình mình. Tôi chọn cái tựa khó chịu. Nếu muốn giàu có và hạnh phúc thì đừng đến trường? vì tôi biết rằng nó sẽ thu hút công chúng. Vì vậy mà tôi chọn một cái tựa sẽ đưa tôi lên truyền thanh truyền hình, đơn giản là tôi sẵn sàng tranh luận với họ. Nhiều người nghĩ tôi giống một cái bánh trái cây cho ruồi bu, nhưng quyển sách thì vẫn bán chạy.

Khi tôi tốt nghiệp Học viện Mậu dịch Hàng hải Mỹ vào năm 1969, người cha học thức cao của tôi rất hạnh phúc. Công ty Standard Oil California thuê tôi làm thủy sư cho những chiếc tàu chở dầu. Tôi là phó thuyền trưởng thứ ba, và tiền lương của tôi thấp hơn so với các đồng nghiệp, nhưng như vậy là tạm ổn với công việc thực sự đầu tiên sau khi ra trường. lương khởi điểm của tôi là 42.000 $ một năm kể cả thời gian làm việc ngoài giờ, và tôi chỉ phái làm việc trong bảy tháng. Tôi có năm tháng nghỉ ngơi. Nếu muốn, tôi có thể đến Việt Nam với một công ty hàng hải trực thuộc và sẽ dễ dàng tăng gấp đôi tiền lương thay vì đi nghỉ 5 tháng.

Tôi có cả một sự nghiệp to lớn phía trước, nhưng sau sáu tháng làm việc với công ty, tôi vẫn xin thôi việc và tham gia vào Marine Corps để học cách lái máy bay. Người cha học thức cao rất giận dữ. Còn người cha giàu lại chúc mừng tôi, vì ông quan niệm rằng “Bạn cần biết mỗi thứ một chút.”

Đó là lý do tại sao trong nhiều năm, tôi làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau trong công ty của người cha giàu. Có lúc tôi làm việc ở bộ phận kế toán. Dù có lẽ là tôi không thể nào trở thành một kế toán viên giỏi được nhưng ông vẫn muốn tôi phải học bằng cách thấm từ từ. Người cha giàu biết rằng tôi sẽ học được những “biệt ngữ” và có khả năng thấy được cái gì quan trọng còn cái gì không. Tôi còn làm công việc của một anh hầu bàn và một công nhân xây dựng, cũng như bán hàng, đặt chỗ và tiếp thị. Người cha giàu đang “chuẩn bị” cho Mike và tôi. Chính vì vậy mà ông khăng khăng bắt chúng tôi phải có mặt trong những buổi họp của ông với các nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán và những nhà môi giới ông muốn chúng tôi biết mỗi thứ một chút về mọi khía cạnh trong đế chế của mình.

Khi tôi xin nghỉ công việc có lương cao ở Standard Oil, người cha học thức cao đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với tôi ông rất hoang mang, chẳng hiểu nổi tại sao tôi quyết định bỏ một sự nghiệp lương cao, lợi nhuận lớn, thời gian nghỉ ngơi nhiều và nhiều cơ hội thăng tiến như thế… Tôi không thể giải thích cho ông hiểu được dù đã rất cố gắng. Kiểu logic của tôi không phù hợp với logic của ông. Một vấn đề lớn khác, logic của tôi là logic của người cha giàu.

Sự bảo đảm công việc là mọi thứ đối với người cha học thức cao. Còn học tập là tất cả đối với người cha giàu.


Người cha học thức cao nghĩ rằng tôi đến trường để học trở thành một sĩ quan hàng hải. Người cha giàu biết rằng tôi đến trường để học về thương mại quốc tế. Là một sinh viên, tôi học trông nom hàng hóa, lái tàu chở hàng, tàu chở dầu và tàu chở khách sang vùng Viễn Đông và Nam Thái Bình Dương. Người cha giàu nhấn mạnh việc tôi nên ở lại Thái Bình Dương thay vì lái tàu sang châu Âu vì ông biết rằng những nước đang nổi là những nước châu Á chứ không phải châu Âu. Trong khi những người bạn học của tôi đang bận tham gia vào Hội Học sinh Sinh viên thì tôi học cách kinh doanh, học về những kiểu người và những nền văn hóa Nhật, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Hồng Kong, Việt Nam, Triều Tiên, Tahiti, Samoa và Philippines… Nhờ những việc học đó, tôi đã nhanh chóng trưởng thành.

Người cha học thức cao chỉ không hiểu tại sao tôi quyết định nghỉ việc để gia nhập Marine Corps. Tôi bảo ông rằng tôi muốn học lái máy bay, nhưng thực sự là tôi muốn học cách đứng đầu một tổ chức. Người cha giàu giải thích rằng điều khó khăn nhất khi điều hành một công ty là quản lý nhân sự. Ông đã có ba năm phục vụ trong quân ngũ, còn người cha có học của tôi thì được miễn quân dịch. Người cha giàu cho tôi biết giá trị của việc học cách lãnh đạo mọi người trong những tình huống nguy hiểm. Ông nói: “Khả năng lãnh đạo là điều kế tiếp mà con cần phải học. Nếu con không phải là một nhà lãnh đạo giỏi, con sẽ bị bán sau lưng, trong kinh doanh cũng giống như vậy”.

Năm 1973, tôi từ Việt Nam trở về và xin thôi việc, dù tôi rất thích được bay. Tôi tìm việc ở Xerox Corps. Tôi tham gia vào đây vì một lý do riêng mà không phải vì lợi nhuận. Tôi là một người rụt rè và ý nghĩ phải đi bán hàng là một vấn đề kinh khủng nhất thế giới. Tôi vào làm cho Xerox vì ở đây có một trong những chương trình huấn luyện bán hàng tốt nhất nước Mỹ.

Là một người lao động trí óc, ông nghĩ rằng những người bán hàng thuộc tầng lớp thấp kém. Tôi làm việc ở Xerox trong 4 năm cho đến khi vượt qua được nỗi sợ hãi khi phải gõ cửa từng nhà và bị xua đuổi. Khi đã trở thành một trong năm người bán hàng giỏi nhất, tôi lại xin thôi việc và chuyển đi, để lại sau lưng một sự nghiệp lớn với một công ty tuyệt vời.

Năm 1977, tôi thành lập công ty đầu tiên của mình. Người cha giàu đã chuẩn bị cho Mike và tôi tiếp quản các công ty. Vì vậy lúc này tôi phải học cách thiết lập và kết hợp chúng lại với nhau. Sản phẩm đầu tiên của tôi, ví nilông dùng khóa dán, được sản xuất ở Viễn Đông và vận chuyển đến một kho hàng ở New York, gần nơi tôi đi học trước kia. Việc học chính thức đã hoàn thành, và bây giờ là lúc tôi phải kiểm tra khả năng ứng dụng của mình. Nếu thất bại, tôi sẽ phá sản. Người cha giàu nghĩ rằng tốt nhất là bị phá sản trước tuổi 30. Lời khuyên của ông là: “Con sẽ vẫn còn thời gian để đứng lên.” Vào đêm sinh nhật thứ 30 của tôi, chuyến tàu đầu tiên rời Triền Tiên để đến New York…

Ngày nay tôi vẫn còn kinh doanh trên phạm vi quốc tế. Và như người cha giàu khuyến khích, tôi luôn tìm kiếm những đất nước đang nổi. Hiện nay công ty đầu tư của tôi đang đầu tư trên khắp các vùng Nam Mỹ, châu Á, Norway và Nga.

Có một câu nói cổ xưa rằng: “Công việc (JOB) là viết tắt của ‘Vượt qua sự túng quẫn’ (Just Over Broke).” Và không may là câu nói này đúng với hàng triệu triệu người. Vì trường học không nghĩ rằng hiểu biết tài chính cũng là một sự hiểu biết đáng giá, nên hầu hết các công nhân phải “sống trong kham khổ trong cái vòng luẩn quẩn làm việc và trả hóa đơn…”

Tôi còn biết một lý thuyết quản lý khác cho rằng: “Công nhân nào làm việc chăm chỉ sẽ không bị đuổi, và người chủ sẽ chỉ trả lương đủ để cho các công nhân không xin nghỉ việc”. Và nếu bạn nhìn vào tỷ lệ tiền lương của hầu hết các công ty, bạn sẽ thấy rằng có phần nào sự thật trong câu nói này.

Kết quả cuối cùng là hầu hết các công nhân không bao giờ tiến xa được. Họ làm theo những gì họ được dạy dỗ: “Tìm một công việc bảo đảm”. Hầu hết các công nhân đều tập trung vào làm việc để lãnh lương và được thưởng những lợi nhuận ngắn hạn nhưng đem đến những bất hạnh dài hạn.

Thay vào đó, tôi khuyến khích những người trẻ tuổi hãy tìm việc vì những gì họ đã học hơn là những gì họ sẽ kiếm được. Hãy nhìn xuống đường đi của những kỹ năng mà họ muốn đạt được trước khi chọn một nghề nghiệp chuyên biệt và trước khi bị bẫy vào vòng “Rat Race”.

Một khi người ta đã bị bẫy vào quá trình trả hóa đơn suốt đời họ trở nên giống như những con chuột đồng bé nhỏ chạy vòng quanh một cái bánh xe kim loại

Trong bộ phim “Jerry Maguire” do ngôi sao điện ảnh Tom Cruise đóng vai chính có rất nhiều câu nói hay. Nhưng có một câu mà tôi nghĩ là chân thực nhất. Câu nói đó nằm trong cảnh Tom đang rời công ty. Anh vừa bị sa thải và anh hỏi toàn công ty: “Ai muốn đi với tôi?” Và toàn cảnh như đông cứng lại trong im lặng. Chỉ có một phụ nữ lên tiếng: “Tôi cũng muốn đi lắm nhưng tôi sẽ được thăng chức trong ba tháng nữa.”


Có lẽ đây là câu nói chân thực nhất trong suốt bộ phim. Đó là loại câu nói mà người ta thường dùng để khiến mình luôn phải làm việc để trả hóa đơn. Tôi biết rằng người cha học thức cao của mình luôn mong đợi được tăng lương vào mỗi năm, và mỗi năm trôi qua ông đều thất vọng. Vì vậy, ông quay lại trường để học thêm những kỹ năng mới để có thể được tăng lương, nhưng một lần nữa ông lại bị thất vọng…

Khi nói chuyện với những người trưởng thành muốn kiếm được nhiều tiền, tôi luôn khuyến khích họ thử tìm một công việc thứ hai có thể dạy cho họ một kỹ năng mới. Thường thì tôi khuyến khích họ tham gia vào một công ty quảng cáo mạng lưới, còn gọi là tiếp thị nhiều mức độ, nếu họ muốn học kỹ năng buôn bán. Một số công ty như thế có những chương trình huấn luyện xuất sắc giúp người ta vượt qua nỗi sợ hãi thất bại và sợ bị từ chối, những lý do chính khiến con người không thành công. Nói cho cùng thì học tập còn giá trị hơn cả tiền bạc.

Khi đưa ra những đề nghị này, tôi thường nghe câu trả lời: Như thế thật phiền phức hay là “Tôi chỉ muốn làm những gì tôi thích.”

Với câu nói: “Như thế thật phiền phức”, tôi hỏi lại: “Vậy bạn thích làm việc suốt đời và đóng cho chính quyền 50% những gì bạn kiếm được hay sao?” Còn với câu trả lời “Tôi chỉ muốn làm những gì tôi thích”, tôi nói: “Tôi không thích đi đến phòng tập thể dục, nhưng tôi buộc phải đi vì tôi muốn được khỏe mạnh và sống lâu.”

Không may là những người lớn tuổi thường rất khó học những cái mới. Trừ phi một người đã quen với những biến đổi rồi, nếu không rất khó mà thay đổi được.

Nhưng với những người có thể đang do dự khi nói đến chuyện học thêm một cái mới, tôi thường khuyến khích họ: Cuộc sống cũng như đi đến phòng tập thể dục. Vất vả nhất là lúc quyết định đi. Khi bạn vượt qua rồi thì mọi thứ đều dễ dàng. Rất nhiều ngày cứ hễ nghĩ đến chuyện đi tập thể dục là tôi phát sợ, nhưng khi tôi đã ở đó và bắt đầu vận động thì nó trở thành một thú vui. Sau khi luyện tập, tôi luôn thấy vui vẻ vì có thể làm được những gì mình nói.

Thay vào đó, nếu bạn không sẵn sàng làm việc để học thêm những điều mới và khăng khăng muốn trau dồi chuyên môn cao chỉ trong lĩnh vực của mình, hãy chắc chắn rằng công ty nơi bạn đang làm việc được tổ chức thành công đoàn. Những công đoàn lao động luôn dành để bảo vệ các chuyên gia. Nếu tôi tiếp tục sự nghiệp lái máy bay, hẳn tôi sẽ tìm một công ty có tổ chức công đoàn phi công lớn mạnh. Vì sao vậy? Vì tôi sẽ dâng hiến hoàn toàn cuộc sống của mình để học một kỹ năng chỉ có giá trị trong một lĩnh vực.

Nếu tôi bị đẩy khỏi ngành này, kỹ năng sống còn của tôi sẽ trở nên vô giá trị trong những ngành nghề khác. Một phi công lớn tuổi bị sa thải - với 100.000 giờ bay vận tải hạng nặng, kiếm được 150.000 $ một năm - sẽ rất khó tìm được công việc có mức lương tương đương trong ngành giáo dục chẳng hạn, vì những kỹ năng mà nhờ chúng, một phi công được trả lương trong công nghiệp hàng không lại không quan trọng trong một hệ thống khác, ví dụ như trường học.

Vì vậy mà theo kinh nghiệm thì “Chuyên môn cao, công đoàn lớn. Đó là một việc rất nên làm. Khi tôi hỏi các sinh viên trong những lớp học mà tôi đang dạy: “Bao nhiêu người trong các bạn có thể làm một cái bánh hamburger ngon hơn Mcdonald,s?” hầu như tất cả các sinh viên đều giơ tay. Sau đó tôi hỏi: “vậy nếu hầu hết các bạn đều làm được bánh ngon hơn thì tại sao Mcdonald’s lại kiếm được nhiều tiền hơn bạn?”

Câu trả lời quá hiển nhiên: Mcdonald’s có một hệ thống kinh doanh xuất sắc. Lý do khiến hầu hết những người tài năng phải chịu cảnh nghèo là vì họ tập trung vào việc làm một cái bánh hamburger ngon, mà biết quá ít hoặc không biết gì về phương thức kinh doanh cả.

Thế giới đầy những con người tài năng nhưng nghèo khổ. Và rất thường, họ nghèo phải đấu tranh tài chính hay chỉ có thể kiếm được ít hơn thực lực của mình không phải vì những gì họ biết mà chính vì những điều họ không biết. Họ tập trung vào việc hoàn thiện các kỹ năng để làm một chiếc bánh hamburger ngon hơn là kỹ năng bán và phân phối chiếc bánh hamburger đó. Có thể Mcdonald’s không làm nên chiếc bánh ngon nhất, nhưng họ có thể bán và phân phối những chiếc bánh trung bình tốt nhất.

