Khi người ta đã sợ thì nhiều trường hợp khác nhau nhưng tâm trạng lại giống nhau.
Tên đánh xe này cũng thế.
Hồi mới thót lên xe và cho đến khi đi vào truông tối, chẳng những hắn không sợ sệt gì mà lại còn vô cùng tin tưởng.
Hắn đã nghe danh tiếng của Đào Đại Gia, hắn đã thấy con người dáng dấp oai hùng, bằng vào cái nghe, cái thấy đó, hắn coi mọi sự nguy hiểm trên đời này chỉ bằng một hạt tiêu.
Đừng nói con đường truông này, mà cho dầu cần phải đi vào chỗ miệng cọp hang hùm, phải đi và chỗ thiên quân vạn mã, giươm giáo dăng trời, hắn cũng coi chẳng vào đâu.
Thế nhưng bây giờ khi vào đến giữa truông rồi, tâm trạng của hắn bỗng thay đổi hẳn.
Trời tối ngửa bàn tay không thấy, bốn phía tối bưng bưng.
Giữa đường truông, hai bên rừng sâu thăm thẳm, không có một tiếng động, không nghe thấy tiếng chim kêu mà cũng không nghe thấy tiếng cọp gầm, tên đánh xe bỗng có cảm giác như đi vào đất chết.
Thật là tai hại, đang lúc sợ sệt mà trong ý nghĩ lại len vào tiếng chết, chỉ mới nghĩ đến “đất chết” không thôi là y như bao nhiêu cơn lạnh mùa đông chạy tuốt vào xương sống, luồn thẳng đến óc hắn, thân hình hắn bỗng co rúm lại...
Cũng may nhờ hắn ngồi sâu vào hiên xe, chiếc xe còn có tay vịn, nếu không chắc hắn sẽ bị lăn nhào xuống đất.
Đúng như Đào Đại Gia vừa nói, đã không thể dừng ngang giữa truông được thì phải đi luôn chớ không lẽ quay trở lại?
Nhưng nếu đi tới trong hoàn cảnh như thế này...
Bốn bên bóng tối như ép lại, xe vẫn lăn bánh nhưng hình như không còn có đường đi...
Bất cứ một tai họa nào cũng đều có thể xảy ra, bây giờ thì không nghe thấy tiếng động nào, nhưng bất cứ một tiếng động nào cũng có thể dẫn tới chết chóc.
Tên đánh xe lại càng bủn rủn khi nghĩ đến chết chóc.
Hắn nghĩ lung tung, hắn nghĩ đủ mọi việc, nhưng toàn là việc kinh khủng chớ không khi nào nghĩ đến chuyện sẽ yên lành ra khỏi con đường truông này cả.
Bây giờ thì hắn rất mong có một tiếng động, tiếng động gì cũng được, có thể tiếng động của một con chim đập cánh, có thể là một tiếng động của một con chồn ăn đêm bước gảy cảnh khô, cũng có thể là tiếng động của... cọp gầm, hắn cũng rất sợ cọp, nhưng nếu nghe tiếng gầm thì vẫn có thể kịp thời để tránh né, hơn là im lìm như... đất chết bây giờ.
Hắn thấy cái gì xảy ra cũng đều có thể chết được, từ một thân cây đốn gốc làm bẫy xập, chỉ cần có người chặt đứt sợi giây giữ thân cây thì cả cỗ xe, cả con ngựa và hai người trên cỗ xe này đều bị đè dập như một đống thịt.
Có thể người ta không làm cách đó mà người ta chôn thứ thuốc bắn đá và một khối đá dựa đường, người ta canh cài ngòi dẫn hỏa, khi cỗ xe vừa tới thì tiếng nổ phát lên...
Hắn nghĩ có một cách đơn giản hơn cả là người ta đào sẵn một cái hầm giữa đường, bây giờ trời tối đen như mực như thế này, thì họ không cần phải ngụy trang bằng lớp đất mỏng gì cả, người ta cứ để trống như những cái hầm đổ rác là cả xe cả ngựa cả người sẽ lọt tuốt xuống hầm sâu, chỉ cần năm ba cây chông bằng gốc tre già dựng phơ phèo cũng đủ giết cả ngựa lẩn người...
Nghĩ đến cây chông bằng gốc tre già là hắn càng rung hơn nữa.
Gốc tre chừng bốn năm mùa, trong ruột đỏ au, rựa búa lôi thôi chặt vào là nháng lửa. Thứ gốc tre đó, người ta chẻ nhỏ chừng bằng ngón chân cái, đầu nức ba cạnh...
Hắn lại rùng mình.
Hắn đã chứng kiến người Thượng Du bẫy heo rừng một bận, con heo thật dữ, phá hại cả trăm mẫu rẩy, những tay thợ săn “ba phát ba trúng”, những con chó săn cao lớn cũng đều phải chịu thua, nhưng khi con heo bị sụp xuống “hầm chông” thì nó chỉ rống lên mấy tiếng rồi tắt thở...
Những ngọn chông gảy sát vào da, chỉ có cách xẻ thịt ra mới mong lấy được...
“Hầm Chông”, hắn chỉ nghĩ thầm trong bụng mà nghe in như ai đó thét vào tai hắn thật lớn...
“Hầm Chông”!
* * * * *
Một tiếng thét thật lớn.
Tiếp theo đó là một cái... ào.
Cỗ xe sụp tuốt xuống hầm.
Nhưng không phải hầm chông...
Đó là một cái hầm trống, nhưng thật sâu và khi cỗ xe lọt xuống thì một màn lưới bằng giây gai cũng đã chụp xuống theo.
Tên đánh xe hồn phi phách tán, hắn vừa ngoái cổ dòm lên thì thấy một bóng người từ xa xẹt tới như chim én.
Đào Đại Gia kêu nho nhỏ :
- Yến Tử Xuyên Liêm!
* * * * *
Bất cứ sau một con đường lớn trong một thị trấn nào cũng đều có khu nhà đông đúc. Gần ngoài đường là những ngôi nhà khang trang, nơi nào cũng có vòng tường riêng biệt, bên trong những vòng tường đó là tòa nhà, tự nhiên tòa nhà thì dầu lớn cách mấy cũng có chừng mực, nhưng khu đất thì thật rộng, ngoài khu vườn hoa, tiền viện, hậu viện, gần chân tường còn những khoảng đất bỏ trống, có thể cất bốn giải nhà cho hàng trăm người ở cũng còn thừa.
Ngược lại với bên ngoài, đi sâu vào trong là khu nhà đông đảo hơn, chen kín mít vào nhau, đó là khu nhà của bần dân.
Đất ít người đông, họ cất sát vào nhau, chỉ chừa những con đường nhỏ, gánh một cái gánh mà thúng lớn là phải đụng, thêm vào đó, gặp mùa mưa là nước ngập đến ống chân.
Những con đường chằng chịt đó, nhiều khi lại sát vào mái hiên nhà, có khi sàn trước của nhà này lại là cái sân của nhà khác, họ chui rúc như ổ chuột...
Hình như không một nơi nào có một thứ giống nhau, ở vào khu nhà lụp xụp như thế, nhưng thỉnh thoảng người ta vẫn thấy mọc lên một vài ngôi nhà khá lớn, khá đẹp, tự nhiên khi một ngôi nhà mọc lên “lạc lỏng” như thế, thì chính nó đã có sự cách biệt với chung quanh.
Về phía đông khu dân cư lụp xụp này, có một ngôi nhà như thế.
Thỉnh thoảng người ta thấy một cô gái hé cổng đi ra ngoài, có lẽ đó là cô tớ gái của chủ ngôi nhà đó, cô ta mua một ít thứ cần dùng rồi lại thụt mất vào trong, cánh cổng sắt kiên cố cách biệt hẳn với bên ngoài.
Chủ nhà là hạng người nào, chung quanh cũng không hề biết.
Giữa một khu nhà lụp xụp, bỗng có một tòa nhà “kín cổng” như thế, ban đầu chắc người ta cũng tò mò, nhưng riết rồi cũng không ai buồn để ý.
Người ta lo chén cơm manh áo, chớ hơi đâu cứ đi để ý vào chuyện của thiên hạ làm chi, nhất là “thiên hạ” có vòng tường, có vườn hoa, có cổng kín, mà cũng không động chạm đến ai thì cũng không ai mắc mớ gì “điều tra” cho mệt xác.
Tuy nhiên cũng có nhiều kẻ... đoán mò, người ta cho đó là một vị khoa bảng hồi hưu, “bế môn tạ khách” để an dưỡng tuổi xế chiều, cũng có người cho rằng một phú hộ nào đó lập “phòng hai”, để thỉnh thoảng về đây “đổi món”...
Cũng có người cho rằng chủ nhân ngôi nhà đó là bậc đã “khám phá hồng trần”
nhưng không muốn vào chùa, nên chọn một ngôi nhà an tịnh để độ xác phàm cho đến khi hết kiếp...
Nhiều lắm, họ đoán như thế này, như thế nọ, nhưng toàn là đoán tốt, không một ai nghĩ ngôi nhà đó có chuyện... bất lương, vì rồi, không hề xảy ra một chuyện gì phiền hà cho hàng xóm cả.
Những khu xóm dân nghèo thường là thế, họ vốn là lương thiện, họ có sẵn tâm niệm là đừng ai động đến mình là mình cũng vậy. Họ chỉ sợ người gây sự chứ họ không hề gây sự với ai. Nhưng nếu ai có dịp lẻn vào dòm thấy trong tòa nhà đó, nhất định là người ta... bật ngửa.
Khu vườn không rộng lắm, nhưng cây cối um tùm, cố nhiên không phải là cây rừng mà toàn là cây ăn trái, bên trong ngôi nhà đóng cửa im lìm, không thấy bóng người.
Phía trước có hai lớp cửa, cửa cây nhưng rất kiên cố, vách gổ được làm bằng một thứ gổ thật dầy, khoan sắt, song cửa cũng bằng sắt.
Nhà không có hành lang, lên thềm là cửa cách khoảng như hành lang, bên trong lại có một cửa nữa, cả hai lớp cửa không hề mở ra lần nào, ngày ngày tháng tháng đóng khít rim.
Qua khỏi hai lớp cửa ngoài là phòng khách, qua khỏi phòng khách lại là một lớp cửa nữa, bên trong là phòng ngủ, qua khỏi phòng ngủ lại thêm một lớp cửa và cuối cùng là phòng nấu ăn.
Gian dành để nấu ăn có một cái sân lộ thiên, vừa làm sàn nước mà cũng vừa để phơi y phục, nhưng bên trên không phải để trống như những sân lộ thiên khác, trên đó có một tấm lưới sắt cọng lớn bằng cổ tay và lỗ lưới thì không thể thò tay vào lọt.
Tấm lưới sắt đó chỉ khi nào trèo lên mới thấy, vì nó được khuyết dưới đầu tường.
Từ nhà bếp ra sân lộ thiên có một cánh cửa cũng bằng gổ nặng, qua khỏi sân lộ thiên lại có một cánh cửa nữa, cánh cửa này cũng kiên cố lắm, bên sau cánh cửa đó là gian phòng chất củi, bên ngoài lại có một cánh cửa dầy.
Người con gái mà người ta nghi là cô tớ gái của nhà này, thỉnh thoảng đi ra bằng ngỏ cửa nhà để củi, mỗi khi ra, cô ta khóa trái bằng một ống khóa thật to, khi vào thì song cửa sắt được gài vào then cẩn thận.
Từ nhà sau lên nhà trước, chỉ có mỗi một người: người con gái đó.
Người con gái đó là Đào Liễu.
Nàng được Trương Dị đưa về ở đó, ngoài Trương Dị thỉnh thoảng đi về, nàng không thấy một người nào khác.
Đáng lý cô ta đã hỏi :
- Nhà này là nhà ai? Ở đây đến bao lâu? Và sau đó là đi về Cẩm Tú sơn trang hay là tìm gặp Thư Hương?
Đáng lý còn nhiều câu hỏi khác nữa, nhưng nàng không hỏi.
Vì Trương Dị không bao giờ ở đây lâu, có chuyện hắn mới về, cô ta chỉ ra khỏi gian nhà này một lần là khi Trương Hảo Nhi âm mưu làm đám cưới Thư Hương với Lữ Ngọc Hồ giả, rồi sau đó, khi đến sòng bạc của Kim Râu là nàng lại trở về đây.
Khi mới bước vào nhà này, Trương Dị đã dặn ngay: “Khi cần mua sắm cái gì thì đi thật nhanh, càng ít đi càng tốt và cứ ở đó đợi hắn”.
Chính vì thế mà nàng không hỏi.
Nàng biết không cần phải hỏi, khi cần thì Trương Dị sẽ nói ngay, khi chưa cần, hỏi hắn vô ích, vì hắn rất ít nói chuyện với cô ta.
Không hiểu tại sao, gặp mặt Trương Dị là cô ta tin tưởng hắn vô cùng, mặc dầu hắn không có mặt ở đây, nhưng nàng biết chắc rằng chỗ này rất vững, ngoài sự xắp xếp của Trương Dị, lại còn mấy lớp cửa quá kiên cố, trừ khi ra ngoài mua đồ, ở trong nhà cô ta cảm thấy không ai làm gì được cả.
Vì thế mà cô ta rất ít đi ra.
Nhưng cô bé Đào Liễu không hề biết rằng những lớp cửa đó kiên cố thật, có thể dùng búa đập cũng khó mà vỡ nổi nhưng vẫn có người mở được, mở một cách dễ dàng mà nàng không hay biết.
Vì cô ta chưa nghe danh một nhân vật phi thường.
Nói phi thường không phải vì võ công quá giỏi, mà là phi thường về nghề... mở cửa.
Người đó là Thập Tam Chích Thủ.
Cái danh hiệu đó không phải bạn bè tặng mà chính hắn tự xưng.
Hắn bảo rằng hắn có thấy một tượng phật mười hai tay, người ta giải thích thật nhiều, hắn không nhớ rõ, nhưng mang máng hắn biết mười hai tay của ông phật đó tạo dùng để... quảng độ chúng sanh.
Hắn bảo hắn cũng có làm chuyện quảng độ chúng sanh, không phải nhiều hay ít, nhưng hắn quả quyết là hắn làm nhiều hơn phật, vì hắn chưa thấy phật làm như hắn.
Hắn bảo như thế cũng chưa đủ, vì mười hai cánh tay hắn lo “quảng độ chúng sanh” nhưng nếu chỉ thế thôi thì hắn không có... vốn. Và vì thế cho nên hắn cần thêm một cánh tay nữa, cánh tay này chuyên dùng để kiếm “vốn” bằng cách... mở cửa nhà giàu.
Do đó hắn tự xưng là Thập Tam Chích Thủ.
Thông thường lối tự xưng người ta hay quá lố, nhưng với Thập Tam Chích Thủ thì đúng là danh bất hư truyền.
Có người bảo rằng hắn tự xưng như thế vẫn còn là khiêm tốn.
Đối với bạn bè, mỗi khi nghe Thập Tam Chích Thủ định đột nhập vào một chỗ nào thì không một ai bàn đến chuyện khó hay dễ, vì với hắn thì không có vấn đề khó dễ, chỉ có chuyện hắn muốn làm hay không thế thôi.
Nếu Đào Liễu mà biết được về Thập Tam Chích Thủ thì chắc chắn cô ta không còn đem ỷ vào cái kiên cố của ngôi nhà này nữa.
Vì đối với những lớp cửa của ngôi nhà này, có thể là bất khả xâm phạm đối với tất cả thiên hạ, nhưng với Thập Tam Chích Thủ thì y như bỏ ngỏ.
Hắn vào nhà không có một tiếng động nào.
Không, nói không có tiếng động thì không đúng, phải nói là Đào Liễu có nghe tiếng “chuột chạy”, nàng nghe một tiếng thật nhỏ phía phòng khách nhưng khi nàng vừa quay lại thì không còn lên tiếng kịp.
Thật sự thì cô ta cũng không nhìn rõ con người đó, cô ta chỉ thấy một cánh tay và sau đó là bất tỉnh...
* * * * *
Trừ trường hợp phải nuốt sâu độc, chớ chuyện sâu bò trên mình thì chưa ai chết bao giờ.
Thế nhưng một trăm người, chưa nghe có người nào dám nói là chẳng sợ sâu.
Nhất là những cô gái, mười người sợ đến mười một.
Đào Liễu tỉnh dậy là thấy hai vật.
Cả hai vật đều có thể làm cho nàng có thể chết giấc trở lại như chơi.
Thứ nhất là Vương đại nương.
Vừa thấy Vương đại nương là Đào Liễu muốn nhắm ngay mắt lại.
Nếu nói bộ mặt quỷ là đáng sợ, cô ta vẫn bằng lòng thấy quỷ hơn là thấy cái bộ mặt xinh đẹp của con quỷ sống Vương đại nương.
Hắn cười thật dịu, thật đẹp, thật hiền, nhưng dưới con mắt của Đào Liễu, cái cười của Vương đại nương, cái hàm răng như ngọc đó có ló ra bốn cái nanh nhọn hoắc.
Cô ta định nhắm mắt lại nhưng không nhắm được, vì ngay đó là cô ta nhìn thấy vật thứ hai.
Đó là một cái thùng, bốn bên bằng thứ lưới mành mành, đầy nhóc một thùng...
sâu.
Những con sâu rọm bằng ngón tay cái, dài gần một gang tay xà nẹo với nhau thành từng cục dồn ngổn.
Sợ Vương đại nương thật, sợ đến mức Đào Liễu muốn nhắm ngay mắt lại chớ không dám nhìn, nhưng với thứ sâu này thì cô ta không còn sức để mà nhắm mắt, vì thế, cô ta thấy hết sức rõ ràng...
Chùm lông chôm chổm trên lưng sâu cố nhiên là đã rùng mình rồi, nhưng cái ghê gớm hơn hết là dưới bụng, không biết đó là chân hay vú, từng ngấn từng ngấn trăng trắng xanh xanh...
Bao nhiêu nước miếng trong miệng của Đào Liễu vùng khô khốc, toàn thân cô ta nổi gai tê buốt, hơi lạnh chạy từ dưới xương mông lên tới óc, mắt trợn trừng và quai hàm như tréo lại.
Vương đại nương cười thật dịu :
- Đừng sợ, kể ra thì cái đồ ôn dịch đó bò trên mình cũng nhột lắm, vậy mà em nghĩ coi, ở đây có những đứa em nhỏ kỳ cục lắm, dạy dỗ nó không chịu nghe, năn nỉ ỉ ôi cách gì cũng nhất định cải lại, trách mắng la rầy gì cũng không được, vậy mà cứ cởi quần áo ra cho chừng vài chục con sâu bò lên mình là nói cái gì cũng nghe lời răm rắp!
“Hắn” cười cười và nói tiếp :
- Em nghĩ coi; mắm không ngon, mắm để nêm canh, gia dục không lành thì chị em mình đóng cửa dạy nhau. Nói ráo nước miếng cũng không nghe, càng nói, chị càng tức muốn chết, chị em thương nhau hết tình dạy dỗ lại không chịu nghe, thế mà sâu nó dạy thì nghe, tức không?
Đào Liễu líu lưỡi, cô ta bỗng nghe từ dưới ruột cuộn lên phát ói...
Vương đại nương nói tiếp :
- Nhưng đâu phải toàn là cái thứ mất dạy như vậy, một trăm đứa mới có một đứa không ra gì, ngay như em nè, nhớ không? Lần trước chị thấy là biết ngay, chị đâu có ép em làm chuyện gì đâu, đã không ép mà chị còn gởi em vào chỗ sung sướng...
Đào Liễu chợt nghe hơi lạ.
Khi thấy Vương đại nương, khi thấy giỏ sâu lúc ngúc là cô ta nghĩ ngay đến chuyện bắt ép “hành nghề” đối với một người chứa điếm thì có chuyện gì ngoài chuyện ấy?
Thế nhưng câu nói vừa rồi của Vương đại nương làm cho cô ta động tánh tò mò.
Cô ta hỏi bằng một giọng như đớ lưỡi :
- Làm... làm gì? Ô... bà bảo tôi làm gì?
Vương đại nương cười :
- Bộ em tưởng chị đưa em về đây là bảo em tiếp khách à? Đâu phải, ở trong nghề mấy chục năm nay em tưởng chị không biết sao? Không có đâu, tùy theo người chớ, chị biết em đâu có thích làm cái nghề đó, mà chị thì thương em mà khi em đã không thích thì chị đâu có ép?
Đào Liễu càng ngạc nhiên.
Tú bà bắt gái tơ về mà không buộc tiếp khách thì không lẽ mời làm... tú bà?
Nàng chớp mắt hỏi :
- Tôi... tôi không... làm cái đó được, ngoài cái đó, bà bảo tôi làm gì tôi cũng chịu, giặt giủ, đổ cứt đổ đái gì cũng được.
Vương đại nương cười :
- Tầm bậy, ai mà bảo em làm cái chuyện cực nhọc như thế? Bây giờ thì em cứ nghỉ đi, nhưng em mà cần làm chuyện rước khách thì chị phải nói ngay, chớ còn em không làm chuyện đó thì có gì mà vội. Chị nói để em yên lòng, không bao giờ chị bảo em làm chuyện đó, chỉ khi nào trong thời gian còn ở đây với chị, mà em phải lòng một người nào, em ngỏ ý thì chị mới gả, bằng không thì thôi. Và khi nào em thấy không muốn ở với chị nữa thì em cứ việc cho chị biết, bao nhiêu công lao của em, chị sẽ tính sòng phẳng và để em đi ngay.
Là một cô gái mà đầu óc không phải tối tăm, làm sao Đào Liễu lại dám tin những lời nói của Vương đại nương? Thế nhưng chỉ cần là không gấp, chỉ cần có thời gian, kéo dài được ngày nào hay ngày nấy, nàng quyết tâm tìm cơ hội...
* * * * *
Thư Hương đâm cáu.
Cái nóng nực nhất của nàng là khám phá đám Hòa thượng “sòng bạc”, tìm cho ra Kim Râu, cần phải xem họ âm mưu gì, tại sao lại có chuyện gày bẫy để vu khống cho Lữ Ngọc Hồ? Vì thế, nàng cứ đòi đến Phàn Âm tự.
Vậy mà Lữ Ngọc Hồ và Trương Dị thì lại cứ suốt ngày uống rượu tán dóc, nói toàn những chuyện không đâu, những chuyện không ăn nhằm gì đến vụ quan trọng đó cả.
Trời đã hết một ngày.
Bây giờ thì hoàng hôn đã bắt đầu phủ xuống.
Trọn ngày nay, tuy tức lắm nhưng Thư Hương đã hạ quyết tâm không thèm nói, nàng nghĩ họ phải lo nhiều về chuyện đó hơn, nhất là Lữ Ngọc Hồ, vấn đề chết sống vốn là của hắn, hắn không nóng lòng thì nàng nóng lòng làm gì cho mệt.
Vậy mà khi hoàng hôn bắt đầu là nàng không làm thinh được nữa, nàng háy mắt và hỏi bằng một giọng ghét cay ghét đắng :
- Bây giờ ăn nhậu không sao?
Trương Dị đáp tỉnh bơ :
- Có công chuyện khác nữa chớ.
Thư Hương hỏi :
- Công chuyện gì?
Trương Dị đáp :
- Nói chuyện.
Thư Hương cắn răng làm thinh.
Giá như đủ sức, nàng sẽ tống cho hắn một đạp rồi kéo xển đầu hắn dậy nhận vô lu nước cho chết luôn, nàng bỏ cả hai ở đó để một mình đến Phàn Âm tự.
Thế nhưng nàng không làm được.
Nàng biết sức mình không làm được.
Thật lâu, nàng cố nuốt giận hỏi :
- Không đến Phàn Âm tự sao?
Trương Dị đáp :
- Đi chớ.
Thư Hương hỏi :
- Bao giờ mới đi?
Trương Dị đáp :
- Khi thấy cần đi thì đi.
Thư Hương thật ói gan, nhưng làm gì họ bây giờ?
Giá như nàng là một cô gái an phận, cứ mặc kệ họ, chừng nào họ muốn đi là đi, không đi thì nàng cứ nằm lún đó ăn rồi ngủ thì có lẽ nàng đỡ tức, thế nhưng nàng lại không phải thứ an phận, nếu nàng là người an phận thì nàng đâu lại bỏ nhà đi hoang như thế?
Và chính vì cái không chịu an phận của nàng nên nàng mới tức.
Cũng may nàng không bị tức lâu, vì sau đó bỗng có tiếng động ngoài tường.
Tiếng động giống như chim mổ kiến ăn đêm.
Trương Dị đứng lên đi ra cửa.
Thư Hương thò đầu dòm theo, nàng thấy bóng một người đứng mút giải hàng lang, đứng ở góc tường phía hậu viện.
Không cần phải đến gần, chỉ cần nhìn thấy cái bóng đen từ mắt cá đến đỉnh đầu, chỉ có hai con mắt y như mắt mèo đêm là nàng biết ngay đó là Thập Tam Chích Thủ.
Nàng định đứng dậy ra theo, nhưng Lữ Ngọc Hồ đã kéo nàng ngồi lại.
Thư Hương trừng mắt :
- Để ra xem họ nói gì.
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Hai con người đó kỳ cục lắm, không nghe chuyện họ được đâu.
Thư Hương hỏi :
- Tại sao vậy?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Không có mình thì họ nói chuyện, nhưng khi có mặt mình hoặc họ làm thinh, họ nói với nhau bằng mắt, hoặc nói những câu mà mình chẳng biết chút nghĩa nào, như thế thì nghe làm gì cho mệt.
Thư Hương cau mặt :
- Nhưng họ đâu phải người gian, chuyện gì phải giấu người ta như thế?
Lữ Ngọc Hồ cười :
- Ai nói họ giấu?
Thư Hương gặn lại :
- Không giấu chớ tại làm sao lại không cho người khác nghe?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Những kẻ gian tự nhiên là giấu, những người ngay không có nghĩa là chuyện gì cũng phải la lên cho thiên hạ biết.
Thư Hương bực dọc :
- Nhưng không cho biết với giấu khác nhau ở chỗ nào?
Lữ Ngọc Hồ đáp :
- Khác rất nhiều, thiên hạ không phải là gian hết, nhưng như vậy không có nghĩa là chuyện gì của thiên hạ cũng phải đều cho cô biết hết.
Thư Hương trừng trừng đôi mắt, nàng giận lắm nhưng nàng cũng chợt nhận ra rằng hắn nói đúng.
Đâu có chuyện chi là không đúng, đâu phải chuyện gì người ta cũng phải mời nàng chứng kiến và lẽ phải đâu có cho phép chuyện gì của người ta nàng cũng cứ xía vô?
Nhất là một người con gái, người con gái không làm ra trò trống gì cả, chuyện gì cũng do thiên hạ đỡ đần, thì làm sao cứ đòi nghe chuyện của người ta?
Biết rõ như thế, hiểu một cách chính chắn như thế, vậy mà nàng vẫn tức.
Hình như nàng tức vì thái độ của bọn Trương Dị, hình như họ xem nàng y như...
con nít.
Càng tức, nàng càng muốn biết chuyện của họ, càng muốn biết nàng càng muốn nghe và vì muốn như thế cho nên nàng cảm thấy họ đều là một bọn người... vô lý.
Giá như còn thì giờ để nghĩ... kéo dài hơn chút nữa thì chắc Thư Hương đã la lối lên rồi, nhưng may là khi đó thì Trương Dị trở vô.
Hắn đã trở vô nhưng chỉ có một mình, không thấy Thập Tam Chích Thủ.
Và bây giờ, hắn bỗng đâm ra... mau mắn, vừa bước vô là hắn nói ngay :
- Đi, mình có thể đến Phàn Âm tự được rồi.
Lữ Ngọc Hồ không hỏi nửa tiếng, hắn lẳng lặng đứng lên, hình như hắn đặt cả niềm tin vào Trương Dị, hắn không có vẻ gì băn khoăn cả.
Nhưng với Thư Hương thì không thế, nàng vẫn thấy khó chịu, nàng bỗng muốn cự nự với Lữ Ngọc Hồ, nàng bỗng xem hắn không ra gì cả, nàng muốn hỏi một câu: “tại sao không hỏi Trương Dị? Chẳng lẽ hắn bảo ăn cứt cũng ăn sao?” Nhưng nàng lại thấy hỏi cũng vô ích, nàng đành phải hậm hực đứng lên theo họ...
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...