Cậu Ấm Ngây Thơ


Hôm dự định liên hoan chia tay anh Bí Đỏ, buổi sáng đến trường, tự nhiên Nhím nói với tôi: - Này cậu, hôm trước nhà I-ka Gin họ tìm đến tôi, bảo là cậu đối xử với họ rất thô bạo, họ không chịu được, nhờ tôi nói với cậu để cậu đi nơi khác. Tôi cứ tưởng thật nên đã nói lại với cậu y nguyên như thế. Sau này tôi mới biết, nhà ấy là loại tồi. Họ hay đóng dấu giả vào các bức thư họa cổ để bán. Vậy thì chuyện của cậu nhất định cũng do họ bịa đặt ra mà thôi. Họ gạ gẫm bán tranh, bán đồ cổ cho cậu nhưng cậu không mua. Không kiếm chác được nên họ bịa chuyện, nói láo để đuổi cậu. Không biết là họ xấu như vậy nên tôi đã hiểu lầm cậu. Tôi có lỗi lớn với cậu. Mong cậu tha thứ!
Tôi không nói gì, lẳng lặng nhặt một xu rưỡi ở trên bàn anh ta nhét vào ví. Nhím nghi ngờ nhìn tôi:
- Cậu lấy lại tiền đó à?
- Ừ, hôm trước tôi nghĩ là tôi không cần anh chiêu đãi nên tôi trả lại. Nhưng sau tôi nghĩ lại, thấy là được anh mời cũng tốt, nên tôi lấy lại. Tôi giải thích.
- Ha... ha... ha...! Nghĩ vậy sao không lấy lại từ trước đi? Nhím cười hô hố hỏi tôi. Tôi bảo:
- Thực ra thì tôi đã định lấy lại mấy lần rồi, nhưng thấy không tiện nên cứ để nguyên như thế. Dạo này, mỗi lần đến trường, nhìn thấy một xu rưỡi trên bàn tôi rất buồn.
- Cậu đúng là một thằng hiếu thắng.
- Còn anh thì là kẻ bướng bỉnh có hạng.
Tôi trả lời. Sau đó Nhím hỏi tôi:
- Cậu quê ở đâu?
- Tôi là dân Êđô.
- Hử, dân Êđô à? Thảo nào mà kiêu ngạo, hiếu thắng khiếp!
- Còn anh?
- Tôi quê ở Ai-zu.
- Dân Ai-zu à? Thế thì cứng đầu cứng cổ lắm đấy! Hôm nay anh có đi dự liên hoan không?
- Đi chứ! Còn cậu?
- Tất nhiên là tôi đi. Tôi còn định, hôm anh Ko-ga đi, tôi sẽ tiễn anh ấy ra tận bến đò kia.
- Liên hoan sẽ vui lắm đấy. Cậu đi sẽ thấy. Hôm nay tôi định sẽ uống cho bí tỉ đây!
- Anh cứ việc uống thoải mái. Còn tôi, tôi chén no đồ nhắm xong là về ngay. Những thằng uống rượu là những thằng ngốc.
- Cậu đúng là vua gây chuyện nhỉ. Đúng là thể hiện sự nông nổi, phổi bò của dân Êđô.
- Thế cũng được. Trước khi đi dự liên hoan, anh ghé qua chỗ tôi một chút nhé. Tôi có chuyện muốn nói với anh.
Giữ lời hứa, Nhím ghé vào nhà trọ của tôi. Dạo này trông thấy anh Bí Đỏ tôi rất thương. Cuối cùng hôm nay đã đến ngày chia tay với anh ấy, tôi càng thấy anh ấy tội nghiệp vô cùng. Tôi định làm một cái gì đó cho anh ấy, nếu mà tôi làm được. Ví dụ trong bữa liên hoan hôm nay, tôi sẽ nói những lời thật hay để động viên an ủi anh ấy và làm cho buổi chia tay thật long trọng, đường hoàng... Song với cái giọng tào lao của tôi, làm sao có thể đạt được nguyện vọng ấy. Vì vậy tôi định nhờ Nhím, với cái giọng hùng hồn của anh ta, sẽ vạch rõ tim đen của Áo Đỏ cho hắn biết một lần. Vì vậy nên tôi đã gọi Nhím đến.
Tôi vào đề bắt đầu từ chuyện về Madonna. Về chuyện này, tất nhiên Nhím còn biết rõ hơn tôi nhiều. Tôi kể chuyện trên đê No-ze-ri và bảo “đúng là đồ ngu ngốc”. Nhím bảo:
- Cậu thì ai cậu cũng gọi là đồ ngu ngốc. Hôm nay ở trường chúng nó cũng gọi chính cậu là đồ ngốc đấy thôi? Nếu cậu là đồ ngốc thì Áo Đỏ không thể là đồ ngốc được, bởi vì không thể đánh đồng giữa mình với Áo Đỏ như vậy.
- Vậy thì hắn là đồ hèn. Loại ngu ngốc hèn nhát chăng?
- Ừ. Có lẽ đúng thế đấy. Nhím nhiệt liệt tán thành.
Nhím mạnh mẽ thì mạnh mẽ thật đấy, nhưng khi phải chọn từ ngữ như thế này thì lại tỏ ra kém hơn tôi về chữ nghĩa rất nhiều. Có lẽ dân Ai-zu tất cả đều thế.

Sau đó tôi nói chuyện Áo Đỏ định tăng lương và tăng chức cho tôi. Nghe thế, Nhím phì mũi:
- À, có lẽ hắn định miễn chức tôi đấy!
Tôi hỏi:
- Nếu họ miễn chức của anh thì anh có đồng ý không?
- Ai mà đồng ý? Tôi mà bị miễn chức thì tôi cũng làm cho Áo Đỏ cùng bị miễn chức mới nghe. Nhím đe dọa.
- Thế anh làm thế nào để cho hắn cũng bị miễn chức như anh? Tôi hỏi.
- Cái đó thì tôi chưa nghĩ đến. Nhím trả lòi.
Nhím là người mạnh mẽ nhưng xem ra không có nhiều trí tuệ lắm. Tôi bảo tôi đã từ chối việc tăng lương rồi. Hắn vui sướng và khen tôi:
- Cậu khá lắm. Đúng là dân Êđô.
Tôi hỏi Nhím là nếu anh Bí Đỏ không thích đi như thế thì tại sao anh ấy không khiếu nại, đòi ở lại. Nhím bảo là khi anh ấy biết chuyện thì mọi sự đã quyết định xong rồi. Anh ấy có gặp hiệu trưởng hai lần, gặp Áo Đỏ một lần để kêu nhưng họ đều bảo là không thay đổi được. Cũng tại anh ấy là người quá tốt nên việc mới khó thêm ra. Giá như ngay khi nghe Áo Đỏ nói mà anh ta cứ cương quyết từ chối, hay thoái thác nọ kia thì xong ngay. Đằng này, nghe mồm mép liến thoắng của tay kia, anh ta không nói gì, đành im lặng chấp nhận, thành ra sự đã rồi. Sau này, dù mẹ anh ta khóc lóc, anh ta đi lại van nài cũng không được nữa. Thật rõ chán.
Tôi bảo vụ này nhất định là do âm mưu của Áo Đỏ, muốn đẩy anh Bí Đỏ đi xa để chiếm Madonna đây. Nhím nói:
- Tất nhiên đúng thế rồi. Thằng cha ấy bề ngoài làm ra vẻ hiền lành, tử tế nhưng làm rặt những chuyện ác. Nếu ai có nói gì thì hắn tìm cách lẩn tránh, rất gian ngoan xảo quyệt. Với loại ấy, chỉ có nện cho thật đau thế này này, thì may ra nó mới chừa.
Nhím vừa nói vừa xắn tay áo, để lộ những bắp thịt đang lên gân cuồn cuộn. Tôi bảo:
- Tay anh trông có vẻ cứng nhỉ. Ta thử vật Judo xem nào.
Hắn liền lên gân cánh tay và bảo tôi sờ thử. Tôi lấy đầu ngón tay ấn thử thấy rắn đanh, y hệt hòn đá kì trong nhà tắm nước nóng. Tôi rất mê và bảo:
- Tay anh cứng như vậy, một mình anh có thể đánh bay một lúc năm, sáu thằng như Áo Đỏ dễ như bỡn đấy nhỉ.
- Tất nhiên.
Hắn vừa nói vừa co giãn hai cánh tay. Những bắp thịt cuồn cuộn như đang nhào lộn dưới lớp da, trông rất khoái. Nhím bảo là nếu dùng hai sợi dây bện bằng giấy Nhật, xe lại với nhau rồi quấn vào chỗ bắp thịt cuộn lên đó, lên gân vặn một cái, sợi dây sẽ đứt ngay. Tôi bảo nếu dây bằng giấy thì tôi cũng làm được.
- Làm được à? Làm được thì làm thử xem nào.
Nhỡ ra mà không đứt thì mang tiếng chết. Tôi cân nhắc và thôi không làm. Tôi xui hắn, nửa đùa nửa thật:
- Này, tối nay uống rượu xong, anh nện cho Áo Đỏ một trận chăng?
- Ừ, có lẽ thế.
Nhún có vẻ suy nghĩ rồi bảo:
- Tối nay có lẽ không nên.
Tôi hỏi:
- Tại sao?
- Là vì nếu làm thế thì tội nghiệp anh Ko-ga... Nếu cần nện thì ta tìm dịp khác. Khi nào bắt được quả tang hắn đang làm gì bậy bạ, ta nện tại chỗ. Làm như vậy mình khỏi mắc lỗi.
Hắn phân tích cho tôi, nghe ra có lí có lẽ. Thì ra, hắn trông thế mà xem ra có vẻ hiểu biết hơn tôi. Tôi bảo:

- Hay ta nói thật hùng hồn, ca ngợi anh Ko-ga thật nhiều vào chăng? Nhưng mà tôi nói thì cái giọng Êđô liến thoắng của tôi làm mọi người khó nghe. Mà hễ cứ nói cái gì quan trọng là tôi hay cảm động, tự nhiên cổ nghẹn lại, không nói được. Cho nên anh nói đi.
- Chà! Cậu có cái bệnh gì kì lạ nhỉ? Vậy ra cậu là cái loại trước đám đông thì mồm mép không mở ra được. Cái đó khó đấy.
Nhím nói thế. Tôi bảo:
- Khó gì, không khó đâu.
Nói đi nói lại mãi, đã đến giờ phải đi liên hoan. Chúng tôi đi đến hội trường. Hội trường liên hoan ở Ka-shin-tei, một hiệu ăn vào loại bậc nhất ở vùng này. Tôi chưa hề đặt chân vào đây lần nào. Nghe nói nơi này vốn là dinh thự của một viên quan cỡ tể tướng, người ta đã mua lại và mở cửa hàng ăn. Quả thật, vào trong mới thấy cơ ngơi rất sang trọng. Dinh thự của tể tướng mà đem làm cửa hàng ăn uống thì có khác nào đem bộ chiến bào ra khâu lại thành chiếc áo may ô?!
Hai người tới nơi thì hầu như đã đủ mặt tất cả. Trong gian phòng rộng năm mươi chiếu, mọi người túm tụm thành hai ba nhóm. Phòng năm mươi chiếu thì rộng thật. Cái gian phòng mười lăm chiếu mà tôi được làm chủ ở quán trọ Ya- ma-si-ro không thể so với ở đây được. Nếu đo thử thì phải dài đến hai gian(*). Phía tay phải có đặt một cái bình loại gốm Se-to có hoa vân đỏ. Trong bình cắm một cành thông lớn. Không biết cắm cành thông như thế thì có ý nghĩa gì. Nhưng rõ ràng cành thông ấy thì phải mấy tháng cũng không héo. Không phải thay, đỡ khối tiền. Tôi hỏi ông thầy dạy khoa học thường thức cái bình Se-to kia là của nơi nào? Ông ấy bảo đó không phải bình Se-to mà là bình I-ma-ri. Tôi hỏi bình I-ma-ri thì không phải Se-to à? Ông ấy cười hố hố. Sau này tôi mới biết những đồ gốm sản xuất ở Se-to thì người ta gọi là Se-to. Tôi là dân Êđô nên cứ tưởng hễ là đồ gốm thì gọi là Se-to.
(*) Gian là đơn vị đo chiều dài = 1,8m.
Chính giữa gian nhà có treo một bức trướng, trên đó viết hai mươi tám chữ Hán, mỗi chữ to bằng cả mặt tôi, chữ nào chữ ấy viết xấu như ma. Trông xấu quá, tôi bèn hỏi ông thầy Hán học tại sao người ta lại treo cái chữ kém cỏi ấy một cách cung kính như thế? Ông ấy bảo đó là bút tích của Kai-ô-ku, một thư gia nổi tiếng. Kai-ô-ku, Kai-ô-kiếc gì mà sao tôi thấy viết xấu thế không biết.
Cuối cùng, anh thư kí Ka-wa-mu-ra lên tiếng mời quý vị vào chỗ. Tôi tìm một chỗ có cột dựa lưng và ngồi xuống. Ngồi trước bức trướng của Kai-ô-ku là Ta-nu-ki với bộ Kimono chỉnh tề. Phía tay trái là Áo Đỏ, cũng y hệt bộ y phục ấy. Còn phía tay phải là anh Bí Đỏ, nhân vật chính của buổi liên hoan này, cũng mặc lễ phục Nhật Bản. Tôi mặc đồ Tây nên ngồi quỳ bị kích khó chịu, bèn ngồi bệt ngay xuống đệm. Bên cạnh tôi, ông thầy thể dục mặc quần áo màu đen, ngồi quỳ rất nghiêm chỉnh. Ông ta là giáo viên thể dục, cho nên hàng ngày đã được rèn luyện kĩ rồi mà.
Các mâm thức ăn được bưng ra, trên bàn xếp đầy các cút rượu. Người chủ trì đứng lên nói vài câu mở đầu. Sau đó đến Ta-nu-ki rồi Áo Đỏ đứng lên. Ai cũng nói những lời từ biệt, nhưng cả ba đều như đã được hẹn trước với cùng một nội dung là anh Bí Đỏ là một người tốt, một giáo viên tuyệt vời. Phải chia tay với anh là một điều thật đáng tiếc. Đó là một sự thiệt thòi không những chỉ cho nhà trường mà cho cả mỗi cá nhân chúng tôi. Song, đây là nguyện vọng của anh nên đành phải chịu! Dối trá đến nước này mà còn tổ chức liên hoan chia tay mà không thấy xấu hổ. Trong ba người thì Áo Đỏ là người ca tụng anh Bí Đỏ nhiều nhất. Thậm chí hắn còn nói mất một người bạn tốt như anh là một bất hạnh lớn nhất đối với hắn. Đã thế, giọng nói của hắn lại rất mùi mẫn, ăn khớp. Giọng nói vốn đã nhẹ nhàng, hôm nay hắn lại càng rền rĩ, khiến ai mới nghe lần đầu, không hiểu hắn, thì không thể không bị lừa. Chắc Madonna cũng đã bị quyến rũ bằng cái thủ thuật này của hắn đây. Trong khi Áo Đỏ đứng nói, thì Nhím đang ngồi đối diện đưa mắt nhìn tôi, nháy mắt ra hiệu. Tôi đưa tay lên bành mắt, thè lưỡi trả lời lại hắn(*).
(*) Một cử chỉ ra hiệu tỏ ý là “nói dối đấy, đừng có tin”.
Chờ Áo Đỏ nói xong, ngồi xuống, Nhím đứng ngay dậy. Tôi mừng quá, bất ngờ vỗ tay bốp, bốp, bốp... Tất cả mọi người, kể cả Ta-nu-ki, đều ngạc nhiên quay nhìn tôi, làm tôi hơi ngượng. Tưởng Nhím nói gì, té ra hắn nói:
“Vừa rồi ông hiệu trưởng và ông hiệu phó đều nói là rất lấy làm tiếc về việc anh Ko-ga phải chuyển đi. Tôi thì ngược lại, tôi chỉ mong cho anh ấy đi sớm khỏi đây ngày nào tốt ngày ấy. No-be-ô-ka là nơi xa xôi hẻo lánh, chắc là về vật chất sẽ khó khăn hơn ở đây. Nhưng nghe nói về phong tục, ở đó là nơi rất ôn hòa chất phác, từ học sinh đến giáo viên, ai cũng trung thực, thẳng thắn. Tôi tin rằng ở đó sẽ không có một kẻ nào đạo đức giả, lúc nào cũng ra vẻ ta đây quân tử, bề ngoài thì diêm dúa, mồm miệng ngọt xớt, mà trong bụng thì gian tà, hại người khác. Một người hiền từ nhân hậu như anh, đến đó nhất định sẽ được quý mến. Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng sự thuyên chuyển này của anh. Cuối cùng, tôi mong rằng anh đến nhận việc ở No-be-ô-ka sẽ tìm được một người thục nữ, xứng đáng làm vợ quân tử, mau chóng xây dựng một gia đình hạnh phúc tràn trề, để cho cái loại đàn bà đỏng đảnh, lẳng lơ nhìn thấy mà xấu hổ, đến phải chết quách đi.”
Nhím e hèm hắng giọng rồi ngồi xuống. Tôi lại định vỗ tay, nhưng sợ mọi người nhìn nên thôi. Nhím ngồi xuống xong, đến lượt thầy Bí Đỏ đứng dậy. Anh ta trịnh trọng đi ra phía đầu dãy bàn, kính cẩn cúi chào mọi người rồi mới nói:
“Hôm nay nhân dịp tôi sắp chuyển về Kyu-shu theo nhiều lí do cá nhân, được các thầy tổ chức buổi liên hoan chia tay trịnh trọng và chu đáo thế này, tôi thật lấy làm cảm động. Tôi chân thành cảm ơn tất cả quý vị. Vừa rồi, đã được thầy hiệu trưởng, thầy hiệu phó và các thầy cho những lời dặn dò, từ biệt rất quý báu. Tôi sẽ ghi sâu trong lòng những lời tốt đẹp đó. Sắp tới, tôi sẽ chuyển đi xa, nhưng mong rằng cũng như từ trước tới nay, mọi người vẫn luôn nhớ đến tôi, dành cho tôi sự quan tâm quý mến.”
Nói xong, anh cúi rạp xuống chào mọi người rồi đi về chỗ.
Không hiểu sao cái anh Bí Đỏ này lại tốt đến mức như vậy. Đối với cái ông hiệu trưởng, tay Áo Đỏ, những người đã coi thường anh ta đến thế mà anh ta vẫn lễ độ, tử tế như vậy. Giá như đó chỉ là những lời xã giao thì cũng được. Đằng này, từ dáng điệu, cử chỉ, nét mặt lẫn lời nói đều cho thấy rõ ràng anh ta cảm ơn họ một cách chân thành. Lẽ ra, trước một người thánh thiện như vậy, được đối xử như vậy thì họ phải biết cảm động hay xấu hổ đến đỏ mặt lên ấy chứ. Nhưng Ta-nu-ki và Áo Đỏ chỉ biết nghiêm trang lắng nghe và cứ tưởng đúng là mình xứng đáng được cảm ơn như vậy.
Chào hỏi xong xuôi đâu đấy rồi thì bắt đầu chỗ này “sụ...p” chỗ kia “so...ạp”. Tôi cũng bắt chước họ húp thử canh. Dở ơi là dở. Đồ ăn thì có chả cá Ka-ma-bo-ko nhưng trông đen kịt, chả ra dáng chả cuốn chút nào. Gỏi cá cũng có nhưng thái dày bình bịch, chả khác gì đem sắt cá Maguro ra mà ăn sống. Thế mà xung quanh mọi người vừa ăn vừa xuýt xoa khen ngon. Chắc những người này chưa bao giờ được ăn món ăn Êđô chính cống đâu.
Những bình rượu hâm nóng được chuyền tay nhau. Không khí trở nên náo nhiệt. Hề Trống xun xoe đến trước mặt ông hiệu trưởng chạm cốc. Cái thằng đến ghét. Anh Bí Đỏ lần lượt đi chuốc rượu mọi người. Chắc anh ta định đi vòng cả một lượt chăng. Thật là cực nhọc. Đến trước mặt tôi, anh ta sửa sang lại ống quần Hakama cho ngay ngắn rồi: “Nào, xin anh một cốc.” Mặc dù mặc quần Âu khó ngồi quỳ, tôi cũng phải quỳ ngay ngắn lại, chuốc rượu cho anh. Tôi bảo:
- Chúng ta mới gặp nhau đã phải chia tay ngay, tiếc quá nhỉ! Bao giờ thì anh lên đường? Tôi sẽ đi tiễn anh đến tận bến đò. Bí Đỏ vội vã từ chối:
- Ấy chết, anh còn bận công việc, không dám làm phiền anh thế đâu.
Mặc kệ anh ấy từ chối. Tôi vẫn nhất quyết sẽ nghỉ dạy để đi tiễn anh ấy.
Khoảng một tiếng đồng hồ trôi qua. Các mâm tiệc đã nhốn nháo, nhộn nhạo. Một vài người đã bắt đầu lè nhè: “Nào, một cốc nữa... Tôi định chuốc rượu cho...” Cảm thấy vô vị, tôi đứng lên đi giải và ra ngoài sân. Đang đứng trong mảnh vườn kiểu cổ, đầy ánh sao thì Nhím đến cạnh tôi hỏi với vẻ tự phụ:
- Thế nào, lời phát biểu của tôi vừa xong được không?
- Rất tán thành, nhưng có một chỗ tôi không đồng ý. Tôi nói.
- Anh không đồng ý chỗ nào?
- Anh nói là ờ No-be-ô-ka không có những kẻ đạo đức giả, dùng bề ngoài tốt đẹp để lừa dối mọi người... phải thế không?

- Ừ.
- Nếu chỉ nói kẻ đạo đức giả không thôi chưa đủ.
- Thế thì nói thế nào?
- Phải nói là “dù là kẻ đạo mạo hay thằng lừa đảo, dù là thằng cha ảo thuật hay kẻ đội lốt mèo, dù thằng cha đi bán rong cao đan hoàn tán hay con chồn bay, thằng cảnh sát... thằng nào mà sủa oăng oẳng thì đều như chó cả”(*). Phải nói như thế mới đủ.
(*) Lời của một bài tanka.
- Tôi không có tài nói như vậy. Cậu có vẻ mồm mép dẻo đấy chứ. Cậu biết bao nhiêu những ngôn từ búa bổ, vậy mà lại không có tài hùng biện thì lạ thật.
- Lạ cái gì mà lạ. Đấy là những từ ngữ tôi thu nhặt để dành dùng khi cãi nhau. Còn khi diễn thuyết thì nó lại không bật ra.
- Ra thế đấy. Nhưng mà cậu chả nói liến thoắng đấy là gì? Cậu thử nói lại một lần nữa xem nào.
- Được thôi. Tôi sẽ nói mấy lần cũng được: Dù là kẻ đạo đức, dù là thằng lừa đảo, dù là thằng ảo thuật...
Tôi đang nói thì trong hành lang nghe có tiếng bước chân thậm thịch rồi có hai người lảo đảo chạy ra.
- Hai người làm gì ở đây thế này... không được... sao lại bỏ trốn như thế, không được. Tôi còn ở đây thì tôi không cho ai trốn đâu... Nào, uống đi. Người làm ảo thuật à? Hay đấy. Người làm ảo thuật, rất hay... nào uống đi...
Hai người vừa nói vừa túm lấy tôi và Nhím kéo xềnh xệch. Thực ra họ ra đây là định đi giải, nhưng vì say nên quên mất ý định ban đầu mà quay ra lôi kéo bọn tôi. Những người say là thế. Họ tự nghĩ ra chuyện, nhưng rồi lại quên ngay.
- Nào, các vị, tôi đã tóm được anh chàng làm ảo thuật đây rồi. Hãy bắt anh ta uống nhiều, thật nhiều cho đến khi anh ta bảo “được rồi” đi!
Mặc dù tôi chẳng có ý định trốn gì cả nhưng họ vẫn ghì tôi vào tường. Tôi đưa mắt nhìn khắp lượt, chả thấy mâm nào còn khá đồ ăn. Thậm chí có người chén sạch phần của mình rồi, chạy sang mâm cách đấy năm, sáu ghế để ăn tiếp. Ông hiệu trưởng đã về từ bao giờ, không thấy nữa.
Vừa lúc đó có ba bốn cô kĩ nữ đi vào, líu ríu hỏi: “Đâu, chỗ nào? Chỗ này à?” Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn còn đang bị ấn vào tường nên chỉ im lặng ngó nhìn. Lập tức, Áo Đỏ vẫn ngồi dựa cột từ nãy đến giờ, bỗng đứng phắt dậy, định đi ra. Vừa vặn, hắn va phải một cô đang đi vào, cả hai cười, chào nhau. Cô này trẻ và xinh nhất trong cả bọn. Tôi đứng xa nên không nghe thấy tiếng, nhưng tôi nghĩ là họ chào nhau những câu thường lệ như “chào thầy”, “chào cô” chẳng hạn. Áo Đỏ làm bộ tỉnh bơ, đi thẳng ra rồi không thấy quay lại nữa. Có lẽ hắn đuổi theo ông hiệu trưởng rồi về rồi chăng?!
Các cô kĩ nữ xuất hiện, lập tức tất cả sôi nổi hẳn lên. Tưởng như tất cả đều đồng thanh hát hò cùng với tiếng đàn vậy. Có chỗ thì chơi trò “tập tầm vông”, xòe tay ra nắm tay vào rồi hò hét y như là luyện kiếm thuật ngồi vậy. Có chỗ thì chơi “oản tù tì”, vung tay một cách say sưa đến nỗi những con rối của gánh hát Dac-cơ chắc cũng thua tài. Góc đằng kia thì hét “rót đi, rót đi...” tay thì quơ quơ tìm cút rượu, miệng thì la rượu... rượu... Chỗ nào cũng ầm ĩ, điếc cả tai. Trong khi đó, chỉ có anh Bí Đỏ uể oải ngồi cúi đầu suy nghĩ, vẻ chán chường. Thì ra họ tổ chức liên hoan tiễn mình chẳng phải vì họ lưu luyến khi mình ra đi, mà chẳng qua để họ uống rượu, vui chơi với nhau cho thỏa thích và mặc ình đau khổ, buồn chán một mình. Tiễn như thế này thà đừng tiễn còn hơn.
Một lúc sau tất cả lại rống lên, hát lạc cả giọng. Một cô kĩ nữ ôm đàn sha-mi-sen đến trước mặt tôi mời: “Anh hát một bài gì đi.” Tôi bảo: “Tôi không hát, cô hát đi.” Cô ta liền hát:
Này chiêng này trống
Này San-taro đứa trẻ lạc nhà
Đứa trẻ lạc nhà
Bung bung... cheng cheng...
Vỗ nhịp vòng quanh
Có gặp ai chăng
Chính là tôi đây
Này chiêng này trống
Bung bung... cheng cheng...
Cô ta hát liền hai hơi rồi kêu mệt quá. Rõ khéo! Mệt thì sao không chọn cái việc không mệt mà làm. Hề Trống đã mò đến ngồi bên cạnh từ lúc nào. vẫn cái giọng phường chèo muôn thuở hắn nói:
- Em Su-zu hôm nay đến đây, tưởng gặp được người muốn gặp. Ai ngờ người ấy lại về mất rồi. Tội nghiệp quá.
Cô gái vênh mặt quay đi:
- Không biết.
Hắn vẫn không chịu thôi, tiếp tục bắt chước cái giọng tuồng múa rối nói nghe rất khó chịu:
- Thì thỉnh thoảng cũng vẫn gặp đó mà.

Cô gái lấy tay vỗ đét một cái vào đùi Hề Trống:
- Thôi đi mà!
Hắn sướng run, cười tít cả mắt.
Đây chính là cô gái đã chào Áo Đỏ ban nãy. Mới chỉ được cô gái vỗ vào đùi, Hề Trống đã lấy làm sung sướng lắm. Hắn bảo:
- Em Su-zu, anh sẽ múa điệu Ki-no-ku-ni, em gảy đàn đi. Xem ra hắn còn muốn nhảy múa nhiều hơn thế nữa.
Phía đằng kia, cụ già Hán học, miệng không còn răng đang móm mém hỏi một cô kĩ nữ:
- Ôi! Không nghe rõ. Anh Den-be-e, giữa em và anh... Đến chỗ này thì được rồi, rồi sao nữa? Cụ già có tính đãng trí, cứ hát xong lại quên ngay. Một cô khác túm được ông thầy dạy tự nhiên học:
- Dạo này sao không thấy đến? À, được rồi đây, gảy thử xem nhé. Nghe đây này...
Cô gái này đầu búi tóc theo mốt đang thịnh hành, có buộc giải nơ trắng, tay gảy Mandolin, miệng liến thoắng hát bằng tiếng Anh khá sõi bài “I am glad to see you”. Ông thầy nhiên học có vẻ thán phục lắm: “Chà, hay thật! Bài hát có tiếng Anh đấy.”
Nhím gọi ầm lên như thằng rồ:
- Cô đào ơi, cô đào ơi, gảy đàn đi để tôi múa kiếm nào.
Giọng ra lệnh quá thô bạo làm cho cô kĩ nữ ớ ra không biết trả lời làm sao. Nhím tự mình vác gậy nhảy vào giữa phòng, vừa múa vừa làm trò, miệng ngân nga:
- Khói lửa mịt mùng, vượt qua vùng thiên sơn vạn nhạc có...
Trong khi đó thì Hề Trống đã hát xong nào là “Ki-no-ku-ni”, rồi nhảy “Kappore”, rồi lại hát “Ông phỗng tuyết trên giá”, rồi cởi hết chỉ còn một manh khố Et-tsú, rồi ôm chổi lông đi quét, rồi đến “cuộc đàm phán Nhật Thanh” bị vỡ... hắn nhảy nhót khắp phòng y như một thằng điên.
Tôi thấy anh Bí Đỏ từ nãy đến giờ vẫn nghiêm trang với bộ quần áo Ha-ka-ma, như bị trói một cách khổ sở, trông rất tội nghiệp. Làm quái gì phải trịnh trọng như thế nhỉ?! Mang tiếng là họ liên hoan để tiễn biệt mình mà họ đi múa cả điệu đóng khố cởi trần như vậy, trong khi mình thì mặc lễ phục. Tôi nghĩ thế và đến gần anh rủ:
- Anh Ko-ga, ta về đi.
Nghe thế anh ta bảo:
- Hôm nay liên hoan tiễn tôi, tôi về trước e không phải phép. Xin anh cứ tự nhiên.
Nói xong anh ta lại ngồi yên, có vẻ như không dám ngọ nguậy. Tôi lại giục:
- Cứ về đi, không sao đâu. Liên hoan chia tay gì thì phải cho nó ra chia tay chứ. Đằng này, anh xem xem, như là hội điên ấy. Thôi, đi về đi.
Tôi cố tình lôi kéo anh ta về. Vừa ra đến cửa thì Hề Trống ôm chổi lông đến huơ huơ trước mặt hai chúng tôi:
- Chà, chủ nhân mà lại bỏ về trước thế này, tệ quá đấy. Đúng là cuộc đàm phán Nhật Thanh đây. Tôi sẽ không cho về đâu.
Nói rồi hắn cầm ngang cây chổi chắn lối, không cho đi.
- Đàm phán Nhật Thanh à? Nếu thế thì mày là Tàu phỉ chứ gì?
Tôi đã sẵn lộn tiết từ ban nãy, liền giơ thẳng nắm đấm, dọi cho hắn một quả vào đầu.
Bị bất ngờ quá, Hề Trống ngớ ra đến vài ba giây, không còn hiểu ra làm sao nữa. Sau khi định thần lại, hắn mới bắt đầu:
- Ôi, thế này thì quá đáng quá! Nện nhau thế này thì thật là ác quá. Đánh Yo-shi-ka-wa là không có được đâu. Phải tiếp tục Nhật Thanh đàm phán thôi...
Trong lúc hắn cứ lải nhải chắp nối câu nọ vào câu kia, chẳng hiểu nghĩa lí gì như thế thì Nhím tưởng là sắp xảy ra chuyện gì ghê gớm, vội ngừng múa kiếm, chạy lại. Thấy cảnh không ngoạn mục này, Nhím liền túm gáy Hề Trống kéo giật lại.
- Nhật Thanh... Ối đau, đau! Đây đúng là một sự hành hung thô bạo...
Hề Trống vặn người, quay lại rồi đổ uỳnh xuống sàn.
Sau đó chẳng hiểu rồi thế nào. Tôi và anh Bí Đỏ về đến giữa đường thì chia tay nhau. Tôi về đến nhà đã quá mười một giờ đêm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui