IX. NGƯỜI BÁN SÁCH PHỐ BONAPARTE
“Bạn thân mến,” Athos tư lự nói, “nên nhớ rằng chỉ có với người chết ta mới không phải chẳng may gặp lại trên thế giới này.”
A. Dumas, BA NGƯỜI LÍNH NGỰ LÂM.
Lucas Corso kêu cốc gin thứ hai rồi ngồi lại thoải mái trên cái ghế tựa đan bằng cành liễu gai. Dưới ánh nắng cảm giác thật dễ chịu. Gã ngồi trong sân trời của quán cà phê Atlas trên phố de Buci, dưới một khung sáng hình chữ nhật phủ lên những cái bàn. Đó là một buổi mai lạnh lẽo sáng sủa, trên bờ trái sông Seine người đông như kiến: những người Nhật lớ ngớ, người Anglo-Saxon mang giày đế mềm cầm vé xe điện ngầm đi tới đi lui đánh dấu bước chân của mình ở các địa danh trong tiểu thuyết của Hemingway, các bà xách giỏ đựng đầy rau diếp và bánh mì dài, những ông chủ phòng tranh gầy gò nghếch mũi tìm chỗ làm một ly cà phê trong bữa ăn trưa. Một thiếu phụ trẻ duyên dáng, tựa vào cánh tay một ông trung niên ăn mặc lịch sự, có vẻ là nhà buôn đồ cổ hay một thằng vô lại hoặc cả hai, đang ngắm quầy kính một cửa hàng thịt ướp sang trọng. Một chiếc Harley Davidson tất tật các chi tiết đều mạ kền sáng loáng, một con chó Fox Terrier bẳn tính bị buộc vào cửa một hàng rượu đắt tiền, một người đàn ông trẻ tóc tết bím chơi sáo bên ngoài một cửa hàng nhỏ. Và ở bàn bên cạnh Corso, một cặp người châu Phi nom rất thanh lịch uể oải hôn môi nhau, như thể toàn bộ thời gian trên cõi đời này thuộc về họ, như thể những chạy đua vũ trang, AIDS và lỗ hổng tầng ôzôn chẳng có nghĩa lý gì trong một buổi sáng Paris đầy nắng.
Gã thấy cô đi qua góc phố Mazarin về phía quán cà phê gã ngồi. Cùng với dáng dấp con trai, cái áo khoác len thô thả ngoài quần jean, đôi mắt giống như những ngọn đèn trên làn da cháy nắng, xa xa trông cô nổi bật trong đám đông, giữa đường phố đầy ánh mặt trời rực rỡ. Đẹp vô cùng, La Ponte chắc chắn sẽ nói vậy sau khi hắng giọng rồi xoay mình để phô ra hình dáng ưu nhã nhất của hắn - khi bộ ria hắn dày và xoăn hơn một chút - về phía cô. Nhưng Corso không phải là La Ponte, vì vậy gã chẳng nói hay tưởng cái gì. Gã chỉ hậm hực liếc nhìn người bồi bàn mang cốc gin đặt lên bàn - Pas d’Bols, m’sieu - Không có Bols, rồi chìa cho gã số tiền chính xác trên hóa đơn - Service compris, cả tiền phục vụ, anh bạn trẻ - trước khi quay lại nhìn cô gái đang tới gần. Đến lúc hết yêu nhau, Nikon để lại một lỗ trống trong lòng gã có kích thước bằng một loạt đạn. Thế là trọn vẹn cho tình yêu. Mà gã cũng chẳng tin rằng mình có hình dáng dễ coi, bây giờ cũng vậy hay bất cứ lúc nào cũng vậy. Và thật đáng bị ăn đòn nếu gã lại quan tâm đến chuyện ấy.
Gã tháo kính ra lau bằng cái khăn tay. Đường phố bây giờ đầy những hình dáng mơ hồ, những dáng người mang khuôn mặt nhòe mờ. Một trong số đó nổi bật và rõ ràng hơn khi tới gần, mặc dù chẳng bao giờ nó có thể hoàn toàn sắc nét: tóc ngắn, chần dài, giày mềm màu trắng, tất cả rõ lên dần khi gã chật vật tập trung nhìn rõ cô. Cô ngồi xuống cái ghế trống.
“Em thấy cửa hàng rồi. Cách mấy dãy phố.”
Gã đeo kính vào nhìn cô không trả lời. Họ đi cùng nhau từ Lisbon, sau khi vội vàng rời khỏi Sintra phi tới sân bay, cứ như theo lời kể của ông già Dumas. Hai mươi phút trước khi xuất phát, Corso phôn cho Amilcar Pinto báo với hắn rằng kiếp sống khốn khổ của nhà sưu tầm sách Fargas đã dứt và kế hoạch bị hủy bỏ. Pinto vẫn được trả số tiền đã thỏa thuận để đền bù cho hắn đã quan tâm giúp đỡ. Ngoại trừ cảm thấy bất ngờ - cú phôn đã đánh thức hắn - Pinto phản ứng khá tốt. Hắn chỉ nói, “Tôi không hiểu anh nói gì, Corso, anh và tôi đâu có gặp nhau đêm qua ở Sintra.” Nhưng hắn hứa sẽ cho ai đó điều tra cẩn thận về cái chết của Fargas. Đương nhiên là sau khi nhận được tin chính thức. Giờ thì hắn chẳng biết gì, và cũng chẳng muốn biết, còn về việc khám nghiệm tử thi, Corso nên hy vọng báo cáo giám định pháp y sẽ kết luận nguyên nhân cái chết là do tự sát. Để phòng xa, Pinto sẽ trao cho các cơ quan hữu quan mô tả một đối tượng tình nghi mang một vết sẹo. Hắn sẽ giữ liên lạc qua điện thoại. Hắn thuyết phục Corso đừng quay lại Bồ Đào Nha trong một thời gian. “Ồ, còn một chuyện cuối cùng,” Pinto nói thêm khi thông báo về chuyến bay đi Paris đến giờ xuất phát vang lên. Lần sau, trước khi lôi kéo một người bạn vào một vụ giết người, Corso nên nghĩ kỹ. Corso vội vàng bảo vệ sự vô tội của gã trước khi máy điện thoại nuốt nốt đồng escudo cuối cùng. Rồi, rồi, Pinto đáp, ai cũng nói thế cả.
Cô gái đang chờ trong phòng đợi lên máy bay. Corso, vẫn còn bàng hoàng và chưa nghĩ ra cách gì để thoát khỏi những éo le đeo đuổi gã khắp nơi,lấy làm ngạc nhiên về năng lực xuất chúng cô biểu hiện khi kiếm được hai tấm vé máy bay cho họ không khó khăn gì. “Em mới được thừa kế ít tiền.” Cô trả lời trước lời nhận xét đầy mỉa mai của gã khi thấy cô dường như chỉ có ít tiền còm như thế mà vẫn có thể trả cho cả hai tấm vé. Sau đấy, trong hai giờ bay từ Lisbon đến Paris, cô từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi gì. Để đến lúc thích hợp, cô nhắc lại và lén nhìn gã một thoáng trước khi đắm mình vào những vệt mây ngưng tụ sau đuôi máy bay trong không khí lạnh. Rồi, tựa đầu vào vai gã, cô ngủ thiếp đi, hoặc làm bộ vậy. Qua nhịp thở của cô, Corso biết cô vẫn thức. Đấy là cách thích hợp để tránh những câu hỏi cô không sẵn sàng hoặc không được phép trả lời.
Người khác ở địa vị gã có lẽ sẽ đòi bằng được câu trả lời, sẽ lay cô dậy cho bằng được. Nhưng Corso thì không, gã là một con sói kiên nhẫn, có nghề, với bản năng và phản xạ của người đi săn. Dù sao cô cũng là sợi dây duy nhất có thực kết nối gã với hoàn cảnh trớ trêu, hư ảo như trong tiểu thuyết này. Hơn nữa, gã đã hoàn toàn gánh vác vai trò một độc giả kiêm vai chính ở màn này của vở kịch, cái vai mà kẻ nào đó, bất kể là ai đang thắt nút bên dưới tấm thảm trải nhà, dưới sâu xa cốt truyện, có vẻ như đang muốn mời gã đóng kèm theo một cái nháy mắt hoặc là khinh thường hoặc là bí ẩn, gã không rõ đằng nào là phải.
“Ai đó đang giở trò với tôi.” Corso nói to, ở độ cao chín ngàn mét bay trên vịnh Biscay. Gã nhìn cô, nhưng cô không động đậy. Bực bội vì sự im lặng của cô, gã dịch vai đi. Đầu cô xuôi xẹo một thoáng. Rồi cô thở dài, sửa lại thế ngồi cho thoải mái, lần này đầu cô dựa vào cửa sổ.
“Đương nhiên là thế,” rốt cuộc cô nói, giọng ngái ngủ và đầy vẻ khinh thường, hai mắt vẫn nhắm nghiền. “Bất cứ tên thộn nào cũng biết.”
“Chuyện gì xảy ra với Fargas?”
“Chính ông thấy rồi,” cô trả lời sau một giây. “Ông ta chết đuối.”
“Ai làm?”
Cô chầm chậm quay đầu, từ bên nọ qua bên kia, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ. Bàn tay cô mảnh khảnh, rám nắng, móng không sơn, chậm rãi trượt theo mép tựa tay nơi rìa dưới cửa sổ. Rồi dừng lại ở bên lề, như thể những ngón tay cô đụng phải vật gì đấy không trông rõ.
“Đó không phải vấn đề.”
Corso nhăn mặt. Trông như gã sắp cười, nhưng thay vào đó gã chỉ nhe răng.
“Với tôi nó là vấn đề. Nó có rất nhiều ý nghĩa.”
Cô nhún vai. Vấn đề hai người quan tâm không giống nhau, có vẻ cô muốn tỏ ý như thế. Chúng không cùng thứ tự ưu tiên.
Corso vẫn khăng khăng. “Vai trò của cô trong toàn bộ chuyện này là cái gì?”
“Em nói rồi. Chăm sóc ông.”
Cô quay lại nhìn thẳng vào gã, cũng dứt khoát như khi nãy cô tránh không nhìn gã. Bàn tay cô lại trượt theo mép cửa sổ như muốn nối liền khoảng cách giữa hai người. Cô quá gần ở bên cạnh, khiến Corso tránh ra theo bản năng, bối rối và khó chịu. Sâu trong gan ruột gã, nơi khoảng vắng Nikon để lại, những ám ảnh bứt rứt và u ám nhộn nhạo khuấy đảo. Sự trống trải và đau đớn đang trở lại. Trong đôi mắt bình thản và không ký ức của cô gái, gã thấy bóng những hồn ma quá khứ, cảm giác chúng đang khẽ phớt qua da gã.
“Ai cử cô đến?”
Cô cụp hàng mi phủ trên đôi mắt tỏa sáng, giống như cô lật một trang sách. Chẳng còn gì ở đó nữa. Cô nhăn mũi, bực bội.
“Ông làm em chán đấy, Corso.”
Cô quay đầu lại cửa sổ nhìn ra ngoài. Bầu trời xanh mênh mang điểm những sợi mây trắng bị chia cắt bởi một vệt màu vàng và màu hoàng thổ ở phía xa xa. Đất liền kia. Nước Pháp. Chặng tới, Paris. Hay là chương kế tiếp. Tiếp tục trong số tuần sau. Kết thúc, lưỡi kiếm giương cao, chỗ tạm ngưng đầy gay cấn điển hình cho tiểu thuyết nhiều kỳ. Gã nhớ lại Quinta da Soledade, dòng nước nhỏ giọt từ vòi phun, cái xác Fargas chìm trong đám cây hoa súng và lá rụng trong ao. Gã xoay xở khó khăn trên ghế. Gã có đủ lý do để cảm thấy mình đang phải bỏ chạy. Đúng là ngớ ngẩn. Thay vì tự mình chọn đường chạy trốn, đây là gã bị buộc phải chạy trốn.
Gã nhìn cô gái và cố đánh giá hoàn cảnh của mình thật khách quan. Có lẽ không phải gã chạy trốn mà đang hướng tới thứ gì khác. Hoặc có thể điều bí ẩn gã cố trốn tránh đang ẩn giấu trong va li của gã. Rượu vang Anjou. Chín cánh cửa. Irene Adler. Cô tiếp viên hàng không, với nụ cười luyện kỹ và ngốc nghếch, nói gì đó khi đi ngang qua. Corso mải mê suy nghĩ, nhìn mà không thấy cô. Giá mà gã biết đoạn kết của câu chuyện đã được viết ra hay là chính gã đang viết nó trong khi theo đuổi từ chương này đến chương khác.
Gã không nói gì thêm với cô. Khi họ tới Orly, gã như quên mất cô, mặc dù vẫn biết cô đang theo chân gã. Ở chỗ kiểm tra hộ chiếu, sau khi trình thẻ căn cước, gã ngoái lại xem cô có loại giấy tờ gì, nhưng gã chỉ thấy một hộ chiếu bọc da đen, bên ngoài không có dấu hiệu gì. Hẳn là hộ chiếu châu Âu, vì cô đi qua cửa dành cho công dân cộng đồng châu Âu. Ra đến bên ngoài, khi Corso cho tài xế địa chỉ quen thuộc Louvre Concorde và leo lên taxi, cô trườn vào ghế bên cạnh gã. Họ đi trong im lặng. Cô xuống trước để gã trả tiền. Tài xế không có tiền trả lại, vì vậy Corso phải nán lại đôi chút. Khi gã đi qua hành lang, cô đã lấy được phòng và đang theo sau người phục vụ mang cái túi đeo của cô. Cô vẫy tay với Corso trước khi bước vào thang máy...
“Đó là một cửa hàng rất đẹp. Hiệu sách Replinger. Bản thảo chép tay và tư liệu lịch sử. Và đang mở cửa.”
Cô ra hiệu cho người bồi là không cần gì rồi nghiêng đầu nhìn Corso phía bên kia bàn, trong quán cà phê phố de Buci. Đường phố qua ô cửa sổ phản chiếu trong mắt cô long lanh như một cái gương.
“Ta có thể đến đó ngay bây giờ.”
Họ gặp lại nhau vào bữa sáng, khi Corso đang đọc báo bên một cửa sổ nhìn ra quảng trường Cung điện hoàng gia. Cô chào buổi sáng rồi ngồi xuống. Cô nhai ngấu nghiến bánh mì nướng và bánh sừng bò. Rồi nhìn Corso, một đường viền cà phê sữa bám ở môi trên, giống như một cô gái nhỏ. “Chúng ta bắt đầu từ đâu?”
Vậy là lúc này họ ở đó, cách hiệu sách Achille Replinger hai dãy phố. Cô gái đề nghị đi tìm khi Corso uống ly rượu gin đầu tiên trong ngày của gã. Gã có cảm giác đó không phải là ly cuối cùng.
“Ta có thể tới đó ngay bây giờ,” cô lặp lại.
Corso vẫn do dự. Gã đã thấy làn da rám nắng của cô ở trong mơ. Gã nắm tay cô đi trên cánh đồng hoang mờ tối. Những cột khói dựng lên phía chân trời, núi lửa sắp phun trào. Họ ngẫu nhiên vượt qua một chiến binh với khuôn mặt nghiêm nghị, áo giáp phủ đầy bụi đất, lẳng lặng nhìn họ, xa lạ và lạnh lùng như những chiến binh tử thần u buồn thành Troie. Chân trời đang sẫm lại và cột khói dần đặc hơn. Những khuôn mặt dửng dưng ma quái của các chiến binh tử trận chứa đựng một lời cảnh báo. Corso muốn thoát đi. Gã cầm tay kéo cô đi, băn khoăn không muốn để cô ở lại, nhưng không khí trở nên đặc quánh, nóng giãy, tối tăm, ngột ngạt. Cuộc trốn chạy của họ kết thúc bằng một cú rơi vô tận, một cơn hấp hối chầm chậm trong đau đớn. Bóng đêm bùng cháy như lò lửa. Mối liên hệ duy nhất với bên ngoài là bàn tay gã đang cố nắm lấy tay cô. Điều cuối cùng gã cảm thấy là bàn tay cô lỏng dần khỏi tay gã, cuối cùng hóa thành tro. Và đằng trước gã, trong bóng đêm bao phủ bình nguyên bốc cháy và đầu óc gã, những đốm trắng, những dấu vết thoắt hiện thoắt biến như những tia chớp, làm nổi bật lên hình dáng ma quái của một cái sọ người. Không vui vẻ gì khi nhớ lại. Để xóa đi mùi vị của tro tàn trong miệng và những hình ảnh khủng khiếp này, Corso uống cạn cốc gin rồi nhìn cô gái. Cô cũng đang nhìn gã, như một đồng bọn có kỷ luật đang im lặng chờ chỉ thị. Đơn giản và lặng lẽ, cô chấp nhận vai trò kỳ quái của mình trong câu chuyện này. Khó mà giải thích được biểu hiện trung thành của cô.
Hai người đồng thời đứng dậy. Corso quàng cái túi vải qua vai, họ chậm rãi đi dọc bờ sông. Cô gái đi phía trong, thỉnh thoảng dừng bước trước một quầy hàng, khiến gã chú ý tới một tấm ảnh, một bức tranh khắc gỗ hay một cuốn sách. Cô nhìn mọi vật với cặp mắt mở to tràn ngập tò mò và luyến tiếc trong khi mỉm cười sâu lắng, như thể muốn tìm kiếm những dấu vết của chính mình trong những đồ vật xưa cũ nọ. Như thể, ở một góc nào đó trong ký ức, cô đã chia sẻ quá khứ chung với một vài người sống sót được thủy triều tấp vào bờ sau mỗi vụ đắm tàu tàn hại trong lịch sử.
Có hai cửa hàng bán sách đối diện ở hai bên đường phố. Cửa hàng Achille Replinger với bộ cửa gỗ cổ kính trang nhã đánh véc ni có tấm biển hiệu LIVRES ANCIENS, AUTOGRAPHES ET DOCUMENTS HISTORIQUES. Sách cổ, bản thảo viết tay và tư liệu lịch sử. Corso bảo cô gái chờ bên ngoài, cô cũng chẳng phản đối. Khi tới cửa, gã nhìn vào cửa sổ và thấy hình ảnh phản chiếu của cô sau lưng. Cô đứng bên kia đường, đợi gã.
Một tiếng chuông vang lên khi gã đẩy cửa ra. Có một cái bàn gỗ sồi, những giá sách cũ, những kệ đầy kẹp tài liệu, hàng tá tủ gỗ đựng giấy tờ. Các tủ này được đánh dấu theo vần chữ cái chạm tỉ mỉ trên những tấm lắc đồng thau. Một bản thảo viết tay đóng khung treo trên tường với dòng thuyết minh “Một đoạn trong Tartuffe. Molière”. Ngoài ra là ba ấn phẩm hoàn hảo: Victor Hugo, Flaubert, ở giữa là Dumas.
Achille Replinger đứng cạnh bàn, thân hình chắc nịch với nước da đỏ đắn. Một chàng Porthos với bộ ria xám rậm rì và cái cằm hai ngấn chèn cả lên cổ áo sơ mi mòn vẹt vì thắt cà vạt. Trang phục đắt tiền nhưng cẩu thả. Áo jacket căng ra chứa bộ ngực, cái quần flanen nhăn nhúm và xộc xệch.
“Corso... Lucas Corso,” hắn nói vẻ cau có, đưa bàn tay với những ngón to khỏe cầm bức thư giới thiệu của Boris Balkan. “Phải rồi, mấy hôm trước ông ta gọi cho tôi. Một việc gì đó về Dumas.”
Corso đặt túi lên bàn, lôi ra tập mười lăm trang bản thảo Rượu vang Anjou. Người bán sách trải chúng ra trước mặt, nhướng mày.
“Thú vị,” hắn khẽ nói. “Rất là thú vị.”
Hắn vừa nói vừa thở phì phò như người bệnh hen. Hắn móc từ trong túi áo jacket ra mấy cái ly, bày lên bàn sau khi thoáng liếc nhìn khách. Hắn cúi mình trên tập tài liệu. Rồi lại ngẩng lên với nụ cười mê mẩn.
“Thật đặc sắc,” hắn nói. “Tôi sẽ mua nó ngay bây giờ.”
“Nó không phải để bán.”
Replinger hơi ngạc nhiên. Hắn mím môi, vẻ gần như giận dỗi. “Tôi nghĩ...”
“Tôi chỉ cần ý kiến của một chuyên gia. Ông sẽ được trả tiền theo giờ, tất nhiên.”
Achille Replinger lắc đầu. Hắn không quan tâm đến tiền. Bối rối, hắn ngừng lại nghi hoặc nhìn Corso một lúc từ trên cái ly. Rồi lại cúi xuống tập bản thảo.
“Thật đáng tiếc,” cuối cùng hắn noi và nhìn Corso với vẻ tò mò, như thể không hiểu làm sao trên đời lại có thứ như vậy rơi vào tay gã. “Ông vớ được nó bằng cách nào?”
“Tôi được thừa kế từ một bà cô già. Trước kia đã bao giờ ông trông thấy nó chưa?”
Vẫn ngờ vực, Replinger nhìn qua vai Corso, qua cửa sổ ra ngoài phố, như thể có ai đó bên ngoài có thể mang lại cho hắn một ít thông tin về ông khách. Cũng có lẽ hắn đang nghĩ xem nên trả lời câu hỏi của gã như thế nào. Hắn giật giật bộ ria mép, như thể nó đang bị lệch và hắn đang xác định để chắc rằng nó vẫn ở đúng chỗ, rồi mỉm cười lảng tránh.
“Ở khu phố này ông chẳng bao giờ có thể chắc rằng mình đã nhìn thấy thứ gì trước đó... Lúc nào thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những ai làm ăn về sách và ấn phẩm. Mọi người tới mua và bán,mọi thứ qua tay cùng một người đến mấy lần.” Hắn dừng lại thở rồi nhìn Corso bực bội. “Tôi không nghĩ vậy... Không, trước đây tôi chưa bao giờ thấy bản thảo này,” hắn nói. Hắn lại nhìn ra đường, giọng kích động. “Nếu mà có nó thì tôi chắc...”
“Như vậy nó là đồ thật?” Corso hỏi.
“Hừm... kỳ thực, đúng vậy.” Replinger vừa ậm ừ vừa vuốt ve những tờ giấy màu xanh. Có vẻ như hắn đang kìm mình đừng sờ soạng chúng. Sau cùng hắn dùng ngón trỏ và ngón cái nhón lấy một tờ. “Nét chữ hơi tròn, cỡ trung bình, không có cước chú hay vết tẩy xóa... Hầu như không có dấu chấm câu, và viết hoa bất kể ở chỗ nào. Đây chính xác là Dumas ở thời kỳ đỉnh cao, khoảng giữa cuộc đời, khi ông viết Lính ngự lâm.” Hắn càng nói càng kích động. Rồi lại im và nhấc ngón tay ra. Corso nhìn thấy nụ cười của hắn ẩn dưới bộ ria mép. Dường như hắn đã quyết định. “Chờ chút đi.”
Hắn bước tới tủ tài liệu có đánh dấu chữ D, lôi ra mấy kẹp giấy bìa màu da bò.
“Tất cả đều của Alexandre Dumas bố. Kiểu chữ giống hệt nhau.”
Có khoảng một tá tài liệu, một vài tài liệu không có chữ ký hoặc chỉ có tên viết tắt chữ cái đầu A. D. Một số có chữ ký đầy đủ. Hầu hết đều là ghi chú ngắn gửi nhà xuất bản, thư cho bạn bè hoặc giấy mời.
“Đây là một trong những bản thảo viết tay gửi sang Mỹ của Dumas,” Replinger giải thích. “Lincoln hỏi xin một bản, Dumas liền gửi cho ông ta mười đô la và một trăm bản viết tay. Chúng được mang bán ở Pittsburgh với mục đích từ thiện.” Hắn chìa cho Corso xem toàn bộ số tư liệu với vẻ tự hào nghề nghiệp rõ rệt dù đã kiềm chế. “Nhìn này. Đây là một tấm thiệp mời tới ăn tối với Dumas ở Montecristo, tại nhà ông ở Port Marly. Đôi khi ông chỉ ký với chữ cái đầu, đôi khi lại dùng biệt hiệu. Nhưng không phải tất cả chữ ký trôi nổi trên thị trường đều là thứ thiệt. Ở tòa soạn báo Lính ngự lâm thuộc sở hữu của Dumas, có một người tên là Viello có thể bắt chước cách viết và chữ ký của ông. Và trong ba năm cuối đời tay Dumas bị run đến nỗi ông phải đọc tác phẩm của mình cho người khác chép lại.”
“Tờ màu xanh có ý nghĩa gì?”
“Loại giấy từ Lille gửi tới. Do một người thợ in rất ngưỡng mộ ông làm ra. Ông thường dùng màu này, nhất là với tiểu thuyết. Thỉnh thoảng ông dùng màu hồng nhạt khi viết báo, hoặc màu vàng cho thơ. Ông cũng dùng vài thứ bút khác nhau, tùy theo lúc đó đang viết thứ gì. Và không bao giờ dùng mực màu xanh lam.”
Corso trỏ bốn trang giấy màu trắng có những ghi chú và sửa chữa. “Những chỗ này thì sao?”
Replinger nhăn mặt. “Maquet. Người cộng tác với ông, Auguste Maquet. Đấy là Dumas sửa lại bản gốc.” Hắn vuốt ve bộ ria mép. Rồi cúi xuống đọc to với giọng sân khấu, “‘Kinh khủng! Kinh khủng!’ Athos lẩm bẩm trong khi Porthos đập tan những cái chai và Aramis ra lệnh hơi có chút muộn màng rằng hãy mời giáo sĩ tới nghe lời xưng tội...” Replinger thở dài rồi ngừng lại. Hắn gật đầu, thỏa mãn, rồi cho Corso xem một trang. “Nhìn này, Maquet chỉ viết: Và gã thở hắt ra trước mặt mấy người bạn d’Artagnan trong cơn kinh hoảng. Dumas xóa hết dòng này và thêm vào những đoạn kia ở bên trên, thêm lời thoại cho đoạn văn dày dặn phong phú hơn.”
“Ông biết gì về Maquet?”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...