Người cha nghèo muốn tôi trở nên chuyên môn hóa. Đó là quan điểm của ông trong việc làm sao để được trả lương nhiều hơn. Thậm chí sau khi nhà cầm quyền Hawaii nói rằng ông sẽ không còn được làm việc cho chính quyền nữa, người cha học thức cao vẫn tiếp tục khuyến khích tôi phải chuyên môn hóa. Sau đó ông đề cập đến công đoàn giáo viên, việc vận động để bảo vệ hơn nữa quyền lợi của những người chuyên nghiệp có kỹ năng và học thức cao. Chúng tôi thường tranh luận với nhau, nhưng tôi biết ông sẽ không bao giờ đồng ý rằng chính sự chuyên môn hóa quá mức đã dẫn đến yêu cầu cần được công đoàn bảo vệ. Ông không bao giờ hiểu được rằng bạn càng trở nên chuyên môn hóa thì bạn sẽ càng dễ bị rơi vào bẫy và càng bị phụ thuộc vào chuyên ngành đó nhiều hơn.

Người cha giàu khuyên Mike và tôi phải chuẩn bị cho chính mình. Nhiều công ty kinh doanh cũng làm như vậy. Họ tìm những sinh viên trẻ tuổi sáng dạ trong trường kinh tế và bắt đầu “chuẩn bị” cho những người này để một ngày nào đó sẽ tiếp quản công ty. Vì vậy những nhân viên trẻ này không được chuyên nôn hóa trong một phòng ban nào cả, họ được chuyển từ phòng này sang phòng khác để học mọi khía cạnh trong hệ thống kinh doanh.

Người giàu thường “chuẩn bị” cho con cái của họ hay con của người khác như thế. Bằng cách này, đứa trẻ sẽ có được một kiến thức tổng quát về việc kinh doanh và sự tương quan giữa các phòng ban khác nhau.

Đối với những thế hệ sinh ra trong chiến tranh thế giới thứ hai, việc chuyển từ công ty này sang công ty khác được xem là một việc “xấu xa!”. Ngày nay thì đó là một việc khôn ngoan. Người ta chuyển từ công ty này sang công ty khác mà không tìm kiếm khả năng chuyên môn hóa hơn vậy tại sao không tìm để học hơn là để kiếm tiền? Trong tương lai gần, có thể bạn sẽ kiếm được ít tiền hơn, nhưng trong tương lai xa, bạn sẽ được tưởng thưởng qua các cổ tức lớn.


Những kỹ năng quản lý chính cần thiết để đạt được thành công là:

1. Quản lý vòng quay tiền mặt.

2. Quản lý toàn hệ thống (kể cả bản thân bạn và thời gian dành cho gia đình).

3. Quản lý nhân sư.

Kỹ năng chuyên môn hóa quan trọng nhất là kỹ năng bán hàng và hiểu biết thi trường. Khả năng bán hàng - hay khả năng giao tiếp với những người khác: một khách hàng, nhân viên, ông chủ, vợ hoặc chồng hay ngay cả con cái mình - chính là kỹ năng cơ bản đem đến sự thành công cá nhân. Những kỹ năng giao tiếp như viết, nói và đàm phán là những điều cốt yếu của một cuộc sống thành công. Đó là một kỹ năng mà tôi liên tục rèn luyện, tham dự các khóa học hay mua những cuộn băng giáo dục để mở rộng kiến thức.

Như tôi đã nói, người cha học thức cao càng làm việc chăm chỉ, tích cực hơn thì ông càng thành thạo hơn.

Và càng chuyên môn hóa hơn thì ông càng mắc bẫy nhiều hơn. Dù tiền lương tăng lên nhưng những lựa chọn của ông bị giới hạn lại. Ngay sau khi nghỉ làm việc cho chính quyền, ông mới thấy rằng thực sự ông dễ bị tổn thương về mặt công việc như thế nào. Cũng giống như một vận động viên chuyên nghiệp thình lình bị chấn thương hay quá lớn tuổi không thể chơi được nữa. Cái vị trí được trả lương cao mà họ từng nắm giữ đã trôi qua, và bây giờ họ phải dùng đến những khả năng hạn chế của mình. Tôi cho rằng đó là lý do tại sao người cha có học thức cao của tôi phải dựa quá nhiều vào công đoàn như vậy.

Người cha giàu khuyến khích Mike và tôi tìm hiểu mỗi thứ một chút. Ông khuyến khích chúng tôi làm việc với những người thông minh hơn mình, và tập hợp những người thông minh này lại thành một nhóm. Ngày nay điều đó gọi là sự hòa hợp của những chuyên ngành nhà nghề.

Hiện nay tôi có thể gặp được những người cựu giáo viên kiếm được hàng trăm ngàn đô la một năm. Họ làm ra nhiều như vậy vì họ có kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực của mình cũng như nhiều kỹ năng khác. Họ có thể dạy học và cũng có thể bán hàng hay tiếp thị. Tôi biết không có kỹ năng nào quan trọng hơn bán hàng và tiếp thị. Hai kỹ năng này rất khó học đối với hầu hết mọi người chủ yếu vì họ sợ bị từ chối. Bạn càng giao tiếp tốt, điều đình tốt và tự chủ được nỗi sợ bị từ chối thì cuộc sống sẽ càng dễ dàng.

Việc chuyên môn hóa về mặt kỹ thuật có điểm mạnh và điểm yếu riêng của nó. Tôi có những người bạn thiên tài nhưng không thể giao tiếp với người khác một cách có hiệu quả và kết quả là số tiền họ kiếm được rất ít ỏi. Tôi khuyên họ chỉ cần dùng một năm để học bán hàng thôi! thậm chí nếu không kiếm được đồng nào, họ vẫn có thể phát triển tốt khả năng giao tiếp. Và điều đó quả là vô giá.

Bên cạnh việc làm một học viên giỏi, một người bán hàng được việc và một nhà tiếp thị tài ba, chúng ta còn cần phải là một giáo viên giỏi và một sinh viên cừ. Để giàu có thực sự, ta cần phải biết cho và nhận.

Trong những trường hợp phải đấu tranh về tài chính hay về nghề nghiệp, thường người ta không cho mà cũng không nhận. Tôi biết có nhiều người nghèo chỉ vì họ không phải là một sinh viên cừ mà cũng chẳng phải là một giáo viên giỏi. Cả hai người cha của tôi đều là những người rộng rãi.

Cả hai đều tập cho tôi thói quen cho trước khi nhận. Dạy là một cách cho. Họ cho càng nhiều thì họ sẽ nhận được càng nhiều. Nhưng có một khác biệt rõ ràng trong cách cho tiền. Người cha giàu cho đi rất nhiều tiền. Ông cho nhà thờ, cho các hội từ thiện, các học viên. Ông biết rằng để được nhận tiền thì bạn phải cho tiền. Cho tiền là một bí mật của hầu hết các gia đình giàu có lớn. Đó là lý do tai sao có những tổ chức như Rockefeller Foundation và Ford Foundation. Những tổ chức này được thiết lập để nắm giữ của cải và gia tăng chúng cũng như cho đi mãi mãi.

Người cha học thức cao của tôi luôn nói rằng: “Khi tôi có dư một so tiền, tôi sẽ cho đi hết.” Rắc rối ở chỗ là ông không bao giờ có tiền dư cả. Vì vạy ông cố làm việc tích cực để kiếm được nhiều tiền mà không tập trung vào quy luật quan trọng nhất của tiền bạc: Hãy cho đi và bạn sẽ được nhận”. Thay vì vậy ông tin rằng: “Cứ nhận đi rồi sau đó sẽ cho.”

Tóm lại, tôi học cả hai người cha. Một phần trong tôi là một nhà tư bản nòng cốt yêu thích trò chơi tiền kiếm tiền. Ở một khía cạnh khác, tôi là một giáo viên có trách nhiệm xã hội, quan tâm sâu sắc đến khoảng trống ngày càng lớn giữa cái có và cái không. Riêng cá nhân tôi cho rằng chính hệ thống giáo dục cổ xưa phải chịu trách nhiệm đầu tiên với khoảng trống đang lớn dần này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui