Câu lạc bộ Dumas

XI. BỜ KÈ SÔNG SEINE
Bí ẩn này được xem như không có lời giải vì chính những lý do khiến người ta cho rằng nó có lời giải.
E. A. Poe, VỤ GIẾT NGƯỜI Ở PHỐ NHÀ XÁC.
“Quy luật thật đơn giản,” Frieda Ungern nói, “ghép những chữ viết tắt đồng dạng với những chứ viết tắt dùng trong bản thảo tiếng Latinh cổ. Đây có thể là vì phần lớn tác phẩm được Aristide Torchia lấy nguyên xi từng chữ một từ một bản thảo khác, có thể là từ cuốn sách truyền kỳ Delomelanicon. Ở tranh khắc đầu tiên, ý nghĩa khá rõ ràng với bất kỳ người nào chỉ cần hơi quen thuộc với thứ ngôn ngữ bí truyền: NEM. PERV.T QUI N.N LEG. CERT.RIT rõ ràng là NEMO PERVENIT QUI NON LEGITIME CERTAVERIT.”
“Chỉ kẻ nào chiến đấu đúng luật mới chiến thắng.”
Họ đã uống với nhau tới cốc cà phê thứ ba, và, ít nhất là về hình thức, rõ ràng Corso đã được chấp nhận. Gã thấy bà ta gật đầu hài lòng.
“Rất tốt. Ông có thể giải nghĩa bất kỳ phần nào trong bức tranh này không?”
“Không,” Corso nói dối thản nhiên. Gã vừa nhận ra rằng trong cuốn sách của bà nam tước có ba chứ không phải bốn ngọn tháp trong thành có tường bao mà kỵ sĩ đang phi tới. “Ngoại trừ cử chỉ của nhân vật chính ra, xem ra có vẻ rất hùng hồn.”
“Thì đúng thế: ông ta quay về phía bất kỳ ai đi theo, một ngón tay đặt lên môi, yêu cầu yên lặng... Đó là tacere - sự yên lặng của nhà hiền triết bí ẩn. Ở hậu điện, những bức tường của tòa thành vây quanh những ngọn tháp, tức là điều bí ẩn. Hãy để ý tới cánh cửa đóng. Lẽ ra nó phải mở mới đúng.”
Căng thẳng và lo lắng, Corso lật thêm mấy tờ cho đến khi thấy bức minh họa thứ hai, vị ẩn sĩ đứng trước một cánh cửa khác, cầm cái chìa khóa bằng tay phải. Câu chú giải là CLAUS. PAT.T.
“CLAUSAE PATENT,” bà nam tước giải thích. “Họ mở cái bị đóng. Những cánh cửa đóng... Ẩn sĩ đại biểu cho tri thức, sự nghiên cứu, sự thông thái. Và nhìn đây, bên này cũng có con chó đen mà theo truyền thuyết thường đi theo Agrippa. Một con cẩu trung thành. Từ Plutarch tới Bram Stoker[1] và Dracula của ông ta, cả Faust của Goethe nữa, chó đen là con vật mà quỷ thường chọn làm hóa thân cho mình nhất. Còn cái đèn lồng thuộc về nhà triết học Diogenes, người rất xem thường quyền lực của thế giới trần tục. Tất cả những điều ông ta đòi hỏi ở Alexander hùng mạnh là nhà vua đứng che khuất ánh sáng mặt trời khỏi ông, nhà vua hãy dịch sang một bên vì nhà vua đang đứng trước mặt trời, đứng trước ánh sáng.”
[1] Nhà văn Ireland, tác giả cuốn tiểu thuyết kinh dị nổi tiếng về ma cà rồng Dracula ra đời năm 1897, nhân vật chính là bá tước Dracula, chuyên hút máu người.
“Còn chữ cái Teth[2] này?”
[2] Teth: ký tự thứ chín trong bảng chữ cái cổ Do Thái và nhiều ngôn ngữ cổ khác như Ả-rập, Xyri, v.v. có hình dáng như một con rắn cuộn mình, tượng trưng cho thế năng. Giống như con rắn trước khi cắn.

“Tôi không rõ.” Bà gõ nhẹ lên bức tranh minh họa. “Vị ẩn sĩ trong bộ bài Ta rô, rất giống vị này, đôi khi có con rắn đi kèm, nếu không phải rắn thì cây gậy tượng trưng cho rắn. Trong triết học thần bí, rắn và rồng là những thần chú bảo hộ lãnh địa, khu vườn và bộ lông cừu kỳ diệu, chúng luôn luôn mở mắt kể cả khi ngủ. Chúng là gương soi của nghệ thuật.”
“Ars diavoli,” Corso buột miệng nói, và bà nam tước gật đầu, mỉm cười bí ẩn. Nhưng gã biết, từ Fulcanelli và những văn bản cổ, rằng cụm từ “Gương soi của nghệ thuật” có xuất xứ không phải từ ngành ma quỷ học mà từ ngành giả kim học. Gã tự hỏi không biết có bao nhiêu ngón bịp ẩn dưới cái vỏ ngoài thông thái của bà nam tước. Gã ngầm thở dài. Gã cảm thấy mình như một người đi tìm vàng dìm nửa người dưới sông, tay cầm cái sàng. Nói cho cùng, gã nghĩ, bà ta cần tìm cái gì đấy để lấp đầy mấy cuốn bestseller năm trăm trang của bà ta chứ.
Nhưng Frieda Ungern đã lật sang bức tranh thứ ba.
“Lời đề từ là VERB. D.SUM C.S.T. ARCAN. Câu này tương ứng với VERBUM DIMISSUM CUSTODIAT ARCANUM. Có thể dịch là ‘Chìa khóa nằm trong từ bị mất’. Và bức tranh có nghĩa: một cây cầu, mối liên kết hợp giữa hai bờ sáng tối. Từ thần thoại cổ điển về con rắn và những bậc thang, ý nghĩa của nó rất rõ. Giống như cầu vồng, nó nối liền trái đất với thiên đường hay địa ngục... Để qua được nó, tất nhiên phải mở được cánh cổng kiên cố.”
“Còn về người cầm cung nấp trong đám mây?”
Khi hỏi câu này giọng gã run lên. Trong cuốn số một và số hai, ống tên trên vai cung thủ trống không. Trong cuốn thứ ba, trong ống có một mũi tên. Frieda Ungern để nguyên ngón tay trên đó.
“Cung tên là vũ khí của Apollo và Diana, là ánh sáng của quyền năng tối cao. Cơn phẫn nộ của thượng đế, hay của Chúa. Đó là kẻ thù chờ phục kích người qua cầu.” Bà vươn mình về phía trước, giọng tự tin và bình thản, “Ở đây có một lời cảnh báo khủng khiếp. Đây không phải trò đùa.”
Corso gật đầu và chuyển sang bức tranh thứ tư. Gã cảm thấy sương mù dần choán ngập đầu óc. Những cánh cửa mở ra kèm theo tiếng kẽo kẹt đầy tử khí. Lúc này gã nhìn tên hề và tòa mê cung bằng đá với lời đề: FOR. N.N OMN. A.QUE. Frieda Ungern dịch là FORTUNA NON OMNIBUS AEQUE: Số mệnh của mỗi người không giống nhau.
“Nhân vật này giống như tên ngốc trong bài Ta rô,” bà ta giải thích. “Gã khùng của thượng đế trong Hồi giáo. Và tất nhiên, gã cũng cầm một cái gậy hay con rắn tượng trưng... Gã là tên ngốc kiểu Trung cổ, gã giô kề trong một cỗ bài, một tên hề. Gã tượng trưng cho định mệnh, cơ may, sự kết thúc của mọi thứ, kết quả dự kiến được hay không được. Hãy nhìn con xúc xắc này. Thời Trung cổ, lũ hề rất được ưu tiên. Họ được phép làm những chuyện bị cấm. Mục đích là để nhắc nhở chủ nhân rằng họ cũng sẽ chết, rằng kết cuộc của họ cũng không tránh khỏi như những người khác.”
“Ở đây gã tuyên bố điều ngược lại,” Corso phản đối. “Số mệnh của mỗi người không giống nhau.”
“Đương nhiên. Kẻ nào nổi loạn, thực thi tự do của mình và dám chịu rủi ro thì có thể giành lấy một phần số khác. Đó là điều cuốn sách này muốn nói thông qua tên hề, hình mẫu của tự do. Người thực sự tự do duy nhất, và cũng là người thông thái nhất. Trong triết học huyền bí, tên hề được đồng nhất với thủy ngân của nhà giả kim. Là sứ giả của thượng đế, gã dẫn dắt các linh hồn đi qua vương quốc bóng tối...”
“Mê cung.”
“Đúng. Nó đây.” Bà trỏ bức tranh. “Và như ông thấy, cửa vào đóng.”
Lối ra cũng thế, Corso bất giác nhún vai tự nhủ. Gã chuyển sang bức minh họa tiếp theo.

“Câu chú giải này đơn giản hơn,” gã nói. “FR.ST. A. Đây là bức duy nhất tôi dám đoán. Tôi cho rằng thiếu một chứ u và một chữ r. FRUSTRA. Nghĩa là ‘vô ích.’”
“Giỏi lắm. Chính xác là như vậy, và bức tranh hợp với lời chú giải. Lão già bủn xỉn đếm tiền vàng, không nhận ra sự có mặt của Thần Chết tay cầm hai biểu tượng rõ ràng: chiếc đồng hồ cát và cây chĩa ba.”
“Tại sao là chĩa ba mà không phải lưỡi hái?”
“Vì Thần Chết là người gặt hái, nhưng quỷ mới là người thu hoạch.”
Họ dừng ở bức minh họa thứ sáu với người đàn ông bị treo ngược lên tường thành. Frieda Ungern vờ ngáp ra chiều chán ngán, như thể sự thể đã quá rõ ràng.
“DIT.SCO M.R nghĩa là DITESCO MORI, Ta giàu lên nhờ cái chết, câu nói mà con quỷ hãnh diện phát biểu. Ông có nghĩ vậy không?”
“Tôi cho là vậy. Nói cho cùng thì đó là chuyện làm ăn của hắn.” Corso đưa ngón tay lướt trên bức tranh khắc. “Người đàn ông bị treo ngược tượng trưng cho cái gì?”
“Đầu tiên là bí quyết thứ mười hai trong bài Ta rô. Nhưng cũng có thể lý giải theo nhiều cách khác. Tôi nghĩ nó tượng trưng cho sự thay đổi thông qua sự hy sinh... Ông có biết trường ca về Odin[3] không?
[3] Odin: chủ thần trong thần thoại Bắc Âu; là thần Chiến tranh và thần của sự khôn ngoan.
Đằng đẵng chín đêm dài
Ta khắp mình thương tích
Treo trên đoạn đầu đài
Mặc gió trời vùi dập

Ông có thể nghĩ đến những liên kết sau,” bà nam tước tiếp tục. “Lucifer, chiến binh vì tự do, đau khổ vì tình yêu nhân loại. Và mang tới tri thức cho nhân loại thông qua hy sinh, cứ như thế để cho người đời nguyền rủa.”
“Bà có thể nói gì về bức họa thứ bảy?”
“DIS.S P.TI.R. Xem qua thì có vẻ khó hiểu. Nhưng tôi đoán đó là một câu ngạn ngữ mà các nhà hiền triết xưa rất thích: DISCIPULUS POTIOR MAGISTRO.”
“Hậu sinh khả úy?”
“Gần như vậy. Quốc vương và tên ăn mày chơi một bàn cờ kỳ lạ toàn những ô vuông một màu, trong khi hai con chó đen và trắng, cái Thiện và cái Ác, cắn xé nhau dã man. Mặt trăng đồng thời đại diện cho bóng đêm và người mẹ hiện ra ngoài cửa sổ. Hãy nhớ, những người mê tín cho là sau khi chết linh hồn ẩu náu trên mặt trăng. Ông đọc Isis của tôi rồi, đúng không? Màu đen tượng trưng cho màn đêm, bóng tối mịt mù, màu đen trên tấm gia huy, mặt đất, đêm, cái chết... Màu đen của Isis tương ứng với màu của Đức Mẹ đồng trinh, bà khoác áo choàng xanh dương và cư ngụ trên mặt trăng. Khi chết đi, chúng ta sẽ trở về bên bà, trở lại với cội nguồn bóng tối. Bóng tối ấy vốn nhập nhằng khó giải, bởi nó vừa bảo vệ vừa đe dọa. Con chó và mặt trăng có thể lý giải theo cách khác. Nữ thần săn bắn Artemis, hay Diana của thần thoại La Mã, nổi tiếng vì thường hay trả thù những người đem lòng yêu nàng hay có ý đồ lợi dụng nữ tính của nàng... Chắc là ông biết sự tích này.”
Corso đang mải nghĩ về Irene Adler, chậm rãi gật đầu. “Phải. Nàng ta thả chó ra sau khi biến họ thành nai đực.” Corso bất giác nuốt nước bọt. Hai con chó trong bức họa đánh nhau chí tử kia lúc này dường như báo một điềm gở. Mình và Rochefort ư? “Và cả hai bị xé thành từng mảnh.”
Bà nam tước liếc nhìn gã dửng dưng. Chính Corso là người đưa ra ngữ cảnh này, chứ không phải bà.
“Ý nghĩa cơ bản của bức họa thứ tám,” bà nói, “không có gì khó hiểu. VIC. I.T VIR. ứng với câu nói khá hay, VICTA IACET VIRTUS. Nghĩa là Đức hạnh lừa dối kẻ chiến bại. Trinh nữ sắp bị một người đàn ông mặc áo giáp cầm kiếm cắt cổ, tượng trưng cho đức hạnh. Trong khi đó thì bánh xe định mệnh, hay số phận, cứ quay một cách tàn nhẫn ở phía sau, chầm chậm nhưng chắc chắn sẽ hết vòng. Ba hình người trên đó tượng trưng cho ba thì mà ở thời Trung cổ người ta gọi là regno (Ta đang trị vì), regnavi (Ta đã trị vì), và regnabo (Ta sẽ trị vì).”
“Vẫn còn một bức họa nữa.”
“Phải. Bức cuối cùng và cũng là bức tranh nhiều ý nghĩa nhất. N.NC SC.O TEN.BR. LUX, không nghi ngờ gì có nghĩa là NUNC SCIO TENEBRIS LUX: Bây giờ ta biết là ánh sáng sẽ đến từ bóng tối. Cái mà ta có ở đây thực ra là hình ảnh trong sách Khải huyền của thánh John. Phong ấn cuối cùng bị phá, tòa thành bí mật bốc cháy. Thời đại của ả điếm Babylon đã đến, ả cưỡi con rồng bảy đầu, đắc thắng hô to danh tính hay mã số khủng khiếp của Ác thú.”
“Dường như chẳng có nghĩa lý gì nếu vượt qua bấy nhiều rắc rối chỉ để tìm thấy điều khủng khiếp này.” Corso nói.
“Đấy không phải điều nó muốn nói. Toàn bộ những lời phúng dụ đều là những tổ hợp mã dưới dạng tranh đố. Giống như trên một trang đố chữ có từ in với hình vẽ cái quạt fan và cái cây tree tạo thành từ infantry, những bức minh họa này cùng với lời chú thích, kết hợp với văn bản trong cuốn sách, cho phép xác định một chuỗi sự kiện hay một nghi thức. Công thức cho ta câu thần chú. Như kiểu verbum dimissum hay gì đấy.”
“Và rồi quỷ xuất hiện.”
“Về lý thuyết thì thế.”
“Câu thần chú này bằng ngôn ngữ gì? La tinh, Do Thái cổ hay Hy Lạp?”
“Tôi không biết.”

“Thế còn sai sót mà bà Montespan đề cập đến nằm ở đâu?”
“Tôi nói rồi, cả điều này tôi cũng không biết. Tôi chỉ xác định được mỗi một chuyện là người hành lễ phải thiết lập một chốn ma thuật để đặt vào đó các từ tìm được sau khi xếp chúng thành một chuỗi liên tiếp. Tôi không biết thứ tự của nó, nhưng đoạn văn ở trang 158 và 159 trong Chín cánh cửa có lẽ sẽ cho một chỉ dẫn. Xem này.”
Bà chỉ cho gã đoạn văn viết tắt bằng tiếng Latinh. Một tấm các đầy những dòng chữ viết tay nhỏ và sắc nét của bà chú giải trang sách đó.
“Bà hiểu nó nói gì chứ?” Corso hỏi.
“Phải. Ít nhất là tôi nghĩ thế.” Bà đưa tấm các cho gã.
Corso đọc:
Đây là con vật ngậm đuôi trong miệng quấn quanh mê cung nơi ngươi sẽ đi qua tám cánh cửa trước con rồng vốn là bí ẩn của câu thần chú.
Mỗi cánh cửa có hai chìa khóa:
một là hư không và một là vật chất
nhưng cả hai đều là một.
Người sẽ đặt vật chất lên lưng con rắn.
theo hướng mặt trời lên,
Và tấm bìa thiêng của sao Thổ trên bụng nó.
Ngươi sẽ bóc tấm bùa chín lần,
và khi hình phản xạ trên tấm gương trỏ lối,
ngươi sẽ tìm ra từ ngữ đã mất.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui